Cuộc Trường Chinh Tiếp Tục Và Kết Thúc

Cái đám hồng quân rách rưới lếch thếch theo Mao Trạch Ðông tới được Thiểm Tây vào tháng 10 năm 1935, trở thành những anh hùng của cuộc cách mạng Trung Hoa trong các thập niên sau đó. Chỉ có năm ngàn người sống sót và tới được căn cứ sô viết Thiểm Tây-Cam Túc, ngay dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Những con người Trường Chinh này trở thành nòng cốt cho đảng cộng sản Trung Hoa, và là những tiếng nói quyết định trong chính trường Trung Hoa trong suốt nửa thế kỷ sau đó. Biết bao huyền thoại đã nói về chuyến đi độc nhất trong lịch sử của họ, và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chinh phục toàn thể Hoa Lục mười bốn năm sau. Hạ Long cùng 35 ngàn quân của căn cứ sô viết tại vùng tây bắc Hồ Nam cũng làm một cuộc Trường Chinh nhỏ, tìm đường lên Diên An gia nhập với hồng quân của Mao Trạch Ðông, nhưng chỉ 10 ngàn quân của Hạ Long tới được Diên An.
Tuy nhiên yếu tố quan trọng giúp cho sự sống sót của phe cộng là sự xâm lăng của quân phiệt Nhật. Những cuộc bao vây tiêu diệt mới của Quốc dân đảng chắc chắn sẽ tiêu diệt đám năm ngàn hồng quân sống sót trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng vào tháng 7-1937, quân Nhật đã chính thức mở cuộc Trung Nhật chiến tranh, và toàn thể Hoa Lục tràn ngập trong ngọn lửa chiến tranh cho tới năm 1945.
Vì ở thế quá yếu kém, Mao Trạch Ðông phải tìm cách lập một mặt trận thống nhất với Quốc dân đảng, nói là để kháng Nhật, nhưng thực sự là quân cộng sản đang cần thời gian để bồi dưỡng. Tưởng bắt buộc phải bãi bỏ kế hoạch tiêu diệt cộng sản vì bị bắt cóc tại Tây An tháng 12-1936. Hồng quân phải tập họp thành Bát lộ quân, và chịu sự chỉ huy của các tướng Quốc dân đảng. Tuy nhiên sự hòa hoãn giữa Quốc dân đảng và cộng sản chỉ là bề ngoài. Quân Nhật mở rộng địa bàn chiến tranh khắp lãnh thổ Trung Hoa, chiếm hết các thành phố lớn và các địa điểm chiến lược dọc bờ biển. Tưởng Giới Thạch phải dời thủ đô từ Nam Kinh vào Trùng Khánh, một thành phố Tứ Xuyên nằm sâu trong nội địa Trung hoa.
Trong khi đó Mao và phe cộng hoàn toàn thoải mái tại các vùng đồi núi của miền tây bắc. Phe cộng thiết lập một trường đại học cách mạng và lôi cuốn được hàng triệu thanh niên từ các đô thị lớn. Trong suốt 11 năm, Diên An trở thành cái nôi của cách mạng Trung Hoa. Dưới sự che chở của Mặt Trận Thống Nhất, phe cộng gấp rút gia tăng lực lượng, dùng những khẩu hiệu tuyên truyền ái quốc để tuyển mộ những nông dân miền bắc. Phe cộng chỉ dùng chiến thuật du kích để quấy nhiễu quân Nhật, và tránh những trận đánh lớn với quân Nhật để bảo toàn lực lượng. Nhờ thế Bát lộ quân năm 1937 chỉ có 45 ngàn binh sĩ, nhưng một năm sau, quân số của Bát lộ quân lên tới 150 ngàn người. Bảy năm sau khi thế chiến chấm dứt, Bát lộ quân đã có nửa triệu quân. Khi Nhật Bản đầu hàng sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, thì các sư đoàn của Mao đã kiểm soát được một khu vực rộng 200 ngàn dậm vuông và 20 triệu dân.
