Thấy tôi dọn hết đồ đạc lặt vặt từ căn phòng trên lầu hai của tòa soạn báo văn nghệ Sơn Giang về nhà, Ruộng ngạc nhiên, nói kháy:- Sao anh không ở đấy luôn cho hết đời. Anh còn về cái nhà ngục này làm gì cho khổ. Thì ra là cóc chết ba năm... Tôi đang bực tức điên đầu, chỉ cần một ngòi nổ là sẵn sàng có thể gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Tuy vậy, tôi biết mình sức vóc mồm miệng có hạn làm sao địch nổi cái mồm có gang có thép của vợ tôi, với lại, tôi đang phải đối diện với một bóng ma kinh khủng là cuốn băng ghi âm bẩn thỉu kia. Đầu tôi đang phải đội một ông trời sắp sập, có thể nghiền tôi thành cám. Chính vì vậy, tôi đành ghìm cơn thịnh nộ xuống để tỏ ra hết sức dịu dàng thân thiện: - Tôi không có quyền về ở hẳn nhà mình à bà? - Anh ở đâu cũng chẳng có ăn nhằm gì tới tôi. Vấn đề hiện nay là anh đừng có gây rac rối gì cho công tác của mẹ con tôi. Tôi báo cho anh biết, sắp tới tôi sẽ vào tỉnh ủy. Tôi cần sự giúp đỡ của anh. - Sẵn sàng.- Vậy thì nhiệm vụ của anh đây. Từ nay, anh đừng làm bất cứ chuyện gì gây tai tiếng xấu như viết lách sai lập trường, hoặc ăn nói vô tổ chức. Và nhất là đừng bao giờ gây ra một vụ xì-lan-can như vừa qua trên báo văn nghệ nữa. (Vợ tôi nói pha tiếng tây không quen nên xì-căng-đan mới nói thành xì-lan-can. Chỉ vì bà ấy làm việc trong một căn phòng tại trường đảng có cái lan-can rất đẹp nên thường ra hóng mát). Tôi giả vờ sửng sốt:- Về xì-lan-can nào? - Tôi nghe bên công an họ xầm xì. Tôi hỏi, nhưng họ không nói. Tôi biết là anh cứ thoát khỏi bàn tay lãnh đạo của tôi một cái là y như sinh chuyện. Văn nghệ sĩ các anh rặt một thứ lang bang. Các anh không tìm thấy tự do trong kỷ luật của tổ chức à? Dù là tâm hồn tâm hiếc cũng phải theo nguyên tắc, theo chỉ thị chứ. Tôi ngứa mồm quá, nên cũng múa mép chơi:- Bà và một số cán bộ chính trị ít hiểu biết về văn nghệ lắm. Đối với văn nghệ sĩ cũng như đối với người đàn ông vậy. Đừng giam hãm nó, nó sẽ bỏ trốn. Đứng bắt ép nó yêu thương, nó sẽ căm ghét. Đừng ra lệnh cho nó làm tình, nó sẽ làm tội. Đừng cưỡng bức nó chung thủy, nó sẽ phản bội. Chỉ có thể dùng tự do làm xiềng xích mới hòng giữ được nó. Hãy thả con chim kia ra bầu trời là quê hương của nó, mới có thể quản lý được cái không thể quản lý là tâm hồn và tình yêu của nó. Không hiểu do ăn nhằm phải cái giống gì mà tôi nói hăng say văn vẻ như một nhà truyền giáo rao giảng đức tin của cái đẹp. Có thể vợ tôi, một cán bộ chính trị có cỡ, sẽ chụp cho tôi cái mũ là một tên tà đạo uống mật gấu lập ngôn, hòng tung ra một cái thuyết, một cái gì đại loại như tư tưởng, đạo loại như sự sáng tạo lại thế giới này thông qua cảm xúc tình yêu. Vì đối với vợ tôi, nguyên tắc đảng chính là chân lý. Cho nên, một cách nói khác đi, một nghi vấn hay một suy tư sống động có nhã ý bổ sung và sáng tạo lại những giá trị cũ đều sẽ bị phản bác, đều sẽ bị gản cho một từ rất kinh khủng là phản động. Học thuyết về zen di truyền học của Măng-đen và Moóc-găng khẳng định sự tồn tại, sự sống của sinh vật trong mối quan hệ biện chứng giữa di truyền và biến dị. Nếu sinh vật chỉ biết di truyền lại các thế hệ sau tất cả thuộc tính của mình mà triệt tiêu mọi khả năng biến dị của đời sau thì chắc chắn sinh vật ấy sẽ không còn nòi giống. Di truyền chỉ có thể gọi là di truyền nếu nó biết biến dị. Khả năng biến dị chính là khả năng sáng tạo, khả năng hằng sống của sinh vật nói chung, của con người nói riêng. Do đó, phàm một học thuyết, một tư tưởng dủ vĩ đại tới đâu chăng nữa, nếu muốn tồn tại, muốn thoát ly khỏi lý thuyết màu xám để hóa thành cây đời mãi mãi xanh tươi như câu cách ngôn nổi tiếng của Gớt, nhất thiết phải tuân thủ quy luật di truyền và biến dị của sinh vật học. Học thuyết ấy, tư tưởng ấy sẽ không bị cứng nhắc, bị vôi hóa, bị thời gian phủ nhận nếu nó biết hóa thân vào đời sống luôn luôn chuyển động, nếu nó biết cách khám phá ra khả năng di truyền biến dị và sáng tạo của mình. Vợ tôi ngồi im lặng nghe tôi huyên thuyên. Đoạn bà ấy thuyết:- Văn nghệ sĩ các anh hay triết lý tầm phào lắm. Từ trước tới giờ, anh cứ chê tôi là con bò, là mụ nhà quê xắn quần lội ruộng đi theo cải cách ruộng đất. Anh có bao giờ thèm nói chuyện về chính trị hay văn nghệ với tôi đâu. Đầu anh vẫn còn đầy thuốc đỏ và dao kéo mổ của cái con mẹ bác sĩ nặc nô. Anh có biết rằng vợ anh đã vươn lên từ một cô thôn nữ mù chữ trở thành một giáo sư, một phó giám đốc trường đảng phụ trách môn lý luận Mác-xít, như vậy, dù có mù lòa hay điếc lác, cũng phải công nhận là nhờ cách mạng, nhờ đảng, tôi mới vươn lên được những đỉnh cao này từ một con bé nghèo khổ phải đi làm con ở cho địa chủ. Bây giờ, tôi đã hai thứ tóc trên đầu, đã sang tuổi ngũ tuần nên mọi lời nói hoa hòe hoa sói ngụy biện không bịp được tôi đâu. Anh nói gì viết gì thì viết, đừng bao giờ phản bác lại con đường mình đã đi. Vợ tôi ngừng nói. Bà ấy cúi đầu xuống làm ra vẻ tủi thân. Có lẽ do thói quen hay lên lớp chính trị, quen lãnh đạo tư tưởng người khác, Ruộng cũng như nhiều người đàn bà khác đã quên cái vũ khí lợi hại nhất của mình, cái vũ khí mà Tây Thi và Dương Quý Phi đã dùng để làm đổ thành khuynh nước. ấy là sự kiều diễm, nét dịu dàng nhân hậu, cái tha thướt ngây thơ trong vẻ đẹp của thân xác và tâm hồn vậy. Nếu người đàn bà biết dùng sự yếu đuối của mình làm sức mạnh, nàng không chỉ làm chủ được người đàn ông, mà đôi khi còn có khả năng chinh phục được thế giới. Nhưng vợ tôi được sinh ra không để làm một người đàn bà mà để làm một nhà cách mạng. Phải chăng đó chính là căn bệnh thời đại? Bà ấy tiếp tục lên giọng chỉ huy:- Anh hãy từ bỏ những thứ triết lý tư sản kia đi để trở về với tư tưởng của giai cấp vô sản. Tư tưởng đó được cụ thể hóa trong trường hợp của anh là: đừng bao giờ làm thơ làm phú, viết văn viết vẻ, mơ mộng đến người tình nhân bác sĩ đã chết của anh nữa. Chỉ vì nó mà đời tôi bất hạnh. Thứ hai, không được viết, được nói bất cứ điều gì sai nguyên tắc đảng, làm hại đến con đường vào tỉnh ủy của vợ con. Thứ ba, hãy quan tâm đến con gái anh một chết. Con Vương Thi đã có bồ hai năm rồi đấy. Thứ tư, luôn luôn phải ngồi ở nhà mà viết, cơm nước có con hầu này với Vương Thi lo. Thứ năm, viết xong rồi đưa cho em duyệt nghe chưa?Chao ôi, cuối hịch truyền của lệnh bà, không hiểu sao mụ ấy lại xuống sề bằng một tiếng em rất cải lương vậy không biết. Từ đó, tôi nằm dài ở nhà, làm một con cáy thập thò ra vô trông trời trông đất. Tôi được chuyển biên chế về tổ sáng tác của hội văn nghệ tỉnh Sơn Giang, nơi toàn các bố già sáu mươi lăm bảy mươi chưa chịu về hưu. Tôi nằm trong nhà như nằm dưới đáy một cái hố. Không còn một cái thang, một sợi dây nào trên mặt đất thòng xuống cứu tôi lên nữa. Tôi đã bị ném ra ngoài cuộc sống. Đang làm tổng biên tập tờ báo văn nghệ tỉnh, quyền sinh quyền sát, lên xe xuống ngựa, ai ai cũng nhìn tôi kính trọng, đặt bút xuống ngoáy một chữ ký là anh này được in, anh kia xếp xó. Vừa nắm được tí quyền lực trong