Ðôi chim bồ câu

    
ầy bồ câu của tôi, một số bị mèo vồ ăn thịt, một số bị mèo vồ hụt sợ quá bỏ bay mất hết. Chỉ còn lại một đôi vợ chồng. Có lẽ chỉ vì có hai cái trứng đã đẻ đó không nỡ bỏ đi nên chúng còn lưu lại nơi cái chuồng của tôi. Tôi phải chăng thêm nhiều lớp dây thép gai chung quanh chuồng để bảo vệ cái gia đình còn sót lại này.
Trong các giống chim nhà, tôi yêu nhất những con bồ câu. Chúng nó cái dáng đẹp đẽ với cái ức trọn trặn và bộ lông mượt. Chúng có cái dáng quí phái với những đôi chân manh mảnh màu hồng. Tôi còn yêu mối tình đằm thắm của chúng đối với nhau. Những buổi nắng đẹp chim đực đi xung quanh người yêu, miệng rầm rì những lời thiết tha. Chim mái nằm yên tĩnh lắng tai nghe. Sự dịu dàng của tình yêu đó thật khác xa với lối biểu lộ tình yêu nông nổi hạ cấp của lũ chim sẻ chẳng hạn, mồm nói choèn choẹt và điệu nhảy lấc cấc, liến thoắng. Lối mổ thóc, lối đi đứng lối bay của bồ câu cũng có cái vẻ gì chững chạc đàng hoàng đặc biệt của những người tự biết mình cao quí, không cần hấp tấp vội vàng. Sự đằm thắm trong tình yêu, con chim đực còn biểu lộ trong cử chỉ tha rác về làm tổ. Rồi khi trứng đẻ ra rồi thì thay phiên với vợ mà ấp. Đến khi con nở thì nhẫn nại đứng sú mồi cho con. Lần đầu tiên thấy chim đực sú mồi, con tôi lật đật chạy đi tìm tôi, miệng gọi ơi ới. Tôi hốt hoảng tưởng có một tai họa nào xảy ra cho nó. Thấy tôi, nó hơ hãi nói:
- Ba ơi… con chim lớn… cắn con chim con.
Tôi vội vã chạy ra xem và buồn cười nhìn lại vẻ mặt lo lắng của nó. Tôi bảo:
- Con chim cha đút mồi cho chim con ăn đấy.
- Nhưng mà nó mổ ngay giữa cổ họng.
- Biết làm sao bây giờ? Đó không phải là cử chỉ êm đềm nhất mà nó chọn, chắc vậy, mà chỉ vì nó không có hai tay khéo léo như ta. Hai tay nó đã phải biến thành cánh. Nó phải mổ lấy thóc, để thóc vữa ra trong cái diều rồi mới ựa ra cho con ăn.
- Nhưng nó không thể làm việc đó dịu dàng hơn sao?
- Dịu dàng hay không là theo ý xét đoán của mình. Con còn nhớ hôm đi xem phim Misfits, lúc con ngựa mẹ bị trói nằm xuống đất thở phì phò thì con ngựa con chạy lại lấy chân khoèo khoèo vào mặt ngựa mẹ không? Khoèo chân là để tỏ tình âu yếm, y như ta lấy hai tay nựng vào mặt mẹ ta vậy.
Một tối kia, có tiếng cánh chim rần rật bay hoảng từ lồng bay vút lên đọt dừa. Lại bị mèo quấy phá nữa. Soi đèn ra xem thì thấy một cái trứng bị rơi xuống đất bể, lòng trắng chảy nhầy nhụa xuống cát. Sáng hôm sau đôi chim bỏ ấp, đi thẩn thơ.
Nỗi căm giận của tôi đối với con mèo hàng xóm đã lên đến cực độ. Nỗi căm giận biến thành thù hằn. Tôi muốn giết con mèo. Tưởng tượng khi bắt được nó tôi sẽ bóp siết vào cổ nó cho thật chặt và tròng mắt của nó sẽ lộ ra và thân hình nó sẽ dãy dụa và cuối cùng nó tắt thở. Nhìn dáng nó đi uyển chuyển trước hiên nhà, nhìn người hàng xóm vuốt ve âu yếm nó, tôi càng tức giận hơn. Thà nó hung bạo, xấu xí và cộc cằn! Tôi sẽ tha thứ nó. Ai nỡ trả thù một người đau khổ, một người đã phải chịu đựng nhiều nỗi bất hạnh và bất công. Đằng nầy nó đi nhởn nhơ ra vẻ một người lương thiện và chủ nó cũng an nhiên bình tĩnh dường như cũng chỉ nghĩ đến điều thiện. Thật là bất công và vô lý. Tôi (và lũ bồ câu của tôi) là nạn nhân, đã bị đau xót lại còn bị dằn vặt bởi những ý nghĩ thù hằn trong khi kẻ ác nhởn nhơ thoải mái.
