hưa quý vị độc giả! Viết xong truyện này, tôi đưa cho Người Thứ Tám coi lại. Đọc đến đoạn cuối, y chẳng nói chẳng rằng vứt tập giấy đánh máy vào góc tường rồi làm mặt giận, đánh diêm hút thuốc lá. Tôi năn nỉ mãi y mới gằn giọng: -Hừ, anh định đánh lừa cả tôi nữa ư? Câu chuyện chưa thể chấm dứt ở Bá linh. Chắc chắn đang còn đoạn quan trọng nhất mà anh cố giấu. Đúng rồi, anh sợ tôi cười nên mới tìm cách ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ. Này, tôi bảo anh biết, anh phỉnh phờ tôi thì dễ, chứ phỉnh phờ độc giả rất khó. Thế nào, về đến Sàigòn, anh bị ông Hoàng cạo sát ván phải không? Tôi đành thở dài, và đầu hàng vô điều kiện. Vâng, tôi cố tình quên mất một đoạn. Quả như Người Thứ Tám nói, tôi đã viết xong lại xé bỏ vì đoạn này làm tôi mất ăn mất ngủ cả tuần lễ. Đi vào phòng nào trong trụ sở ở Sàigòn cũng bị các nữ đồng nghiệp ê ê xấu mặt một cách kinh khủng. Mở đầu giòng chữ tự thú, tôi xin nhắc lại hai câu Kiều: Thân lươn bao quản lấm đầu, Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa. Phải, từ nay về sau, tôi xin chừa. Chừa nổi máu anh hùng ( ngu dại ), chừa ra vẻ hào hoa mã thượng ( ngu dại ) … Như mọi lần, trước khi về Sàigòn, tôi còn tạt qua các thủ đô dạ lạc trên đường bay để du hí. Từ châu Âu về Việt Nam chỉ mất mấy chục giờ đồng hồ phi cơ mà chuyến ấy tôi mất đúng hai tuần lễ. Hai tuần lễ là do ông Hoàng gọi gấp, nếu không phải hai tháng. Chắc ông Hoàng sai đi đâu có việc cần nên chân ướt chân ráo mới đáp xuống Tân sơn nhất chưa kịp rửa mặt, cạo râu, đem quà cáp biếu các cô bạn gái dễ thương, tôi phải chạy vèo về Sở. Thấy tôi, ông Hoàng bật dậy như lò so. Ông không hỏi han tôi, cũng như mời tôi hút Salem và uống huýt ky, theo thói quen từ chục năm nay, mà lại rút trong tập hồ sơ mở rộng trên bàn ra một tấm ảnh lớn rồi chìa cho tôi coi, giọng ông nhẹ nhàng nhưng xoắn vào tim tôi như mũi dao si lét của viên phó giám đốc KGB tại Mạc tư khoa: -Ai đây? Đến lượt tôi xây xẩm mặt mày. Chết tôi rồi, tình báo Tây Đức kiện tôi ti toe với nữ nhân viên của họ đây. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ vẻ bình thản: -Thưa ông, đây là nữ nhân viên của bà Côrin đeo cà vạt ám hiệu gặp tôi tại Ấn độ. Ông Hoàng dí bức hình sát mắt tôi như thể ông sợ tôi mắc bệnh cận thị nặng: -Có đúng là người con gái đeo cà vạt ấy không? Trời đất ơi, tôi vốn có trí nhớ kinh khủng, gặp ai một lần là không bao giờ quên. Nếu là đàn bà đẹp thì tôi càng không thể quên được. Tấm thân uốn éo, cái miệng ngon lành ấy, tôi quên sao nổi, hả ông Hoàng? Tôi bèn gật đầu lia lịa. Ông Hoàng thở dài não nuột: -Hừ, họ xỏ mình … Cô gái này là nhân viên KGB. Tôi khựng người: -Nhân viên KGB ư? Có lẽ ông lầm. Nàng cùng đi với bà Côrin, nàng là … -Tôi hy vọng bị lầm, nhưng Vêlana không lầm. Vêlana gửi về cho tôi một tập ảnh nữ nhân viên KGB trà trộn trong hàng ngũ tình báo Tây phương. Cô gái trong hình này là Kờ lốt, hiện hoạt động dưới quyền thiếu phụ tóc bạc