tay, đang hí hửng như Ngô được vàng, chưa kịp lội qua sông, vàng đã rơi mất. Thà bị chặt cụt hết hai tay, hai chân còn hơn mất cái chức tổng biên tập. Ngay đến khả năng để tiếc, tôi cũng không còn nữa. Ôi cũng tại tôi, khi chín mươi chín cái cổng thành đã khóa chặt, tôi lại kiêu căng bỏ ngỏ một cửa để thử thách khả năng canh phòng của mình. Trời ơi, con Ngọc Hương, tôi đã tự bảo mình rằng: mỗi người đàn bà là một cái bẫy, lỡ dại chui vào hoặc là chết tươi ngay, hoặc là mục xương suốt đời không thoát. Tôi còn mặt mũi nào nhìn thấy trái tim của Oanh trong ngực mình nữa? Suốt mấy tháng trời, tôi phải khổ sở vật lộn với lương tri mình khi nó tỉnh thức. Tôi bị các ý nghĩ, các loại tình cảm đối lập nhau trong bản thân mình nện cho nhừ tử. Phải chi tôi không còn lương tri nữa có lẽ đã bớt khổ hơn, sẽ vẫn ngủ ngon sau những hành động vô nhân cách. Có phải lương tri đó chính là đôi mắt Oanh nhìn từ tâm hồn tôi ra? Tôi đau vì mất chức tổng biên tập một nhưng đau vì sự phản bội Oanh tới mười lần. Tôi đã gieo hạt giống sợ hãi, hèn nhát thì làm sao lại được gặt sự dũng cảm cơ chứ? Tôi bắt đầu sợ mọi thứ xung quanh mình. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy một cái máy ghi âm vô hình, có hàng nghìn lỗ tai nghe trộm đang ghé sát vào đầu tôi để sao chụp lại từng ý nghĩ. Cái băng ghi âm Hoàng Thi đang giữ chính là cái nhà tù của đời tôi. Lại còn cuốn nhật ký ngày xưa vợ tôi tịch thu chưa trả lại nữa, cứ y như một con cọp dữ luôn luôn rình rập ở mọi lối đi của cuộc đời tôi Có nhiều ngày, tôi đã chui vào góc nhà, ngồi co ro trong bóng tối như một con gián và suy nghĩ về mọi điều. Nghĩ một hồi, tôi nhớn nhác, lơ láo nhìn quanh và sợ toát mồ hôi. Không biết có kẻ nào theo sau ghi chép đứợc những ý nghĩ lộn xộn vô tổ chức, vô kỷ luật của tôi để báo cáo không biết? Có buổi tôi ra bờ sông, nơi không có một bóng người để ngồi nghĩ ngợi về bao nhiêu điều từng day dứt cuộc đời tôi, về tự do và nô lệ, về cá nhân và tập thể, về quyền lực và nỗi sợ hãi, về sự kiêu ngạo đến tàn nhẫn của con người. Tôi có cảm giác như mình là một kẻ nghĩ chui, suy tư lậu. Những ý nghĩ của tôi chưa được cấp trên duyệt chưa được tập thể thông qua. Và vì vậy, tôi lại sợ hãi đến co dúm cả người, lại run rẩy đến vã cả mồ hôi. Tôi lại ngơ ngác nhìn xung quanh xem có cái đuôi nào bám theo mình, để rồi bắt quả tang những ý nghĩ của mình và lập biên bản về tất cả những gì tôi vừa suy tư một cách bắt hợp pháp. Trời ơi, tôi sợ hãi ý nghĩ của mình quá. Những ý nghĩ, mi thật là bất trị. Tôi càng sợ hãi nó thì nó càng đuổi theo tôi, cứ ám lấy đầu tôi như ma quỷ. Chung quy lại cũng chỉ vì tôi sợ mình nghĩ sai mà thôi. Khi cô đơn, con người bao giờ cũng là kẻ cả nghĩ. Tôi chạy vào toa-lét vừa có ý định tắm, vừa có ý định chạy trốn dòng suy tư của mình. Nhưng quái quỷ thay là sự hoạt động của đại não, những ý nghĩ cứ đuổi theo tôi. Có ngày tôi điên đến độ chui vào trong chăn suy nghĩ, hy vọng sẽ không ai vớ được mình. Nhưng rất cuộc tôi vẫn sợ hãi, tôi vẫn cứ toát mồ hôi. Bởi vì, tôi vẫn là một kẻ nghĩ chui, một kẻ suy tư lậu. Tôi không được quyền tư tưởng một cách độc lập. Trong đầu tôi luôn luôn cần có một con bò biết nhai lại ý nghĩ người khác, nhai lại những tư tưởng của người khác. Hay là tôi bị thần kinh? Đụng vào đâu, nghĩ tới đâu tôi cũng đều sợ hãi. Thế giới này với tôi từ một hạt bụi cho đến một giọt sương cũng đều không tin cậy được, cũng đều giấu ẩn một lỗ tai, một cái miệng, một đôi mắt của một tên chỉ điểm. Trời ơi, tôi sống làm sao được nữa trong cái thế giới đặt toàn cạm bẫy này. Cuối cùng, sau một cuộc toát mồ hôi vì những ý nghĩ lung tung lang tang khap nơi khap chốn ấy, tôi chợt phát hiện ra mình chính là kẻ theo dõi, là tên chỉ điểm của chính mình. Ngay ở trong đầu tôi đã có một lực lượng chuyên môn hù dọa, chuyên môn làm cho nỗi sợ hãi được gia tăng, luôn luôn theo dõi và bám đuôi những ý nghĩ bất trị của chính mình. Tự do, nói gì thì nói, trước hết phải biết cách xuất hiện trong đầu ta. Hay là tôi không có khả năng tự do, tôi không có khả năng được sống là chính mình? Tôi, một nhà văn, sinh ra cốt để làm cái loa cho kẻ khác, làm bản nháp cho kẻ khảc hay sao? Tôi phải tìm cách thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi vô cùng tận này. Và cái cọc giữa biển khơi khi tôi sắp chết đuối là tập bản thảo thơ của tác giả Hoài Bão tức đồng chí Tràng Giang hiện là bí thư tỉnh ủy, người đã chỉ thị cho tôi sống, chỉ thị cho tôi viết văn, chỉ thị cho tôi lấy vợ từ gần bốn mươi năm xưa. Xin nhắc lại hồi Tràng Giang về làm bí thư tỉnh ủy, có gọi tôi lên, phong chức cho đàn em, đưa cho tôi một tập bản thảo thơ của ông mang tựa đề Đêm mặt trời. Phải nói công bằng thơ Tràng Giang rất dở, như vè, như tấu, như nói có vần, rất nôm na, ý tứ nghèo nàn, vần điệu gượng gạo, ngôn từ luộm thuộm chẳng ra làm sao. Nhưng vì là tập thơ của bí thư tỉnh ủy, nên anh dù thằng thắn cách mấy, bố bảo dám nói sổ toẹt ý nghĩ của mình, dám chê bai đúng như giá trị vốn có của tập thơ. Vì vậy anh phải nói khác đi, nói sao cho khéo để ông bí thư đừng cho là mình bốc thơm, mình nịnh. Nghệ thuật của kẻ nịnh bợ là nghệ thuật của kẻ dối lừa, bịp bợm đã ở trình độ siêu hạng. Anh nịnh cách sao để người được nịnh, thấy mình không bị nịnh, nhất mực cho rằng anh nói chân thành. Các nhà nịnh học xưa nay đã làm cho khoa học nịnh trở thành một nghệ thuật, có thể viết một cuốn sách dạy nịnh để tung ra thị trường chữ nghĩa hôm nay chắc là hốt bạc. Thưa thủ trưởng, thực ra thủ trưởng chỉ đáng là cái giẻ rách, nhưng em vì quyền lợi của mình, em phải nâng thủ trưởng thành ra gắm ra vóc, thành lụa thành là. Em tung bùa chú của ngôn từ làm cái thừng dat mũi thủ trưởng như dat con trâu con bò. Khi kẻ có quyền ưa nịnh nọt, hắn tự biến mình ra thành con rối, thành công cụ trục lợi trong tay bọn nịnh thần mà hắn vẫn hí hửng không biết. Bằng nghệ thuật bốc thơm cao cấp, từ xưa, đám quan lại nịnh thần đã xỏ mũi được vua chúa. Vua ưa nịnh là ông vua đã bị vô hiệu hóa, đã mất hết quyền lực. Và từ đó, quyền sinh quyền sát nằm trong tay bọn nịnh thần đê tiện. Bằng cách viết bài khen, biến thơ dở thành thơ hay cực kỳ, tôi đã biến Tràng Giang thành chỗ dựa vững chắc, thành vật bảo hiểm cho mình. Tôi viết bài bình thơ bí thư tỉnh ủy gởi cho báo tỉnh ủy và dĩ nhiên là được ưu tiên đăng nhanh nhất. Tôi viết bài khen thơ bí thư tỉnh ủy vừa độ để ông sung sướng. Vì vượt qua giới hạn của sự phổng mũi, ông ta có thể nghĩ là tôi nịnh bợ vì động cơ cá nhân. Tuy nhiên, có rất nhiều kẻ biết người khác nịnh mình nhưng vẫn không từ chối lời khen, vẫn cứ sướng, thậm chí còn cảm thấy nịnh chưa tới số. Tôi tiếp tục ngồi ở nhà viết bài bình giảng hết bài thơ này đến bài thơ khác của tập bản thảo Đêm mặt trời của Tràng Giang. Thậm chí, Hoàng Thi giờ là tổng biên tập báo văn nghệ tỉnh vì hắn biết đánh cắp chức vụ của tôi một cách hợp pháp, đã sai người sang đặt bài tôi viết về