Trái lại với cái không khí cách mạng trong khu vực cộng sản, khu vực của Quốc dân đảng chỉ đầy rẫy sự tham nhũng thối nát và bất công. Quân đội của Tưởng đông tới 4 triệu quân, nhưng tinh thần rất thấp và thiếu kỷ luật. Dân chúng bất mãn trong vùng Quốc dân đảng bỏ trốn qua khu vực cộng sản khi cuộc nội chiến Quốc Cộng bắt đầu năm 1946. Ðến năm 1948 thì quân số của hồng quân cũng tăng lên tới 4 triệu người, và hồng quân bỏ chiến lược du kích, và dùng trận địa chiến giao tranh với quân Quốc dân đảng. Hồng quân mau lẹ chiếm được Mãn Châu, và đầu năm 1949, Bắc Kinh đầu hàng hồng quân để bảo toàn những kho tàng lịch sử bên trong thành phố. Sau đó hồng quân vượt qua sông Dương Tử, và từng thành phố một rơi vào tay hồng quân. Tưởng Giới Thạch đem theo nửa triệu quân rút ra hải đảo Ðài Loan.
Ngày 1-10-1949, trên khán đài Thiên An Môn Bắc Kinh, Mao Trạch Ðông tuyên cáo thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và trong suốt bảy năm sau đó, Mao và các đồng chí trường chinh đã làm thay đổi hẳn bộ mặt Trung Hoa. Bề ngoài Mao giả vờ liên kết với những đảng phái yêu nước khác, và thành công ban bố một kỷ luật mới cho toàn thể đất nước. Những khối người khổng lồ đã được động viên để chinh phục các nạn lụt lội và nạn đói trước kia xảy ra hàng năm tại Trung Hoa. Nhiều công trình lớn như đê điều, đập và hồ trữ nước được xây cất để kiềm chế những con sông lớn hoặc dự trữ nước chống lại nạn hạn hán. Một kế hoạch cải cách ruộng đất đã bãi bỏ mọi đất tư hữu, và hệ thống hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung tất cả nông dân cùng với nông cụ và súc vật của họ.
Về mặt quốc tế, Trung cộng đã tạo được sự tự tin và kiêu hãnh khi đơn phương giao chiến bất phân thắng bại với Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ tại bán đảo Cao Ly. Trận chiến Cao Ly bắt đầu từ năm 1950. Trong khi đó Trung cộng được Nga sô viện trợ kỹ thuật để xây cất những nền móng căn bản của kỹ nghệ. Tuy nhiên, nhiều thành phần trong xã hội Trung Hoa đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Trước hết là hàng triệu địa chủ và phú nông đã bị giết trong các đợt cải cách ruộng đất đẫm máu. Rồi thành phần giới tư sản muốn ở lại giúp xây dựng một nền kinh tế mới cho Trung cộng, đã bị chính quyền cộng sản tịch thu và chiếm các cơ sở thương mại kỹ nghệ của họ. Nói chung, trong giai đoạn 7 năm đầu tiên, chính quyền cộng sản Bắc Kinh được đại đa số quần chúng ủng hộ. Sau bao nhiêu năm bị nhục ngoại xâm, phân hóa, tham nhũng, nghèo đói, và bệnh hoạn, lần đầu tiên đời sống của đại đa số dân Trung Hoa được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên cái thời trăng mật này không kéo dài lâu. Những dấu hiệu hỗn loạn đã bắt đầu xuất hiện. Trước hết là sự việc thủ tướng Nga Krushchev chỉ trích sự thần thánh hóa Stalin tại Nga sô năm 1956. Kế tiếp ngay đó là giới trí thức chỉ trích chính quyền tại Ba Lan và Hung gia lợi. Ðảng cộng sản Hung gia lợi đã sụp đổ mau lẹ trước sự tấn công của giới trí thức, và điều này làm Mao Trạch Ðông hoảng sợ. Lập tức Mao liền kêu gọi giới trí thức lên tiếng về các chính sách của chính quyền. Bằng khẩu hiệu Bách Hoa Tề Phóng (Trăm Hoa Ðua Nở) và Bách Gia Tranh Minh (Trăm Nhà Ðua Tiếng), Mao muốn đặt một cái bẫy để quơ trọn giới trí thức chống đối bằng một mẻ lưới duy nhất. Thế rồi hàng loạt những bài báo chỉ trích của giới trí thức đã làm chính quyền Trung cộng rúng động.
Lập tức Mao Trạch Ðông tung ra chiến dịch cải tạo, và hàng trăm ngàn trí thức và những người bị gán là "phe hữu" đã bị bắt và gửi tới những trại lao động cải tạo. Có người bị giam giữ tới hai chục năm. Kể từ đó giữa Mao và giới trí thức Trung Hoa nghi kỵ nhau, và Mao không cho giới trí thức tham dự vào công cuộc cải tiến kinh tế. Mao đặt hết niềm tin vào những thành phần mà Mao tin là trong sạch và chưa bị nhiễm độc, đó là nửa tỷ nông dân. Giới sinh viên học sinh được Mao tổ chức thành Hồng vệ binh.
Tính khí Mao lãng mạn và thiếu kiên nhẫn. Tính khí ấy được gia tăng nhờ kinh nghiệm của cuộc Vạn Lý Trường Chinh thành công, nên Mao nhiệt tình tin rằng sự quyết tâm của con người có thể vượt qua được mọi trở ngại, dù lớn lao đến thế nào. Ðó là lý do dẫn Mao tới những thất bại khủng khiếp của kế hoạch Ðại Nhảy Vọt năm 1958, khi mà toàn thể nông thôn Trung Hoa được tổ chức thành những đại công xã đông hàng vài chục ngàn người, trong đó nông dân sống trong một hoàn cảnh bán quân sự. Vợ chồng bị phân tán trong những đơn vị sản xuất khác nhau, và con cái được giao cho các nhà giữ trẻ trông nom. Ðời sống tại đại công xã đã giết chết đời sống gia đình mà người Trung Hoa rất quý trọng đã từ hàng ngàn năm. Ngay tại thành phố, dân chúng cũng phải gia nhập những đại công xã thành thị. Thoạt đầu dân chúng hồ hởi tuân theo sự hướng dẫn của Mao. Nhưng kết quả cho thấy Mao đã phạm một sai lầm sinh tử. Nền kinh tế mới phôi thai của Trung cộng sụp đổ hoàn toàn, nạn đói tràn lan. Người ta ước tính có ít nhất 20 triệu người Trung Hoa đã chết đói vì kế hoạch điên rồ của Mao Trạch Ðông.
Nhưng Mao không chịu nhận lỗi lầm của mình. Mao cho rằng nguyên tắc của Mao đúng, nhưng các cán bộ nông thôn đã thi hành sai. Tuy vậy Mao cũng phải nhường chức Chủ tịch nhà nước cho Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ còn là phó chủ tịch đảng và Mao vẫn giữ chức Chủ tịch đảng. Trong một thời gian, Mao vắng mặt trên chính trường, và không còn điều khiển công việc quốc gia. Sau hai thất bại lớn của Mao, đảng cộng sản Trung Hoa bắt đầu phân hóa. Trong kỳ đại hội đảng năm 1959, thống chế Bành Ðức Hoài, một chiến hữu trường chinh của Mao, đã đứng lên can đảm chỉ trích những sai lầm của Mao. Nhưng Mao thành công quy tụ được đủ hậu thuẫn để chống lại Bành Ðức Hoài. Kết quả là Bành Ðức Hoài, một anh hùng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, bị cách chức bộ trưởng quốc phòng. Sau đó ba chiến hữu trường chinh khác của Mao là Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Ðặng Tiểu Bình đã áp dụng một chính sách kinh tế thực dụng, giải tán đại công xã, cho phép nông dân được làm chủ những mảnh đất nhỏ để khuyến khích sản xuất. Chính sách kinh tế mới này đã giúp Trung Hoa vượt qua được những khó khăn do chính sách của Mao gây ra, và đời sống dân chúng trở lại bình thường trong những năm đầu của thập niên 1960.
