KHƠI GỢI PHONG NHA

 
Đường số Một, ngã ba Hoàn Lão, có đưòng rẽ vào động Phong Nha. Cái tên “Hoàn Lão” gợi nhớ một chuyện thời kháng chiến chống Pháp. Có hai người trai huyện Bố Trạch, một ở Hoàn Lão, một ở Lộc Thôn, cùng học với nhau, cùng tham gia Việt Minh, cùng tham gia cướp chính quyền huyện hồi Cách mạng tháng Tám. Pháp trở lại chiếm đóng Quảng Bình, một người đi kháng chiến, người kia hàng giặc. Một ngày kia, chàng trai Hoàn Lão sa cơ bị giặc bắt và bị chính bạn cũ sát hại. “Trai Quảng Bình trong quán phở chiến khu / Đập bàn / Tắt đèn / Thằng Ái Lộc Thôn giết thằng Kì Hoàn Lão”, mấy câu trong bài thơ của Hữu Loan, tác giả bài “Màu tím hoa sim” nổi tiếng, viết về chuyện này. Hoàn Lão bây giờ là một thị trấn có nhiều nhà tầng, mái ngói đỏ lô nhô trên nền cây xanh. Chẳng hiểu sao ở miền Trung, xứ sở của cát khô và gió Lào, người ta lại chuộng màu đỏ gắt như vậy!
Đường vào động Phong Nha qua một cánh đồng rộng lúa vàng mơ; rồi đến một cánh đồng ngô hẹp trải dài một bên, bên kia là những vườn cây ăn quả.
Con sông nhỏ mang tên Son mà nước trong xanh sẫm màu cây núi, hai bên bờ mươn mướt nương ngô. Đường 15, con đường nối vào Nam mới mở thời chống Mỹ, vắt qua chỗ phà Xuân Sơn. Nay đường Hồ Chí Minh nương theo một phần con đường này. Dự án con đường chiến lược xuyên Việt kia xâm phạm khu vực Phong Nha bị phản đối gắt gao liệu có điều chỉnh không? Bến phà Xuân Sơn ngày ấy, đại tá H. khoe nhờ năm bao thuốc lá Điện Biên mà thoát chết tại đây. Xe ùn lại, phà chở không xuể. Xe chở H. đến sau. H bèn rứt ruột đem 5 bao thuốc biếu trưởng phà,- thuốc lá loại này hồi đó là thứ quí hiếm. Xe H được vượt lên sang sông trước, đi được chừng một ki-lô-mét thì máy bay Mĩ đến ném bom đúng chỗ bến phà. Định hỏi vui H xem ông ta khi qua đây có muốn gặp lại vong hồn những người thế mạng mình ngày ấy không, song nghĩ thấy không tiện –ông ta có thể cho là hỏi xỏ. (Tay H. này nhiều khoé “lanh trí” lắm. Một lần, tại sân Hàng Đẫy có trận đá bóng tranh giải vô địch quốc gia, vào cái thời mà thiên hạ còn nô nức mua vé vào xem. Sân đã kín chỗ, trước các cửa đóng chặt vẫn đông người cố bươn hòng lọt vào xem đứng cũng được. H. và một tay bạn nữa bèn “xoay” một giấy phép “được vào sân để theo rõi một đối tượng nghi vấn đang ngồi xem trong đó”, -cố nhiên là bịa! Lúc này mà mở cửa thì những người gác khó mà ngăn thiên hạ ùa vào. Người ta phải điều một đại đội cảnh vệ đến dàn ra canh chừng để cho hai anh chàng ung dung vào sân để... xem đá bóng!).
