Vũ đi qua đi lại trong phòng, vẻ mặt giận dữ như có chuyện bất mãn. Chàng nắm chặt tay lại, nói lớn: - Sống như thế này thì chán thật! Sao đời ta gặp toàn những chuyện không may, trong khi anh ta sống như một ông hoàng, nào vợ giàu, nào xe hơi, nhà lầu, ai ai cũng kính nể. Số ta, bạc quá. Giờ đây phải nuôi báo cô con Liên Hoa mới chán chớ. Mỹ Dung thì cứ bảo ta cưới nó, nhưng rớ tới người nó là nó đuổi như đuổi tà. Ta còn biết xử trí làm sao? Đi tìm người đàn bà khác có tiền ư? Không khéo lại mang một cục nợ như Liên Hoa. Vũ nói lảm nhảm như thế một lúc, rồi lấy rượu ra uống một mình cho đỡ buồn. Những ý nghĩ đen tối cứ hiện ra trong đầu óc, làm chàng chán ghét tất cả mọi người, nhất là Văn, anh của chàng. Cả tháng nay chàng không gặp Văn, vì Văn đi ngoại quốc, dự hội nghị thương mãi ở Đông Nam Á. Chàng và Văn là hai anh em song sinh. Hai người giống nhau như hai giọt nước, cũng như tất cả các cặp song sinh khác. Nhưng chỉ có điều này hơi khác các cặp song sinh khác là tánh tình hai người không giống nhau chút nào cả. Ngay từ lúc bé, tánh tình hai người đã khác nhau, Văn hiền lành vui vẻ bao nhiêu thì Vũ lại hung dữ, cau có bấy nhiêu. Ông bà Khai, cha mẹ của Văn và Vũ, rất giàu có mà chỉ có hai anh em Văn và Vũ. Cả hai đều được cha mẹ nuông chiều, thương yêu không sao nói được. Bà Khai thương Vũ hơn và lúc nào bà cũng bênh Vũ, nếu Vũ bị Ông Khai rầy la, hay quở phạt. Ông Khai thì yêu Văn không sao tả được. Vì thế mà ở gia đình, giữa ông Khai và bà Khai thường có sự bất hòa xảy ra, còn giữa Văn và Vũ thì có sự ganh ghét lẫn nhau. Văn và Vũ đều đi học. Văn chăm chỉ học hành năm nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Vũ trái lại, lười biếng, không chịu học, thích theo bạn bè trốn học đi chơi. Vì thế khi Văn thi đậu tiểu học và vào học ban trung học thì Vũ còn học lớp nhì. Ông Khai gửi Văn luôn ở trong trường.Còn Vũ ở nhà được mẹ nuông chiều nên hết sức hư hỏng. Với cái tuổi 12, 13, mà Vũ đã kết bè, kết lũ, phá phách chọc ghẹo bà con hàng xóm. Vũ xài tiền không tiếc tay, thích ăn diện và không ngày nào là không đi xem hát. Ông Khai thường rầy ra Vũ. Nhưng Vũ không sợ cha vì bên Vũ còn có mẹ. Mẹ Vũ bênh Vũ ra mặt. Muốn tránh sự cãi cọ Ở gia đình, ông Khai để mặc cho bà Khai dạy dỗ Vũ sao đó thì dạy. Thi mãi bằng tiểu học không đậu, Vũ bỏ học ở nhà. Rồi sợ mang tiếng học dở thua Văn, Vũ cứ ghi tên học lớp đệ thất, đệ lục như ai. Nhưng mỗi năm, Vũ chỉ học vài tháng cho có tiếng là đi học, để rồi năm sau lại ghi tên học lớp trên. Từ lúc bé Vũ đã hung hăng. Những người giúp việc trong nhà mà trái ý Vũ là Vũ đánh đập, la hét. Bà Khai lúc nào cũng bênh vực Vũ, nên vô tình, bà đã làm hỏng con. Trong khi Văn học xong ban trung học thì Vũ cũng thông thạo các mánh khóe ghẹo gái, xài tiền và phá phách. Không một đám đánh lộn nào mà không có mặt Vũ ở đó. Còn bạn bè tốt thì ít, mà bạn bè xấu không thiếu gì. Vũ có không biết bai nhiêu bạn bè, các bạn của chàng rủ chàng đi nhảy, đi ăn uống, đi cờ bạc. Lần lần chàng quen với cuộc sống xa hoa, vô dụng. Nhiều khi bà Khai thấy Vũ cứ đòi tiền mãi cũng có rầy la, khuyện nhủ chàng, nhưng chàng không chịu nghe. Nếu bà Khai không cho tiền thì chàng ăn cắp chìa khóa hoặc cạy tủ lấy tiền cho bằng được. Những lúc ấy bà Khai không dám nói cho ông Khai biết, sợ Ông Khai đánh đập Vũ. Sau khi Văn thi đậu bằng tú tài, chàng được cha mẹ cho đi du học. Thấy Văn học giỏi, bà Khai muốn cho Vũ học bằng anh nên ép Vũ học, nhưng Vũ đã quen thói chơi bời rồi, học hành sao được nữa. Văn đã làm cho cha mẹ hãnh diện bao nhiêu thì Vũ làm cho cha mẹ lo buồn bực tức bấy nhiêu. Ông Khai thấy Vũ không lưu tâm đến sự học, bắt Vũ phải ở nhà, không được đi chơi. Vũ cãi lời cha, liền bị cha rầy lạ Vũ sanh oán ghét cha, nói với mẹ: - Cha không thương con, không thèm săn sóc con. Con học được hay không, cha cũng không cần biết. Cái gì cha cũng lo nghĩ cho Văn cả. Cha rước thầy dạy thêm cho Văn, đi đâu cũng dẫn Văn theo. Còn con, có ai dạy cho học đâu. Con có hư cũng là phải. Bà Khai nghe Vũ oán cha thì nói: - Con đừng nói thế mà có lỗi đối với cha con. Tại con không chịu học, con lười biếng, con ham chơi, hung dữ và cứng đầu. Vũ nói: - Con hư hỏng như thế tại sao mẹ yêu con hơn anh Văn? Bà Khai không nói gì được nữa, và Vũ tha hồ mà nhõng nhẽo với me. Năm ấy Vũ được mười sáu tuổi. Thấy cha mẹ may sắm quần áo cho Văn đi du học, Vũ cũng bắt mẹ phải may sắm thật nhiều áo quần cho chàng. Chàng bấy giờ sang trọng như một vương tôn công tử. Sự tiêu xài của chàng vì thế mà tăng lên, và bà Khai giấu giếm ông Khai không được nữa. Ông Khai không giao tiền cho bà Khai nữa. Thế là bà Khai không thể nào cung ca61o cho