Gió từ khu đồng quang bóng lúa vượt qua đê, đổ xuống lòng sông. Bụi cuộn xoáy trên mặt đê. Đội trưởng Ngoạn chạy ra khỏi điếm canh, gọi to: - Trọng! Cậu đi đâu thế? Không thấy Trọng quay lại, đội trưởng đuổi theo. Lúc sau ông kéo được tay Trọng: - Làm gì mà nóng nảy thế. Đi đâu bây giờ? - Tôi đi tìm mấy anh lái máy phụt vữa. - Tớ cho họ về nghỉ phép rồi. Có một cậu cùng quê với tớ. Này, kể tỉ mỉ chuyện đã xẩy ra cho tớ nghe đi. Đội trưởng nhìn anh kỹ sư, thở phào. “ Hừ, thế là hắn đã về được đến đây rồi”. Hôm qua Hưng gọi điện xuống cứ đay đi đay lại: “ Có thấy kỹ sư Trọng ở dưới ấy thì trao trả về trên này nhé!” Quái! Làm như tù binh xổng không bằng! Đời rắc rối một, mấy anh trí thức rắc rối mười. Nhưng mà, không có các hắn, mọi việc không xong đâu! - Nay, tớ trao trả cậu cho cơ quan đấy. Hé! Bắt được tù binh, tha hồ lĩnh thưởng. Há há... Nghe tiếng cười tinh nghịch, khoẻ khoắn của đội trưởng, tự dưng Trọng thấy ấm áp yên lòng hẳn đi. - Tuỳ anh thôi! Nhưng mà... anh bắt thế nào được tôi. Tôi có chân chứ. - Há! Đấy, cậu cứ nói như thế nghe có vẻ yêu đời không. Đừng có đeo bộ mặt lì xì như khổ nhục kế nữa. Kể chuyện đi! Hai người đi trên đê. Rét đậm. Lớp cỏ lợp sườn đê đã phai sắc xanh, loang từng vùng trắng bạc, rầu rầu. Nơi đất mới đắp, lăn tăn vết nứt chân chim. Con sông chỉ còn là một dòng chảy gầy guộc, lạnh lẽo. Bãi Soi cạn, le the cái mũi cát nhọn trắng phếch. Và cây gạo còn sót lại duy nhất trên bãi chĩa những cành ngang khô khẳng trên nền trời hỗn độn mây chì. Kể lại toàn bộ câu chuyện cho đội trưởng nghe, Trọng có cảm giác vừa vượt qua một mùa hè chói chang đến thẳng cái mùa đông tê lạnh và dễ chịu ở đây. Anh đã chủ động tìm một lối đi cho mình để đến với tương lai. - Đứng vào đây, Trọng, rét chết cha. Đội trưởng kéo tay anh kỹ sư, đẩn anh vào cửa một cái lán kho lổng chổng xe cải tiến, ấn một cái càng xe, ngồi xuống: - Hút thuốc cho ấm, Trọng. - Sao anh lại cười? - Thấy cậu cầm thuốc lá là biết cậu đang bối rối. - Dạo này tôi hút liên tục. - Tập làm đếch gì- Đội trưởng phì khói- Cũng chẳng có gì là đáng buồn cả. - Tôi không buồn. - Này, thế ông xin lỗi cậu Hưng thật à? - Vâng. - Rồi không được hắn chấp nhận, ông nổi cơn bực, ông bỏ đi! Đội trưởng bật tiếng cười ha ha sảng khoái dường như là không đúng lúc, rồi đột nhiên bặt tiếng, quay lại, nhìn trừng trừng vào mặt Trọng: - Ông dở lắm, ông Trọng ạ. Ông yêu đất nước này, nhưng ông không sống với nó. Trọng lúng túng: - Tôi được đào tạo từ nhà trường... - Nhưng, ông là đứa con chưa hoàn toàn của bà mẹ. Ông làm công tác