Thảo xuống xe bus lúc trời sẫm tối. Bầu trời đã điểm vài ngôi sao và trăng thượng tuần mọc sớm phơn phớt màu vàng như một bờ mi cong trên nền trời tối sẫm. Đoạn đường từ quốc lộ vào trong làng rải đá phẳng phiu, mỗi lần có người qua lại, những viên sỏi dưới chân rộn lên những âm thanh nhỏ, lạo xạo như đang bước chân trên bờ cát. Thảo vẫn thong thả bước, không chú ý đến những tiếng nhạc đang vang lên từ quán xá ven đường. Đó là con đường vào một làng nhỏ ven đô. Khi xưa, dân làng sinh sống bằng đồng ruộng, bằng cây trái trong vườn. Nhà nào cũng có một vườn cây nho nhỏ trồng cây ăn quả. Trái cam, trái ổi, trái mãng cầu, trái quất hồng bì. Vẻ yên tĩnh của vùng ngoại ô chỉ lưu lại trong kỷ niệm của lớp người lớn tuổi. Những chàng trai, những cô gái lớn lên sau này chỉ được nghe ông bà, cha mẹ hay anh chị mình kể lại rằng làng ta khi xưa cây cỏ kín vườn, chim vào không biết lối ra. Mấy năm gần đây, phố xá lấn vào tận làng. Nhà hai tầng, ba tầng mọc lên, đất làng bị cắt xén bán cho người trên phố xây nhà hàng, khách sạn mini. Dân trên phố bắt đầu chán cảnh ồn ào inh tai nhức óc của các loại động cơ tìm về ngoại ô để hưởng những phút giây thư giãn. Nhà hàng, khách sạn ngoại ô được xây cất mới trong một không gian thoáng rộng thật sự thu hút người từ trên phố. Thảo dừng lại trước một ngôi nhà lợp ngói hồng, xây cất dạng village một tầng, vòm mái và cửa kính kiểu châu Âu, được bao quanh bằng một vườn cây trông vừa hiện đại vừa cổ kính. Những chiếc bàn nhỏ bằng một lát cắt của thân cây trên một khúc gỗ làm đế, mặt bàn bóng nhẵn lên nước gỗ, bốn bên là bốn chiếc ghế mây mềm mại được kết bằng những sợi mây màu ngà. Đèn mờ xanh đỏ chen trong cành cây và chưa đến bảy giờ tối, trong vòm lá đã ẩn hiện những ánh đèn lấp láy theo tiếng nhạc. Từ lúc được người giới thiệu đến đây, Thảo có đồng ra đồng vào, đỡ phải lo miếng ăn cho mình trong những ngày nuôi chồng nằm viện. Đợt này, Thảo lại đăng quân cho nhà hàng và bà chủ đã vui lòng đón nhận. Thảo đưa tay mở chiếc chốt sắt cài cổng. Hôm nay, theo đề nghị của bà chủ có một bữa tiệc đám cưới buổi chiều, Thảo làm đêm thay cho làm từ sáng đến chiều như thường lệ. Bà chủ báo trước, hôm nay khách khứa đông, phải tiếp thức ăn cho các bàn, Thảo phải ăn mặc tưm tất và trang điểm một chút “cho coi được”. Cô không dám làm việc đó trước mặt chồng, gói bộ quần áo và bộ đồ trang sức cho vào túi rồi lên xe bus. Cô dặn lại: - Chiều nay, nhà hàng phục vụ đám cưới. Có thể em về muộn đấy anh nhé. Bút nhìn vợ không nói câu nào. Hai lần ra đây điều trị, Thảo đã bộc lộ gần như đầy đủ tính cách của người vợ hiền. Lo cơm nước giặt giũ, lo kiếm tiền để thuốc men bồi dưỡng thêm cho anh. Cô làm những