Chương 18

 
Trong suốt mấy thế kỷ liên tiếp, chỉ có vua Chey Chetta II đã tạo được một thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đáng gọi là thời hoàng kim trên đất nước Chân Lạp. Thời gian này việc bang giao giữa Chân Lạp với Đại Việt hết sức thân ái đẹp đẽ. Người Xiêm tuyệt nhiên không còn quấy phá đe dọa Chân Lạp như trước kia. Thấy vua Chey được Thuận Hóa triệt để ủng hộ, số người thân Xiêm trong triều đều nín khe, không dám hai lòng. Trong nước dân chúng yên bụng làm ăn, ban đêm cửa không cần đóng, ngoài biên lính thú có thể ngủ yên giấc. Nhiều người truyền miệng nhau cảnh sống thanh ấy bình có được cũng là nhờ sự "nhẹ vía" của vị quốc mẫu người Việt. Phải nói rằng đây là một thời kỳ hiếm thấy trên đất nước Chân Lạp triền miên chiến tranh chống ngoại xâm và dẹp nội loạn.
 Chính vua Chey cũng hãnh diện công nhận ngài là người rất may mắn có được một người vợ tuyệt hảo. Ngài đã có những lúc sung sướng tận hưởng niềm vinh quang của một ông vua thời thịnh trị.
 Về cuộc sống gia đình, ngài cũng hưởng được nguồn hạnh phúc chan chứa. Sau khi những yêu cầu về vấn đề di dân của người Việt được giải quyết thỏa đáng, vị hoàng hậu diễm lệ Ngọc Vạn đã thật sự có những nụ cười thật tươi với chồng.
 Một thời gian sau, hoàng hậu Ngọc Vạn lại sinh cho ngài đứa con thứ hai, cũng thông minh, dễ thương không kém gì hoàng tử To, vua đặt tên cho hoàng tử là Nou. Lúc này hoàng hậu lại càng hết sức chiều chuộng, săn sóc chồng từ công việc đến các thú giải trí, đến từng miếng ăn, giấc ngủ và đến cả những giây phút ân ái. Ai cũng nhìn nhận vua Chey là một trong những vị vua có diễm phúc nhất trên đời!
 Tội nghiệp vua Chey, ngài không hề biết một chút sự thật nào về nội tâm của người vợ tuyệt vời ấy. Người Việt có câu hát "Trái bồ hòn trong tròn ngoài méo, Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi", vua Chey chỉ tìm gặp hoàng hậu qua dạng bên ngoài của một trái sầu đâu.
 Thật sự hoàng hậu Ngọc Vạn đã cố gắng tạo những nụ cười thật tươi, những nụ cười hoàn toàn trái ngược với cõi lòng khô héo của bà để hiến tặng chồng. Việc đó bây giờ đối với hoàng hậu hoàn toàn không phải với mục đích mời chào, mua chuộc nhà vua như trước kia! Mà nó hoàn toàn phát sinh từ tấm chân tình của một người biết hối lỗi khi bất đắc dĩ phải nhúng tay vào một tội ác. Bà thương chồng với tấm lòng người mẹ thương con, người chị thương em, hay người vợ thương chồng khi biết người thân của mình đã mắc chứng bệnh không còn cách chữa. Bà cố gắng phục vụ, chiều chuộng chồng hết mình như cố gắng làm thỏa mãn cho một người thân trước khi người ấy xa rời trần thế... Đó cũng là một cách để bà được giảm bớt nỗi ray rứt trong lòng. Mấy ai biết được diễm phúc thật sự của vua Chey lại nằm ở điểm này? 
 Tổ quốc trên hết! Dân tộc trước hết! Trước khi ra đi hoàng hậu Ngọc Vạn đã trân trọng hứa nguyện với cha già thân yêu, bà đâu dám lơ là với lời hứa nguyện đó được? Lúc đó bà còn quá trẻ đâu có thể lường đoán được sự phát triển tình cảm của mình với chồng, với con cái mình về sau này! 
 Cũng trong thời gian này, người Việt di dân lặng lẽ nới rộng sinh hoạt về thương nghiệp, công nghiệp cũng như nông nghiệp trên đất Chân Lạp một cách êm đềm với từng bước thật vững chắc và hoàn hảo. 
 Năm Mậu Thìn (1628), vua Chey mắc bệnh trầm trọng. Các ngự y đã tận tình săn sóc nhưng bệnh không cách nào thuyên giảm. Biết mình không còn sống được bao lâu, vua Chey gọi người em ruột là hoàng thân Préah Outey và mấy viên đại thần vào cung  để phó thác việc sau. Ngài vốn có ba người con trai. Đầu tiên là hoàng tử Chan, con của hoàng hậu Pha Luông đã quá cố. Ông hoàng này đã từng được phong làm thái tử rồi lại bị truất. Hai người con trai khác là hoàng tử To và hoàng tử Nou là con của hoàng hậu Ngọc Vạn. Bình sinh vua Chey rất yêu quí hoàng hậu Ngọc Vạn nên cảm tình cũng thiên hẳn về To và Nou. Hơn nữa, ngài nghĩ chỉ chọn con của Ngọc Vạn hoàng hậu kế vị ngôi vua Chân Lạp mới mong được sự ủng hộ của Thuận Hóa. Đó là cách ngài phải chọn để nước Chân Lạp hi vọng được sống còn trước móng vuốt người Xiêm. Do đó, Chan đương nhiên bị loại ra ngoài tầm lựa chọn làm người kế vị. Trước khi lâm chung, vua Chey quyết định phong To làm thái tử để kế vị ngài.
 Truyền ý chỉ của mình xong, không bao lâu thì vua Chey thăng hà. Hoàng thân Préah Outey và triều đình bèn phò thái tử To lên ngôi lấy hiệu là Chau Ponhea To. Hoàng hậu Ngọc Vạn được tôn lên làm thái hậu.
 Vua Chau Ponhea To còn quá nhỏ nên quyền chính hầu hết nằm trong tay quan phụ chính Préah Outey. Ông này là người  rất trung hậu và cũng có tinh thần bài Xiêm quyết liệt như vua Chey nên chính sách ngoại giao của Chân Lạp không thay đổi gì. Chính sách thân Việt vẫn được duy trì, di dân người Việt vẫn tiếp tục được ưu đãi.
 Chan là hoàng tử lớn mà không được lập làm vua nên sinh lòng bất mãn, ngầm vận động nổi dậy tranh quyền. Những đại thần thiếu thiện cảm với người Việt lợi dụng tình trạng này âm thầm qui tụ chung quanh Chan để mưu tính về sau. Những sắc dân khác lâu nay vẫn ngầm ganh tức vì người Việt được ưu đãi quá nhưng không làm gì được, nay có cơ hội, cũng ủng hộ Chan. Các chính phủ Xiêm, Lào cũng hứa sẽ ủng hộ nếu Chan mưu đồ chuyện lớn. Những hoạt động của phe đảng Chan tuy ngày mỗi phát triển nhưng họ vẫn còn giữ được bí mật. Triều đình chỉ nghe biết một cách mơ hồ mà chưa nắm được bằng cớ gì hết.