Mao không bao giờ chịu thua hoàn cảnh. Bên trong khu vực Cấm Thành của vua chúa ngày trước, Mao vẫn âm thầm bàn mưu tính kế để trở lại với quyền lực chính trị tuyệt đối của mình trước kia. Mao nhất quyết phải hạ cho bằng được hai chiến hữu trường chinh là Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình. Hai người này đã thành công với chính sách kinh tế của họ và uy tín của hai người ngày một lên cao, có nhiều triển vọng làm lu mờ ngôi sao của Mao Trạch Ðông. Mao phải mở cuộc Cách mạng Văn hóa, dùng hàng triệu Hồng vệ binh và sự hậu thuẫn của quân đội, với mục đích tấn công các đối thủ chính trị đang muốn loại bỏ Mao, bằng cách bầu Mao vào chức Chủ Tịch Danh Dự, một chức vụ hữu danh vô thực.
Mùa hè năm 1966, Mao chứng tỏ cho các đồng chí biết rằng sức khỏe của Mao còn rất tốt, bằng cách bơi trên dòng nước chảy xiết của con sông Dương Tử hùng mạnh. Rồi cùng với sự trung thành của bộ trưởng quốc phòng Lâm Bưu, Mao và bà vợ Giang Thanh tung ra hàng chục triệu Hồng vệ binh tấn công các đảng viên chống đối Mao. Hồng vệ binh giơ cao tập sách hồng "Tư Tưởng Mao Trạch Ðông", buộc tội phe nhóm của Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình là những kẻ đương quyền đi theo đường lối tư bản, phản lại chủ nghĩa cộng sản và chống đối Mao chủ tịch. Trong giai đoạn này, các chiến hữu trường chinh tàn sát nhau không thương xót. Các lãnh tụ lớn của cuộc Vạn Lý Trường Chinh bị giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao gồm có Lưu Thiếu Kỳ, Bành Ðức Hoài, Hạ Long, Ðào Chú. Các lãnh tụ bị hành hạ và bị đi đầy gồm có Ðặng Tiểu Bình, Trần Nghị... Ngoài ra kho tàng văn hóa cổ xưa của Trung Hoa cũng bị Hồng vệ binh tàn phá rất nhiều. Cả trăm triệu người dân thường cũng bị thương tổn về thể xác hoặc tâm hồn, trong cuộc hỗn loạn do Mao phát động để đoạt lại quyền lực.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu là người hưởng lợi nhất, vì tình trạng hỗn loạn, trường học, xưởng thợ biến thành bãi chiến trường của hai phe chống đối nhau, nên Lâm Bưu phải tung quân đội ra tái lập trật tự. Tình trạng Trung Hoa lúc đó gần như thời kỳ sứ quân trước kia, vì quyền lực rơi vào tay các tướng tư lệnh địa phương của Lâm Bưu. Mao định dùng cuộc Cách mạng Văn hóa để tước đoạt lại quyền lực của Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ bị loại, nhưng quyền lực của Lưu Thiếu Kỳ rơi vào tay Lâm Bưu. Lâm Bưu trở thành người mạnh nhất Hoa Lục, khi mà toàn thể Trung Hoa nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội. Trong kỳ đại hội đảng năm 1969, Lâm Bưu được chỉ định làm người thừa kế cho Mao Trạch Ðông. Khi một người đã nắm được quyền lực rồi thì ít khi chịu từ bỏ. Hai chiến hữu trường chinh Mao Trạch Ðông và Lâm Bưu bây giờ trở thành hai kẻ tử thù. Mao tránh vỏ dưa Lưu Thiếu Kỳ thì lại gặp vỏ dừa Lâm Bưu. Lâm Bưu dự định diệt Mao và phe Giang Thanh để trở thành chúa tể của Hoa Lục, nhưng Mao thâm độc hơn, đã dùng quỷ kế giết chết Lâm Bưu trước khi Lâm Bưu kịp ra tay.
