Chương 2

Chân bước mà những ý nghĩ trong đầu đưa Bình trở về với quá khứ. Những kỷ niệm xa xưa chẳng êm đềm gì lúc này cứ hiện rõ lên mồn một.
Vào một buổi sáng mùa thu trời đẹp. Mây nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh. Cũng như các lớp trong toàn trường phổ thông trung học Bình học, lớp 10D của Bình vừa khai giảng năm học mới được một tháng. Khi tiếng trống trường gióng lên báo hiệu buổi học kết thúc, các bạn chuẩn bị sách vở ra về. Bỗng thầy Cang, hiệu trưởng của trường, bước vào, yêu cầu lớp ở lại họp. Đi sau thầy là cô Lộc, giáo viên chủ nhiệm lớp Bình. Cả lớp ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì quan trọng. Hay là cô Thao, giáo viên dạy bộ môn sinh vật, chuyển trường hay gia đình cô có chuyện gì đó. Vì tuần này tiết học của cô để trống. Nhưng nếu chỉ có vậy thì việc gì phải họp lớp gấp gáp như thế. Hơn nữa cũng không đến mức phải có sự hiện diện của cả cô Lộc và thầy Cang.
Hoá ra, trong buổi họp giáo viên toàn trường vừa rồi, cô Thao yêu cầu lớp Bình phải họp để tìm ra thủ phạm đã bỏ một con chuột còn đỏ hỏn vào trong cặp của cô trong giờ giảng và thực hành trên cơ thể chuột.
Về đến nhà, theo thói quen, cô Thao mở cặp lấy chìa khoá mở cửa. Vừa mới  thò tay vào cặp, cô đụng phải một vật gì mềm mềm, nóng nóng. Cô giật mình rút tay ra, đưa cặp lại gần cửa sổ hành lang nhìn cho rõ. Thì ối giời! Một con chuột đỏ hỏn, đang mở đôi mắt bé xíu nhìn cô. Cô hoảng hồn vứt cả cặp sách xuống đất, hét lên rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống cầu thang. May sao, có bác Thắm, hàng xóm ở căn hộ liền kề căn hộ của cô, ở dưới cầu thang đi lên, đỡ không cho cô chạy tiếp, nếu không hậu quả thật khôn lường.
Là giáo viên dạy bộ môn sinh vật, cô Thao có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loài động vật khác nhau. Tuy nhiên không hiểu tại sao, con vật mà cô sợ nhất lại là con chuột.
Theo lời cô Thao kể, năm cô lên bảy tuổi, gia đình cô phải sơ tán về nông thôn vì đế quốc Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Gia đình cô gồm bốn người, được nhà chủ cho mượn một phòng rộng khoảng mười tám mét vuông. Nhà ở chật chội, thêm vào đó là khí hậu ẩm thấp, đồ đạc cũng dễ mốc, hỏng. Là một cô bé ngoan ngoãn, chăm chỉ việc nhà, cô thường giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại tủ quần áo, giá sách…Một hôm, cô lôi hết quần áo trong tủ ra để xếp lại. Vừa mới kéo được ít đồ ra, cô bỗng hét lên hoảng hốt khi thấy một ổ chuột con, còn đỏ hỏn, nằm ở góc tủ. Mẹ cô nghe tiếng kêu, chạy vào, thấy con gái nằm ngất lịm trên sàn nhà.
Từ đó, mỗi lần nhìn thấy chuột là cô Thao sợ. một nỗi ám ảnh, đeo đẳng đến là khủng khiếp. Hồi còn là sinh viên, các bạn cô cũng đã một lần làm cô suýt bị tai nạn khi nhảy từ giường tầng xuống đất, chỉ vì cô vừa mới kéo ri đô để trèo lên giường, thì thấy một con chuột đỏ hỏn nằm chềnh ềnh trên chiếc hòm gỗ đựng đồ đạc, quần áo được kê ở đầu giường để làm bàn học, mở hai mắt nhỏ tí nhìn cô.
 Trong giờ thực hành môn sinh vật tuần trước ở lớp Bình, có lẽ cô Thao không đề phòng, đã kể ra chuyện đó nên học sinh nào đó đã nghịch ác.
Sau cuộc họp lớp 10D, người ta chẳng mấy khó khăn tìm ra thủ phạm vụ đùa tai ác trên. Chẳng ai khác ngoài Bình. Bình bị kỷ luật. Nhờ mẹ chạy chọt, xin xỏ, Bình thoát, không bị nghỉ học buổi nào.
