Tôi đã thấy đường vào tình yêu thơ mộng hơn đường đưa tôi đến trường học. Trời thu, lá vàng bay đẹp quá nhưng chắc kém xa thứ tình bay trong trời yêu.Tôi mua cuốn vở bìa dầy, thức khuya để chép những bài thơ tình nồng nàn ở cuốn "Thi nhân Việt Nam." Bao nhiêu thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính tôi chép hết. Không thích Thế Lữ. Vì tôi nghĩ, Thế Lữ không "em em anh anh" nồng nàn, mật ong như Xuân Diệu. Hai tiếng "cô em" của thơ Thế Lữ nó xa cách làm sao ấy, nó có vẻ "bên rừng thổi sáo một hai Kim Ðồng" lắm, nó "tiên" lắm. Mà tiên yêu nhau thì chả có gì thú vị cả. Thơ Xuân Diệu khiến tôi ghét Hóa học, Vạn vật học, Toán học, Vật lý học. Những môn học này vô tích sự. Thịnh luôn luôn bảo tôi: - Không lẽ mày đem nham thạch, phún xuất thạch: mày cho cái hình này quay chung quanh cái trục nọ để nó sinh ra cái khối kia khi mày ngồi bên người yêu? "Cu nhỏ" ơi, "ba vạn sáu ngàn ngày là mấy," Hình học, Ðại số chỉ làm mình già nua, vô duyên. Tình yêu mới làm mình trẻ mãi. Và nói chuyện tình yêu là nói văn thơ. Nó lại bắt tôi chép thêm tám câu: Mỗi độ trong vườn cam ửng chín Mỗi lần em nhớ người trai tơ Trưa hè năm ấy mùa cam ngọt Nhưng thấy cam xanh lại chối từ. Cam chín lòng em cũng héo hon Ðến nay em đã có chồng con Tình cờ hôm ấy chàng qua lại Cam quá mùa rồi hết chất ngon. Thịnh nói là thơ của Hàn Mặc Tử và giải nghĩa: - Ðấy mày xem, chối từ tình yêu rồi tiếc cả đời. Cam vừa chín là phải ăn ngay, đợi lâu nó ủng, hết chất ngon. Nó vuốt mái tóc nghệ sĩ của nó: Mau với chứ, vội vàng lên với chứ Em em ơi, tình non sắp già rồi Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi Mau với chứ, thời gian không đứng đợi. Thịnh nhìn tôi tình tứ cơ hồ người con gái nào đó đang nhìn tôi: - Xuân Diệu là triết gia về tình yêu. Mình nên nghe ông ta. Nó làm ra vẻ bùi ngùi: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già Và xuân hết nghĩa là tôi cũng chết Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ hẹp Không cho dài tuổi trẻ của thanh xuân Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng đôi lần thắm lại Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi Nên bâng khuâng thương tiếc cả đất trời. Thịnh vỗ vai tôi: - Ðêm mai tao 'chơi" ở Régina. Tao vẫn đi học nhưng học gọi là thôi, không "gạo cụ" như thằng Luyến, thằng Côn đâu. Tao đã viết thư về nhà rồi, từ nay tao không cần tiền nhà gởi lên nữa. Ông đánh đàn cho chúng no nhảy đầm kiếm ba ngàn một tháng. Ngon ơ...