ội nghiệp. Chính thầy Phong đã lấy chiếc Peugeot đưa tôi và Phương Thảo về. Bữa tiệc tan như một đàn ong vỡ tổ, mỗi người góp một lời bàn cũng đủ khiến cho cả phòng náo loạn. Tâm và tôi khiêng Phương Thảo xuống cầu thang trong khi những người khác muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng lính qua lính quýnh không biết phải làm gì, phải đứng đâu. Người Phương Thảo mềm nhũn, mắt nhắm nghiền, cái đầu hết ngoẹo sang bên tay phải, lại buông thõng sang bên kia. Tiệc cưới dưới lầu cũng bị ảnh hưởng, làm bà con hai họ buông đũa xô nhau ra cửa nhìn chúng tôi. May quá, thầy Phong đã lái xe sát vào mái hiên. Cửa xe mở sẵn. Tôi vào trước, cố vực Phương Thảo cho nàng nằm dài trên băng sau, đầu ke vào vế tôi. Tâm cẩn thận vén vạt áo dài của nàng lên trước khi đóng cửa. xe vừa nổ máy, cô Liên đã hớt hải chạy xuống, đem theo đôi giày và cái bóp da Phương Thảo bỏ lại. Hồn tôi rối quá, bay ra tận đâu đâu. Tâm cảm ơn thay tôi, rồi ra ngồi đằng trước với thầy Phong. Từ Thuận Ký về nhà, thầy lái xe thật nhanh. Chung tôi cùng im lặng, mỗi người theo ý nghĩ riêng. Tôi vừa lo âu vừa thất vọng. Tại sao thế này? Tại sao thế hở Phương Thảo? Tôi cúi xuống nhìn nét mặt nàng. Mảng tóc phía trước dán dính vào trán mồ hôi. Mắt Phương Thảo vẫn nhắm, đầu lắc lư. Hình như nàng có ú ớ điều gì. Tiếng động cơ nổ dòn, tiếng hơi lớn vì ống thoát hơi vỡ nên tôi không dám chắc nàng nói thế nào. Nàng lại ú ớ lần nữa, lần này Phương Thảo đưa cả hai tay lên chới với, như cố bám víu, cố vươn tới một cái gì chập chờn trước mặt. Chắc chắn Phương Thảo đang nói gì đó rồi, vì bàn tay nàng nắm lại, dằn mạnh vào không khí, như lối người ta làm điệu bộ lúc thuyết trình hoặc hô hào cổ động. Tôi nhìn đôi bàn tay Phương Thảo, hồi hộp theo dõi từng cử động nhỏ của chúng như lo lắng theo dõi số mệnh của chính đời tôi. Phương Thảo thôi ú ớ, tay bỏ xuôi xuống nệm một cách bất lực mệt mỏi, rồi lại đưa lên ôm mặt khóc nức nở. Tôi sốt ruột quá, cầu cứu thầy Phong: - Sao thế này thầy? Làm thế nào bây giờ? Thầy Phong không dám quay lại, mắt cứ nhìn thẳng ra trước đường đêm. Tôi hoảng hốt nhắc lại câu hỏi, giọng đã vỡ đi. Thầy trầm tĩnh nói: - Uyên cứ bình tĩnh đi. Không việc gì đâu. Ở nhà có thuốc khỏe hay thuốc ngủ không? - Dạ có. Cả loại uống lẫn loại tiêm. - Thế thì được. Tôi định ghé lại nhà lấy ít thuốc, nhưng đằng đó cũng có sẵn rồi thì thôi. Tôi đưa Phương Thảo về nhà, Uyên chịu khó theo dõi săn sóc đêm nay. Mai tôi trở lại xem thử thế nào. - Có việc gì không thầy? - Anh mất bình tĩnh rồi Uyên. Chính anh theo dõi bệnh trạng Phương Thảo còn kỹ hơn cả tôi nữa mà. Mai chúng mình sẽ bàn lại. Nếu cần, ta xét lại, từ bước đầu. Về đến nhà, me tôi đã đi ngủ. Tôi phải đập cửa hai ba lần, mới có tiếng dép lê phía trong và ánh đèn bật tỏ. Thầy Phong và Tâm đã tìm cách đưa Phương Thảo ra khỏi xe, và đang khiêng nàng vào chiếc cổng hẹp. Nếu không có ánh sáng phát ra từ bóng đèn nhỏ trong chiếc peugoet cũ của thầy, có lẽ hai người đã vấp nhiều lần lên các tảng đá đặt đâu đó trên sân. Khu vườn của chúng tôi hơi thấp, nước mưa từ các nền nhà cao quanh đấy đổ dồn về đây trước khi rút ra con mương nhỏ phía nam. Chúng tôi phải xếp đá thành hàng để bước chân lên khỏi phải cởi giày hay vây bùn lên gấu quần. Me tôi mở cửa, và khi thấy thầy Phong và Tâm đem Phương Thảo vào dưới hiên, bà không cầm nổi lòng hoảng hốt: - Trời ơi, con tôi. Sao Thảo thế hả con. Có sao không con? Tôi nắm tay me tôi lại, cô gắng lấy giọng thật bình tĩnh để trấn an bà: - Không việc gì đâu me. Phương Thảo không chịu nổi đám đông