ĐI TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA Khi Hoài Thanh viết xong cuốn Thi nhân Việt Nam, muốn tự xếp cho mình một chỗ ngồi trên văn đàn, ông loay hoay khổ sở: Ông là gì đây? là tiểu luận tác giả chăng? là tùy bút gia, là tùy hứng gia chăng? Nhưng dù là gì đi nữa, sự phân vân ấy của ông cũng chưa diễn tả hết mọi nỗi phiền hà rắc rối ngụ trong chữ essai của Tây phương. Nó là tiểu luận, là tùy hứng, cũng là tùy bút, bút ký, là tạp ký, tạp luận. tạp bút, tạp văn, là nhận định, phiếm luận v.v... Trường hợp giống như khi muốn dịch chữ porter, chữ crier ra Việt ngữ: là gồng, gánh, bưng, xách, ẵm, bồng...; là hét, la, gào, rống, rít, gầm v.v... Trong Việt ngữ, chúng ta dùng nhiều chữ không phải là thừa; vì mỗi chữ chỉ thị một văn loại khác nhau, có chút đặc điểm riêng. Âu Mỹ dùng một chữ cũng không hẳn là thiếu là gượng; vì trong bấy nhiêu văn loại vẫn có chỗ giống nhau, rất có thể gọi trùm bằng một tiếng. Cái “mệt” là khi muốn gọi trùm thì ta không gọi được, mà khi cần gọi tách ra thì Âu Mỹ lại không tách được. Trên thực tế trường hợp ấy vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn cái PEN Club. Đó là hiệp hội của các thi gia (poet), tiểu thuyết gia (novelist) và các essayist. Nếu bảo essayist là tùy bút gia thì Nguyễn Văn Trung không vào hội được: ông có viết tùy bút bao giờ đâu? còn nếu bảo là tiểu luận gia thì ông nhập hội được lắm, vì từng viết bốn năm tập “nhận định” văn học và triết học xuất sắc. Nhưng nếu dịch essayist là tiểu luận gia thì lại kẹt cho Nguyễn Tuân: ông này viết có cốt để luận về cái gì đâu? chẳng qua theo dòng mà giãi bày tâm tình lan man vậy thôi: Ở Nguyễn Tuân cái tâm tình là chính, cái lý luận là phụ: nếu ông muốn vào hội e cũng không tiện. Giá ta có một chữ gọi trùm cho vui vẻ mọi người thì hay biết mấy. Lại chẳng hạn chuyện sắp xếp của Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà văn hiện đại. Trong phần nói về bút ký ông liên hệ Phùng Tất Đắc với Tản Đà: Tản Đà luận về ăn ngon, về cái trống trong bụng người, về thằng người ngây cưỡi con ngựa hay v.v...; Phùng Tất Đắc cũng luận về cái nọ cái kia, cả hai đều là bút ký gia cả. Ông Vũ không liên hệ họ Phùng với Phạm Quỳnh, với Đào Duy Anh, mặc dù Phạm Quỳnh cũng thường hay luận lắm: luận về tiểu thuyết, luận về văn minh, luận về chính trị..., và Đào Duy Anh cũng viết Khổng giáo phê bình tiểu luận, chính thị là một essai: Giữa cái luận của Tản Đà – Phùng Tất Đắc với cái luận của Phạm Quỳnh – Đào Duy Anh rõ ràng có một sự khác nhau: ông Vũ có lý. Giá Âu Mỹ có cách gọi tách ra hai thứ luận khác nhau ấy thì sự phân biệt liên hệ của ông Vũ dễ hiểu hơn biết bao. Âu Mỹ không tách, ông Vũ tự tách lấy vậy. Ông tách cái phần essai kiểu Tản Đà – Phùng tất Đắc, gọi nó là bút ký. Nhưng essai bút ký nó khác với essai kiểu Phạm Quỳnh – Đào Duy Anh ra sao mà không liên hệ với nhau được? Qua cách trình bày của ông Vũ, nhận thấy Tản Đà và Phùng Tất Đắc có chỗ giống nhau là cùng viết phiếm luận. Phạm Quỳnh – Đào Duy Anh thì luận mà không phiếm, luận một cách nghiêm chỉnh trinh trọng. Một bên sáng tác những thiên văn chương bóng bẩy, lời lẽ duyên dáng; một bên chỉ lo suy cứu cật lực. Một bên nhằm cái đẹp; một bên nhằm tiến tới chân lý. Một