đánh đàn và yêu đương kẻo già nua thương tiếc đất trời. Thịnh cám dỗ tôi quyết liệt. Tôi xiêu lòng và bắt đầu "bát" những giờ Toán, Lý, Hóa, Vạn vật. Niên học đệ tam của tôi mới được quá hai tháng, tôi đã bê bối rồi. Những buổi sáng, Thịnh và tôi đạp xe lên Cầu Gỗ, vào cà phê Giảng ăn phở và phì phèo thuốc lá Catab bên tách cà phê phin. Tương lai học trò của tôi đang nhỏ từng giọt như cà phê nhỏ giọt xuống tách. Rồi Thịnh dẫn tôi lên Hàng Than, đứng xếp hàng chờ ăn phở bò, đến Huyền Trân Công Chúa ăn phở gà và uống cà phê bên đường. Rồi lang thang trong Bách Thảo, trên đê Yên Phụ chờ tới giờ tan học, tới lang vãng gần trường Trưng Vương, len lén ngắm các cô học trò xinh như mộng. Như vậy, tôi "bát" dần sang những giờ Sử, Ðịa. Rồi quên học cả Pháp văn, Anh văn và Việt văn. "Năm đệ tam là năm ôn lại bốn năm đệ nhất cấp, học dưỡng sức chứ báu bổ gì." Thịnh nhún vai "Tao đã ăn chơi rông dài năm đệ tam, thế mà lên đệ nhị tao cứ đỗ tú tài. Học trò thông minh chỉ cần vùi đầu vào sách trước kỳ thi hai tháng là đỗ." Tôi bỗng thấy mình thông minh. Bỏ học luôn. Tôi ghi tên học Pháp văn ở Hàng Trống và Anh văn ở trường Dziên Hồng, rồi cũng bỏ luôn. Những giờ Côn, Luyến ngồi ghế nhà trường, tôi theo Thịnh tha thẩn quanh hồ Gươm nghe lòng mình gợn sóng trên mặt nước xanh, thấy hồn mình đong đưa trên ngọn liễu mềm. Chuyện hai nàng "nhà bên kia" bị bỏ quên khá lâu. Nhưng Thịnh vẫn nhìn trộm. Nó triết lý: - Câu tình như câu cá chuối, "cu nhỏ" ạ! Hễ cá đớp hụt mồi, phải lờ nó đi, quăng mồi chỗ khác. Rồi khi quăng mồi đường câu cũ, cá chuối sẽ đớp không hụt. Mình chỉ cần thả chùng dây cho cá dễ nuốt mồi. Và giật lên. À, thì ra Thịnh đang quăng mồi ở đường câu khác. Tôi hỏi nó: - Bao giờ giật được hai em bên kia? - Mày hay tao? - Mày. - Tưởng mày thì lâu chớ tao thì ngon ơ. Tao sẽ giật cả hai em một lượt. Lưỡi câu của tao hai móc cơ mà. - Tại sao tao thì còn lâu? - Vì mày chưa học "tâm lý." Lên đệ nhất mày sẽ học triết. Môn tâm lý học giúp tao tán gái dễ dàng. Thịnh đem chương trình triết lý đệ nhất của nó ra trộ tôi. Tôi bèn phục lắm. Và tôi lại mất với nó mấy chầu bánh tôm ở Cổ Ngư để nghe nó luận về "tâm lý" các em, luận về cách chinh phục các em, bằng tâm lý học đệ nhất! Tôi chờ ngày Thịnh quăng mồi sang "nhà bên kia." Thịnh vẫn lờ. Nó mới "chế" thêm cách "lơn" gái, lấy làm đắc ý lắm. Tôi đi trên con đường Thịnh vẽ bản đồ. Mỗi chiều, tôi thường lai vãng tại các rạp hát xi nê, thấy em nào đèm đẹp vào "ghi sê" mua vé là tôi nối đuôi liền. Em mua vé hạng nhất, tôi cũng mua vé hạng nhất. Em mua vé hạng bét, tôi cũng mua vé hạng bét. Ðể ngồi cạnh em. Ngồi cạnh em hồi hộp, sợ sệt. Luôn luôn, tôi mất cả chì lẫn chài. Không tán nổi nửa câu mà còn thiệt hại về sự giải trí. Phim xem quãng được, quãng không, chẳng hiểu đầu ra sao, cuối ra sao. Tốn tiền kinh khủng. Tôi và Thịnh đua nhau "sưu tầm" vé xi nê. Cái trò sưu tầm chương trình già nua rồi. Chúng tôi tích trữ vé cơ. Ðằng sau mỗi tấm vé, Thịnh và tôi còn ghi xem phim nào, do những tài tử nào đóng. Tôi không biết kẻ sáng tác cái trò "lơn" gái này có thành công vụ nào không. Riêng tôi, tôi chả sơ múi gì. Nhưng nghe Thịnh kể mối tình trong bóng tối của nó, lòng tôi đã bâng khuâng khôn tả. Thịnh vào rạp Long Biên ở Hàng Chiếu coi phim "Tên tù nhân Zenda" do Stewart Granger và Jean