Khi ấy Chung nương ở trong lãnh cung giả ý không hay, để cho Tề vương quỳ trót nửa đêm, rồi mới khiến Kiệt địa thần mở cửa. Lúc ấy trời đã canh ba, chúa tôi đang quỳ, thấy cửa mở ra thì mừng lắm bèn khiến Nội giám xách đèn, Yến Anh đi trước bái kiến. Nương nương. Chung hậu xem thấy Yến Anh bèn hỏi rằng: - Tiên sanh vào đây có việc chi, mà đi tối tăm như vậy? Yến Anh liền chỉ lại sau lưng mà nói rằng: - Tôi theo Chúa công vào đây mà viếng Nương nương. Yến Anh chưa nói dứt lời, Tề vương liền bước tới làm bộ cười mơn mà nói rằng: - Xin Ngự thê chớ chấp, nay trẫm biết lỗi thì việc đã rồi, nên phải vào đây xin lỗi và thỉnh Ngự thê ra khỏi chốn Lãnh cung... Tề vương nói chưa dứt lời, Chung hậu cả giận mắng: - Ngươi là đứa hôn quân, bất nhơn thái thậm, đã biếm ta vào chốn Lãnh cung sau còn cấm tuyệt đồ ăn muốn bỏ ta chết đói, nay có việc gấp lại đến cầu ta, nếu ta chết rồi còn ai mà cẩu khẩn, thôi người biếm ta ba tháng, thì ta phải ở cho đủ một trăm ngày, hãy đi về phức cho rồi chớ ngồi lâu mà mang nhục. Tề vương ngẹn ngào mở miệng chẳng ra. Yến Anh thấy vậy liền quỳ xuống tâu rằng: - Xin Quốc mẫu mở rộng lượng từ bi thứ tội cho tôi, đặng tôi tâu với Quốc mẫu một điều cho rõ. Chung hậu nói: - Có việc chi thì khanh hãy tâu đi, có can chi mà ngại. Yến Anh nói: - Vì nay có Yên vương sai sứ đem qua một cây đờn gọi là Trầm hương Ngẫu tư cầm mà đố nước ta khảy thử, như không ai khảy đặng thì phải dâng biểu hàng đầu, mỗi năm cũng phải tấn cống, nay cả trào văn võ không ai văn võ không ai khảy đặng, làm cho Chúa công lo sợ hằng ngày, tôi thấy vậy nên phải dâng kế cho Chúa công vào đây mà cầu Quốc mẫu, xin Quốc mẫu liệu giùm. Yến Anh nói vừa dứt lời, Tề vương cũng nói tiếp theo rằng: - Nội giang san nhà Tề thì sở ỷ có một mình Ngự thê mà thôi. Lời xưa có nói: Nhà nghèo mới biết lòng con thảo, nước loạn mới hay dạ tôi ngay. Vậy xin Ngự thê hãy vì tình trẫm với Yến quân sư mà lo lắng việc này, đặng làm cho thiên hạ thái bình, nước nhà bền vững, thì ân sâu nghĩa nặng nầy, ngàn năm trẫm chẳng dám quên. Yến quân sư cũng quỳ lạy và năn nỉ đôi ba phen rằng: - Xin Nương nương hãy lấy giang san làm trọng, nếu Nương nương chẳng khứng ra tài, thì cơ nghiệp nhà Tề sẽ về tay người khác. Chung hậy thấy Yến Anh ân cần năn nỉ lắm, thì cầm lòng chẳng đặng bèn nói rằng: - Ta vị tình quân sư đó thôi, chớ như Tề vương nầy là một người ngoa ngôn xảo ngữ, đầu thì đầu thỏ, mắt thì mắt rắn, mũi thì mũi chim oanh, ấy là người vô ơn bạc nghĩa, chẳng phải đấng nhân quân, lưng thì eo, vai thì mỏng, đi như chồn, bước như hạc, thiệt là kẻ bạc ác bất nhơn, chẳng phải vị Thiên tử, duy có Yến quân