ùng tôi trước đây không ai thèm ăn thịt chó, không phải vì có nhiều thịt. Không ăn thịt chó vì một thành kiến, thành kiến đó sau ngày Tổng khởi nghĩa còn khá nặng nề. Người ta có thể ăn thịt rắn, thịt chuột, thịt cóc, ăn cả những gì dạ dày không cho phép, cũng chẳng ai dị nghị gì cả. Nhưng nếu ăn thịt chó thì, ôi thôi, tất cả uy tín đều tiêu tan! Người đó bị xem là đứa phàm ăn. Mọi người đều tin thịt chó là loại thịt ô uế. Thịt chó vào bụng sẽ làm mất hết cái tinh khiết của con người. Nguy hại nhất là lúc chết! Người ăn thịt cho khi chết phải xuống địa ngục, phải qua mười cửa điện Diêm Vương, phải chịu những nhục hình ghê rợn. Chỉ một lát thịt cho trôi vào bụng thì cửa ngõ chốn âm ti đã sẵn sàng chờ đón, dù lòng từ bi của Phật tổ có rộng như biển cũng không phương cứu xét. Có người thoáng nghe mùi thịt chó đã nổi nôn oẹ, cơm canh đã nuốt vào bụng đều tuôn ra hết. Những người như vậy được xem như có cốt tiên cốt Phật, sau này chết đi sẽ được lên ở cõi thần tiên vô cùng sung sướng. Làng tôi trước kia có ông Bốn Rị làm nghề bán thịt chó, ông ăn thịt chó, lại còn giết chó lấy thịt đem đi bán. Lũ chó bị ông giết biến thành ma chó quay lại báo thù. Ông Bốn sống thui thủi một mình. Mọi người tin ở ông toát ra một mùi thịt chó rất lợm. Tôi và lũ chăn trâu trong làng khi gặp ông Bốn Rị liền tránh xa ra một bên. Khi ông vừa đi qua, chúng tôi ù té bỏ chạy, vừa chạy vừa khạc nhổ: Ôi! Hôi lắm! Hôi lắm! ° ° ° Bọn chó đánh mùi ông Bốn Rị rất giỏi, ông vừa đến đầu làng, chó giữa làng đã nổi sủa. Ông đến giữa làng, cho cuối làng nổi sủa. Tiếng chó sủa dấy lên từ xóm này sang xóm khác. Chúng tru tréo, gào thét, cố khạc cho hết mật đắng vào người ông. Từ những con chó chỉ biết yêu thương, chỉ biết trả lại những gậy suýt chết bằng những cái ngoắc đuôi đầy tình nghĩa, cho đến những con chó siêng năng suốt ngày đêm để lo giữ trộm, hễ nghe tăm ông Bốn đều nhảy xổ ra sủa. Từ những chó già gầy guộc, rụng lông, giơ xương, cả rận và bọ chét cũng không thèm ở chung với chúng, cho đến những con chó tròn trĩnh, béo tốt, khi đánh hơi có ông Bốn đều nổi giận, nhảy xổ qua rào, vừa phóng vừa sủa. Những con chó sủa không đâu, những con chó biết giấu kín sự căm giận, biết nép mình trong xó bụi để cắn trộm tất cả, khi đánh hơi biết có ông Bốn Rị đều vụt chạy, sủa toáng lên như bị gậy nện vào đít. Con Mốc nhà bác Úc biết ngủ có chỗ, biết sủa có lúc, bác Úc thường nói: “Con Mốc nhà tao đã sủa thì nhất định có trộm”, khôn ngoan đến vậy, khi nghe có ông Bốn Rị cũng hoá điên, phóng cả vào cọc, ngã lăn kềnh, ra sức chạy để sủa. Con Mun nhà ông Kiểm Lài, suốt ngày sục sạo tìm kiếm, khi nghe tăm hơi ông Bốn đều vứt hết, phóng qua bờ tre gai, đuổi cho kì được ông Bốn. Con Vá nhà bà Hiến, chăm đuổi gà, không gây sự, khi có chó lớn chạy đến, nó ngoắc đuôi nằm rạp len lén bỏ đi, khi có ông Bốn bỗng hoá mãnh liệt, chân choãi về trước, đuôi kẹp vào chân sau, gào rống. Tất cả rượt đến, vây quanh ông Bốn, như muốn ngoặm cổ, xé xác ông ra mới hả dạ. Chúng nhảy tới, thụt lui, lồng lộn tru tréo làm náo động cả làng. Ai cũng lầu bầu: - Lại ông Bốn Rị bán thịt chó! Bọn trẻ con đang chăn trâu ngoài bãi cũng vụt chạy: - Lão Bốn Rị bay ơi! Mau đến coi! Tôi gọi thằng Cù Lao cùng thả trâu vụt chạy. Tất cả vừa chạy vừa nhặt đất. Chúng tôi nép vào một bụi kín. Ông Bốn từ xa tiến đến, tay cầm một roi tre, tay xách một rổ thịt chó. Ông bước thủng thỉnh, vẻ im lìm như một bóng ma. Tôi với mấy thằng mất dạy tung đất. Đất rơi ào ào. Ông thét to: - Ốí, ối! Bể đầu tao rồi, chúng bay ơi! Tôi và lũ trẻ bỏ chạy. Tôi chạy đến nép sau cây duối đứng nhìn lại. Ông Bốn vứt rổ, ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm lấy trán. Thằng Cù Lao chạy lại bên ông. Nó đang nói gì với ông. Nó cúi nhìn vào trán, vào mặt của ông, lấy tay phủi phủi. Tôi gọi to: - Cù Lao