Vũ đầy đủ như trước. Quen tánh xài lớn, bây giờ không tiền, Vũ đâu chịu được. Vũ về khóc lóc với mẹ, bà Khai không còn đồng nào phải lòi ra. Hết tiền bà bán đến nữ trang để có tiền đưa cho Vũ. Và bà làm sao chịu được khi thấy Vũ cứ quanh quẩn bên bà, kể lể này nọ và kê khai những món nợ cần phải trả gấp. Nếu bà không lòi tiền ra thì Vũ nằm suốt ngày, trùm mền lại, làm bộ đau. Chàng bỏ ăn, khạc nhổ, ọc mửa, trông đến kinh tởm. Vũ còn hăm tự tử làm bà Khai hết hồn, hết vía, phải chạy cho ra tiền để đưa Vũ và tống cổ chàng đi cho rảnh mắt. Lần sau cùng, Vũ đòi mẹ phải cho chàng mười nghìn đồng. Bà Khai kêu lên: - Trời ơi! Mẹ đâu còn tiền nữa! Bao nhiêu nữ trang của mẹ đã bán cả để lấy tiền đưa cho con rồi. Con xài gì mà nhiều quá vậy? Vũ nói: - Nguy lắm, con không thể nói được. Nếu không có mười nghìn đồng chắc con phải ở tù. Nghe vậy, bà Khai hoảng hốt: - Chuyện gì đó con? Con có thể nói mẹ biết được không? Vũ nhất định không chịu nói, bà Khai hăm doạ: - Nếu con không nói thì mẹ không đưa tiền. Chỉ vào cái nhẫn đeo tay bà nói tiếp: - Mẹ chỉ còn cái nhẫn cưới này đáng giá mà thôi, nếu con nói thật cho mẹ biết con đã làm gì mà đến nỗi sợ Ở tù thì mẹ mới có thể bán nhẫn này mà lo cho con thoát nạn. Vũ biết không thể giấu mẹ được nữa: - Con có một người bạn rất thân tên Quan. Mấy lúc nay con bỏ tiền ra cho Quan xài không phải là ít. Quan rất tử tế với con. Gần đây vì con hết tiền nên không có để cho Quan mượn thường, nhưng Quan vẫn tử tế với con như trước. Trái lại, có nhiều bạn trước kia hết sức nịnh nọt con, bây giờ thấy con hết tiền liền bỏ con, đi nói xấu con đủ điều. Quan biết con là con nhà giàu, nhưng không bao giờ nịnh con như tụi khác. Đôi khi Quan kiếm được tiền cũng dám bỏ tiêu xài với con, hoặc đãi con ăn uống. Quan có một người vợ rất đẹp, cô Thu Nhị Thu Nhi trước kia có hát trên đài và có tiếng là đẹp nhất miền Trung. Quan rủ con về nhà chơi, giới thiệu con với Thu Nhị Quan tin con lắm, cho nên có nhiều lúc đưa con về nhà, để con ở đó nói chuyện với Thu Nhi, rồi ra đi gấp, bảo là cần gặp người này người nọ để nói chuyện làm ăn. Thu Nhi trẻ con lắm mẹ ạ. Nàng xem con như một người bạn, thỏ thẻ kể con biết những chuyện của gia đình nàng. Nàng than phiền với con về tánh cộc cằn hung hăng của Quan. Nàng khóc lóc bảo là Quan không may sắm áo quần cho nàng, thấy nàng đẹp sợ người ta chọc ghẹo nàng, Thu Nhi nói nhỏ với con là Quan ghen lắm. Lần lần, Thu Nhi xin con khi thì một cây son, khi thì hộp phấn và nàng tỏ ra yêu mến con hết sức… Một hôm Quan rủ con về nhà ăn cơm, con nhận lời. Khi Quan, con và Thu Nhi ngồi vào bàn thì có người đến tìm Quan. Người ấy nói gì với Quan mà một lát sau Quan bảo con: - Anh ở nhà dùng cơm với Thu Nhị Tôi đi thăm người bạn đau nặng. Quay lại Thu Nhi, Quan nói: - Em ở nhà tiếp anh Vũ cho anh em nhé. Có lẽ anh đi đến sáng mới về. Nếu anh Vũ về rồi thì em đóng cửa cho cẩn thận, có sợ thì qua rủ bà Năm ngủ với em cho vui… Quan đi rồi, Thu Nhi kéo ghế ngồi sát bên con cùng ăn uống, chuyện trò thân mật, Thu Nhi cứ rót rượu ép con uống và cười cợt lả lơi với con khiến con không sao dằn lòng được… Thế rồi sau bữa cơm, con theo Thu Nhi vào phòng của nàng. Thu Nhi ngả lưng trên chiếc giường nệm và bảo con ngồi dưới chân để nói chuyện… Lúc ấy con say quá, Thu Nhi bảo gì con làm nấy, con cũng không còn nhớ lúc ấy con đã làm gì… Con chỉ biết rằng khi con tỉnh dậy, con thấy con nằm bên Thu Nhi và bên ngoài có tiếng gõ cửa gấp rút rồi tiếng chìa khóa đưa vào ổ khóa, tiếng giày đi lộp cộp và tiếng Quan quát tháo ầm ĩ: - Thằng này phản bạn. Còn con này nữa, mày cắm sừng lên đầu tao à? Con vội vã đứng lên thề thốt là con không hề động chạm đến người Thu Nhi, thì Quan chỉ cười lạt và nói: - Mày muốn tao đi mời công an cảnh sát đến không? Các bạn tao đang ngồi ở ngoài kia, họ sẽ làm chứng cho tao… Lạ một điều là Thu Nhi luôn miệng xin lỗi Quan: - Em trót nghe theo lời dụ dỗ của anh ấy. Anh tha cho em, đừng đem em ra cò bót, xấu hổ em. Các bạn của Quan nghe ồn ào chạy vào, họ làm bộ giảng hòa mà thật sự thì kể tội con, lên án con là dụ dỗ vợ bạn. Sau cùng họ đứng ra điều đình, bắt con phải ký giấy thiếu của Quan một vạn đồng thì họ mới để yên cho con ra về. Quan hẹn trong vòng ba ngày phải lo đủ số tiền, nếu con không lo được thì Quan sẽ kiện con về tội dụ dỗ vợ chàng. mẹ nghĩ đó, có phải tức cho con không? Bây giờ nếu mẹ không cho con tiền thì Quan sẽ kiện con và thế nào con cũng phải ở tù. Cha con mà hay được việc này thì chắc sẽ từ con, mẹ ạ. Bà Khai thở dài: - Chúng nó tìm cách làm tiền con đó. Con đã trót dại bây giờ biết nói sao! Thế là bà Khai phải nói dối với ông Khai để có một vạn đồng đưa cho