Bến đò đi Phong Nha nằm phía trên phà Xuân Sơn một chút. Từ bến đến cửa động chừng 5km, đi thuyền máy khoảng nửa giờ. Sông Son quãng này có chỗ sâu đến 10 mét. Bên hữu ngạn, sau bãi ngô non ven sông là rặng tre dài đứt quãng, ngồi thuyền thấy thâp thoáng đằng sau là xóm thôn thanh bình và yên phận, như tách biệt với cái không khí “thời buổi kinh tế thị trường”, và thật xa vời cái không khí cách nay gần ba mươi năm khi hơi thở chiến tranh ngày đêm rình rập từ trên trời và từ ngoài biển. Bên tả ngạn, một rẻo làng quê nép theo chân núi dọc mấy kilômet, một làng theo đạo Gia tô La mã sống bằng chài lưới dưới sông và trồng ngô, lạc trên ruộng rẫy. Nghèo của nả mà “giàu” con cái, mỗi cặp vợ chồng có mươi con là chuyện thường. Trẻ con ít được học. Trường làng chỉ có đến lớp Hai; muốn học lên phải qua sông.
Nếu đã từng đi thuyền trên suối Yến đến chùa Hương vào những ngày hội, bạn sẽ có cảm tưởng khác hẳn khi đi trên sông Son đến Phong Nha. Cũng trời, nước, núi, sông nhưng ở đây có vẻ êm ả hơn, có tiếng máy nổ của thuyền chở song chỉ vang như một thứ tiếng dội. Không có cảnh thuyền xô bồ, chen chúc, ganh nhau; không có mối lái, chèo kéo. Nước sông không bị khuấy đục.  Những người chở thuyền còn giữ được nét chất phác của người nông dân “làm dịch vụ”. Thuyền tôi đi do hai cha con chủ thuyền lèo lái. Cháu bé đã mười tuổi mà chỉ bằng trẻ lên bảy, là anh cả của một gia đình bốn con, và đang học lớp Bốn. Cháu năng nổ làm mọi sự cần thiết. Thuyền vào dến trước động phải tắt máy, cháu tự mình chèo vào sâu tới 600mét. Thuyền cập bến, cháu đứng đầu mũi thuyền, nhỏ nhoi và gầy yếu, giơ bàn tay non đỡ khách, những người có thể xách cháu lên chỉ bằng một tay. Có người né tránh sự giúp đỡ đó (Chẳng phải ai cũng nhớ nói lời cảm ơn khi khước từ!). Cũng có người để yên cho cháu dắt. Cảnh này thiệt ngộ, phải không? Song, trong hoàn cảnh kia cũng là tự nhiên thôi; đôi khi người ta cảm thấy an tâm nhờ một động thái hết sức nhỏ nhặt, vặt vãnh nữa. Cháu bé đã trải mấy mùa du lịch, không còn nhút nhát song cũng chưa dạn dĩ, thậm chí lọc lõi, ranh ma, như có thể gặp ở suối Yến chùa Hương. Cháu phải giúp cha để kiếm thêm tiền ăn học.
Đã vào mùa du lịch mà đường đến Phong Nha không thấy nườm nượp khách. Không gặp người ngoại quốc. Cũng như với các điểm du lịch khác, Hạ Long chẳng hạn, họ thường đến vào ba tháng cuối năm. Trước đây, họ phải chịu lệ phí gấp bốn lần khách nội địa. Họ thắc mắc cũng dai dẳng, mãi đến giữa năm ngoái sự phân biệt kia được bãi bỏ. Vậy là may; ở xứ ta, có biết bao ý kiến của khách du, trong nước và nước ngoài, rốt cục chỉ là mưa bay, gió thoảng. Ngẫm ra, không chỉ riêng lĩnh vực du lịch.
Nghe nói năm trước trong một cuộc họp long trọng, một quan chức cấp cao của tỉnh Quảng Bình đã nói toẹt ra rằng: Phong Nha được là Di-sản-thiên-nhiên-thế-giới phỏng có lợi chi cho tỉnh chúng tôi? Trên thế giới hẳn là rất hiếm câu hỏi loại này. Người ta bỏ công sức ra, cả công của nữa, để được Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận là một di sản của nhân loại chẳng phải chỉ vì cái danh. Thiên hạ chẳng giản đơn vậy đâu.