mà anh gọi là bà Côrin. -Bà Côrin biết biết Kờ lốt làm cho KGB không? -Biết. Nhưng bà không nói với ta. Hừ … họ ác thật. Họ dùng Kờ lốt làm giao liên khác nào bảo thẳng cho KGB biết kẻ đội lốt Bêra là anh. Nhận được tấm hình của Kờ lốt, tôi phái ngay bà Huyền Hoa sang Liên sô, vậy mà anh vẫn bị lôi vào xiếc như thường. Chẳng qua vì bệnh mê gái mà ra cả. Sực nhớ đến Kira, tôi vội hỏi: -Thưa, Kira cũng là … Ông Hoàng lại thở dài: -Để tôi cắt nghĩa anh nghe. Kira là người đàn bà có thật bằng xương bằng thịt hẳn hòi, song Kira anh gặp tại Ấn độ chỉ là Kira giả. Kira thực thụ là vợ hờ của viên đệ nhị tham vụ sứ quán Ấn ở Mạc tư khoa. Nàng ăn lương của tình báo Tây Đức nhưng ló mòi phản bội nên họ mượn tay anh để KGB giết nàng. Nàng về Ấn thăm nhà, và cũng lên khu đền Kônarắc, song nàng không gặp anh mà là gặp người khác. Tình báo Tây Đức lừa anh lên đền Kônarắc là để Kờ lốt báo tin cho KGB. Kira trở về Mạc tư khoa, và bị bắt. Nàng đã hợp tác hàng hai với KGB nên cung khai thật tình, nhưng KGB tưởng nàng nói láo, vì theo lời Kờ lốt, Kira có nhiệm vụ giúp anh xuất nhập bằng con đường số 3. Kết quả KGB phải loại trừ Kira và gài một nữ nhân viên giả làm người thân tín của Kira để đi theo anh. Gớm thật, gớm thật … họ vừa đoạt được Faben vừa diệt được nhân viên phản thùng, lại vừa xoay được một món tiền. Tôi hoảng hồn trước câu nói của ông Hoàng. Gã đàn ông cù lần ấy là Faben ư? Thì ông Hoàng đã nói: -Thôi, anh đừng băn khoăn nữa, họ đã cho anh uống nước đường và anh đã bội thực. Gã đàn ông cùng đi với anh về Bá linh chính là Faben, chứ không phải nhân viên KGB kiêm nhân viên tình báo Tây Đức đâu. Dại ôi là dại … Tôi đứng im thin thít. Tôi đã “kính lão đắc thọ “một cách ngu muội. Dẫu bà Côrin là phụ nữ lớn tuổi, tôi cũng sẽ bẻ cổ chết tươi nếu bà ta hiện ra trước mặt tôi. Từ xưa đến nay, tôi bị lừa đã nhiều nhưng chưa lần nào bị lừa thảm hại như lần này. Ông Hoàng rút ra một tấm hình khác. Nhìn vào, tôi thấy một người đàn bà khá đẹp. Ông Hoàng hất hàm: -Kira phải không? Tôi lắc đầu: -Không. -Không là đúng, vì người trong hình này mới là vợ viên tham vụ ngoại giao Ấn độ. Còn đây? Ông Hoàng cho tôi chiêm ngưỡng tấm hình thứ ba. Kira, đúng là Kira. Trời ơi, trong ảnh nàng chưa đẹp bằng ở ngoài song không hiểu sao tôi nhìn ảnh mà lại có cảm tưởng là nàng đang đứng trong phòng, hương thơm da thịt nàng tỏa ra ngây ngất. Tôi nuốt nước miếng : -Vâng, thưa ông, người này mới thật là… Ông Hoàng ném bức ảnh màu vào đống hồ sơ, giọng ngao ngán : -Nàng mới thật là Kira của anh phải không? -Thưa… thưa … -Còn thưa với gửi gì nữa ? Bây giờ anh đã chừa chưa ? -Thưa ông, chừa … gì ạ ? Ông tổng giám đốc nhăn nhó : -Hừ … chừa cái bệnh mê gái rởm chứ còn bắt anh chừa gì nữa ? Tôi thở ra đánh sượt : -Vâng, tôi xin chừa, nhưng … Tôi định mượn tiếng « nhưng » để bào chữa vì trong thâm tâm tôi nghĩ rằng nếu ông Hoàng còn trẻ như tôi và có số … đèo bòng như tôi, thì chỉ gặp một giai nhân