Chương 5

Sáng hôm sau, Bình cũng dậy sớm, tiếp tục công việc dở dang của ngày hôm trước, Bình đi đến Phòng Cảnh sát quận.
 
Mới sáng sớm, trời rét đậm hơn hôm trước. Lại mưa nữa . Nghĩ đến hàng người dài dằng dặc, Bình rùng mình sợ hãi. Ngại cũng phải đi chứ  biết làm sao ? Giá có bà « bô » bên cạnh chắc Bình lại chui tiếp vào chăn và dửng dưng, hờ hững với tất cả, kể cả những việc của mình cho mà xem. Phải mặc cái áo khoác dầy ngoài hai lần áo len, và mang hai đôi tất bởi xếp hàng ngoài trời với thời tiết như thế này chắc buốt lắm.
 
Mới 8 giờ sáng, Bình đã có mặt, vậy mà người đã khá đông rồi. Cứ tưởng ở một nước tân tiến như nước Pháp, mọi lĩnh vực gần như là tư nhân hóa rồi thì cần gì phải xếp hàng như ở Việt Nam cái thời bao cấp. vậy mà nhầm ! Ở đây, tại Phòng Cảnh sát, phải xếp hàng là chuyện đương nhiên vì nhiều người là người nước ngoài đến xin học, xin làm việc, là người nhập cư đến xin cư trú, người tỵ nạn đến xin được che chở… Mà số người này càng ngày càng đông. Còn vô số chỗ khác, việc khác cũng phải xếp hàng. Đó là xếp hàng để lấy chỗ ở những thư viện lớn, xếp hàng mua vé xem phim, xem kịch, xếp hàng mua sách, vở, đồ dùng học tập cho con cái nhân dịp đầu năm học ở những nơi chuyên kinh doanh về các mặt hàng đó, xếp hàng xem triển lãm … Sau khi đã mua được vé xem phim hay xem kịch lại một lần nữa xếp hàng để vào phòng chiếu phim hay rạp hát. Có những rạp hát, bán vé giá rẻ hơn nhưng không ghi chỗ ngồi trước trên vé, thành thử khán giả phải đến trước cả tiếng đồng hồ, xếp hàng để có thể có được chỗ ngồi vừa ý. Mỗi lần bị ốm đau mới thấy sợ. Nếu muốn nhanh, được khám ngay, chỉ có cách là gọi điện hẹn rồi đến các phòng khám tư nhân. Nhưng sau đó, số tiền phải trả gấp hai hoặc ba lần cho một lần khám tương tự so với các bệnh viện nhà nước. Vì vậy những người Pháp hẳn hoi, có bảo hiểm xã hội, cũng không dám đến khám ở phòng khám tư nhân nếu không phải là quá gấp gáp. Bởi cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ hoàn trả họ số tiền chi phí tương ứng với số tiền mà bệnh viện nhà nước yêu cầu. Còn nếu muốn đến khám ở một bệnh viện nhà nước có uy tín, phải gọi điện hoặc fax, hoặc viết thư. Mỗi lần như vậy, phải chờ hàng tháng là chuyện đương nhiên. Nếu là bệnh cấp cứu, đến bệnh viện nhà nước ngay được, nhưng ở đây cũng phải xếp hàng, xếp hàng không theo thứ tự đến trước, sau, mà theo thứ tự bệnh nặng, nhẹ. Ở Paris, có bệnh viện nhà nước, chuyên về mắt, có uy tín, bệnh viện 15-20 ( tiếng Pháp gọi là Hôpital Quinze - Vingts), muốn có một cuộc hẹn khám ở đó, phải chờ ít nhất là mười tháng. Đến nước Pháp, việc đóng bảo hiểm xã hội để có được bảo hiểm những lúc ốm đau, những lúc tai biến bất ngờ là rất quan trọng, có lẽ là mối quan trọng hàng đầu, bởi ở đây, tiền viện phí rất đắt, tiền thuốc men lại càng đắt. Là công dân Pháp, hay những người nước ngoài làm việc cho chính phủ Pháp, muốn được thanh toán toàn bộ chi phí khám bệnh, thuốc men, điều trị tại bệnh viện... phải đóng cho cơ quan bảo hiểm tư nhân (Mutuelle) một khoản tiền quy định hàng tháng ngoài bảo hiểm tiêu chuẩn của Hãng Bảo hiểm xã hội (Sécutité Sociale, được nhà nước quy định. Còn sinh viên tới Pháp học tự túc, phải đóng bảo hiểm theo yêu cầu của trường đại học hoặc cao đẳng.