ơi! Nhưng thằng Cù Lao đã cúi xuống xách rổ thịt. Nó cùng ông Bốn đi về một phía. ° ° ° Theo sự phân công của chú Năm Mùi, tôi dạy cho bà Hiến là chính, thằng Cù Lao dạy cho ông Bốn Rị là chính, nhưng hai đứa phải giúp nhau. Ai cũng biết tôi và thằng Cù Lao sẽ đi dạy học, sẽ làm chiến sĩ diệt dốt. Chị Ba, anh Bốn gặp chúng tôi đều có lời khuyên bảo, nhất là chị Ba. Chị dạy: - Em của chị đã làm cán bộ rồi đó! Không còn là con nít nữa đâu. Từ nay đi đứng phải nghiêm trang, nói năng phải từ tốn. Chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là không làm thầy được đâu. Phải nói cho bà Hiến hiểu về chủ trương diệt dốt. Phải biết tuyên truyền giải thích, tập làm cán bộ cho quen. Nói như thế này: Kẻ không học cũng như người mù. Kẻ mù khi đi phải bị vấp ngã, có lúc rơi tõm xuống sông chết nhăn nanh! Nói đến đây, chị Ba thấy cách giải thích như vậy nghe hơi quá, chị chữa lại: - Hay nói thế này: Học một chữ đáng nghìn vàng, dù không chức phận cũng nhàn tấm thân! Chị Ba chỉ vào tôi, vẻ quan trọng: - Nhớ phải dọn dẹp nhà cửa, gánh nước nấu cơm cho bà Hiến và ông Bốn Rị nghe chưa? Đó gọi là “làm công tác quần chúng”. Còn phải biết kể chuyện thời sự để làm cho họ nhìn xa thấy rộng, nghe chưa? Phải làm cho họ không còn bị “giam hãm” như trước đây, nghe chưa? Về chuyện thời sự, chuyện ở năm châu bốn bể, anh Bốn Linh và chú Năm Mùi rất quan tâm, vì chính những chuyện đó là những “ống thiên lí xa soi nghìn dặm, mang trí khôn mở rộng cuộc đời” như lời thơ của thầy Lê Hảo đã nói. Chị Ba nhìn tôi một loạt từ đầu đến chân: - Mặt mày phải nhớ rửa cho sạch. Này cái gương đây, chị cho mượn. Mặt bị vết nhọ phải soi gương mới biết. Chị Ba hồ hởi: - Phải công tác cho giỏi để trở thành cán bộ, đứng giữa hội nghị diễn thuyết làu làu mới thiệt là thích! Tôi và thằng Cù Lao đã sẵn sàng mọi việc. Chiều bắt đầu xuống. Ráng chiều làm đỏ ối cả dòng sông Thu Bồn. Về phía tây, cây sung đầu làng như ngập trong lửa. Bãi dâu sẫm lại, nhoà dần vào bóng tối. Tôi vội đánh trâu Bĩnh về chuồng. Còn phải đến nhà bà Hiến để... giải thích và khai giảng. Chú Năm Mùi đã bảo: Phải tập giải thích cho quen. Thằng Cù Lao tối nay cũng đến gặp ông Bốn Rị. Tôi sang nhà anh Bốn Linh rủ nó cùng đi. Ra đến ngõ gặp chú Năm Mùi. Chú chắp tay chào: - Chào thầy Cục! Chào thầy Cù Lao! Hai thầy đi khai giảng phải không? Tất cả cùng cười. Tôi rẽ sang nhà bà Hiến. Bà Hiến đang ngồi kéo vải. Nghe tiếng động, bà ngước lên: - Ai đó? - Tôi đây! Tôi khệ nệ bước vào. Chị Ba đã dặn tôi đi đứng phải nghiêm trang. Trước tiên, phải tuyên truyền giải thích. Tôi định lặp lại lời chị Ba: Bà phải học cho biết chữ, vì “một chữ đáng nghìn vàng, dù không chức phận cũng nhàn tấm thân”. Nhưng chợt tôi thấy cách nói như vậy nghe đột ngột và thấy lôi thôi! Tôi nghĩ phải tìm một câu nói hay hơn. Tôi nhớ đến câu của thầy Lê Hảo: “Học hành cũng như cái ống thiên lí xa soi nghìn lối”. Nhưng câu đó chợt thấy khó hiểu. Tôi cố tìm một câu khác, nhưng loay hoay mãi không tìm ra. Một phút, rồi năm ba phút trôi qua. Tôi nhìn bà Hiến. Trước mặt tôi là một người học trò già, da bà đã bắt đầu nhăn nheo. Tôi hơi ngượng. Lạ thật! Khi đến chơi nhà bà Hiến để tán phét thì tôi ba hoa đến mấy cũng được. Đến khi có ý đồ, tôi lại ngượng ngập, nói không ra hơi. Mới hay đi làm cán bộ như anh Bốn Linh cũng không phải dễ. Bà Hiến thấy tôi cứ im lặng mãi, ngước lên hỏi: - Có việc chi đó? Đang lúc bí, tôi nói vu vơ: - Chơi thôi! Nói xong, tôi mới biết mình nói láo. Tôi không có ý trả lời như vậy. Tôi càng ngượng, cứ ngồi im, đưa mắt nhìn lên trên giàn. Bà Hiến nhìn theo lên giàn: - Có mấy trái bồ quân để trên giàn, muốn ăn cứ lấy mà ăn. Có lẽ bà Hiến tưởng tôi muốn vòi bồ quân, nhưng không dám nói nên cứ ngồi im. Tôi nghe giận, cũng không biết giận bà Hiến hay giận mình. Tôi trả lời gọn lỏn: - Không thèm ăn