Vũ. Cái việc không may này đã làm bà Khai khổ tâm không ít. Bà thấy rõ trước mắt cuộc đời hư hỏng của Vũ, nhưng bà không còn cách gì để đưa Vũ trở về con đường ngay thẳng nữa cả. Cái không may này thường lôi kéo cái không may khác… Sau câu chuyện bắt ghen ấy, Vũ thường vắng nhà luôn. Hai ba bữa, chàng mới về nhà một lần, mà về là để xin tiền mẹ. Bà Khai không chịu cho tiền chàng nữa, vì thật sự bà cũng không còn tiền đâu để cho Vũ… Mỗi lần Vũ đòi tiền là mỗi lần bà Khai nhắc đến chuyện cũ: - Thì mày mới đòi mời ngàn rồi. Tao làm gì còn tiền nữa… Rồi bà còn hăm dọa mét lại cho ông Khai biết về chuyện ấy… Vũ không được mẹ cho tiền nên nghĩ cách làm tiền. Chàng đi đàn ở các rạp hát, kết bè lũ với những tên lưu manh, làm tiền một cách phi pháp. Một ngày nọ, chàng vào một tiệm nữ trang làm bộ hỏi mua một chiếc đồng hồ đeo tay và khi người bán hàng quay đi chỗ khác, chàng ăn cắp một chiếc vòng nhận hột xoàn trị giá gần một trăm nghìn đồng. Chàng quay ra đến cửa thì người chủ tiệm thấy bộ chàng có vẻ khả nghi liền chặn chàng lại. Trong lúc ấy, người bán hàng tri hô mất chiếc vòng xoàn, vì thế Vũ bị lục soát và người ta đã bắt quả tang chiếc vòng xoàn trong túi của Vũ… Vũ bị đưa về bót cảnh sát, sau đó qua phòng dự thẩm và bị giam ở khám Chí Hòa… Cái tin này đã làm ông Khai như người mất trí. Ông lấy làm xấu hổ với bạn bè, bà con. Bà Khai đã khổ vì đứa con hư hỏng, còn bị Ông Khai đay nghiến suốt ngày: - Bà nghĩ có xấu hổ không? Bà bênh vực, che đậy cho nó, để bây giờ nó bôi nhọ thanh danh gia đình mình, giày xéo danh dự của mình, tôi còn mặt mũi nào màtrông thấy anh em quen thuộc nữa? Bà Khai đau khổ quá, ăn năn thì chuyện đã rồi, bà lâm bệnh nặng rồi chết. Ông Khai lo chạy luật sư cho Vũ, nhưng ra tòa, Vũ cũng phải lãnh án hai năm tù ở. Từ ngày ấy ông Khai buồn rầu, chán nản không làm ăn gì nữa. Ông rớ đến đâu, thất bại đến đó, vì thế ông liền gọi Văn về. Ông giao công việc cho Văn, hướng dẫn, chỉ vẽ cho Văn làm, ông nghỉ ngơi không bận tâm đến việc gì cả. Trước cái chết của mẹ và sự hư hỏng của em, Văn buồn lắm. Chàng oán ghét Vũ không sao nói được. Chàng thường nói với cha: - Sau hai năm, Vũ trở về đây, Vũ sẽ gây lôi thôi với con về chuyện cha giao sự nghiệp của cha cho con điều khiển. Ông Khai nói: - Con đừng lo về chuyện này. Cha sẽ lập tờ di chúc trước khi cha trăm tuổi già thì thằng Vũ không có quyền gì kiện con. Tiền bạc chia đều, nhà cửa cũng thế. Ông Khai tuy nói vậy nhưng tình yêu của ông cũng nghiêng về Văn. Mấy năm nay, ông gửi ngân hàng cho Văn một số tiền rất lớn. Nhà cửa ông mua đều để tên Văn. Nếu ông chết đi, gia tài phải chia làm hai thì Vũ cũng chỉ giành được một phần rất nhỏ mà thôi. Có lẽ vì buồn rầu thái quá, một năm sau ông Khai bị bệnh nặng. Ông gọi Văn và bảo: - Cha chắc không còn sống bao lâu nữa. Cha rất ân hận là chưa thấy con có gia đình. Một năm nay con có tang mẹ con nên cha chưa dám nghĩ đến chuyện cưới vợ cho con. Bây giờ thì khác, cha muốn con cưới vợ ngay để cha nhắm mắt cũng được yên tâm. Mấy lâu nay cha có để ý đến một thiếu nữ, cô Nguyệt, ái nữ của bà Định, bạn thân của mẹ con trước kia. Cô Nguyệt rất thạo chuyện buôn bán. Về làm vợ con, Nguyệt sẽ giúp con được nhiều công chuyện. Văn suy nghĩ một chút rồi nói: - Thưa cha, cha cứ yên lòng, con sẽ vâng lời cha dạy, tìm kiếm người xứng đáng, kết hôn và lo xây dựng sự nghiệp theo đúng ý muốn của chạ Bây giờ thì cha khoan bắt con cưới cô Nguyệt. Ai chứ cô Nguyệt thì con hiểu rõ lắm. Cô Nguyệt không được hiền lành, cha ạ. Cô ấy có vẻ nham hiểm, độc ác. Cô ta lại phách lối, ỷ mình có tiền. Mà cô ấy có giàu bằng ai đâu. Bà Định sắp phá sản rồi, cha chắc cũng nghe cái tin ấy chứ. Ông Khai liền nói: - Bà Định vừa thất bại lớn trong công việc làm ăn. Nhưng bà cũng còn giàu chán, bà lại chỉ có mình cô Nguyệt. Con thấy thế nào chớ con Nguyệt nó hiền lắm, nhưng hiền lành mà khôn ngoan chớ không phải dại. Cha dò xét kỹ rồi. Nếu con thật bụng yêu cha thì con nên nghe lời cha, để cha vui lòng. Văn còn do dự thì ông Khai nói: - Bà Định chỉ muốn gả Nguệt cho con, chớ có thiếu gì nơi đến hỏi mà bà không chịu gả. Con Nguyệt cũng vậy… nó yêu con lắm. Nếu bằng lòng, cha sẽ lo liệu gấp trong vòng một tuần lễ. Văn không nỡ trái ý cha, chớ sự thật chàng không thích Nguyệt. Từ ngày về nước đến giờ, ngày nào mà chàng không gặp Nguyệt. Nguyệt có một vóc người cao lớn, có một vẻ đẹp hung dữ và những cử chỉ suồng sã, lả lơi. Lần đầu tiên gặp Văn, Nguyệt tỏ giọng thân mật ngay: - Mấy lúc nay bác cứ nhắc đến anh mãi, làm em cũng phải quan tâm đến anh. Mỗi lần gặp Văn là Nguyệt đưa tay ra bắt, nói cười lẳng lợ Văn khó chịu lắm, nhưng phép lịch sự bắt buộc chàng phải