Nhưng cũng từ đó, Bình trở nên thủ thế hơn, lỳ lợm hơn. Bình chẳng những không tham gia xây dựng bài trên lớp mà khi thầy cô giáo gọi hỏi bài còn trả lời qua loa cho xong chuyện hoặc nói lí nhí. Ở lớp, Bình chẳng chú ý gì đến bài giảng, chẳng chịu ghi chép, về nhà, chẳng chịu học bài, làm bài tập gì cả. Đến cuối năm học, Bình vẫn đủ điểm để lên lớp vì những bài kiểm tra học kỳ và cuối năm đều đạt điểm. Càng lớn Bình càng ý thức hơn sự can thiệp của bố mẹ trong việc "chạy" điểm, "chạy" tội cho anh em Bình. Ỷ vào đó, Bình chẳng học mà cũng chẳng thấy lo. Dần dần Bình chẳng những không sợ gì mà cũng chẳng sợ ai cả.
Lên lớp mười một, Bình càng nhơn nhơn, coi thường tất cả. Trong số giáo viên dạy lớp 11D của Bình, có thầy Khôi, giáo viên dạy môn vật lý, rất nghiêm. Đã nhiều lần thầy cảnh cáo Bình về thái độ học tập trong lớp. Thầy đưa trường hợp của Bình ra trong cuộc họp giáo viên, đề nghị cô giáo chủ nhiệm cho họp lớp, kiểm điểm Bình. Nhưng không hiểu tại sao Bình vẫn tồn tại ngang nhiên trong lớp.
Một hôm trong giờ kiểm tra môn vật lý, thấy thái độ bất bình thường của Bình, thầy Khôi đi ngay xuống chỗ Bình, lôi từ dưới cuốn vở kê bài viết của Bình một tờ giấy ghi hết các công thức, dàn ý của bài giảng, cách giảng các bài tập…
Tại sao em lại làm như vậy? Em không biết đó là điều tối kỵ, không được phép ư?
………………
Đề nghị em nộp bài và ra ngay khỏi lớp.
……………………
Em có nghe tôi nói gì không?
Roạc…roạc…Trong giây lát, bài kiểm tra của Bình chỉ còn là những mảnh giấy vụn, được ném ngay trước mặt thầy Khôi và bay tả tơi xuống đất…
Học sinh đang cắm cúi làm bài, không ai bảo ai, quay hết về chỗ Bình. - Thật là hỗn xược hết chỗ nói! – một nữ sinh thì thầm với bạn ngồi cạnh – Tại sao nó lại làm vậy nhỉ? An, người bạn chơi thân với Bình, lẩm bẩm. Thầy Khôi giận tím mặt, đi thẳng về phía bảng, quay lại nói.
Em hãy đi ra khỏi lớp và khi nào có ý kiến của thầy hiệu trưởng, em mới được trở lại giờ tôi!
Bình gườm gườm nhìn thầy, mặt lầm lì, đi ra khỏi lớp, vẻ thách thức.
Thầy Khôi là một giáo viên dạy giỏi. Thầy vừa giỏi về chuyên môn, lại vừa chuẩn mực về đạo đức, nghiêm khắc trong cuộc sống, trong giảng dạy và trong mọi mối quan hệ. Những tiếng tốt về thầy không chỉ được biết đến trong toàn trường, mà còn bay ra toàn huyện, toàn tỉnh. Thầy thường nói, học giỏi mà không ngoan thì cũng chẳng thành người tử tế được, huống hồ đã kém cỏi lại còn hỗn láo. Đồng nghiệp, phụ huynh học sinh  và bản thân các em học sinh rất quý nể thầy. Gửi con cho thầy, ai cũng yên tâm. Con cái được học với thầy, hầu như phụ huynh nào cũng phấn khởi.
Với uy tín của thầy Khôi như thế, tất cả các bạn ở lớp đều nghĩ, sau sự việc đó, cánh cửa trường học đã khép lại đối với Bình. Bởi vì Bình không chỉ phạm lỗi sao chép bài khi làm bài kiểm tra mà còn phạm phải lỗi mà một người học sinh không dễ được tha thứ, đó là xúc phạm thầy với thái độ xấc xược, coi thường.
Vậy mà không hiểu bằng con đường nào, chỉ một tuần sau, Bình lại đến lớp và vẫn ngồi vào học môn vật lý một cách nghiễm nhiên, có phần khiêu khích. Thầy Khôi dù không muốn, vẫn phải chấp nhận vì có ý kiến của thầy hiệu trưởng.
Rồi cứ như vậy, Bình nhảy lên lớp 12D, không phải thi lại môn nào. Còn thầy giáo Khôi thì xin chuyển trường.
Nhưng cũng chính vì vậy, năm cuối cùng ở trường phổ thông trung học, Bình bỏ nhiều tiết học, có khi bỏ hắn cả buổi học, tụ tập một số bạn bè xấu. Đi đến trường, Bình chẳng mang cặp, sách cũng không, chỉ có một quyển vở và một cây bút nhét vào túi quần. Trước giờ vào lớp, nhóm của Bình tập trung ở quán cà phê trước cổng trường, nói chuyện, hút thuốc, liên hồi văng tục. Trong lớp, Bình vẫn tiếp tục gây ra không ít chuyện khó chịu cho các thầy cô và bè bạn. Ở quê Bình, hầu hết các bạn đi đến lớp bằng xe đạp, một số ít bạn ở gần trường thì đi bộ. Nhà Bình cách trường không xa, nhưng ngày nào người ta cũng nhìn thấy Bình cưỡi một "con" Dream mới  cứng. Ai hỏi thì Bình trả lời  trong nhà có vài ba "con" như vậy  tội gì không dùng.
Cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học cũng đã đến. Trong khi các bạn mải miết ôn tập, Bình lại cùng mấy tay chơi ở lớp đàn đúm, la cà đến các quán karaoke. Hầu hết học sinh lớp 12D đều nghĩ một cách chắc chắn là Bình sẽ trượt thẳng cẳng kỳ thi cuối cấp, mặc dù bố mẹ Bình ngoài việc ghi danh, đóng học phí cho Bình tất cả các buổi, các môn học thêm do lớp tổ chức, còn nhờ giáo viên từng môn đến kèm Bình tận nhà. Bình cũng có đến những buổi học thêm, cũng ngồi nhà chờ giáo viên đến dạy, nhưng thực ra ngồi thì ngồi vậy chứ có con chữ con số nào lọt được vào đầu Bình đâu.
Vậy mà lại một lần nữa, các bạn Bình hết sức ngạc nhiên. Bình đã đỗ tốt nghiệp, và kinh khủng hơn là đỗ loại khá. Điều đó khiến cho biết bao người thắc mắc. Tuy nhiên, thắc mắc làm sao được? Có ai đó muốn kiện, viết đơn rồi mời thanh tra huyện hay tỉnh kiểm tra thì cũng chẳng lần ra được điều gì vì rõ ràng là Bình làm được  bài, điểm bài thi của từng môn được chấm đúng với đáp án. Không có một chỗ hở ở một công đoạn nào cả.
Rồi cũng như các cô, các cậu tân tú tài, Bình bắt đầu học ôn tiếp các môn để thi vào đại học.
Trước đó bốn tháng, khi làm hồ sơ thi vào đại học, Bình nghe bố nói:
Làm trai thời này phải là kỹ sư công nghệ thông tin hay chí ít cũng là cán bộ nghiên cứu đường lối phát triển kinh tế của đất nước mới oai con ạ.
Theo ông, thằng Bình nhà mình phải học các môn khoa học tự nhiên à? Nó phải thi khối nào có ngoại ngữ ông ạ. Và phải làm hồ sơ cho nó vào trường đại học nào đó bắt đầu bằng chữ "ngoại" ấy, ông hiểu chưa? Sau này cứ phải là làm việc cho các công ty nước ngoài. Tiền lương phải tính bằng đô la mới oách chứ – Mẹ Bình bảo.
Bà này nói nghe buồn cười nhỉ? Khoa học thiên nhiên là gì?
Là gì thì tôi chả biết, chỉ biết thi môn toán này, thi môn vật lý này rồi cái môn gì nữa mà nghe nói cứ đến giờ thí nghiệm là toàn ngửi thấy mùi bệnh viện…
Thế thì bà phải gọi đó là các môn khoa học tự nhiên.
À ra vậy. nghe nói trường Đại học ngoại thương lấy cả thí sinh khối D nên thằng Bình thi vào đó được đây. Hơn nữa sau này ra trường dễ xin việc. Ông quen nhiều các quan ở cái mảng đó.
Bà thì biết gì mà nói cho nó ỷ lại. Khối D! Bà có biết nó phải thi những môn gì không? Toán, văn, ngoại ngữ, bà nghe rõ chưa? Mà thằng Bình có biết gì về tiếng Anh đâu.
Ông khỏi lo! Tôi sẽ thuê thầy dạy nó từ nay cho đến khi thi. Cả ba môn. Học từ sáng đến tối. Bồi dưỡng cho thầy thật cao vào, có mánh nào là thầy sẽ truyền cho nó hết.
Bà tưởng cứ học suốt ngày mà nó tiêu hoá được hết kiến thức à?
Ông nói cái gì? Tiêu hoá à! Nghe như tiêu hoá thức ăn, ghê quá! Mà này, tôi nói cho ông nghe. Con mình từ lớp một cho đến lớp mười hai, có phải đúp lại năm nào đâu. Mỗi năm lên một lớp. Thi tốt nghiệp cũng sẽ đỗ cho ông xem. Nhất định kỳ thi này, tôi sẽ bồi dưỡng đủ các kiểu cho thầy và trò. Mọi việc sẽ đâu vào đấy hết, ông khỏi lo!
Nghe bố mẹ tranh luận, Bình cũng chưa hình dung ra hết mình sẽ được bồi dưỡng những gì và tìm cách tiêu hoá kiến thức ra sao. Nó càu nhàu:
Bố mẹ để cho con yên một tí có được không? Con lớn rồi. Nghe mãi những điệp khúc trên, con ngấy đến tận cổ.
Con không phải nghĩ gì cả. Mẹ sẽ thu xếp hết. "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư".
Ối chà chà! Bà biết gì mà cũng tục với ngữ - Bố Bình nói chêm vào.