công việc nặng nhọc ở nhà hàng, sớm chiều vất vả mà không hé răng than vãn. Thâm tâm, Bút biết ơn người vợ tần tảo của mình. Thảo gặp bà chủ mặt đầy son phấn ngay lối vào nhà bếp. Bà cười mỉm, vỗ vai Thảo: - Em thay đồ rồi trang điểm đi. Để việc chạy bàn cho chúng nó. Sau bếp, mùi hành tỏi thơm phúc, mùi mỡ cháy khét lẹt. Kẻ vào người ra, những đĩa thức ăn bốc khói được đặt ngay ngắn trên chiếc bàn dài. Trước cửa ngôi nhà, một chiếc bàn dài kê chắn gần hết lối đi được phủ một tấm vải trắng. Bên trên, cứ khoảng nửa mét là một lọ hoa hồng và một đĩa gạt tàn thuốc lá. Người chủ tiệc mặc complet màu xám, tóc chải mượt có cài một bông hồng trên ngực áo, bô bô: - Mười lăm phút nữa là xe tới. Cho dọn thêm hai mâm đặc biệt bốn người ngồi kia kìa. - Vừa nói gã vừa chỉ tay về phía hai chiếc bàn dưới hai lùm cây. Không uống bia, nặng bụng. Chỉ Napoleon cho đàn ông và sâm banh cho đàn bà. Giọng bà chủ the thé: - Cái bàn giữa là bốn mươi người, bàn trong nhà sáu người đã sẵn sàng. Hai mâm đặc biệt nữa phải không? Thưa sếp, năm phút là xong. Bay đâu, kê thêm hai bàn đặc biệt! Tiếng dạ ran phía sau. Thảo ngồi trước gương trang điểm, bặm môi cho son thấm đều vào hai bờ môi. Bà chủ chợt bước vào, thấy Thảo đang cầm thỏi son Thái, gắt lên: - Chết, không dùng loại rẻ tiền này. Đã bảo hôm nay chị có khách. Em cứ lấy hộp son của chị mà dùng. Đây này, phải kẻ thêm lông mày cho đậm hơn như thế này này. Vừa nói, bà vừa cầm cây bút chì ngồi xuống đối diện với Thảo. Bà đưa tay thoăn thoắt vạch đi vạch lại trên bờ mi của Thảo. Thảo nhắm nghiền đôi mắt, chốc chốc lại hé một bên mắt để nhìn vào gương. Bà chủ xoa lại phấn, tô lại môi cho Thảo. Bà đứng dậy, cùng Thảo nhìn vào tấm gương lớn, hể hả: - Thấy chưa. Hết ý. Em mà có chút son phấn vào thì tuyệt vời. Có phải đôi mắt sắc ngọt đi không. Đôi môi hình trái tim. Đấy, cười đi. Em được đôi hàm răng rất đều, rất trắng. Đúng là gái có con trông mòn con mắt. Nói thật, đàn ông bây giờ nó không thích bắt bồ với gái tơ. Nhõng nhẽo lắm. Cứ sồn sồn mà đánh. Biết cách chiều chuộng đàn ông. Hừ. Hết ý! Thảo không nói gì, nhìn bà chủ mỉm cười. Thảo định mặc bộ quần áo cũ của mình, bà gạt đi: - Dẹp. Dẹp ba cái mớ đồ cũ. Chị có mấy bộ áo dài may hồi còn chưa mập. Bây giờ đã “thon thon hình vại” chị bỏ đáy tủ. Đây, em lấy mà mặc. Thiếu gì thứ mà em phải mặc thứ ấy. Đêm nay, chị muốn em lộng lẫy! Phía ngoài, tiếng xe máy, xe hơi rần rần rú ga, còi bóp inh ỏi. Từ trên chiếc Honda màu đen, đèn pha còn bật sáng hắt ánh sáng chói chang ra hai bên đường, cô dâu chú rể ở hàng ghế phía sau bước ra. Cô dâu mặc soa rê trắng, đội vưng miện được kết lại bằng những hạt thủy tinh nhỏ, phản chiếu nhiều màu sắc