đẹp bằng một phần mười của Kira cũng bị hút dính như kim khí gặp từ thạch. Song ông Hoàng đã đổi ra vẻ mặt tươi cười : -Thôi, chuyện qua rồi, nhắc lại thêm bực mình. Tôi muốn anh chừa, nhưng tôi chắc đến ngày hai tay buông xuôi anh cũng không chừa nổi. Coi chừng đấy … không khéo bị lụy vì đàn bà thì khốn. Hạn số năm nay của anh rất xấu, nếu anh không có sao tốt hóa giải thì vị tất còn về đến Sàigòn. Nghe ông Hoàng luận tử vi, tôi giật mình. Mấy ông thầy tướng bảo tôi có số gần giống Lã Bố đời Tam quốc. Họ Lã là tướng vô địch trăm người, ba anh em Lưu, Quan, Truơng vây đánh bở hơi tai mà vẫn tỉnh bơ. Họ Lã lại có khuôn mặt đẹp trai số một thời ấy. Hạn của tôi năm nay gặp Phá, Kiếp, Kình, Đà hội hợp như Lã Bố khi bị mất mạng vì giai nhân Điêu Thuyền, nhưng tôi may phước không có mệnh an tại Mão, Thiên tướng tọa thủ, và gặp Sinh Vượng, Hồng, Đào, Tả Hữu, Quyền, Xương như Lã Bố, nếu không … Ông Hoàng lại khoát tay : -Lại đang nghĩ đến tử vi phải không? Đúng lắm, không sai chút nào đâu. Ông tổng giám đốc sửa soạn đánh trống lảng. Tôi vội hỏi: -Thưa ông, thiếu phụ đội lốt Kira mà tôi gặp tại Kônarắc tên thật là gì? Ông Hoàng nhún đôi vai gầy: -Côrin. Tôi sửng sốt: -Thưa, còn bà già tóc bạc? -Bà này không phải là Côrin, mà là phụ tá của Côrin. -Thưa, Côrin hiện ở đâu? Nếu ông cho phép, tôi quyết đi ngay bây giờ, quyết bắt nàng về đây để hỏi tội. -Không được đâu, đại tá Z.28, vì Côrin hiện là phó tổng giám đốc tình báo Tây Đức, đặc trách ban Hành động hải ngoại. Chung quanh nàng có cả trăm vệ sĩ và dụng cụ canh phòng điện tử. Nàng rất giỏi võ, về tác xạ nàng không thua anh đâu. Anh đụng phải nàng mà còn đủ xương thịt trở về là may mắn lắm rồi. Đó là bài học cho anh … Ông Hoàng cúi đầu xuống bàn giấy. Tôi cũng cúi đầu như cậu học trò không thuộc bài vừa bị phạt “công sinh”. Tôi trở ra phòng nữ bí thư Nguyên Hương, thờ thẫn và bàng hoàng. Tôi đắng họng khi nghe giọng ngâm thơ châm chọc của nàng: Thân lươn bao quản lấm đầu, Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa… Chú thích: (1) xin đọc tiểu sử bà Huyền Hoa trong “Đêm cuối cùng của tử tội “ và “Nữ thần ám sát”. (2) xin đọc Z.233 tức Vêlana và mối tình của nàng với Văn Bình trong “Bóng ma trên Công trường Đỏ”. Cuốn truyện này đã xuất bản. (3) hồi ấy Nguyệt Thanh con gái của bà Huyền Hoa, yêu Văn Bình. Xin đọc “Đêm cuối cùng của tử tội “ đã xuất bản cuối năm 1967. (4) H.Z.V.D là những chữ tắt của Hilfzentrum fur Volksdokumenten, tức là Trung tâm Sưu tầm Tài liệu Nhân dân, một ngành quan trọng trong sở Điệp báo cộng sản Đông Đức chuyên chế tạo đồ giả. Ban H.Z.V.D. này bắt nguồn từ D.Z.II (Dokumentenzetrum ) Trung tâm Sưu tầm Tài liệu số 2 của đô đốc Canaris thuộc mật vụ Gestapo, Đức quốc xã. Sĩ quan phụ trách D.Z. II là Jantchevich. Y bị Nga bắt năm 1945 khi Đức bại trận, và Nga đã đặt y trở lại guồng máy chế tạo đồ giả của cộng sản Đông Đức. NGƯỜI THỨ TÁM viết theo lời tự thuật của Văn Bình, Z.28.