ồn ào, nên mệt mỏi một chút... Me tôi đi theo Phương Thảo, lưỡi líu lại không nói được gì, cũng không cần nghe xem tôi nói gì, vì nét mặt xanh ngắt đôi mắt nhắm nghiền và dáng người mềm nhũn của Phương Thảo đã cho me tôi biết hết cả sự thực. Me tôi xếp dọn giường của Phương Thảo nằm, rồi ngồi bệch xuống nền nhà lay gọi: - Con. Thảo con. Có nghe me gọi không? Thảo. Me đây này. Trời. Sao nó nhắm mắt như chết vậy Uyên? Thầy Phong đập nhẹ vào vai tôi, thầm bảo tôi ra trước cho thầy dặn điều gì. Thầy bảo: - Bây giờ tôi với anh Tâm phải về. Gắng khuyên lơn bà cụ, xin bà cụ để yên tĩnh cho cô ấy nghỉ. Anh chích cho cô ấy một mũi thuốc khỏe và một mũi thuốc ngủ. Mai khoảng chín giờ tôi trở lại. Tôi không đưa thầy và Tâm ra cửa vì không nỡ xa Phương Thảo. Tôi đóng cửa lại cho gió lạnh khỏi lọt vào căn phòng vốn đã lạnh lẽo u tối. Ngoài ngõ có tiếng xe đề máy và rú lớn để chạy đi. Vừa định xuống bếp lấy nước nóng lau mặt cho Phương Thảo, tôi giật mình vì có ai gọi cửa. Tâm đem trả đôi giày và cái xắc bỏ quên trên xe. Tâm về rồi, chỉ còn có hai mẹ con thấp thỏm, khắc khoải bên giường Phương Thảo. Me tôi cứ hỏi luôn miệng: - Có việc gì không con? Sao con bảo nó khỏi hẳn rồi? Ngay lúc đó, Phương Thảo oằn người như con rắn bị dẫm phải đầu, hai tay nàng ôm lấy thái dương giống y cách tự vệ của những đứa bé yếu đuối vô vọng khi bị cha mẹ giận dữ quất bừa ngọn roi lên mình mẩy tay chân. Thấy thế me tôi nói: - Con coi kìa. Nó cứ ôm lấy đầu như sợ ai đánh ai đập. Y như lúc nhỏ. Tôi kinh ngạc hỏi: - Me nói lúc trước Thảo nó chỉ che mặt khi có người lạ, chứ đâu có ôm đầu? - Không. Lúc mới về, nó cứ ôm lấy đầu, tuy không thấy nó kêu đau nhức gì ở đấy cả. Bình thường thì không sao. Nhưng bất chợt ai hù ai la nó giật mình, là hai tay lại ôm lấy đầu. Me tôi định nói gì thêm nữa, nhưng thấy Phương Thảo oằn người vật vã đau đớn im lặng theo dõi cử chỉ của nàng. Phương Thảo thả tay khỏi hai thái dương, nhưng lại đưa ra xua trước mặt, miệng không ngớt van xin: - Tôi van các người. Xin tha cho tôi. Cho tôi ra khỏi đây. Không thì tôi thét lên. Tại sao giam tôi mãi ở đây. Các người vuốt tóc, vuốt má, miệng than: tội nghiệp con bé, con nhà ai không biết. Đi đi, không thèm. Đi khỏi đây. Đi hết. Mặc kệ người ta. Phương Thảo muốn chống tay đứng dậy, nhưng vì yếu quá nên lại rơi xuống nệm. Mắt Phương Thảo mở lớn, nhưng có vẻ lờ đờ. Đột nhiên nàng quay lại nhìn về phía tôi. Tôi vui mừng hỏi: - Thảo, có nhận ra anh không Thảo? Em đã khỏe chưa? Phương Thảo vẫn nhìn tôi, và ánh mắt ấy càng ngày càng tăng độ hoảng hốt, để cuối cùng trở thành khủng khiếp. Thảo đưa tay che mặt. Lại bao nhiêu triệu chứng cũ. Vẫn những câu nói, những cử chỉ cũ. Tôi đã ghi nhận cẩn thận tất cả những câu nói mê loại này cảu Phương Thảo. Những câu đó thấp thoáng, lượn lờ, nay một ít, mai một ít, mô tả lại một kỷ niệm chua xót nào đó của Phương Thảo: một viện mồ côi, những cử chỉ lời nói vồn vã giả tạo ném vào mặt đứa bé ngơ ngác lạc loài...Phương Thảo thù ghét đám đông, cái đám đông được quyền đi lại nô đùa tự do ngoài khung cửa sắt, nói cười huyên thiên những điều độc ác lẫn trơ trẽn. Tôi đã xếp loại, đã giải thích, đã tìm nguyên nhân và vạch hậu quả. Nhưng giờ đây, bao nhiêu công lao ấy có đến đâu đâu. Phương Thảo vẫn thế, nằm sõng soài trước mặt tôi, mê sảng những câu đã cũ. Me tôi lấy khăn ướt đắp ngang trán Phương Thảo. Bà nói: - Cho nó giải nhiệt. Ai có ngờ bệnh trở lại thế này. Phương Thảo quay sang nhìn me tôi, miệng mỉm cười như có vẻ thỏa mãn, dễ chịu vì cảm giác mát mẻ trên trán. Me tôi cố tạo