Chương 7

    
on đường nhấp nhô mờ thoáng ấy ám ảnh tôi quá đỗi. Nó cuốn tôi vào một cơn đam mê huyền hoặc. Do đó lần này tôi bắt chấp mọi lời can ngăn. Mấy người lính gác hôm trước lại ngăn tôi đừng vào Xuân Hòa. Tôi cứ đi. Mấy người ở đầu cầu phía nam Xuân Hòa ngăn tôi không nên bỏ đường quốc lộ rẽ xuống con đường đất đi Giang Thanh. Tôi bất chấp. Họ tưởng tôi nói đùa cho vui. Đến lúc thấy tôi chạy xuống cái dốc đất đỏ, họ mới đâm ra hốt hoảng. Một người bắn chỉ thiên bảo tôi dừng lại. Tôi trầm tĩnh quay trở lên vọng canh, hỏi tại sao phải làm vậy. Người lính kia, với một điệu nói kẻ cả và xấc xược, hất hàm trả lời:
- Muốn xuống đấy theo họ phải không? Cho coi giấy tờ.
Tôi muốn thanh toán công việc cho lẹ, đưa thẻ y sĩ trưng tập cho họ xem. Thái độ của họ thay đổi quá nhanh chóng. Người vừa sừng sộ với tôi vồn vã xin lỗi:
- Chúng tôi không biết, vì trung úy không đeo lon. Dưới đó nửa nạc nửa mỡ, cán bộ ấp mà còn phải lên quận từ bốn giờ chiều. Nhưng chắc trung úy có việc riêng?
Tôi không trả lời, bỏ cái thẻ vào túi quần sau, gật đầu chào họ rồi trở về con dốc cũ. Con đường đất gập ghềnh lồi lõm vết trâu bò và vết chân người. Đất sét khô cứng như đá, nhiều lần chiếc giày phải của tôi bước chênh vênh lên một mô đất cao bị ngã trẹo sang phía bên đau điếng. Cỏ hai bên đường mọc cao làm hẹp thêm con đường vốn đã hẹp. Tôi tự hỏi làm thế nào ngày trước cha Hải có thể đi xe ngựa trên con đường này. Bây giờ không ai có tài lái khéo như vậy. Hai bên đường là ruộng sâu bỏ hoang. Mặt đường lại gập ghềnh ngoằn ngoèo dưới các lũy tre cỗi lá bắt đầu vàng. Đôi đoạn đường bị các bụi dứa gai ăn lan vào bên trong, nên chỉ còn vừa vặn cho các bước chân bộ hành. Những lúc phải len qua các ngõ hẻm độc đạo, hay đi vào một khoảng tre mọc um tùm lá xào xạc thân kẽo kịt ma quái, tôi đã hối hận đến độ chùn bước chân đi. Tưởng tượng một cái hầm chông nơi góc đường này, ngay chỗ tôi phải đặt giày lên trên khung đất hẹp giữa hai bụi dứa. Hay tưởng tượng một họng súng chờ, đôi mắt người nhìn từ phía sau hàng rào táo nhơn xanh cao. Nhưng đã vào đây, thì phải liều. Không còn cách khác. Con đường độc đạo dẫn tôi đến hy vọng, đến ánh sáng, dù thế nào, tôi cũng phải đi.
Tâm trạng pha lẫn lo sợ, hăm hở ấy kéo dài thêm đoạn đường vốn đã dằng dặc quanh co. Rồi cuối cùng tôi cũng đến được xóm chợ.
Tôi ngờ ngợ, không dám tin hẳn ở ấn tượng ban đầu. Có phải đây là khu chợ ngày xưa trong trí nhớ đã mù mờ vì thời gian chất chồng của vị linh mục già? Có thể lắm. Bên tay trái là một bến nước. Bậc đá ong xuôi xuống một con sông nhỏ. Cái bến qui mô, chắc ngày trước cũng tấp nập người lên kẻ xuống để gánh chuyển hàng hóa từ dưới thuyền lên trên bến. Ngay bên phải con đường là khu họp chợ. Cây bàng lớn thưa lá cố vươn những cành dài ra che bóng mát. Hai dãy lều ngói bị dột lỗ chỗ chạy song song nhau, từ lề đường cái vào đến bụi tre dày.
Điều làm tôi ngạc nhiên trước hết là vẻ nhỏ bé đìu hiu của cảnh vật quanh đây. Không phải khu chợ vắng người. Lúc tôi tới nơi, chợ vẫn họp. Người mua kẻ bán chen chúc ồn ào trong hai căn lều, tràn ra bãi đất hai bên, đến tận cửa khoảng mười căn nhà tranh tụ tập quanh đấy. Nhưng từ sự hối hả của từng người, từ cái nhìn pha rất nhiều e ngại hồ nghi trong mắt người quanh tôi, từ những tụm năm tụm ba bàn tán xì xầm, thoát ra điều gì khác thường. Tôi linh cảm như vậy, không xác định rõ từ đầu được vì sao nên còn lại lẩn khuất trước mắt chỉ có một làn khói mỏng hay một cơn gió thoảng. Tôi bỏ đường cái, lờ lững bước vào khu chợ. Người ta lễ phép tránh đường cho tôi đi. Nhưng tránh xong, y như mọi lúc, hễ tôi liếc mắt nhìn lại người vừa nhường bước là gặp ngay đôi mắt lấm lét của họ. Khu chợ chỉ toàn đàn bà trẻ con. Những cái nón mê rách rưới hoặc méo mó che kín khuôn mặt xương xẫu đen điu. Nhưng lúc nào cũng vậy, những cái nhìn e ngại luôn luôn ẩn nấp ở đấy, rình mò hết sức khả nghi.