đê điều, ông thừa biết rằng để bảo về đê, người ta phải sử dụng toàn bộ lực lượng của xã hội. Xã hội, nó có lực lượng của nó, nó có nguyên tắc của nó, có tổ chức của nó. Dẫu còn có nhiều trục trặc, nhưng không có những cái đó, không đảm bảo xã hội tiến lên được. Ông thì ông phớt lờ những cái đó. Ông dựa vào lương tâm ông. Gì nữa? Trong sáng. Thanh cao. Cao thượng. Tốt, nhưng chỉ thế thôi thì... xin lỗi ông... cũ rồi! Phải dùng tổ chức, nguyên tắc. Ông có thấy cô Thuận không? Một người con gái mà sao mạnh mẽ vậy? Tôi không nói lúc nào cái tốt, cái đúng cũng giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng, dẫu lão Long thủ cống có tót được lên huyện thì cuối cùng lão ấy cũng vỡ mặt. Ông là trí thức, ông giỏi lý luận. Nhưng, ông không biết sống trong xã hội mới. Tôi như ông, tôi hành động khác. Còn ông, chắc chắn là bị kỷ luật rồi. Và ông không cựa vào đâu được đâu. Đứng dậy, mắt Trọng đờ ra trong giây lát như thất thần, rồi rọi thẳng vào gương mặt đội trưởng với một vẻ kinh ngạc không che giấu. Chưa bao giờ Trọng được hưởng sự phê phán thẳng thắn mà giản dị như thế! Nhưng chẳng lẽ chân lý lại được vạch ra rạch ròi, sâu sắc và dường như là quá đơn sơ như vậy? Nhận thức của anh bừng một ánh chớp. Hơi thở nghẹn ắng, anh rũ người xuống và thấy trong mình hình như đang bắt đầu một cuộc đổ vỡ không sao tránh thoát được. Hình như biết Trọng đang xao động sau lời nói của mình, đội trưởng đứng dậy và giọng ông trầm xuống, gần như là bâng quơ: - Hừ, cái đứa xấu ngày càng nham hiểm hơn, nhưng những con người chân chính cũng ngày càng thông minh hơn. Nước to thì đê vững. Chỉ có điều là đấu với bọn này mất thì giờ lắm và phải biết cách. “ Ta hiểu ra rồi. Nam là sự từng trải, sự uyên bác trong lặng lẽ. Còn con người này gắn bó với cuộc đời, có chiều sâu thực tiễn, có sức cảm hoá mãnh liệt. Trời, sao ta lại bị ông ta gây ấn tượng mạnh thế này!” Trọng im lặng. Đội trưởng lập bập điếu thuốc lá. Rồi bỗng lẳng điếu thuốc, vỗ bộp vai Trọng, dứt khoát: - Thôi, về đây ở với tớ! Tớ ủng hộ cậu! Nhưng này... ông cũng đừng rắm rối quá. Thằng nào sai, phê bình thẳng cánh, dùng tổ chức mà xử sự. Mình sai, tự phê bình đến nơi đến chốn. Hừ, cái thằng Hưng, chả lẽ nó thoát tội đã để vỡ cống Lợi Toàn... - Chào hai thủ trưởng ạ. Gớm, buốt thon thót. Mời hai thủ trưởng lại xơi nước. Em có ấm chè Mèo ngon tuyệt. Phía đầu lán hoe hoe ánh đèn vọng lại tiếng người mời chào. Quay lại, cả hai đã nhận ra bóng gã thủ kho lênh khênh, tóc xoã, tay xách siêu nước sôi, đứng trên cái nền hồng hào của ánh lửa bếp.