dưới ánh đèn. Chú rể để ria mép, tóc cắt ngắn kiểu thể thao, complet màu xám nhạt, sơ mi màu trắng, ôm bó lay ơn đỏ thắm trên tay. Những cô gái tiếp viên nhà hàng ăn mặc sang trọng áo dài đủ màu, đứng hai bên đường tung những cánh hoa trắng mỏng vưng trên tóc, trên soa rê của cô dâu, trên đầu, trên vai chú rể. Chủ buổi lễ, một người đàn ông béo mập, thấp đậm trong bộ complet cổ may theo kiểu đã cũ mời khách khứa vào bàn. Tiếp viên chạy tới chạy lui, thức ăn đồ uống đã được dọn ra. Chủ lễ e hèm lấy giọng, tay chắp trước bụng, trịnh trọng: - Thưa quý vị quan khách, thưa hai họ, thưa các bạn hữu của hai cháu Trung Quân và Lệ Thủy. Đời người ta có một lần tràn ngập trong hạnh phúc. Đó là ngày người con gái lên xe hoa và người con trai e dè cùng gia đình mình, bạn bè đến nhà gái rước dâu về. Các thủ tục thành hôn của hai cháu đã hoàn tất sáng nay ở tư gia. Tối nay là bữa tiệc của anh chị tôi khoản đãi quý vị và hai họ. Tiếng rượu rót ra ly róc rách. Tiếng mở sâm banh kêu lốp bốp. Bà chủ nhà hàng kéo Thảo ra một góc, thì thầm: - Chị có chút việc muốn nhờ em. Tối nay, có hai bàn dành cho quan khách cỡ bự. Em giúp chị tiếp khách một bàn, một bàn nữa đã có đứa khác. Thảo hơi khó chịu, ngượng ngùng trong chiếc áo rộng cổ, phía dưới lại bó sát người, miễn cưỡng ngồi vào một bàn có ba người đàn ông ăn mặc sang trọng đã ngồi sẵn. Thảo cúi chào rồi khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế còn bỏ trống, mở nút chai rượu đánh “bốp” một tiếng, rót vào ba ly. Đến chiếc ly thứ ba của một người có vẻ lớn tuổi, bộ mặt trông dữ dằn với đôi mắt sắc, gã nhoài người sang phía Thảo, cầm lấy tay cô: - Người đẹp để anh giúp cho một tay. Gã rót cho mình một ly đầy rồi rót cho Thảo một ly, nâng lên mời những người đàn ông khác: - Ta trăm phần trăm mừng hai cháu, các anh! Thảo vẫn để nguyên ly rượu trên bàn, lấy lý do không biết uống rượu. Gã đàn ông ngồi cạnh dịch sát người sang phía Thảo, cười mơn trớn: - Em uống đi cho anh vui lòng. Gã liếc cặp mắt đa tình sắc lẻm sang phía Thảo, dừng lại phần trên cổ áo. Một vạt da trắng nõn như cánh đồng phủ tuyết, phẳng phiu, êm mát. Gã hình dung sống mũi dọc dừa của Thảo như một con đê nhỏ, lên đôi mắt là hai chiếc hồ nhỏ, bờ mi cong cong là hai rặng liễu tỏa bóng xuống hai hồ nước thăm thẳm màu nước đen huyền. Càng ở phía dưới cổ, cánh đồng càng phẳng phiu, màu trắng bỗng dừng lại vì một dải màu đen ngăn cách. Hai ngọn đồi thoai thoải, ở giữa có một khe nhỏ chạy qua. Và gã ao ước, mười ngón tay cục mịch, thứ ngón tay dùi trống của gã sẽ như mười chàng trai lực lưỡng quần nát hai quả đồi trắng nõn không thương tiếc! Thảo ngượng, im lặng gắp thức ăn vào chén cho hai người kia, nhất