Tôi đi vào hai dãy lều, lòng hoang mang đến độ chưa hiểu rõ mình phải làm gì, phải hỏi thăm ai. Đâu đâu tôi cũng chỉ gặp những khuôn mặt hiu hắt, buồn hiu. Những khuôn mặt sáp cảu đau khổ. Đâu đâu cũng toàn là từ chối quyết liệt trong vẻ nhìn, trong câm lặng, trong lối nhìn lén lút rồi đột ngột quay mặt đi. Tôi như người mất hồn, cứ chen chân vào đám đông đàn bà lam lũ, đi dạo quanh khu chợ. Đến lúc thấy mình hành động một cách phi lý điên rồ, tôi cúi xuống hỏi mua một món gì đó. Em gái nhỏ có nét mặt hết sức người lớn ngước lên, mặt dáo dác kinh ngạc. Tôi đã hỏi mua vôi ăn trầu. Tôi lí nhí xin lỗi. Mặc kệ. Cứ đi quanh xem có người nào gương mặt đủ thiện cảm mời đón để hỏi thăm.
Rồi đến một lúc bất chợt, tôi ghi nhận một điều lạ lùng. Thiên hạ lần lượt bỏ về. Nhìn đồng hồ: mới hơn ba giờ chiều. Mà cái dáng về cũng hấp tấp lén lút như lúc nào. Em bé bán vôi ăn trầu lúc nãy vội quá xô mạnh vào người tôi. Một người bán rau quả trong lúc hấp tấp đánh rơi hai bó cải xuống đường mà không dừng lại lấy lên. Thúng mủng chồng chất vội vã lên đôi gióng lệch. Không đầy nửa giờ sau, cả khu chợ đều trống rỗng. Trên mặt đất rác rưới vỏ trái cây vung vít bừa bãi. Mùi nồng bắt đầu xông lên nguyên vẹn, vì không còn bị át bởi hơi người.
Tuy vậy, còn một điều lạ lùng hơn nữa. Mãi tận góc căn lều phía tay phải còn có hai người ở lại. Một bà lão ngồi điềm nhiên sau một cái rổ lớn đậy nắp trên đó bày một vài loại hoa quả dành cho trẻ con như ổi, khế, chim chim. Gần khóm ổi, là hai cái ly rượu bằng nhựa vàng cáu và chén muối ớt. Chai rượu đế bên cạnh rổ có lẽ đã làm sáng đôi mắt người đàn ông ngồi cạnh. Người đàn ông độc nhất trong khu chợ, chắc thế.
Ông ta thật ốm, tóc tai bù xù dơ dáy, mặc một cái áo lính đã cũ và một cái quần. đen dài nửa vời không ra quần cụt của đàn ông không ra quần dài của đàn bà. Trông mặt vải bóng nhẫy, tôi đoán có lẽ cái quần lãnh đàn bà này đã được biến chế cho hợp với đàn ông hơn. Người đàn ông quấn một cái khăn bẩn quanh cổ, nhưng vẫn ho sù sụ từng cơn. Ông ta đang nghiêng mặt năn nỉ gì đó với bà lão. Bà lão hoàn toàn im lặng, bỏ hết ngoài tai những lời cầu khẩn, mắt vẫn nhìn mông lung về phía trước, ánh nắng phủ hoa lên trên hai hình hài lạc lõng và héo hắt, giữa đống rác rưới hôi thối, như do sự chểnh mảng của mặt trời.
Mà thật vậy, lúc ấy mặt trời vẫn còn đủ chói chang. Cảnh vật quanh đây vẫn sáng sủa quang đãng. Tôi nhìn quanh tìm cho ra nguyên nhân sự sợ hãi của đám đông. Một cuộc phục kích bất thần chăng? Hay máy bay trên trời sắp oanh tạc. Không. Không có gì hết. Chỉ có những bụi tre già xơ xác. Chỉ có những mái tranh lụp xụp bây giờ cửa đóng then cài. Chỉ có hai người còn lại ở góc chợ, một người giống y như pho tượng thời gian, một người giống y như pho tượng bệnh tật. Chỉ có... chỉ có tiếng... à, mà sao lạ thế, từ nãy tới giờ, lúc mọi người đã về hết, tại sao tôi không chú ý ngay từ đầu thứ âm thanh này... chỉ có tiếng chim tu hú thật não nùng trên ngọn tre già. Tiếng chim ấy là âm thanh đích thực của đời tôi. Nó gợi tôi nhớ khu vườn xanh thủa nhỏ của bà ngoại, mỗi lần trưa trưa lẩn thẩn len lỏi giữa mấy hàng cau hàng chuối, cảm thấy tiếng chim buồn ấy thấm dần cùng nỗi quạnh hiu vào trong từng làn da thớ thịt. Nó vừa là một lời mời gọi. Vừa là một kêu cứu khẩn thiết. Tu hú. Tiếng Hú ở sau chợt vút lên, kéo ngân ra, lảnh lói như nỗi thống khổ cố dằn. Nó chính là cuộc đời heo hắt của me tôi, suốt đời lo âu nhưng rồi suốt đời thất bại. Nó chính là... phải rồi, tôi đã nhớ hết... nó chính là âm thành đã ghi đậm vào trí nhớ cỏ hoang của Phương Thảo.