nhã nhặn với Nguyệt. Văn thường nghĩ thầm: - Ai mà cưới cô này thì chắc là mất cả hạnh phúc, mà không khéo cô lại còn cắm sừng cho là khác! Nguyệt ăn bận lòe loẹt, trông không khác một me tây ngày trước. Bây giờ Văn lại phải cưới Nguyệt? Đau khổ cho chàng thật, nhưng cha chàng đã muốn như vậy, chàng làm sao dám cãi? Với một người vợ hung hăng và mưu mô như Nguyệt, liệu Văn có chịu đựng được hay không? Nhưng rồi bệnh của ông Khai mỗi ngày mỗi nặng và ông đã mời bà Định đến để bàn chuyện làm đám cưới gấp. Thế là dù muốn dù không, Văn cũng là chồng của Nguyệt. Hôn thú đã ký xong và Nguyệt là vợ chính thức của Văn. Về ở chung với nhau rồi, Văn mới khám phá ra Nguyệt không phải là một thiếu nữ còn tân. Nàng mang về cho Văn một tấm thân không còn trinh trắng. Nhưng Văn không dám nói cho cha biết vì chàng sợ cha chàng uất ức bị bà Định lừa gạt, rồi bệnh lại nặng thêm. Từ ấy giữa Văn và Nguyệt như có một sự xa cách nhau. Văn khinh Nguyệt ra mặt. Nguyệt không cần biết đến Văn. Lúc nào mặt mày nàng cũng vênh váo, phách lối. Nàng không hề ăn năn về chuyện đã mất trinh. Nàng cho rằng nàng không hề lừa ai. Văn muốn cưới nàng, chớ nàng đâu có ép Văn. Một hôm không dằn được sự bực tức, Văn phải nói: - Cô Nguyệt à, giữa cô và tôi giờ đây như thế là hết. Tôi vâng lời cha tôi cưới cô, tôi cũng tưởng cô là người đứng đắn. Ai ngờ tôi chỉ là người tới sau. Cô đã phụ lòng tôi quá nhiều. Nguyệt lớn tiếng: - Trước khi cưới tôi, anh có hỏi tôi về chuyện tôi là người như thế nào không? Thật là không có một lời mà. Tôi có khoe với anh tôi còn trinh trắng đâu. Mẹ tôi cũng không nói dối anh về chuyện đó. Tại sao giờ đây anh trách tôi? Cha anh muốn cưới tôi, chớ tôi, tôi có năn nỉ anh đâu? Văn nói: - Cô nói như vậy mà nghe được? Từ hồi nào đến giờ có cô dâu nào đi về nhà chồng lần đầu tiên mà như cô không? Người ta cưới vợ là cưới những cô gái trinh trắng, chớ có phải chồng chắp, vợ nối gì mà cưới những gái lỡ duyên hoặc đàn bà góa. Nguyệt hăm dọa: - Giỏi thì anh cứ ly dị với tôi đi. Văn ngao ngán quá, từ đó không thèm đá động đến chuyện ấy nữa. Rồi ông Khai chết, việc ma chay xong, Văn ở luôn ngoài sở, ít khi về nhà. Thỉnh thoảng chàng về là giữa Nguyệt và chàng có sự xích mích, cãi cọ. Bà Định bênh vực Nguyệt ra mặt, bà tìm Văn, trách móc Văn đã ăn ở lạnh lùng với Nguyệt. Bà đã nói: - Con trách nó sao được? Con nghĩ mà xem, nó còn trẻ như thế, sức lực đang sung túc mà con cứ bỏ đi mãi không thèm về nhà, nó không gây gỗ với con sao được. Có đời nhà ai, vợ chồng mới cưới mà tệ như thế không? Thôi con ơi! Chuyện đã qua, có giận cũng chẳng ích gì. Con hãy nghĩ tới chuyện hiện tại, lo làm ăn, nghĩ đến tương lai, con cái. Văn không ưa bà Định. Chàng biết bà Định đã sạt nghiệp, bay giờ bà bám víu vào Văn để làm lại cơ đồ. Nhưng vì không tin Nguyệt, bao nhiêu tiền nong Văn đều giữ cả, không giao cho Nguyệt một tí quyền nào. Bà Định thấy Nguyệt không có quyền hành gì cả thì tỏ ý bất mãn. Bà xúi Nguyệt làm dữ với Văn để Văn giao cho nàng tiền, coi tiệm buôn. Nhưng Nguyệt nói gì hay làm gì Văn cũng không chịu giao tiền cho Nguyệt. Mỗi tháng Văn chỉ giao cho Nguyệt một số tiền đủ lo xoay xở về việc tiêu xài trong gia đình. Nguyệt làm sao khỏi oán ghét Văn được. Văn đã buồn về chuyện vợ con, lại gặp lúc Vũ được ra khỏi khám. Vũ về nhà, được tin cha mất, không một chút hối hận thương tiếc. Vũ còn hỏi anh: - Anh về từ bao giờ vậy? Sao anh không vô thăm tôi? Anh em tệ đến thế này thì còn tình nghĩa gì nữa? Vũ trước kia đã hung hăng, bây giờ càng hung hăng thêm vì hai năm nay Vũ sống chung với bọn trộm cướp, hung đồ. Văn khuyên em: - Em đừng trách anh. Trước khi trách người, mình hãy trách mình đã. Em làm cho mẹ chết, cha chết, gây tiếng xấu cho gia đình ta, em không biết ăn năn sao? Từ ngày anh về đây, anh cho người đi nuôi em, gởi tiền nong, thuốc men cho em, em đâu có thiếu vật gì. Còn bảo anh đi thăm em thì anh đi thế nào được. Anh bận bao nhiêu việc. Vả lại anh cũng không muốn làm trái ý cha. Vũ hỏi: - - Cha cấm không cho anh vào thăm em? Văn chưa kịp trả lời thì Vũ đã nói: - Phải mà, đi thăm làm gì cái thằng em ăn trộm, ăn cắp, bị tù bị tội phải không anh? Anh là người có học, ông này ông nọ, danh giá mà. Nhưng anh có biết tại sao em ra thân hèn thế này không? Cha mẹ cưng anh cho học, còn em, có ai thèm săn sóc đến em đâu. - Sao em oán trách cha mẹ như thế? Lỗi tại em không chịu học, chớ có cha mẹ nào không cho em học? Nhưng thôi, giờ em đã được tự do, anh chỉ mong sao em cải tà quy chánh, sống lương thiện để giúp anh trong công việc làm ăn. Anh sẽ đứng ra cưới vợ cho em. - Vợ con mà làm gì? Cha mẹ chết không chia gia tài à? Bao nhiêu của cải giao