Vậy là Bình chẳng được quyết định gì cả - Ừ thì thi vào Đại học Ngoại thương vậy – Bình tự nhủ. Bình không phải làm gì, không phải động đến một việc gì, kể cả việc khai hồ sơ. Mẹ Bình nhờ người làm tất. Được thể, Bình ỷ lại, chẳng quan tâm gì.

*

Một buổi chiều hè trời oi bức. Cái nóng khủng khiếp kèm theo cái ẩm. Thật khó chịu!Cả Bình và An đều bỏ buổi học thêm môn toán. Sau khi bước ra khỏi quán karaoke, An hỏi Bình:
Nguyện vọng một của cậu là trường nào?
Cậu cứ hỏi bà "bô" tớ khắc biết – Bình trả lời.
Thế còn nguyện vong hai?
Tớ cũng chả biết nữa.
Sao cậu thờ ơ với tương lai của mình đến vậy?
Tớ đâu có được bàn bạc, ý kiến gì về việc đó. Chẳng ai hỏi ý kiến, nguyện vọng gì của tớ cả, họ cứ tự ý làm. Mà tớ cũng quen rồi, thây kệ đời! 
An bỗng cười khành khạch
Ha…ha…! Hay thật đấy! Đời hay thật đấy! Mà cũng lạ thật đấy! Tục ngữ có câu "công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Câu này chỉ dừng đến đây thôi cậu ạ. Bố mẹ cậu đúng là lo và trang bị cho cậu từ chân tơ đến kẽ tóc…Một cậu ấm thời hiện đại, cậu còn gì phải than phiền nữa nào?
Đang thao thao bất tuyệt, bỗng nhiên An dừng lại, chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh của mình…
Bước sang lớp 12, An bắt đầu chơi thân với Bình. An hiểu Bình lắm chứ. Bình có cá tính, không thích quá ỷ lại, nhanh nhẹn và khá thông minh. Bình có khả năng học môn toán, môn lý, nhưng môn hoá thì bình thường. Nhưng do không chịu học hành, Bình bị mất gốc, rơi rụng dần kiến thức thu lượm được. Một điều An có thể khẳng định là Bình không thể học được ngoại ngữ. Không những Bình không chịu học, mà có học cũng khó, vì môn đó cũng như môn nhạc hay môn hoạ vậy, cần phải có năng khiếu mới giỏi được, nếu không chỉ làng nhàng. Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ khi bước vào trường phổ thông trung học, trong khi các bạn cắm đầu cắm cổ học cũng còn thấy thiếu thời gian vì bài vở nhiều, Bình vẫn nhởn nhơ. Nhiều thầy cô giáo góp ý phê bình. Cô giáo chủ nhiệm cũng bất bình lắm. nhưng Bình cứ lì ra. Vậy mà Bình vẫn lên lớp như ai! Trước đây An không hiểu mấy về những trường hợp như Bình, như Lợi. Lợi cũng là bạn học cùng lớp với An và Bình là con bà Nụ, trưởng phòng Tổ chức giáo dục và đào tạo của huyện. Từ ngày chơi với nhóm của Bình, được Bình bao hết rồi không phải lao vào chuyện học hành, thi cử, An nghĩ như vậy có lẽ sướng hơn chăng? Biết thân phận mình, chẳng được như Bình, như Lợi..bố mẹ chẳng "lo" được gì, An than thân trách phận rồi nói với Bình:
Tớ cầm chắc là trượt đại học rồi. Bố tớ là thợ xây, nay đây mai đó. Mẹ tớ suốt ngày ốm đau, chẳng lo gì được. tớ lại còn đứa em nữa. Con đường học hành mà bố mẹ tớ chẳng có điều kiện để lo cho, tớ đành phải dừng. Cậu thấy bọn lớp mình chẳng có đứa nào là không đi học thêm. Ngoài giờ học chính quy trên lớp, chúng nó hầu như không còn một giờ nghỉ, trừ lúc ăn và lúc ngủ thôi. Mà học thêm như vậy là phải có tiền. Mấy lần tớ thấy thầy Uy dạy toán, cô Thiều dạy văn, nhìn tớ không mấy thiện cảm, tớ đã đoán ra được điều gì rồi. Đúng, tớ là đứa học sinh lười học, không làm bài đầy đủ, các thầy cô giáo ghét là phải. nhưng các thầy cô đâu chịu hiểu lý do dẫn tớ tới tình cảnh ấy. Bố mẹ tớ chẳng bao giờ đến gặp thầy cô cả. tớ không đi học thêm được một giờ nào cũng chính vì hoàn cảnh. Mà rồi không ai chịu hiểu, tớ cũng cóc cần!