những bài thơ của đồng chí bí thư. Vả lại, Hoàng Thi biết tôi là em kết nghĩa từ xưa của đồng chí bí thư. Sau khi bình được tám bài thơ của bí thư tỉnh ủy trên báo thì tôi nhận được thư của Quát là thư ký thứ hai của bí thư tỉnh ủy. Tôi biết tỏng đi là cá đã cắn câu rồi. Kẻ nịnh đã biến người được nịnh thành bất cứ thứ gì, vật gì nó cần. Như lần trước, tôi được xe Von-ga đen đến chở qua một trạm gác, một barie để vô nhà riêng của bí thư tỉnh ủy. Tràng Giang và Thùy Linh vợ ông ta cùng đi ra vườn đón tôi. Họ rất niềm nở. tất nhiên là sự niềm nở của kẻ bề trên, mời tôi dùng cà phê trước. Tôi vừa nghe Tràng Giang nói về tình hình thời sự vừa ngầm quan sát Thùy Linh. Hôm nay, người đàn bà mô-đen này mặc một bộ đồ bằng da đen rất đắt tiền, áo bỏ trong quần thẳng thớm căng cứng, y hệt một con quạ biết cách thu hút cái nhìn của đàn ông. Bà vợ bí thư hôm nay son phấn nhiều hơn lần đầu tôi gặp. Thùy Linh cũng hút thuốc, thở khói lên trời, mắt lơ mơ, thỉnh thoảng nhìn tôi bằng cái nhìn của lưỡi tầm sét. Đôi khi, người đàn bà này nói chen vào cho có chuyện, đoạn lại hút thuốc, đổi cái nhìn, phóng ra những tia thách thức như ngầm ý bảo nhà báo nhà văn có biết ong bướm là cái giống gì hay không? Tôi rùng mình quay đi trước cái nhìn thăm dò của bà vợ ông bí thư. Hèn chi, con trai và con cái tôi hay bàn tán về chuyện đời tư của bà đệ nhất phu nhân tỉnh Sơn Giang này. Rằng bà ta có cả mấy trăm cái áo cái quần loại cực mốt. Rằng bà ta xỏ mũi ông chồng già bí thư, lôi đi như con mèo kéo theo cái đuôi của nó vậy. Rằng mọi quyền hành nơi ông chồng thực chất nằm trong tay bà vợ cả. Bà ta nắm được cái thóp của các tỉnh ủy viên cho đến các ngài giám đốc sở. Anh nào lại không có mánh mung, không có tật, không có điều mờ ám. Bà ta có một hệ thống em út chuyên môn theo dõi hoạt động của các cán bộ lớn trong tỉnh. Ai muốn lên chức, muốn có cái ghế ngon nhất nhất phải qua cửa bà ta. Rằng bà Thùy Linh này đã ngủ với bất cứ ai bà ta muốn. Gần như cả tỉnh đều biết chuyện đó trừ ông chồng gà mờ bí thư. Nghe hai đứa con bàn tán những điều cấm kỵ như vậy, tôi quát: ăn nói tầm bậy tầm bạ, tù đấy các con ạ. Thằng Văn cười bảo tôi: rời bố xem. Đến bữa ăn, Thùy Linh thay đồ tây bằng đồ đầm. Bà ta mặc một cái váy ngắn màu da người, như thể nó là sự tiếp tục của cặp giò cao và rắn chắc. Tràng Giang giải thích sự ăn diện của bà vợ: - Tôi vừa đưa bà ấy đi nghỉ mát bên Tây. Dù mình có ăn diện thế nào đi nữa, cũng vẫn chỉ là cái anh nhà quê, so với mấy bà vợ những ông bí thư tỉnh ủy bên đó cùng đi nghỉ mát với chúng tôi. Tôi cười cười phụ họa: - Dạ đúng đấy anh ạ. Bên Tây họ ăn mặc như trời ấy chứ. Chi cần phải trang điểm, trang phục nhiều vào nữa mới phải, để cho mấy ông Tây bà đầm nhìn vào mà lảc mắt. - Chú nói quá đúng. Nào, ta uống đi. Khi đã ngà ngà, ông bí thư bảo tôi: - Thơ tôi đâu có hay mấy. Chắc là nhờ chú bình giải người ta mới biết. Mấy bài chú viết có ích lắm. Chú ạ, thời nào cũng vậy, muốn làm lãnh tụ thì chí ít cũng phải biết làm một tị thơ. Quy luật nó vốn vậy. Phàm các vị lãnh tụ cách mạng lớn trên thế giới này đều có làm thơ cả. Lê-nin á, Xta-lin á, có làm thơ đấy, làm ít thôi song vẫn được gọi là nhà thơ. Còn Mác thì khỏi nói, lại làm thơ tình nữa mới ghê chứ. Tôi đế vào cho câu chuyện thêm hào hứng: - Anh còn thấy một vị lãnh đạo cao cấp nào của nước ta không làm thơ? - Ai nào? Đại tướng Võ Nguyên Giáp. - A sao chú dám cả quyết điều đó. Vả lại, cả cuộc đời của cụ là bài thơ rồi.. Tôi cười xòa. Thùy Linh phóng ra một câu lấp lửng đầy vẻ nem chả: - Tôi làm được nhiều cái lắm nhưng thơ thì xin chịu. Nhân thời cơ đến, tôi bàn: - Này thưa anh Tràng Giang, chỗ anh em trong nhà em xin nói thật nhá. Em xin phép anh cho xuất bản tập thơ Đêm mặt trời của anh đi. - Chú bảo thơ tôi in thành tập á. Sợ người ta cười cho thì sao? - Ai dám cười anh. Cả tỉnh này đố đứa nào dám cười anh chị. Thùy Linh vênh mặt: - Phải. Tôi thách. Anh cứ để cho chú ấy in. Muốn làm lớn hơn cái chức bí thư tỉnh ủy cò con này mà không chịu phát hành tập thơ thì dại quá.Tràng Giang vẫn chối như quan viên chối tiết canh lòng lợn. Tôi và vợ ông ta phải khuyên giải, phải ép lấy ép để, cuối cùng ông ta mới chịu: - Tôi chỉ sợ mấy cụ ngoài trung ương bảo thằng Tràng Giang chơi trèo. Thôi, tùy chú với nhà xuất bản tỉnh. Nhưng in ít thôi nhé. Phát hành nội bộ thôi. Đừng có làm rầm rộ lên. Đừng có mượn người này người kia đề tựa. Cũng đừng nhờ báo chí trung ương phê bình phê bủng mà mấy cụ lớn cụ ấy mắng cho đấyTôi còn lạ gì Tràng Giang, con người khiêm tốn chủ nghĩa này nữa. Những điều ông ta vừa nói trên đây, tinh ý thì phải cần hiểu ngược lại hết. Rằng ông ấy bảo in ít thôi nghĩa là cần phải in số lượng cho lớn vào. Rằng ông ta bảo chỉ phát hành nội bộ có nghĩa là phải rải hết cho phát hành trung ương và các tỉnh. Ông ta bảo đừng làm rầm rộ thì phải hiểu là nên tổ chức họp báo để phát hành tập thơ chẳng hạn. Chúng tôi vừa ăn dê tay cầm, vừa uống rượu ngoại vừa bàn về tập thơ Đêm mặt trời. Từ ngoài phòng khách, Quát, người thư ký thứ hai của Tràng Giang hớt hải chạy ra: - Báo cáo đồng chí bí thư, sở lương thực vừa gọi điện báo không hiểu vì sao kho thóc Phú Hòa lớn nhất tỉnh bị cháy rồi ạ. Có kêu bên cứu hỏa nhưng vì hết giờ hành chính nên không có ai trực điện thoại. Xin ý kiến đồng chí bí thư. Tràng Giang đang bị vinh quang của nghề thơ hấp dẫn, đang mơ tới những chức vụ cao hơn ngoài thủ đô. Tràng Giang làm như không hề để ý đến sự có mặt của Quát và điều anh ta vừa báo cáo. Ông vẫn tỉnh bơ uống hết ly rượu vàng óng màu mật ong. Đoạn ông mới thủng thỉnh: - Đồng chí bảo hỏi bên chính quyền ấy nhá. Gọi cho đồng chí chủ tịch giải quyết. Nhớ bảo sở lương thực rút kinh nghiệm. Lần sau chỉ được phép báo cáo thành tích cho bí thư nghe thôi. Đồng chí nói cho họ rõ là bí thư tỉnh ủy sinh ra không phải để nghe những vụ việc tiêu cực ấy đâu nghe. Quát vội trở về với cái máy điện thoại và vụ cháy kho thóc của mình. Anh ta đang tức đám cháy vì sao nó lại không cháy vào giờ hành chính. Hai vợ chồng ông bí thư và tôi vẫn tiếp tục vừa ăn vừa bàn về cách nấu ăn siêu hạng của Tàu mà chúng tôi ít nhiều đã được nếm ở tại Bắc Kinh. Khi tiệc trà đem ra, tôi lại thấy bóng Quát chạy vào, vừa nói vừa xoa xoa hai bàn tay vào nhau: - Thưa đồng chí bí thư, đồng chí Năm Chiêu, bí thư huyện ủy huyện Nhân Hưng báo cáo là lúa của huyện đang bị rầy nâu phá hoại có thể thất thu hai phần ba diện tích. Anh Năm Chiêu nói là đồng chí bí thư tỉnh ủy đã hứa sẽ thúc công ty thuốc trừ sâu giải quyết thuốc chống rầy cho huyện, nhưng chưa rót xuống một ký nào ạ. Đề nghị đồng chí cho ý kiến vì Năm Chiêu đang chờ điện ạ. Tràng Giang gắt: - Rầy nâu phá hoại lúa thì dính dáng gì tới bí thư tỉnh ủy nào. Hỏi bên ủy ban nghe chưa. Bí thư tỉnh ủy sinh ra không phải để lo mùa màng thóc lúa mà để lãnh đạo tư tưởng, là chịu hoàn toàn về chính trị trong tỉnh. Tội nghiệp tay Quát. Anh ta lại