mực từ chối không chịu uống ly rượu. Bất thần gã đứng dậy, gọi bà chủ, giọng oang oang: - Này, chủ tiệm. Tiếp viên kiểu này tụi tôi bỏ cuộc. Có còn coi tụi tôi ra gì nữa không, hử? Bà chủ nhận ra đó là Minh Đớp, trùm buôn bán bất động sản cỡ bự của thành phố. Bà nham nhở cười, nói rất vô duyên: - Tôi xin lỗi. Con em nó chưa biết đại ca. Bà cúi xuống sát vai Thảo: “Chị van em, em hãy vì chị mà chiều ông khách đặc biệt này!” Nể tình, Thảo đưa ly rượu lên, không quên rót cho Minh Đớp thêm một ly nữa, giọng run run: - Em mời anh, mời các anh! Rượu chạy rần rần trong cơ thể Thảo. Buổi chiều không kịp ăn uống gì, bụng Thảo lép kẹp, chỉ một ly nhỏ đã làm tim cô đập mạnh, mặt nóng bừng, cảm giác lâng lâng như đang bay. Mấy gã đàn ông vẫn nhồm nhoàm vừa ăn vừa uống. Vèo một cái chai rượu đã trống rỗng. Thảo uống ly thứ hai rồi ly thứ ba, đầu quay cuồng không biết mình đang ở đâu, đang làm gì. Trong cơn mơ màng, Thảo tưởng tượng có ai đó đang mân mê bàn tay mình, rồi đôi môi dày, nhầy mỡ phả ra mùi rượu trườn trên má, trên môi cô. Thảo buồn nôn mà không nôn được. Cuối cùng, cô gục vào một tấm vai phẳng, đầu nghiêng vào chiếc cổ tròn. Bên tai Thảo có tiếng vo vo như tiếng đàn ong đang bay. Một làn hơi lạnh phả vào mặt cô. Phía sau lưng mềm và êm. Rồi ngực cô mát lạnh, có một vật gì đó đè nặng. Cô muốn mở to đôi mắt mà không mở được. Cảm giác một con sên nhầy nhầy bò khắp người cô làm cô bừng tỉnh. Cô mở to đôi mắt và nhìn thấy Minh Đớp trần trùng trục hôn cặp môi to dày lên khắp người cô. Cô cũng không mảnh áo che thân, vụt ngồi dậy, hốt hoảng định kêu lên. Minh Đớp ngầu lên đôi mắt thèm khát, lao đến định ôm Thảo vào lòng. Thảo cắn mạnh vào tay gã, hét lên: - Buông tôi ra, đồ khốn nạn! Minh Đớp nham nhở: - Thôi chiều anh đi, em cắn anh chảy máu đây này! Gã đưa tay gỡ chiếc nhẫn to tướng trên bàn tay khác, trao cho Thảo: - Đây anh tặng em! Thảo hất tay làm tung chiếc nhẫn, thuận tay tát vào mặt gã. Gã vẫn không buông tha, ôm chầm lấy cô, đè xuống đệm. Cô hất tung con dê già sang một góc, hai chân đá liên hồi vào người gã. Thảo lồm cồm bò dậy vơ vội bộ quần áo nhàu nát rồi mở cửa chạy như bay. Bà chủ quán thoáng trông thấy, vội chạy theo nhưng cô đã ra ngõ, chạy bán sống bán chết ra đường cái. Chiếc xích lô đưa Thảo về tới con hẻm nhà giáo sư Vũ Thịnh, lúc đó đã quá nửa đêm. Suốt dọc đường đi, cô nhanh chóng đưa ra quyết định, cô không thể trở về bệnh viện với bộ quần áo nhàu nát của bà chủ. Cô phải đến xin nghỉ nhờ nhà ông Vũ Thịnh rồi sáng mai sẽ tính. Ngôi nhà ông Vũ Thịnh im phăng phắc. Thảo rùng mình, toàn thân ớn lạnh, tay run run ấn chuông. Đèn phòng khách bật sáng. Có tiếng lạch cạch mở cửa. Ông Vũ Thịnh trong