Cậu được tự lập lại không có điều kiện để tự lập. Hơn nữa cậu không đủ nghị lực, ý chí để tự lập. Còn tớ, chẳng ai để cho tớ tự lập cả. Đúng như cậu nói, tớ được trang bị từ đầu đến chân. Đồng thời tớ bị nhồi đủ mọi thứ, như một con thú giả bị nhồi bông vậy. Người ta thấy càng nhét được nhiều càng tốt, bất cần biết cái da của nó có bị nứt chỗ nào không. Từ ăn mặc đến học hành…
Bình đáp lời An, giọng có vẻ chua chát.
°
Một buổi sáng, An cầm cái bay vốn của bố ra đầu nhà, trộn một ít xi măng, cát nhào cùng với nước, thử xây mảng tường nhỏ bằng đống gạch để ngổn ngang ngoài sân. Bỗng An nghe tiếng nước đổ tháo ra rất mạnh, rồi tiếng rên rỉ của mẹ. An chạy ngay vào nhà. Bên cạnh chiếc giường mẹ An vẫn nằm bấy lâu nay là một chậu máu. Mẹ An đang ôm bụng quằn quại. Bố không có nhà, em Trang đi học. Làm sao bây giờ? Không còn nghĩ được điều gì hơn nữa, An vội gọi bác Tung, chở xích lô ở đầu hẻm, đưa mẹ đi bệnh viện. đến nếu, An được  biết mẹ bị xuất huyết dạ dày do một khối u ẩn trong đó. Không may lại là khối u ác tính, đã đến giai đoạn cuối.
Sau đó An phải đạp xe đi xa hơn 50 kilomét mới báo được cho bố cái tin dữ ấy. Ở cái thời đại mà các phương tiện thông tin, giao tiếp sẵn và tiện biết bao nhiêu, mà An chẳng có cách nào khác là phải đạp xe như thế vì nhà An không có điện thoại. cứ chìm vào hoàn cảnh của mình, nêN cô ũng chẳng nghĩ ra là xin số điện thoại của nhà chủ chỗ bố xây dựng để nhờ khi cần thiết. Lúc xểnh ra sự cố mới nghĩ ra.
Bố An bỏ việc về ngay. Đó là lần đầu tiên An được gần bố thực sự, cũng là lần đầu tiên An được nghe những lời tâm sự cuộc đời của bố mẹ, ước nguyện của bố về hai anh em An. Người đàn ông trầm lặng, lạnh lùng và khó gần đó hoá ra lại có trái tim nhân hậu lạ lùng. Chưa bao giờ An thấy bố cười hay thể hiện tình cảm. Vậy mà lần đó, lần đầu tiên trong đời mình, An thấy hai bên mắt của bố đọng lại những giọt nước mắt…Đó là khi bố ngồi cầm tay mẹ trên giường bệnh. Cả tuần, mẹ không ăn được gì, chỉ truyền nước biển. Mặt mẹ vốn đã hốc hác lại càng hốc hác, đôi mắt nhìn đờ đẫn.
Hồi An còn nhỏ, mẹ cũng đã ốm yếu. Song đi đâu, An cũng thấy mọi người bảo mẹ An trước đây là hoa khôi của cái thị trấn này.
Bố An kể, khi chiến tranh chống Mỹ xảy ra, gia đình mẹ An cũng như bao gia đình khác phải đi sơ tán. Lúc đó mẹ An mới 8 tuổi, là ocn một nhưng mẹ sống tự lập lắm. cuộc sống tuy khó khăn về mặt vật chất nhưng mẹ An được lớn lên trong sự yêu thương và chiều chuộng của ông bà. Càng lớn mẹ An càng xinh đẹp. Người dong dỏng cao. Khuôn mặt trái xoan. Ông ngoại An là thiếu tá, sĩ quan công an nhân dân, công tác tại ty công an tỉnh. Trong một lần đi công tác, xe chở ông cùng hai cán bộ khác bị trúng bom Mỹ. Tất cả bốn người đi trên xe không ai sống sót. Bà ngoại An cũng là cán bộ hậu cần của ty Công an, âm thầm chịu đựng nỗi đau mất mát để nuôi đứa con gái vừa tốt nghiệp cấp 3. Cuối năm đó, khi mẹ An bước vào năm thứ nhất của trường Đại học Sư phạm chưa được bao lâu, giặc Mỹ điên cuồng ném bom toàn miền Bắc, hòng uy hiếp tinh thần của nhân dân ta một lần nữa. thế rồi "hoạ đơn vô chí".
