Trong nhiều năm trời, bà Xônhia Găngđi xem thường chính trị và ẩn mình trong bóng tối. Khi mẹ chồng của bà là cố thủ tướng Inđia Găngđi bị sát hại vào năm 1984, bà đã cầu khấn chồng là Ragíp Găngđi đứng ra làm thủ tướng thay cho người mẹ bất hạnh của ông. Và khi Ragíp Găngđi cũng bị sát hại vào năm 1991, bà Xônhia lánh mình khỏi thế giới bên ngoài, tránh xa những chính khách nào thiết tha đề nghị bà đứng ra chèo lái con thuyền của Đảng Quốc đại, một đảng mà trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua vẫn do những người thuộc dòng họ Găngđi đứng mũi chịu sào. Nhưng cách đây hơn một năm, bà Xônhia miễn cưỡng bước ra khỏi bóng tối để tiếp nhận di sản của dòng họ Găngđi. Vào lúc đó, Đảng Quốc đại đang lao vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Vậy mà giờ đây, cô con dâu góa bụa gốc Italia này rất có thể sẽ trở thành thủ tướng Ấn Độ. Chính trường ấn Độ hiện đang rơi vào tình trạng xáo động. Thủ tướng tiền nhiệm Vaxpaiy buộc phải từ chức sau khi quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm ông. Người đã trực tiếp góp phần “lật đổ” Chính phủ Vaxpaiy không phải là Xônhia Găngđi (mặc dù Đảng Quốc đại là đảng đối lập mạnh nhất) mà lại là một phụ nữ khác không kém phần nổi tiếng ở ấn Độ là bà Gailalita Glairam trước đây đã từng là diễn viên điện ảnh và nay là người đứng đầu đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Vaxpaiy. Khi đảng này quyết định rút khỏi liên mình thì chính phủ Vaxpaiy mất đa số ghế ở quốc hội. Với tư cách là người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất, bà Xônhia được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Nhưng nỗ lực của bà không thành, bởi vậy trong vòng vài tháng tới, ở ấn Độ sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn. Dĩ nhiên là bà Xônhia sẽ phải chỉ đạo chiến dịch vận động bầu cử của Đảng Quốc đại. Bà được coi là nhà chiến lược chính của Đảng và có tiếng nói quyết định trong việc hoạch định các chính sách quan trọng nhất của Đảng. Mặc dù bà bước vào chính trị chưa lâu lắm và cho tới thời gian gần đây vẫn ít khi phát biểu trước công chúng. Không tổ chức các cuộc họp báo hoặc trả lời phỏng vấn, nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò nổi bật của bà trên chính trường ấn Độ. Tuy chiến dịch vận động bầu cử năm 1998, về thực chất, bà đã cứu thoát được Đảng Quốc đại là Đảng vào thời điểm đó đang bị mất uy tín nghiêm trọng. Sau đó, bà đồng ý giữ cương vị chủ tịch Đảng và tập trung chú ý vào việc phục hồi ảnh hưởng của Đảng Quốc đại vốn đã sa sút nhiều vì một số vụ bê bối trong nội bộ và do sự lãnh đạo thiếu hiệu quả. Mặc dù bà tìm mọi cách giấu kín cuộc sống riêng tư của mình nhưng người Ấn Độ luôn luôn khâm phục bà. Hình ảnh của bà xuất hiện thường xuyên trên bìa các tạp chí. Ngay cả vào những năm bà lặng lẽ ẩn mình trong bóng tối, mỗi cuộc gặp gỡ riêng tư của bà, mỗi nụ cười và mỗi cử chỉ gật đầu chào công chúng của bà đều trở thành đề tài thảo luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ ra sức phỏng đoán xem bà ủng hộ hoặc không ủng hộ nhân vật nào. Các vị khách quan trọng nước ngoài thường tới thăm bà tại nhà riêng, chẳng khác gì bà là thủ tướng hay tổng thống. Một trong những khía cạnh thuộc tiểu sử cá nhân của bà đang bị các đối thủ chính trị của bà thổi phồng lên để làm giảm uy tín của bà - đó là nguồn gốc Italia của bà. Bà làm quen với người chồng tương lai của bà - ông Ragíp Găngđi - khi bà mới 18 tuổi và đang theo học trường Kembrítgiơ tại Anh. Trong một thời gian dài sau khi quen biết nhau, bà vẫn không hề biết rằng Ragíp Găngđi là con trai của thủ tướng ấn Độ Inđira Găngđi. Sau khi theo chồng về ấn Độ, bà đã mau chóng chinh phục được thiện cảm của đông đảo người dân ấn Độ nhờ hiểu biết sâu sắc các phong tục tập quán lâu đời của nước này và hòa nhập vào nếp sống ở đây cũng như nếp sống của gia đình nhà chồng. Không một ai gần gũi với mẹ chồng - nữ thủ tướng Inđira Găngđi được như bà. Khi Inđira Găngđi bị một trong những vệ sĩ của mình bắn trọng thương thì chính Xônhia đã ôm đầu người mẹ chồng đang hấp hối trong vòng tay mình. “Mẹ chồng tôi là trung tâm của cả gia đình và là ngôi sao dẫn đường cho tất cả chúng tôi”, Xônhia đã thừa nhận như vậy. Tuy nguồn gốc là người công giáo nhưng bà Xônhia bao giờ cũng bày tỏ thái độ kính trọng sâu sắc đối với đạo Hinđu, đạo của đa số người dân Ấn Độ. Bà nói được tiếng Hinđu, mặc dù âm sắc còn nặng. Như vậy, tuy gốc là người Italia nhưng bà Xônhia đã thực sự trở thành người Ấn Độ. Chính trường ấn Độ, còn diễn biến phức tạp và Đảng Quốc đại cũng chưa lấy lại được uy tín và ảnh hưởng như thời kỳ vàng son của mình. Nhưng bà Xônhia Găngđi vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành tủ tướng ấn Độ để kế tục sự nghiệp rực rỡ của người mẹ chồng nổi tiếng - nữ thủ tướng Inđira Găngđi. (1) ===================== (1) Thanh Quang sưu tầm theo “ở nước ngoài” - 5/99, Báo Thế giới phụ nữ số 71 ra ngày 10-7-1999