Nhưng giết nó đâu phải dễ. Thà bắt gặp nó đang cấu xé con bồ câu của tôi, lúc ấy tôi sẽ có đủ hăng máu để giết. Đằng nầy khi nào gặp nó là y như tôi chỉ thấy nó dịu dàng và uyển chuyển, vẻ mặt hoặc trầm tư hoặc thơ ngây. Tôi không đủ sức bạo tàn để làm hại một kẻ thù giữa lúc nó hiền lành như vậy. Chỉ còn có cách tôi cố bảo vệ lấy kỹ lưỡng hơn nữa đôi bồ câu còn lại.
Suy nghĩ nhiều ngày, tôi quyết định thuê người lấy lưới thép giăng thành một cái lồng thật lớn và đặt cái chuồng bồ câu vào trong lòng. Thế là chúng vẫn có phòng ăn ở kín đáo, có điều chúng chỉ được bay quanh quẩn trong lồng. Tất cả những tiện nghi tôi đều lo cho có đầy đủ: lúa, bắp, đậu xanh, rau xà lách, nước uống và nước tắm. Cuộc sống tạm gọi là yên ổn. Tuy nhiên để tránh chủ quan, tôi dặn con tôi hãy lưu ý đến dáng điệu của chúng xem chúng có tỏ vẻ buồn bã, ủ rũ không. Vì nỗi lo lắng đó mà khi thấy con đực đứng gù gù bên cạnh chim mái hoặc thấy chim mái lấy mỏ rỉa nhẹ vào lông má chim đực là lòng tôi vui không xiết. Và mươi ngày sau, tôi thấy chim đực tha rác. Thế là tôi thành công. Con tôi vui nhảy hớn hở. Bữa cơm trưa hôm đó của chúng tôi vang lên nhiều tiếng cười nói hơn mọi ngày. Và rất cần mẫn, con tôi cứ lấp ló nhìn xem chim đã đẻ chưa.
Ngày nó thấy hai cái trứng mới đẻ trên ổ rơm, nó chạy ra tận đầu phố để đón tôi về mà báo tin mừng. Chúng tôi rối rít lo mua thêm đậu, thêm cả mè, để thưởng cho chim. Và chim chia phiên nhau ấp. Tôi bàn với con tôi:
- Bây giờ chúng đã đẻ trứng rồi thì có lẽ ta nên cho chúng bay tự do một chút.
Con tôi vội phản đối:
- Không được. Thả ra sợ chúng bay mất.
Tôi vừa ngẫm nghĩ vừa nói:
- Chẳng có lý. Chúng đã đẻ rồi thì thế tất chúng yêu con mà chẳng nỡ bỏ đi. Nhốt chúng trong một cái lồng, tù túng quá cũng tội. Cho bay đây đó một chút thì chúng mới có đủ sức khỏe.
Con tôi hơi xiêu lòng, chỉ phản đối yếu ớt lấy lệ:
- Con sợ nó bay mất. Nhưng mà… có lẽ ba nói đúng. Nó thương con, chắc chẳng bay mất đâu.
Câu chuyện trao đổi chỉ đến đó.
Hôm sau khi tôi đi làm về, con tôi ra đón ở cổng. Vẻ mặt nó đăm chiêu. Thấy tôi nhìn nó có ý ngờ vực, nó nói giọng rụt rè:
- Ba ơi! Con chim đực bay mất rồi.
- Sao vậy? - Tôi vội hỏi.
- Con nghe lời ba, sáng nay mở cửa lồng. Con bồ câu đực vụt bay ra mất.
- Còn con mái?
- Con lật đật đóng cửa lồng lại. Con mái bay không kịp.
