Chương 1

    
ào vừa giảm ga máy Kôle, vừa chỉ Lưu Ly thấy chỗ con sông tẻ làm hai nhánh:
- Bắt đầu vào nhánh sông chẻ này là đất của nhà bà Hà.
Lưu Ly hỏi ngay:
- Vậy cây xoài và cái miếu nằm chỗ nào? Khuất sau hàng bần, dưới ghe làm sao thấy được? Mình đi dọc song xem đất của họ dài tới đâu cho biết.
Đào cười:
- Nếu tính luôn miếng đất bên cồn, đất của họ cũng ngang ngửa với đất nhà mình. Nhưng bà Hà nhờ một người bạn của chồng coi sóc quản lý, nên vườn bên đó thu nhiều hoa lợi hơn.
- Ai nói với em vậy?
- Ông Chín chớ ai. Nhiều lúc thấy ông chín tội lắm! Già rồi nhưng không được nghỉ ngơi, suốt ngày vòng vòng hết vườn nhãn này tới công xoài nọ, ông hò hét đôn đốc tụi làm vườn, nhưng vẫn bị qua mặt. Ông Chín cho em học trung cấp Nông Nghiệp để sau này coi vườn cho ông đó.
- Em thích ngành này không?
- Cũng thích, nhưng cực lắm chị ơi! Sống ở thành phố, lâu lâu về chơi như chị mới sướng. Bao giờ làm chủ cũng hơn làm công.
Lưu Ly gượng cười vì câu nói vô tình của Đào. Hôm qua cô nghe ba và ông nội bàn chuyện đất đai, hình như ông nội tính làm di chúc, nhưng vì còn một phần tranh chấp chưa xong, nên chưa làm được. Có phải đó là mảnh đất gần cái miếu không? Lưu Ly chưa dám hỏi. Cô sợ tò mò quá sẽ bị nội đuổi về trong khi cô năn nỉ muốn gãy lưỡi mới được ở lại một tuần.
Nhìn những cây nhãn thấp lè tè say oằn trái, Lưu Ly thích quá. Đúng là châu thổ phù sa có khác! Suốt buổi sáng qua cồn, Lưu Ly mới Khám phá được sống giữa thiên nhiên trong lành quá hạnh phúc! Với cô cái gì cũng lạ. Từ con cá thòi lòi búng mình lóc chóc ở mé mương, tới con rắn mối vàng nâu bóng lưỡng đều đáng để chiêm ngưỡng. Cô đúng là quê trước những hiểu biết của Đào. Con bé điều khiển máy đuôi tôm mới điệu nghệ làm sao! Nhất định cô phải học bơi, học chèo, học chống xong mới về Sai Gòn.
Lưu Ly dụ dỗ:
- Dạy chị chạy máy đuôi tôm với.
Đào ngần ngừ:
- Chị chưa biết bẻ lái mà.
- Ăn thua gì, cứ cập bờ sông, mình tập cho quen. Khúc này ít ghe qua lại, chạy chầm chậm đâu có sao.
Đào phì cười:
- Chị nói y như người nhiều kinh nghiệm sông nước không bằng.
Ly tủm tỉm cười pha trò:
- Người nhiều kinh nghiệm này xứng đáng làm đệ tử em chưa?
Đào giả bộ đáp lễ:
- Không dám!
Rồi con bé nhường chỗ cho Lưu Ly ngồi. Nó hào hứng cách sử dụng chân vịt, cách bẻ lái....
Lưu Ly thích thú điều khiển chiếc ghe dọc theo sông. Chạy được một đoạn sát bờ, cô nổi hứng cho ghe ra gần giữa dòng.
Đào kêu lên:
- Đừng ra xa hơn nữa. Ngoài đó nước chảy xiết lắm, mình lại đang ngược dòng.
Lưu Ly bướng bỉnh tăng ga:
- Con bé này vậy mà nhát gan! Ngược dòng thì sao chứ!
Đào lo lắng khi thấy từ phía sau một chiếc ghe khá to đang trờ tới. Trên ghe có ba bốn thanh niên mặt mày đỏ bừng như say rượu. Họ đang chỉ trỏ, cười nói um xùm trông thật lố bịch. Đào vội hối:
- Tấp vào bờ đi chị Ly. Mấy thằng cha nhậu này ẩu lắm! Đã vậy ghe nó lại lớn nữa.