Một lần, có một em bé mới chưa đầy tuổi, con một cán bộ của Đại sứ quán Việt  Nam tại Pháp, bị sốt cao bất ngờ trong đêm, bố mẹ em bắt buộc phải đưa em vào phòng cấp cứu của bệnh viện, bác sỹ ở đây cho em uống thuốc hạ sốt, chờ khoảng mấy giờ sau, không có diễn biến gì xấu, họ cho em về, nhưng tiền thanh toán lên đến 1000 phơ răng ( Francs ) tương đương với 2 triệu đồng tiền Việt nam, bởi em bé không có bảo hiểm.
Nói chung là đủ kiểu xếp hàng. Chỉ có điều ở Pháp, người ta tôn trọng nhau và lịch sự nên không có chuyện chen lấn hay xô đẩy. Ai ai cũng kiên trì chờ đến lượt mình. Và đặc biệt, họ không có " tiêu cực phí". Một lần cách đây khoảng vài ba năm, có một cặp vợ chồng công chức Việt Nam, mới giàu lên nhờ những vụ kinh doanh bất động sản, nhờ làm ăn phát đạt trong nghề hanég không của mình, nhân một chuyến sang Pháp, cậy có nhiều tiền, đã nhờ một giáo viên người Việt Nam làm việc tại một trường đại học của Pháp, "chạy" cho đứa con gái của mình không vượt qua được kỳ thi tuyển tiếng Pháp. Nhưng tiếc thay! Ở Pháp, làm sao có thể làm được những việc như vậy!
Cũng may, ở Phòng Cảnh sát, tuy đông người, nhưng không đông bằng số người xếp hàng và chờ ở Sở Cảnh sát, nên 9 giờ mở cửa, 9 giờ 30 phút Bình đã lọt được vào phòng trong. Tiếp tục xếp hàng. Bình tự nhủ phải bình tĩnh, phải cố gắng vận dụng tất cả những kiến thức tiếng Pháp đã được học để có thể trình bày một cách rõ ràng. Bình hình dung những câu hỏi mà nhân viên cảnh sát có thể đặt ra. Nhưng khốn thay! Tự nhiên Bình thấy đầu óc mình trống rỗng, chữ nghĩa bay đi đâu hết.
Đang lo lắng, Bình bỗng nghe tiếng gọi, mời số 69 đến bàn số 2, Bình đi ngay đến bàn số 2. Bình đưa hồ sơ cho cô nhân viên rồi lấy hết sức bình sinh để nghe, để nói. Lạ thay! Cô ấy chẳng hỏi gì cả. Cô ấy lật qua lật lại hồ sơ, giữ lại, rồi trao cho Bình một cái phiếu hẹn. Hóa ra ở Phòng Cảnh sát quận, người ta không giải quyết mà chỉ xem hồ sơ, tính chất công việc của đương sự rồi cho người ấy cái giấy ghi ngày, giờ cuộc hẹn với người ấy tại Sở Cảnh sát. Mấy năm đầu mới đến Pháp, không ai có thể đến thẳng Sở Cảnh sát mà không qua Phòng Cảnh sát.
Trước đây, Bình đã không hỏi Thái một cách kỹ càng. Giờ đây, Bình lại thấy ngại, không muốn hỏi ai cả. Chính vì vậy, sự việc xảy ra làm Bình cứ ngơ ngơ, chẳng hiểu ra sao cả. Với phiếu hẹn này. Bình phải chờ một tháng sau mới đến Sở Cảnh sát tiếp tục công việc của mình được.