hết cho anh sao? Việc gì em phải ở đây làm mọi cho anh? Em có công việc làm ăn của em chứ. - Cha có lập chúc thư trước khi chết, mẹ thì chết thình lình. Số gia tài của em hiện ở nơi chưởng khế Toán. Em cứ lại đó mà lãnh, nếu em không muốn ở đây với anh. - Được, để em lại ông Toán, xem qua số tiền chia cho em được bao nhiêu. Anh lấn lướt em quá. Nhà cửa này cha mẹ cho anh? Cả cái tiệm buôn của cha? Văn không muốn cãi lẫy với em, nên nói: - Anh không có quyền gì trong việc này cả. Cha cho anh cái gì thì anh hưởng cái ấy. Vũ nói: - Anh không được tham như thế. Trong lúc em ở trong khám, anh ở bên cha òn ĩ, nịnh nọt cha để sang đoạt tất cả của cải của em. Em sẽ đi kiện cho anh biết. Văn chỉ làm thinh chớ không thèm mất lời với người em hư hỏng, xấc láo ấy. Vũ đến nhà ông chưởng khế Toán. Ông chưởng khế đưa cho chàng độc tờ di chúc, chàng không biết gì hơn là nhận lãnh số tiền gia tài. Ông Khai còn cho chàng một căn nhà nhỏ. Chàng liền dọn về ở đó. Từ ngày ấy chàng không thèm lui tới thăm Văn nữa. Gặp ai chàng cũng bảo là cha chàng bất công, sang của cải cho Văn trước khi chia gia tài. Văn còn được lãnh của hương hỏa nữa, còn lớn hơn cả gia tài của chàng. Văn nghe Vũ kêu rêu bực mình lắm, nhưng đối với em lúc nào Văn cũng tỏ ra xứng đáng là một người anh. Thỉnh thoảng Văn còn cho xe đi rước Vũ về nhà chơi. Trước tình chân thật của anh, Vũ không cảm íc lại còn oán ghét, ganh tị. - Anh có xe hơi, có vợ giàu. Và Vũ cũng bỏ tiền ra tậu xe hơi. Sẵn có tiền trong tay, Vũ tha hồ tiêu xài. Các bạn bè cũ của chàng cứ bu lại rủ rê chàng. Đồng tiền không sinh lợi, dễ hết lắm. Nó chạy theo các sự xa hoa, và túi của Vũ không mấy lúc đã cạn. Chỉ trong vòng một năm, chàng chỉ có chiếc xe hơi và căn nhà. Chàng liền bán căn nhà. Nhưng căn nhà ấy trong giấy tờ ông Khai để lại, Vũ chỉ có quyền bán khi có sự đồng ý của Văn. Vũ phải đến tìm Văn để nhờ anh ký vào giấy bán nhà. Văn ngạc nhiên hỏi em: - Chú tiêu xài gì quá vậy? Cha để lại cho chú bao nhiêu tiền, chú không lo làm ăn, tiêu xài hết trong vòng một năm. Bây giờ chú bán nhà? Chú bán nhà rồi ở đâu? - Ở đâu được thì thôi, anh không nên can thiệp đến công việc của em làm gì. Em bây giờ lớn rồi. - Tôi can thiệp đến việc của chú làm gì, nhưng nếu chú cứ tiêu xài kiểu này thì tiền bán nhà nay mai cũng không còn. Chú nghĩ kỹ lại, lo làm ăn sinh lợi thì mới có tiền xài chứ. Aên ở không mà xài thì cả tỉ cũng không còn chú ạ. Tôi không ký đâu, chú đừng ép tôi. - Anh không ký thì các chủ nợ kiện tôi, tôi bị tù chứ sao đâu. Anh có tiền, anh không hiểu được cảnh ngộ của đứa em nợ nần túng thiếu. Vũ nói gì Văn cũng không ký, Vũ phải bán chiếc xe hơi để trả bớt nợ nần. Trong lúc này Vũ đã quen với Liên Hoa và đã đem nàng về với chàng, nơi một căn phố thuê trong một đường hẻm. Vũ không dám đem Liên Hoa về nhà vì chàng sợ nay mai bán nhà, Liên Hoa phải dọn đi mất công. Tiền bán xe hơi cũng không đủ thiếu gì, vì thế trong vòng nửa tháng sau là Vũ lại đến làm phiền Văn. Văn nhất định không chịu ký giấy cho Vũ bán nhà, và hai anh em cãi lẫy nhau ầm ĩ. Vũ không tiếc lời mắng nhiếc anh, và rốt cuộc, muốn cho Vũ yên lặng ra về, Văn phải cho Vũ một số tiền. Tình trạng này cứ kéo dài mãi, một lần Vũ đến là một lần Văn vừa mất thì giờ, vừa mất tiền, và sau khi Vũ về thì giữa Văn và Nguyệt lại có sự gay gổ. Nguyệt đay ngiến chàng: - Anh có ông em quý hóa quá, lưu manh, côn đồ như thế mà anh cứ cho tiền là sao? Của này là của chung, cả chồng lẫn vợ. Anh nên nhớ như thế. Văn không chịu được bao nhiêu sự phiền phức nên lần sau Vũ đến, Văn không tiếp nữa. Vũ phải tìm kiếm tận chỗ làm để gặp Văn, nhưng Văn cũng tránh mặt. Không tiền nuôi Liên Hoa, Vũ mới làm tiền Mỹ Dung. Ngôi nhà của Vũ chưa bán được, nhưng chàng đã nhường cho người khác ở và mượn tạm một số tiền, kể như tiền sang nhà. Nhưng Mỹ Dung đã hết tiền mà Liên Hoa lại hăm doa. đi tố cáo chàng, chàng chỉ còn nước là bán nhà. Chỉ còn cách ấy nữa mà thôi. Làm thế nào cho Văn chịu ký vào giấy bán nhà bây giờ? Lần này chàng phải thắng Văn, nếu không thắng thì chàng chỉ còn nước bỏ xứ mà đi. Vũ nhất định đến phòng làm việc của Văn. Chàng đứng lên thay bộ quần áo khác, rồi ra đi. Hai ba lần chàng đến văn phòng của Văn, người gác cửa không cho chàng vào nhưng chàng vẫn không nản lòng, cứ ngồi đợi. Đến năm giờ, Văn ở trong đi ra, thì Vũ chụp ngay cơ hội ấy, theo Văn vào trong. Vũ kéo ghế ngồi đối diện với anh và nói giọng mỉa mai: - Anh từ tôi rồi sao? Tại sao anh cứ lánh mặt mãi không thèm tiếp tôi? Anh muốn tôi chết đói, chết rục vì tù tội à? Văn nói: - Chú có thèm nghe lời tôi đâu. Tôi đã bảo với chú… Vũ không để Văn nói hết, chận ngay lời Văn: - Lại giảng luân