một nụ cười gượng, nói âu yếm với nàng: - Con nhận ra me không? Me đây Thảo. Nàng đưa tay mơn man má me tôi, vuốt nhẹ lên thái dương, rồi vuốt nhẹ lên mái tóc bạc của bà. Me tôi cảm động đến rưng rưng muốn khóc. Giọng bà run run: - Me đây con. Con khỏe rồi phải không? Thảo gọi: - Má. Me tôi vội vã đáp: - Ừ. Má đây. Me đây. Thảo nói: - Má. Con thương má. Sao má cứ khóc hoài. Có phải ba làm cho má khóc không má. Ba bỏ đi, làm cho má khóc phải không? Má đừng khóc nữa. Có con ở bên cạnh má hoài hoài. Ba chợt đi chợt về, hơi nào đâu má đợi. Má heo hắt quá. Mắt má buồn. Đôi má má hóp. Má ốm o qúa chừng. Tại ba hết. Tại ba hết. Rồi Phương Thảo nhìn thẳng lên trần, ánh mắt sáng rực giận dữ: - Ba chịu ở nhà thì má đâu có thế này. Ba ở lại đi ba. Ở lại với má với con đi. Má khóc đó, ba thấy không? Con van ba, con van ba má. Me tôi thấy Phương Thảo vẫn nói mê, thở dài. Tôi, cahn1 nản. Làm sao bây giờ đây? Lần đầu tiên tôi nghe Phương Thảo nói đến ba đến má. Cái chữ Má lạ hoắc, vút cao lên đau xót và khẩn thiết như một lời kêu cứu. Thảo vẫn gọi me tôi bằng Me ngay từ nhỏ. Tôi đã say mê ngắm Phương Thảo nũng nịu dụi đầu vào ngực me tôi, mái tóc ngún nguẩy hờn dỗi, miệng nho nhỏ gọi tiếng Me mỗi lần tôi làm cho cô bé phật ý điều gì. Tại sao bây giờ nàng gọi Má? Tôi lay vai Phương Thảo: - Thảo, Thảo. Em đang nói chuyện với me đó chứ. Thảo có nghe anh nói không? Thảo trả lời giọng ơ hờ: - Có. Em nghe thấy tiếng chuông ấy. Em thích nghe tiếng ngân nga ấy lắm. Làng tôi xanh bóng tre, lừng tiếng chuông vang chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Anh có biết bài đó không. Em thích bài hát đó. Em thích vì tiếng chuông ấy trong vắt, thong thả... Bây giờ Thảo lại nhắc tới tiếng chuông nhà thờ. Thảo đã me sảng nhiều lần về tiếng chuông này. Trong buổi tiệc, tôi lo sợ vô cùng khi Thảo lắng nghe tiếng chuông giấy. Tôi đã ghi nhận, phân tích, xếp loại, và giải thích ý nghĩa tiếng chuông ấy trong luận án. Thầy Phong tán thưởng phần này khen tôi hiểu rõ căn bản của phân tâm học. Thầy lầm rồi. Tôi ngu dốt mà cứ tưởng thông minh quán chúng. Bằng chứng: tôi có chữa được bệnh của Phương Thảo đâu. Tiếng chuông nhà thờ ma quái ấy lại đổ dồn, không biết có thật sự thanh thoát không, nhưng với tôi, nó là hồi chuông báo tử. Thảo nhắm mắt lại, hơi thở khá điều hòa. Me tôi hơi yên lòng, về ngồi ở giường mình. Tôi lay Thảo, bảo nàng hả miệng uống viên thuốc ngủ. Nàng vâng lời, chịu chống tay ngồi dậy để nước khỏi từ ly chảy lan xuống cổ xuống nệm. Uống xong, tôi hỏi nàng: - Em còn mệt không? Có nhận ra anh không? Thảo nhìn tôi, không nói gì. Lòng tôi hoang mang. Tôi phải làm gì bây giờ. Tôi đã lầm lạc từ chỗ nào? Từ chỗ nào? ° ° ° ° ° Từ ban đầu chăng? Cái thủa ban đầu mà tôi đã quên? Vả lại, việc xin Phương Thảo về, tôi chỉ nhớ mang máng không lấy gì làm chắc. Muốn xác nhận, tôi phải bắt me tôi kể lại nhiều lần. Luận án của tôi dựa nhiều vào những lời kể lại của bà. Ba me tôi khá hiếm hoi. Hai ông bà lấy nhau cả mười năm trời vẫn chưa có được mụn con nào. Ông bà nội đã sốt ruột, nhắc đi nhắc lại cái câu bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại để gợi ý cho ba tôi lấy vợ lẻ. Ba tôi giả vờ không hiểu. Me tôi thấy thế mừng thầm. Tuy vậy, bà luôn luôn ray rức khổ sở vì cho rằng tất cả tội lỗi là do ở mình dù thời bấy giờ chưa có các phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ để xác nhận phần lỗi về chồng hay về vợ. Mà thật ra phần lỗi không thuộc về ai hết, vì đến năm ba tôi hai mươi chín tuổi thì tôi ra đời. Tôi là cháu đích tôn, là con