Hôm đó là thứ bảy. Mẹ về thăm bà ngoại An. Đêm đến, đang ngon lành giấc ngủ, bỗng máy bay Mỹ từ đâu ầm ầm kéo tới như một lũ quỷ gầm xé không trung. Pháo sáng chăng đầy, sáng cả một góc trời. Những chiếc máy bay rà thấp ngỡ sát ngọn tre như muốn nuốt chửng cả mấy trăm ngôi nhà vô tội. tiếng rú động cơ máy bay, xen lẫn tiếng kẻng báo động, tiếng trẻ em khóc thét, gào vì sợ, vì bị lôi dậy lúc nửa đêm. Rồi tiếng bom gầm, đạn réo. Mẹ An chẳng còn nghe thấy gì nữa, chẳng biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, mẹ mới biết mình nằm trên giường bệnh ở một bệnh viện tỉnh. Một mảnh bom đã găm vào bụng mẹ. Các bác sĩ mổ gắp mảnh bom ra và đau đớn cắt mất của mẹ quả thận bên trái, cố giữ quả thận bên phải đã bị tổn thương. Mẹ hỏi thăm tình hình bà ngoại An nhưng chẳng ai nói cho mẹ biết bà ra sao, cứ bảo mẹ yên tâm điều trị. Lúc bình phục trở lại, mẹ mới nhận được tin đau đớn. Trong trận oanh tạc ấy của Mỹ, hơn bốn mươi người chết trong đó có bà ngoại của An, và khoảng trăm người bị thương. Ngôi nhà mà ông bà ngoại An chắt chiu cả đời mới có được nát tan trong cái hố bom to tướng.
Mẹ An đau buồn vô hạn. Vốn đã yếu lại càng ốm yếu hơn sau những nỗi đau tưởng như không vượt qua được. Mẹ cố gắng học xong chương trình đại học và sau khi tốt nghiệp xin về dạy ở trường cấp III huyện nhà.
Mẹ An muốn về quê dạy học bởi vì nơi đó, bên cạnh những ngôi mộ của họ hàng, có hai nấm mồ, dù bất động, cứ như hai cánh tay chìa đón, mở lòng khi cháu con mình gặp khó khăn.
Nhưng hậu quả của chiến tranh thật khôn lường. Mặc dù vết thương đã được mổ, sức khoẻ của mẹ An cứ đuối dần. rồi mẹ cũng chẳng nghĩ đến việc lập gia đình nữa, mặc dù có nhiều người tử tế đến đặt vấn đề. mẹ An đã chối từ tất cả. nhưng rồi tình yêu – điều muôn thuở trong đời sống con người – lại là điều gí đó thật khó cắt nghĩa. Tình yêu đến với mỗi người một kiểu và nó cũng ra đi với mỗi trường hợp một cách khác nhau. Chẳng tình yêu nào giống tình yêu nào cả!
Sau khi về quê dạy học, mẹ An được nhà trường phân cho một gian nhà lá trong khu tập thể. Cũng như các đồng nghiệp thời ấy, mẹ An chẳng quan tâm gì mấy đến việc mình có hay không có cái gì. Thời đó, trong vô vàn khó khăn, vất vả đời thường vẫn còn điều gì đó thật trong sáng, đẹp đẽ. Đó là cái thời mà người ta còn cảm thấy hạnh phúc trong cái cảnh "một túp lều tranh, hai trái tim vàng".
Một hôm, khu nhà lá của mẹ An bị bốc hết mái sau một cơn bão. Trường phải thuê một tốp thợ ngoài vào sửa sang giúp. Trong khi những tay thợ khác cười nói ầm ĩ, vừa làm vừa văng tục, cứ như xung quanh họ chẳng có ai, một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi nhưng trông mặt vẫn còn trẻ, cứ lặng lẽ làm. Anh ta làm không biết mệt hay sao ấy. Khi mọi người ngồi nghỉ uống nước hút thuốc, vẫn thấy anh mải miết xếp gọn đống tranh tre nát. Anh nói với các bạn đồng nghiệp của mình là hãy cố gắng làm nhanh để các thầy cô giáo chóng có chỗ ở. Tínn tình trầm lặng, ít nói nhưng chăm chỉ, cẩn thận, chu toàn, sự quan tâm tới mọi người, tới cuộc sống những người khác của anh đã chạm vào cõi lòng sâu thẳm của mẹ An.
Càng để ý, mẹ An càng thấy anh ta đúng là con người đáng kính. Cho đến ngày cuối cùng, khi tốp thợ ra về gần hết, anh ta vẫn còn ở lại dọn dẹp và xem thầy cô trong khi nhận lại các căn nhà của mình còn cần nhờ gì nữa không. Mẹ An từ từ đến gần anh ta và bảo:
Các anh thật nhiệt tình. Chúng tôi sớm có chỗ ở để ổn định công việc cũng là nhờ công của các anh đó. Nếu không vội, mời anh vào nhà uống chén nước chè.
Nghe tới đó, anh ta ngẩng lên, trước mặt anh là một cô gái thật đẹp. ngoài những nét thanh tú trên khuôn mặt, vẻ buồn thăm thẳm đọng trong đôi mắt đen láy, như muốn nói với anh điều gì đó. Đôi mắt ấy làm anh nhớ đến vẻ đẹp của Đức Mẹ. Ôi, một vẻ đẹp thánh thiện! nhưng sao cô ấy gầy quá, trông yếu quá! Có lẽ phải cần một tấm lòng chân thành, đôi bàn tay đầy yêu thương chăm sóc mới vực cho cô sức khoẻ lại được chăng? Ngẩn ngơ một lúc, anh như chợt nhớ ra:
À, cô bảo gì cơ?