lý! Tôi ngấy tai vì những lời khuyên của ông rồi… Tôi có phải con nít đâu mà anh nay giảng luân lý, mai giảng luân lý! Lần này tôi đến đây chỉ yêu cầu anh một điều. Văn cười lạt: - Lại chuyện bán nhà chứ gì? Vũ nói: - Anh đã biết thì tôi không cần nói nhiều. Anh nên hiểu vợ tôi đau yếu, con tôi mới sinh không có tiền mua sữa, anh nên giúp tôi một lần cuối cùng. Giúp tôi mà anh vẫn không tốn kém gì kia mà. Văn hỏi: - Chớ chú cưới vợ hồi nào mà có con? Sao chú không cho tôi hay? Vũ gạt ngang: - Chuyện ấy anh đâu cần biết. Mà biết có ích gì cho anh, cho tôi? Điều anh cần biết là hiện giờ tôi đang cần tiền, không có tiền thì con tôi chết, vợ tôi cũng không sống được. Anh nghĩ lại mà thương cho tôi nhờ. Nếu anh giúp tôi bán nhà thì từ rày về sau tôi không đến phá rầy anh nữa. Văn lắc đầu: - Tôi đã nói rõ với chú rồi, tôi không ký đâu. Hôm nay chú cần bao nhiêu tiền cứ nói, tôi sẽ giúp chú. Chú nên hiểu lúc nào tôi cũng nghĩ đến chú, chú không biết anh em, tình nghĩa gì cả. Vũ nghe Văn bảo là không ký vào giấy bán nhà thì tức lắm, vẻ mặt đỏ gay, đứng lên nói có vẻ hăm dọa: - Tôi có xin tiền của anh đâu? Tôi có nhà, tôi bán để có tiền trả nợ mà, anh đừng có lên mặt tình nghĩa. Tình nghĩa gì anh? Anh sang đoạt của cải của cha mẹ để lại, anh giàu sang, anh quên thằng em nghèo hèn này. Tình với nghĩa nói nghe mà đứt ruột, héo gan… Văn nói: - Chú đừng ồn ào như thế. Thôi được, chúng ta sẽ bàn tính lại. Chú ngồi lại đây, chú có muốn uống gì không? Nãy giờ tôi làm việc cũng đã lâu rồi, cũng hơi mệt. Để tôi gọi nước cho hai anh em mình uống. Có cả bánh pa-tê nữa chú ạ. Nói xong Văn bấm chuông. Một người giúp việc chạy vào. Một lát sau, anh ta bưng vào một mâm đầy, nào bia, nào bánh. Vũ nhìn hai cốc bia và trề môi: - Em không uống bia đâu. Có cô-nhắc cho em vài lỵ Mấy hôm nay không tiền, em cũng hơi thèm. Văn cười nói vẻ hài lòng vì thấy Vũ đã xưng em. - Được, để anh gọi đi lấy cô-nhắc. Anh không dùng thứ đó nên không có sẵn. Văn nhờ người đi mua rượu. Hai anh em ngồi đợi. Trong lúc ấy có người đến tìm Văn để nói chuyện buôn bán. Văn mở cửa hông, đưa Vũ qua đó và nói: - Em đợi anh một tí nhé. Nói xong, Văn đóng cửa lại sau khi người bồi đã mang mâm đồ ăn đi theo Vũ. Văn nói chuyện với ông khách đến sáu giờ mới xong. Vũ ngồi chờ ở bên phòng, ngắm ngía cảnh bày biện trong phòng, không khỏ ghen tức. Chàng chưa bao giờ thấy một căn phòng sang trọng và có mỹ thuật như thế. Bốn vách tường đều treo màn màu xanh nhạt. Bàn ghế bọc nhung xanh. Một chiếc đi văng có nệm kê ở một góc. Nhiều bức ảnh treo đây đó. Trên một cái kệ có để bức chân dung của ông Khai. Vũ tự hỏi: - Tại sao anh Văn có căn phòng này ở đây? Bộ anh ta không về nhà sao? Hay anh ta lập ra căn phòng này để có thể dẫn các cô nhân tình về mà vợ anh không hay biết. Vũ tự nhiên ăn năn: - Học giỏi cũng có sướng. Giá trước kia ta chịu học thì bây giờ đâu có ra nông nỗi này. Trong lúc ấy Văn tiễn đưa ông khách xong, trở vào tìm Vũ: - Xin lỗi chú nhé. Chú đợi có lâu lắm không? Kìa sao chú không rót rượu ra uống trước đi, đợi tôi làm gì? Vừa nói Văn vừa ngồi xuống bên Vũ, có vẻ thân mật. Hai anh em nâng ly chúc mừng nhau. Văn nói: - Phải chi chú chịu nghe lời tôi, đừng chơi bời nữa, trở về đây làm ăn với tôi thì anh em chúng ta vui vẻ biết bao. Cảnh tôi cũng không vui gì cả, chú ạ. Vũ nghe anh tâm sự liền nói: - Bộ anh làm việc rồi ở luôn đây không về nhà à? Chà, căn phòng của anh sang trọng quá, còn sang hơn tư thất của các ông lớn. Anh ở đây, chị không rầy rà sao? Văn nói: - Chị ấy cũng có rầy rà, nhưng anh có quyền của anh chứ. Uống đi em. Bây giờ em nhất định bán nhà phải không? Em bảo bán để trả nợ. Thế rồi khi trả nợ xong, em lấy tiền đâu xài? Em làm gì để sống? Nếu em nói mà anh nghe được thì anh sẽ ký cho em bán. Anh cũng không muốn làm khó dễ em làm gì. Nghe anh nói, Vũ cũng hơi lo nghĩ, nhưng chàng cứ trả lời bừa cho xong chuyện: - Em phải thanh toán xong nợ nần rồi mới tính chuyện làm ăn được. Chớ cứ nợ nần kiểu này, nay lẩn lút trốn tránh, mai lẩn lút trốn tránh thì còn làm ăn gì được nữa. Em bán nhà rồi sẽ về đây với anh. Nhưng mà anh ơi! Chị ấy coi bộ gắt gỏng đanh đá quá, em làm sao chịu được? Văn nói: - Không sao, em cứ ở đây, về ở chung làm gì mà ngại. Nhưng em nên sửa lối sống lại. Đừng chơi bời nữa. Vũ hỏi: - Em ở đây rồi ai lo cho vợ con em? Hiện giờ em có đến hai người nhân tình. Văn ngạc nhiên: - Hai người nhân tình? Thế sao em bảo là vợ của em? Vũ cười: - Vợ con gì đâu… Nhân tình thứ nhất của em tên là Liên Hoa, một cô đào hát không tên tuổi, chỉ được chút ít nhan sắc. Cô ấy trước kia là vợ của một ông thầu khoán. Em lợi dụng lúc cô ta bị Ông thầu khoán lợt