trở về với cái máy điện thoại cố hữu của mình. Tôi cũng xin phép hai ông bà bí thư ra về. Tôi hứa tập thơ sẽ được in ra trong vài tháng tới với lời tựa của một nhà thơ tên tuổi, sẽ phát hành với số lượng tối đa, sẽ có họp báo linh đình, sẽ có nhiều cây bút phê bình danh tiếng giới thiệu. Tràng Giang im lặng không nói gì. Trước khi tôi bước lên xe, ông hỏi:- ồ làm sao chú lại từ chức tổng biên tập tờ báo?Tôi chột dạ, suýt nữa té ngửa. Nhưng trí khôn tôi của đáng tội cũng có giá, chớp liền thời cơ: - Thưa anh, sức khỏe em không được tốt. Vả lại, cũng muốn dành thời gian còn lại của cuộc đời để đọc và nghiên cứu, nghiền ngẫm tập thơ Đêm mặt trời của anh cho kỹ lưỡng, đặng viết bài bình phẩm hướng dẫn người dân đọc ạ.Tràng Giang bắt tay tôi nói nhỏ: - Cần gì chú cứ kêu tôi. Anh em tình nghĩa cũ, tôi không tiếc chú điều gì cả. Năm nay, tôi đang bận rộn thời gian để hoàn thành tập thơ mới nhất gồm sáu mươi bài mang tựa Mây tư tưởng. Tôi phụ họa:- Trời, chỉ nghe cái tên tập thơ thôi là người ta đã chen nhau bẹp ruột để mua bằng được Mây tư tưởng rồi. Chúc anh viết nhiều hơn nữa. Dưới vòm trời che đỡ của bí thư tỉnh ủy, tôi cóc phải sợ hãi bất cứ một con muỗi nào nữa. Tôi dám thách cả cuốn nhật ký cũ mèm vợ tôi vẫn giấu để nắm tim tôi đấy. Tôi dám thách cả thằng Hoàng Thi, có giỏi thì tung cái băng ghi âm quái quỷ ấy ra đi, xem đứa nào chết? Tôi đã nhờ được một nhà thơ cự phách đề tựa cho tập thơ Đêm mặt trời của Tràng Giang. Tôi đang viết thư thông báo cho mấy nhà phê bình chuyên môn viết bài khen ngợi thơ phú của các vị lãnh đạo thì có tiếng gõ cửa. Chết cha, ai vậy kìa? Nếu là vợ con thì đã có chìa khóa, cứ thể mở vào. Khách, lâu nay tôi đâu có ma nào đến thăm. Những tay văn nghệ văn gừng ngày trước nịnh tôi bỏ cha bây giờ coi tôi còn thua rơm rác. ấy, đấy, lại gõ cửa. Tiếng gõ nhẹ nhàng ý tứ như vậy không của con gái đàn bà thì là của công an chắc? Tôi lạnh toát xương sống. Bỏ mẹ, nếu công an tới nhà, chắc chắn không phải để rủ tôi đi xi-nê hay đi nhậu. Hay là thằng ôn con ấy đã gởi cuốn băng kia cho công an văn hóa? Hay là cuốn nhật ký đầy những suy nghĩ cá nhân? Thấy chưa, lại gõ cửa nữa rồi. Biết đâu, hay là con Ngọc Hương nó kiếm mình để xin lỗi và giăng hoa? Tôi bước ra mở cửa. Này, cái gì thì cái, ông nào bà nào thì cứ thò mặt ra là biết. Chao ôi, một ông lạ hoắc chắc hơn tôi vài tuổi, lại cao to đứng lù lù trước ngưỡng cửa. Ông ta ăn mặc khá tươm tất, nhìn tôi huýt sáo một cái thật kêu, giang tay ra đến phát khiếp. Tôi ú ớ: - Thưa, anh làm gì đấy ạ? Người kia bèn sấn sổ vào tôi, dùng hai bàn tay nặng ký bất thần bíu chặt vào hai vai tôi như tính bắt, khiến tôi phải lùi lại thật nhanh, đứng thủ thế, sắn sàng phóng ra một miếng võ nếu bị tấn công. Ông lạ mặt bèn cười ré lên một tiếng như Trư Bát Giới gặp nữ yêu:- Quên nhau rồi à cha nội? Tôi ngớ người.- Chết cha, Hai Giỡn. Tí xíu nữa là xảy ra vẻ nện nhau như chơi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau đến độ ngã sóng soài ra cửa, rồi lại xáp vô nhau như hai đô vật. Tôi reo:- Đồ quỷ sứ. Anh làm tôi hết cả hồn. Đang làm cục trưởng với hòn trưởng mà về đây làm gì ông? - Tớ xin hưu. Gút-bai Hà thành vào đất An Hải sống với ông đây. Dễ hai mươi năm có lẻ chúng tôi lại mới được gặp nhau. Hai Giỡn mang theo một lít rượu Làng Vân, mở gói Sa-mít bảo tôi uống và hút cho khói um cái thành phố này lên chơi. Tôi mừng lắm, lật đật kiếm cái gì nhậu nhưng Hai Giỡn can, tí nữa ghé thăm nhà ông ta rồi tính. Chúng tôi được một bữa huyên thuyên sướng nhé. Sau đó, chúng tôi lại quay về câu chuyện thời sự, về cái sự chán chường khiến Hai Giỡn phải xin về hưu. Rằng ông thấy mình bất lực trước muôn nghìn cái xấu, cái ác, cái bất công mà người ta gọi tránh đi là tiêu cực đang ăn rỗng cả rường cột quốc gia. Ông cảm thấy người cầm quyền như đang xa rời dần cái xuất phát điểm và cái mục tiêu của cách mạng. Bố mẹ vợ ông không có con trai thừa kế, nài nỉ ông về An Hải này để các cụ trao lại dinh cơ. Đó là một ngôi nhà hai tầng xinh xắn nằm trong một khu vườn đẹp ở ngoại vi thành phố. Số Hai Giỡn là cái anh nhờ lộc vợ. Hai Giỡn uống vại ly rượu vào là hăng hái lắm. Gặp bạn thân, ông moi gan ruột ra để kể chuyện tình của mình cho tôi nghe một cách say mê như thời trai trẻ: - Hồi đi học nước ngoài về, tớ vẫn chưa chấm được cô nào cả, nói chung là chưa muốn lấy vợ. Tớ được phân một căn phòng nhỏ xíu trong hẻm phố Hàng Chuối. Một lần mở cửa sổ ra, tớ thấy qua cửa sổ nhà đối diện một cô gái trắng đến nỗi tớ chưa từng thấy có cái gì trên đời trắng hơn, ngồi đan áo len. Dáng vóc cô ta thật lý tưởng. Thấy tớ đứng bên này cửa sổ nhìn không chớp, nhưng cô ta không ngẩng mặt lên bao giờ, vẫn cúi xuống đan áo. Bấy giờ, tớ dạy ở đại học Bách khoa, mỗi lần về nhà mở cửa sổ ra, lại thấy cô gái đó ngồi đan áo, vẫn nước da trắng đến độ trứng gà bóc còn đen nếu dám so với cô ấy. Tớ huýt sáo hoài nhưng cô ta vẫn không thèm ngẩng đầu lên ông ơi. Tớ tức lắm. Lạ, con cái nhà ai mà kiêu kỳ vậy không biết? Suốt cả tháng trời tớ không sao thấy được mặt mũi cô gái bí hiểm này, để coi cô ấy xinh thật hay xinh dỏm. Ngay lối cổng đi lại, tuyệt nhiên cũng chẳng thấy cô ta ra. Hỏi hàng xóm thì tớ không muốn. Ba Hưng biết vì sao, làm cách nào để tớ nhìn thấy mặt cô đan len kia không? Vỏ quít dày, tất nhiên phải sinh móng tay nhọn, tớ mới kiếm một cuộn len bằng cái hột vịt, nhét vào giữa viên sỏi cho nặng rồi viết mấy chữ vào một mảnh giấy nhỗ gởi trong ruột cuộn len rằng: Anh muốn được nhìn thấy gương mặt em. Đoạn, tớ nhằm cô ta từ bên này cửa sổ, ném cuộn lên vụt một cái qua cửa sổ nhà cô ta. Trời ơi, phải nói là tuyệt vời, cuộn len trúng cái bịch vào ngay ngực cô nàng. Cô gái bèn ngẩng đầu lên nhìn tớ cậu ạ. Thật đúng là tiên nữ giáng trần, mình choáng váng như kẻ sắp sửa chết đói ấy. Tớ cứ đứng ngẩn tò te ra như thằng bé nhà quê lần đầu tiên được nhìn voi ỉa. Tớ thấy cô ta cúi xuống nhặt cuộn len, tháo tung ra, tìm thấy mẩu giấy cam cúi đọc rồi tủm tỉm cười. Thấy vậy, tớ cũng nhe răng cười y hệt chú nghé con vừa hít trúng đám cỏ non ngon lành. Từ hôm đó, cô gái biến mất, suốt cả tuần lễ không ngồi bên song cửa đan len nữa ông ơi. Tớ buồn đến chết được. Đi dạy học về chỉ làm mỗi công việc là mở cửa sổ chiếu tướng cửa sổ nhà đối diện. Tớ nhớ quặn thắt ruột gan cái gương mặt trái xoan, cái mũi bé bằng mỏ chim sáo, cái miệng chúm cha chúm chím thương đến rụng tóc được ông ơi. Bỗng một hôm tớ ngồi viết rất say sưa thì nghe một tiếng bịch hết hồn. Chả là từ có nàng, tớ kê ngay bàn viết giữa cửa sổ. Sau cú bịch rơi từ đâu đến ấy, cái bút tớ đang cầm trên tay bị văng ngay xuống đất. Tớ nhìn xuống gầm bàn thì hóa ra cuộn len của mình bữa trước. Trời ơi, ông ném đi, bà ném lại, cô gái bí mật đã ném trả mình vị sứ giả tuyệt vời là cuộn len nhỏ. Mình mừng muốn điên lên được, tới mức có thể nhảy từ trên lầu xuống đường cũng cóc có sợ chết. Trúng rồi trời ạ. Sự im lặng đã lên