Chương 1
CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN

    
Gió về Tùng môn trang là những dòng hồi ức của người học võ, một hành giả mang tinh thần võ đạo đi vào đời. Tác giả không hề có tham vọng xem đây là một cuốn sách biện luận về  lý thuyết, hay là một tác phẩm văn học.Đây chỉ là những trang tâm bút, ghi lại những tâm tình, những kỷ niệm rời rạc -  được viết trong những thời kỳ khác nhau, nhằm gửi đến các bạn trẻ những quan niệm, nhận thức đã ảnh hưởng trên cuộc đời tác giả:Người học võ không chỉ là tập luyện thân xác và kỹ năng chiến đấu, mà người học võ chính là kẻ chọn lựa con đường hành đạo thông qua võ thuật, đó là võ đạo. Qua những trang viết, tác giả muốn giãi bày những suy tưởng chủ quan của mình về võ đạo. Với tư cách là một võ sinh đồng thời cũng là một hành giả, dùng võ thuật như là một nghiệm sinh nhằm tiến về Đạo, tức là hướng đến sự quân bình, hòa hợp giữa Thân và Tâm, và hơn nữa, tìm đến một ý nghĩa cho cuộc sống - như là mục đích tối hậu cho cuộc sống.
Và trên con đường đã chọn đó, người học võ có hai mục đích: thứ nhất là luyện tập cơ thể, tăng cường sức mạnh và kỹ năng chiến đấu ; nhưng mục đích thứ hai mới chính là nội dung của cuốn sách này, đó là việc thực hành tâm đạo của người học võ, bởi Thân và Tâm là hai khái niệm không thể tách rời. Nếu như đối với thân xác phải khổ luyện thì đối với tâm hồn cũng vậy, bởi chính đây là nguyên nhân gây ra bi kịch ( xem công án " an tâm " Huệ Khả ở phần sau ). Vì vậy sự giải thoát cho cái Tâm chính là con đường khổ luyện của người hành giả.
Đạo học phương Đông đã cống hiến rất nhiều phương pháp để đạt đến bình yên nội tâm bằng cách dứt bỏ cái ngã, dù rằng cái ngã này không hiện hữu thực sự, mà chỉ là một ảo tưởng được hình thành từ cái Tâm điên đảo. Và chính cái Tâm điên đảo đó của con người, có khả năng đặc biệt là tự quy về chính nó, dễ mở ra hướng sống ích kỷ, lầm lạc đưa mình cô lập với tha nhân, khép kín với thế giới bên ngoài. Và đõ chính là nguồn gốc của lỗi lầm, khổ đau và bi kịch.
Con đường của người học võ, cũng là con đường của người tìm đạo và người học võ cũng vừa là hành giả, nghĩa là kẻ đồng thời khổ luyện để giải thoát thân tâm, nhằm đạt đến kết quả là sự hòa hợp toàn bích giữa hồn xác, từ đó tiến đến hướng sống hòa điệu giữa ta, con người và nhiên giới. Đó là con đường dẫn đến hạnh phúc, đó là khởi điểm và tiêu điểm phải đến của người võ đạo.
Nguyễn Xuân Dũng