Báo Ngôn Luận ra ngày 8 tháng 11 này có đăng tin " một người bị kết án lầm phải ngồi tù đến 15 năm mới được giải oan." Người ấy tên Banayad, 48 tuổi, ở đảo Quezon thuộc Phi Luật Tân. Năm 1946 Banayad bị đưa ra tòa vì tội giết người. Ông ta kêu oan, nhưng vì không có trạng sư biện hộ, nên Toà kết án chung thân, Vừa rồi tự nhiên có người đến thú nhận rằng chính mình là thủ phạm vụ án giết người kia, chớ không phải Banayad. Sau khi các nhà hữu trách xét lại bản án, nhận thấy quả Banayad vô tội, liền trả tự do cho ông ta. Lúc ấy ông ta ngồi tù đã được 15 năm 5 tháng 26 ngày! Trở về nhà thì gia đình đã tan tác: Sau khi ông vào tù được ít lâu thì vợ ông bỏ nhà theo trai và hai đứa con thơ không người nuôi bị chết đói! Thật là thương tâm! Đứng trước cảnh ấy các nhà " mặt sắt " không biết có động tấm " lòng vàng " hay chăng? Câu chuyện này làm cho tôi nhớ vụ án Chu Thanh đời Hán Chiêu Đế (86-74 trước kỷ nguyên Thiên Chúa). Chu Thanh là vợ Kim Sinh đất Đông Hải. Chồng là một hàn nho thanh nhã, vợ là một tuyệt thế giai nhân. Vợ chồng yêu kín nhau rất mực, nhưng sống với nhau mới được hai năm thì Kim Sinh tạ thế, để lại cho Chu Thanh một bà mẹ già và một đứa em gái, tên là Tiểu Cô. Cảnh nhà thật là hiu quạnh. Kim Sinh mất rồi, gia đình họ Kim như con thuyền không lái. Chu Thanh phải thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả mới có thể đỏ lửa ngày hai. Nàng lại hết lòng thờ mẹ chồng. Cho nên bà cụ yêu thương nàng hơn cả con ruôt. Trái lại nàng Tiểu Cô rất ghét Chu Thành, vì Chu Thanh đã hơn hẳn nàng về bên nhan sắc lại còn được mẹ chiều chuộng hơn. Nhưng không bao lâu thì Tiểu Cô có chồng. Tuy xung khắc nhau, nhưng khi Tiểu Cô sắp vu qui, Chu Thanh hết sức lo chạy để thu xếp công việc, may sắm áo quần, cho cô em bước về nhà chồng khỏi tủi thẹn là con mồ côi nhà nghèo không người săn sóc. Đức hạnh của Chu Thanh được tất cả làng xóm ca ngợi. Nhưng những lời ca ngợi Chu Thanh càng khiến cho cô em chồng bất mãn. Vì thế từ ngày xuất giá, Tiểu Cô không hề trở về thăm mẹ thăm chị lấy một lần. Từ ngày Tiểu Cô đi theo chồng cảnh gia đình họ Kim đã hiu quạnh càng hiu quạnh thêm: Trong nhà chỉ có hai người đàn bà hoá, một già một trẻ nương lấy nhau, mẹ kéo sợi dệt vải, con may thuê vá mướn, tháng ngày lạnh lẽo trôi qua. Cuộc sống tuy thiếu thốn nghèo nàn, song tình mẹ thương con, con yêu mẹ, nồng nàn thắm thía, khiến cả hai quên hết nỗi vất vả nhọc nhằn. Chu Thanh lúc bấy giờ mới 21 tuổi và chưa con cái. Mê nhan sắc, mến đức hạnh, nhiều nhà khá giả đua nhau đánh tiếng muốn cưới nàng. Đến khi nàng đoạn tang chồng, họ chánh thức nhờ mai đến nói. Chu Thanh nhất nhất cự tuyệt. Nàng quyết chí thủ tiết cùng chồng và sống bên cạnh mẹ chồng cho đến chết. Bà cụ họ Kim thương con dâu còn trẻ, hết sức khuyên nàng tái giá. Nhưng nàng thề nhất quyết không thay đổi chủ tâm. Bảy năm trôi qua yên ổn. Thỉnh thoảng bà cụ lại khuyên con dâu không nên bỏ phí khoảng đời xuân. Chu Thanh vẫn một mực cụ tuyệt. Một hôm nàng nói thẳng cùng mẹ rằng: - Từ ngày chồng con qua đời, con tự coi đời con như tro tàn củi mục. Con quyết ở vậy suốt đời để thờ chồng và nuôi mẹ. Bất cứ một người đàn ông nào, dù tài đức đến đâu, cũng không có thể đổi dời tấc lòng con được. Bà