Nhìn nền trời thăm thẳm, lấp lánh sao vàng, người phương Tây tò mò muốn biết trên những vì tinh tú đó có gì và tìm cách chinh phục không trung để đến tận nơi quan sát thế giới huyền bí, xa xăm đó; còn người phương Đông ta chỉ nghĩ tới sự bé nhỏ của thân mình, sự yếu ớt của sức mình và cảnh phù du của đời mình. Họ chinh phục Thiên nhiên thì ta khuất phục Thiên nhiên. Mọi việc từ việc nước, việc nhà, tới việc ăn, việc uống, ta đã đều cho đã có Hoá công sắp đặt trước, gắng sức chẳng những đã vô ích mà còn trái đạo Trời nữa. Họ phấn đấu, tiến thủ, còn ta uỷ mị, an phận. Nhiều khi chúng ta cũng phải nhận rằng có số phận thật. Có những việc xảy ra trong đời mà ta chưa thể giảng được và cho là tại số. Khoa học sau này có giảng được không, chưa biết. Nhưng ta biết chắc một điều là phần động chúng ta đều không rõ trước được số ta sẽ ra sao hết. Vì chính khoa tướng số cũng nhận rằng Số không phải là cái gì chắc chắn như hai với hai là bốn, rằng Số vẫn có thể dùng sức người mà sửa được. Điều đó, may cho chúng ta vì nếu biết chắc đời ta Trời bắt sao phải chịu vậy thì kiếp trần này còn có chi đáng sống không? Còn việc chi đáng làm không? Vậy số mạng, cái bí mật của Hoá công chưa hiểu được ấy, cũng chỉ như một luồng nước. Ta không biết chắc nó sẽ qua đông hay qua tây, và nếu muốn, ta vẫn có thể chống với nó. Thế thì thái độ của ta nên ra sao? Nên như cánh bèo chơi vơi trên dòng, mặc cho gió táp sóng dồi, may mà tới được một bến có hoa có lá thì càng hay, chẳng may trôi ra biển cả, chìm xuống vực sâu thì cũng đành ư? Hay như con cá tìm nơi nước trong sóng lặng mà tới, vẫy vùng giữ dòng; nước xuôi thì mau đến mà nước có ngược cũng không bị lôi cuốn vào nơi vô định? Huống hồ phương Tây có câu: “Bạn hãy tự giúp mình đi rồi Trời sẽ giúp bạn”, mà phương Đông cũng có câu: “Khuynh giả, phúc chi, tài giả, bồi chi”[1]. Ta chẳng thấy những người đang cơn bỉ, một hôm suy nghĩ phấn khởi lên, đầy lòng tự tín rồi như có thần linh mách bảo, có sức vô hình đưa đẩy, tâm hồn thay đổi hẳn, hoá ra quả quyết vui vẻ hoạt bát hơn, được lòng nhiều người hơn, thông minh hơn và đi từ thành công này đến thành công khác đấy ư? Đó chẳng phải tự mình giúp mình rồi Trời giúp ư? Cũng có khi họ thất bại một vài lần đầu, nhưng nếu họ kiên nhẫn thì trước sau gì họ cũng đạt được mục đích vì vận may không phải chỉ tới một lần trong đời người mà tới nhiều lần. Ta phải dự bị sẵn sàng rồi đợi, đừng để nó gõ cửa ta trong khi ta mê ngủ rồi than rằng nó không tới. Tóm lại, ta phải tự tạo lấy vận may. Thấy phần đông người mình thiếu tinh thần phấn đấu của phương Tây, sống lây lất, nhắm mắt đưa chân, tới đâu thì tới, cho nên chúng tôi dịch tác phẩm “Give yourself a chance”[2] của Gordon Byron để giới thiệu với các bạn một phương pháp tu thân luyện tính, một phương pháp tổ chức cuộc đời của người Âu[3]. Gordon Byron là một người Anh. Ông đã thành công rực rỡ trong nhiều ngành hoạt động, hồi nhỏ ông đầu quân rồi lên tới chức đại uý trong đội Pháo binh của Anh Hoàng. Sau ông bắt đầu học nghề bán hàng và trở nên một viên chỉ huy trong công ty ông giúp việc. Ông lại làm cho một công ty quảng cáo và lên tới địa vị giám đốc. Ông chưa từng thất bại. Trong công việc trứ tác cũng vậy, ông viết trên 12 cuốn có ích, mà cuốn có danh nhất là cuốn “Give yourself a chance” xuất bản đầu năm 1946. Đọc cuốn ấy, độc giả sẽ được ông cầm tay dắt lần lần lên bảy bực thang để đến cửa đền của thành công. Bảy bước đó là: 1. Luyện lòng tin và rèn nghị lực.2. Luyện nhân cách.3. Đắc nhân tâm.4. Luyện tập và giữ gìn thân thể.5. Khéo léo dùng tiếng mẹ đẻ.6. Luyện trí.7. Kiếm việc làm và dự bị để được thăng cấp. Toàn là những điều thực hành ngay được. Còn về kết quả thì trong sách tác giả đã đưa ra nhiều thí dụ có thật để chứng minh hiệu quả của phương pháp, nhưng chúng tôi tưởng chỉ có một