bộ quần áo pijama, giương mục kỉnh hướng ra ngoài cổng. Tiếng chuông vẫn vang lên. Ông bước xuống thềm đi ra. Thảo gọi giật: - Bác ơi! Ông Vũ Thịnh nhận ngay ra tiếng Thảo. - Thảo. Sao giờ này cháu lại đến đây. Cánh cổng mở rộng. Thảo gục vào ngực ông: - Bác ơi, cháu khổ quá...! Nghe tiếng động phía ngoài, cô cháu gái ông Vũ Thịnh cũng chạy ra. Ông dìu Thảo vào nhà, cô vẫn thút thít khóc. Giọng ông đầy lo lắng: - Có chuyện gì, cháu cứ nói với bác. Vợ chồng lại có chuyện gì phải không? Thảo mếu máo: - Bác ơi, quân khốn nạn...! Nói xong, cô nức nở. Ông Vũ Thịnh ít nhiều đã hiểu được câu chuyện, thốt lên: - Trời, lại thế sao? Ông không hỏi gì thêm, lặng lẽ bảo cô cháu: - Cháu đưa chị Thảo ra nghỉ với cháu. Pha cho chị chút gì uống cho đỡ lạnh. Ông bước đi, hơi cúi xuống, hai tay vò đầu. Dưới ánh đèn phía ngoài cổng hắt vào, bóng ông đổ dài trên con đường lát sỏi... Bên chiếc bàn con phía sau nhà ăn, Thảo ngồi đối diện với ông Vũ Thịnh. Bát mì trên bàn trước mặt Thảo đã nguội, trương lên. Giọng Thảo buồn rầu: ... chuyện là như vậy. Khi nhận lời làm công cho bà này, cháu đã hết sức cảnh giác. Nhưng đời có biết bao nhiêu mưu ma chước quỷ, bao nhiêu cạm bẫy, cháu đâu lường hết được. Ông Vũ Thịnh không nói gì, tay khư khư cầm ly cà phê đã nguội. Đôi mắt ông sâu trũng, gò má cao và răn reo. Khuôn mặt ông mệt mỏi, vẻ mệt mỏi của một người đã chứng kiến quá nhiều điều bất hạnh đến cùng một lúc. Ông nói với Thảo, giọng nhỏ và yếu: - Đợt điều trị của anh Bút cũng sắp xong rồi. Cũng may mà cháu không phải ở lâu thêm. Rồi ông lấy ra từ trong túi áo một xấp tiền. Ông cầm tay Thảo trong bàn tay răn reo của mình, tay kia đặt xấp tiền vào tay Thảo: - Đây, bác có một ít giúp vợ chồng cháu. Thảo ngước mắt nhìn ông, nhất mực từ chối: - Cảm ơn bác, bác giúp cháu nhiều rồi. Ông Vũ Thịnh vẫn để nguyên bọc giấy trong tay Thảo: - Cháu cứ cầm lấy, không ngại gì cả. Bao giờ vợ chồng cháu làm ăn khấm khá rồi gửi lại bác cũng được. Bên ngoài có tiếng xe gắn máy, Vũ Hải trực đêm ở bệnh viện về. Thoáng thấy bóng con trai qua khung cửa sổ, ông Vũ Thịnh cất tiếng gọi: - Hải vào ăn sáng luôn thể! Thảo cũng lí nhí mời: - Em mời anh vào ăn sáng. Vũ Hải bước vào phòng ăn, hết nhìn Thảo lại nhìn bố mình. Ông Vũ Thịnh giọng dứt khoát: - Thôi, cháu cứ cầm lấy, không bàn cãi gì nữa. Vũ Hải lưỡng lự một lúc rồi quay ra, ánh mắt vẫn xoáy vào người Thảo. Ông Vũ Thịnh đã uống xong ly cà phê, người cháu gái của ông bước vào, nói với Thảo: - Chị giữ lấy bộ quần áo của em mà mặc. Chị mặc cũng vừa đấy chứ. Thảo nhìn xuống ngực, xuống chân trong bộ quần áo của người cháu ông Vũ Thịnh đưa cho cô mặc từ đêm qua, đưa đôi mắt buồn gật đầu thay cho lời cảm ơn.