À, tôi muốn nói là nếu anh có chút thời gian, tôi mời anh chén nước.
Cám ơn cô.
Vừa nói anh ta vừa bước vào nhà. Nhìn thấy đống bàn thờ, ảnh thờ, sách vở đồ đạc…chất đầy một góc, anh thấy ái ngại. Cám cảnh sức khoẻ của chủ nhà, anh rất muốn giúp nhưng cứ ngần ngại, không nói nên lời.
Mời anh xơi nước cho khỏi nguội! – mẹ An lại nói.
Một lần nữa anh ta lúng túng.
Vâng, cảm ơn cô.
Khi ra đến cửa, anh ta nói nhẹ, đủ để hai người nghe thấy:
Nếu cô không ngại, ngày mai, tôi sẽ ghé qua giúp cô dọn dẹp.
Chẳng hiểu sao mẹ An đã đồng ý. Vừa sắp dọn đồ đạc, mẹ An vừa kể cho anh ta nghe về cái chết của ông bà ngoại An, về vết thương của mình và về việc muốn ở vậy để thờ bố mẹ mình.
Nhưng rồi ở đời vẫn vậy! Cái gì phải đến cuối cùng đã đến…
Sáu tháng sau, lễ cưới được tiến hành. Nhà trường và các bạn đồng nghiệp của hai bên giúp họ tổ chức một lễ tiệc ngọt giản dị, nhưng vô cùng ấm cúng. Bên nhà nội cũng chẳng còn ai. Bố An nói, ông nội An chẳng may bị chết vì tai nạn trong khi đi rừng, còn bà nội, sau đó mấy năm, lấy chồng  xa, ông này không đồng ý cho bà mang  bố An theo cùng, vậy là  bố An được gửi vào một trại mồ côi.
Bốn năm sau, An ra đời. sau khi An ra đời, bố An nhất quyết không muốn mẹ An sinh thêm em nữa vì sức khoẻ của mẹ. nhưng sợ An buồn, không có anh có em như hoàn cảnh cô đơn của mình, mẹ làm công tác tư tưởng cho bố. chẳng hiểu mẹ to nhỏ thế nào mà đã làm cho bố xuôi lòng. Hai năm sau mẹ An sinh con gái, đặt tên là Trang. Và rồi hai lần sinh đó, mẹ An gần như không còn sức nữa, mẹ đã quỵ hẳn.
Khi An lên 10 tuổi, Trang 8 tuổi, thì mẹ An không còn sức khoẻ để đứng lớp nữa, mẹ làm đơn xin nghỉ việc. Nhà trường giải quyết cho ẹm An về hưu theo chế độ 176. Từ đó, một mình bố An vật lộn với công việc của người thợ để nuôi cả gia đình. Hai anh em An phải tự lực toàn bộ nhưng rất ngoan. Những năm học ở trường phổ thông cơ sở, trường phổ thông trung học, năm nào An cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc chí ít cũng là học sinh tiên tiến.
Bố An ngày càng trầm lặng. Có những đợt bố phải lên tận trên tỉnh để nhận và làm công trình. Năm An bước vào trường phổ thông trung học, hầu như An không mấy khi được tiếp xúc với bố. Bên cạnh là người mẹ dịu hiền, tình cảm nhưng cứ ốm đau triền miên, An lại thấy buồn chán. Lẽ ra phải thương xót mẹ, lo và chăm sóc mẹ như trước đây, nay An để mặc em gái. cứ nghĩ mình đã là người lớn, An bỏ qua những lời than vãn, dặn dò của mẹ. Đặc biệt từ ngày rớt vào nhóm của Bình, An không còn thiết tha gì đến chuyện học hành nữa. Thay vào những lời khen ngợi An trước đây, các thầy cô giáo nay chỉ còn biết ca thán, gửi giấy về gia đình An. Những điều đó làm cho mẹ An phiền muộn thêm còn bố An đâu có thời gian để gặp gỡ thầy cô giáo của An. Mà có gặp ông cũng có biết phải nói gì đâu. Cả đời ông chỉ biết có lăn lưng ra làm từ sáng đến tối, mong kiếm được tiền đem về thuốc men cho vợ và nuôi cả nhà mà thôi. tất cả tình thương yêu của ông dành cho vợ con vốn ít được thể hiện ra ngoài, nay càng nén chặt vào trong. Ông càng ít nói.
Thấy mấy đứa bạn cùng lớp không học hành gì, vẫn đỗ đạt, vẫn sướng, chúng nó muốn cái gì có nấy, An nghĩ đời thật bất công. Từ đó, An càng chán đời. Đã nhiều lần, An tự nhủ là sẽ bỏ học, sẽ đi làm thợ như bố. Đời đã dành cho An như vậy thì An cứ thế, việc gì mà học cho khổ.