cưng của gia đình. Hai năm sau, me tôi sinh thêm được một em gái. Me sinh vào mùa xuân. Và một lần nữa, lòng hoài cổ của một nho sinh lạc đệ một đời long đong vìnghiệp nho là ông nội tôi lại được dịp biểu lộ, một cách thi vị tao nhã. Ông nội trích câu đầu của bài cổ thi: Xuân du phương thảo địa Hạ thưởng lục hà tri Thu ẩm hoàng hoa tửu Đông ngâm bạch tuyết thi. để đặt tên cho em tôi. Em Phương Thảo. Nhưng ba tôi có tuổi khắc với con gái và ông nội tôi không có diễm phúc được du xuân ngắm cảnh đồng cỏ ngát hương của ông nội lớn lên. Em Phương Thảo mất năm mới lên ba. Lúc ấy tôi mới có năm tuổi, không nhớ được gì. Chiếc ảnh cũ của em Phương Thảo chụp trong dịp lễ thôi nôi trông bụ bẫm dễ thương. Me tôi bảo con Thảo Chị trắng như cục bột, đôi mắt sáng và đen ánh như hai hạt nhãn. Me tôi gọi là Thảo Chị để phân biệt với Thảo Em, tức Phương Thảo ngày nay. Sở dĩ me tôi có thêm được một đứa con gái nuôi nữa, co lẻ cũng do một sơ suất ngẫu nhiên. Hình như lúc đó vào độ tết năm 1955 hay 1956. Trí nhớ me tôi không được tốt, me tôi chỉ bảo là khoảng một hay hai năm sau hiệp định Genève. Ngày mồng 1, ba me dẫn tôi đi hái lộc trên chùa, rồi ghé qua thăm cô nhi viện. Ba tôi mới mua được một máy ảnh cũ do người bạn thua bạc nhượng lại, nên tìm mọi cơ hội trổ tài phó nhòm. Thôi thì đủ kiểu đủ lối. Ba chụp me ngồi mơ màng. Ba chụp me ngồi tươi cười. Me quàng vai con. Me dựa vào gốc dừa xanh. Me phải đứng im cho ba biểu diễn tài nghệ nhiều quá, đâm chán, không thèm chụp nữa. Ðến lượt tôi chịu đựng. Ba chụp tôi ngồi bên chậu cúc. Ngồi dưới tượng Phật Bà. Chụp xong, ba tôi thấy gần bên hồ sen có thùng gỗ lạc quyên phía mặt trước có kẻ mấy chữ Giúp Trẻ Cô Nhi. Ba tôi đạo diễn, bắt tôi lấy tờ bạc mới vừa được ông nội lì xì nhét vào kẽ thùng, cho ba tôi chụp ảnh. Ba tôi không cho tôi rút tay lại, bắt đứng yên, để gắng chụp cho trung thực hình ảnh một nhà từ thiện tí hon. Ba tôi loay hoay thế nào mà khi sang ảnh, nhà từ thiện thành kẻ ăn xin. Trong bức hình, mặt mày tôi nhăn nhó trông thảm thương. Lưng khom lại như sắp sụp xuống lạy. Còn bàn tay tôi, bị chụp lúc đang rút tay về, trông chẳng khác nào bàn tay chìa ra của em bé hành khất khốn khổ. Nhưng các chi tiết khôi hài đó tạm thời có thể cho qua đi. Me tôi sợ đến xanh mặt lại, khi thấy tôi đang thiểu não đứng bên cái thùng có bốn chữ Giúp Trẻ Cô Nhi. Phải chăng đây là một điềm gỡ? Tôi sẽ mồ côi? Và mồ côi cha hay mồ côi mẹ? Ban đầu ba tôi chỉ bực mình vì trở ngại kỹ thuật. Sau đó, nghe me tôi e dè giải thích, ông vội vàng xé tan bức ảnh. Không hiểu đằng sau nét mặt trầm tĩnh của ba tôi, biến cố đó có để lại chút vết nhỏ mọn nào không? Nhưng riêng đối với me tôi, nó trở thành một ám ảnh. Nhất là ba tháng sau, ba tôi bị một chiếc xe hàng vượt qua mặt, vè xe kéo ngã chiếc xe đạp của ba tôi. Ông bị xây xác khắp mình mẩy, ống chân trái bị gãy, một viên đá nhọn suýt làm mù con mắt phải. Me tôi bị khủng hoảng tinh thần thực sự. Bà cứ lo ngay ngáy rằng tôi sẽ bị mồ côi cha. Me tôi đi chùa. Me tôi cầu Phật cầu Trời. Bao nhiêu tiền lời buôn bán cực nhọc, me tôi đem cúng vào quỹ của các cô nhi. Đồng tiền lời phước thiện không mua được sự bình yên cho tâm hồn me tôi. Bà cảm thấy làm như vậy chưa đủ. Bà đến cả nhà thờ, quì gối trước tượng chúa tuy me tôi không thuộc lấy một chi tiết nhỏ nhặt nào của đời sống Ðấng Cứu Thế. Me tôi cầu khẩn van vái mọi đấng thần linh dù từ bi hay bác ái. Rồi ba tôi bình phục sau hơn một tháng nằm bệnh viện, đi đứng khó khăn vì chân bị băng bột. Chưa kịp mừng vì thoát nạn, gia đình tôi nhận