ã hai hôm liền Cảnh không ngủ nhà, và cũng hai hôm liền, ông Thiện không đá động gì đến chàng và con gái nữa. Hầu như ông quên hẳn chàng đi. Hầu như có bao nhiêu lời tức giận, tàn nhẫn ông đã trút cả lên đầu con trai và nhờ đó ông đã hả lòng, ông đã bình tĩnh lại. Sự thực thì tâm hồn ông đương bị nung nấu. Yên lặng là cái triệu chứng của đau khổ, đau khổ ngấm ngầm không thể thú với ai được.Mà ông tức giận, ông tàn nhẫn, ông đau khổ, không phải vì Cảnh đã bán mất của ông một biệt thự ở Sầm Sơn mua đứng tên chàng. Đó chỉ là một cớ để ông nổi được thịnh nộ, để ông biểu lộ được sự căm tức bấy lâu bị nén ở trong lòng. Cái cớ đau khổ của ông sâu xa hơn và ông nhận thấy rõ từ khi Cảnh bỏ nhà ra đi, ông cảm thấy ông nhớ con thương con.Cảnh là người con ông yêu nhất. Không phải vì Cảnh là trai và những con khác đều là gái; vẫn biết ông không tránh được chỗ thường tình của xã hội trưởng giả, yêu con vì con làm danh giá cho mình, cho nhà mình. Có một người con tuấn tú đậu cử nhân luật, đó là một hãnh diện ở đời. Ông yêu Cảnh cũng có lẽ một phần vì tính tình cha con giống nhau, và vì hai người cùng có những thị hiếu mãnh liệt như nhau. Nhưng ông yêu Cảnh nhất vì một sự hấp dẫn tự nhiên. Ông yêu Cảnh như yêu một người bạn thân, lần đầu thoáng gặp nhau là yêu nhau liền.Thế mà người bạn thân ấy bây giờ ông phải ghét, ghét thực sự, ghét sâu xa không thể tưởng tượng được, ghét như ghét kẻ thù không mong có ngày hòa giải, ông đương chờ dịp để phá tung lòng ghét ngấm ngầm ra thì nay dịp ấy đến. Cảnh bán nhà lấy tiền tiêu.Kể thì ông cũng định tâm, cố ý tìm dịp chứ ông không chờ nó đến. Ông thấy Cảnh tiêu xài quá đáng. Mua ô tô, mua mô tô, ông lại nghe Cảnh mua cả ngựa hàng nghìn bạc. Vậy tiền ở đâu ra? Vay mượn? Ông biết Cảnh có tính tự cao tự đại, không chịu quy lụy đi vay mượn các nơi bà con thân thích bao giờ. Vậy, chỉ còn nguồn độc nhất nữa bán nhà, và ông nghĩ ngay đến biệt thự Sầm Sơn đứng tên Cảnh.Biết chắc thế rồi ông sung sướng. Ông sẽ làm khổ Cảnh, làm khổ một người mà ông coi như một kẻ cừu địch. Khác nào con mèo vờn chuột trước khi cắn nhát quyết liệt.Ông về nhà gặp giữa lúc Cảnh ra đi với cái ô-tô thể thao mới mua. Ông ôn tồn hỏi:- Ở nhà thầy nói chuyện này đã.Cảnh yên lặng lùi ô-tô vào sân, rồi vui vẻ ra tiếp chuyện cha.Ông Thiện đi gần lại chỗ ô tô đậu, thân mật vỗ vai Cảnh hỏi:- Cái xe đẹp lắm, con mua bao nhiêu?- Bẩm xe của anh Đoàn đấy ạ. Đây này, thầy coi.Trên biển đồng quả có khắc dòng tên bác sĩ Nguyễn văn Đoàn. Sự thực thì Cảnh đã nghĩ tới lòng ngờ vực của cha và đã nhờ bạn đứng tên mua hộ.- Đoàn cho con mượn?- Vâng.Ông Thiện mỉm cười, chép miệng:- Con cũng chả nên mượn lâu quá. Nhỡ xảy ra rủi ro sẽ thêm khó nghĩ cho con. Thà là người khác thì đền tiền là xong, chứ đấy là anh vợ chưa cưới của con.Cảnh lạnh lùng:- Vâng, để rồi con giả.