- Bậy chưa! Sao con không hỏi ba mà tự ý thả như vậy? Bây giờ biết làm sao? Nuôi một con thì nó sống thế nào được? Mà nuôi một con thì để làm gì? Chẳng lẽ bắt ăn thịt. Mày thật là vô tích sự. Ở nhà không lo học. Chỉ có tài nhanh nhẩu đoản. Tao chán mày lắm.
Giọng tôi gằn gằn một lúc một nhanh hơn. Con tôi vừa sợ vừa hối hận, nước mắt lưng tròng, ngước nhìn tôi không nói. Tôi chợt thấy là tôi đã rầy oan nó. Chính tôi đã bàn việc thả cho bồ câu bay tự do một tý, thế mà bây giờ tôi lại đổ tội cho nó. Trong cơn giận, người cha nào cũng hay bất công như vậy. Không dám nhận lỗi mình mà chỉ đổ lỗi cho người khác, cho cả ngay chính con mình. Tôi ngượng, để tay lên vai con tôi:
- Thôi. Cứ vào rồi sẽ tính sau.
Con tôi líu ríu đi cạnh tôi, dáng thất vọng rõ rệt. Tôi hỏi:
- Từ sáng đến giờ con chim đực có bay về không? Con có ngó chừng lên mái nhà không?
- Có. Con có ngồi đợi cho nó về. Nhưng nó không về.
- Bội bạc.
Tôi buông một tiếng. Quả thật tôi không ngờ con chim có thể bỏ vợ con lại nơi giam cầm, - trong óc nó chắc nghĩ vậy, - mà đi tìm tự do một mình. Nỡ đoạn tình vậy sao? Đoạn tình đến mức không hề bay trở lại qua nhà để tìm xem vợ con mình ra thế nào, còn hay mất. Người ta nói bồ câu chung tình và tôi cũng tin như vậy. Nhưng hôm nay không những tôi mất lòng tin nơi chim mà tôi còn mang nặng thêm hoài nghi nơi người. Chung tình có phải là một thái độ tình cảm thành thật đâu? Khi có điều kiện thuận tiện, rất thuận tiện để bạc tình thì người ta liệu có từ chối sự bạc tình không? Tôi mất đi lòng tin nơi thiện tâm của con người, đó là một sự mất mát lớn. Vì trong vài ngày sau đó lòng tôi không được vui.
Tôi săn sóc con chim mái để bù vào nỗi cô đơn mà nó phải gánh chịu. Nhưng nó bỏ ăn đứng im lìm một mình. Bỏ trứng không ấp nữa. Ai ở vào hoàn cảnh nó cũng sẽ làm như vậy vì cái lồng trống trơn như luôn luôn nhắc nó nhớ đến những kỷ niệm êm đềm với người chồng ra đi. Dưới vẻ mặt trầm tư xa vắng đó, không biết nó nghĩ gì? Nó nhớ chồng? Nó giận chồng? Hay nó giận tôi, thù tôi?
Buổi chiều, con chim đập cánh phành phạch bay bám vào mắt lưới tìm lối ra. Lông đầu của nó xơ xác. Cánh xệ xuống. Con tôi nói:
- Hay mình đem thả con mái luôn đi ba.
Đúng là ý nghĩ của tôi lúc ấy. Nên tôi nổi giận quay lại:
- Sao lại thả ra? Chưa chi đã chịu thua trận, đó không phải là một tính tốt. Phải tìm mọi cách để nuôi cho kỳ được. Người ta nuôi bồ câu, sinh đẻ hàng bầy, bay đi bay về nườm nượp, chẳng lẽ mình chịu thua sao?
Con tôi không trả lời được. Tôi tiếp:
- Chúng ta phải tìm mọi cách để thắng. Chúng ta phải thắng, con hiểu chưa? Con có cách gì không?
Cố nhiên là con tôi không có cách gì hết, vì cả ngay tôi cũng đang lúng túng. Quả tình việc nuôi bồ câu của tôi gặp nhiều trở ngại quá khiến tôi đã chán muốn bỏ từ lâu, nhưng vì tự ái mà tôi đã nhẫn nại, cố tìm mọi cách để nuôi cho được. Tôi cũng đồng thời muốn gián tiếp dạy cho con tôi một bài học kiên trì, đừng vội nản chí khi gặp thất bại. Nhưng đã tới mức này, tôi không biết giải quyết ra sao. Tôi biết rằng quần chúng có nhiều kinh nghiệm về mọi địa hạt nên tôi đem thảo luận vấn đề với những người mà tôi quen; ông thợ cắt tóc mà tôi gặp mỗi nửa tháng, bà chủ tiệm gạo, ông quản lý sở tôi - người có tuổi và tháo vát, ông liên gia trưởng ba hoa hay nói lạc đề, cả cô thư ký giữ máy điện thoại nữa.