Trong tâm hồn dày đặc sương mù, nàng chỉ còn nhớ lại có tiếng chuông nhà thờ, tiếng chim tu hú và tiếng rống của con ngựa què.
Nhớ được điều ấy, lòng tôi trở nên rộn rã. Có thể lắm. Bé Xíu của cha Hải có thể là Phường của các dì phước. Bé Phường của dì phước là Phương Thảo của tôi.
Tôi nhìn quanh, cố tìm những xác nhận cho định kiến ban đầu, ru mình trong hy vọng. Lại đây nữa: phía sau lũy tre già, là một cánh đồng trồng toàn bằng bắp và đậu xanh. Ngựa của ông tiên râu tóc bạc phơ đã rong chơi trên đó. Gió cánh đồng này đã từng thổi tạt chòm râu bạc của ông nội Thảo mười mấy năm về trước. Nhưng khoảng đất thổ ấy không chiếm hết diện tích một vùng đồng bằng phì nhiêu chạy dài từ con sông đào đến chân núi xanh. Phía đông khu chợ là một vùng ruộng thấp mới cấy. Những khi mùa về, nắng hạ làm dẻo những cục đất sét vàng màu sáp lũ trẻ quê thường dùng để nắn tu hú. Tôi biết rõ điều ấy lắm. Chúng sẽ dùng một khoanh lạc khoét ruột con chim đất, rồi ghép hai phần trên dưới của chim lại. Chúng sẽ dùng một thanh tre mỏng xoi lỗ dẹp đằng đuôi, một lỗ vuông dưới bụng. Những bàn tay nhà nghề chỉ cần làm một lần. Tu hú được nung chín hay phơi khô, rồi quét một lớp vôi màu hay vôi trắng bên ngoài. Tiếng tu hú đất nghe não nùng chẳng kém tiếng tu hú trên ngọn cây, và đôi khi nghe tiếng xướng âm nhân tạo, lũ chim buồn trên cao cùng nhau phụ họa, thành một hợp khúc sầu.
Chắc tôi đã tìm được đúng mạch. Trong mớ hỗn mang tôi đã trải qua, từ trí nhớ mù mờ của me tôi, tủ hồ sơ đầy những phiếu lý lịch rắc rối mơ hồ của dì Christine, cho đến những tia nắng yếu sự thật chen lẫn giữa vô vàn khói mây ảo tưởng của cha Hải, thật khó mà tìm cho ra con đường chính xác. Tất cả đều mờ mờ ảo ảo, bập bềnh như bọt nước và mông lung như hạnh phúc. Tôi đã cố hết sức mình, mạo hiểm vượt qua lo âu, bất chấp nhiều rất nhiều lời can ngăn. Tôi đã đến được đây, tôi phải bám vào chút hy vọng nào đó để biện minh cho nỗi nhọc nhằn mấy tháng tìm kiếm xuôi ngược. Khung cảnh ở đây phù hợp đôi chút với lời vị linh mục già và những lời mê sảng của Phương Thảo. Nhưng có chắc được gì không? Tôi tiến tới phía bà lão và người đàn ông, lòng còn hồi hộp hơn cả lúc đối diện với cha Hải.
Người đàn ông dừng lại không nói nữa, nhưng không ngửng đầu lên nhìn tôi. Theo dõi hướng nhìn của ông ta, tôi biết hắn đang theo dõi bước chân của tôi đến gần, đến gần. Bà lão chậm chạp ngửng lên, im lặng chờ câu tôi hỏi. Cổ tôi nghẹn lại. Tôi muốn thoái lui, muốn giữ cho mình một chút mơ hồ để làm niềm tin cho cuộc đời dài. Bà lão chờ lâu chưa thấy tôi nói, miệng bắt đầu nhai trầu nhóp nhép. Vẻ thản nhiên thách đố ấy làm cho tôi bực bội.
Sự bực dọc khiến tôi bạo dạn. Tôi nói:
- Xin cho tôi hỏi thăm một chút.
Bấy giờ người đàn ông mới ngửng lên, mặt hơi đỏ vì cố dằn cơn ho sắp kéo đến. Chờ cho ông ta ho xong, tôi mới hỏi tiếp:
- Thưa cụ, cụ ở đây đã lâu chưa?
Bà lão nhìn tôi trừng trừng, môi run run, nửa muốn trả lời nửa muốn không. Bà đưa mắt hỏi ý kiến người đàn ông, nhưng khi thấy hắn định với tay nắm cổ chai rượu đế, liền vôi vàng chụp lấy chai rượu kéo vào lòng mình. Bà lão gắt:
- Đi chỗ khác. Không lo quét chợ cho xong, ngồi đó càm ràm cả buổi. Cái đồ mắc dịch.