Từ lâu, tiếng tăm của Phong Nha đã mang tầm thế giới. Trước năm 1945, người Pháp đã biết đến. Năm 1992, tạp chí tiếng Anh có uy tín bậc nhất về thám hiểm hang động công bố các bài viết của các nhà khoa học Anh về các kết quả khảo sát của họ, động Phong Nha thực sự thu hút sự chú ý quốc tế.  Thế nhưng hàng mấy năm dài, Phong Nha cứ như bị bỏ quên. Những ai “có lòng” thì tự lo cách tìm đến. Năm 1990, “Năm du lịch Việt Nam” được trưng ra với thế giới (cũng chỉ “làm le” thôi, chứ chẳng có căn cứ gì và hầu như chẳng có sự chuẩn bị!), Phong Nha vẫn còn “ngái ngủ”. Nói cho ngay, chẳng phải người lãnh đao Quảng Bình nào cũng thờ ơ với Phong Nha. Thời chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, quân đội cho đánh mìn mở rộng cửa hang để đưa hai tàu quân sự vào ẩn, Quảng Bình đã kiện lên trên. Cũng quí Phong Nha đấy chứ. Việc đầu tư và khai thác Phong Nha xem chừng ì ạch. Dù sao thì cũng đã có ban “quản lí di tích danh thắng” mà mới đây đã đổi thành “du lịch thương mại”(!). Nơi bến thuyền đi Phong Nha nay đã có nhà đón tiếp xây tử tế, có các hàng quán,-bán đồ giải khát và đồ lưu niệm là chính. Đồ giải khát, chỉ thấy các chai bia, nước ngọt, nước khoáng; vắng hoa quả và nước quả, ngay cả những thứ sẵn có của địa phương. Đồ lưu niệm nghèo nàn, nhiều nhất là ảnh phong cảnh tại chỗ, thứ mà du khách thích tự chụp lấy hoặc nhờ chụp để có hình mình trong đó. Nói chung, chẳng thấy tận dụng sắc thái địa phương để tự quảng bá và để thu hút du khách. Quanh quất một sự làm ăn tủn mủn, chừng như nhặt đồng nào hay đồng nấy, đầu tư công của, trông xa, làm lớn mà chi!
Người dân vùng này vốn chân chất. Khu du lịch “phất lên” tất sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và dân trí. Cầu cho họ đừng “văn minh” lên theo kiểu một lớp người ở vùng chùa Hương, vùng đền bà Chúa Kho,... Hiện tại, xã có một đội thuyền gỗ 120 chiếc chở du khách đến hang. Mỗi thuyền là của riêng một nhà nông dân, hai người phụ trách, cha con, anh em làm với nhau. Phải chờ lượt “được phục vụ” theo lịch phân phối của ban quản lí. Cả mùa du lịch, mỗi thuyền kiếm được vài triệu đồng (chẳng đủ cho một bữa “xả hơi” của ai đó trong giới quan chức hoặc doanh nhân!). Người dân quê nơi đây mới đươc “hưởng” có vậy. Những người điều hành, những người bán hàng hầu hết từ nơi khác đến. Phải kể một nguồn lợi dưới sông nhờ khách du mà lên ngôi đặc sản: cá chình. Loại cá nước ngọt này ngon thật nhưng trước đây chỉ dân trong vùng biết với nhau, nay tiếng tăm lan xa ra cả nước ngoài theo miệng Việt kiều. Giá một kilô cá này là 150.000đ tại chỗ, ra tới Hà Nội đã lên tới 400.000đ! Vào hàng ăn gọi món cá chình, phải từ 100.000đ trở lên mới động dao thớt được. Nguồn cá trên sông có cơ cạn kiệt, dù có cấm đánh bắt trong các hang động. Tất nhiên thôi, nếu chỉ lo đánh bắt, có tiền ngay! Người dân đã vậy, các nhà “hoạch định” thì sao nhỉ? Có thể cơ quan du lịch phối hợp với cơ quan thủy sản nghĩ ra được cách gì chăng?