đâu! Bà Hiến ngạc nhiên lại ngước nhìn tôi. Bà nói khe khẽ như chỉ để mình bà nghe: - Làm lành với nhau thì hơn. Cũng bạn bè với nhau cả. Rủi có bị nện, cũng nên xí xoá! Thì ra bà Hiến tưởng tôi vừa bị bọn chăn trâu đánh đau nên vẻ mặt sa sầm. Quả thật dạo đó tôi hay vật lộn với bọn chăn trâu. Khi nổi khùng có tặng nhau những đấm đá. ° ° ° Tôi đem việc bà Hiến nói với thằng Cù Lao. Thường lúc tôi bị xẹp, nó giúp tôi lên dây cót. Nó với tôi nhất trí phải dồn tất cả những câu hay nhất của chị Ba, chú Năm Mùi để nói bà Hiến hiểu. Thằng Cù Lao sẽ theo tôi đến nhà bà Hiến để trợ lực. Chiều xuống, ếch nhái bắt đầu kêu ran. Tôi và thằng Cù Lao kéo đến bà Hiến. Vào nhà, vừa ngồi xuống, tôi đọc liền một hơi những câu đã thuộc. Cuối cùng, tôi kết luận là nhất định bà Hiến phải học, vì học một chữ đáng giá nghìn vàng... Tôi đã nói xong, nhưng nét mặt bà Hiến vẫn thản nhiên. Một nếp nhăn nhỏ nhất trên trán bà cũng không động đậy. Cái xa kéo sợi vẫn quay rè rè, sợi chỉ vẫn tòi ra từ đầu con cúi. Một chốc sau, bà Hiến đủng đỉnh nói: - Học một chữ đáng giá nghìn vàng, nếu vậy bà có đến mấy triệu bạc. Bà biết đến mấy ngàn chữ. Chợt bà dừng xa kéo sợi: - Nếu các trò không tin, bà đọc cho mà nghe. Này, thiên nghĩa là trời, địa nghĩa là đất, cử là cất, tốn là còn, tử là con, tôn là cháu, lục là sáu, tam là ba, gia là nhà, quốc là nước, tiền là trước, hậu là sau... Bà Hiến cứ đọc thao thao bất tuyệt: - Thấy chưa? Bà không chỉ biết một chữ mà biết đến ba ngàn chữ. Đó là chữ của thánh hiền, chữ của ông bà để lại. Cứ mỗi chữ đáng giá nghìn vàng tính ra bà có ba triệu đồng vàng. Thế sao không có một xu dính túi? Suốt đời cực khổ, nay cách mạng về, bà mới có cái nhà, cái xa kéo sợi. Tôi cãi lại: - Đó mới là biết chữ một, chữ nào nghĩa ấy. Thầy Lê Hảo nói: Biết chữ là phải biết đọc cả câu. Mỗi câu phải là lời lẽ của thánh hiền. Còn phải biết viết nữa. Bà Hiến cười: - Ừ, bà cũng viết được đây này. Chữ nhất là một thì ngang một ngang. Chữ nhị là hai thì ngang hai ngang. Chữ tam là ba thì ngang ba ngang. Chữ thập là mười thì ngang ngay sổ thẳng này... Bà Hiến vừa nói vừa lấy ngón tay trỏ vạch trên chiếc mủng. - Còn lời lẽ thánh hiền? - Lời lẽ thánh hiền, bà cũng học hết. Nói xong, bà Hiến nổi lên đọc ê a, giống những ông đồ ê a lúc giảng sách: “Quan quan thư cưu. Tại Hà chi châu. Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu”. Nghĩa là đức thánh ngài nói rằng: “Oà, oà! Con chim thơ cưu! Tại chưng doi sông Hà. Yểu điệu người con gái nhà lành. Người quân tử hảo cầu...” Tôi cãi lại: - Chẳng có nghĩa lí chi cả! Chim chi là chim thư cưu? Bà đi hỏi khắp thiên hạ thử có chim chi là chim thư cưu! Thục nữ nghĩa là chi? Phụ nữ mới đúng. Đó không phải là chữ nghĩa thánh hiền. Bà Hiến nhìn thẳng vào tôi: - Thế đây có phải là chữ nghĩa thánh hiền không hả? “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhơn bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” Đức thánh ngài nói rằng: “Có bạn hữu từ phương xa đến, lại không vui ôi? Người không biết mình mà mình không giận, cũng chẳng phải là kẻ quân tử ôi?” Nghĩa lí thánh hiền rành rành như đó. Trò Cù Lao từ xa ngoài biển về, trò Cục há chẳng vui sao? Bọn chăn trâu không biết trò Cục, chẳng thèm coi trọng, đã nện cho trò Cục một cục u! Nhưng trò Cục không giận. Đó chẳng phải là kẻ quân tử ôi? Tôi không ngờ bà Hiến lại giỏi chữ nghĩa thánh hiền đến vậy! Tôi đuối lí, đưa mắt nhìn thằng Cù Lao, ra hiệu để nó giúp đỡ. Thằng Cù Lao đang nhìn bà Hiến đầy vẻ thán phục. Bà Hiến tiếp tục tấn công: - Bà không chỉ thuộc sách thánh hiền mà còn thuộc cả tiếng Tây nữa. Này, nghe đây: Toa với moa gá nghĩa a-mi, tình bạn hữu đờ-puy lông-tấn, sau những buổi cô-dê dài ngắn, đã biết rằng vu-đết bông cai... Tôi kêu lên: - Tây không ra tây, ta không ra ta! Đã là chữ Tây, răng lại có chữ “gá