lạt, em phổng mất để có tiền xài, nhưng rủi thay cô ấy lỡ có thai với em, em không nỡ bỏ mà phải nuôi báo cộ Không có tiền nuôi Liên Hoa, em mới định bán nhà. Nhưng anh không cho em bán nhà. Buộc lòng em phải đi đàn, đi hát. Rồi tình cờ em làm quen được một cô thư ký hãng Hồng Tân. Cô này còn trẻ, thơ ngây lắm vì trước đây ở cô nhi viện ra. Có bao nhiêu tiền, cô ta đem ra nuôi em cả, vì cô ấy lầm em và tin em là một sinh viên trường luật. Văn cau mày: - Với Liên Hoa, em đối xử như vậy thì cũng đành. Nhưng đối với cô thư ký nào đó, em làm vậy, anh thấy bất nhẫn quá. Lừa dối cô ta làm gì? - Cũng tại cô ta chứ. Ai bảo cô ta nuôi mộng làm vợ luật sư, bác sĩ. Nhưng cô ấy chưa trao thân cho em, anh ạ. Cô ta dè dặt về chuyện này, cứ nhất định đợi em làm lễ cưới tử tế đã. Nhưng đời nào em cưới đâu anh! Cưới để mang nợ hay sao? Em xài hết tiền của Mỹ Dung rồi, còn gì mà cưới với hỏi? - Em nhất định bỏ cô ta à? Thế còn Liên Hoa? Vũ nói một cách tàn nhẫn: - Ai rồi em cũng bỏ hết. Tính xong nợ nần rồi em về đây với anh. Anh xem có chỗ nào giàu thì đi nói cho em. Trong cảnh em chỉ có vợ giàu là yên thân. Đeo mang Liên Hoa để nuôi báo cô nó à? Còn cưới Mỹ Dung thì với đồng lương ba ngàn của nó, liệu có đủ nuôi em không? Nhìn lên đồng hồ thấy đã bảy giờ tối, Vũ nói: - Bây giờ anh bằng lòng ký vào giấy bán nhà của em rồi chứ? Văn nói: - Được, anh sẵn lòng ký nếu em trở về với anh, trở về con đường ngay thẳng. Bao giờ em mang người lại đây để làm giấy bán nhà? Vũ nói: - Ngày mai, đúng mười giờ. Anh đợi em nhé. Vũ nói xong, rót rượu uống một hơi hai ba ly, rồi ngây ngất đứng lên ra về. Văn định đứng dậy đưa em ra cửa, nhưng lúc ấy có một hồi chuông điện thoại reo bên văn phòng. Văn nói với Vũ: - Thôi em về nhé. Anh qua nghe điện thoại. Mai chúng ta sẽ gặp nhau. Vũ lảo đảo ra cửa. Chàng đi ngang qua một cái sân rộng. Bỗng trong bụi cây dâm bụt, một người to lớn nhảy ra cầm gậy đập mạnh vào gáy chàng. Vũ không kịp la, ngã nhào xuống. Người ấy bồi cho chàng ba bốn lưỡi dao vào người rồi lanh như chớp, biến mất. Một lát sau, anh giúp việc đi về, ngang qua sân thấy Vũ nằm một đống liền tri hô lên và Văn chạy ra. Thấy em mình bị nạn, chàng liền gọi điện thoại cho Ty cảnh sát biết để phái người đến khám nghiệm và mở cuộc điều tra. Văn đứng sững sờ bên thây em, tâm hồn rối loạn. Vũ mới đứng nói chuyện với chàng đó, thế mà bây giờ đã ra người thiên cổ. Ai giết Vũ? Giết bằng thứ khí giới gì mà nhanh chóng như thế? Ai thù oán Vũ? Với lối sống ngang tàng của Vũ, chắc Vũ có lắm người thù oán. Một lát sau, các nhân viên cảnh sát đến khám nghiệm tử thi kết luận Vũ bị đánh bất tỉnh và bị đâm trúng tim nên chết liền… Thi thể Vũ được chở về nhà xác để bác sĩ khám nghiệm và để các nhà chuyên môn lấy dấu tay tìm thủ phạm. Văn và những người trong nhà đều bị mời về bót để tra hỏi, nhưng tất cả đều được tha về vì không có bằng chứng gì. Các báo đăng tin Vũ bị ám sát và bàn xôn xao, đưa ra nhiều nghi án. Văn thương xót cho em lắm. Chàng không ngờ em chàng chết một cách thê thảm thế. Chàng đang nuôi hy vọng sửa chữa và xây dựng cho đứa em hư hỏng. Ý định của chàng chưa thực hiện được thì Vũ đã chết. Còn gì đau đớn bằng? Một hôm, mở một tờ báo, Văn bỗng tái mặt. Một cái tít lớn nêu lên câu: - Vũ bị giết lầm. Vũ đã chết thế cho Văn, vì hai anh em chàng giống nhau như khuôn. Có thể như thế được không? Văn có làm gì cho ai thù ghét đâu? Tại sao người ta lại đưa ra một chuyện vô nghĩa như thế? Nếu quả thật có người muốn giết chàng thì oan cho Vũ quá. Vũ đã chết thế cho chàng. Văn cố bươi trong đầu óc ra những ai có thể là kẻ thù của chàng. Chàng cố tìm tòi, lục lạo trong các bạn bè, trong các bạn hàng, nhưng người nào cũng không đáng cho chàng nghi ngờ. Những người ấy, người nào cũng tử tế với chàng cả. Chỉ có Nguyệt, vợ chàng, là không thương yêu chàng. Giữa chàng và Nguyệt thường xảy ra những chuyện cãi cọ, xích mích, đụng chạm về quyền lợi, nhưng từng ấy chuyện không đủ cho chàng nghi Nguyệt muốn giết chàng. Không, Nguyệt là một người đàn bà, đâu có can đảm làm chuyện kinh khủng như thế. Nguyệt âm mưu cho kẻ khác giết Văn? Giết Văn, Nguyệt có lợi gì không? Nguyệt nhắm vào gia tài của chàng à? Văn cố xua đuổi những ý nghĩ đen tối, nhưng những ý ấy cứ lảng vảng trong đầu óc chàng mãi, làm chàng mất ăn, mất ngủ. Văn theo dõi các bài báo để biết thêm những chi tiết quanh cái chết của Vũ. Một tờ báo đã nói rất nhiều về Mỹ Dung, cô thư ký, người yêu của Vũ. Báo ấy đã viết: - Vũ là một thanh niên du thủ du thực nhưng lạ lùng thay chàng ta lại được một thiếu nữ trong trắng yêu thương một cách tha thiết, khiến ai khi nghe đến chuyện của cô cũng phải cảm động đến ứa