Lưu Ly liền bẻ lái khi chiếc ghe kia áp sát ghe mình. Sóng ập vào làm cô mất thăng bằng muốn té. Một giọng đàn ông ré lên:
- Đua hông em!
Lưu Ly còn đang loay hoay chưa biết phải làm gì, thì chiếc ghe nọ đảo một vòng trước mũi ghe cô. Sóng nhồi mạnh làm Lưu Ly chúi về một bên. Cô hốt hoảng buông tay lái, vịn vào thành ghe, mắt nhắm tít vì sợ. Chiếc ghe quay tròn trên nước làm Ly càng sợ hon. Cô hét lên như điên trong lúc Đào chồm người về phía máy kôle. Hai người té sang một bên, chiếc ghe nghiêng theo đợt sóng nhồi thật mạnh và lật úp lại. Lưu Ly hãi hùng la thất thanh, cô té nhào xuống nước, tay chân quơ loạn xạ. Nước ập vào mặt vào miệng làm Ly ngộp thở, cô không biết bơi nên cứ trồi lên hụp xuống và bị dòng nước cuốn đi phăng phăng.
Trong lúc đó Đào cố bơi theo Ly nhưng không kịp, con bé sợ mụ cả người cố ngoi đầu lên nước để kêu cứu. Chiếc ghe chơi trò bất nhân chạy một đỗi xa mới quay lại. Họ kéo Đào lên rồi mới nhảy xuống tìm Lưu Ly. Run lập cập vì lạnh và vì khiếp đảm, Đào cố sức hét thật to:
- Cô ấy là cháu nội ông Chín Trực, có bề gì mấy người ở tù rục xương!
Ngồi trên ghe, lòng Đào nóng như có lửa đốt, cô vừa chạy dọc bờ vừa kêu cứu khàn cả tiếng. Không định được thời gian là bao nhiêu nhưng căn cứ theo những lần trồi lên hụp xuống của ba gã đàn ông đó, Đào có cảm giác rất lâu, dân ở gần đó mới túa ra sân....
Trời chiều nhá nhem tối. Nhìn thấy ông Chín và bà Tám, Đào òa lên khóc:
- Chị Ly nói với con là chỉ biết bơi, ai dè.... Hu, hu, hu!
Mặt tái mét tái xanh không còn chút máu, ông Chín thất thần nhìn đám thanh niên xuống nước để tìm Lưu Ly. Nhưng vô lý sau cả tiếng đồng hồ quần cả khúc sông tẻ, ông Chín chết điếng theo mọi người vòng ngả vườn trở về trong cảm giác mụ mẫm hoảng loạn. Con bé còn quá trẻ, nó có tội tình gì chứ! Gần như lả người đi trong tay chú Ba làm vườn, ông lảm nhảm:
- Tao sẽ thưa bọn khốn nạn chọc ghẹo, gây tai nạn cho nó. Tao sẽ thưa cho bây ở tù chung thân luôn. Trời ơi! Sao lại như vậy chứ!
Đã tối lắm rồi! Những bó đuốc lá dừa quơ lên quơ xuống soi đường trông như những đám ma trơi làm cho Đào rùng mình liên tục khi nghĩ sắp đi ngang cái miếu dưới gốc xoài. Con bé đang lấm lét bám theo một người thì chợt có tiếng la "Á! Đây nè! Đây nè!"
Rồi nhiều tiếng chân chạy dồn dập về cái mương ăn ra sông. Đào lập cập chạy theo miệng lầm bầm khấn vái những lời không đầu không đuôi. Đứng trên bờ, Đào thấy chú Ba đang xốc một người lên, nhưng không phải là Lưu Ly. Thất vọng đến mức nghẹn ở ngực, cô lảo đảo khụy chân khi nghe ai đó kêu lên thảng thốt:
- Ý trời! Cậu Út Tường con bà Hà sao nằm đây? Mà quần áo ướt mèm vậy kìa.
Trống ngực đập thình thịch, Đào nhào đại xuống mé mương khi chú Ba la toáng lên:
- Cô Ly kia rồi!