Khi Lâm Bưu bị diệt rồi thì trận chiến tam giác giữa ba phe Lâm Bưu, Giang Thanh và Chu Ân Lai trước kia bây giờ chỉ còn lại hai. Giang Thanh dự định hạ nốt Chu Ân Lai để đạt mộng trở thành một Võ Tắc Thiên thứ hai của Trung Hoa. Giang Thanh rất căm giận khi Chu Ân Lai cắt nhắc Ðặng Tiểu Bình lên chức phó thủ tướng. Ðặng Tiểu Bình vốn là nạn nhân của Giang Thanh trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chu Ân Lai đã sống sót được cuộc Cách mạng Văn hóa nhờ thiên tài ngoại giao của ông. Lúc đó Mao đã già và đang bị chứng bệnh Parkinson, nên Mao ủng hộ cả chính sách ôn hòa của Chu Ân Lai lẫn đường lối cực đoan của bà vợ Giang Thanh.
Mặc dầu những xung đột nội bộ, Trung Hoa cũng đã đạt được nhiều thành quả quốc tế, nhờ chính sách ngoại giao mới của Chu Ân Lai. Trước hết là Trung cộng loại được Trung hoa quốc gia của Ðài Loan ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và trở thành một trong năm hội viên của Hội đồng này vào năm 1971. Năm 1972, tổng thống Nixon của Mỹ viếng thăm Bắc Kinh, và các quốc gia tây phương thiết lập ngoại giao với Trung cộng. Nhưng Chu Ân Lai không sống được lâu để nhìn thấy thành quả của mình. Chu Ân Lai bị bệnh ung thư, và Ðặng Tiểu Bình hầu như trở thành thủ tướng chính thức của Trung cộng. Trong khi đó thì bệnh tình của Mao Trạch Ðông cũng ngày một nặng thêm, và nhóm của Giang Thanh gia tăng hoạt động trong cuộc chạy đua chiếm quyền lực.
Tháng 1-1976, Chu Ân Lai từ trần, hưởng thọ 78 tuổi. Người ta tưởng Chu Ân Lai trẻ hơn Mao tới 4 tuổi, sẽ là người thay thế Mao. Khi Chu Ân Lai chết, Mao chỉ định Hoa Quốc Phong làm thủ tướng kế nhiệm Chu Ân Lai, vì Mao không mấy an tâm với Ðặng Tiểu Bình. Một lần nữa Ðặng Tiểu Bình lại bị hạ bệ, và phải lẩn trốn vì sợ bị phe Giang Thanh ám sát. Vì Ðặng Tiểu Bình là người kế tục chính sách thực tiễn của Chu Ân Lai, nên khi Ðặng Tiểu Bình bị loại thì có một làn sóng công phẫn trong quần chúng. Tháng 4-1976, trong dịp lễ Thanh Minh tưởng niệm người chết, cả triệu dân chúng tụ họp tại công trường Thiên An Môn và đặt vòng hoa tại Ðài Kỷ Niệm Anh Hùng Nhân Dân để tưởng niệm Chu Ân Lai. Những vòng hoa này mang những lời chống đối Giang Thanh và phe nhóm. Ðây quả thực là một cuộc biểu tình chính trị đúng nghĩa nhất, kể từ khi chính quyền cộng sản thiết lập năm 1949. Phe Giang Thanh đã mở một cuộc tàn sát đẫm máu tại Thiên An Môn.
Mấy tháng sau nữa thì Mao Trạch Ðông cũng từ trần. Sau cái chết của hai đại lãnh tụ Mao Trạch Ðông và Chu Ân Lai thì chính trường Trung Hoa bỗng rơi vào buổi hoàng hôn của thần thánh, và cuộc Vạn Lý Trường Chinh được coi như kết thúc hoàn toàn. Tuy nhiên một lãnh tụ của cuộc Vạn Lý Trường Chinh vẫn tiếp tục lãnh đạo Trung Hoa thêm 30 năm nữa: đó là Ðặng Tiểu Bình. Sau cái chết của Mao Trạch Ðông, phe Giang Thanh dường như dành được quyền lực, với Giang Thanh sẽ là chủ tịch đảng và nhà nước, và Trương Xuân Kiều sẽ là thủ tướng. Nhưng các tướng lãnh già trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, như Lý Tiên Niệm và Diệp Kiếm Anh, đã âm thầm đứng lên bắt giam bốn người thuộc phe Giang Thanh, và đưa Ðặng Tiểu Bình trở về chức vụ thủ tướng.