nghĩa”, chữ “bạn hữu”, chữ “dài ngắn”? Chẳng có nghĩa lí chi cả! Bà Hiến cười: - Nghĩa lí là thế này: Mày với tao gá nghĩa bạn bè. Tình bạn hữu đã lâu rồi đó. Sau những buổi chuyện trò dài ngắn. Đã biết rằng tốt bụng với nhau... Có phải giữa trò Cục và trò Cù Lao đã gá nghĩa bạn bè, có củ khoai trái bắp đều chia nhau... - Nhưng cũng không phải tiếng Tây! Cột sống bà Hiến chợt dựng thẳng lên, giọng quả quyết: - Toàn chữ Tây, bà đây cũng không thiếu – Bà Hiến nói giòn tan: - Ma-đam vớ-nê đơ Hoà Phước. Ma-cà-bông. Moa-xi-nhan me-xừ lơ côm-mít-xe. Nghĩa là: Mụ này ở Hoà Phước đến. Đi lang thang. Tôi trình quan cẩm. Tôi và thằng Cù Lao nhìn bà Hiến, mồm há hốc. Ví thử bà Hiến đột ngột biến thành một nàng tiên, hai vai mọc cánh bay vút lên cao cũng không làm chúng tôi ngạc nhiên đến thế! Tiếng nói bà Hiến như từ xa vang lại: - Hai trò cứ mời người giỏi tiếng Tây đến đây sát hạch, coi phải đúng tiếng Tây không? Bà cười thắng trận: - Thế còn chi phải học nữa đâu! Thằng Cù Lao không chịu rút lui: - Đó mới là chữ nho và chữ Tây. Phải học chữ quốc ngữ kia. Chữ quốc ngữ bà chưa biết. - Hồi trước, ông bà mình có ai thèm học chữ quốc ngữ đó đâu! Nó có móc, có gai lòng thòng coi dễ sợ! Không như chữ nho của ông bà mình, mềm mại. Cái bút lông của mình như cái búp măng, có đâu như cây bút sắt đâm lủng bụng! Bà giảng tiếp: - Chữ quốc ngữ là chữ hồi thằng Tây đến. Ông bà ngày trước chỉ học với cây bút lông. Các trò cứ hỏi thầy Lê Hảo, có phải bà nói có chứng có cớ không? Tôi đợi thằng Cù Lao cho ra cái gì thật sắc bén, đánh gục bà Hiến bắt phải quy hàng. Nó vẫn lặng thinh, chẳng có lí lẽ gì chọi lại. Ngoài sông chợt vang lên tiếng đò gọi khách xuôi phố: “Ai xuôi đò ò...?”. Tiếng gọi đò vang vọng tràn khắp bãi dâu. Tôi nháy thằng Cù Lao, lặng lẽ rút lui. ° ° ° Tôi và thằng Cù Lao gặp chú Năm Mùi nói tất cả những việc vừa xảy ra: Nào là bà Hiến biết đến ba ngàn chữ, đọc một lèo. Nào là bà Hiến thuộc hết sách vở thánh hiền, nghĩa lí vô cùng thâm thuý. Bà còn nói tiếng Tây như bắp rang... Tôi và thằng Cù Lao càng trầm trồ bao nhiêu thì chú Năm Mùi càng phớt lờ bấy nhiêu. Chú nói: - Có chi đâu lạ! Bà Hiến ở đợ cho nhà giàu, nhà giàu rước thầy dạy chữ nho cho con cháu học. Nghe học trò ê a đọc sách, bà nhớ hết. Bà nhớ tài lắm. Trước đây bị đói bà mò ra ngoài Đà Nẵng kiếm ăn. Đi lang thang bị lính cu-lít bắt nộp thằng cò. Chúng nó nói tiếng Tây, bà cũng nhớ được. Bà nói như thế này chớ chi: “Ma-đam vớ-nê đờ Hoà Phước. Ma-cà-bông. Moa xi-nhan me-xừ lơ côm-mít-xe”. Bà chưa chịu học là vì bọn bay chưa biết cách nói. Chỉ nói thế này: - Nay mai, người ta sẽ ngăn cổng vào chợ. Người nào biết đọc chữ quốc ngữ họ mới để vào. Nói vậy là bà học ngay. Việc dễ như chơi, sao rối lên vậy? Tôi và thằng Cù Lao lại đến nhà bà Hiến. Tôi cho ra ngay câu nói của chú Năm Mùi: - Nay mai người ta ngăn chợ. Ai biết chữ quốc ngữ mới được vào chợ! Bà Hiến ngừng xa kéo sợi: - Ai nói đó? - Lệnh trên đó! Chú Năm Mùi cho biết. Ai dám nói sai. Bà cứ hỏi chú Năm coi. - Người không đọc được chữ quốc ngữ thì răng? - Thì đứng ngoài cổng rồi về thôi! Lệnh nghiêm lắm! Bà Hiến ngồi thừ ra. Môn thuốc của chú Năm đã công phạt. Tôi hỏi dò: - Bà đi chợ không? Tiếng bà Hiến nhỏ hẳn: - Đi chợ để mua đồng mắm, đồng muối... Thôi bà phải học! Tội chi không học. Kiếm vài chữ bỏ bụng cũng sướng! Tôi và thằng Cù Lao bật dậy reo lên, phóng một mạch chạy gặp chú Năm Mùi. Vừa gặp chú, tôi thét to: - Bà Hiến chịu phép rồi! Sao chú tài vậy chú? Chú Năm Mùi vẻ thản nhiên: - Tại bọn bay không biết bắt mạch. Tao bắt mạch biết bà Hiến mê đi chợ. Không một xu nhỏ cũng mò đến chợ. Bà đi chợ một vòng còn thích hơn xem hát bội. Cũng như mày mê vật lộn, thằng Cù Lao mê lội bơi, tao trước đây, tao mê hát bội. Ở đời ai cũng có cái mê cả! ° ° ° Tôi hỏi thằng Cù Lao về ông Bốn Rị. Ông có biếng