Đào xốc tới ôm chầm lấy Lưu Ly, cô nằm bất động, người cứng đơ lạnh ngắt, mặt bê bết bùn trông thật dễ sợ.
- Chị Ly, chị Ly!
Mặc cho Đào lay mạnh, Lưu Ly vẫn nằm yên. Quá sợ, Đào khóc ré lên rồi lăn ra đất ngất xỉu.
o0o
- Ngày mai phải mua trái cây ra cúng ngoài miếu mới được!
Đang cố gắng uống cho hết ly sữa nóng hổi, Lưu Ly yếu ớt hỏi:
- Tại sao phải cúng hả dì Tám?
Mặt bà già khó đăm đăm như giãn ra, giọng dịu lại:
- Đã nói chỗ đó có cô hồn. "Mấy người" mạng lớn mới tấp vô đó mà không chết. Phải cúng tạ ơn họ chớ sao nữa!
Lưu Ly mệt nhọc ngắt lời bà:
- Con nghĩ trước hết phải tạ ơn người cứu mình.
Bà Tám chợt cau có:
- "Mấy người" biết ai đã cứu mấy người không?
- Con hỏi, nhưng Đào nói không biết. Nó bảo lúc gặp con ngoài mé mương, nó đã lăn đùng ra xỉu rồi.
Ba Tám lầm bầm:
- Con quỷ nhỏ ấy đáng đánh trăm roi. Thân nó lo không xong mà dám dạy "mấy người" chạy máy đuôi tôm cho xảy ra chuyện động trời, thật hú hồn hú vía!
Lưu Ly buột hỏi:
- Nhưng ai cứu con vậy?
Ba Tám ngập ngừng:
- Thì chú Ba làm vườn chứ ai, chú thấy "mấy người" nằm dạt ở mé mương mới hô hoán lên, ai nấy chạy xốc lại lo xốc nước cho "mấy người" tỉnh lại. Suốt đêm cả nhà lo hơ lửa xoa rượu cho "mấy người".... Chưa bị sưng phổi vì cảm lạnh trúng nước là may lắm!
Lưu Ly nhíu nhíu mày:
- Nhưng ai kéo con ngoài sông lớn vào bờ?
Bà Tám lắc đầu thật nhanh:
- Không biết! Nghe đâu tự "mấy người" dạt vào bờ.
- Vô lý! Có người kéo con mà!
- Chắc tụi quỷ trên ghe chớ ai. Nó kéo "mấy người" vào đó rồi trốn mất biệt. Đúng là quân bất nhơn ác đức. Để coi nó trốn được bao lâu, trước sau gì công an cũng tóm cổ, cho nó ở tù rục xương luôn.
Lưu Ly nhăn nhó:
- Rủa họ làm chi, con có chết đâu mà ở tù rục xương.
Bà Tám làm thinh. Lưu Ly mệt mỏi kéo mềm đến tận cằm. Cô muốn ngủ nhưng ngủ không được. Nằm trên giường Ly cứ tưởng mình đang vật lộn với sóng nước. Cô cứ thấy mình cứ trồi lên hụp xuống, đầu óc quay cuồng, chóng mặt khủng khiếp. Cho tới bây giờ đầu Lưu Ly vẫn nhức như búa bổ, cô mặc áo ấm, đắp mền kín, xức dầu khá nhiều nhưng vẫn thấy lạnh thấu xương.
Đúng là Lưu Ly vừa trải qua một tai nạn kinh người. Cái cảm giác bị níu xuống đáy sông cứ đến với cô từng hồi, làm cả đêm Ly giật mình suốt và chập chờn vì ác mộng. Lúc nãy dì Tám nói đêm qua cô mê sảng, lăn lộn, nói nhảm luôn mồm làm ông Chín phát hoảng. Ai cũng sợ cô bị.... mất trí nhớ. Khi nghe bà Tám kể vậy, Lưu Ly đã cười vì không hiểu sao bà già khó chịu này lại khéo lo viễn vông đến thế. Bây giờ Ly hiểu rồi!.... Tại mọi người thấy cô chết giấc ngay cái miễu nổi tiếng linh thiêng kia.
Ôi trời! Nếu dì Tám không nhắc tới chuyện cúng tạ ơn, chắc Ly chưa nghĩ ra nguyên do làm mọi người sợ cô bị điên đầu. Nhưng tại sao người ta lại kéo cô vào đó nhỉ? Đúng là một sự ngẫu nhiên đáng sợ! Giá như mọi người tìm thấy Ly ở chỗ khác, chắc con bé Đào không hoảng đến nỗi chết giấc đâu.
Lưu Ly chậm chạp trở mình. Mắt cô trĩu nặng vì buồn ngủ. Có điều vừa thiu thiu, Ly lại giật mình, nhưng khổ sao cô không mở mắt ra được. Trong bóng tối, cô thấy mình bị quay cuồng theo một dòng xoáy thật dữ dội. Cô la, nhưng không được, nước vừa dìm cô xuống vừa cuốn cô đi. Ngay lúc đó có một người ôm lấy cô. Ly cố nhìn nhưng không rõ là ai. Cô biết chắc đó là một người đàn ông. Giọng ông ta lạnh lẽo, quyền hành:
- Cố lên! Cố lên không thì chết!
Người Lưu Ly cứng đơ, cô để mặc cho ông ta kéo mình trồi lên hụp xuống giữa dòng xoáy giá buốt tăm tối đó. Ly cố gắng mở to mắt. Trong vùng ánh sáng nhập nhòe, cô thấy một gương mặt cúi xuống thật sát mặt mình. Sát đến mức Lưu Ly không nhìn được để xem đó là ai. Dồn hết sức, Lưu Ly la to và đẩy gương mặt ấy ra. Trong một tích tắc, cô bắt gặp một đôi mắt sáng rực nhưng đầy u uẩn nhìn cô đăm đăm.
Vừa lúc ấy Lưu Ly nghe thấy tiếng mình hét, lẫn tiếng Đào gọi dồn dập. Cô nhỏm dậy và nhận ra mình đang nắm chặt vai của Đào. Mặt con bé lo lắng:
- Trời ơi! Chị mơ gì mà em kêu gần chết vẫn không dậy.
Ôm lấy đầu, Lưu Ly trấn tỉnh lại. Đây là lần thứ hai cô mơ thấy như vậy. Vẫn đôi mắt và giọng nói đó. Nhưng lần đầu cô mơ hồi nào? Sao Ly không nhớ nổi vậy kìa? Vỗ vỗ vào trán, Lưu Ly thẫn thờ nằm xuống, giọng hổn hển vì mệt:
- Hễ cứ chớp mắt là.... là.... thấy hắn ta, ghê quá!
Đào hốt hoảng:
- Chị.... chị thấy ai vậy?
Lưu Ly lắc đầu hoang mang:
- Không biết! Chị không nhìn rõ mặt nhưng vẫn có đôi mắt sáng quắc cứ ám ảnh chị suốt đêm qua tới giờ. Trong mơ hắn.... ôm chị rồi đẩy đi dưới nước. Cái cảm giác y như thật này làm chị sợ. Bây giờ chị chẳng nhớ nổi, lúc ở dưới sông có ai đẩy chị lên hông mà sao chị lại tấp vào bờ được.
Đào bối rối ngó sang chỗ khác. Hôm qua dù không ai nói ra, nhưng cô biết chính Tường khùng đã kéo Lưu Ly vào bờ. Có lẽ vì mệt quá nên anh ta đã xỉu luôn. Nghe mấy người làm cỏ ngoài vườn xì xầm rằng từ tối đến giờ, Tường khùng cũng sốt mê man không dậy nổi.
Đào chột dạ khi thấy gương mặt ửng đỏ của Lưu Ly. Cô cũng bị sốt, bị mê sảng, đã vậy nằm mơ còn thấy gã đàn ông nào đó ôm và kéo đi dưới nước. Hèn chi dì Tám lo mua nhang đèn hoa quả ra miếu cúng cũng phải.
Đang suy nghĩ lung tung, Đào bỗng nghe ông Chín lớn tiếng dưới nhà:
- Tao không thưa cho tụi bây ở tù thì thôi còn tới yêu cầu này nọ hả? Hừ! Bây mất chỗ làm là tụi bây, tao chả liên quan gì.
Lưu Ly cũng ngạc nhiên, đây là lần đầu nghe ông giận đến thế. Đưa mắt nhìn Đào, hai người im lặng lắng nghe xem chuyện gì.