tiếng, bí mật đã bước đầu được khui mở. Tớ hồi hộp nhạt cuộn len lên, moi trong ruột ra một miếng giấy nhỏ. Tớ thề với cậu là lúc ấy tim tớ ngừng đập mấy giây. Chữ của nàng đây, nét chữ bé tí tẹo như những con rận xanh dễ thương bò nhấp nhổm. Đây, lời nhắn của nàng đây: Anh đừng nhìn em, em xấu hổ chết mất. Từ đó, suốt ba tháng trời, giữa hai cái cửa sổ qua hẻm phố chừng hơn ba thước đã xảy ra cuộc chiến tranh, mà viên đạn bắn qua bắn lại là cuộn len có gài thêm bức thông điệp trái tim. Chúng tớ đã tỏ tình với nhau bằng cái kiểu lạ đời ấy ông ạ. Tớ yêu cô ta chết mê chết mệt. Cô ta dịu dàng và yếu đuối đến mức, tớ sợ mỗi ngày viên đạn si tình ban qua ban lại chiu chiu hai ba lần như vậy liệu có nhừ xương không? Đúng một năm trời, chúng mình cưới nhau cậu ạ. Tớ nói dóc thì xin ông cọp cứ việc vồ tớ ngay cả khi dạo phố. Khi cô ấy mặc áo cưới về phòng mình thì có đến hơn một nửa dân Hà nội ghen tị. Cô ấy đẹp đến độ tớ có tả mấy đi chăng nữa cũng chỉ là sự bôi bác mà thôi. Nhưng khi lấy về, tớ mới biết cô ấy điếc nặng cậu ạ. Được cái may lớn là vợ tớ điếc nhưng không câm. Nghe đâu đến hơn mười mấy tuổi cô ấy mới bị điếc. Đêm tân hôn, tớ ghé vào tai cô ấy hét: Anh yêu em. Cô ấy nghe tiếng đực ra tiếng cái bèn hỏi lại: Sao, anh yếu hả? Yếu thì ngủ đi để đêm mai. Cô ấy hiền lành đến bụt cũng không bằng. Vợ tớ suốt ngày ngồi đan len làm nội trợ. Nhiều lúc tớ thấy thương cô ấy đến giàn giụa nước mắt. Một lần cô ấy giận tớ đến hai ngày không thèm ăn cơm. Tớ ghé vào tai cô ấy nựng, tất nhiên không thể nựng thầm mà là quát lên: Em cưng. Cô ấy buồn lắm. Hai ngày sau cô ấy bảo tớ: Em dịu dàng mềm mại như thế mà sao anh lại chê em cứng. Tội quá, cưng với cứng chỉ hơn nhau dấu sắc mà không hiểu được nhau. Năm sau, vợ tớ sinh ra một thằng cu đẹp hết ý. Khi thằng bé lên sáu tuổi thì tớ có việc đi nước ngoài. ở nhà, xui xẻo sao, hai mẹ con ra phố gíữa lúc máy bay Mỹ đến ném bom. Đau đớn thay, bom nổ, một mảnh bom Mỹ cắm ngay vào gáy người vợ hiền lành xinh đẹp của tôi. Cô ấy gục ngã và tắt thở liền tại chỗ. Còn thằng bé cứ ôm lấy mẹ mà gào, đến độ máu của mẹ đỏ bầm hết cả người con. Khi tớ về thì cô ấy đã xanh cỏ. Tớ đau buồn như điên dại. Tớ thành gà trống nuôi con. Cuộn len tình sử là trái tim cô ấy gửi lại, hiện tớ vẫn còn giữ. Hai Giỡn kể xong, ngồi lặng đi một phút. Hai mắt ông ngấn lệ ông hẹn tôi chiều maí sẽ cho Honđa đến rước tớí thăm nhà mới của ông, nhậu lai rai chơi. Chiều hôm sau, một cậu thanh niên tự xưng là con của Hai Giỡn đến rước tôi bằng xe máy. Phải nói, căn cứ của Hai Giỡn thật lý tưởng. Nhà lầu, vườn rộng, cây cảnh đẹp, có hòn non bộ, có hồ sen nhân tạo, lại chiếc nhà thủy tạ con con, thật đời tôi nằm mơ đến ba kiếp cũng chẳng thấy. Người vợ mới của Hai Giỡn trạc bốn mươi lăm nhưng dáng còn trẻ, trang điểm rất thoáng và nhạt. Chị có cặp lông mi dài cong vút lên như lông mi giả, đôi mắt to, sáng xanh, mũi ngắn nhưng thon, môi trái tim, cằm hơi lẹm, má đầy đặn, răng trang hơi thưa, cổ thon dài nên nhìn quý tướng. Vợ Hai Giỡn là cán bộ giảng dạy đại học vừa từ Hà nội chuyển vào An Hải này. Chị ra tập kết theo một người anh trai đã hy sinh năm Mậu Thân. Tôi nhìn đàn con sáu đứa đều đã lớn, đứa bé nhất hơn mười tuổi mà thấy khỏe cả người. Nhậu xong, Hai Giỡn kéo tôi ra vườn, mắc hai cái võng nằm ngắm trăng non để xổ bầu tâm sự. Anh kể về mối tình với người vợ thứ hai này:- Tự nhiên, tạo hóa hình như đã lên chương trình hết hay sao ấy ông Ba Hưng ơi. Cái số phải sống với nhau thì dù có trốn vào tàu vũ trụ để lên mặt trăng ngồi rồi cũng phải nhảy xuống đất thôi. Từ sau khi góa vợ, tớ tin là mình ở vậy nuôi con cho đến lúc vô hòm. Năm 1973, mình thôi dạy học, về làm cục phó một cục khá to của một bộ khá bự. Hồi ấy thằng con tớ lên mười tuổi. Hôm chuyển nhà mới, cháu vội đi chơi đến nỗi không nhớ lối về nữa, rồi lạc đâu mất tiêu. Tớ điên lên đi tìm con, nhờ hết bạn bè đến công an, chứ hồi đó báo chí đài đóm toàn đưa tin đại sự họp hành lễ lạc, nào ai thèm in lời rao trẻ bị lạc như báo ở phía nam bây giờ. Hơn một tuần rồi mà tớ vẫn chưa tìm ra con. Tớ mất hồn vía, hôm nào cũng lang thang ở những nơi công cộng. Một buổi chiều tớ đang ngơ ngẩn ngồi trên băng đá ngoài công viên Thống Nhất thì chúa ơi, tớ nhìn thấy con mình đang nắm tay một người đàn bà khá xinh đẹp, đang đi phất phơ nhìn nhìn ngó ngó như tìm kiếm. Tớ kìm xúc động, lặng đi theo con mình và người đàn bà xa lạ kia một đoạn mới bật kêu: Hiếu. Thằng bé quay tít lại sau y hệt cái com-pa, nhào tới ôm bố khóc òa. Người đàn bà cũng xúc động rưng rưng nhìn hai bố con tớ xoần lấy nhau như thừng như chão. Một lúc sau, cô ta mới nói nhỏ nhẹ:- Thưa anh, suốt cả tuần nay tôi phải dẫn cháu đi tìm nhà. Tôi cảm động vô cùng cám ơn chị ta. Thằng Hiếu, con tôi khoe: - Cô Hường thương con lắm. Cô Hường nuôi con. Cô Hường bảo nếu không tìm thấy nhà, cứ ở với cô, cô sẽ là mẹ con. Con thèm có mẹ lắm. Người đàn bà nhìn thằng bé đỏ cả mặt nói chống chế:- Thôi đi Hiếu, cô đâu có nói thế. Thằng bé càng già mồm:- Cô thề nào. Cô nói cô là mẹ con mà. Cô thề đi. Tôi phải can con trai để người đàn bà thoát khỏi điều khó xử: - Sao con lại án nói với cô như vậy? Tôi cũng ngượng thấy bà. Người đàn bà tên Hường cũng mắc cỡ tới số. Cô ta đứng nhìn xuống bàn chân mình đang di di trên đất. Thằng Hiếu đi giữa, tôi và Hường đi hai bên để nghe nó khoe đủ thứ về cô Hường. Tôi thấy Hường e lệ quá mức, hơi một tí là đỏ mặt, là bẽn lẽn, lấy mấy sợi tóc mai thật dài che miệng. Chúng tôi cứ đi lòng vòng trong công viên mãi. Tôi mời Hường vô nhà Thủy Tạ uống nước hoặc ăn kem, nhưng cô từ chối đến mức tưởng như đi chung với tôi vào chốn đông người, cô sẽ thẹn thùng tới mức tat thở mất. Tôi cảm ơn Hường rất nhiều. Tôi nói xin địa chỉ cô để ngày mai đến cảm tạ, đồng thời xin phép thanh toán tiền tổn phí trong suốt một tuần cô đã nuôi giùm con tôi. Hường nghe vậy làm mặt buồn suýt khóc:- Sao anh nghĩ về tôi như vậy. Nào có đáng gì đâu mà thanh với toán. Tôi thấy cháu lạc đứng khóc hu hu mới dẫn về nhà nuôi để giúp cháu nhớ ra lối về nhà cũ. Thôi, tôi xin chào anh. Hường ôm thằng Hiểu hôn. Nó không muốn rời cô Hường. Nó khoe hôm nào sẽ tới mời cô đến nhà bố con nó chơi, ăn cơm với rau muống nước tương và đậu rán. Nó nói toạt ra cái điều cấm kỵ nhất trước những người đàn ông đàn bà vừa quen nhau, đang cố hết sức tỏ ra lịch thiệp: - Mời cô đến ở với bố con cháu cho vui. Bố con cháu có nhà rộng lắm. Tôi bịt mồm con lại. Hường đỏ tía mặt lên, bỏ chạy như con sáo sổ lồng. Tôi thấy Hường xinh xắn quá, lại thương con mình đến độ khó nghĩ. Hôm sau, tôi mua ít quà, dắt thằng Hiếu đến thăm Hường. Hường ở một mình trong căn phòng nhỏ. Đồ đạc của cô rất sơ sài. Cô bảo cô dạy đại học. Chúng tôi quen nhau, khi nào đi chơi cũng có thằng Hiếu. Nó khoái hết biết. Nó trở thành cái cầu nối chúng tôi lại với nhau một cách chân tình và giản dị hơn tất cả mọi thứ xã giao làm bộ. Chuyện tôi và