- À thầy giữ con lại định để rủ con vào nghỉ mát Sâm Sơn ít bữa. Cảnh hoảng hốt nhưng định thần ngay được.- Vào ngay bây giờ... hơi sớm.- Thầy mệt muốn nghỉ ít bữa.- Bẩm với lại...Ông Thiện sung sướng hỏi dồn:- Sao con? Với lại sao, con?- Bẩm con... trót cho người anh em bạn mượn...- Ồ! Tưởng gì! Cái nhà ấy rộng chán...- Bẩm... người ta ở với gia đình... mình ở chung không tiện.- Thế thì thôi vậy. Ra Đồ Sơn ở khách sạn vậy. Con ra Đồ Sơn với thầy nhé?Cảnh cố giữ lại tiếng thốt ra: Thoát!- Con đi sửa soạn hành lý thôi. Đi ngay chiều nay.Cảnh trầm ngâm:- Hay, hay thầy ra trước. Mai con xin ra. Con hơi bận chút việc.- Cũng được.Ông Thiện lên gác.Ngay chiều hôm ấy tấn kịch bắt đầu. Ông Thiện đi hỏi sở Quản lý văn khế và biết đích xác rằng Cảnh đã bán ngôi biệt thự với một giá rất lời, một vạn sáu. Tuy tức giận mà ông cũng không thể không nghĩ tới điều ấy, và ông tự hỏi: “Sao cần tiền mà nó bán được giá cao thế?”. Tới nhà vào giờ ăn chiều. Oanh đương cùng đầy tớ gái bày bàn. Ông thở dài bảo nàng:- Thằng Cảnh hỏng mất rồi con ạ.Oanh ngơ ngác:- Bẩm...?- Thằng Cảnh sinh ra chơi bời... quá độ... nó đâu con?- Bẩm anh con ở trên gác.Ông Thiện đi thẳng lên gác. Oanh nghe tiếng cha thét mắng ầm ầm, vội chạy lên. Nàng thấy ông Thiện nắm tay đập xuống bàn giấy của Cảnh thình thình và gào:- Mày là một thằng khốn nạn. Một thằng khốn nạn, mày đã biết chưa?Từ sáng, Cảnh lo sợ hiểu rằng cha đương ngờ vực. Bây giờ thấy cha biết cả, chàng lại bình tĩnh hơn. Chàng nghĩ thầm: “Thà thế còn hơn”. Chẳng khác một phạm nhân trốn tránh khổ sở, khi bị bắt tự an ủi: “Thì mình đành chịu tội còn hơn lẩn lút, sợ hãi, chạy lủi như một con thú dữ bị nã”.Sự bình tĩnh của Cảnh khi đứng nghe chửi, Ông Thiện cho là một sự khiêu khích, sự thách thức. Và ông càng cáu, càng giận, đem những câu tàn nhẫn ra nói như tát vào mặt con. Oanh lạy van cha tha tội cho anh. Nàng nói dẫu sao thì việc cũng lỡ rồi, giận dữ thêm mệt người ra vô ích; ông Thiện mắng át cả con gái:- Nó chia cho mày bao nhiêu, hử? Mà mày còn binh nó. Mày bảo đã lỡ, vậy để nó bán hết, để nó phá hết của tao hay sao? Chúng mày phải biết tiền mồ hôi của tao; tao khổ sở làm lụng mới kiếm ra được chứ có phải ông bà để lại cho tao đâu. Chúng mày tưởng kiếm ra tiền dễ lắm hay sao?Ông Thiện nói nhiều nên lòng cũng nguôi dần, nhất lại nói về tiền là vấn đề phụ trong việc khiến ông nổi giận. Nhận thấy lời cha ôn tồn, Cảnh nói chen một câu:- Bẩm thầy, hiện con mới tiêu hết ngót một vạn. Còn sáu nghìn để con nộp thầy, như thế thì thầy cũng chỉ mất nửa số tiền bỏ ra mua nhà.Câu nói ấy khiến ông Thiện đã dìu dịu, lại ầm ầm thét lớn:- Thôi! Còn bao nhiêu đem đi đâu mà tiêu cho hết, đừng hòng