ột đêm đông.Ngồi quanh cái khuôn bếp cổ điển của những nhà mạn ngược, cha tôi và tôi lắng nghe ông Hội Cảnh kể câu chuyện lạ đường rừng...Ở đây, người ta không dùng đèn. Ánh lửa bếp, tuy vàng úa và lung lay, cũng đủ chiếu sáng mấy gian nhà trống rỗng. Bên ngoài, giọt sương gieo lộp độp... gieo cái cảm giác tê tái vào lòng người.Tôi ngồi xếp bằng tròn, hai tay thu vào bọc; mắt dán lên nhìn người kể chuyện: một ông cụ già ngót bảy mươi tuổi, nom còn quắc thước lắm. Vóc người ông vạm vỡ, chân tay ông to lớn, mặt ông vuông vức chữ điền, nước da ông đỏ thắm, râu tóc ông bạc phơ. Cứ trông cái trán vuông mà không cao, cặp lông mày chổi sể lòa xòa xuống cặp mắt voi sáng quắc của ông, ta đủ thấy ông là người thông minh, bạo dạn và thiết thực. Ông cụ mặc một cái áo cánh rộng tay bằng vải gai to sợi nhuộm chàm là thứ vải dân thượng du tự dệt lấy. Phủ ngoài áo cánh, một cái trấn thủ bằng nhiễu tam giang lót da rái cá, một vật quý có tính kỵ phong sương. Cái quần xanh cao ống để hở đôi bắp chân cục mịch, lằn những đường gân to như chão. Hai chân ấy đã từng vượt đèo lội suối, xông pha núi rừng nên hình như chẳng biết rét là gì. Ông cụ ngồi cạnh cha tôi; chân trái quắp vào lòng; chân phải chống bên cạnh sườn; đầu gối đỡ lấy bàn tay phải cầm chiếc điếu can đất thó. Thỉnh thoảng, mỗi lần ông đưa cái điếu lên miệng kéo mấy hơi thuốc, vẻ mặt ông càng thờ thẫn, hai mắt ông càng xa vắng. Ông ngồi lẳng lặng hàng giờ, nói thủng thẳng và thường lâu lâu mới lại sực nhớ tới chuyện mình đang kể...Dưới ánh lửa đỏ, tôi nhìn ông già ấy, nhìn cái bóng ông chập chờn trên vách, tôi bâng khuâng như nhìn thấy chính cái huyền bí của sơn lâm.Ông Hội Cảnh dằn xuống từng tiếng, như để in sâu vào trí não người nghe:“Tôi, bây giờ, già rồi... Bảy mươi tuổi... còn gì mà không già!... Câu chuyện, tôi sắp kể ông nghe đây, xảy ra đã hơn hai chục năm... vậy mà tôi vẫn nhớ rõ... Chuyện lạ lắm! Chính tôi được thấy chứ không phải cố ý bịa đặt để dối ông đâu... Tôi gần kề miệng lỗ rồi, còn nói dối làm gì!...”Câu mở đầu dài dòng ấy càng khiến cha tôi và tôi thêm tò mò...“Người ta, nếu mới nghe một chuyện gì hơi khác thường, đã vội cho là huyền hoặc, chẳng cũng hẹp nghĩ lắm ru? Ông bảo ở đời cái gì có thể tin chắc được? Cái gì thật, cái gì hư? Ngay như tôi với ông đang ngồi trò chuyện cùng nhau đây, ai bảo là không có thật? Nhưng, nếu bây giờ, một trong hai ta nhắm mắt bịt tai lại, thử hỏi cái hình ảnh và tiếng nói của bạn mình kia còn hay mất, có hay không? Câu chuyện này, khi tôi đã kể ông nghe rồi, thật hư đều do quyền ông phán đoán. Tôi không muốn cùng ông tranh biện làm gì. Có một điều chắc là, trong đời tôi, chính câu chuyện sắp kể đây đã làm tôi phải rùng mình. Cái rùng mình quái lạ ấy, giờ tôi muốn chia với ông một phần. Ý tôi là thế...”