Dưới nhà vang lên giọng rầu rĩ của một đàn ông:
- Tụi con lạy ông Chín, nhờ ông nói giùm với cậu Hai Nhân, không thì cả nhà con chết đói vì mất chỗ làm. Ông Chín là người nhân đức rộng lượng cả vùng này ai không biết. Ngay chuyện ông không chấp nhất tụi con làm cô Lưu Ly té sông tụi con đã đội ơn ông suốt đời rồi. Chỉ mong ông Chín thương thì thương cho trót, nói vài lời với cậu Hai giùm con.
- Hừ! Hai Nhân đuổi tụi bây vì thằng Út Tường cũng mém chết đuối, chớ không vì cháu gái tao đâu. Mày năn nỉ thằng Tường đó! Họa may nó giữ tụi bây lại làm tiếp.
Lưu Ly trợn mắt ngó Đào, cô chưa kịp hỏi gì thì đã nghe ông nội nói tiếp:
- Tao vẫn không hiểu sao hôm qua thằng khùng đó lại cứu được con Lưu Ly trong lúc cả chục người quần nát cả khúc sông mà không tìm thấy con nhỏ đâu hết.
Một giọng khác rụt rè vang lên:
- Chiều hôm qua tụi con với cậu Út Tường nhậu trong vườn. Ngà ngà, tụi con mới xin phép về và gặp cô Lưu Ly trên ghe.... Thật cậu Út nhậu vào hay ra sông lội lắm. Chắc nhờ vậy mới gặp cô Ly....
Không dằn được ấm ức, Ly lắc mạnh vai Đào giọng lạc đi vì bất ngờ:
- Vậy mà mấy người nói không biết ai kéo tôi vào bờ. Tại sao phải giấu tôi chứ?
Đào ấp úng:
- Em không biết thật mà!
- Nhưng dì Tám nhất định phải biết.
- Chắc dì sợ chị... ớn ông khùng đó....
Mặt Ly đanh lại:
- Vô lý! Khùng mà biết cứu người cũng phải mang ơn. Tôi không hiểu nổi dì Tám định giở trò gì mà dối trá như vậy.
Đào nhẫn nhục làm thinh. Dưới nhà chỉ vang lên tiếng được tiếng mất, nên cô không hiểu ông Chín và mấy người khách nói gì với nhau nữa.
Lưu Ly chợt dịu giọng:
- Hôm qua mọi người tìm chị ra sao? Em kể thật đi. Chẳng việc gì phải sợ dì Tám cả.
- Hồi sáng em đã kể rồi.
- Những chuyện xảy ra có đúng thế đâu!
Đào chép miệng nói một hơi:
- Sau khi mò dưới sông cả tiếng đồng hồ, mọi người quay về vì trời tối quá rồi. Ngang cái mương gần miếu, bác Ba thấy anh Tường ở dưới. Mọi người xộc xuống thì thấy luôn cả chị. Hai người đều bất tỉnh. Em tưởng chị chết rồi nên xỉu luôn. Lúc tỉnh dậy đã nằm ở nhà, nên chuyện gì xảy ra lúc đó em không biết.
Lưu Ly mím môi:
- Bây giờ anh ta ra sao chắc em biết?
Đào cúi đầu lí nhí:
- Nghe nói suốt đêm qua ảnh cũng bị sốt và mê man giống y như chị.
Lưu Ly thoát rùng mình vì hai chữ "như chị" được Đào nhấn mạnh. Vậy là cô đã bị đôi mắt của Tường ám ảnh. Anh ta đã cố sức nâng Ly lên cho cô khỏi bị ngộp. Cái cảm giác trồi hụp và được đẩy đi bởi ai đó là có thật, nhưng cô không phân biệt được khi nào là mơ, khi nào là thật vì tâm trí cô đang hoảng loạn. Lẽ nào đôi mắt đó của một người tâm thần. Lưu Ly thẫn thờ hỏi:
- Anh ta có điên thật không?