Mọi ý kiến không giống nhau. Ông quản lý không tán thành việc nuôi bồ câu: chúng ỉa bẩn và đi lại trên mái nhà làm tuột ngói. Nên ông đề nghị: “làm thịt quách con bồ câu còn lại”. Cô thư ký phản đối: “Ai lại nỡ ăn thịt một con bồ câu dịu dàng như vậy? Thà thả nó ra cho nó tìm một người yêu mới”. Ông liên gia trưởng chưa kịp nghe tôi trình bày đầu đuôi câu chuyện đã bắt tôi nghe hơn nửa giờ về phương pháp thu cây rào để rào ấp chiến lược. Bà chủ tiệm gạo siêng năng đi lễ Phật khuyên tôi phóng sanh con chim đi. Chỉ có anh thợ cắt tóc là có vẻ hiểu rõ vấn đề hơn hết. Anh nói:
- Ông sai người ở đi chợ lựa mua một con bồ câu đực về đem thả chung vào lồng với con mái.
- Nhưng bồ câu người ta bán cả cặp mà, - tôi nói.
- Mình có thể trả mua một con cũng được. Cũng có khi người ta bán lẻ riêng từng con.
- Phải đi xuống chợ Đầm?
- Cần gì. Chợ Xóm Mới cũng có. Một bà già người Bình Định lâu lâu mang bồ câu vào bán cả giỏ. Tôi mới thấy hôm qua kia đây.
- Nhưng mua về biết con mái nó có chịu không?
- Được mà.
Tôi về, kêu chị ở dặn tìm mua một con bồ câu đực. Vừa ra lệnh mà vừa sợ chị ta hỏi lại. Chẳng hạn nếu chị bảo: “Làm sao tôi biết nó là con bồ câu đực”, thì tôi sẽ lúng túng chẳng biết trả lời sao. May thay, chị cầm tiền đứng ngần ngừ một lát rồi lẳng lặng đi xuống nhà sau. Tôi dặn vói theo:
- Mua một con cũng to như con mái. Lựa cho cùng một màu trắng đẹp, kẻo con mái nó chê.
Hai hôm sau, lúc tôi đi làm về, con tôi ra mét:
- Chị Hai mua được bồ câu rồi ba à.
Tôi mừng quá, không ngờ công việc được tiến hành nhanh chóng đến thế. Tôi hỏi:
- Nó đâu?
- Chị Hai thả vào lồng rồi.
Tôi bước ra lồng, thấy có con bồ câu mới, hơi nhỏ hơn con mái một chút.
Chị Hai từ bếp đi ra đứng cạnh tôi.
- Thưa thầy, bồ câu Tây đó.
- Nhưng có chắc là con đực không?
- Bà già bảo đúng là bồ câu đực.
Con tôi cầm lấy bàn tay tôi, nói chen vào:
- Hai đứa nó chưa quen nhau, ba nhỉ? Mỗi đứa đứng mỗi nơi.
Tôi biết con tôi là người sung sướng nhất trong ba người đứng đây. Nỗi lo buồn vì tự mình thả sống con chim đực, chắc đến giây phút này nó mới xóa được. Tôi dắt tay nó vào nhà, vừa nói:
- Mong cho hai đứa nó thương nhau.
Nhưng chiều hôm đó từ lồng chim vang lên tiếng vỗ cánh rần rật. Lại con tôi chạy vào hơ hãi nói:
- Ba ơi chúng nó cắn nhau.
- Con nào cắn con nào?
- Con mái cắn con đực.