nhìn thấy mặt tao nữa. Xéo ngay! Xéo! Oanh! Bảo người nhà tống cổ nó ra khỏi cửa ngay lập tức.Giọng ông lại êm xuống:- Đấy, tiền vốn tao cấp cho đấy. Đi mà kiếm ăn. Mà hưng cơ lập nghiệp. Mày lớn tuổi rồi, gần ba mươi, còn bé bỏng gì mà không lập được thân. Lúc bỏ nhà ra kinh doanh, tao còn kém tuổi mày. Mà tiền vốn lại cũng kém, chỉ vỏn vẻn có một vạn bạc; nay mày có những vạn sáu ấy là tao kể số tiền mày lấy của tao. Còn như mày mua ô tô mà không mua ruộng như tao là lỗi tại mày.Thấy Cảnh trân trân nhìn mình, ông Thiện lại hét:- Đã bảo đi ngay mà lại! Xéo ngay! Đừng ở lại nhà tao một phút nào nữa.Cảnh cúi đầu thong thả bước xuống nhà rồi chàng lái ô tô đi; ông Thiện đứng im như lắng nghe tiếng chân Cảnh trên thang gác, tiếng máy ô tô rú và tiếng lạo xạo dưới bánh cao su. Bỗng ông quay lại nhìn Oanh:- Cả mày nữa, mày cũng cút xuống nhà!Oanh đứng yên, không nhúc nhích, và ông Thiện chợt hối hận, thở dài bảo nàng:- Thầy buồn lắm, con ạ. Có thằng con trai thì hư mất rồi. Thầy vẫn biết con gái hay con trai thầy coi cũng như nhau. Nhưng quá hy vọng vào nó... Thôi nay thì hết, hết hy vọng... Vì thầy coi như không có nó nữa.Oanh bình tĩnh:- Mời thầy xơi cơm.Không nói một lời, ông bước xuống thang gác, vào phòng ăn. Rồi hai cha con ngồi đối diện hai bên bàn, ăn, im lặng và vội vàng.Xong bữa, ông Thiện lên ngay phòng ngủ thay quần áo đi nằm. Tâm ông dần dần tĩnh lại, ông hối hận về ngôn ngữ, cử chỉ hành vi của ông. Ông thương con và lấy làm ngượng với con, người con mà xưa nay ông vẫn vị nể. “Chẳng hiểu rồi nó đi đâu, rồi nó làm gì? Mình cũng quá nóng!... Biết đâu rằng nó lại không buồn phiền quá đến nỗi tự hủy hoại thân thể...”Ông bật lên tiếng cười. Ông cho ý tưởng của ông thực đáng tức cười. Một thiếu niên ham mê chơi bời như Cảnh, trong ví lại còn một số tiền sáu nghìn bạc thì tự tử sao được. Họa chăng trụy lạc. Ông tự trả lời ngay: “Thì nó trụy lạc rồi còn gì!” Tình thương con vụt tan đi. Còn lại lòng khinh bỉ. “Nó có tự tử mình cũng chẳng nên tiếc”.Ý ông nghĩ thế nhưng lòng ông thấy tiếc, tuy cái nạn kia chỉ mới có trong tưởng tượng. Không tiếc sao được! Cảnh là hy vọng của ông, như ông đã nói với con gái ban nãy. Là người nối dòng dõi ông, là người đèn nhang thờ phụng ông sau này. Là người hiện đang làm cho ông hãnh diện, làm tôn giá trị ông trên thương trường và trong gia tộc. Mỗi lần ông về làng, những bà con thân thích đều xúm xít hỏi thăm “cậu cả”. Và biết cậu cả đã đậu cử nhân luật và sẽ làm trạng sư hay xuất chính làm quan thì ai nấy trầm trồ khen ngợi. Hai anh em ruột ông ghen tỵ với ông, thèm muốn địa vị ông một phần lớn cũng vì Cảnh và Oanh hai người con thông minh, học giỏi, nết na của ông.“Nết na! Mỉa mai không? Tin này mà về tới làng thì mình còn ra sao nữa! Thằng con nết na, đốn mạt mất rồi”.