*

Tối hôm đó, về đến nhà, Bình chẳng muốn ăn uống gì cả. Mới 9 giờ tối (ở Pháp, 9 giờ tối là chưa muộn, mặc dù mùa đông, trời lúc đó vẫn chưa tối hẳn), Bình đã lên giường nằm, để nguyên cả quần áo. Bỗng có tiếng gõ cửa. Chắc là người Việt thôi chứ Bình có ai bạn bè là người Pháp hay ngoại quốc đâu. Thái thì về nước rồi. Vậy ai nhỉ? Bình vừa tự hỏi, vừa ngồi dậy và nói to:
- Entrez s'il vous Plait! (Mời vào!)
- Thế nào, cậu mệt à? Tớ nghe cái Hạnh nói hôm qua và hôm nay cậu phải nghỉ học đi làm giấy tờ. Mọi việc tốt đẹp cả chứ, Bình?
Tưởng ai hóa ra Mai, Bình ở đây đã gần ba năm nhưng mới vào ký túc xá của trường từ năm tháng nay. Cùng tầng Bình ở có Mai và Hạnh. hai cô gái người Vinh, cùng tuổi với Bình. Hai bạn này ngoan, hiền và chăm chỉ học hành lắm. Nhưng không hiểu sao Bình cứ thấy ngại ngại khi tiếp xúc. Do cùng lứa tuổi mà hai bạn đã hơn hẳn Bình hai năm học đại học hay Bình không ưa những người được mệnh danh là "con mọt sách", là "dân cá gỗ". Cũng chẳng biết vì sao nữa, chỉ biết Bình mặc cảm ngay từ lần gặp đầu.
- Ừ đúng thế, nhưng tớ chưa làm được - Bình trả lời.
- Vì sao?
- Vì người đông, vì mệt. - Bình trả lời nhấm nhẳn.
- Thế bao giờ cậu lại đi giải quyết công việc tiếp?
- Một tháng nữa.
- Sao lại lâu thế? Cậu không lấy hẹn trước ở Phòng Cảnh sát quận à?
- Không. Giờ mình lấy được rồi.
- Họ hẹn cậu ngày nào?
- Ngày 15 tháng 3 tới.
- Thế cậu định thế nào? Có cần tụi mình giúp gì không?
- Cảm ơn, không cần đâu! Tớ tự lo được. Tháng tới, tớ sẽ đến Sở Cảnh sát thành phố.
  Thấy Bình có vẻ ngại nhờ vả bạn gái, Mai không hỏi thêm gì nữa.
Mai về rồi, Bình lại tiếp tục lên giường nhưng không hiểu sao lần này giấc ngủ đến với Bình khó khăn là thế. Chắc là không có vấn đề gì đối với mình đâu. Anh Thái phải về nước vì chẳng qua do anh ấy chuyển hết trường nọ sang trường kia và không năm nào có kết quả học tập cả. Còn mình thì năm nào chẳng có kết quả học tập - kết quả thi tiếng Pháp để xin vào đại học đó thôi. Mặc dù là ba năm nhưng mình chỉ có chuyển trường một lần thôi. Dù không đạt, không đủ điểm nhưng năm nào mình cũng có kết quả chứng minh. Trường hợp của mình hoàn toàn khác trường hợp của anh Thái, chắc chắn sẽ không có phiền phức gì về giấy tờ đâu. Bình cứ tự nói với mình như vậy.
Chưa bao giờ Bình ý thức một cách rõ rệt về tương lai và số phận của mình như lần này. Từ ngày Thái về, Bình thấy mình tự lập hẳn, không biết còn nhờ cậy, ỷ vào ai nữa.