CHƯƠNG V (C)

NHỮNG LỖI THÔNG THƯỜNG
 
Làm sao kể hết những lỗi thông thường! Vậy ở đây tôi xin kể ra một vài loại thôi. Ngoài những lỗi về chánh tả và về sự sai tiếng (như mục kích lầm với mục đích, xán lạn thì nói là sáng lạng, phương tiện thì viết là phương diện…) mà trên kia tôi đã bàn tới, còn những lỗi rất thường sau này:
 
1. Nói nhiều mà ý rỗng, như:
 
“Ngày nay là một buổi chiều của hoàng hôn”.
 
2. Phải cẩn thận khi so sánh.
 
Đừng nói “một màu rực rỡ và mạnh mẽ như màu bông phù dung”. Màu đỏ của bông phù dung rực rỡ thì còn tạm được, chứ mạnh mẽ thì không.
 
3. Đừng mỗi mỗi xuống hàng như:
 
“Mỗi tháng ba kỳ,
 
“Mùng một, hai mươi, ba mươi.
 
“Có những đêm thanh vắng,
 
“Từ dưới sông đưa lên”.
 
4. Khi viết những câu dài, phải coi chừng đừng để có đầu mà cụt đuôi, như trong câu này:
 
“Ở trong tình thế hiện tại mà thợ thuyền chỉ cần sao ăn cho đủ no, mặc cho đủ ấm, khi ốm đau có thuốc uống, khi mệt nhọc được nghỉ ngơi, mà điện còn đắt, nước cũng phải mua, những vật liệu để cất nhà có khi kiếm không ra, mà không một ai chắc chắn về tương lai, chỉ sống từng ngày một”.
 
5. Tránh lối hành văn “hơi Tây”.
 
Đừng nói: “Bệnh đó gây ra bởi thiếu ăn”. Lối hành văn này tuy được nhiều người dùng, nhưng nghe vẫn chưa được êm tai. Nên nói: “Bệnh đó do thiếu ăn”.
 
Đừng viết: “Được dìu dắt bởi nhiều ông thầy giỏi”, mà viết: “Được nhiều ông thầy giỏi dìu dắt”.
 
6. Phải cẩn thận dùng tiếng “là” ở đầu câu:
 
“Là gia đình giàu sang, cô được qua Pháp học từ nhỏ”. (Một cô mà làm sao thành một gia đình được?). Chúng tôi biết ngữ pháp Việt Nam chưa được qui định, ta khó biết được thế nào là viết trúng, nhưng ta có thể bắt chước các nhà văn có tên tuổi, và ta cũng có thể viết rồi đọc lớn cho một người khác nghe xem có rõ ràng, xuôi tai không vì ít khi ta nhận được lỗi của ta lắm. Đó là cách làm thơ của Bạch Cư Dị đời Đường. Họ Bạch mỗi lần viết xong một bài thơ, đọc lên cho người vú già nghe, câu nào người đó không hiểu thì Bạch sửa lại liền. Nhờ vậy mà Bạch được đời sau suy tôn là tổ của lối thơ Bạch thoại, ngang hàng với Đào Tiềm.
 
Sau cùng, chúng tôi nhắc lại rằng văn của ta đặt theo lối văn xuôi. Ví dụ: Tôi đi săn bắn về. Việc nào trước thì nói trước, cho nên phải đặt tiếng “đi” lên trước, hai tiếng “săn bắn” ở sau và tiếng “về” sau cùng, theo thứ tự ba hành động đó. Ta không thể nói như Pháp: “Je rentre de la chasse” được.
 
Nhớ đặc điểm đó, ta tránh được nhiều lỗi ngớ ngẩn, nhiều câu “Tây” quá.