sư là người gan đồng dạ sắt, thiệt là đấng trung thành nên ta phải vị tình, ráng lo việc ấy. Tề vương nghe Chung hậu ý đã chịu đi thì mừng lắm, bèn cười và nió rằng: - Ngự thê chê trẫm xấu xa cũng phải, nhưng mà sánh lại dung mạo của Ngự thê, thì còn hơn trẫm mấy phân, thiệt là tạo hóa cũng khéo đưa cho quỷ sư Quân vương mà sánh với Dạ sao Quốc mẫu. Ấy rõ ràng ông Kẹ mà lấy bà Chằng, rất xứng đào, xứng kép. Nói rồi vùng cười xòa. Chung hậu cũng tức cười, bền đổi giận làm vui. Yến Anh biết ý liền nói rằng: - Trống lầu đã trở canh năm rồi, xin Nương nương hãy về Chiêu Dương cung thay đổi xiêm y, đặng vào trào đối đáp cùng Yên sứ. Tề vương cùng bước lên phụng liễn, Cung nga và Thái giám đều ủng hộ về cung, còn Tề vương với Yến Anh thì dắt nhau trở lại đại diện. Khi Nương nương thay đổi y phục rồi, liền bước lên phụng liễn, hai bên Cung nga, Thế nữ theo hầu, đi thẳng vào đại diện, các quan văn võ đều quỳ lạy tiếp nghinh, còn tề vương cũng bước xuống Kim giai mà rước, và mời ngồi rồi nói rằng: - Nay Yên sứ còn ở nơi công xá, Ngự thê ý liệu thể nào? Chung nương nương liền hạ chỉ đòi Yên sứ vào trào. tấn Anh dâng chiếu vào quỳ trước Kim giai làm lễ tung hô và nói rằng: - Tôi là Ngụy Tấn Anh, sứ thần của Yên quốc, vào ra mắt, chúc Nương nương muôn tuổi, muôn tuổi. Nương nương nói: - Ta miễn lễ cho khanh đó, khanh hãy đứng dậy cho ta hỏi một điều, nay khanh phụng chỉ Chúa khanh, qua đây mà dâng những báu vật gì, hãy nói rõ ta rõ? Tấn Anh nói: - Bên nước tôi hẹp nhỏ, chẳng có chi làm báu, nay may nhờ của ngoại quốc đến dâng một cây Ngẫu tư cầm, thì gọi là của báu, Chúa tôi lại nghĩ vì Đông Tề là nước nhơn nghĩa, chứa rồng tôi hiền, đất cát rộng rãi, dân giàu nước thạnh, lại thêm nhân vật cũng nhiều, Chúa tôi lại ngưỡng mộ oai danh Quốc mẫu, thần thông quảng đại, cái thế anh hùng, nên phải đem cây đờn này dâng cho thượng quốc, như Quốc mẫu mà đờn cho ra tiếng thí Chúa tôi dâng biểu xưng thần, thường năm phải tấn công. Nếu bên này mà chẳng có ai khảy cây cầm ấy cho kêu, thì cũng phải làm hàng thơ hàng biểu mà xưng thần lại nước tôi, chừng ấy nước Yên làm thượng quốc, nước Tề phải đứng tiểu bang, thường năm phải tấn công cho nước tôi, cho khỏi việc đao binh dấy động, nay tôi đợi cũng lâu rồi, xin Nương nương công nghị mà cho tôi về cho sớm. Chung nuơng nương nghe nói mỉm cười, rồi nói rằng: - Như cây đờn này, mà hễ đờn đặng thì làm Thượng quốc, còn đờn không đặng thì phải làm hạ bang hay sao? Tấn Anh nói: - Phải. Chung nương nương nói: - Vậy thì khanh hãy ra nơi Ngọ môn mà đợi, ta sẽ đờn cho mà nghe. Ngụy Tấn Anh vâng chỉ lui ra, ở tại Ngọ môn mà nghe động tịnh