°
- Úi, thủ trưởng Ngoạn không biết chứ, đêm qua lúc gà gáy có đến ba thằng bẻ rào chui vào định mổ trục xe cải tiến. Bọn ú ớ Việt gian này ma quái lắm. Ăn cắp xe cải tiến chỉ lấy độc cái trục. Đểu hết xẩy! Người thủ kho vừa nói vừa rót nước sôi vào cái ấm tích sứt vòi. Đội trưởng Ngoạn chìa bao thuốc: - Hút đi, ông. Bọn chúng phải rút lui chứ. Nhân cường thì ma nhược. Ma quái chỉ nát người yếu đuối thôi, đúng không? - Em xin. Người thủ kho chúm cả hai bàn tay rút một điếu thuốc, cẩn thận gài lên vành tai phải- Thủ trưởng yên tâm. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn chứ. Mời hai thủ trưởng. Chè Nghĩa Lộ đấy ạ. Nghĩa Lộ có cây chè gốc ba người ôm. Chè búp, mượt lông tơ. Chát ngọt, dư vị hậu ở cổ. Ơ, tiếng gì ì ì như tiếng sấm ấy nhỉ? Gạt mái tóc xoã gài lên vành tai trái. Người thủ kho nghênh nghênh mặt: - À, không phải. Tiếng máy nổ chiếu phim trong làng. Các thủ trưởng ạ. Cứ nghe tiếng sấm là em sởn gai gà. ối trời, đúng cái hôm ấy sấm nổ cũng đùng đùng. Rồi đổ cây nước. Lúc ấy nhà em đi hái chè về đang lội qua suối. Ba đứa con đang tắm ở giữa dòng. Các em học trò của em đang chơi ở bờ suối. Nước đổ đánh rầm từ ngọn núi đổ xuống. Trời! Đổ cây nước miền núi, khiếp lắm, các thủ trưởng ạ. Đang ngất ngư vì dư vang của câu chuyện khi nãy với đội trưởng, Trọng bỗng thấy lạnh ớn sống lưng. Bây giờ thì anh nhớ ra rồi! Anh đã gặp người thủ kho này buổi sáng đầu hè ấy, khi lũ trẻ con vây quanh anh ta, ở đường phố gần ngõ nhà anh, ôi, cái buổi sáng mùa hè bức bối, oi ngốt. - Anh về đây lâu chưa?- Trọng hỏi, giọng không thật hơi. - Được hơn hai tháng rồi- Người thủ kho cúi xuống rút gộc củi bếp châm thuốc lá- ở bệnh viện tâm thần ra, em đến Sở lao động. “ Dậy học thì sợ có lúc mê mẩn nói nhảm, không lợi cho thế hệ trẻ- Em nói- Vậy xin các anh cho tôi đi làm lao động chân tay, tốt nhất là đi chống lũ lụt. Con nước đó hại đời vợ con, học trò em, em phải đi chống lại nó”. “ Anh ta không điên dại!” Trọng nghĩ lờ mờ. Người thủ kho pha tuần trà thứ hai, càng xởi lởi: - Mời hai thủ trưởng. ấy thế, mềm nhất là nước mà mạnh nhất cũng là nước. Đến nước bí thì phải chuyển. Đời có vay thì phải có trả, chứ ạ. Đấy, như chuyện ông Long thủ cống, đừng có tưởng đã thoát. Dân là nước đấy, hai thủ trưởng ạ. “ Không điên, anh ta không điên. Lại một kiểu suy nghĩ về đời nữa”. Trọng nghĩ loáng thoáng. Hình như không chịu nổi cái mớ bòng bong của thứ triết lý cổ và có mùi vị kinh sách nọ, đội trưởng uống một hơi cạn chén nước đứng dậy, nhăn mặt: - Gớm, cứ như bào ruột. Thôi, về ăn cơm đây. Này ông, số đá hộc vật tư huyện đã ký hợp đồng cung cấp cho ta, họ chuyển về được bao nhiêu rồi? Người thủ kho lập cập xỏ chân vào đôi guốc mộc, ngúc ngắc cái cổ gầy: - Báo cáo thủ trưởng... mới được mỗi một chuyến xe ba tấn. - Ba tấn! Hợp đồng ba nghìn tấn mà mới chuyển được ba tấn. Mưa ập xuống là chết ráo đấy. Ông nhớ thúc họ nhé. Chào ông- Dừng lại ở trước cửa lán, đội trưởng lầm bầm- Bọn ăn tàn phá hại làm mất thì giờ của người ta quá! Trọng theo ông đội trưởng bước ra ngoài đê. Trời tối xầm xì. Mặt sông hắt lên một làn sóng lành lạnh. Người thủ kho cũng đi ra. Anh ta bảo: Nghe trong người rùng rùng như sắp có sấm chớp, anh ta phải ra đây cho khuây khoả, rồi đi ngược chiều với họ. Đi được một quãng, bỗng Trọng và đội trưởng dừng lại. Có tiếng sấm thật. Lẽ nào sấm đầu mùa sớm thế? Hay là tiếng sấm từ tiềm thức, từ ký ức Trọng vọng ra? Không rõ. Nhưng Trọng thấy phấn chấn hẳn lên. Trong anh, tựa như vừa ran lên những tiếng sấm báo chuyển mùa.