Người đàn ông lấy tay gãi gãi sau ót bối rối, rồi tiếp tục gãi mạnh lên mái tóc bù xù bẩn thỉu. Bà lão ngửng lên trả lời tôi:
- Ở đây lâu rồi. Mà sao?
- Thưa cụ, cháu muốn tìm tông tích một bé mồ côi. Cách đây trên mười lăm năm, ông linh mục xứ Xuân Hòa đi ngang qua đây, có gặp một bé gái mồ côi. Cha xứ thấy em bé đứng khóc một mình bên khu chợ này, có đem về nuôi. Bây giờ em ấy đã lớn. Chúng tôi muốn tìm cha mẹ em ấy để thăm nom. Cụ có biết...
Bà lão không chờ tôi nói hết, gạt phắt:
- Không biết. Không biết. Tui mới tới ở đây năm ngoái.
Người đàn ông vừa ho vừa cười, chỉ vào mặt bà lão:
- Coi kìa, đừng thấy người ta lạ mà nói láo. Bà ở đây từ nhỏ tới giờ mà nói thế à. Bây giờ mới rõ ai thiệt ai láo. Tôi đã nói mấy lần trước kẹt quá mới sai hẹn. Lần này nếu trả trễ, tôi làm con bà.
Bà lão tìm được cơ hội cho qua điều dối trá của mình, bắt nhanh qua chuyện người quét chợ:
- Làm mẹ mày thì được gì? Kiếm được đồng nào, mày ăn cắp uống rượu cho hết. Tao đã thề không để cho mày khua môi khua mép nữa. Đừng dài lời mất công.
Tôi cố chen vào câu chuyện:
- Thưa cụ, chuyện này đối với cụ không can hệ gì, nhưng đối với cháu quan trọng lắm. Thưa cụ, em bé mồ côi ấy hiện giờ đang ở nhà tôi và đang đau nặng. Em ấy muốn gặp mặt ba má lần cuối cùng trước khi nhắm mắt.
Tôi bi thảm hóa căn bệnh của Phương Thảo để bà lão xúc động. Không ngờ chính tôi lại vương bẫy. Nghĩ đến lúc Phương Thảo mê dần mê dần, chỉ còn là một cái xác vô tri, lòng tôi rúng động. Đang nói nửa chừng, tôi nghẹn lời. Nước mắt chảy thành dòng trên má. Tôi phải nuốt nước bọt hai ba lần, xúc động mới lắng xuống. Bà lão vẫn thản nhiên:
- Ông đừng nghe lời thằng quỉ sứ này. Tui mới đến đây, có biết gì đâu.
Thấy giọng từ chối cương quyết quá, tôi đành chịu thua. Cầu may, tôi quay sang hỏi người quét chợ:
- Chắc bác ở đây lâu mới biết rõ bà cụ ở đây từ nhỏ. Xin bác giúp đỡ cho. Tôi cần tìm cha mẹ họ hàng em bé ấy lắm. Tôi đã đi dò hỏi khắp mọi nơi. Tôi đã tìm đến các dì phước cô nhi viện Xuân Phương. Các dì tra lý lịch, chỉ tôi đến cha xứ Xuân Hòa. Cha xứ lại bảo rằng ngày trước cha gặp em bé ở bến chợ này. Đến đây hỏi chắc có người biết. Chính cha xứ bảo ngày trước ngài tìm khắp chợ hỏi thăm cha mẹ em bé ấy, nhưng không tìm ra ai. Cha chỉ gặp một người lính chỗ trạm canh...
Lão quét chợ ngửng phắt lên, đôi mắt đầy kinh ngạc hốt hoảng. Đôi môi thâm của lão mở há hốc, để lộ mấy cái răng cửa cáu bẩn. Tôi mừng rỡ, biết chắc con người này có liên hệ xa gần đến cuộc đời bé Xíu, hay cuộc đời Phương Thảo. Không hiểu sao tôi tin chắc chắn rằng Phương Thảo là bé Phường là bé Xíu. Tôi nhắc lần nữa để kiểm chứng:
- Phải. Cha xứ gặp một người lính đang lau súng. Người lính thú nhận...
Lão quét chợ la lớn, ra chiều giận dữ:
- Thôi. Đừng lãi nhãi nữa. Không biết gì hết. Ai nhớ chi chuyện mười mấy năm trước. Đi hỏi chỗ khác đi. Ở đây không ai biết đâu.
Tôi không chịu thua, cố nói thật chậm thật rõ:
- Bác ở đây lâu, chắc biết người lính. Ông ta đang lau súng, và khi nghe cha xứ hỏi đã bảo rằng...
Người quét chợ lắc đầu quầy quậy:
- Không, không. Đi hỏi mấy người trong kia kìa. Tôi mới đến ở đây, như bà hàng này thôi. Đi hỏi mấy cái nhà trong kia, chắc họ biết. Tôi không biết gì hết.
Rồi để tỏ thái độ dứt khoát, người đàn ông quấn cái khăn lông bẩn lại quanh cổ, nằn nì với bà lão:
- Bà cứ tin tôi đi. Mai tôi trả liền. Cho tôi uống chịu một xị thôi mà. Mấy lần trước, tôi sòng phẳng nợ bà có bao nhiêu. Thế nào mai tôi cũng trả.