°
Nhìn những giọt nước mắt đọng trong khoé mắt bố, rồi từ từ chảy trên hai gò má, An không cầm nổi lòng mình. Bố yêu thương mẹ thật sự! Cả đời bố chỉ biết lăn vào công việc nhọc nhằn để lo cho vợ con. Bố không nói nhưng tình cảm của bố mới lớn lao, đằm thắm làm sao. Sau này, cứ mỗi lần nghĩ lại, chỉ còn đọng lại trong lòng An hình ảnh đó. Bàn tay sần sùi, chai sạn, đen đúa của bố cứ nắm lấy bàn tay mảnh mai, nhỏ nhắn trắng xanh của mẹ trong giờ phút mẹ hấp hối ấy. trước đây, An đã nhầm. Thấy thái độ lạnh lùng và khô cứng của bố, rồi những năm An lớn lên hầu như hai bố con chẳng tâm tình gì. An xa dần bố và mặc cảm. An đã nghĩ rằng bố chẳng có chút tình cảm gì với mình và nếu có với mẹ và em Trang cũng chỉ là những tình cảm nhạt nhẽo mà thôi. Giờ đây,  điều có thật cứ hiện diện ra trước mặt. Ẩn trong con người có vẻ cằn cỗi đó là cả một tấm lòng dịu dàng, đầy yêu thương. Ẩn trong thân hình khô ráp đó là một trái tim nhân hậu.
Xong đám tang mẹ, ba bố con An lầm lũi trong căn nhà bé nhỏ. không khí vốn đã lặng lẽ lại càng lặng lẽ. Một buổi tối, trước khi chuẩn bị để ngày mai đi theo công trình ở xa, bố gọi an lại gần. Sau khi kể cho An nghe câu chuyện ngày xưa của bố mẹ An, bố An nói, giọng trầm buồn, từ tốn.
Lâu nay, bố không có dịp nào cảm thấy thích hợp để nói chuyện cùng con. Phần thì quá bận, phần thì thấy mẹ con chẳng nói gì về tình hình của con năm học vừa rồi nên bố cứ nghĩ mọi việc vẫn tốt đẹp như những năm học trước. Hoá ra mẹ con sợ bố buồn khi biết chuyện nên đã một mình ngậm đắng nuốt cay, một mình chăm lo con cái để bố yên tâm với công việc của mình như bao nhiêu năm nay, quyết tâm làm gì đó để giúp con nhưng bất lực vì sức mẹ đã kiệt. Nay mẹ con không còn nữa, bố thấy bố thật vô tâm, thật đáng trách. Bố rất ân hận nhưng mọi sự đã muộn mằn. Bố nghĩ rằng con đã lớn, lại là con cả trong nhà, con nên biết mình phải làm gì để cuộc đời sau này của mình đỡ khổ. Em Trang của con đã có ý thức về việc đó. Bố không nghĩ là con lại thiếu nghị lực để có thể suy nghĩ thiếu nghiêm túc về những điều con đã, đang và sẽ làm. Bố tuy nghèo nhưng bố sẽ cố gắng để cho hai anh em con ăn học, có nghề nghiệp ổn định, thành người tử tế, để vong linh mẹ con được yên bình nơi chín suối.
Bố chỉ nói được bấy nhiêu thôi nhưng những lời nói tràn đầy tình cảm yêU thương của bố đã có tác động ghê gớm, chạm vào phần xấu lâu nay đọng lại trong An. An đã bẵng đi một thời gian lơ là chăm sóc mẹ, không chịu học hành để nhận thất bại thảm hại trong kỳ thi đại học. An đã làm mẹ buồn và ốm thêm. Vậy mà bố không trách mắng gì An, bố còn nhận hết trách nhiệm về bố và tự trách mình. Bố thật cao thượng! Những lời nói của  bố giờ đây làm bừng lên trong An ngọn lửa tâm hồn mà nếu thiếu ngọn lửa đó, tất cả những gì mà An thu nhận được chỉ là vô nghĩa. Những lời nói ít ỏi, những cử chỉ giản dị, trong sáng của bố, bề ngoài thật nhẹ nhàng,đã làm rung lên sợi dây đàn ẩn giấu lâu nay trong sâu thẳm cõi lòng An. Nhờ điều đó, An đã biết trân trọng cái thiện, điều nhân nghĩa, biết hướng tới những điều lớn lao.
Từ lúc đó, An thấy mình như thành người lớn thật sự. Lời bố như vẫn văng vẳng bên tai An.
Bố đi rồi, An trở thành con người khác hẳn. An xa dần các bạn còn lại trong nhóm của Bình. An tự nhủ mình phải biết làm gì. An lao vào học ôn thi đại học. Miếng nhựa đen nhỏ ghi tang mẹ vẫn hiện diện trên ngực áo An mỗi ngày. Chưa bao giờ An thấy thương bố mẹ như lúc này. Nhất định An phải học, phải thành người tử tế. Lòng quyết tâm và sự cố gắng đó đã không phụ An. Năm đó, An thi đỗ vào trường Đại Học Bách khoa Hà Nội.