Tôi bước ra sân. Con chim mái đang mổ tới tấp vào con chim đực. Chim đực né tránh rồi đứng dịch ra xa hơn. Nhưng chim mái lại sấn tới mổ vào cánh, đôi cánh để lè phè và lông xơ xác không đều đặn. Chim đực kéo lui đôi cánh một cách vụng về lúng túng. Chim mái mổ bốn năm cái liên tiếp vào đầu chim đực khiến chim đực bay bám vào mặt lưới sắt, thò đầu ra mắt lưới tìm chỗ thoát. Làm sao để giải cứu cho con chim đực bị ruồng bỏ kia? Tôi la “ùi ùi” và con chim đực tuồng như tăng thêm sợ sệt. Còn con mái thì cứ tròn xoe đôi mắt không tỏ dáng xúc động. Giá có một khuôn mặt linh động như người thì tôi tin rằng nó sẽ nhíu đôi mày và bặm môi để tỏ sự căm thù con đực và bất cần sự có mặt của tôi. Tôi nói lời dỗ dành như chỉ theo một thói quen:
- Đừng mổ nó chớ. Mổ nó chi tội nghiệp vậy?
Lời nói thật vô ích. Chỉ có con tôi nghe mà thôi và cũng như tôi, nó cũng cố ý che lấp sự bất lực của mình bằng những câu nói vô ích như vậy.
- Con bồ câu mái trông vậy mà hung tợn quá ba nhỉ?
- Ừ. Khi người ta… ghét thì người ta trở nên hung bạo.
Ý tôi đang nghĩ rằng: “khi người ta không yêu thì người ta tàn nhẫn”, nhưng nói cho con tôi nghe, tôi phải đổi như vậy. Thật tình là tôi đang chuyển từ phạm vi chim sang địa hạt của người. Tôi nhớ rằng khi yêu, con người có thể hạ mình làm những việc tầm thường, thậm chí có thể làm những ngu si được. Nhưng khi đã không yêu thì họ tàn nhẫn lắm. Họ giả vờ bỏ mất địa chỉ để không viết thư trả lời, họ nói dối là bận lắm để khỏi gặp mặt, họ mong tìm thấy một lỗi nhỏ nơi người kia để lấy cớ mà giận mà tuyệt giao. Con người có trí khôn nên yêu ghét đều cực đoan.
Nhưng con chim bồ câu, tôi không hiểu nó ghét vì lẽ gì. Theo lời một người bạn tôi kể lại thì anh có đọc trong một trang sách nào đó bảo rằng bồ câu là một giống chim không sống được trong cảnh cô đơn. Phải có cho nó một người bạn, nếu không khác phái thì tạm đồng phái cũng được. Người ta thí nghiệm rằng nếu nuôi nó trong một cái lồng bốn mặt có gương phản chiếu lại thì nó sẽ yên lành mà sống trong đó vì có hình ảnh của nó làm bạn với nó. Một con vật có nhiều thiện ý bằng hữu như vậy sao nỡ hành hạ một người bạn đã được chọn cho mình và xứng đáng với mình? Hay là vì nó thủy chung với người chồng cũ? Ừ nhỉ! Nghĩ đến đây, tôi nhìn nó với đôi mắt trìu mắt. Thì ra chỉ có bồ câu mái mới biết chung tình. Tôi xấu hổ lây cho con bồ câu đực hôm nọ, bỏ người vợ chung tình lại một mình, ra đi không hề ngoái lại. Người vợ đó hôm nay vì anh mà cự tuyệt một người đàn ông khác đẹp đẽ không kém anh. Chung tình với một người bội bạc, trường hợp đó thật cao quí, và chỉ phái yếu mới có. Tôi nghĩ xa hơn một chút và kết luận: đàn ông như mình thật đáng ghét.
Sau một hồi hưu chiến, con bồ câu mái lại chạy a vào mổ tới tấp vào con bồ câu đực. Ý chừng nó thấy tôi chịu đứng bất lực ngoài lồng không thể viện trợ gì được cho kẻ thủ của nó nên nó mở cuộc tấn công lại. Con bồ câu đực lại né tránh và chạy dài. Đôi cánh kéo lết dưới sàn lồng. Một cái lông măng dính nơi mỏ của chim mái. Với món chiến lợi phẩm nầy dính nơi mỏ, con chim mái trông thật vũ phu.
Con tôi bỏ chỗ đứng đi lại phía con chim đực, có lẽ để tỏ lòng ưu ái với một chiến sĩ có thừa sức khỏe nhưng không nỡ tay đánh một người đàn bà. Vẻ mặt nó đăm chiêu và ra dáng đau khổ. Hai má nhếch lên vẽ những đường nhăn ở hai khóe mắt. Tôi chắc nó lại nghĩ đến cái lỗi của nó đã trót thả con chim đực bay mất hôm trước. Nếu nó không vụng tính đến nỗi làm cái việc dại khờ đó thì làm gì có cảnh đau khổ hôm nay. Tôi đi lại kéo tay con tôi vào nhà vừa bảo:
- Thôi, mặc kệ nó.
