Không phải miền trung châu của một con sông lớn nào cũng là khởi điểm của một nền văn minh (sông Cửu Long ở nước ta, sông Amazone ở Nam Mỹ, sông Niger ở Phi châu chẳng hạn không có công gì với nền văn minh thời cổ của nhân loại)[1]; nhưng những nền văn minh sớm nhất của thế giới đều phát minh ở miền trung châu những con sông lớn: văn minh ở miền Mésopotamie xây dựng trên lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate; văn minh Ai Cập là “tặng vật” của con sông Nil, mà văn minh Trung Hoa cũng phát sinh trên lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang (gọi là Dương Tử Giang). Lẽ ấy dễ hiểu: nhân loại bắt đầu văn minh từ khi bỏ đời sống du mục mà chuyển qua đời sống canh nông, mà nông nghiệp chỉ phát triển được trên những cánh đồng lớn và phì nhiêu, vì vậy nền văn minh đầu tiên của nhân loại có tên là “văn minh phù sa”[2]. Vậy trước khi xét văn minh Trung Hoa – triết học cũng như văn học, nghệ thuật… - chúng ta phải nhắc đến con sông Hoàng Hà, rồi tới con sông Trường Giang. Chúng ta nhớ hai câu thơ của Lý Bạch mở đầu bài Tương tiến tửu, mạnh mẽ như thác đổ: ----Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, ----Bôn lưu đáo hải bất phục hồi?[3] Con sông Hoàng Hà đó quả là “thiên thượng lai”, vì nó bắt nguồn từ trên “nóc địa cầu” (tức miền Tây Tạng) chảy ngược lên phương Bắc rồi lại vòng xuống phương Nam, uốn khúc một lần nữa rồi đổ ra biển. Nó dài trên bốn ngàn cây số, nước chứa nhiều phù sa vàng, lòng sông hay di chuyển, và tới mùa nước lớn, nó tràn bờ, mênh mông như biển, gây nhiều tai hại cho dân Trung Hoa, nhưng cũng đã tặng cho họ một cánh đồng bát ngát, mặc dù không phì nhiêu lắm. Con sông Trường Giang cũng từ “nóc địa cầu” đổ xuống, chảy về phương Nam rồi vòng lên phương Bắc mà ra biển, sau khi vượt qua trên năm ngàn cây số. Lưu vực Hoàng Hà ngang vĩ tuyến với Hy Lạp, nhưng vì xa biển, khí hậu có phần lạnh, cát khô khan, cây cỏ thưa thớt, phong cảnh tiêu điều, sản vật hiếm hoi; đúng như lời thơ của Vương Chi Hoán đời Đường: -----Bạch nhật y sơn tận,-----Hoàng Hà nhập hải lưu.-----Dục cùng thiên lý mục,-----Cánh thướng nhất tằng lâu.[4] Vì vậy dân có óc thực tế, có chí tiến thủ, phải phấn đấu với thiên nhiên mới sinh tồn được. Lưu vực Trường Giang trái lại, khí hậu ấm áp, cây cỏ xinh tươi, phong cảnh tốt đẹp, sản vật phong phú, người ta không cần khó nhọc cũng dư sống, cho nên con người ở đây ưa mơ mộng và hiếu nhàn, thích những cảnh mây bay nước chảy: -----Bạch vân bão u thạch,-----Lục điều mị thanh liên.[5]--------------------Tạ Linh Vận Lưu vực hai con sông đó gần như nối tiếp nhau, thành thử dân tộc Trung Hoa được hưởng một cánh đồng mênh mông vào bậc nhất thế giới. MỘT DÂN TỘC Chưa ai khảo cứu được nguồn gốc của dân tộc ấy, chỉ biết rằng từ lâu lắm, cách đây có lẽ đến sáu ngàn năm, họ tới lưu vực sông Hoàng Hà, đánh được thổ dân là người Miêu mà chiếm đất. Có lẽ xưa họ vốn là du mục, bấy giờ mới định cư và chuyên về nông nghiệp. Miền học ở cách xa biển, nên họ không giỏi về hàng hải. Họ văn minh sớm, theo ông Anderson, do Marcel Granet dẫn trong La civilisation chinoise (Albin Michel) thì có lẽ ba ngàn năm trước tây lịch, họ đã biết dùng đồng đen, nhiều học giả cho rằng họ bắt đầu có chữ viết từ đời Thương (1783-1135 trước tây lịch). Ta không thể tin được những thuyết về các đời Bàn Cổ, Tam Hoàng, Hữu Sào, Toại Nhân, Phục Hi, Thần Nông; ngay những đời