học như bà Hiến không? Ông có hôi lắm không? Nhà của ông thấy có rợn không? Tôi với ông Bốn Rị ở cùng làng, tôi ở đầu xóm trên, ông ở xóm giữa. Thỉnh thoảng, tôi đi qua nhà, nhưng chưa bao giờ ghé lại. Nhà ông có bức rèm tre che trước cửa, đằng sau có bóng người thập thò. Có tiếng cốc, cốc như mõ khua và tiếng kêu ăng ẳng. Nhưng lái làm tôi rợn nhất là tiếng rú của chó bị cắt tiết. Tiếng rú vang dội, đâm thủng màn sương, át tiếng gọi đò và tiếng gàu khua ở các giếng nước. Mỗi khi tiếng rú vang lên, lũ chó trong làng nổi lên sủa rộ. Ông Bảy Hoá ngồi trước cửa chùa, đập đập cái quạt mo vào chân: - Lại một con chó hoá kiếp! Mong mày đầu thai trở lại làm người. Làm người không xong thì phải hoá kiếp trở lại làm chó! Thằng Cù Lao cho tôi biết ông Bốn chẳng có mùi hôi thối gì cả. Ông sạch sẽ như mọi người. Ở ngoài cù lao Chàm, cũng có người bán thịt chó, người đó cũng không hôi thối. Cũng chẳng nghe ai nói ăn thịt chó sẽ xuống địa ngục, sẽ bị rút lưỡi moi gan. Nhà ông Bốn không có gì rùng rợn cả, nhà rất mát mẻ, có cây bông trang, có con bướm đậu. Ông Bốn có nuôi nhiều chó, nhưng toàn là chó con. Ông xin chúng ở đâu về, nhốt sau chuồng. Chúng kêu ăng ẳng. Có con chưa biết ăn, ông phải vạch mồm tọng nước hồ vào họng. Có lúc một chó mẹ đến gào rống sau vườn đòi con. Ông xách gậy ra đuổi. Cuối cùng, chó mẹ bỏ đi nơi khác. Thằng Cù Lao còn cho biết khi ông Bốn mổ xong một con chó, ông cắt một miếng thịt ở chóp đùi đem xào. Mùi thơm bay ra ngào ngạt. Tôi kêu lên: - Ôi! Thịt chó thơm răng được? Thịt chó làm tao nôn oẹ. Thôi kể tiếp đi, rồi ông Bốn làm chi nữa? - Sau đó, ông nướng bánh tráng có rải mè, múc thịt đặt lên mâm, mời tôi ngồi lại. - Mời ai? - Mời tôi! - Ấy! Mời mày? Thế mày nói sao? - Tôi nói tôi không ăn. - Ừ, được đó! - Nhưng... ông mời mãi. Ông nói hễ tôi không ăn thì ông không học. Với lại cái mùi thịt bay thơm, tôi cầm lòng không đậu... - Làm sao? - Tôi ăn. - Ối! Trời ơi! Nguy to rồi! Mày ăn đồ ô uế rồi! Có nôn oẹ không? Vừa nói tôi vừa oẹ lên mấy cái. Thằng Cù Lao lặng thinh. Tôi lên giọng: - Ở đây đưa phàm phu mới ăn thịt chó. Đã ăn thịt chó, khi chết phải xuống địa ngục. Bọn chó đánh hơi, xông ra cắn mày chết! Thằng Cù Lao hạ thấp giọng: - Hôm kia đến nhà ông Bốn, tôi thấy chú Năm Mùi ở đó. - Chú Năm đi kiểm tra học tập. Chú có hỏi chi không? - Không hỏi chi cả. Chú đang ăn... - Ăn chi? Thằng Cù Lao nói khẽ vào tai tôi: -Ăn một đĩa nấu nhừ. Tôi giật thót: - Thiệt không? - Chú khen đĩa nhừ nấu khá! Chú còn bảo giống thịt chó thế mà mát, ăn thịt chó ngủ ngon. Tôi không ngờ chú Năm Mùi lại ăn thịt chó! Từ ngày cách mạng thành công, chú tiến bộ rất nhanh. Chú không còn mê cô đào hát bội, không hát bài chòi. Chú vừa nhận chân lãnh đạo tự vệ xã, kiêm chính trị viên tiểu đội dân quân của thôn, phụ trách đội thiếu niên. Nay lại đi ăn thịt chó! Thằng Cù Lao lấy tay che mồm, nói chỉ vừa đủ tôi nghe: - Cả ông Bảy Hoá nữa!... Tôi suýt ngã ngửa, nổi cười to. Thằng Cù Lao cũng nổi cười. Chính trước kia ông Bảy Hoá cho mình có cốt tiên cốt phật. Đã là tiên phật thì hít mùi hương hoa cũng đủ sống, không cần ăn. Nếu có ăn cũng chỉ ăn tương cà dưa muối. Ai nói đến thịt chó thì ông nôn oẹ. Tôi hỏi: - Thế ông có mắc cỡ không? - Chẳng mắc cỡ chi hết. Ông tréo chân ngồi giữa nhà, húp rất to. Ông khen ông Bốn Rị bán rẻ thịt chó. Có vậy mới đông khách, nhiều người sẽ khoẻ ra. Nay ông đã nhập bạch đầu quân, ông cũng muốn khoẻ thêm; luyện tập quân sự càng dai sức, đánh thằng giặc. Như vậy mới gọi là tu. Ông thét to: Phật là cái tâm của ta. Cái tâm ta ngay thẳng, trung thực, đó là Phật. Cái tâm ta gian nịnh xảo trá, đó là ma quỷ. Tôi coi làng mình mọi người trở nên tốt. Trộm cắp bỏ nghề, thuế chợ, thuế đò đều bãi bỏ, đâu có phải vì không ăn thịt chó, mà vì có người làm cách mạng. Tôi hỏi thêm: - Thế ông có bị nôn oẹ không? Chị Ba nghe mùi thịt chó cứ bị buồn nôn, không phải chị giả đò đâu! Thằng Cù Lao cho biết cả đội tự vệ cũng có ăn thịt chó. Thỉnh thoảng, ông Bốn Rị mang một nồi bún với thịt đem thết toàn đội ở chòm đa Lý. ° ° ° Bà Hiến có một trí nhớ rất tốt. Tôi nói gì bà nhớ nấy, nhớ rành mạch, chính xác. Không ngờ dưới lớp da nhăn nhúm lại giấu một đầu óc minh mẫn. Đầu óc của bà không phải như cái rổ lủng như bà nói. Bà nhớ giỏi bằng mười tôi, nhưng tôi cứ chê. Tôi chê bà viết tồi, đọc chậm. Khi tôi còn làm học trò, tôi thích được khen. Nhưng khi làm thầy tôi cứ thích chê. Tôi viết lia lịa một loạt chữ O bảo bà Hiến bắt chước kẻ theo. Bà méo mồm cố kẻ theo thật đúng. Tôi bắt bẻ: - Viết bằng tay, sao mồm lại méo xệch? Bà Hiến vừa viết vừa thở hổn hển. Tôi uốn nắn: - Chớ thở ào ào! Bay mất sách vở! Thở vậy nên chữ viết như gà bới. Tôi bảo gì bà cũng vâng theo. Tôi nhận rõ bà Hiến nể tôi. Bà không còn gọi tôi là thằng Cục, mà gọi là chú Cục. Trước mắt bà, tôi không còn là thằng chăn trâu bị bọn trẻ đánh u trán. Theo thầy Lê Hảo, khi làm thầy sẽ được học trò kính nể. Tôi bắt chước thầy Lê Hảo ăn nói nghiêm trang, khuyên cái này răn cái nọ. Có lúc tôi quát chơi một cái cho sướng miệng. Bà Hiến không lấy thế làm mất lòng. Bà nói trước kia các thầy phải đánh học trò bằng roi mây, có thế mới nên. Nay cách mạng lên rồi, thầy không đánh học trò, sướng quá! Tôi sực nhớ chị Ba và chú Năm Mùi dặn phải làm công tác quần chúng. Lập tức, chúng tôi vứt sách, xông vào buồng bà Hiến. Chúng tôi khênh hết những thúng đựng khoai ra ngoài, quơ hết giẻ rách vứt ra sân rồi lấy chổi quét. Tĩn còn đầy nước uống, thằng Cù Lao cũng đổ đi, quảy tĩn ra sông múc nước. Sau đó, tôi vo gạo, quơ củi, nhóm bếp. Bà Hiến van nài, tôi cũng giật lấy, giúp bà cho kỳ được. Trước nhà bà, có những tĩn sứt, chum vỡ, tôi và thằng Cù Lao khuân hết đi nơi khác lấy chỗ để trồng cây bông trang. Bà Hiến chạy ra ngăn lại, không hiểu trồng cây bông trang để làm gì. Tôi níu bà lại, bảo phải trồng cây bông trang cho đẹp mắt. Chúng tôi đảo lộn tất cả, sắp xếp mọi thứ theo ý muốn chúng tôi. Tôi giảng giải: - Cách mạng lên rồi. Nhà nào cũng phải có hòn non bộ, có dăm cây cảnh. Có cây bông trang chưa đủ, phải trồng thêm bông lài, bông lí nữa. Thằng Cù Lao quả quyết: - Không lèm nhèm nữa đâu. Bà già cũng phải đánh phấn tô môi, phải mặc áo màu, phải đi giày cao gót. Rồi đây, bà phải đi uốn tóc, phải sắm một cái ví và một chiếc dù đầm. Đi đâu phải cầm trên tay cho sang trọng. ° ° ° Tiếng đồn làng trên xã dưới ông Bốn Rị có một thằng con trai giống ông như đúc. Da nó cũng đen, người nó cũng gầy, khuôn mặt giống hệt như bố. Trước đây, gặp năm mất mùa ông Bốn phải đem đợ thằng con trai đó cho một nhà giàu ngoài Đà Nẵng. Nay làm ăn khá, ông Bốn đã chuộc nó về. Thằng nhỏ siêng năng lắm. Nó băm thịt giòn tan, nấu xào rất giỏi. Tôi biết đó là tin đồn về thằng Cù Lao. Nó giúp ông Bốn làm nhiều việc để dạy ông học. Nó còn đi bắt chó với ông. Ông Bốn kéo lê một con chó bị tròng. Thằng Cù Lao thủ một chiếc roi theo sau. Tất cả bọn chó gào rống đến sủi bọt mép quanh ông Bốn. Thằng Cù Lao không chút nao núng, phóng mắt nhìn quanh tìm đứa hung hăng nhất. Chợt chiếc roi mây bay vút. Chó bị roi kêu ăng ẳng, cúp đuôi vụt chạy. Những chó khác chạy tán loạn. Thằng Cù Lao nhặt đất ném theo, phá gãy vòng vây, giải thoát cho ông Bốn Rị. Dẹp xong lũ chó, nó đứng chống nẹ nhìn quanh. Tôi gọi to: - Cù Lao ơi! Mày đi bắt chó cho ông Bốn hả? Làm chi bậy bạ rứa? Thiên hạ cười đó! Họ đồn mày là con trai ông Bốn đó! Miệng tuy nói vậy nhưng bụng tôi nghĩ khác. Thực bụng tôi phải nói: Mày đuổi chó giỏi lắm! Tao đang phục mày đấy! Tao cũng muốn được như mày. Tôi hỏi bâng quơ: - Mày mượn đâu chiếc roi mây tốt quá? Thằng Cù Lao chìa chiếc roi: - Ông Bốn cho tui đó. Tôi nói cho có chuyện: - Roi to thì