bên luận như thể Trang Tử luận về lẽ tề vật về thu thủy trong kinh Nam hoa, như kiểu André Maurois kể những đàm thoại của bác sĩ O’Grady: tài hoa, bay bướm, hư hư thực thực, vẫn là phát huy chân lý đấy, nhưng người đọc cứ mê mẩn vì cái hoa mỹ. Một bên như Descartes luận về phương pháp, như Chu Hy luận đạo thánh hiền. Chúng ta chọn cái bên sáng tác hướng về nghệ thuật; còn bên kia hãy đưa qua địa hạt nghiên cứu khảo luận. Đã đồng ý về nội dung rồi, xin gọi nó là tùy bút, thay vì bút ký. Vì chữ ký thấy không hợp. Ở đây chuyện ghi chép sự việc không phải là cái quan trọng. Ký và phóng sự cốt ghi nhận thực tại, đi sát thực tại. Trong tùy bút cũng có thực tại, có sự việc, có tài liệu, dĩ nhiên. Tùy bút của Phạm Đình Hổ có, tùy bút của Nguyễn Tuân cũng có nữa: có ván cầu Hiền Lương đếm kỹ từng tấm chẳng hạn; nhưng những cái đó không làm ra giá trị của tác phẩm, không phải là đặc điểm của văn loại. TÙY BÚT MỘT THỜI QUA PHÂN Số người viết tùy bút ở ta không nhiều. Từ cuốn Vũ trung tùy bút hồi thế kỷ thứ XVIII vẫn được coi là tác phẩm đầu tiên của loại này cho đến nay lâu lâu mới lại thấy có một vài người viết tùy bút. Tùy bút gia không nhiều như thi gia, tiểu thuyết gia. Hồi tiền chiến, trong Nhà văn hiện đại thấy nêu ra hai vị, thực ra chỉ có Nguyễn Tuân là sở trường. Rồi suốt ba mươi năm sau đó cũng lại có mình Nguyễn Tuân tiếp tục bộ môn ấy ở Miền Bắc. Trong Nam sau 1954 có nhiều người viết tùy bút hơn. Mai Nguyệt, Hiếu Chân có kiến văn rộng rãi, bút pháp điêu luyện, đã có những bài phiếm luận thật lý thú; Ký Giả Lô Răng cũng từng có nhiều thiên “tạp ghi” ý vị. Tuy nhiên những phiếm luận ấy viết đăng nhật báo, dính liền với thời sự và cũng phôi pha theo thời sự. Riêng Thanh Tâm Tuyền có chọn lựa cho xuất bản một tập Tạp ghi, và Mai Thảo một cuốn Tùy bút. Hai người chuyên hẳn về tùy bút ở Miền Nam là Võ Phiến và Vũ Bằng. Vũ Bằng là một nhà văn tiền chiến, nhưng trước 1945 ông viết tiểu thuyết, sau này mới chuyển sang loại tùy bút với những cuốn: Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, Thương nhớ mười hai. Đề tài tùy bút Vũ Bằng là món ăn và quê hương. Quê hương mật thiết với món ăn, món ăn quấn quít lấy quê hương. Vũ Bằng thương nhớ đất Bắc qua những món ăn, ông tò mò về thức ăn miền Nam cũng là vì món ngon quê hương (miền Nam chỉ có món lạ, miền Bắc mới có miếng ngon). Vũ Bằng là một đại nghệ sĩ trong khoa ẩm thực. Ông thấu đáo đến cái tinh túy của từng món ăn dân tộc bất luận sang hèn, từ món chả cá mà giới tư bản người Hoa hâm mộ đến nỗi đặt máy bay chuyển cấp tốc từ Hà Nội về Hương Cảng để làm tiệc, cho đến mấy củ khoai lang lùi trong bếp lửa gia đình. Ông thưởng thức miếng ngon đã rành, mà cái cách ông “luận” về món ngon càng tuyệt vời. Xưa nay dễ chưa có ai luận một cách nhiệt liệt, thiết tha đến thế. Tản Đà có lẽ đã bỏ công trau luyện nghệ thuật đến mức thượng thừa, nhưng ông lặng lẽ “thực hành” nhiều hơn là đàm luận. Thạch Lam có cởi mở hơn, nhưng bên cạnh Vũ Bằng cũng hóa ra từ tốn, dè dặt hẳn. Vũ Bằng không dè dặt chút nào. Ông không ngại làm một kẻ cực đoan, quá khích. Phải chăng vì tình cảnh của ông Vũ khác người trước: ông nói về món Bắc khi không còn ở Bắc nữa, ông nói về nó, nói bằng tất cả nỗi tiếc nhớ da diết? Vả lại, có một khía cạnh này rất cần nêu lên: là miếng ngon đối với Vũ Bằng trong hoàn cảnh này không phải chỉ là miếng ngon. Món ăn đất Bắc gợi lại nơi đây, nó là cả cảnh vật cỏ cây, phong cảnh đất Bắc, nó là thời tiết nắng mưa nóng lạnh, là màn sương mù ở lưng chừng một ngọn đồi Chapa năm xưa, là cái rét nàng Bân một ngày hội “tung còn” của trai gái Thái được xem ngày còn trai trẻ, nó là phong tục tập quán từng vùng từng xứ, lại còn là kỷ niệm gia đình, là tình nghĩa vợ chồng v.v... Tất cả đã xa rồi, mất cả rồi. Cho nên nỗi nhớ tiếc những món ăn của Vũ Bằng nó vượt lên trên các món ăn, nó thành một nhớ tiếc mênh mông mà thống thiết. Giữa một thời khói lửa, tiếng bom tiếng đạn ầm ĩ quanh mình, thiên hạ điêu linh khắp nước, mà có kẻ cứ thốt lên độc một tiếng xuýt xoa về ăn ngon, có lạ thật. Nhưng nghĩ lại, chuyện lạ cũng dễ hiểu thôi. Nỗi nhớ tiếc xoắn xuýt từ miền này hướng về miền kia của Vũ Bằng là cái tình cảm rất phổ biến ở một thời đất nước qua phân. Chắc chắn trong số cán bộ và đồng bào Nam tập kết ra Bắc cũng có bao nhiêu là kẻ miệng nhai “món lạ miền Bắc” mà lòng nhớ về “miếng ngon miền Nam”, bao nhiêu là kẻ canh cánh một nỗi “thương nhớ mười hai” tháng mỗi năm. Chẳng qua một bên thổ lộ ra được, một bên đành nín lặng vậy thôi. Thực vậy, hãy nghe ông Vũ nói về trái vải làng Cầu Họ: “Thì ra cái vải gia dụng, cái vải thật ngon cũng có khác cái vải thường ta ăn rất nhiều. Ngay từ cái vỏ trái vải tiến cũng đã khác thường rồi: nó không đỏ màu huyết dụ, nhưng ong óng một màu nâu cổ kính, mà nhẵn lì đi chớ không có gai gồ ghề. Nhìn kỹ hơn một chút nữa thì trong cái làn da màu nâu ấy nổi lên những cái vân và thỉnh thoảng giữa cái vân lại có một chấm đỏ hiện lên. Trái vải này thực ra không lớn lắm, trung bình chỉ to hơn cái chén quân pha trà tàu một chút, nhưng đặc biệt là khi bóc vỏ ra rồi, không có nước tèm lem, mà hột thì nhỏ chỉ bằng cái đầu ngón tay. Cùi nó dày như cùi dừa, nhưng không trắng bạch mà lại hung hung màu ngà. Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt mà nhai thì mềm, nhưng không nhão mà lại giòn, nhai khe khẽ mà chính tai mình thấy như sậm sựt.”[1] Yêu nhớ một thứ trái cây mà đến thế tưởng thực là đã hết lòng yêu nhớ, nhưng ai dám bảo nếu được phép thì trong số đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc lại không có kẻ muốn thốt lên một tràng “sầu-riêng tụng” lâm ly như thế. Chưa hết. Thế rồi từ trái lại nhớ luôn đến người; nhớ quay nhớ quắt, nhớ đau nhớ đớn ngần này thì ai nghe qua mà không xúc động: “Nhớ ơi, nhớ sao nhớ quá thế này! Nhớ cũng vào một mùa vải như thế này, hai vợ chồng rảnh rang cùng đi về Vụ Bản thuê một căn nhà rơm để nghỉ mát thay vì đi lên núi, sáng sáng, lúc mặt trời chưa mọc, hai đứa cùng đi tha thẩn dưới rặng vải cùng uống mùi thơm của vải chín tiết ra trong không khí văn vắt. Chín mười giờ sáng, vào một cái quán ăn một bát canh bún, uống một chén chè tươi rồi lại đi... đi mãi dưới các vòm cây bất tận cho tới trưa, mệt quá, không thể đi được nữa, phải ngồi dựa vào gốc cây thiêm thiếp... Mặt trời bắt đầu lên cao. Có vài chỗ mạ đã tốt, dãi ra mơn mởn, xanh màu cốm dót. Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này, em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú đậu ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy?”