Tuy chưa đạt mức đáng ra phải tới, số người đến Phong Nha ngày càng nhiều. Năm trước đã có chừng 12 vạn lượt khách, thu gần hai tỉ đồng tiền vé.  Với ta thì đã tạm coi là được, song so với một điểm du lịch nào đó dẫu chưa ngang tầm Phong Nha, ở Thái hay ở Tàu chẳng hạn, thì con số trên khá là “khôi hài”.
Khách nước ngoài phần nhiều là “Tây balô”. Họ đến Đồng Hới rồi thuê xe đạp, xe máy “ôm”, đôi khi taxi, đến xem động rồi về ngay thị xã. Một ít người, trong đó có Việt kiều, mùa du lịch sau còn trở lại đem theo bà con, bạn bè; số đông đi là... đi luôn. Chúng ta không biết lưu khách, nói đúng hơn có lẽ là chẳng quan tâm lắm, miễn là... Chẳng phải chúng ta không biết cơ sở hạ tầng thiếu và kém, nhếch nhác, phục vụ đi lại, ăn ở và mua sắm một cách... “nản lòng khách đến, rầu lòng khách đi”. Chưa nói người bán hàng rong đeo bám, người ăn xin ám ảnh,... Người hướng dẫn và người thuyết minh thường là không được đào tạo bài bản.
Động Phong Nha như cô gái đẹp chỉ mới hé cho người ta thấy chút xíu mặt hoa của mình. Không chỉ vì hang dài hàng chục kilômet mà khách chỉ vào sâu được 600mét. Trong hang mờ tỏ. Khi mờ, khi tỏ; chỗ mờ, chỗ tỏ là cần thiết, song phải đúng lúc và đúng nơi. Ngoài trời nắng nồng, vào hang mát lạnh, thuyền nhẹ lướt trong một không gian có màu huyền ảo. Theo rõi những hình tượng nhũ đá, nương theo lời thuyết minh, du khách cảm thấy tâm hồn mình trở lại thơ trẻ phó cho thế giới cổ tích, huyền thoại. Đáng tiếc, ánh đèn pin chỉ dẫn rọi lên vách lúc nào cũng chỉ bằng hạt đậu. Đúng là có những hình đá chỉ cần rọi qua một đốm sáng rồi để cho trí tưởng tượng bay bổng. Những hình khác lại cần được chiêm ngưỡng trong vùng ánh sáng rộng phô hết vẻ rung rinh hoặc rực rỡ trước khi lại chìm vào miền tối. Có những đoạn dùng đuốc có khi lại thú vị hơn. Các cô gái, chàng trai làm công việc thuyết minh chịu khó nhưng chưa thật lành nghề, có lẽ những gì người ta “trang bị” cho chỉ đến thế.
Rời động Phong Nha cảm thấy không được hài lòng, không chỉ vì tham quan kiểu “cưỡi thuyền ngắm động”, không chỉ vì thói thường là náo nức quá thì dễ hẫng hụt ít nhiều. Thường ngày theo rõi các chương trình “quảng cáo không công” cho các khu du lịch nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, trên các đài truyền hình trong nước mà tội nghiệp cho các khu du lịch của ta. Không chịu chi hoặc chi “bèo” thì “ai giới thiệu cho!” đã đành, mà việc đầu tư công sức, tiền của để tôn tạo, khai thác hòng “mời gọi thiên hạ” cũng chỉ ở tầm “bóc ngắn cắn dài”! Thường nặng về khai thác, song lại triển khai chậm và làm kiểu cò con. Ở Quế Lâm bên Tàu, có hang động đã được dồn sức sửa sang và đưa vào sử dụng chưa đầy một năm sau khi phát hiện, đạt hiệu quả tới mức một tổng thống “cọp giấy”(!) được trân trọng mời đến thăm đã hết lời ca ngợi. Chỉ riêng động Phong Nha (nước) và động Tiên Sơn ở phía trên (còn gọi là động Phong Nha khô), đưa vào khai thác năm 1999, cùng Hang Tối dài 5,5km chỉ cách động Phong Nha chừng 500m, chưa đưa khách vào, nếu biết sử dụng và tận dụng