sướng hơn. - Roi nhỏ quất khỏi gãy chân. Ra oai thôi mà! Tôi hỏi: - Thế... tao xin ông Bốn một cái roi được không? - Cục xin đi. Ông Bốn ông tốt bụng lắm! Ông cho liền liền. Thằng Cù Lao nói nhỏ vào tai tôi: - Thảo ăn lắm! Hôm nào cũng đãi ổi, đãi bồ quân. Ổi và bồ quân của ông ngọt lịm! Ăn nhiều ông càng thích! - Nhưng mà tao sợ ma chó! Chúng kéo về từng đàn, ông Bốn Rị phải đặt câu thần chú mới đuổi được. - Làm chi có! - Tao đến xin ông cái roi. Rồi... đi bắt chó với mày được không? Thằng Cù Lao reo lên: - Ông thích còn phải nói! Ông bảo tui đến ở với ông, tui cứ việc đi chơi, ông làm nuôi tui cũng được. Tôi và thằng Cù Lao cùng cười. Không ngờ sự việc lại như vậy. ° ° ° Trước Tổng khởi nghĩa có ba nơi làm tôi cứ sợ. Đó là chòm đa Lý âm u, đại bản doanh của quỷ Năm Nanh có đầu tóc xoã đến đất. Đó là miếu Bà Tằm im lìm nép dưới chòm sung, nơi làm ăn của quỷ Bạch Thố. Sau cách mạng, quỷ Bạch Thố và quỷ Năm Nanh đã cuốn gói đi nơi khác. Chỉ riêng nhà ông Bốn tôi vẫn thấy bí hiểm. Tiếng băm thịt ở nhà ông nghe như tiếng mõ kêu cứu. Tiếng rú của chó bị cắt tiết nghe rùng rợn. Tuy thằng Cù Lao đã cho biết nhà ông Bốn Rị cũng như nhà chú Năm Mùi, có hai chái, tám cột. Đồ đạc cũng là giường ghế, nồi niêu, rổ rá. Mọi vật đều bình thường, chẳng có gì ghê rợn cả. Tôi biết vậy, nhưng khi đến trước nhà ông Bốn tự nhiên tôi dừng lại. Tôi vừa sực nhớ trước đây tôi với mấy đứa mất dạy đã ném đất vào đầu ông. Nay gặp tôi ông lại chẳng trả thù, nện cho tôi một trận. Nghĩ đến đây tôi chỉ dám nhìn qua hàng rào. Ông Bốn tay cầm con dao phay, đứng trong nhà trông quá dữ tợn. Tôi định rút lui. Nhưng nhớ lại việc chú Năm Mùi bắt buộc tôi phải đến giúp thằng Cù Lao dạy cho ông Bốn học, tôi phải dừng lại. Đợi ông Bốn đi khuất vào bếp, tôi nhón chân gọi khẽ: - Cù Lao ơi! Cù Lao ơi! Thằng Cù Lao như biết tôi đang lảng vảng ngoài rào, chạy ra gọi: - Ông Bốn đợi Cục đó! - Đợi để chi? - Để dạy ông học. Ông thích lắm! Tôi hơi vững dạ rón rén bước vào. Ông Bốn đang ngồi lóc thịt. Vừa thấy tôi, ông vung con dao sáng quắc, nhưng ông lại cười: - Chú Cục đó hả? Hay lắm! Rõ ràng ông Bốn đã làm tôi yên tâm. Ông đứng lên đi đẩy lửa. Ông vừa lóc thịt vừa đun lửa trong bếp. Đó không phải là một cái bếp bình thường như thằng Cù Lao nói, mà là một cái bếp bất thường. Bếp có đến ba bộ ông táo. Tất cả đang cong lưng đội một cái chảo và hai cái nồi to bự. Ngoài ra, còn có ba bộ ông táo khác sắp thành một hàng sẵn sàng nhận việc. Tất cả chảo nồi đều sôi sùng sục và toả khói thơm. Quanh bếp còn úp không biết bao nhiêu nồi đất, đủ loại to nhỏ. Thằng Cù Lao ở trần, xắn quần đến tận bẹn, chạy rút con dao phay, lật chiếc thớt, bê một đùi thịt chó đặt lên thớt, chặt lia lịa. Nó tỏ ra thông thạo như đã lâu năm làm nghề băm thịt. Tôi bật cười. Nó cười theo rồi băm càng nhanh, càng chính xác. Tôi nhìn vào nhà trên. Ở Hoà Phước, nhà trên thường nhìn ra ngõ. Đằng này, nhà trên của ông Bốn lại xây lưng ra ngõ, mặt úp vào vườn. Sau vườn, ông Bốn trồng cây chanh, cây ổi, cây bồ quân có bóng râm mát. Lại có khóm bông trang, có hoa nở, có bướm bay chấp chới. Quanh nhà sạch bóng. Nhà bếp nhiều khói, ồn ào. Nhà trên tĩnh mịch. Nắng trưa nằm ngủ trên giàn thiên lí. Tiếng thái thịt vào đến hiên bỗng lu mờ. Ông Bốn cũng thờ tiên thờ phật. Bốn bức tranh treo trên vách vẽ bốn ông tiên. Một ông râu dài mắt xếch đầy vẻ ung dung cưỡi một con hạc đang sải cánh trên rừng tùng. Một ông bụng to đang nghểnh cổ trút nậm rượu vào mồm, đầy vẻ khoan khoái. Ông thứ ba râu rậm cưỡi con ngựa trắng khoan thai đi vào rừng mai nở rộ. Ông thứ tư râu tóc bạc phơ phóng cần câu trầm ngâm câu cá. Bên trên bàn thờ, ở chỗ cao nhất đặt một cái khám. Trong khám có đức Quan âm ngồi trên toà sen, mười ngón tay chắp vào nhau đang tụng niệm. Tôi cứ nhìn nhìn. Có tiếng thằng Cù Lao gọi: - Cục