Ông già kéo mấy hơi thuốc lá, thở khói mù mịt như bao quanh mình thêm một cái màn bí mật nữa...Bên ngoài, sương vẫn gieo nặng trên mặt đất, gió vẫn rền rĩ đầu cành cây. Tôi bỗng thấy sởn thịt, tâm hồn giá ngắt lại... Thì ra, tự ngoài đêm tối, mấy tiếng cú kêu thảm đạm đã làm tôi hãi hùng.“Phải, - Ông Hội Cảnh vừa gõ tàn thuốc vào thành bếp vừa nói - lúc ấy vào khoảng trưa một ngày mùa hè. Tôi một mình ngồi trên chòi canh giữa nương lúa với một khẩu súng hỏa mai, một con dao lưng và một quyển truyện Phương Hoa bằng chữ Nôm. Đến đây, tôi cần nói để ông rõ rằng: việc canh lúa không phải do vợ chồng thằng cháu cả ép nài tôi. Chính tôi tự nhận lấy, nghĩ rằng nhà neo, vợ chồng cháu vừa bận con mọn vừa lắm công kia việc nọ, nếu mình cứ cậy là ông bố già, ăn no ngồi đấy, sao cho đành lòng! Thế là cơm lam [1], nước ống, tôi một mình lên nương. Dạo nào yên hàn còn khá; hễ hơi thấy dấu nai lợn lảng vảng quanh nương thì thường phải canh nhật dạ. Nếu không, chỉ một đêm bị giày xéo, cả cánh nương lúa tốt đẹp kia sẽ tan tành mà cơ túng thiếu trong nhà sẽ không sao tránh khỏi. Việc bất đắc dĩ chứ ai không biết rằng tự vùi mình giữa nơi tịch mịch như thế là rất buồn. Này, nhất khoảng đang trưa, ngồi trên chòi nhìn cảnh vật ngủ li bì dưới ánh nắng và nghe suối đổ mơ hồ điểm thêm một đôi tiếng cúc cu của con chim gáy ẩn hình nào đó, tôi tưởng cái buồn không lấy gì ví được...Vậy, buổi trưa mùa hè ấy, tôi, cũng như mọi ngày, một mình thơ thẩn trên chòi canh. Tôi nhìn trời mây, rừng núi mãi cũng buồn và cũng mỏi, tôi bèn ngả lưng mở quyển Phương Hoa ra đọc. Thoạt đầu, tự mình nghe tiếng mình ngâm nga, cái tiếng người lẻ loi phản lại cái tịch mịch bao trùm, lòng tôi không khỏi rờn rọn. Sau, tôi cứ đánh bạo ngâm tràn. Đang lúc đắc chí, tôi tự nhiên thấy sau lưng thoáng có hơi lạnh, rồi chân lông trong mình sởn lên. Tôi bị một sợ hãi vô lý nó ám ảnh đến nỗi phải quay đầu lại thì... người tôi như có cái máy bật mạnh dậy...”Cái điếu con nạp đầy thuốc tự lúc nào đã thấy kề lên miệng ông Hội Cảnh. Ông lấy hai ngón tay nhúp vội hòn than đỏ để vào điếu, hít mạnh mấy hơi, nhổ nước bọt vào bếp, rồi lặng yên... Trong lúc ấy, tôi nhận rõ trên mặt ông ta một cái gì như dấu vết một kinh hoàng...“Tôi ngồi nhỏm dậy... Bên mình tôi, một cô gái lạ mặt đang chăm chú nhìn tôi, miệng cười chúm chím... Sự kinh ngạc của tôi bấy giờ thực không sao tả được. Cái chòi tôi nằm, bốn cột làm bằng bốn cây ba soi mảnh dẻ, hơi bị gió lay cũng rung rinh như võng. Người con gái ấy lên lúc nào mà tôi không biết? Vả chăng, cô ta là ai, lên chòi tôi có chuyện gì? Cớ sao lạ lùng thế? Cô ta không phải người trong động tôi, cũng không phải người các động chung quanh. Cô ta đẹp một cách dị thường: mặt dài thon