[2] Đó cũng có thể là nỗi lòng của muôn vạn cặp vợ chồng trai gái cách xa ngang trái vì hoàn cảnh đất nước. Tình vợ chồng thương nhớ nhau xưa nay trong văn chương đã mấy khi có những biểu lộ thiết tha đến thế? Người ta nhớ vợ khi giở mảnh tàn y, khi chợt nhìn cổ kính, nhớ những lúc sớm ngõ trưa sân, những lúc đêm thanh cảnh vắng, dưới ánh trăng tà v.v... Vũ Bằng vượt hết mọi khuôn sáo cũ mòn. Ông nhớ vợ khi nhúng chân xuống một dòng nước, khi nhìn ra nắng trưa, khi ngủ ngồi dưới bóng cây, tai nghe tiếng kêu sỗ sàng của con chim tu hú. Cái tình của ông nó thực quá, cảnh của ông nó sống động quá, làm người đọc giật mình nhẩy nhổm. Trong một cuốn Thương nhớ mười hai mỗi lúc ta mỗi bắt gặp những dòng chữ đứt ruột như vậy. Có thể trách văn chương ấy cá nhân quá, thiếu lập trường, thiếu giai cấp tính, thiếu đảng tính, thiếu hiện thực tính v.v...; nó tha hồ thiếu nhiều thứ tính, miễn nó có một tính người nồng nàn đến thế là đủ cho ta lấy làm quí. Vũ Bằng viết văn làm báo non nửa thế kỷ, ông nổi danh từ thời tiền chiến, nổi danh như một tiểu thuyết gia; vào Miền Nam ông chợt quay ra viết một mạch mấy cuốn tùy bút liền. Mặc dù từng khảo về tiểu thuyết, sau này không thấy ông chú ý đến các chuyển biến trường phái, chủ nghĩa v.v... trong giới tư tưởng hay nghệ thuật. Ông không bênh vực văn nghệ tiền chiến, văn nghệ hôm qua, ông cũng không chạy theo văn nghệ hôm nay, ông không suy tư, băn khoăn, buồn nôn, quằn quại gì ráo. Mặc cho ai nấy nói điều lớn lao, ông chỉ vừa ăn món ngon vừa xuýt xoa khen ngợi, vừa nhớ vợ. Thế thôi. Nhưng tôi có cảm tưởng đây mới là thành công của ông. TÙY BÚT VÀ CÁC ĐẶC TRƯNG THỜI ĐẠI Cùng viết tùy bút, Võ Phiến khác Vũ Bằng, khác về nhiều phương diện. Về mặt đề tài, trong khi Vũ Bằng cố thủ lấy một điểm nhất định không rời, thì Võ Phiến bung rộng ra khắp nơi: cái ăn cái uống có, mà nhà ở mà thú ăn chơi, phong tục tập quán, cách thức trang phục của dân tộc cũng có, đặc điểm sinh hoạt từng địa phương từng thời đại có, đặc điểm trong ngôn ngữ dân tộc cũng có, mà băn khoăn chính trị, thắc mắc triết lý, suy tưởng về nghệ thuật cũng có nữa. Đề tài rộng hay hẹp là chuyện cá tính chuyện năng khiếu riêng của mỗi người, nhưng ngoài ra có lẽ cũng hàm thêm một ý nghĩa khác biệt giữa hai thế hệ. Thực vậy, mặc dù Vũ Bằng không hề nói đến chuyện vượt thời gian, nhưng cái chủ tâm chỉ viết về cái ăn cái yêu — đề tài muôn thuở — làm ông gần với Nhất Linh, Đông Hồ, Vi Huyền Đắc..., các cây bút tiền chiến. Trái lại, các xôn xao thời sự và khắc khoải tinh thần trong một số đề tài cho thấy Võ Phiến thuộc lớp nhà văn sau 1954. Ám ảnh của thời thế và triết học là đặc trưng một thời. Mặt khác, tùy bút có những thể cách khác nhau. Phùng Tất Đắc phiếm luận chuyện đời, Nguyễn Tuân biểu tỏ tâm tình; dầu hai bên không giống nhau vẫn có thể đem cái luận của Phùng Tất Đắc đối chiếu với cái luận của Phạm Quỳnh chẳng hạn, chứ Nguyễn Tuân thì không ai nghĩ có thể đem ông ra so sánh với Phạm Quỳnh. Ông không lập luận, dù phiếm dù không phiếm. Ông chủ về cái tâm, không phải cái lý. Vũ Bằng gần với Nguyễn Tuân. Chuyện giọt cà cuống, trái lê trái vải, con rươi, con