- Nhưng con hối hận quá.
- Đã trót rồi thì đừng nghĩ đến nữa. Vả lại, một con chim thì có giá trị gì. Điều cần nhất là con nên rút từ đó ra một bài học.
Ngày hôm sau con chim mái bớt vẻ hằn học, do đó con chim đực có đủ bình tĩnh để xếp lại đôi cánh cho gọn gàng hơn. Hai đứa chia nhau đứng mỗi đứa một góc lồng. Mặt chim đực buồn bã. Ngày hôm sau nữa, chúng đứng gần nhau hơn. Đến ngày thứ tư, thứ năm gì đó tôi không nhớ rõ, chúng đứng sát cạnh nhau. Sự thù ghét chấm dứt và được nối liền bằng tình yêu. Dường như không có một khoảng trống nào giữa hai tình cảm bị diệt, mâu thuẫn đó.
Đến đây, tôi không muốn dễ dàng để trí óc mình suy nghĩ và kết luận về đời sống tình cảm của lũ chim nữa. Chúng ghét đó rồi yêu đó, thủy chung và bạc tình đi cạnh nhau. Nhưng thú thật là tôi rất yên tâm khi thấy chúng không còn gây rắc rối cho tôi nữa. Những mối tình êm đẹp ở loài chim hay ở loài người cũng đều không gây tò mò thích thú nơi kẻ bàng quan. Con tôi lại bình tĩnh đợi chờ ngày mối tình ấy có kết quả. Những cặp trứng màu trắng nho nhỏ xinh xinh được nằm trên nệm rơm êm nhưng lần ấp nào cũng không thành. Đôi lần, ba lần, hy vọng rồi thất vọng liên tiếp, rốt cuộc chúng tôi chỉ nhớ chi tiền mua thóc cho chim ăn, còn thì không để ý gì đến chúng nữa. Cho đến một tối kia thừa lúc cửa chuồng đóng không kỹ, con mèo hàng xóm lẻn vào bắt mất con chim mái. Nhưng tôi đã chán sự thù hằn rồi. Tôi đã chán cả hy vọng rồi. Nhằm lúc đó có một người quen đến chơi ao ước nuôi bồ câu, tôi tặng cho anh ta cái chuồng chim và cả con chim đực cô độc.
Rút bỏ đi được sự rối rắm trong việc nuôi chim nhưng quả tình lòng tôi chưa thoát được những ấm ức. Tại sao người ta vẫn nuôi được. Ông liên gia trởng hay nói lạc đề của tôi có một chuồng bồ câu lớn với nhiều tiếng gù, tiếng rên rỉ, tiếng vỗ cánh rộn ràng. Nhà ông công chức ở cạnh sở tôi làm vừa dựng thêm một chuồng bồ câu thứ hai. Mỗi khi nhìn qua cửa sổ là mắt tôi bắt gặp lũ chim hớn hở bay lên đậu xuống. Dĩ vãng nuôi chim của tôi bừng sống dậy và tôi cảm nghe trong lòng như có một nỗi buồn dâng lên. Trong khi ấy thì tôi lại gặp được nhiều người cũng chán nản bỏ cuộc như tôi vậy. Thành ra để tự an ủi mình, tôi hay đem câu chuyện nuôi bồ câu ra nói, mong tìm những sự thất bại cụ thể nơi những người kiên nhẫn nhất và có nhiều điều kiện để tích cực hơn tôi.
Nỗi niềm đó mấy ai hiểu thấu? Chẳng hạn một chiều nọ, một cô bạn mời tôi đến nhà thầy mẹ cô chơi. Khi cô đưa tôi ra sân để giới thiệu những chậu hoa hồng, hoa sói do bàn tay khéo léo của mẹ cô vừa chiết được, tôi lơ đãng nghe và nhìn mà chỉ chú ý đến bầy bồ câu đang bay qua bay lại từ chuồng đến mái nhà. Khi người em trai của cô đi qua, tôi giữ lại hỏi:
- Anh Vĩnh này, anh nuôi bồ câu có thành công không? Có lợi đích xác làm anh bằng lòng không?