Giọng nói người quét chợ lạnh lẽo, thiếu hẳn sự tha thiết, nhiệt tâm. Tôi biết lão chỉ nói cho có nói, nói cho tôi hiểu rằng lão không muốn nói bất cứ điều gì với tôi nữa hết. Bực bội, tôi quày quã ra đường.
Sao vậy? Cớ gì mọi người đều có vẻ sợ hãi liên lụy với tôi, đến Phương Thảo. Mười mấy năm trước, họ đã tỏ sự lạnh nhạt đố kỵ ấy với cha xứ. Bây giờ, họ đã tỏ chừng ấy thái độ với tôi tuy họ đã già đã bệnh, mái tóc trắng thêm và đôi mắt hom hem vì cố nheo lại nhìn ngày tháng trước mặt. Bước chân tôi nặng nề, bùn bay lên phủ nâu cả mũi giày. Tôi nhớ đến bước chân của cha Hải ngày trước. Người xà ích đợi cha chỗ kia. Có lẽ ngay nơi bến sông. Có lẽ ngay dưới gốc cây đa cỗi. Hay có lẽ tận chỗ con đường chạy quành sang hướng bắc để leo qua cây cầu gỗ. Bước chân cha ngập ngừng. Cha quay vào hỏi người chủ nhà gần chợ, hy vọng biết được lý lịch em bé lạc.
Tại sao mình không gõ cửa những căn nhà này, hỏi thăm chủ nhà về bé Xíu, về Phường về Phương Thảo. Ý tưởng đó khiến tôi dừng lại, đi dọc theo mé đường đến mấy căn nhà phía dưới chợ. Từ xa, lão quét chợ và bà hàng chăm chú theo dõi bước chân tôi, không chút e ngại.
Căn nhà đầu tiên không ai mở cửa tuy có tiếng trẻ khóc sau bếp.
Căn nhà thứ hai giữ im lìm. Căn nhà thứ ba cũng vậy. Tôi kiên nhẫn đập phên cửa trước, đứng đợi. Lão quét chợ vẫn nhìn tôi lom lom. May quá, bên trong có tiếng chân người. Tiếng chân nhè nhẹ tiến lên trước. Người ta đang cố đẩy tấm cửa ra ngoài để giở cái then lên. Cửa mở. Một cậu bé khoảng chín tuổi nheo mắt nhìn tôi. Thảo nào cậu mở cửa một cách khó khăn nặng nhọc quá. Tôi hỏi:
- Cha đâu hở em?
Đứa bé đáp nhanh:
- Cha em chết rồi.
- Thế mẹ đâu?
Thằng bé quay vào trong gọi lớn:
- Mẹ ơi, có ai hỏi.
Tôi nghe thấy tiếng ồm ồm của đàn ông phía sau nhà, chen lẫn tiếng đàn bà gắt gỏng. Một lúc lâu, một người đàn bà từ bếp đi lên, tay đang vấn lại cuốn tóc rối. Tôi nói, quên cả nỗi sợ hãi vừa thấy:
- Cho tôi hỏi thăm. Mười mấy năm trước, có một bé gái bị bỏ chỗ chợ trên kia được cha xứ Xuân Hòa mang về nuôi. Tôi muốn...
Người đàn bà tò mò hỏi lại:
- Chú muốn tìm một đứa con gái lạc hay sao?
- Không, không. Không phải lạc. Hình như ngày trước, người ta bỏ mặc kệ nó, cho nó sống lây lất chỗ chợ này. Về sau cha xứ gửi nó vào cô nhi viện. Bây giờ nó đã lớn. Tôi muốn tìm cha mẹ hay bà con đứa bé...
Tôi phải dừng lại, phải thú nhận là vì sợ hãi. Một người đàn ông trạc bốn mươi bước ra nhà trước. Ông ta gạt tay cho vợ con đứng tránh sang một bên, đến trước mặt tôi, dằn từng tiếng chắc nịch:
- Ở đây không biết gì hết. Ông hỏi vô ích. Không nghe gì hết. Không thấy gì hết nên không biết gì hết. Làm ơn ra khỏi nhà cho tôi đóng cửa.
Cánh cửa phên đập mạnh sau lưng tôi.
Quá tức giận, tôi đưa tay đấm mạnh vào khoảng không, càu nhàu chửi thầm rồi bỏ đi. Sau lưng, tôi ngờ ngợ cảm thấy ánh nhìn của nhiều người vẫn không rời tôi.
° ° ° ° °
Tôi thất thểu trở về con đường đất cũ.
Thế là hết. Hết tất cả rồi. Mọi cánh cửa đều khép kín. Những vành môi mím lại. Những khuôn mặt trơ như tượng đá vô tri. Không còn cách nào tìm được dấu vết tuổi thơ của Phương Thảo. Tôi chỉ được có mỗi một điều nhỏ nhoi: có lẽ Phương Thảo là bé Phường, là bé Xíu. Thế thôi.