ngay một tin buồn khác: đơn xin tái bổ vào ngạch cán sự công chánh của ba tôi bị bác. Không biết có phải đó là những lý do thầm kín để me tôi đơn phương quyết định một cách chuộc tội, một cách phòng ngừa khác hay không. Khó có ai hiểu rõ sự thực. Ngay cả me tôi nữa, bà cũng không hiểu rõ mình. Chỉ có một điều chắc chắn, cho tôi và cho cả nhà: Me xin Phương Thảo về từ cô nhi viện công giáo, khiến tôi có thêm một người bạn và me tôi có được một mối bận tâm thường xuyên. Từ khi Phương Thảo về, quả nhiên me tôi quên hẳn chuyện bức ảnh của tôi ngày trước. Tên Phương Thảo là do ba tôi đặt. Chắc ông hối hận, sự vụng về nhiếp ảnh gây rối cho me tôi nhiều quá, nên ông muốn lấy tên em tôi đặt cho đứa con nuôi, như một lối tưởng niệm. Me tôi rất bằng lòng, ban đầu còn gọi là Thảo Em, nhưng về sau gọi hẳn là Phương Thảo. Năm đó, Phương Thảo lên chín. Cô bé thật xinh đẹp, ống kính đã lão luyện sắc sảo của ba tôi có chụp được một bức hình Phương Thảo thủa ấy. Thảo Em hơi gầy, không bụ bẫm như Thảo Chị. Ðôi mắt Thảo Em buồn buồn, không nhí nhảnh tươi sáng như Thảo Chị, tuy cũng đen láy như hai hạt nhãn. Thảo Em ngồi bên me tôi, mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Như một đôi mắt nai buồn. Mái tóc ngắn, cái mũi nhỏ và thẳng, đôi môi chúm chím như môi các người đàn bà Nhật trong tranh. Cái cổ thon cao. Tất cả các yếu tố đó hòa hợp với nhau tạo thành một nhân dáng tội nghiệp sầu muộn lạc loài. Me tôi đưa bức ảnh cho tôi làm tài liệu. Phía sau, me tôi có đề: Thảo Em, Ngày Mới Về. Me tôi còn giải thích rõ xuất xứ của bức ảnh. Thảo Em đã bất thường ngay từ thời ấy. Cô bé sầu muộn thích ngồi một mình trong xó tối, ở góc nhà, hát nho nhỏ những bài đầu ngô mình sở. Trong nhà Thảo Em chỉ nói chuyện với me tôi mà thôi. Có lẽ vì me tôi đã nhiều lần mang quà bánh tới cho cô bé lúc còn ở cô nhi viện. Còn ba tôi thì không có cách nào làm quen được với cô gái nuôi. Mỗi lần ông đến gần, Thảo Em cứ lấy tay che mặt lại, hoảng hốt như sợ một tai nạn gần kề. Ba tôi hơi bực. Ông muốn tìm mọi cách âu yếm nâng niu Phương Thảo để làm vừa lòng me tôi, xem đó là một cách chuộc tội nhẹ nhàng và kín đáo. Rồi tự nhiên một hôm, cái hôm ba tôi đã quên hết chuyện cũ bắt đầu táy máy chụp hình trở lại, Phương Thảo không sợ ba tôi nữa. Cô bé để mặc cho ba tôi vuốt tóc. Cô bé còn cười với ba tôi nữa. Ba tôi mừng rỡ. Bức ảnh ghi lại được cái nhìn khá thanh thản của Phương Thảo lúc bấy giờ, và nét mặt thật hân hoan của me tôi. Nhưng me tôi không giữ được nét mặt ấy lâu. Hai tháng sau, Thảo Em lại nổi cơn. Lần này cô bé bị hành hạ dữ dội hơn, nằm thiêm thiếp cả ngày, lúc tỉnh cứ lấy hai bàn tay ốm xanh che lấy mặt. Phương Thảo không nói chuyện với me tôi nữa. Còn ba tôi, bây giờ, trở thành mối khủng khiếp cho cô bé. Ba tôi càn nhàu, trách me tôi vô cớ rước nợ vào thân. Me tôi giận, sẵn dịp tốt bỏ nhà cho ba tôi trông coi, đem Phương Thảo và tôi về quê ngoại. Me tôi nghĩ về thôn quê, gần gũi với những đồng lúa xanh, bông tre rợp, hít thở không khí trong lành đượm mùi cây cỏ, bệnh của Phương Thảo sẽ giảm bớt. Trí nhớ tuổi nhỏ đôi lúc thật tốt đối với những kỷ niệm không mấy quan trọng của cuộc đời rối rắm và dài. Không hiểu sao đến nay, tôi vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết căn nhà lá mái của bà ngoại. Con đường đất sét khô cứng vào mùa hè và lầy lội vào mùa đông dẫn vào một chiếc cổng vôi rêu phong. Hàng rào lá chè cắt xén khéo léo tiếp tục dẫn vào gặp một tấm bình phong cỏ đắp hình cành mai và lão tiều dưới chân núi. Ngôi nhà cổ lợp tranh dày trông thô