Đất vuông tròn
Giờ thì đại đội trưởng Ngoạn đang nằm kia, dáng hộ pháp, làn da đã răn rúm, sạm đen màu gốm sống. Đau đớn quá! Nhìn đôi mắt mở trừng trừng, phần toát ra vẻ căm giận, phần như còn ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước một điều chưa biết trước, lòng chúng tôi đau thắt lại. Chúng tôi thay nhau vuốt mắt cho anh. Những người đã có vợ ấp tay lên mi mắt, xoa nhẹ theo chiều ngang; cánh trai tân thì xoa theo vòng tròn hoặc theo chiều dọc. Đủ mọi cách. Theo kinh nghiệm. Theo chỉ dẫn của sách vở đã từng đọc trước đây. Nhưng vô hiệu, Ngoạn vẫn không sao nhắm được mắt! Chính trị viên Quánh là một trong những người cuối cùng đến vuốt mắt cho Ngoạn. Quánh nổi tiếng là một người sắt đá. Nhưng lần này, anh không kìm được, hai hàng nước mắt cứ ứa ra, lăn dài xuống má và đọng lại thành giọt, nhểu xuống khuôn mặt sạm đen của Ngoạn. Quánh vừa xoa mu bàn tay đã mất hai ngón cuối trong một lần gỡ mìn lá lên mắt Ngoạn vừa thì thầm: - Sống khôn chết thiêng Ngoạn ơi! Anh ngủ đi cho anh em yên lòng! Lúc ấy, tôi có cảm giác như đôi mắt của người con trai làng gốm đang chiếu thẳng về phía mình. Tôi bàng hoàng cảm thấy có một đốm lửa nhay nháy cháy dọc theo sống lưng mình và bừng tỉnh. Những sự kiện xảy ra trong mấy ngày qua khiến tôi chợt nhớ tới câu chuyện về đôi mắt của người chiến sĩ Điện Biên mà bố tôi đã kể cho nghe từ lâu lắm rồi... Sớm mùng bảy tháng hai năm 1972, sau lúc B52 Mỹ trút bom xuống khu rừng cạnh con suối A Koi, một con vượn bạc má bị thương vào đầu, mất phương hướng, loạng choạng chạy từ đỉnh 654 xuống nơi chúng tôi đang ém quân thì kiệt sức. Không bỏ lỡ dịp may hiếm hoi này, trung đội trưởng Đễ hò cánh lính làng gốm Bát Tràng cùng xúm vào làm một bữa tươi. Do vội vã, lại phải tắt lửa nhiều lần để tránh bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, món thịt mà chúng tôi đã chia nhau nhai ngấu nhai nghiến một cách ngon lành trong khi đói hình như còn nửa sống nửa chín thì phải. Trông chúng chẳng khác gì thứ đất gan gà qua lò gốm tắt lửa giữa chừng vậy. Thâm sì và tanh ngắt! Sau bữa liên hoan trời cho, ngồi bên cạnh tôi, thằng Giới cứ khụt khịt mũi. Hỏi, Giới nói nó ngờ tôi chính là thủ phạm của cái mùi tanh ngóm tanh ngòm đang lởn vởn tỏa ra từ đâu đây. Tôi đưa tay lên mũi. Mùi tanh từ các lỗ chân lông rịn mồ hôi chua lòm. Lại thấy cả hơi thở của mình cũng có vẻ nằng nặng, lờm lợm. Thằng Giới bắt chước điệu bộ của tôi, nó nhăn mặt, kêu toáng lên là người nó bị bốc mùi. Mùi vượn chết! Hoi, hoi quá! Mới thoảng qua đã thấy ớn! Hai chúng tôi chạy đi tìm trung đội trưởng Đễ và bắt gặp anh đang lặn ngụp dưới suối. Từ dưới nước, Đễ vẫy tay rối rít ra hiệu cho tôi và Giới chạy lại. Vừa lồm cồm bò lên tới bờ Đễ đã dồn: - Hai thằng mày thế nào? Có thấy gì lạ không? Tôi trả lời: - Có, tự nhiên hóa ra một lũ chua lòm lòm anh ạ! - Làm sao bây giờ? Giới lo lắng, hỏi. Đễ cười phô cả hàm răng trắng bóng: - Ha ha, xuống đây, xuống mau! Ha, ha, nước sẽ gột hết trơn mọi thứ cho mà xem! Cả ba nhảy tùm xuống suối A Koi, ra sức kì cọ. Lại ngậm cả nước, xúc miệng òng ọc, phun ra phì phì nữa. Hình như mùi tanh