Đào ngập ngừng:
- Em chưa thấy ảnh lên cơn lần nào, nhưng dân của vùng này ai cũng nói ảnh điên. Trước kia phía bên đất nhà ảnh, khúc cũng gần giáp mương bên mình, có một cái nhà sàn đẹp lắm! Ảnh lên cơn đốt cháy tiêu luôn. Nhưng bình thường, ảnh lầm lì chả quậy phá ai.
- Chị nhất định gặp Tường để cảm ơn.
- Họ không cho chị gặp đâu! Gia đình ở bển ghét mình lắm! Nhất là Hai Nhân, anh của Út Tường. Mấy người hồi nãy đúng là ngốc, nên mới tới năn nỉ ông Chín qua xin Hai Nhân cho họ được tiếp tục làm công.
- Ông nội không đi, chị sẽ đi. Lấy ơn trả oán mới hay chứ!
Đào ngơ ngác:
- Chị còn sốt kia mà!
Buông người xuống giường, Lưu Ly mệt mỏi:
- Thì ngày mai, ngày mốt gì đó. Nhất định chị sẽ gặp anh ta.
Đào vội vàng nói:
- Út Tường không đáng sợ bằng Hai Nhân đâu. Ông Chín chẳng đời nào để chị qua bển.
Lưu Ly ngắt lời con bé:
- Chị không nói, em không mách lẻo. Ông Chín nào mà biết cơ chứ!
Đào khổ sở:
- Xin lỗi chị! Em không thể giấu ông Chín chuyện này. Nguy hiểm lắm!
Lưu Ly giễu cợt:
- Em có quan trọng hóa vấn đề không vậy? Đi cảm ơn người đã cứu mình mà nguy hiểm. Tường điên, nhưng đã cắn xé, rượt đuổi ai chưa?
Đào ngao ngán:
- Chị không hiểu gì hết, em có nói chị cũng vô ích. Em chả quan trọng hóa vấn đề, nhưng có nhiều chuyện không đơn giản như chị thấy. Gia đình chị rắc rối lắm!
- Rắc rối hả?
Lưu Ly nhắc lại lời Đào một cách máy móc, cô ngẫm nghĩ: "Ở đây chỉ có mình ông nội, nhưng Đào lại nói tới gia đình, như vậy là sao chứ?"
Cô lắt léo hỏi:
- Em muốn nói ông nội chị rắc rối phải không?
Ly tưởng Đào sẽ giẫy nẩy lên phân bua giải thích, ai ngờ con bé thản nhiên đáp:
- Chị hiểu sao cũng được, nhưng có nhiều chuyện em không được phép nói với chị.
Lưu Ly dò dẫm:
- Như chuyện gì?
- Chuyện mâu thuẫn với nhà bà Hà, chuyện cái miễu và ai đã tự tử ở đó.
Lưu Ly khó chịu nhìn Đào:
- Nếu chuyện này có liên quan đến gia đình, nhất định chị sẽ tìm hiểu.
Đào đứng dậy mỉm cười:
- Nhưng từ ai chớ không phải từ em.
Lưu Ly hậm hực nhìn Đào ra khỏi phòng. Con bé cũng láu cá chớ đâu vừa gì. Thà nó lắc đầu nói không biết, chứ úp úp mở mở kiểu này thật là tức anh ách.
Vừa nhắm mắt lại, Ly đã nghe tiếng ông Chín vang lên:
- Đã thức dậy chưa Ly?
Nhỏm người lên, cô nũng nịu:
- Con có ngủ được đâu mà thức. Cứ mơ mơ màng màng là thấy như đang dưới nước. Con sợ quá nội ơi!
Ông Chín thở hắt ra:
- Lớn mạng lắm mới không chết. Thật nội hú hồn hú vía con. Để ngày mai nội đưa về trển cho yên thân già này.
- Sao lại về? Chưa đủ một tuần lễ mà nội!
Ông Chín khoát tay:
- Bao nhiêu đó là đủ rồi, khỏi bàn cãi nữa.
Lưu Ly phụng phịu:
- Con muốn ở đây với nội. Tại sao nội lại.... đuổi? Nhiều lúc con tủi thân ghê. Ba mẹ chỉ quan tâm tới anh Đoàn, về đây tưởng được nội thương. Ai ngờ.... híc... híc.... Nội cũng không muốn con ở gần. Thật ra trên đời này đâu có ai thương con.