Ông thấy ông loanh quanh. Ông thấy ông tự dối ông. Ông thấy ông có tà tâm. Vì cái cớ chính khiến ông khổ sở về Cảnh ông vẫn không dám tự thú. Cái cớ ấy là Hảo. Chỉ có Hảo. Ngoài ra không có gì khác trong giờ này. Cái biệt thự, số tiền vạn sáu! Láo tuốt! Nhưng mỗi lần cái tên Hảo lóe ra tâm tư, ông lại vội tắt đi mà nghĩ lạc sang chuyện khác...Sáng hôm sau, ông Thiện dậy sớm ngồi ngay vào bàn giấy làm việc. Ông ghi số trang, ông cài ghim nhiều tờ vào nhau, biên những cột số dài dằng dặc vào sổ sách.Mười hai giờ trưa, Oanh lên, đứng nấp cửa hé nhìn vào phòng giấy, thấy vẻ mặt cha bình tĩnh, sung sướng nữa, nàng tưởng như đã không xảy ra một tấn kịch gì trong gia đình.Nàng bước vào nói:- Mời thầy xuống xơi cơm.Ông Thiện ôn tồn, thân mật:- Con thư cho thầy nửa giờ nữa, nửa giờ nữa thôi.Nửa giờ sau ông đã thu dọn hết giấy tờ vào tủ và ung dung bước xuống phòng ăn. Hai cha con ăn yên lặng. Không ai nói với ai một câu. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.Bỗng vừa xong bữa, ông Thiện chợt nhớ ra điều gì, hấp tấp ra đi, hấp tấp đến nỗi không kịp bảo cho tài xế biết rằng mình định đi đâu. Khi ô tô đồ trước cổng bà Án, ông hơi ngượng, tự hỏi sao tài xế lại đoán biết mình đến đây. Người thứ nhất ông gặp là Hoằng vừa ở trường về tới cổng cùng một lúc với ô tô của ông. Ông vội cất mũ chào, hỏi:- Thằng Cảnh có lại đây không ông?- Thưa ông tôi cũng không biết, vì tôi vừa về tới đây. Nhưng mời ông vào chơi để tôi hỏi cô Hảo xem.Hảo nghe tiếng ô tô đỗ cũng đã bước xuống sân đón tiếp. Thanh Đức đăm đăm nhìn chuỗi hạt trai quý giá đeo ở ngực Hảo. Hôm qua ông còn nghi nghi hoặc hoặc. Hôm nay thì ông tin chắc rằng cái chuỗi hạt ấy chính Cảnh đã biếu nàng... Và ông thề với ông rằng thế nào ông cũng sẽ trả thù. Trả thù ai ông không rõ.Hoằng nói:- Cô Hảo, ông Thanh Đức hỏi thăm anh Cảnh có lại đây không?Hảo ngả đầu chào khách rồi đáp:- Không ạ, mấy hôm nay không thấy anh ấy đến.Thanh Đức mỉm cười ngờ vực:- Bà lớn có nhà không, cô?- Có đấy ạ, mời ông vào chơi.Vừa gặp mặt Thanh Đức, bà Án đã hỏi ngay:- Ông đã nhận được thơ của tôi chưa?- Đã. Chính vì cái thơ ấy mà tôi về đây. Tôi không hiểu sao tự nhiên bà lớn lại không thích ở đồn điền nữa.Bà Án cười:- Không phải tôi không thích, nhưng tôi thấy khó lòng mà trả nợ ông được dù ông cho chịu bao nhiêu năm đi nữa.