Tôi xông pha nguy hiểm để chỉ thu được kết quả nhỏ nhoi ấy. Bây giờ, nhớ lại các khuôn mặt lạnh và dáng dấp lấm lét hớt hải của mọi người, tôi đâm sợ. Mặt trời đã xuống thấp. Những lũy tre tiếp nối che mất ánh sáng trên đường lồi lõm. Tôi bị vấp ngã nhiều lần. Cảnh vật, làng xóm quạnh hiu lặng lẽ một cách lạ lùng. Tôi nghe rõ cả bước chân tôi, và lo rằng đã có những kẻ núp sẵn đâu đó chờ mình: sau khóm tre còi, dưới lùm cỏ dại, bên kia bờ sông đào, cũng nghe rõ tiếng chân bước ấy.
Tôi hồi hộp, vừa đi vừa chạy, chốc chốc lại quay về phía sau. Không có ai cả. Tôi yên tâm hơn. Phía trước là một ngõ tối. Một khúc đường quanh giữa hai hàng tre rậm. Có ai chờ tôi đàng ấy không? Tôi bước chậm và nhẹ, cuối cùng dừng lại nghe ngóng. Chỉ có tôi thở và tiếng tim tôi đập. Không còn chần chờ gì nữa, tôi chạy qua khúc quanh. Trước mặt tôi, lại một lối đi tối tăm khác...
Tôi trải qua một đoạn đường uốn lượn ghê rợn như thế, trong không khí căng thẳng đến nghẹt thở.
Nhưng rồi lâu dần phải quen. Tôi chì lại.Vời lại càng ngày tôi càng xa cái xóm chợ bí mật nọ. Chính lúc bắt đầu bình tĩnh trở lại ấy, tôi nghe có tiếng chân người đuổi sau lưng mình.
Sợ hãi làm chân lính quýnh, tôi không có cách nào chạy nhanh như trước được. Tôi khổn khổ, và xấu hổ vì nhát gan. Đến gần một bụi rậm, tôi nép mình bên đường chờ. Nếu cùng lắm, tôi sẽ vật lộn với tên địch, để dùng vài thế nhu đạo học lóm được ở một thằng bạn trong đại học xá để quyết sống mái với kẻ theo đuổi. Tiếng chân người gần hơn. Đằng nào cũng phải ra tay trước. Tôi sẽ ngồi sụp xuống đây, chờ xuất kỳ bất ý nhảy chồm ra ôm cổ tên địch, siết chặt lấy họng hắn. Dù hắn có vùng vẫy đấm đá thế nào, nhất định đừng buông tay ra. Hắn sẽ nghẹt thở, thân thể mềm nhũn, mềm nhũn dần.
Tôi ngồi nép sát bên bụi cây tối, hai bàn tay giơ tới trước ở thế sẵn sàng, để dọa tên địch thì ít mà để tự trấn tĩnh thì nhiều. Lúc người đuổi theo đến thật gần, tôi mới yên tâm. Tôi núp vụng về quá. Hắn thấy tôi trước, chậm chân bước tới, nụ cười tuy héo hắt nhưng đầy thiện cảm vồn vã.
Hắn, lão quét chợ.
Mái tóc lão bù xù thêm, che mắt cái trán gồ. Người quét chợ chạy một khoảng đường dài, mệt quá, không nói được ngay. Ông ta ho rũ rượi một lúc, lấy cái khăn bẩn lau miệng và chùi nước miếng nước mũi.Thấy không có gì nguy hiểm, tôi hỏi:
- Cái gì đó?
Người quét chợ đã dằn được cơn ho, mắt lấm lét nhìn trước nhìn sau như chưa yên lòng. Lão kéo tôi ra sau bụi đứa cao, thì thào:
- Tôi có đề nghị này, ông chịu không?
Tôi hỏi, hơi ngạc nhiên và tò mò:
- Đề nghị cái gì?
Lão nói nhanh:
- Chuyện ông hỏi.
Tim tôi đập mạnh, lưỡi líu lại nói năng khó khăn:
- Thiệt không? Nói cho tôi biết đi. Thiệt không?
Lão ta láu lỉnh nhận ngay được thế mạnh của mình, chậm chạp nói:
- Thiệt chớ. Chuyện đó xảy ra trước ngày đình chiến hơn một tháng. Đúng không?
Tôi quên hết giữ gìn:
- Đúng lắm. Nói nữa đi. Bác muốn thứ gì tôi cũng chịu. Hãy nói đi. Con bé con cái nhà ai mà bỏ sống lơ láo ngoài chợ, cha xứ hỏi, không ai thèm trả lời. Tại sao vậy? Tại sao vậy? Làm sao nó sống?
- Người ta sợ không dám nuôi. Nhưng thấy nó đói thì tội nghiệp, lén cho ăn. Tối nó ngủ ở góc lều.
Tôi hỏi nhanh, tìm giải đáp cho thắc mắc lớn lao nhất:
- Nhưng sợ cái gì? Ai cũng có vẻ sợ sệt cả. Sợ cái gì mới được chứ?
Giọng người quét chợ trầm ngâm, bí hiểm:
- Thời buổi này... biết đâu mà lường. Dây dưa vào đâu cũng nguy hiểm cả. Thà không nghe không thấy không biết, thà đui điếc câm cho yên thân. Cái gương gia đình đó còn rành rành, trong xóm ai mà quên được.
- Gia đình nào?