Ông Chín cau mày:
- Lại than thân và trách người khác. Con biết rõ là nội thương con hơn thằng Đoàn, sao lại lu loa lên như vậy? Nội rất muốn con ở đây, nhưng lỡ xảy ra chuyện gì, nội không gánh nổi trách nhiệm đâu.
Lưu Ly sụt sùi:
- Đời người ta chết hụt một lần là quá nhiều rồi, chẳng lẽ có xảy ra chuyện gì nữa. Nhưng dù có xảy ra chuyện gì, con cũng ở đây coi cho bằng được.
Ông Chín lắc đầu ngao ngán:
- Vì cái nết lỳ và bướng này mà con bị mẹ la suốt ngày chớ gì? Nếu con đã nói thế, nội không đuổi nữa. Giỏi lắm tuần này, con cũng đòi về vì chán.
Lưu Ly tươi ngay nét mặt:
- Con không dám chán đâu và con sẽ không về, nếu chưa giải quyết xong nhiều chuyện.
Ông Chín tỏ vẻ chú ý:
- Cụ thể là việc gì?
Lưu Ly làm bộ suy nghĩ rồi nói một hơi:
- Cám ơn anh Út Tường, năn nỉ anh Hai Nhân giùm mấy người làm con té sông....
Ông Chín nghiêm mặt ngắt lời Ly:
- Hai việc đó đều không phải của con. Nội đã sang tận nhà cám ơn họ rồi. Con biết Hai Nhân là người thế nào chưa mà định tài khôn năn nỉ cho quân khốn nạn đó!
Lưu Ly ngập ngừng:
- Người ta đã tới năn nỉ và nhờ mình năn nỉ cho đừng bị chủ đuổi. Nếu nội từ chối, thì.... hơi nhỏ mọn, không đúng với biệt hiệu "ông Chín từ thiện".
Ông Chín đập bàn:
- Ranh con bày đặt lý sự. Tao mà hạ mình năn nỉ thằng bợm ấy hả? Thật hoang đường. Đúng là lũ ngu làm bậy nói càn!
Lưu Ly chớp mắt:
- Họ không ngu đâu nội. Trái lại con tin họ biết "trọn mặt gửi vàng", mới tới năn nỉ "ông Chín từ thiện" giúp giùm làm phước đó chứ!
- Nhưng nội không thể nói chuyện với thằng Hai Nhân!
- Tại sao vậy hả nội? Nhà mình và họ có mâu thuẫn gì? Nội kể cho con nghe với.
Giọng ông Chín gắt gỏng:
- Đứa nào nói với con?....
Ly lắc đầu:
- Con nghe mấy người làm vườn xầm xì, nhưng hỏi thì họ làm thinh.
Lừ mắt nhìn cháu gái, ông Chín cáu kỉnh:
- Đúng là "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà".
Đi được vài bước, ông quay phắt lại:
- Đứa nào nói đến Út Tường và Hai Nhân, con Đào phải không?
- Dạ không phải! Con nghe nội nói chuyện với khách dưới nhà.
- Hừm! Nội không muốn con nhắc tới hai cái tên này. Nghe chưa? Ngoan ngoãn biết vâng lời thì ở tới bao giờ cũng được. Ngược lại, xéo xắc, lắm điều thì.... cút về trên ấy ngay. Bao nhiêu năm tao quen không con, không cháu rồi. Bây đừng làm phiền tao nữa. Nội thằng cha bây, tao đã khổ cả đời, giờ chỉ còn vài năm cuối, tao chỉ, chỉ xin được sống thanh thản mà thôi.
Lưu Ly ngỡ ngàng nhìn theo ông nội. Qua lời ông, cô có cảm giác ba mình có liên quan đến việc thù hận với bên kia, nếu không thì sao ông lại lập cái miếu dưới gốc xoài. Nhất định Lưu Ly phải tìm hiểu cho bằng được những uẩn khúc của gia đình. Cô linh cảm rồi mình sẽ bị xứ sở cây trái sông nước này trói buộc không trở lại Sai Gon. Điều này cùng dễ hiểu vì đây là quê hương, là nơi nuôi ba cô lớn lên. Quay lại với quê hương, với mồ mả ông bà, với đất đai ruộng vườn, là điều tốt cơ mà.