- Thì tôi đã nói chỗ bà lớn với tôi phỏng có làm gì mấy vạn bạc. Chẳng qua bà lớn muốn dùng thì tôi... thì tôi...Tìm mãi không được chữ đúng nghĩa, bất đắc dĩ Thanh Đức phải dùng tạm chữ “nhường” ông ta muốn nói biếu, nhưng thấy ngay rằng không tiện thốt tiếng ấy ra. Bà Án nhìn Hảo và đáp:- Tôi bảo em nó trả lời ông rằng hãy để thong thả chả việc gì mà phải vội, thế thôi, chứ tôi có nói thích với không thích đâu. Hảo, con viết gì thế, con? Thế thì thôi, cô xúi tôi trả lời hãy để thong thả, rồi cô lại không viết như thế.Bà quay sang phía Thanh Đức nói tiếp:- Thôi, xin lỗi ông. Kể thì việc ấy quả không cần vội thực.Thanh Đức đưa mắt hầm hầm nhìn Hảo:- Nghĩa là cô muốn quên lời hứa, chứ gì?Hảo nghiêm sắc mặt:- Ô hay! Tôi có hứa gì với ông đâu. Ông nói lạ!Bà Án sợ lỡ chuyện và việc hỏng hẳn không vớt vát lại được nữa, liền nói tuế tóa:- Thôi, tôi can cả đôi bên, việc rồi đâu sẽ có đấy. Bây giờ hãy đánh mạt chược đã. Chiều nay mời ông Thanh Đức ở đây xơi cơm với tôi nhé.Hảo cũng tỏ ra người thạo xã giao, vui vẻ nói:- Thế nào ông có nhận lời không? Hay giận đấy!Một câu ấy đủ làm cho Thanh Đức sung sướng:- Tôi đâu dám giận.Thế là cuộc mạt chược bắt đầu liền. Ông Thiện tuy ngoài mặt niềm nở mà trong lòng vẫn hằn học với Hảo. Ông càng suy nghĩ càng thấy hai người có tình ý với nhau. “Chắc chắn chúng nó yêu nhau rồi, nên Hảo vội nhạt nhẽo với mình. Đích thế, không còn sai được”. Lòng căm hờn của ông biểu lộ ra lời nói; ông không cần khai mào, ông nói thẳng, ông nói phăng, ông nói thật sống sượng cho mà biết tay, và ông bắt đầu:- Thưa bà lớn, thằng Cảnh nhà tôi hỏng mất rồi, nó hư mất rồi.Ông liếc Hảo ngồi cánh trên. Hảo không đổi sắc mặt, bà Án hỏi xoắn xuýt:- Khổ! Sao thế ông? Cậu Cảnh ngoan ngoãn thế mà...- Nó chả ngoan ngoãn như bà lớn tưởng đâu. Nó vừa lấy của tôi vạn sáu bạc.Ông lại liếc nhìn Hảo. Và nhận thấy nét mặt Hảo hơi buồn. Bà Án hốt hoảng như được nghe tin báo chính mình bị mất trộm:- Một vạn sáu? Cậu ấy mở tủ két à?- Không, nó bán của tôi mất một cái nhà.- Bán nhà?Hoằng cũng hỏi:- Anh Cảnh bán sao được nhà của ông nếu không có chữ ký của ông?- Cái nhà ấy lúc mua đứng tên nó.Một mình Hảo yên lặng, không bàn nửa lời, yên lặng rất có ý nghĩa, ông Thiện cho là thế.Hoằng lại hỏi:- Đứng tên anh Cảnh? Nghĩa là ông cho anh ấy chứ gì?- Đứng tên khác, cho khác chứ, với lại dù tôi có cho nó nữa, cũng không phải để nó bán đi lấy tiền đánh bạc, đánh cá ngựa và... và... - Ông định nói “và cho gái”, nhưng ông ngượng, dừng lại.- Cái đó là theo quan niệm của ông. Chứ tôi thì tôi tưởng đã cho là cho, dù cho con hay một người khác, và khi ấy người nhận được vật cho muốn làm gì tùy ý, cho lại ai hay bán đi lấy tiền tiêu xài, đánh bạc mặc lòng. Như thế sao gọi là lấy của ông được.Hảo yên lặng mỉm cười. Bà Án khuyên:- Ông cũng chẳng nên giận cậu ấy quá mà trước là mất thể diện cậu ấy, sau là làm mang tiếng cả ông. Cứ im là hơn, rồi sau mà tìm lời hơn lẽ thiệt mà dạy bảo cậu ấy.Thanh Đức cười ha hả:- Bà lớn tưởng tôi đăng báo cáo việc riêng chăng? Không khi nào tôi lại đi làm cái vô ích ấy để hiến một trò cười cho thiên hạ. Tôi đã hỏi thầy kiện từ lâu về việc này rồi...