sơ, nhưng bên trong là những cây kèo cây cột gỗ quí điêu khắc công phu. Ngôi từ đường lặng lẽ ẩm mốc. Phía sau hàng cột cao những bộ ngũ sự lớn nhỏ thấp thoáng ẩn hiện trong bóng mờ. Bên ngoài, gió thổi vào tàu lá chuối nghe xào xạc, và mỗi lần ngoại mở một cánh cửa nhỏ cho nắng lọt vào, thì màu ánh sáng xanh xao lọc qua lá chuối non cũng mang theo, rõ mồn một, từng tiếng tu hú não nùng, ma quái. Me tôi đem Phương Thảo về ngoại không được một tuần. Tôi buồn quá chừng, trông cho mau đến ngày về tỉnh. Me tôi ngược lại, thích sống cái không khí trìu mến thân yêu của thời thơ ấu dưới ánh mắt bao dung của ngoại. Phương Thảo đã giúp tôi toại nguyện.. Vì vừa ở quê được vài ngày, một hôm me dẫn Phương Thảo lên từ đường lạy ông bà, cầu nguyện ông bà phù hộ cho chóng khỏi. Vừa bước qua cái cửa ngăn ngạch cao đến gối, Phương Thảo tự nhiên chùn lại, ôm lấy me tôi sợ hãi. Me tôi vô ý, cứ bước tới. Phương Thảo hốt hoảng, lại đưa hai tay bụm mặt và thét lên khủng khiếp. Me tôi chán nản, hoang mang. Bà đành dẫn chúng tôi trở về phố vậy. ° ° ° ° ° Ngạc nhiên làm sao, trở lên tỉnh, Phương Thảo lại khá hơn, tuy căn nhà ba me tôi thuê thời bấy giờ đâu có mát mẻ yên tĩnh như nhà bà ngoại. Việc buôn bán của me tôi không mấy phát đạt, tảo tần bao năm mà chưa thâm vốn là may chứ đừng nói đến chuyện mở mang cơ sở kinh doanh. Ba tôi, như tôi đã nói, xin mãi mà không được tái bổ dụng. Hồ sơ công an của ba tôi xấu. Chú tôi đi tập kết. Bác tôi đi tập kết. Người thì ra đi vì mơ ước được biết những nơi nước lạ non xa, biết con đường Cổ Ngư, đền Voi Phục, chùa Láng, hồ Tây mà chú tôi say mê qua các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn. Bác tôi thì được chính quyền khuyến cáo đi tập kết, vì nếu ở lại, có thể trở thành một nguy hiểm cho cách mạng. Tài ngụy biện của bác tôi, cùng với cái khiếu sách động quần chúng, nhiều lần đã khiến bác tôi mang tai vác ách. Riêng ba tôi có một thời là nhân sĩ khả kính trong quận, nên được bầu làm nghị viên hội đồng tỉnh. Cái chức vị trang trí đó trong thời kháng chiến trở thành cái gông nặng nề ba tôi phải mang sau này, khi quốc gia đến tiếp thu vùng đất kháng chiến hai bên bờ sông Côn. Ba tôi thất nghiệp, dở ông dở thằng, cứ quanh quẩn bực bội trong nhà hoặc chắp tay sau lưng rảo bước quanh vườn cho qua thì giờ dằng dặc. Ðời sống nhàn cư tới tấp đem đến cho ba tôi những đam mê bất ngờ. Như đam mê nhiếp ảnh chẳng hạn. Những đam mê ấy làm khổ vợ khổ con không ít. Tuy thế, thà ba tôi lo săm soi chùi rửa ống kính, giam mình trong phòng tối sang hình, me tôi và chúng tôi còn bớt khổ hơn lúc ông ở không. Những lúc ấy, nét mặt ba tôi cau có, đăm đăm. Ba tôi đối đãi với tôi và Phương Thảo nghiêm khắc quá. Ông ít nói cười, hoặc nói quá nhiều và đùa quá trớn, khiến chúng tôi hoang mang, không biết ba tôi dễ dãi thành thực hay chỉ là một cái bẫy. Kết quả là chúng tôi thường trốn tránh ba tôi. Những buổi trưa, chờ ba tôi lim dim ngủ trên cái võng treo ở gian dưới, chúng tôi đưa mắt cho nhau làm hiệu cùng nhón gót chuồn ra khỏi bếp. Chưa yên lòng, chúng tôi phải núp sau tấm liếp tre đan dò xem ba tôi có ngủ thực không. Thường thường thì ba tôi nằm yên. Chắc ông ngủ thật. Chúng tôi dẫn nhau ra vườn. Tôi chạy tung tăng, len lỏi giữa những gốc nhãn xù xì, chân đạp trên lá khô. Phương Thảo bước chậm dưới bóng mát như một người lớn trầm tư, mắt mơ mộng bình tĩnh. Tôi rủ Phương Thảo chơi trò cút bắt. Cô bé không mấy thích, từ chối rất hợp lý: - Chạy nhiều rách quần áo, me la chết. Tôi cãi: - Me bản vải, đâu có sợ thiếu quần áo. Rách cái này, may