Hường yêu nhau cũng tự nhiên như thể cái điều phải đến tất sẽ đến. Suốt cả hai ba tháng khi hai bên đã thổ lộ yêu nhau rồi, Hường không cho tôi cầm tay chứ chưa nói gì đến hôn với hít. Cô ấy bảo em bị bệnh xấu hổ, đừng suồng sã, đừng đụng vào em, em đứng tim chết mất. Suốt năm tháng trời yêu nhau, tôi tuyệt nhiên không dám đụng vào người mình yêu chỉ vì cái bệnh xấu hổ của cô thật trầm kha. Đến khi chúng tôi thấy cần phải sống với nhau, nghĩa là phải làm đám cưới. Hường nói phải về thưa với mẹ. Nhưng Hường là con em tập kết, mẹ nào ngoài này? Một ngày đẹp trời, cô đưa tôi về Hà Đông chơi thăm mẹ, đặng chúng tôi cùng xin phép mẹ cho được sống vớỉ nhau đến bạc đầu răng long. Khi chúng tôi tới nhà, một bà già người Bắc bước ra đón. Hường kêu bằng mẹ rất tình cảm. Chúng tôi vô tới sân, có bốn đứa trẻ từ nhà chạy ùa ra kêu mẹ mẹ. Tôi xanh mặt:- Trẻ con nhà ai vậy Hường? Cô bình thản nói: - Con em đó anh ạ. Tôi cười nói: - Thôi đi, em đừng có giỡn anh Hai Giỡn này làm gì. Hường trả lời: - Anh thử nhìn bốn con mèo con này xem có giống em y đúc không? Tôi ngã ngửa: - ối Hường có con hồi nào kìa? Tôi tính trốn luôn, nhưng sao trái tim giữ rịt tôi lại với Hường. Thì ra, Hường đã có chồng. Người chồng của cô đi chiến đấu trong Nam hy sinh, để lại cho cô bốn mống này đây. Bà già đây là mẹ chồng của Hường, bà nội của mấy đứa. Tôi nghĩ một lúc, chép miệng:- Thôi, mình đỡ phải mất công đẻ thêm con em nhỉ? Hường đứng lặng giữa bầy con ứa nước mắt:- Em van anh, anh đừng thương em nữa. Em nặng gánh lắm. Tôi vừa buồn vừa thương cảm: - Lỡ yêu rồi làm sao được em. Tôi chấp nhận Hường. Chúng tôi cưới nhau năm 1974 và sinh với nhau một cháu gái nữa, cộng với bốn đứa con riêng của Hường, một đứa con riêng của tôi là thằng cu Hiếu, thành ra chúng tôi có những sáu đứa con. Vậy là có lúc Hường phải hô lên, rằng con em với con anh hè nhau đánh con chúng ta anh Hai Giỡn ơi. Đêm ấy, tôi với Hai Giỡn nằm ngoài vườn tới khuya. Hai Giỡn chợt hỏi tôi:- Này, anh có biết nhà thơ Trần Khuất Nguyên không?- Biết. - Thơ anh ta hay thật. Tôi mê anh này lắm. Anh ta vẫn còn ở thành phố An Hải này chứ? Hôm nào Ba Hưng dẫn mình tới thăm cậu ấy với. Ta mời hắn tới đây nhậu. Tôi nói dối bạn: - Mình không quen lắm. Cánh làm thơ tôi ít hẩu lắm ông Hai ơi.- Này, ngoài Bắc, thanh niên mê thơ Trần Khuất Nguyên lắm. Nghe nói hắn vừa bị đánh khiếp lắm hả? - Ôi, tí nữa là bị bắt rồi. Hắn bị mất đảng, mất chức. Ai cũng bảo hắn hâm, mát giây. Ông chủ tịch hội văn nghệ thề rằng hắn bị điên thơ. Đi đâu cũng đọc, sốt cả ruột. Nghe nói hồi đánh Mỹ hắn bị thương vào sọ nên cũng có thể điên lắm. Vợ tôi bảo bên khối tư tưởng người ta coi tên này là cặn bã của xã hội đấy. Tôi không tin nhà thơ này điên hay mát. Nếu điên sao làm thơ khá vậy? Hơn một tuần sau, Hai Giỡn đến rủ tôi tới nhà nhậu. Ông vừa được bầu làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ hưu trí của tỉnh. Ông khoe tôi: - Trần Khuất Nguyên đúng là con người không bình thường trong cái thế giới bình thường này. Anh ta rừng rực như một ngọn núi lửa, lúc nào cũng có thể phun ra thứ nham thạch thơ ca rực cháy. Nhìn cung cách của Nguyên, tôi chợt nhớ đến Maiacốpxki. Họ là những khẩu đại bác biết tỏ tình đấy ông Ba Hưng ơi. - Tôi sợ anh bốc tay này lắm đấy. - Xin thưa với anh là chúng tôi vừa mời Nguyên đến câu lạc bộ hưu trí nói chuyện và đọc thơ đấy. Thành công rực rỡ ông ơi. Trong dự kiến, anh ta chỉ nói và đọc thơ trong hai tiếng đồng hồ nhưng vì các cụ hưu trí vỗ tay quá, yêu cầu quá, đành kéo dài ra thành bốn tiếng ông ơi. Nhiều ông hưu trí còn mê Trần Khuất Nguyên hơn cả mê gái nữa. Trong cung cách sống và viết, tôi hiểu cậu ta căm thù cái xấu cái ác biết nhường nào, nhất là cái ác cái xấu kia lại luôn luôn lên giọng nhân danh cái tốt cái thiện. Một con người sống như vậy lúc này thật nguy hiểm. - Tôi cho rằng Trần Khuất Nguyên cực đoan quá đấy. - Không, Ba Hưng ạ, xã hội chúng ta đang bị căn bệnh hiểm nghèo có nguy cơ làm sụp đổ tất cả là thái độ sống thờ ơ trước cái ác, cái xấu. Theo Trần Khuất Nguyên, đây là căn bệnh si-đa tinh thần của đất nước. Người ta đã học được nghệ thuật lờ đi, chối bỏ trách nhiệm và lời hứa của cả một thời, làm như không biết cái gì đang xảy ra, giả mù giả điếc trước những nỗi khổ ải của cả một dân tộc. - Nghĩa là Trần Khuất Nguyên dám bảo xã hội chúng ta đang mất dần khả năng miễn nhiễm trong đời sống tinh thần hả Hai Giỡn. - Đúng. Tớ cũng đồng ý như vậy. Vậy thì một người sống khác mọi người, luôn luôn đau lòng và phản ứng quyết liệt trước mọi cái ác và cái xấu đang trở thành yếu tố bình thường của xã hội. Rồi cảnh tỉnh mọi người bằng thơ ca, bằng cách sống không chịu thấp hèn của mình, con người ấy chắc chắc bị cho là điên khùng.Tôi cắt ngang lời Hai Giỡn: - Anh Hai ạ, bên khối tư tưởng người ta bảo Trần Khuất Nguyên là thằng hề Đông Kisốt. Bên báo văn nghệ tỉnh, người ta bảo cậu Nguyên là thằng cha A.Q. bằng đất thó. Bên Sở y tế họ bảo nhà thơ Nguyên là gã Chí Phèo không biết thân biết phận mình là gì. Còn bên công an bảo nó là tên phản động. Hai Giỡn không nói gì. Ông ngồi trầm tư có vẻ buồn buồn. Ông sai con lôi cái điếu cày ra hít một hơi dài, thở khói ra như ống khói tàu hỏa: - Tớ nhớ không chính xác lắm, có ông tổng thống Băng-la-đét sau này bị ám sát đã nói lên một câu thật hay. Câu ấy như vầy: Trong cuộc ác đấu giữa thiện và ác, hiệp đầu bao giờ cái ác cũng thắng. ở hiệp giữa, hai bên ở vào thể cầm cự nhưng cái ác vẫn còn mạnh hơn cái thiện. Nhưng rất ráo, đến hiệp cuối cùng, cái ác nhất định sẽ bị cái thiện đo ván. Chúng tôi nhìn nhau rồi nhìn ra cửa. Vòm trời đang xanh veo. Một đàn chim nhỏ xíu như đang bay cạnh thời gian, rồi bay sang câu chuyện của chúng tôi về một nhà thơ trẻ, mà trong thâm tâm tôi rất kính phục, thậm chí đến nỗi còn có lúc phải ghen tị với anh ta. Nhưng khi phải phát biểu chính kiến về anh, vì nhiều lẽ tôi không chỉ không nói thật lòng mình mà còn phải nói ngược lại nữa. Tôi kể cho Hai Giỡn câu chuyện về Nguyên: - Thằng con trai tôi kể rằng, có một lần, chính mắt nó đã thấy Trần Khuất Nguyên đọc thơ trong đám nhậu. Anh ta hơi say và đã làm thôi miên toàn bộ đám ăn mày, đám bụi đời ngoài chợ. ăn mày và bụi đời kéo nhau vô quán nghe anh ta đọc thơ đến nỗi chủ quán phải can thiệp. Hai Giỡn bảo tôi:- Có khi những điều ăn mày và bụi đời thích thì lại trái tai gai mắt lãnh đạo. Tôi xin đọc cho anh nghe bài thơ Con ốc của Trần Khuất Nguyên nhá:Lấy cái lưỡi làm bàn chân. Đi bằng đầu ốc chẳng cần ngược xuôi, Đầu cắm xuống, đít ngó trời. Một đời con ốc bao đời người ta. - ớ, bài thơ nghe thì hay đấy, nhưng cứ sờ sợ thế nào đấy ông Hai Giỡn ạ. Hai Giỡn như bị chạm nọc. Ông thuyết tôi một tua: Bọn cơ hội đầy tràn như lụt lội trong xã hội ta hiện nay đều đi bằng lưỡi chứ nào có bước bằng chân. Chúng ta còn duy tâm hơn cả con ốc. Con ốc đi bằng đầu còn chúng ta suốt một thời toàn đi bằng tư tưởng, đi bằng ý