ơi! Tôi bước xuống nhà bếp. Ông Bốn đang xào thịt. Ông múc một đĩa đặt lên bàn. Và rất lạ, tôi nghe mùi thịt chó thơm thơm. Ông lấy bánh đa có rải vừng đem nướng. Ông hốt một đĩa rau thơm, gọi tôi và thằng Cù Lao: - Ngồi lại đây các chú! Tôi trả lời tôi không ăn. Ông Bốn lại mời. Tuy bụng đói meo, nhưng nhớ lời chị Ba dặn, tôi lắc đầu: - Mới ăn no quá, không ăn được nữa! Thằng Cù Lao cãi lại: - Ăn từ mai sớm, no quá sao được? Ông Bốn năn nỉ: - Không ăn nhiều thì ăn một miếng cho bác vui bụng. Thằng Cù Lao hoạ theo: - Phải rồi. Không ăn, ông Bốn không học đâu! Thằng Cù Lao vừa nói vừa kéo tôi vào bàn. Tôi định bụng chỉ ăn một miếng bánh đa. Thằng Cù Lao chỉ vào chiếc nồi đang sôi trên bếp. - Nồi nhừ nấu cho đội tự vệ kia. Ban chỉ huy ăn được thịt chó, Cục ăn thử một miếng coi. Thằng Cù Lao vừa nói vừa gắp một miếng xào gì đó ngay trước lỗ mũi tôi. Rõ ràng một mùi thơm của thịt của hành xông lên. Ông Bốn gắp một miếng xào, bẻ đôi miếng bánh đa kẹp lại giúi vào tay tôi: - Không ăn thì bác giận lắm! Nể quá, tôi cầm kẹp bánh cắn một miếng. Thịt chó xào nghe thơm chẳng khác gì thịt lợn. Tôi nhai vài cái, thịt với bánh đa rơi vào bụng. Tôi tưởng thịt chó đã trèo lên cổ lộn ra, nhưng nó vẫn nằm yên trong bụng. ° ° ° Thầy Lê Hảo thường nói: Dạy không nghiêm, đó là thầy dở. Đối với bà Hiến tôi phải thật nghiêm. Tôi cố tránh hỏi bà chuyện vu vơ hoặc tán phét. Tôi vạch một vòng tròn lên giấy rồi đọc cho bà nghe, o...o... - Đây là chữ o, như quả trứng gà, thấy chưa? Nhớ chưa? Bà Hiến liền nói theo: - O, o, như con gà trống, nó gáy o o. Gà gáy o, o! Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng! Tôi dạy thêm: - Phải ngó cho kỹ, chữ o thêm một cái mũ đội lên đầu đó là chữ ô. Bà Hiến liền đọc: - Ô rô gai góc, nó móc ruột gan, đói rách giàu sang, ô rô móc tuốt. - Nói gai ô rô làm chi? Xem này. Chữ o mang thêm một cái râu thành chữ ơ. - Còn phải kẻ mày kẻ mặt đội mũ mang râu. Còn phải đôi hia... Bà Hiến vừa nhớ đến hát tuồng. Trước khi ra sân khấu, kép hát phải kẻ mặt, mang râu, đội mũ. Tôi xẵng giọng: - Kệ họ! Đào kép muốn làm trời cũng được. Đó là chuyện của họ. Còn ta là phải ngó kỹ. Đây là chữ t, thấy chưa? Nay ghép chữ t với chữ o, là to. - To! Nói nhỏ nói to, không bằng nện cho cái đấm. Tôi định bảo im. Nhưng cách nói bắt vần của bà nghe cũng vui vui. - Ngó cho kỹ này! T ghép với ô thành tô này. Bà Hiến nói ngay: - Tô son điểm phấn, đánh lấn ngãi thơm. Tôi tiếp: - Chữ t ghép với chữ ơ là tơ. Bà Hiến đọc liền theo: - Rối tơ rối chỉ gỡ xong. Rối đầu có lược, rối tấm lòng khó phân. Tơ tưởng, tưởng tơ, nằm mơ là thấy bạn! Tôi chỉ cho bà Hiến đọc chữ m. Bà liền cho ra: - Chằng lờ mờ, giấy tờ minh bạch. Đến chữ n, bà nói họa theo: - Chi rứa bạn nờ? Trăng đã mờ, sông đã cạn! Cứ như vậy, học mỗi chữ bà đọc một câu. Nếu bảo bà đọc thêm bà cũng có thể đọc. Tôi và thằng Cù Lao dần dần hoá thích. Gặp những câu vui, tôi bảo bà cứ đọc tiếp. Bà thuộc hàng chục bài vè, đủ loại vè: vè con cuốc, vè các thứ hoa, thứ quả, thứ cá, thứ chim, vè nói láo, vè hát bội, vè thằng nhác, vè cúp tóc, vè xin sưu, vè đám ma... Mỗi khi học xong, tôi và thằng Cù Lao bắt bà hát một bài cho vui. Bà Hiến hỏi: - Bài chi? - Bài hố hụi hay một bài vè, vè thằng Lía hay vè Thông Tằm cũng được. Tôi và thằng Cù Lao rất mê vè thằng Lía. Thằng Lía nhà nghèo mồ côi cha, rất yêu mẹ. Không ai thuê làm, Lía phải đi xin ăn để nuôi mẹ. Lía bắt trộm vịt về cho mẹ ăn để mẹ khỏi đói. Sau Lía vào rừng tụ tập lâu la, chống lại vua quan. Tôi thích những đoạn tả Lía bị chó đuổi phải rúc bụi. Lía bắt chước con cá lóc tập nhảy, tập mãi nhảy phóc qua được nhà cao. Lúc bị bao vây nhờ nhảy qua được mái nhà, đã thoát chết. Ai hỏi vì sao bà Hiến nhớ nhiều như vậy, bà nói: Nhớ nhiều vì đói. Khi đói, chữ nghĩa vào bụng không bị cơm canh lấp mất, chữ nào còn nguyên chữ ấy.