Simmons đóng. Nó bảo hôm đó nó "chán đời" mua vé vô rạp sớm nhất. Thói quen của Thịnh là phải vào rạp nhai kẹo cao su. Bữa "tình sử" ấy, nó đã được diễm phúc ngồi cạnh một em. Dĩ nhiên rất đẹp rồi. Thịnh kể: Nàng dắt một em trai. Ðôi mắt nàng ngơ ngác như đôi mắt con nai vàng của Lưu Trọng Lư. Nàng ngồi xuống ghế. Còn sớm. Nàng quên không lấy tờ chương trình. Bổn phận của Thịnh là đưa nàng mượn tờ chương trình để nàng coi chuyện phim. Nó kêu cậu em về ghế nó, cho cậu em nàng ăn kẹo cao su. Nàng nhỏ: "Ông làm em hư." Nó tình tứ: "Em ngoan lắm mà, em ơi!" Rồi nó cúi xuống hôn trái cậu em. Cả một "xê ăng," nó chỉ ngồi liếc nàng trong bóng tối. Khi tan hát, nó và nàng ra sau hết. Nàng cầm một bên tay cậu em, nó cầm một bên tay cậu em, thong thả bước. Tới vỉa hè, nó và nàng vẫn đi không ai nói với ai một lời. Một lát, chiếc xe Vedette từ đâu chạy đến, đậu sát vỉa hè - chỗ nó và nàng vừa bước tới. Người tài xế mở cửa xuống xe, lễ phép: "Thưa cô, về hay đi chưa nữa ạ?" Nàng đáp: "Về." Nàng dắt em lên xe. Nó cảm khái một câu với cậu em: "Em về nhé, em đẹp lắm, em biết không? Biết ngày nào anh mới gặp em?" Mối tình thật lãng mạn và không...vụ lợi. Tôi không dám ngờ Thịnh phịa ra để tôi thèm. Và tôi hằng ao ước sẽ gặp một em trong rạp xi nên như em của Thịnh trong rạp Long Biên. Chắc chắn, khả năng "đệ tam" của tôi không đủ thớ nói những câu xa xôi mà gần gũi, vu vơ mà đằm thắm như Thịnh. Nó có bàng tú tài một, lại học tâm lý, luân lý, tôi địch sao nổi. Có lần, tôi hỏi Thịnh: - Sao mày không "lơn" em ngay? - Mày tưởng "lơn" gái dễ hả, "cu nhỏ"! Nguyễn Bính đi "lơn" gái mòn hàng chục đôi giày. "Chàng qua chiều ấy, qua chiều khác. Ðếm mãi bâng quơ những dấu giày." - Mày bảo dễ thôi. - Dễ với tao. - Thế sao mày không hé răng? - Tình yêu càng câm nín bao nhiêu càng cao thượng bấy nhiêu. Tình của tao với em gặp ở Long Biên là tình câm. Mày còn khờ quá. Mày khôn hơn, mày sẽ hiểu rằng đêm ấy em đã khóc. - Thật à? - Tao nói dối mày làm gì. Em đã khóc, và tao đã chiêm bao thấy tao và em chở nhau đi Voi Phục, đi Láng... - Em nói gì trong giấc chiêm bao? - Vẫn câm nín. Tôi học thêm được bài học tình yêu câm nín. Yêu ai đừng nói mình yêu người ta. Thế gọi là tình yêu câm nín. và theo "giáo sư" ái tình Thịnh, tình yêu câm nín đẹp nhất thế gian. Tôi bắt đầu thì nghiệm tình yêu câm nín từ cửa sổ nhà trọ. Tôi nghiện cái cửa sổ rồi. Hàng ngày, tôi nhìn sang "nhà bên kia" nhiều hơn Thịnh. Tôi không biết kéo vĩ cầm, hát hay ngâm thơ. Nhưng cứ đần mặt ra nhìn xuống, nhìn sang. Ðến nỗi "giáo sư" Thịnh phải sốt ruột: - Mê rồi à? Chớ dại dột "cu nhỏ". "Ca líp" hai em, cỡ sành tâm lý như tao mới "lơn" nổi. Mở mắt ngó tao "lơn" em, tao sẽ "cuỗm" cả hai em. Rồi hai em đánh nhau loạn lên vì tao. - Cho tao tập "lơn" chứ! - Ðể tao chọn em cho mày tập "lơn." Ðụng hai em này, mày sẽ vỡ mặt. - Nó tát tao à? - Không, con sẽ uống giấm thanh, "cu