chim ngói, chuyện người vợ tào khang, cô đào nương mặn mà duyên dáng v.v... không phải chuyện của lý trí. Vũ Bằng viết tùy bút tâm tình. Võ Phiến cũng viết tùy bút tâm tình, và có những thiên tùy bút như thể là thơ tản văn (trong Tạp bút, Ảo ảnh, Phù thế). Nhưng có những tùy bút khác lại là phiếm luận (Tạp luận, Tạp bút). Ngoài ra Võ Phiến còn viết cả thứ tùy bút gần như là truyện ngắn. Phê bình cuốn Thư nhà, Đặng Tiến đã nhận xét: “Thật ra các tác phẩm Võ Phiến đã cho in từ trước đến nay đều có ít nhiều tính cách tùy bút (...) Võ Phiến có lối hành văn rộng rãi, phóng túng, đưa truyện ngắn đến một lằn mức nào đó, mà lúc đã vượt qua, tác phẩm sẽ không còn là truyện ngắn.” Thành thử, từ Vũ Bằng đến Võ Phiến đã có một sự khuếch tỏa khuôn khổ của bộ môn tùy bút. Ranh giới của nó lại cũng bung rộng ra, rộng hơn bao giờ hết, lấn vào phạm vi của thơ của truyện. Lại vẫn Đặng Tiến trong bài phê bình nói trên đăng ở nguyệt san Tin Sách: “thật ra, tùy bút là một danh từ khó định nghĩa. Trong văn chương bây giờ, cái gì mà lại không tùy bút.” Như vậy, một lần nữa ở đây ngoài chuyện cá tính với năng khiếu, phải chăng lại có sự khác nhau giữa trước kia với bây giờ, giữa các thế hệ? Sự xóa nhòa ranh giới giữa các bộ môn, thể loại: một đặc trưng văn nghệ của thời đại? Lại nhân câu chuyện thời đại tính mà nêu thêm một điểm nữa. Trong Vũ Bằng có sinh ly tử biệt, có vật vã kêu thương, nhưng ngoài thảm cảnh cá nhân ra không có gì sụp đổ: Xã hội y nhiên tự tại. Còn về Võ Phiến, Đặng Tiến nhận thấy “là một nhà văn bi quan, bi quan đến cái độ có thể cười cợt với tất cả phần tàn nhẫn của số mệnh. Nụ cười của Võ Phiến không có gì cứu vãn nổi, và nói theo Hégel nụ cười là ký hiệu một sự đau khổ đến cùng cực, đã vượt quá giai đoạn nước mắt. Khóc than nguyền rủa là vẫn còn ít nhiều luyến tiếc một trật tự nào đó, khi con người bắt đầu cười với chính mình, cuộc đời không còn một trọng lực nào hết, như lúc nhân vật Julien Sorel của Stendhal mỉm cười trước khi lên máy chém (...) Võ Phiến là một nhân chứng thời đại, muốn chế riễu cả thời đại lẫn vai trò nhân chứng của mình, chế riễu bằng một nụ cười lặng lẽ. Và bên kia nụ cười, cuộc đời không còn gì nữa cả.” “Không còn gì nữa cả”, lại là một đặc trưng của thời đại. Nguyệt Nga với Thúy Kiều, các cô gái tuyệt vời ấy không những vật vã khóc than lại còn nhảy luôn cả xuống sông hủy mình, thế nhưng dẫu họ có chết đi các giá trị tinh thần phong kiến vẫn còn nguyên: trung hiếu tiết nghĩa vẫn cứ là giá trị vững bền: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh là câu sửa mình”. Trái lại sau những biến thiên từ 1945 đến 1955 trên đất nước ta, có một lớp người hoang mang đến nỗi không cần than thở, chỉ có lặng lẽ cười thôi cũng đủ làm cho “cuộc đời không còn gì nữa cả”. Viết đến đây không kbỏi giật mình. Không thưa thốt thì rõ ràng là thiếu sót: một bộ môn văn nghệ số phận nó ra sao? nó còn nó mất? phát triển thế nào? đâu có lẽ không nói đến. Nhưng trong bộ môn ấy lại chỉ có đôi người, mà không tiện nói về cả đôi. Nói ra thì như tự vái, e những kẻ có nhiều cảm tình với mình nhất cũng không còn tìm ra lý do để tha thứ mình. Vì vậy không thể nhiều hơn nữa. ________________________[1] Thương nhớ mười hai.[2] Sđd.