Ngũ Đế, Nghiêu, Thuấn cũng đều khuyết sử; nhưng ta biết chắc rằng tới đời Chu (-1134 -247) thì văn minh của họ rực rỡ: họ đã có lễ, nhạc, đã biết dệt lụa, dùng bánh xe, dùng chỉ nam châm, đã qua giai đoạn mẫu hệ[6], bộ lạc với tù trưởng mà bước vào giai đoạn phong kiến: trong nước có khoảng ngàn nước chư hầu, tự trị, đều phục tòng nhà Châu. Giai cấp thì phân biệt ra: - Quân tử, cũng gọi là “bách tính”, tức hạng quí tộc, có đất ruộng, có học, cầm quyền cai trị, cha truyền con nối. - Tiểu nhân cũng gọi là “dân”, là “thứ dân”, “lê dân” hoặc “quần lê”, tức hạng nô lệ, thời bình thì làm ruộng, làm thợ, thời chiến thì đi lính[7]. NHỮNG SỰ KIỆN LỚN TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA Đời Chu chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất đóng đô ở đất Phong, đất Cảo (Thiểm Tây bây giờ), nên gọi là Tây Chu (-1134 -770); đến đời U Vương sợ rợ Tây Nhung phải dời đô qua Lạc Dương (Hà Nam) để tránh, từ đó gọi là Đông Chu (-770 -247). Từ khi nhà Chu dời sang đông, vua suy nhược, chư hầu lộng quyền, tranh giành, đánh nhau không ngớt, dân tình vô cùng khốn khổ. Đầu nhà Chu, chư hầu đến trên một ngàn, họ thôn tính lẫn nhau, còn độ một trăm, nhưng chỉ thấy mấy nước sau này là mạnh: Tề, Sở, Tấn, Lỗ, Tống. Nhà Chu tuy suy, nhưng các nước chư hầu chưa dám bỏ, họ chỉ dẹp lẫn nhau để được làm minh chủ (gọi là Bá). Năm chư hầu kế tiếp nhau làm minh chủ, tức Ngũ Bá: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công. Khổng Tử chép lại thời hỗn loạn ấy trong cuốn Xuân Thu, người đời sau nhân đó gọi là thời đại Xuân Thu (-722 -479). Sau thời Xuân Thu, các chư hầu đánh nhau liên miên người ta gọi là thời Chiến Quốc (-479 -221). Bảy nước mạnh nhất là thất hùng: Tần, Sở, Yên, Tề, Triệu, Nguỵ, Hàn. Sau Tần diệt nhà Chu và sáu nước chư hầu kia, thống nhất Trung Hoa (lúc đó dân tộc Trung Hoa đã tràn từ lưu vực Hoàng Hà đến lưu vực Trường Giang), chấm dứt chế độ phong kiến mà mở màng cho chế độ quân chủ chuyên chế (221 Tr. T.L.). Lần đó là lần biến chuyển thứ nhất và mạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trên hai ngàn năm sau, mặc dù trải qua nhiều cuộc suy vong, bị các rợ phương Tây, phương Bắc xâm chiếm (rợ Ngũ Hồ đời Nam Bắc triều 221 -581; rợ Liêu; rợ Kim; rợ Nguyên cuối đời Tống 1234-1368; rợ Mãn Châu 1616-1911), xã hội Trung Quốc không thay đổi gì cả, mãi tới cuộc cách mạng Tân Hợi[8], lật đổ được Mãn Thanh, mới có một cuộc biến chuyển lớn nữa, hiện vẫn còn tiếp tục. Suốt trong mấy ngàn năm đó, dân tộc Trung Hoa gần như giữ được vẹn nền văn minh của họ, nhờ họ thông minh, đông đúc mà lại sống ở miền xung quanh toàn là những giống người kém xa họ về văn hóa. Những rợ đã xâm chiếm họ, tuy thắng họ về võ bị, giầy xéo non sông họ, mà rút cuộc cũng theo văn minh họ, học tiếng họ, dùng chữ họ, thờ những ông thánh của họ và lấy làm vinh hạnh được cưới con gái của họ. Họ có sức đồng hoá mãnh liệt, không dân tộc nào bằng. Tuy nhiên trong lịch sử của họ, cũng đã có hai thời kỳ họ tiếp xúc với những nền văn minh rất cao, và họ đã hăng hái học cái mới của người, sau một thời gian nghi kỵ. Lần thứ nhất, họ thâu thập văn minh Ấn Độ, trong các thế kỷ thứ VI, VII và VIII (đời Lục triều và Đường). Sự thật, đạo Phật vào Trung Quốc từ đời Tần nhưng phải đến đời Lục triều, nhân xã hội Trung Hoa gặp hồi suy loạn, tư tưởng đã cằn cỗi, văn minh Ấn Độ mới theo rợ Hồ mà xâm nhập dễ dàng, và