cụ rất cảm động, nhưng bà lại nghĩ rằng chỉ vì không nỡ bỏ bà, nên con dâu không chịu bước thêm một bước nữa. Nếu bà chết đi rồi thì dù thâm tâm chẳng muống, nàng cũng phải buột lòng lập lại cuộc đời. Đã có lần bà đem ý kiến ấy ra bàn cùng người hàng xóm. Ai nấy đều tưởng rằng đó chỉ là ý nghĩ ở trong bụng mà thôi, nên không ai lưu tâm đến. Một hôm, đương cùng Chu Thanh làm việc nơi sân trước, bà cụ nói thác rằng buồn ngủ, bảo con đâu có tiếp tục công việc, rồi đi vào nhà trong. Chu Thanh tưởng mẹ đi nằm, ngờ đâu khi vào xem thì bà cụ đã thắt cổ chết! Bà cụ chết, mục đích là để cho con dâu yêu dấu của bà được tự do lấy chồng. Nào hay cái chết của bà đã chẳng giải phóng được nàng, mà còn làm cho nàng mang hại. Bởi vì Kim Tiểu Cô vốn thù ghét nàng từ lâu, nay đột nhiên nghe tin mẹ chết, liền làm đơn tố cáo, quả quyết rằng Chu Thanh đã bạc đãi và áp bức bà cụ đến phải quyên sinh. Quan huyện sở tại căn cứ vào lời vu cáo của Tiểu Cô, liền bắt Chu Thanh hạ ngục. Chu Thanh kêu oan. Bà con lối xóm thương tình kéo đến của quan làm chứng hộ. Quan huyện nghĩ rằng dù Chu Thanh không có ý giết mẹ chồng, nhưng giữa hai người chắc có chuyện bất hoà nên bà cụ mới tự tử. Vì thế quan truyền đem Chu Thanh ra tra tấn. Chu Thanh than: - Sỡ dị tôi còn sống tới ngày nay là vì còn mẹ chồng già yếu. Nay mẹ tôi đã thác thì sự sống chết đối với tôi có còn nghĩa lý gì nữa mà để cho bọn quan lại hành hạ nhục nhằn. Bởi vậy khi hình cụ vừa đem ra thì nàng nghiễm nhiên nhận tội đã bức bà cụ. Quan huyện bèn xử nàng vào tội tử hình. Mội người đều căm phẫn cho việc xét xử bất minh của quan huyện. Khi vụ án đệ lên quan thái thú Đông Hải, thì trong khắp miền du luận nổi dậy xôn xao. Ai nấy đều thương cho Chu Thanh bị oan uổng. Lúc ấy trong phủ thái thú có viên quan họ Vu trong coi việc hành án, nhất quyết phản đối sự kết án Chu Thanh. Ông cho rằng trong vụ án còn có rất nhiều điểm đáng nghi ngờ. Nếu chịu xét đến phẩm hạnh và hành vi của Chu Thanh trong bảy năm trời, sau khi chồng chết, thì không thể quyết đoán rằng nàng đã nhẫn tâm áp bức mẹ chồng đến chết được. Ông bèn xin quan thái thú xét lại vụ án từ đầu. Nhưng quan thái thú không nghe, cứ theo hồ sơ quan huyện mà định tội, y án tử hình. Vu tào công bèn từ quan và Chu Thanh bị hành quyết. Cái chết của Chu Thanh đã làm cho toàn dân Đông Hải rơi lệ. Và rất lạ là sau khi Chu Thanh ngậm oan mà chết thì suốt ba năm liền cả huyện của nàng không hề có một giọt mưa! Đất khô nứt nẻ, ruộng vườn bỏ hoang, cây cối vàng cháy, canh thê thảm hiện khắp nơi chốn. Về sau một vị quan khác đến nhậm chức Thái thú Đông Hải, thấy thảm cảnh như thế, nghĩ rằng chắc có sự oan uổng chi đây, bèn lập đàn tế trời để cầu xin tha thứ. Quan công tào họ Vu nghe tin liền đến thuật lại vụ án của Chu Thanh. Quan liền cho tuyên bố khắp nơi để rửa oan cho người dâu hiền, và lấy tư cách một phủ quan, trích tiền công ra xây mộ và lập đến thờ Chu Thanh. Để làm gương cho mọi người, quan lại đem Tiểu Cô gian ác độc địa ra trị tội theo phép. Liền đó trời mưa như đổ và không bao lâu người trong miền được hưởng lại cảnh thạnh vượng của ngày xưa. Và cái án của Chu Thanh được ghi vào sử sách, để làm gương cho các ông quan toà chỉ ưa xét án trên giấy tờ.