nhỏ" ạ! - Cái gì? - Mày sẽ tuyệt vọng. Hai câu thơ này ấm ớ hội tề mà triết lý đáo để: "Ðiều đau khổ nhất trên đời, là yêu người mãi mà người chẳng yêu." "Cu nhỏ" sẽ đau khổ và "cu nhỏ" sẽ uống cạn hai chai giấm thanh hòa thuốc phiện. Ông bố "cu nhỏ" sẽ khóc sưng mắt ở Thái Lọ. Lời răn dạy của "giáo sư" Thịnh khiến Côn và Luyến bất bình. Thịnh miệt thị tôi quá. Côn thì muốn xỏ tôi. Nó khuyên tôi học hành không xong, đâm ra cáu sườn. Còn đòi viết thư về Thái Bình tố cáo tôi. Nhưng nó chưa nỡ. Nó muôn tôi "vỡ mặt" một lần, sẽ tởn và bỏ mộng ái tình vặt của ranh con. Luyến thì cho Thịnh là thằng nói phét. Nó có vợ, có con rồi, nó được quyền chê Thịnh. Luyến tạm quên cô vợ nó ở Thái, bốc tôi: - Mày theo thằng Thịnh, mày sẽ ăn bã mía. Luyến triết lý vụn: - Làm lấy mà ăn mới ngon. Ta phải tự lập chứ. Ái tình ỷ lại là thứ ái tình tầm gởi. Nó bích: - Mày cứ "lơn" con bé trên kia đi, chọn con nào đẹp nhất ấy, tao giúp mày một tay. Thịnh cười ha hả: - Dân đồng chua nước mặn vừa ăn nước máy Hà Nội mấy tháng đã ra cái điều. Tao đây này, ngót ba năm ăn nước máy Hà Nội, tao không ra cái điều thì đừng đứa nào ra cái điều. Ðấy con nhà Long thử nghe thằng Luyến đi. Mày "lơn" được gái Hà Nội, ông về Thái lấy vợ liền. Luyến mỉa mai: - Thằng ngu dẫu ăn nước máy Hà Nội ba đời, vẫn cứ ngu. Mày dám đánh cuộc gì không Thịnh? Thịnh vênh vang: - Cuộc gì? Luyến mím môi: - Cuộc trăm bạc thôi. Nếu thằng Long "lơn" được em trước mày, mày mất trăm bạc. Thịnh tin tưởng ăn trăm bạc của Luyến chìa tay ra: - Rồi. Tôi biến thành con thò lò của hai thằng đặt cửa. Luyến thúc giục tôi: - "Lơn" đi! Tôi thộn mặt: - "Lơn" làm sao? Thịnh móc máy: - "Lơn" bừa đi như thằng Luyến... lấy vợ ấy. Mẹ, nó nhờ ông bố nó lấy vợ cho nó chứ mã nó lấy chó! "Không thầy đố mầy làm nên." "Lơn" đi! Luyến cay Thịnh lắm. Nó an ủi tôi: - Tao đã có cách. Thịnh xỏ ngọt: - Mai nó về Thái lọ, "bốc" ông bố thằng Long lên đây hỏi em cho thằng Long. Và, mai này, thằng Long sẽ bắt chước nó, nói phét đã "lơn" em. Luyến không tức giận câu cay cú quá đà của Thịnh. Nó nói bâng quơ: - Thánh nhân hay đã kẻ khù khờ. Và hỏi Thịnh: - Tâm lý học đệ nhất của mày có đoạn nào diễn tả cái sự mèo mù vớ cá rán không? Thịnh đáp: - Tao học những điều cao siêu hơn. Luyến lắc đầu: - Khuyên mày nên học triết lý mèo mù vớ cá rán đi. Thằng vỡ mặt sẽ là mày. Tao là con gái, tao sẽ yêu thằng Long chứ không yêu mày. Mày mê hai ả rồi mày sẽ điêu đứng, Thịnh ạ! Thằng Long sẽ là tình địch của mày. Thịnh phá ra cười. Nó bỏ xuống phố, hai tay thọc vô túi quần miệng huýt sáo, rất tự kiêu về cái bằng tú tài một của nó. Thịnh đi một lúc, hai nàng "nhà bên kia" xuất hiện ở cửa sau. Buổi chiều giữa mùa đông, lạnh thích thú. Tôi đứng bên cửa sổ, ngó xuống. Qua những chắn song sắt, tôi có cảm tưởng mình là tù nhân. Chưa yêu mà như vừa yêu. Vả lại tưởng mình là tù nhân của ái tình. Một nàng len lén trông