Vĩnh đang ngẫm nghĩ để xếp đặt một câu trả lời thì cô bạn tôi nói ngay:
- Sao lại không lợi? Bồ câu đẻ mỗi tháng mỗi lứa…
Tôi phải xin lỗi ngắt lời cô bạn mà nói:
- Có lẽ Vĩnh biết rõ vấn đề hơn cô. Lâu lâu cô mới về thăm thầy mẹ, chắc cô không được rõ đâu. Ý tôi muốn hỏi Vĩnh, - chẳng hạn: bồ câu có bị mèo hàng xóm chụp không?
Vĩnh tươi cười ngay vì câu hỏi chi tiết dễ trả lời hơn câu hỏi tổng quát lúc nãy.
- Dạ, bị mèo vồ luôn.
- Có hay bị trẻ con hàng xóm bắn ná cao su không?
- Dạ, cũng đó xảy ra luôn. Bồ câu đang ấp mới bay xuống đường là bị bắn chết một con. Con còn lại bỏ ổ không ấp nữa.
- Có phải nhiều khi có một cặp trứng mà ấp chỉ nở có một con?
- Dạ, có vậy.
- Bồ câu dễ mắc bệnh lắm?
- Vâng.
- Thế thì nuôi chúng chẳng lợi mấy…
- Vâng ạ. Mấy tháng đầu thì có lợi, ham lắm. Nhưng sau lần lần thì hơi chán…
- Cám ơn câu trả lời của Vĩnh.
Vĩnh và cô bạn tôi đều tỏ ra ngạc nhiên không hiểu ý tôi muốn nói gì. Tôi giảng giải:
- Tôi nuôi chim bồ câu bị thất bại nên bỏ không nuôi nữa. Mặc dù tôi đã kiên nhẫn nhiều nhưng tôi vẫn cho rằng tại mình mau nản lòng nên vẫn có ý ngầm tự trách. Do đó mà tôi muốn nghe người khác nói lên sự thất bại, sự chán nản để tôi được an ủi.
Vĩnh mỉm cười thú vị vì ngẫu nhiên mà chúng tôi cùng một tâm trạng như nhau. Chắc Vĩnh đang cần một sự an ủi tương tự như tôi vậy. Cô bạn tôi thì dáng không vui. Một người đàn bà đang còn đẹp, ít khi chịu để cho một người đàn ông nói trái ý mình.
Đích thực là càng ngày tôi càng yên tâm rằng tôi không nên hối tiếc vì sự nuôi chim thất bại. Nhưng lòng yêu chim bồ câu của tôi, tôi thấy vẫn không suy giảm. Tôi sẵn lòng yêu bất cứ chim bồ câu nào của ai mà tôi bắt gặp, mà tuyệt nhiên không có ý tưởng muốn nuôi nó làm riêng của mình. Cái đầu nhỏ, đôi mắt đen láy, cái cổ mảnh, cái ức gọn gàng, tất cả sự dịu dàng ấy ám ảnh tôi, ám ảnh cả vào những lúc mà tôi không ngờ nhất.
Tôi nhớ có lần tôi đi dự một nhạc hội. Người ca sĩ được giới thiệu, tôi đã nhiều lần nghe giọng hát ở đĩa nhựa và máy thu thanh. Đêm nay cũng giọng hát trầm ấy thổn thức nức nở, như kéo là là xuống mặt đất, như muốn tràn ra mênh mông, như muốn vỡ ra từng mảnh. Tôi nhìn lên tấm thân manh mảnh của nàng trong tà áo màu ngà, với mái tóc buông dài, với đôi má trắng, đôi mắt đen láy. Có những lúc giọng hát trầm quá tôi chợt lo rằng nàng sẽ không giữ được thăng bằng, giọng hát trĩu nặng xuống và nàng sẽ chênh vênh, và nàng sẽ ngã. Nhưng nàng vẫn đứng đó, tà áo màu ngà manh mảnh, đôi má trắng, đôi mắt đen và giọng hát vẫn êm đềm thổn thức. Con chim bồ câu! Thoáng một giây, tôi nghĩ đến con chim bồ câu, con chim bồ câu trắng dịu dàng, con chim bồ câu không phải của riêng tôi nhưng mà tôi sẵn sàng mến yêu bất cứ nơi đâu và chẳng cần biết là của người nào.