do đó đạo Phật phát triển mạnh mẽ vô cùng (trong nước đã có tới 900 chùa). Lần thứ nhì, họ thu thập văn minh phương Tây, mà lần này cũng chậm như lần trước: từ khi họ mới tiếp xúc với tiếp xúc với phương Tây cho tới khi họ chịu ảnh hưởng mạnh của phương Tây, thời gian là bốn thế kỷ. Năm 1957, một bọn phiêu lưu Bồ Đào Nha đem tàu chiến và súng ống tới Quảng Đông đi buôn bán với họ. Rồi tới người Y Pha Nho, người Hà Lan. Gần cuối thế kỷ XVI, năm 1581, giáo sĩ Ý là Mathieu Ricci được phép giảng đạo ở Bắc Kinh, giao du với phái Đông Lâm. Cuối đời Minh, người Trung Hoa đã sửa lịch theo Âu châu, đầu đời Thanh, họ học các môn toán trắc lượng, thiên văn của Âu; nhưng phải đến cuộc cách mạng Tân Hợi, họ mới thực sự theo Âu. Cả hai lần đó, đều nổi lên phong trào dịch thuật vĩ đại. Đời Đường, Huyền Trang chở từ Ấn Độ về 657 bộ kinh rồi một mình ông 18 năm (645-663), mải miết dịch độ 73 bộ, cộng 1330 quyển. Sau ông, Nghĩa Tĩnh cũng qua Ấn Độ lấy thêm được 400 bộ kinh, nhưng dịch không được mấy. Đời Thanh, Nghiêm Phục và Lâm Thư tự lãnh nhiệm vụ dịch tác phẩm của Âu Tây, Lâm Thư chuyên dịch tiểu thuyết Nga, Pháp, Mỹ… trước sau được 93 truyện, Nghiêm Phục chuyên dịch các sách triết lý của Huxley, Spencer, Stuart Mill… Lần trước, thu thập văn minh Ấn Độ, họ phát huy được đạo Phật, sáng lập ra nhiều phái, lần này thu thập văn minh Âu Tây, họ sẽ phát huy được gì không? Chúng ta chưa thể trả lời được. Lịch sử không phải là một sự trùng diễn. Mà từ cuộc cách mạng Tân Hợi đến nay, thời gian còn ngắn quá, họ còn đương bận đuổi cho kịp phương Tây, và hiện vẫn còn giữ địa vị thụ động. Tóm lại muốn hiểu lịch sử triết học Trung Quốc, nói rộng ra là lịch sử văn hóa Trung Quốc, ta cần nhớ hai sự kiện này: - Có hai cuộc biến chuyển lớn lao: một ở cuối thời Chiến Quốc, từ phong kiến chuyển qua quân chủ chuyên chế; một ở đầu thế kỷ này[9], từ quân chủ chuyển qua dân chủ; - Có hai lần thâu nhập văn minh ngoại lại: một ở thời Lục triều và Đường, chịu ảnh hưởng của Ấn Độ; một ở cuối Thanh cho tới nay và còn kéo dài nữa, chịu ảnh hưởng của Âu Tây. CÁC THỜI ĐẠI TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRUNG HOA Những sự kiện kể trên giúp ta hiểu được sự phân chia lịch sử triết học Trung Quốc thành các thời kỳ. Phần đông các học giả đều chia theo các triều đại: - Thời đại Tiên Tần (nghĩa là trước đời Tần) gồm hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc, là thời đại phát sinh rực rỡ của triết học Trung Quốc, thời gian của “bách gia chư tử”. Học thuyết đua nhau nở. Mới đầu là Khổng giáo, Mặc giáo, Lão giáo tồi sau thêm: Danh gia, Nông gia, Âm dương gia, Pháp gia… - Đời Tần, Hán, nho học lấn át những phái khác mà chiếm địa vị quốc giáo, nhưng thế lực của Lão và Âm dương vẫn còn mạnh. Lão giáo đời Tần thiên về thuật tu tiên; Mặc gia, Pháp gia, Danh gia suy hẳn. - Đời Lục triều: Lão, Trang lại thịnh lên một lúc; thêm tính cách huyền vi, nên gọi là phong trào huyền học và đạo Phất bắt đầu có ảnh hưởng ở Trung Quốc. - Đời Đường, Phật học toàn thịnh. - Đời Tống và Minh là thời kỳ của đạo học (chữ đạo ở đây có nghĩa rộng là đạo làm người, chứ không phải chữ Đạo trong Đạo Đức kinh, hoặc trong Đạo giáo). - Đời Thanh mới bắt đầu tiếp tục đạo học đời trước, nhưng lần lần chịu ảnh hưởng của phương Tây nên trọng thực dụng và khảo cứu. Phùng Hữu Lan có sáng kiến tổng hợp lại mà chia ra làm hai thời đại chính và lấy đời