cái khác mới hơn. Cái áo của Thảo cũ rồi. Mấy cái hoa đỏ này đã phai màu. Cả chùm lá này cũng hết xanh. Xấu lắm. Ðúng là cành hoa héo. Em cứ việc chạy nhảy chơi đùa đi, đừng sợ. - Lỡ me không may áo mới thì sao? Người ta sẽ bảo mình con nhà nghèo. - Không đời nào. Trong nhà, me cưng Thảo nhất. Me cứ ao ước cho Phương Thảo khỏi bệnh, cho Phương Thảo cười đùa như con nít thường. Cô be ngơ ngẩn hỏi: - Em có bệnh gì đâu? - Mấy hôm trước, em cứ lấy tay che mặt lại. Có người lạ là em chạy trốn, mặt úp vào xó tối. Có gì đâu mà em sợ. Người ta cũng như mình. Cũng có hai con mắt này cái mũi này, cái miệng này. Có hai tay hai chân này. - Họ đâu có cười như me. - Thế sao ba cười mà em lại trốn? Thảo bối rối, cố tìm ý để giải thích: - Tại... tại miệng ba hả ra, ba nhe răng Tôi cười hô hố, chỉ vào miệng mình: - Anh cũng nhe răng ra đây, sao em không chạy trốn đi? - Anh khác. Anh nhe răng, nhưng mắt anh không đỏ. Còn ba... Quả tình Phương Thảo nói đúng. Ðôi mắt ba tôi, qua mấy mươi năm lao khổ, không còn trong sáng như mắt chúng tôi được nữa. Lòng đen hơi xám lại, trong khi lòng trắng kéo đầy gân đỏ. Dù vui mừng đột ngột hay giận dữ tột độ, đôi mắt ấy không thể nào phát ra được những tia sáng làm bùng dậy niềm tin, nhen lên thiện cảm. Đó là ánh sáng leo lét của kẻ bất đắc chí không tìm được ánh đuốc của đời mình, nên cho dù có cố gắng, nụ cười của ba tôi vẫn gượng gạo đến não lòng. Tôi hỏi: - Em có thương ba không? -Có. - Thương lúc nào? - Lúc ba ngủ. - Tại sao vậy? - Lúc đó ba cười. - Ngủ thì làm sao cười được? Nói láo. Phương Thảo không chịu, cãi lại: - Có mà. Ba nằm mơ thấy... Phương Thảo nói đến đó tìm ý không ra nữa, đành im lặng. Tôi không chịu thua, giục: - Thấy gì, nói đi chứ. - Em làm sao biết được. Ba thấy chứ bộ em thấy hay sao. - Giả sử em là ba, thì em nằm mơ thấy gì mới cười? - Em ấy à? Em nằm mơ thấy me ở nhà với em này, ở nhà cả ngày từ sáng đến lúc mặt trời lặn. Rồi ngày mai cũng vậy, ngày mốt cũng vậy. - Em có mong anh ở nhà không? - Có. - Em có mong ba ở nhà từ sáng cho tới tối không? Thảo ngần ngừ. Tôi nói: - Có hay không, nói thật đi. Phương Thảo thú nhận: - Em không biết sao nữa. Ba ở nhà thì em sợ. Ba đi thì me buồn. Mà me buồn thì em cũng buồn. Hay ba ở nhà, với me, nhưng ba cứ nằm lim dim trên võng, miệng mỉm cười hoài. - Chẳng lẽ em bắt ba ngủ cả ngày? - Nếu thức thì ba ngâm thơ. Lúc đó ba cũng cười. Ngâm thơ? Tôi không tin tai mình. Giữa tôi và ba tôi, như có một bức tường trong suốt bằng thủy tinh chắn ngang, cách biệt và lạnh lẽo. Lúc nào tôi cũng thấy ba tôi nghiêm nghị, bình tĩnh. Chưa bao giờ ba tôi tỏ vẻ mừng rỡ thái quá hay xúc động thái quá. Ðã đành ba tôi có những đam mê, nhưng đam mê trong vòng im lặng, trật tự. Như thế thì làm thế nào ba tôi có nhiệt tình với thi ca đủ để ngâm to một bài thơ cho Phương Thảo nghe lóm được. Tôi hỏi: - Ba ngâm thơ lúc nào? - Trưa hôm qua. Trưa hôm kia cũng có nữa. Khám phá đó làm cho tôi tò mò. Tôi và Phương Thảo rình nghe liên tiếp hai buổi trưa nhưng ba tôi chỉ ngủ. Ðến trưa hôm thứ ba, tôi mới thấy Thảo nói đúng. Ba tôi nằm yên lặng trên võng như thường lệ. Đột nhiên, ông đằng hắng, rồi ngâm to mấy câu thơ nghe lạ hoắc: ...Những ngày xưa thân ái. Chắc hắn quên rồi. Riêng tôi tôi nhớ. Ðồng làng mênh mang biển lúa. Sương mai đắp trắng cỏ đường. Hai đứa tôi sách vở cặp chung. Áo quần nhàu giấc ngủ. Song song bước nhỏ chân trần. Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn. Nón rộng chùng quai. Trong túi hộp diêm nhốt dế... Ðọc xong, ba tôi vẫn nằm yên lặng, không phác một cử động nhỏ nào. Nếu không tận mắt thấy đôi môi ba tôi mấp máy, tôi đã tưởng đó là tiếng ma ngâm. Từ độ ấy, lòng tôi thương ba tràn trề. Có thể nào đằng sau gương mặt lầm lì cau có đó tâm hồn ba tôi vẫn luôn luôn mơ về thời thơ ấu giữa thôn quê mênh mông biển lúa trời cao, hình ảnh cậu bé lo lắng cho con dế trong túi con chim trong cặp hơn là các bài tính cộng tính trừ. Ba tôi bị đời sống dồn vào chân tường nên quay lưng lại, sống thật trọn thật đầy những xúc động riêng tư cô độc. Tâm hồn ba tôi vẫn còn là một khu vườn hoang liêu đầy những hoa dại và cỏ cây sống chết chồng chất. Khám phá ấy khiến chúng tôi không e ngại ba tôi như trước nữa. Chúng tôi dám cười to. Chân bước mạnh hơn. Ba tôi choàng thức dậy, và từ một lúc cả ba tâm hồn bỡ ngỡ cùng gặp nhau ở một điểm hẹn, thì mọi đố kỵ e sợ đổ hết. Ba tôi trở thành một đứa trẻ. Ông nhập vào trong một thế giới mới, tuổi thơ ấu sống lại. Võng ba tôi nằm thành chiếc phi cơ đưa hai chúng tôi vào khoảng không gian tưởng tượng bát ngát. Giường ba tôi ngủ là sân chầu của một vương triều mà ông vua đội mũ lá mít cưỡi ngựa tàu cau, còn công chúa thì trang điểm đơn sơ bằng một đóa hoa trắng hình loa (cho đến bây giờ, tôi cũng không biết tên hoa gì). Tuổi thơ của chúng tôi trải qua như thế. Phương Thảo đã sống gần ba năm như một đưa trẻ bình thường. Dấu vết bệnh hoạn càng ngày càng bớt đi. Màu da xanh xao đã mất. Đôi mắt cô bé trong sáng trở lại. Phương Thảo càng lớn càng đẹp, cử chỉ bạo dạn, lời lẽ từ tốn tự nhiên. Phải tinh ý lắm mới thấy đôi vết bất thường khi Phương Thảo quá bối rối. Chẳng hạn đôi bàn tay Phương Thảo cứ xoắn lấy nhau, cái môi thắm phía trên hơi run run, hoặc lâu lâu, nàng khẽ lắc đầu một cái như người ta lay một cái đồng hồ tự động cho nó bắt đầu chạy. Ðấy la mấy năm hạnh phúc của gia đình tôi. Me tôi thời ấy buôn bán phát đạt, từ một sạp vải nhỏ mở lớn thành một căn phố rộng. Ba tôi sau một thời gian thất nghiệp nhờ gặp một người bạn cũ làm lớn tại bộ lại được đi làm ở ty công chánh. Tôi đi học trung học tại thành phố. Phương Thảo giúp me tôi trông hàng, giữ sổ sách và tiền nong chi thu. Cuộc đời tươi sáng như một bầu trời mùa hạ cao xanh trong vắt. Nhưng những cụm mây mù bên kia núi đùn đùn kết lại. Không biết từ đâu. Chẳng hiểu vì lẽ gì. Ðời sống bằng phẳng, êm đềm thì đột nhiên biến cố dồn dập đến. Me tôi bị khách hàng quịt nợ, gần như khánh tận. Ba tôi mất, sau một cơn bệnh có vẻ thật xoàng. Me tôi bán căn phố, giật gấu và vai trả hết nợ nần rồi chỉ còn đủ tiền thuê cái nhà thấp nhỏ thiếu thốn tiện nghi này. Nét mặt me tôi từ đó héo hắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của Phương Thảo. Sự sa sút của gia đình tôi có thể là yếu tố chính khiến bệnh Phương Thảo tái phát. Đã có lúc me tôi tính gửi nàng vào dưỡng trí viện Biên hòa, vì nàng lại che mặt nói xàm cả ngày. Tôi chua xót nhìn Phương Thảo héo gầy, đau đớn thấy nàng nhìn tôi như một kẻ hoàn toàn xa lạ. Khi không nói mê, nàng lẳng lặng cử động âm thầm như một cái máy. Ngược lại khi nói mê, những câu nói ngắn, rời rạc, lộn xộn của nàng làm cho tôi hoang mang không biết mình đang ở đâu đang làm gì. Tôi lạc thần, phờ phạc chẳng khác gì Phương Thảo. Vì thế, đậu xong tú tài, tôi đã quyết định chọn y khoa. Tôi chọn ngành thần kinh ngay từ khi chưa học thuốc. Tôi học thuốc vì Phương Thảo, cho Phương Thảo. Và giờ đây, sau bao năm cần cù, kết quả là con số không. Kết quả là Phương Thảo nằm dã dượi mê man trước mặt tôi, chẳng khác nào một xác chết. Làm thế nào bây giờ? Tôi đã lầm lẫn thế nào trong các lý đoán chẩn bệnh?