quá khứ thành công của ông trong bốn ngành hoạt động khác nhau cũng đủ chứng thực nhiều rồi. Tôi biết có bạn sẽ nói: “Bảy bước thang đó có vẻ khó leo quá! Phải có nghị này, phải luyện tánh, luyện trí này…”. Cũng hơi khó thật. Nếu dễ thì ai chẳng thành công và cuốn này không cần phải viết nữa. Nhưng chúng ta thử nghĩ kỹ xem quả có khó lắm không? Để giật được bằng Tú tài hay Cử nhân – chưa xét tới những bằng cấp cao hơn – chúng ta mất bao công khó nhọc? Học luôn trong 10, 15 năm, học ngày học đêm thì chúng ta đủ nghị lực theo đuổi tới cùng mà luyện tinh thần, thân thể, tính tình mỗi ngày một giờ trong năm ba năm thì sao lại không đủ nghị lực? Mà sự thành công trong việc làm ăn của ta so với sự thành công ở nhà trường bên nào quan trọng? Tạo sao ra khỏi trường lại không chịu học nữa? Tại sao? Nền giáo dục hồi xưa trọng đức dục hơn trí dục. Nay thì trái lại. Cả hai đều thiên lệch hết. Tôi tin rằng sau này thế nào nhân loại cũng phải dung hoà cả hai, những cuốn sách như cuốn này sẽ được dùng làm sách giáo khoa trong ban Trung học[4]. Ở trường, chúng ta đã chưa được học, thì ra đời, lại càng phải học. Mà có mất công gì đâu? Mỗi ngày chỉ cần một giờ thôi! Sách có ích cho mọi hạng người. Ta đang gặp cảnh gió xuôi ư, thì sách sẽ là cánh buồm căng thẳng đẩy thuyền ta mau tới bến. Ta đương lung tung trong cảnh gió ngược ư, sách sẽ lấy cây sào chống đỡ thuyền ta cho khỏi thụt lùi, khỏi đâm vào mõm đá, để tiến lên – dù rất chậm chạp – và đợi lúc gió đổi chiều. Vì gió sẽ phải đổi chiều. Ta phải luôn luôn dự bị sẵn sàng để đón gió. Vậy chúng tôi xin Độc giả đọc kỹ cuốn này. Nếu bạn có chút nghị lực thì nó sẽ đánh dấu một khúc quẹo trong đời của bạn và biết đâu chừng, nó chẳng mang lại cho bạn một ngọn gió mới để đưa bạn đến bến mà bạn hàng mong tưởng!
°
Sau cùng, còn một điều nữa, xin thưa trước với các bạn. Khi chúng tôi cho ra cuốn Đắc nhân tâm, chúng tôi được nhiều bạn xa gần khuyến khích và khuyên nên tóm tắt lại, nhưng vẫn giữ đủ ý của tác giả, để giá sách bớt cao, nhiều người mua được. Vì vậy cuốn này đáng lẽ dịch hết (sách dày trên 300 trang), chúng tôi thu lại còn khoảng 150 trang, và trong một vài đoạn, muốn cho được rõ ràng hơn chúng tôi đã sắp đặt lại ý của tác giả. Nhưng chúng tôi vẫn giữ đủ ý chính trong sách. Riêng về chương V, tác giả chỉ cách dùng tiếng Anh cho khéo, vì tác giả là người Anh, chúng tôi theo đúng đại ý mà áp dụng vào tiếng Việt. Ngoài ra, chúng tôi không dám thay đổi chút gì hết[5].Long Xuyên, ngày 15-10-51
Chú thích:[1] Ông Khổng nói rằng: "Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi" nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. (Phan Chu Trinh, Đạo đức và Luân lý Đông Tây, http://www.icevn.org/vi/DucDuc/Dao-Duc-Va-Luan-Ly-Dong-Tay. (Goldfish).[2] Sách in trên trang 2 như thế này: “Copyrigh by Double and Company, Inc. New-Yort. Tác già Nguyễn Hiến Lê đã mua lại bản quyền phiên dịch”. (Goldfish).[3] Cuốn này là cuốn thứ ba trong loại “Tổ chức” của chúng tôi. Trong hai cuốn trước chúng tôi đã chỉ cách “Tổ chức công việc theo khoa học”, và tổ chức việc học (tức cuốn Kim chỉ nam của học sinh). Cuốn thứ tư là cuốn Tổ chức gia đình và cuốn thứ năm nhan đề là Tổ chức công việc làm ăn.[4] Trong cuốn “Tổ chức công việc theo khoa học”, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên sao một môn quan trọng như vậy mà chưa được dạy trong các trường Đại học. Chúng tôi mới hay rằng ngày 20-8-1947 cả Quốc hội Pháp đã đồng lòng thoả thuận phải dạy môn đó trong các chương trình Đại học, và lần lần sẽ dạy trong các trường Trung học và Tiểu học nữa. Nền giáo dục hiện thời của chúng ta còn phải sửa đổi nhiều.[5] Bản của Nxb Đồng Tháp – năm 1995 (về sau gọi tắt là bản Đồng Tháp), không in bài Tựa của cụ Nguyễn Hiến Lê mà thay vào đó là Lời nói đầu của nhà xuất bản. (Goldfish).