các triết gia – chứ không phải đời các vua chúa – làm bông tiêu: - Thời đại Tử học, từ đời Xuân Thu cho tới đời Hán Vũ Đế (khoảng giữa thế kỷ thứ II trước tây lịch). - Thời đại Kinh học, từ Đổng Trọng Thư đến Khang Hữu Vi (khoảng đầu thế kỷ XX). Ông gọi thời trên là Tử học là vì hầu hết các chư tử (tức các triết gia) đều sáng lập ra một học thuyết, tác phẩm của họ đều thành những kinh, tịch để đời sau nghiên cứu. Thời dưới gọi là Kinh học vì các triết gia tuy đôi khi có sáng kiến, nhưng tựu trung vẫn là theo các kinh của đời trước mà phát huy thêm thôi, họ không phải là môn đồ xa của Khổng học thì cũng là của Lão học, Trang học. Ngay những nhà thiên về Phật học, cũng dựa vào kinh Phật mà bàn thêm, chứ không lập được một học thuyết nào hoàn toàn mới, khác hẳn học thuyết đời cổ. So sánh với triết học phương Tây thì thời đại Tử học tức là thời đại Thượng cổ; còn thời đại Kinh học gồm cả hai thời Trung cổ và Cận cổ. Ở châu Âu, Ki tô giáo cống hiến cho triết học một vũ trụ quan, một nhân sinh quan mới, làm thay đổi hẳn đời sống của các dân tộc; rồi từ thế kỷ thứ XVII, khoa học thực nghiệm bắt đầu có cơ sở, ảnh hưởng mỗi ngày một tăng, gần như chi phối cả vật chất lẫn tinh thần của con người; ở Trung Hoa, trái lại, từ Hán đến cuối Thanh, gần như không có một sự biến chuyển gì cả: các triều đại kế tiếp nhau thịnh rồi suy, các rợ phương Bắc và phương Tây vào chiếm đất rồi bị đồng hoá, ngay như đạo Phật cũng không gây được một cuộc cách mạng nào trong tư tưởng cả, thành thử trong hai ngàn năm, xã hội Trung Hoa như một mặt biển lặng, chỉ hơi gợn chứ không thành sóng, mà chủ trương trên kia của Phùng Hữu Lan xem ra rất có lý. Nhưng sự phân chia của họ Phùng cũng không khác sự phân chia của các học giả khác là mấy. Các nhà này chấm dứt thời kỳ thứ nhất ở đầu đời Hán (khoảng 206 trước tây lịch); Phùng kéo dài nó thêm độ nửa thế kỷ nửa, mà trong thế kỷ này triết học Trung Quốc không thay đổi, vậy thì sớm hay muộn hơn cũng không quan trọng gì cả. Như vậy ông cũng vẫn tôn trọng sự biến chuyển lớn lao ở cuối đời Chiến Quốc. Rồi trong thời đại sau ông cũng chú ý tới sự phát triển của đạo Phật ở Nam Bắc triều và Tuỳ, Đường, của đạo học ở đời Tống và Minh, và cuối cùng cũng chấm dứt thời đại thứ nhì vào cuối đời Thanh. Vậy, những sự kiện lớn lao chúng tôi đã kể trong đoạn trên quả đã quyết định sự phân chia thời đại. Chú thích:[1] Theo sự hiểu biết của chúng ta ngày nay, có thể sau này người ta sẽ đào được ở những nơi đó nhiều di tích của những nền văn minh đã mất.[2] Rồi sau có nền văn minh thương mại (từ thời La Mã cho tới thế kỷ XVIII) hiện nay là văn minh kỹ thuật.[3] Vô danh dịch:Anh chẳng thấy nước Hoàng Hà từ trên trời xuống mãi, Chảy tuôn về bể không trở lại?”. (Theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb trẻ, 1997, gọi tắt là ĐCVHSTQ, tr.313). “Vô danh” tức “Phương Sơn” (theo Hồi kí Nguyễn Hiến Lê). (Goldfish).[4] Nguyễn Hiến Lê dịch:Bạch nhật nương non lặn,Hoàng Hà nhập biển sâu.Muốn nhìn khắp ngàn dặm,Lại bước một từng lầu.(theo ĐCVHSTQ, tr.35). (Goldfish).[5] Nguyễn Hiến Lê dịch: Mây trắng ôm đá xám, Cành xanh vờn nước trong (theo ĐCVHSTQ, tr.36). (Goldfish).[6] Bằng cớ của giai đoạn này là những tên họ thời đó như Khương 姜, Cơ 姬, Diêu 姚, Tự 姒 (họ vua Hạ Vũ)… đều có chữ nữ 女.[7] Quách Mạc Nhược (Trung Quốc cổ địa xã hội nghiên cứu).[8] Năm 1911. (Goldfish).[9] Ý nói thế kỷ XX. (Goldfish).