lén. Tôi ngây người nhìn nàng. Trong chiếc áo len màu lam, nàng đẹp như Giáng Kiều của Tú Uyên. Tôi mới học "Bích câu kỳ ngộ". Năm đệ thất đã học nhưng học để thuộc lòng thôi. Giờ học "Bích câu kỳ ngộ" để tập tương tư giống anh chàng Tú Uyên. Tôi muốn mình là Tú Uyên căn gác trọ trên này ốm đau vì nàng Giáng Kiều dưới ấy. Mộng mơ hiện nữa, tôi muốn mình là Kim Trọng kiếm đúng gác trọ gần nhà Thúy Kiều chờ dịp "lơn" nàng, Xuân Diệu đã "Tôi tưởng nàng là Ðường Minh Hoàng. Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi" thì tại sao tôi không biết muốn, tưởng nhỉ? Người con gái vẫn thỉnh thoảng len lén trông lên. Vừa thuộc mấy câu thơ Nguyễn Bính, sau khi nóng bừng tai run rẩy, hồi hộp, tim đập thình thịch, tôi uống ba viên thuốc liền, đọc lớn: Ðã thấy xuân về với gió đông Với bên màu má gái chưa chồng Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong. Nàng mỉm cười. Thịnh ngâm thơ, gảy đàn "lơn" nàng, nàng có cười đâu. Mà sao nàng cười với tôi, nàng cười vì tôi. Tôi tin Luyến rồi "Thánh nhân hay đãi kẻ khù khờ." Thánh nhân đã giúp tôi "lơn" gái. Con nhà Luyến nhìn trộm. Biết hai nàng đứng dưới, nó khuyến khích tôi: - Cố gắng đi, con ông cụ! Tôi bảo Luyến: - Em cười mày ạ! Luyến gật gù: - Ðộng đậy phao rồi, cá đã rỉa mồi đó. Tôi bối rối: - Làm gì bây giờ? Luyến thộn mặt ra. Lúc này nó mới biết nó không có tài "lơn" gái. Có vợ chưa chắc đã có tài "cua đào." Luyến thấy nó thua "giáo sư" Thịnh của tôi một trời một vực. Giá Thịnh ở nhà, nhiều câu "lý thuyết" được đem ra "thực hành" ngay. Chỉ tiếc nó giận Luyến, bỏ đi. Con nhà Luyến nổi máu tự ái, tỏ ra thừa kinh nghiệm tình trường. Nó xúi dại tôi: - Ngâm thơ nữa! Tôi vận dụng trí nhớ để đọc tiếp mấy câu thơ Hồ Dzếnh: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé Anh sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ Nếu trót đi em hãy gắng quay về. Ðời mất vui khi đã vẹn câu thề Tình chỉ đẹp khi còn dang dở... Chưa đọc hết, Luyến đã dậm chân: - Hỏng! Tôi hỏi khẽ: - Hỏng gì? - Mày làm như mày đã yêu em rồi ấy. Tìm bài thơ nào khác đi. Tôi lại đọc thơ Nguyễn Bính: Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông Một người chín nhớ mười mông một người Gió mưa là bệnh của trời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng Hai thôn chung lại một làng Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này... Luyến thích chí: - Hợp tình hợp cảnh lắm. Em còn cười không? Tôi thẫn thờ ngó xuống: - Em đóng cửa từ lúc nào ấy mày ạ! Luyến làm như nó đi guốc trong bụng ái tình: - Tao đã bảo hỏng mà. Tôi cụt hứng. Rồi buồn man mác. Tôi dặn Luyến: - Ðừng nói cho thằng Thịnh nghe nhé! Nó cười thối mũi. Luyến im lặng. Nỗi buồn của tôi tăng dần. Tôi thất tình, tôi đã thất tình. Tôi giống anh Trương Chi quá. Tôi không ăn cơm trọ chiều nay. Tôi cần lên Cổ Ngư, ngồi dưới một góc cây, hút thuốc Catab, nghe gió Ðông thổi lạnh đầy trời.