Đỉnh Gió Hú là tác phẩm dịch thuật duy nhất của văn hào Nhất Linh. Ông đã dành những giờ rảnh hiếm hoi trong cuộc đời rất bận rộn của ông để dịch cuốn Wuthering Heights này từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque. Đầu tiên ông dịch nhan truyện là Mỏm Gió Hú, sau mới sửa thành Đỉnh Gió Hú trước khi đăng một phần trên Nguyệt san Tân Phong (Sài Gòn, Việt Nam) vào năm 1960. Trong bản thảo viết tay mà chúng tôi hiện giữ có ghi những mốc thời gian từ lúc khởi dịch cho đến khi kết thúc: 19-12-1952, 21-8-1953, 27-6-1960 và 18-1-1962. Như vậy, sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng Giòng sông Thanh Thủy vào năm 1961, Nhất Linh đã cố gắng mà không dịch xong Đỉnh Gió Hú trước khi ông qua đời vào ngày 7-7-1963. Năm 1974 chúng tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang có nhờ nhà văn Bảo Sơn dịch tiếp và Đỉnh Gió Hú được xuất bản lần đầu tiên năm 1974 tại Sài Gòn, Việt Nam. Hiện nay vì không có trong tay ấn bản của nhà Phượng Giang để in lại, nên chúng tôi quyết định đánh máy từ bản thảo của Nhất Linh và tự dịch tiếp một số chương cuối để hoàn tất và tái bản cuốn truyện giá trị này. Chúng tôi cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của văn hào Nhất Linh để giữ cho hơi văn toàn tác phẩm được thuần nhất. Về phương diện khả năng ngoại ngữ, có thể văn hào Nhất Linh không phải là trội bật so với nhiều dịch giả khác, nhưng về mặt thận trọng và nhất là qua tâm hồn tinh tế của một nhà văn sâu sắc như Nhất Linh, chúng tôi có thể đoan chắc ông đã diễn đạt được, qua bản Việt ngữ, những ngõ nhách thâm sâu nơi tâm hồn những nhân vật trong tác phẩm kỳ lạ này của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte. Dịch giả Nhất Linh đã ca tụng Đỉnh Gió Hú như là một trong những cuốn truyện hay nhất thế giới. Trong cuốn biên khảo của ông Viết và đọc tiểu thuyết Nhất Linh đã xếp Đỉnh Gió hú vào “những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian, như những cuốn Chiến tranh và Hòa bình, An-Na Kha-Lệ-Ninh, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoĩ, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievsky...” Cũng trong cuốn biên khảo đó, Nhất Linh còn viết: “Trong cuốn sách lạ lùng của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte, cuốn Đỉnh Gió Hú, xuất bản năm 1847, tác giả đã để một người vú già kể chuyện lại. Một vú già kể chuyện thì còn làm gì có những chỗ giảng giải về tâm hồn, ý nghĩ nhân vật nữa, tuyệt nhiên không có, tuyệt nhiên vú già chỉ là người đứng ngoài thôi. Thế mà chỉ bằng một giọng kể chuyện rất thường, bằng những chi tiết, vú già đó đã cho người ta thấy tất cả cái sâu xa của tâm hồn người trong truyện.”