chí. Chính trị là thống soái mà. Tôi nghĩ rằng con ốc nó có vẻ kiêu ngạo đấy, nó dùng đít để ngó trời, nhưng sự kiêu ngạo kia còn thua xa những người cầm quyền trong xã hội ta. Hèn chi từ đời xưa, ông Lê-nin đã từng lên án gay gat cái thói kiêu ngạo cộng sản. Vì kiêu ngạo, cho ý mình là ý trời nên xem thường kẻ khác, coi thường nhân dân, lúc nào cũng sợ phải theo đuôi quần chúng nhưng cái miệng thì toàn hô lấy dân làm gốc cả thôi. Tôi nói thật ông đừng giận nhá, quan niệm của ông về văn học nói riêng, về nghệ thuật và cuộc đời nói chung đã xa rời các nguyên lý mỹ học mác-xít quá lâu rồi. Các ông hãy đọc lại kinh điển đi, xem lại lịch sử phát triển và tiến hóa của tư tưởng và văn hóa nhân loại đi. Các ông, từ thời Sta-lin qua Mao Trạch Đông đến nay đã tung ra một thứ lý luận hết sức dung tục là văn nghệ phải phục vụ chính trị. Chính trị và văn nghệ đều là hai hình thái ý thức xã hội độc lập với nhau của thượng tầng kiến trúc. Tất nhiên, sự cộng hưởng qua lại, sự tương tác tương hỗ giữa hai hình thái ý thức này phải được hiểu một cách biện chứng. Vì căn bệnh ấu trĩ đồng nhất văn nghệ với chính trị, cho nên khi đọc một bài thơ, một cái truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết, các ông cứ cố tình kéo hình tượng, kéo các biểu tượng của nó về phía chính trị, thành ra luôn luôn sợ ám chỉ, sợ ngụ ngôn, sợ phạm vào húy kỵ của ông vua này của bà hoàng nọ. Thành ra văn nghệ bị triệt tiêu mắt tính mục đích để trở thành một thứ phương tiện hạ đẳng và rẻ tiền. Do đó văn nghệ hay văn học sẽ không còn mang tỉnh tư tưởng nữa, sẽ mắt đi thiên chức của mình là tiên tri thời đại, hướng thiện cho con người, giúp con ngươi tự phát hiện ra chính bản thân mình. Các ông viết lách bao năm cốt để ru hát mà thôi. Ru đến nỗi khiến cho con người lịm ngủ, đến mức không còn khả năng tỉnh dậy nữa. Văn học vừa hát ru, vừa phải biết thức tỉnh, thậm chí biết cảnh tỉnh, cảnh cáo cái xấu cái ác. Văn học các ông muốn có ích, muốn vừa đạt được cái tức thời, vừa chạm được vào cái muôn thuở, nhất thiết phải vươn lên để trở thành van hóa. Bởi vì, cái gì đã trở thành văn hóa thì nó cũng sẽ còn lại mãi với con người. Lý thuyết mác-xít dạy rằng tính tất yếu của loài người là phải tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Khi con người tới thế giới đại đồng, vẫn theo lý luận, xã hội lúc đó sẽ không còn giai cấp, tức là không còn đảng của bất cứ giai cấp nào, sẽ không còn chính quyền, quân đội hay tòa án công an. Nghĩa là chúng ta sẽ có một thế giới mà yếu tố quyền lực bị triệt tiêu, chính trị bị triệt tiêu, nhưng văn hóa thì còn mãi, văn học thì còn mãi. Như vậy, ai lại đi bắt cái muôn đời, cái vĩnh hằng phải phục vụ cho cái tức khắc, cho cái cần phải triệt tiêu đi. Ông có đồng ý với lập luận này không Ba Hưng? Tôi gật đầu, thầm phục khả năng ghê gớm của Hai Giỡn về những quan niệm thẩm mỹ mác-xít sắc sảo và thông minh. Tôi chêm vào:- Rõ là đúng như vậy đấy, nhưng nói ra thì sợ bị quy là xét lại là phản động. Ông về hưu rồi nên cái sợ nhỏ hơn bọn tôi. Hai Giỡn im lặng hút thuốc lào sòng sọc. Tôi ngẫm nghĩ cái đời mình mà kinh. Tôi cũng hiểu rằng khi nào con người còn phải sợ hãi, nó vẫn còn chưa được giải phóng, vẫn còn là một kẻ nô lệ. Con người khi sinh ra đã phải đối diện với nỗi sợ hãi vĩ đại nhất của đời mình là sợ chết, là nỗi sợ khôn cùng trước cái hư vô thăm thẳm, trước những bí mật đến kinh hoàng của thế giới tự nhiên. Tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật được ra đời để giúp con người chống trả lại nỗi sợ sinh diệt này. Nhưng đến khi xã hội loài người phân hóa giai cấp, con người lại phải chất lên lưng mình cái ách vô cùng khốc liệt của nỗi sợ nhau, tức là nỗi sợ đồng loại, nỗi sợ trước bạo quyền độc ác. Chủ nghĩa cộng sản muốn trở thành yếu tố giải phóng đẹp nhất của con người, nhất thiết phải tìm ra phương cách hữu hiệu nhất giúp con người thoát khỏi mọi ám ảnh sợ hãi. Nhưng tôi biết người ta đâu đã làm được như vậy, người ta vẫn còn đe dọa đồng loại mình bằng đủ cách, bắt con người phải sợ hãi mình và do đó phải biết nghe lời mình. Trời ơi, có lẽ nào thu phục được nhân tâm, nếu một kẻ có quyền kia cầm thanh gươm rồi túm áo đồng loại bảo: Nếu mày không yêu tao, tao sẽ giết. Sta-lin, Mao Trạch Đông, Pôn Pốt đã làm như vậy, đã biết cách khai thác nỗi sợ hãi và sự hèn nhát bạc nhược của con người để làm vũ khí thống trị con người. Hai Giỡn thở xong làn khói thuốc làm tôi suýt phát sặc và dừng lại mạch suy tư. Ông ta vẫn còn hăng lý luận lắm: - Cái sai lầm lớn nhất của các vị lãnh đạo vừa qua là do học thuyết chính trị là thống soái chi phối. Vì vậy, các nhà lập thuyết của đám Mao ít bèn đồng nhất chính trị với mọi hình thái ý thức xã hội trên thượng tầng kiến trúc. Thành ra từ tôn giáo, triết học, đạo đức, văn hóa văn nghệ đều là chính trị tuốt xít. Người ta giảng văn hay giảng đạo đức trong nhà trường cho tuổi trẻ học, thực chất là cuộc giảng dạy chính trị mà thôi. Thậm chí người ta còn chính trị hóa cả khoa học tự nhiên nữa. Ngay cả yếu tố tư tưởng là cõi tự do đích thực của con người cũng bị người ta chính trị hóa bằng một cụm từ rất quen thuộc: chính trị tư tưởng. Do vậy, thế giới quan nào thì sẽ có một nhân sinh quan đó.Tôi im lặng công nhận Hai Giỡn có lý. Tôi biết ông nói và viết được rành rẽ ba thứ tiếng Anh, Nga, Pháp. Ông đã du học sang Liên Xô, đã đi năm bảy nước tư bản. Ông đọc sách nhiều và ngay cả trong khu vực văn nghệ của chúng tôi, ông đã tỏ ra rất uyên bác, như một chuyên gia. Tôi nói với Hai Giỡn trước khi ra về: - Ông khuyên Trần Khuất Nguyên rằng đừng có làm cái thớt, phải biết cách làm con dao. Hai Giỡn bắt đầu giỡn: Nhưng có khi thớt cũng chẳng phải anh, dao cũng cóc phải anh. Anh chỉ là cái món ở khoảng giữa dao và thớt. Hai chúng tôi cùng cười thoải mái. Tôi nghĩ bụng: nghệ thuật không cần phải học phương pháp bắn phá của hạt nhân. Nghệ thuật có bùa phép của nó để đến với trái tim con người. Nghệ thuật không cần đập vô các bức tường, nó thẩm thấu qua các bức tường. Nghệ thuật chính là hình ảnh của tư tưởng. Mà tư tưởng của con người bao giờ cũng có khả năng thẩm thấu vào cốt lõi của sự vật, vào bề rộng vàbề sâu của thế giới. Bởi vì tư tưởng chính là tinh thần của tồn tại vậy Nếu tôi có tài năng lớn, tôi sẽ mở ra một phương pháp sáng tác riêng cho mình: phương pháp hiện thực thẩm thấu. Nhưng tiếc thay, bao nhiêu sự dũng cảm của mình, tôi đã tiêu xài hết trong thời trai trẻ đi đánh Pháp. Còn bây giờ, trong cuộc chiến đấu chống lại thói đạo đức giả, thói nhân danh cái thiện, cái cao cả để làm cái ác, cái đê tiện, tôi lại là một kẻ hèn nhát đầu hàng. Vậy mà tôi vẫn mang danh đảng viên, mang danh nhà văn thì quá khôi hài. Tôi bỏ mặc những chàng Đông Kisốt Trần Khuất Nguyên phải một mình chiến đấu với cối xay gió? Tuy nhiên, tôi vẫn phải đối diện với đốm đom đóm lương tri của mình. ở nơi sâu thẳm đó, vẫn còn đôi mắt của Oanh nhìn xuyên qua sự mờ ám của tôi với những tia nhìn sắc nhọn và nhức buốt như nọc ong bầu...Tôi cùng Tám Lợi, giám đốc nhà xuất bản tỉnh Sơn Giang xuống nhà in xem lại số giấy có đủ in ra mười nghìn cuốn Đêm mặt trời của bí thư tỉnh ủy Tràng Giang không? Chúng tôi làm cuộc lễ nhỏ khánh thành việc in tập thơ, có cắt băng, có quà của bí thư tỉnh ủy. Tám Lợi nói thầm vào tai tôi:- Theo dự trù, ít nhất nhà xuất bản phải lỗ vốn tới năm triệu đồng vì tập thơ này. Tôi giải thích: - Thì lỗ hay lời cũng là ngân quỹ của nhà nước cả. Còn ông với tôi thì không lỗ tí nào đâu, đừng lo. Ông Tám là tỉnh ủy viên lần nào chưa nhỉ?