thì đã có thể thành một điểm đỏ trên bản đồ du lịch thế giới. Nói chi vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với rừng nguyên sinh đang ẩn chứa những động thực vật quí hiếm; với Hang Vòm cạn rộng 30m dài 15km, cách động Phong Nha độ 16km, có hồ nước trong vắt và những bãi cát trắng mịn, phát hiện năm 1994, chưa đưa vào khai thác; nhất là với hang Khe Ri vừa cạn vừa có sông ngầm dài gần 19km cũng do đoàn khảo sát hoàng gia Anh mới tìm ra sau này. Cả một khu vực rộng lớn đầy tiềm năng cho du lịch cảnh quan, sinh thái, văn hóa, thể thao,..., cả cho nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên là đòi hỏi một sự đầu tư qui mô và dài hơi. Trước triển vọng đó, đi tham quan Phong Nha hiện tại chỉ như chấp chới bên lề. Vào xem, nghe giới thiệu qua loa rồi ra. Nhiều khách du, trước hết là khách quốc tế, có nhu cầu khám phá, thám hiểm, cả mạo hiểm; họ thích được leo trèo, chui luồn len lỏi, rồi thưởng ngoạn, thư giãn,... Tất nhiên cần đề phòng hiểm nguy; cần bảo vệ khách và cần cả bảo vệ di tích, cảnh quan khỏi bị xâm hại.
Phong Nha lưu lại những gì cho khách tham quan, những người chăc là đã biết không ít hang động khác? Muốn làm ăn lớn và lâu dài không thể không nghĩ tới câu hỏi loại đó. Ngoài mọi chuyện thiên hạ đã và sẽ làm, chợt nảy ra một ý tưởng có thể là táo bạo mà cũng có thể là khùng, là dở hơi. Phong Nha còn một số hang nước sẽ không đưa vào khai thác bởi ít hấp dẫn so với số hang chính. Nên chăng lập những trạm nghỉ mát “dã chiến” (trên bè, trên cọc) trong một số hang đó. Khách du có thể tránh cái nắng nồng bên ngoài hang vài ngày, hay chỉ vài giờ, mà cũng có thể hàng tuần, một lối cắm trại độc đáo hoặc một lối ẩn cư tạm lánh trần ai (nếu lại dành cho “hai trái tim vàng” thì sao nhỉ?). “Lẩn thẩn! Vớ vẩn! –có thể có người phản bác- cứ cho là giải quyết được những tiện nghi sinh hoạt và sinh sống tối thiểu rồi thì còn chuyện rác thải làm sao, nhất là chuyện vệ sinh?” Vâng! Chuyện có đơn giản đâu. Song, máy bay đường dài cả ngày trời hoặc suốt đêm dài lướt trên đầu thiên hạ, người ta có để tí bẩn nào rớt xuống ai đâu!
Sông Son không rộng nhưng sâu, nước trong. Chắc là thú vị đi tàu loại nhỏ ngắm cảnh đôi bờ. Có thể có những điểm đổ bộ để thưởng ngoạn rừng núi, hang động,..., để leo trèo vận động, để nghỉ ngơi thư dãn, -kể cả cắm trại. Bên Tàu, sông Li ở Quế Lâm, khách du chỉ ngồi trên tàu nhỏ xuôi dòng ngắm cảnh hai bên bờ, chủ yếu là núi tiếp núi, đằng đẵng gần hết ngày kể cả đi xe hơi từ bến cuối về thành phố, mà dẫn dụ được nhiều khách nước ngoài. Có lẽ nhờ cách tổ chức tuyến đường, cách quảng cáo và giới thiệu, cách dẫn khách,... Sông Son cùng với sông Troóc, một phụ lưu của sông gianh, đều cùng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nơi biên giới Việt-Lào, có lí do để hi vọng một lộ trình du lịch đường sông kì thú trong lòng thiên nhiên hoang sơ. Nữa, giá được đi trên con thuyền gỗ chống chèo bằng tay, lại được nghe hát đò đưa đối đáp, nhất là vào những đêm trăng, thì “đào nguyên” là đấy chứ đâu!