- Gia đình con nhỏ. Nó còn sống là may. Họ đã kề họng súng vào màng tang con nhỏ. Tôi la lên, bảo con mẹ nó chết đủ. Đừng có giỡn ác nhơn. May tụi nó nghe xuôi tai, nên thôi. Có đứa còn bảo: nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Tôi nói: xì, con gái ăn nhằm gì. Nhưng phải bắn thêm vài phát chỉ thiên, con nhỏ mới sợ, không dám lẩn quẩn ôm xác của mẹ nữa.
Tôi cảm thấy lạnh ở gáy và xương sống. Máu nóng dồn cả lên thái dương. Trước mặt tôi đây là kẻ a tòng trong một tội ác tày trời hay một nhà từ thiện?
Tôi phải hỏi cho ra:
-Ai giết mẹ con bé?
Lão quét chợ cười khẩy:
- Ai giết? Chắc trời giết trước rồi tụi nó giết sau. Mới dẫn đến, con mẽ ngã ra chết siếng. Tiếng thét còn chát hơn cả tiếng tu hú. Tụi nó cười, rưới nước lạnh cho mẹ con bé tỉnh dậy. Vừa mở mắt, bà đã chồm đến ôm riết cây cọc, chân tay chèo queo như người leo cau. Tụi tôi cười rộ, thằng Tương la: Con mẽ muốn leo hái dừa bay ơi. Bả như người điên, ôm cây cọc oằn oại mãi mà không khóc được tiếng nào. Cây cọc chôn hơi cạn nên lay qua lay lại. May mà trái dừa chưa rơi xuống...
Tôi ngăn lại tò mò hỏi:
- Chơi cái trò gì lạ vậy? Treo dừa lên đầu cọc làm gì?
Lão quét chợ khựng lại ngơ ngác, ông ta chưa hiểu câu tôi hỏi. Nhưng chỉ vài giây sau, ông ta hiểu rõ. Lão cười lớn, đưa tay lên gõ vào đầu mình:
- Dừa gì? Cái dừa này này.
Tôi chưa hiểu, hỏi lại:
- Cái đầu à?
- Chớ sao. Cái đầu lâu, hiểu chưa? Tụi nó cắt cái đầu thằng chồng cắm vào cọc bêu giữa chợ, rồi dắt con vợ ra nhìn. Hiểu chưa?
Tôi không tin tai mình. Ánh mắt lão quét chợ long lanh một thứ hí hửng của loài dã thú sắp vồ mồi. Lão nhắc đi nhắc lại hai chữ Hiểu Chưa nhiều lần, rồi đưa sống bàn tay xếp cứa cứa vào cổ mình để diễn tả bằng hình ảnh. Nếu bây giờ có súng, tôi đã bắn mù hai con mắt đầy ắp niềm khoái lạc hung bạo của lão. Nhưng tôi đã không mang theo thứ gì khác, ngoài niềm hy vọng. Tôi cố trấn tĩnh mình, chậm rãi hỏi:
- Tại sao họ giết cả cha lẫn mẹ con bé?
Lão quét chợ hơi giật mình khi nghe giọng hỏi giận dữ của tôi. Lão hơi lùi lại phía sau, đưa tay ra trước huơ huơ để tìm cách giải thích:
- Tại sao? Tại sao ư? Rõ quá mà. Hai bên đánh nhau. Bên này giết bên kia, bên kia giết bên này. Tụi nó nghe lệnh Tây đến chợ đóng đồn. Cha con nhỏ chỉ huy bên đó, nhiều lần phá đồn. Thấy không, rõ như ban ngày rồi còn gì. Bên này giết bên kia, bên kia giết bên này. Con sông đào thời ấy ngày nào không có xác chết trôi tấp lên bến.
Lão có vẻ tự mãn với thứ triết lý đơn giản đó, cười hăng hắc thỏa mãn. Nếu cơn ho không kéo đến đúng lúc, lão còn cười nữa. tôi đã hiểu đại khái câu chuyện, nhưng muốn cho chắc hơn, hỏi lão quét chợ:
- Cha con nhỏ đi kháng chiến phải không?
- Phải. Đi theo bên kia sông từ lâu. Từ hồi con nhỏ mới sinh được mấy tháng. Vì chuyện đó mà ông già ở nhà bị hành lên hành xuống. Tây nó bắt xuống phố tra tấn còn có một nắm xương. Ngồi trên ngựa gió thổi muốn bay. Đâu có mạnh mẽ phương phi như trước.
Câu cuối cùng của lão quét chợ đến với tai tôi như một khám phá kỳ lạ. Tôi nhớ đến lời nói mê của Phương Thảo, đến những ông tiên đầu tóc bạc phơ cưỡi ngựa thả dong trong cánh đồng. Tôi tò mò muốn hỏi đến ngọn ngành:
- Gia đình con bé thế nào? Giàu nghèo? Nghề ngỗng ra sao?
Giọng lão quét chợ bực bội:
- Gia đình đó giàu tới phát ghét. Ông già nuôi ngựa bán cho người ta kéo xe. Tiền rừng bạc biển mà. Mỗi lần lão đi đâu, tiền hô hậu ủng rầm rầm rộ rộ. Chiều chiều cưỡi con ngựa hởi băng đồng lên núi, nhàn nhã quá mà. Nhưng lên như diều thì phải có lúc đứt dây. Từ lúc thằng con bỏ qua bên kia sông, gia đình lão xuống thấy rõ. Tụi trong đồn lấy mấy con ngựa giống của lão làm bia bắn thi. Thôi thì cả xóm ăn thịt ngựa đến phát ớn. Cha con nhỏ bắn tiếng dọa về, tụi nó nghe cũng hơi run. Nhưng đã có lão già làm con tin, lo gì.