- Hỏi từ lâu? Hỏi thầy kiện trước khi việc này xảy ra.Thanh Đức hơi ngượng và luống cuống.Ông cố nói đánh trống lấp:- Thưa bà lớn, tôi có thể không cho nó hưởng một xu gia tài nào, việc ấy tôi có thể làm lắm. Chưa kể việc tôi dự định sau này vội hãy nói ngay bây giờ tôi cắt hẳn số lương tháng của cậu cả xem cậu cả lấy gì mà tiêu xài phung phí.Hoằng cười:- Anh Cảnh cũng còn hơn vạn bạc. Hết số tiền ấy đã, rồi sẽ hay.- Còn có sáu nghìn. Già lắm cho cu cậu sáu tháng. Sau hạn ấy thì sẽ biết... Bà lớn tính hạng ấy xa cha ra thì rạc rời ra đấy mà. Làm nên trò trống gì cái quân lười biếng, chơi bời, bê tha, lêu lổng ấy! Thanh niên! Trời ơi! Thanh niên!Bà Án như chợt nghĩ ra một điều quan trọng:- Rõ tôi cũng lú ruột rú gan.- Bẩm cái gì đấy ạ.- Sáng nay có người đến rủ tôi bỏ vốn chung vào việc khai mỏ vàng ở một vùng Hòa Bình nào đó, nghe đâu cái mỏ ấy ông ta...Thanh Đức sửng sốt hỏi:- Trịnh Viết Thành, phải không?- Chính, tài nhỉ! Sao ông biết!- Tôi hiện đương tìm ông ta về việc này. Ông ta nói cần bao nhiêu ạ?- Ông ta định làm to, mua máy móc tối tân để khai khẩn theo lối khoa học. Ông ta không nói bao nhiêu nhưng hình như phải bỏ ra hàng chục vạn, có lẽ tới trăm vạn, ông ta rủ tôi, nhưng ông tính tôi thì khéo lắm bỏ ra được một vạn là cùng, nên tôi có giới thiệu ông.Mắt Thanh Đức sáng lên:- Bây giờ ông ta ở đâu, thưa bà lớn?- Ông ta dặn ông ta ở đằng ông hàn Dương.- Vậy xin phép bà lớn, tôi phải đi tìm ông ta ngay mới được.Thanh Đức đứng dậy nói tiếp:- Xin lỗi bà lớn. Tối nay hay mai tôi xin lại...- Nhưng ông về xơi cơm chiều nhé. Tôi đợi đấy.- Xin bà lớn tha cho. Chạy đuổi theo công việc thì không dám hẹn giờ với ai nữa. Thôi lạy bà lớn, kính chào cô.Ông giơ tay bắt tay Hoằng, vui mừng nói:- Au revoir, mon cher.(xin chào, bạn thân của tôi)Đoạn đi thẳng ra ô tô.Hoằng phá lên cười, và nhại giọng Thanh Đức “Mon cher”.Rồi chàng đạo mạo kêu:- Kim tiền! Trời ơi! Kim tiền! Kim tiền làm cho người ta quên mất hết ghét, yêu, thù, tức để nghĩ đến nó, chỉ nhớ đến nó, chỉ chạy theo một nó. Kim tiền vạn tuế!Hảo vừa xếp cỗ mạt chược lại vừa bình tĩnh nói:- Làm gì mà như điên thế?- Sống mãi trong cái xã hội này, thì một ngày kia tôi điên thật.Bà Án cười buồn:- Người đâu mà nóng nảy! Thành thử mới đánh được có hai ván. Biết thế đừng nói chuyện đến cái việc khai mỏ vàng ấy vội.Hoằng định bỏ đi. Hảo giữ lại nói khẽ:- Anh đi tìm anh Cảnh lại chơi ngay.Hoằng chau mày nhìn Hảo:- Tìm anh Cảnh?- Vâng. Sao?- Biết anh ấy ở đâu mà tìm.- Không biết ở đâu mới phải tìm.Nàng mỉm cười vồn vã nói tiếp:- Chịu khó một tý đi. Chóng ngoan anh!- Được rồi!Hoằng vội vàng ra đi. Hảo táy máy đứng xếp những con mạt chược thành một chồng cao. Rồi mỗi khi công trình của nàng đổ ụp, nàng lại loay hoay bắt đầu lại.