thon; da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ và phủ một lượt tư như vỏ đào non; lông mày rậm, vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng. Cô ta nhìn một cách lấm lét đáng nghi; miệng cười như đốt lòng người. Nhưng... đến hai hàm răng thì ghê quá!... Răng người đâu mà nhọn hoắt như răng mèo! Y phục không ra Kinh không ra Mán, chẳng phải Khách chẳng phải Nùng. Toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương. Thật, trong đời tôi, có lần ấy mắt nom thấy một cô thiếu nữ quái gở như thế!...Cô ta, thấy tôi có dáng hốt hoảng, chỉ cười. Tôi sợ quá, tóc gáy rờn rợn, bồ hôi giá ngắt.Cô ta cất tiếng nói, líu ríu như tiếng chim, khó hiểu lắm:- Anh kể chuyện tốt giọng nhỉ!... Kể đi...Tôi càu nhàu đáp:- Mỏi miệng rồi!Cô ta lờ như không nghe hiểu câu trả lời ấy, và cứ mon men dịch lại gần tôi... Ông ạ, tôi đi rừng gặp beo là thường. Mỗi khi con beo xông đến, tôi không sợ bằng thấy cô ta lê lại gần mình. Tôi vội giựt lùi về phía sau. Hai người cứ thế xoay quanh khắp mặt chòi. Sau cùng, cô ta, xem chừng nản, quắc mắt nhìn tôi và sừng sộ hỏi:- Anh ở đây một mình, có sợ không?Giá ai bảo tôi ‘mày sắp chết’, tôi không sợ bằng nghe câu hỏi ấy. Tôi tự nhiên vơ lấy khẩu súng miệng quát thất thanh:- Sợ gì?... Tôi chẳng sợ gì cả!... Cái gì dám lại gần tôi là tôi bắn!...Cô ta ra vẻ nghĩ ngợi sau dịu giọng nói:- Anh này cục tính quá!... Nhưng thôi! Rừng xanh nếu anh còn lai vãng thì một ngày kia ta sẽ còn gặp nhau.Cô ta đứng dậy xuống chòi, đi lửng lơ ở không trung, như người đi lên một cái thang vô hình. Còn tôi, tôi bẳt đầu run bắn người lên. Hai hàm răng tôi đánh vào nhau chan chát. Những giọt bồ hôi trán lạnh như băng... Ma!... Đích ma, ông ạ!... Nếu chẳng phải yêu ma thì là cái gì?...Tôi bẩm tính gan góc, nên tuy sợ mà vẫn bạo. Tôi chờ con yêu ra tới giữa nương lúa, bèn tì súng lên vai, nhắm rõ đích xác rồi bấm cò... “Đoàng”... Một làn khói trắng bùng ra rồi thong thả tan đi...Quanh mình tôi, cái lặng lẽ lại như trước, nặng nề hơn trước...Việc xảy ra như thế, có thể gọi là một giấc mê hoảng... Gọi là gì cũng được. Nhưng tôi thì tôi nói quyết cùng ông rằng lúc ấy tôi mở mắt và vẫn tỉnh táo như bây giờ...”Ông Hội Cảnh nhắm mắt ngồi im.Cái tịch mịch đêm đông, tôi thấy như trở nên một linh hồn, có cảm giác và có thể hoạt động được. Tôi rùng mình. Trí tuệ của tôi đắm sâu trong cái huyền bí hãi hùng.Mãi lâu lâu, khi con chó vàng, nằm ngoài thích, bỗng chẩu mõm lên không cắn rú một thôi dài, ông Hội Cảnh mở bừng hai mắt, vơ vẩn nhìn quanh rồi mới kết luận gióng một:“Về sau, tôi dặn con cháu có đi rừng chớ giắt lá hoắc hương trong mình, vì tôi vẫn nhớ cái mùi thơm ấy. Chưa hẳn là một điều hữu lý, song gọi là một cách đề phòng”.Chú thích:[1] Cơm gạo nếp đốt trong ống tre non.