- Chưa. Mình chưa tới số. - Ông cứ thử in thật đẹp tập thơ này vào xem nào. Muốn vào tỉnh ủy, anh nào cũng cần phải có một cái thang. Leo lên không bằng thang thì bằng cột mỡ à. - Thì ai chả biết như vậy ông Ba Hưng ơi. Nhưng thang nó cũng có ba bảy loại. Có loại thang chân, có loại thang tay, lại có loại thang mồm, thang lưỡi ông ạ. Nhưng theo tôi, loại thang cho đầu gối leo là hay hơn cả. Với ông, quen quá còn gì, tôi cứ nói trắng ra như vậy cho dễ. - Ôi cái anh Tám này nhiêu khê quá. Thang nào thì thang, miễn leo lên là được. Khi tôi tiễn tay giám đốc xuất bản về, một nhà thực dụng chủ nghĩa có lý luận, chợt chuông điện thoại và người trực máy mời tôi đến nghe, có ai đó kêu tôi. Tôi giật mình, liệu có phải là một tin chẳng lành bao giờ cũng rình rập tôi. - Ai đó? Ruộng hả? Sao? Con Vương Thi làm sao? Năm ngày rồi nó biến mất, không lên lớp, không về nhà thì đi đâu? Bà bảo tôi tìm nó ở đâu bây giờ? Xuống nhà thằng bác sĩ Mão hả? Nó làm ở bệnh viện hay ở nhà? Tôi sẽ xuống bệnh viện ngay bây giờ. Tôi bỏ ống điện thoại xuống mà toát cả mồ hôi. Con Vương Thi, niềm tin yêu duy nhất của tôi vào cuộc đời vừa đi đâu mất năm ngày nay không xuất hiện. Tôi hình dung ra bao nhiêu trạng huống con gái tôi gặp phải mà run sợ tái mặt. Cuộc đời tôi cha mẹ sinh ra cũng như ai, giờ sao giống con cheo con thỏ, hơi tí là run, hơi tí là tái mét mặt. Tôi leo lên xe đạp đến bệnh viện tỉnh tìm cậu Mão, bác sĩ mới ra trường hai năm nay. Cậu này con nhà khá giả, làm nghề buôn bán, học giỏi nhưng không được đẹp trai. Mão người thấp lùn, đứng có khi còn chưa cao bằng con gái tôi nữa. Mắt cậu ta lại một mí, loại mắt lươn, nhìn hơi gian gian. Hai đứa đã quen nhau sau lần đi nghỉ mát ngoài Nha Trang. Mão tán Vương Thi một cách bão táp. Con bé đổ. Hai đứa yêu nhau. Vương Thi yêu một cách cuồng nhiệt. Nó đã kể cho tôi nghe về mối tình đầu của mình như đang kể cho cô bạn thân vậy. Nó khoe với tôi về bao nhiêu cái hay ho tốt đẹp của người yêu. Tôi khuyên con gái, yêu thì yêu nhưng phải biết giữ mình giữa mẩy, đừng bao giờ vượt quá giới hạn cho phép. Tôi phải dặn con gái cả những điều chính ra mẹ nó phải dặn. Tôi thông cảm với con, tính nó sống quyết liệt không chấp nhận sự nửa vời. Điều gì nó cũng muốn truy nguyên, hành động nào cũng phải rất ráo mới chịu. Thỉnh thoảng tôi bảo con rằng tình yêu mà cháy quá, bốc quá e mau tàn đấy Vương Thi cười chép miệng: bố quan niệm xưa rồi, đã là tình yêu thì có cháy đến hết đời vẫn cứ còn đầy nhiên liệu. Tình yêu là sự tăng trưởng, sự vươn lên mãi mãi thì lửa ấy, sức cháy ấy làm sao gọi là tàn được hả bố? Tôi bảo con rằng mọi vận động trên đời đều cần được bảo hiểm, đều có bảo hiểm cả, nghĩa là phải có cái thang đề phòng vật cản xuất hiện đột ngột khi vận tốc của sự vật đang ở cao điểm. Con gái tôi lại cười: gớm, bố cứ làm tình yêu như cái xe đạp lăn xuống dốc không bằng. Tôi tiên cảm thế nào con gái tôi cũng sẽ gặp tai nạn trên hành trình tình cảm, khi nó mặc kệ mọi tốc độ mà không sắm cho mình một cái thang.Tôi tới bệnh viện thì anh chàng Mão đang dắt xe cúp ra cửa bệnh viện. Mão chào hỏi tôi tử tế lễ phép. Tôi hỏi:- Vương Thi có ở bên nhà cháu không? Dạ thưa bác không có ạ. Lâu rồi cháu không gặp lại cô ấy Tôi sửng sốt: - Sao vậy anh Mão? Dạ chúng cháu bất đồng nhiều thứ lắm ạ. Cứ gặp là cãi nhau. Vương Thi rất cực đoan. Cô ấy không bao giờ chịu thỏa hiệp. - Nghĩa là nó với cháu giận nhau? - Dạ chúng cháu cắt đứt quan hệ với nhau rồi ạ. Sau hai năm tìm hiểu, chúng cháu thấy không thể tiến tới hôn nhân được thưa bác.- Cô cậu thôi nhau lâu chưa? - Dạ được nửa tháng rồi ạ. Tôi chia tay với cậu rể hụt, vừa đạp xe về nhà vừa lo âu, vừa buồn đến chóng mặt. Thấy tôi Về, Ruộng hỏi:- Con đâu? - Tôi đâu có giữ nó trong túi. Nó đã ngoài hai mươi tuổi, lại sống độc lập, ít về nhà, bà không giữ nó nổi sao còn hỏi tôi? Ruộng cau mày than thở. Tôi trình bày chuyện vừa gặp thằng Mão, chuyện hai đứa nó thôi nhau. Ruộng đay nghiến tôi: - Tôi đã can nó đừng yêu cái thằng con nhà buôn bán, con nhà rặt ngụy nhưng ông chiều con. Bây giờ ông thấy cái giá của tự do chưa? Sợ con tôi thất tình thất tung lại dại dột liều mình thì khổ thôi. Tôi bàn hay là nhờ bên công an họ tìm cho. Nhưng Ruộng gạt đi ngay: để rồi ầm lên khắp nơi con Vương Thi bỏ nhà đi bụi à? Đẹp mặt bố mẹ lắm đấy. Mai mốt lỡ nó lù lù về thì có ma nào dám lấy. Với lại ảnh hưởng con đường vào tỉnh ủy của bà ấy. Một tỉnh ủy viên không thể có con gái bỏ nhà đi hoang. Ruộng ngồi khóc tức tưởi một chập, quay lại cằn nhằn:- Tại ông hết. Cái nhà tan hoang, con chả ra con chồng chẳng ra chồng. Có được đứa con trai thì bây giờ cử ôm rịt lấy bố mẹ vợ như mèo ôm mỡ ấy. Đứa con gái thì đi đâu mất tông mất tích. Nếu ngày ấy ông chịu đặt tên chúng nó theo ý tôi thì đã khác. Ông lại đặt tên thằng bé là Trần Văn Văn, con bé là Trần Thị Vương Thi. Bắt con cái tôi dính vào văn với thi là mệt lắm. Mình ông làm văn làm phú chưa đủ sao mà còn tính lôi con cái vào cái nghiệp này? Tôi đã bảo ông đặt tên thằng bé giản dị thôi, là Trần Văn Đồng, tên mẹ là Ruộng, tên con là Đồng có phải vừa hay, vừa ý nghĩa. Còn đứa con gái, bây giờ tôi đã đặt cho nó là Trần Thị Nương, mẹ là Ruộng, con gái là Nương, Ruộng với Nương, nghe vừa hay vừa mát ruột. Ruộng lại ngồi khóc. Tôi không còn lời nào an ủi bà ấy được nữa. Mà đúng là tôi đã đánh hỏng cuộc đời của người đàn bà này. Cứ để cho Ruộng ta thán kêu rêu, cho nguôi bao ấm ức đã phải nén lại một đời. Từ hôm đó, tôi đạp xe đi suốt ngày rạc cả người, mong tìm thấy con trên đường phố hay ngoài công viên. Ruộng mất ăn mất ngủ, tóc đã bạc ra trông thấy. May mà bà ấy còn có cái đam mê vào tỉnh ủy, đêm nằm mơ còn thấy mình đi giảng chính trị cho khắp thế giới. Tôi sút đi đến mấy ký. Hai Giỡn sợ tôi bị ho lao. Tôi điên dại vì con mà nào có dám kể cho bạn nghe để được an ủi. Con gái bỏ nhà, bỏ sở đi là nỗi nhục của cha mẹ, đâu còn dám đi khoe. Năm ngày sau, một buổi tối, Vương Thi về gõ cửa. Con gái tôi xanh mướt, gầy như cái xác ve. Tôi ôm con gái vào lòng, òa khóc như đứa trẻ khiến con bé dỗ tôi nín đi, nín đi bố như thế nó phải dỗ một đứa bé vậy. Hai ngày sau, Vương Thi ngồi kể cho tôi nghe nguyên nhân bỏ đi của nó. Tôi xin dựng lại câu chuyện kể của con gái bằng cách dựng lại hiện trường, hay theo kiểu quay phim lại các sự kiện.