Kể từ 1978 cho đến thập niên 1990, Ðặng Tiểu Bình là tiếng nói uy quyền nhất tại Hoa Lục. Từ cuối năm 1978, sau khi giải quyết được sự rối loạn do cuộc Cách mạng Văn hóa gây ra, Ðặng Tiểu Bình đề ra đường lối cải cách và mở cửa để đưa Trung Hoa tiến lên bốn hiện đại hóa về công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật. Ðặng Tiểu Bình kêu gọi gia tăng nền kinh tế lên gấp đôi vào năm 1985, và sẽ tăng gấp đôi nữa vào cuối thế kỷ 20.
Vào đầu thập niên 1990, tuy Ðặng Tiểu Bình không giữ một chức vụ gì chính thức và đã gần 90 tuổi, nhưng Ðặng được coi là lãnh tụ tối cao của Trung cộng, một thứ Quốc Phụ. Ðặng Tiểu Bình có ảnh hưởng bao trùm trên chính trường Trung Hoa. Trước hết Ðặng Tiểu Bình là người duy nhất kiểm soát được hồng quân Trung Hoa gồm ba triệu người. Chừng nào Ðặng Tiểu Bình còn sống thì hồng quân Trung Hoa sẽ không bao giờ đứng lên làm một cuộc đảo chánh. Lý do thứ hai là các lãnh tụ cao cấp của Trung cộng đều cố gắng làm vừa lòng Ðặng. Các lãnh tụ này sợ rằng Ðặng có thể bãi chức mình, và đôi khi chỉ một vài lời nói của Ðặng cũng đủ làm thay đổi hẳn chính sách quốc gia.
Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình quả thực là hai tân hoàng đế của nước Trung Hoa, mặc dầu hai người theo đuổi hai triết lý chính trị khác hẳn nhau. Mao Trạch Ðông được coi là một nhà cách mạng có tài và có công thống nhất Trung Hoa, nhưng Mao cũng chính là nguồn tai hại cho Trung Hoa vì Mao Trạch Ðông không phải là một người cai trị giỏi. Chính sách mới của Ðặng Tiểu Bình đã bãi bỏ Công Xã Nhân Dân của Mao Trạch Ðông, quay trở lại nền nông nghiệp tư hữu, và kinh tế đã phát triển 8% một năm. Ðặng Tiểu Bình đã đi ngược lại chính sách tự túc của Mao Trạch Ðông, bằng cách mở cửa Trung Hoa để đón nhận ngoại thương. Vào lúc 83 tuổi, Ðặng Tiểu Bình đã làm một cuộc đảo chánh ngoạn mục khi ông về hưu khỏi Ủy ban Trung ương. Hành động của Ðặng Tiểu Bình đã bắt buộc các lãnh tụ già và ít học cũng phải về hưu, nhường chỗ cho các lãnh tụ trẻ có học lực chuyên môn cấp đại học thay thế. Ðặng Tiểu Bình chứng tỏ là một nhân vật lịch sử quan trọng hơn Mao Trạch Ðông, vì những cải cách của Ðặng Tiểu Bình đã cứu vãn Trung Hoa sau những điên rồ của Mao Trạch Ðông. Mao Trạch Ðông sẽ bị lu mờ trước những thành tích của Ðặng Tiểu Bình.
Cả Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình đều tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh, mặc dù trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Ðặng Tiểu Bình chưa phải là một lãnh tụ hàng đầu. Nhưng từ năm 1978, Ðặng Tiểu Bình là lãnh tụ cuối cùng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh còn sống và nắm quyền lực tối cao. Chỉ đến khi Ðặng Tiểu Bình chết vì bệnh Parkinson ngày 19-2-1997, hưởng thọ 93 tuổi, thì cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới thực sự kết thúc.

Hết


Xem Tiếp: ----