- Nhưng làm thế nào bắt được cha con bé?
Mắt người quét chợ sáng lên hãnh diện:
- Dễ gì bắt được thằng chả. Cha con nhỏ đi đi về về như ma. Biết nó về thăm vợ hoài, rình mò luôn, cũng đành chịu. May mà cuối cùng nhờ nó khinh địch tụi nó mới tóm được. Tụi trong đồn thua trí thằng chả, thua nhiều phen nhưng cuối cùng thắng được keo chót. Biết tại sao không?
Tôi cố dằn tò mò để trả thù vẻ kiêu hãnh vô lối của lão quét chợ. Chờ lâu không thấy tôi hỏi, lão trở lại giọng bình thường:
- Hồi đó có tin sắp đình chiến rồi. Hai bên đã bớt đánh nhau. Nhiều lúc cả bên kia cũng tránh không gặp bên này, hay ngược lại. Tụi trong đồn yên lòng, bắt đầu có thể la cà ngoài chợ, vác súng đi bắn chim hay xuống tắm dưới bến sông. Bọn bên kia cũng vậy. Cha con nhỏ lại về thăm nhà, lần này đi ngựa qua cầu hẳn hoi. Tuy thằng chả chờ khuya mới về, nhưng tụi nó cũng biết. Ba bốn đứa bàn tính với nhau, phục kích ngoài bờ tre. Nó vào nhà, có lẽ để từ biệt trước hay báo tin cho vợ con. Mẹ con nhỏ khóc cả đêm, tụi tôi nghe cũng hơi cảm động. Gần sáng, thằng chả trở ra. Thấy nó thót lên ngựa, cả bọn nổi cơn lên. Một đứa chặt quị chân ngựa, Ba đứa áp lại trói gô cha con nhỏ lại. Chưa đầy mười lăm phút, mọi sự xong xuôi hết. Tảng sáng,, thiên hạ đi chợ đã thấy cây cọc cắm sẵn ở giữa hai căn lều rồi. Đàn bà con nít hoảng hốt bỏ chạy. Đã thế, thằng Tương lại bày trò.
Tôi nhìn thẳng vào mặt lão quét chợ, hỏi gằn:
- Thằng Tương là thằng nào?
- Thằng trưởng đồn. Nó thấm nước lên tóc cha con nhỏ chải rẽ cẩn thận. Nó lấy hai cây tăm chống mi mắt cho mở ra. Nó còn cạy răng cho cái miệng ngậm điếu thuốc. Lạ thiệt, điếu thuốc cứ cháy mãi không tắt. Chắc nhờ gió. Cười một bữa quên ăn...
Tôi đưa tay ra nắm lấy tay lão quét chợ, giả vờ ân cần hỏi:
- Cảm ơn bác nhiều nghe. Khi nãy bác nói bác đề nghị. Chắc bác muốn kể cho tôi nghe tông tích con bé để... để...
Lão gãi tai, và rút tay về, giọng nói nhỏ mềm hẳn lại:
- Dạ, dạ... thú thiệt với ông tôi đang lên cơn ghiền. Cái con ma men đó mà. Tôi kể cho ông nghe để đổi lấy xị rượu. Con mẹ già lúc nãy, ông thấy không, khó chịu quá mức.
Tôi hỏi cộc lốc:
- Bao nhiêu?
- Dạ bao nhiêu cũng được.
Tôi rút trong bóp ra đưa cho lão hai trăm. Lão mừng rối rít, định quay trở lại đường cũ, nhưng tôi nắm chặt lấy tay áo lão. Lão hơi lấy làm lạ, tay đút nhanh tiền vào gấu quần. Tôi hỏi:
- Cho tôi hỏi câu chót. Lúc nãy kể chuyện, khi thì bác nói Tụi Nó, khi thì bác nói Tụi Tôi. Tụi Nó bàn tính chuyện phục kích, nhưng Tụi Tôi nghe con mẽ khóc cũng hơi cảm động. Tụi Nó vác cọc cắm giữa chợ, còn Tụi Tôi cười một bữa quên ăn. Vậy hồi đó bác làm gì?
Lão ú ớ không tìm ra câu trả lời. Tôi không lầm lẫn chút nào. Chính lão là một trong những người chủ xướng cái trò chơi hái dừa năm ấy.
Chính lão vừa bị ma men thúc giục, bán rẻ một kỷ niệm mà lão cố giấu cố quên trong hơn mười lăm năm.
Cơn giận bốc lên. Mắt tôi, đầu tôi bừng bừng lửa căm hờn. Tôi đấm đá như điên như cuồng vào thân người lão. Lão gập người xuống, miệng không ngớt rên rỉ.
Lúc lão nằm im một đống bên bụi dứa, tôi nư giận, vội vã chạy lên phía quốc lộ. Chính lúc đó, trời cũng bắt đầu sụp tối, u ám giăng giăng.