nước mắt. Cô thư ký của hãng Hồng Tân, vị hôn thê của Vũ, tên là Mỹ Dung. Cô giúp việc cho hãng này gần ba năm nay, được ông giám đốc tín nhiệm và xem như con cháu. Cô Mỹ Dung là một thiếu nữ mồ côi, được nuôi dưỡng từ thuở bé ở cô nhi viện. Cô hiền lành, đẹp đẽ nhưng rất dè dặt trong sự giao thiệp với các bạn trai. Thế mà không biết ai đã giới thiệu tên Vũ với cô, Vũ đã xài của cô rất nhiều tiền. Chính ông giám đốc hãng Hồng Tân cho chúng tôi hay là trước khi xảy ra án mạng Vũ có đến làm tiền cô và cô đã liều lĩnh vay của ông số tiền bốn ngàn đồng. Ông giám đốc có khuyên cô về chuyện của Vũ, nhưng hình như cô không chịu nghe. Hôm xảy ra án mạng, cô Mỹ Dung không hay biết gì cả, cô cũng rất ít đọc báo. Ngày hôm sau, cô đến sở, các bạn của cô bàn tán về cái chết của Vũ tại nhà ông Văn, cô lóng tai nghe có vẻ ngạc nhiên lắm… Sau cùng cô mượn một tờ báo để đọc một cách chăm chú, vẻ mặt không lộ sự đau buồn. Nhưng khi cô đọc xong, bỗng ngã ra bất tỉnh. Các nhân viên trong hãng Hồng Tân hốt hoảng lo chạy chữa cho cô, nhưng cô vẫn lờ đờ như kẻ mất hồn. Ông giám đốc cho xe chở cô vào bệnh viện. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ bảo là Mỹ Dung bị mất trí vì một cảm xúc quá lớn. Hiện nay ông giám đốc và nhân viên trong hãng Hồng Tân đang mở một cuộc lạc quyên để lấy tiền chạy thuốc cho cộ Cô nằm tại bệnh viện và được bác sĩ hết lòng điều trị. Chúng tôi có vào thăm cô Mỹ Dung, cô ấy ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi rúc vào trốn ở một xó phòng như sợ sệt. Cô Mỹ Dung trông đáng thương quá. Chúng tôi có hỏi về bệnh tình của cô thì bác sĩ bảo rằng may ra có thể chữa được, và nếu Mỹ Dung bị một lần xúc cảm lớn như lần trước thì cô có thể lấy lại trí nhớ. Văn đọc xong bài báo, chống tay suy nghĩ. Đời của một thiếu nữ ngây thơ và chân thành đến thế sao? Vũ đã chết vì chàng thì chàng có bổn phận phải giúp đỡ cho kẻ đáng thương hại kia. Chàng phải vào bệnh viện thăm Mỹ Dung. Chàng cũng phải đến thăm ông giám đốc Hồng Tân để hoàn lại số tiền Mỹ Dung đã mượn của ông. Đó là món nợ bằng tiền và cũng là món nợ tinh thần mà Văn phải trả gấp. Văn đi ngay lại hãng Hồng Tân. Ông Đại tiếp chàng một cách vui vẻ. Sau khi Văn trình bày mục đích cuộc thăm viếng, ông Hồng Tân ngạc nhiên: - Ông là anh ruột của ông Vũ, kẻ bị ám sát? Văn kể sơ qua cho ông Hồng Tân nghe về chuyện gia đình, về người anh em hư hỏng và nói: - Tôi vừa khuyên nhủ và cảm hóa được em tôi thì nó bị giết. Thật là một việc đáng tiếc. Lúc nhỏ anh em chúng tôi ở bên nhau, khi tôi ở ngoại quốc về thì Vũ bỏ nhà ra đi, sau khi bị tù tội. Vì thế mà đời tư của Vũ, tôi không được biết. Thỉnh thoảng Vũ về xin tiền tôi và bắt tôi ký tên cho Vũ bán nhà. Vũ ít khi tâm sự với tôi cho nên tôi không biết rõ chuyện Vũ và Mỹ Dung. Ngày nay, nhân đọc một bài tường thuật kỹ về mối tình của em tôi với cô Mỹ Dung, tôi thương hại cho cô quá. Tôi không biết thực hư thế nào nên đến đây nhờ ông cho biết qua về Mỹ Dung. Ông Đại sau khi khen Văn là người trung tín, kể chàng nghe về chuyện Mỹ Dung và nói: - Các nhân viên ở đây quyên được tất cả năm nghìn đồng. Tôi cho ba nghìn, cộng chung là tám nghìn; Mỹ Dung nằm ở bệnh viện, mỗi ngày tốn một trăm đồng. Chúng tôi đã đóng hết số tiền ấy cho bệnh viện. Ngoài ra, các nhân viên còn thay nhau vào thăm Mỹ Dung. Văn nói: - Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của ông giám đốc và các bạn ở đây… Nhưng ông giám đốc cho phép tôi giúp đỡ Mỹ Dung, vì nếu Vũ không chết thì Mỹ Dung sẽ là em dâu của tôi. Sẵn đây tôi xin hoàn lại số tiền Mỹ Dung đã mượn của ông để cho em tôi, và ông làm ơn đưa tôi đi thăm tất cả anh chị em trong hãng của ông để tôi cám ơn các bạn ấy… Ông Đại nhận số tiền của Văn trả và đứng lên đưa Văn ra phòng làm việc chung của các nhân viên. Khi nghe Văn kể, ai nấy cũng cảm động. Nhưng khi Văn xin hoàn lại tiền cho các bạn của Mỹ Dung thì họ không bằng lòng. Cúc đã đứng ra thay mặt cho anh chị em của hãng Hồng Tân nói: - Chúng tôi đóng góp một người vài trăm để gọi là giúp đỡ một người bạn gặp tai nạn. Số tiền ấy có là bao. Nếu ông muốn hoàn lại cho chúng tôi thì chúng tôi còn có cách gì bày tỏ tình đồng nghiệp tương thân, tương ái của chúng tôi. Văn nói: - Các bạn nên để tôi làm phận sự một người anh. Tôi có đủ phương tiện để giúp đỡ Mỹ Dung. Nói như thế không phải tôi khoe mình giàu, nhưng mà các bạn làm lụng vất vả, đồng tiền kiếm ra không phải dễ, các bạn có lòng là quý lắm rồi. Văn nói mãi, các nhân viên trong sở mới chịu để Văn hoàn lại số tiền. Nhưng ông giám đốc không chịu lấy lại số tiền của mình. Ở hãng Hồng Tân ra, Văn đi ngay lại bệnh viện. Lòng chàng cảm thấy nhẹ nhàng và khoan khoái.