có bớt đi một chút. Nhưng khi về tới nơi ém quân, mồ hôi ai nấy lại túa ra. Và cái mùi quái ác kia lại xuất hiện, lởn vởn, thoang thoảng bay... Ba giờ chiều, đại đội trưởng Ngoạn và chính trị viên Quánh đến kiểm tra lại quân số và vũ khí của trung đội trước khi cả đại đội lên đường tập kích cứ điểm 671. Xem xong dây thủ pháo cài trên thắt lưng tôi, đại đội trưởng bỗng nheo nheo mắt, hất hàm hỏi: - Mấy ngày rồi đồng chí chưa tắm? Tôi dập chân đứng theo tư thế nghiêm, dõng dạc trả lời người đồng hương xứ gốm Bát Tràng của mình: - Báo cáo thủ trưởng! Tôi vừa tắm hồi nãy ạ! Nghe tôi trả lời, Ngoạn khẽ lắc đầu, sải bước xuôi theo hướng gió đi về phía cuối hàng quân. Mặt anh sa sầm, cặp lông mày rậm nhíu xệch về một bên. Trong khi đó, chính trị viên Quánh dừng lại trước mặt thằng Giới, hỏi khẽ: - Còn anh? Giới không hiểu thủ trưởng định hỏi mình về điều gì, nó lúng búng trong miệng: - Báo cáo, tôi, tôi...đã sẵn sàng! Chính trị viên cười: - Tôi hỏi cậu tắm cách nay mấy ngày rồi kia? - Sao lại mấy ngày? Em cũng mới tắm lúc trưa mà. Nhưng sao các thủ trưởng chỉ xoáy vào chuyện tắm giặt thế ạ? Quánh không trả lời câu hỏi của Giới. Anh quay sang hội ý với Ngoạn và ra lệnh kiểm tra tư trang toàn trung đội. Những chiếc ba lô được mở tung. Chăn, màn, quần, áo, bát, đũa lần lượt được xếp ngay ngắn trên những tấm ni lon xanh thẫm. Đúng lúc Đễ đang nháy nháy mắt, ra ý không ai được tiết lộ bí mật của trung đội làng gốm, Quánh bỗng đưa cái bát sắt của thằng Giới lên ngang mặt. Mùi tanh lợm giọng của mỡ vượn còn sót lại nơi đáy bát xộc vào mũi anh. Chính trị viên ho sặc sụa, chảy cả nước mắt. Anh vừa khạc nước bọt vừa la lên: - Thịt vượn! Đúng là thịt vượn chết rồi! Thảo nào... Biết không thể giấu được nữa, Đễ vội chạy tới trước mặt đại đội trưởng và chính trị viên, giơ tay lên ngang trán, thành thật: - Báo cáo các thủ trưởng, đúng là mùi thịt vượn chúng tôi chén lúc trưa đấy ạ. Bây giờ... Ngoạn nghiêm mặt nhìn Đễ, chì chiết: - Bây giờ ư? Bây giờ có cách nào giải quyết hậu quả không ư? Với cái mùi vượn chết này, các đồng chí tưởng có thể luồn sâu vào cứ điểm mà không bị chó bẹc giê của địch phát hiện ra sao? Đễ tái mặt nhìn chính trị viên cầu cứu. Quánh không nói, hướng về phía Ngoạn như có ý chờ đợi anh trả lời. - Thôi được, tôi có cách chữa rồi đây! Ngoạn nói ngay. Cả trung đội thở phào nhẹ nhõm. Theo lệnh của Ngoạn, chúng tôi úp tất cả xoong, chảo và bát sắt xuống đất. Cũng vậy, chúng tôi cởi hết quần áo ném xuống cỏ, lấy đất phủ lên trên một lớp mỏng. Cả trung đội trần truồng như nhộng, vừa khúc khích cười vừa trườn, lăn trên mặt đất theo khẩu lệnh của Ngoạn. Cho tới lúc mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm, toàn thân bị đất nhuộm đỏ au, anh mới cho ngừng công việc. Ngoạn bảo mỗi người hãy nhào cho mình một nắm đất thật nhuyễn. Sau đó, đập bẹt thành hình những cái bánh dày, úp vào miệng, hả hơi ra, hít hơi vào thật mạnh. Chúng tôi hà hít tới cái thứ năm mươi thì Ngoạn giơ tay ra ý dừng lại và quay sang nói với Quánh: - Giờ thì ta có thể bịt được những cái mũi ướt của lũ bẹc giê trong cứ điểm rồi đấy! Chính trị viên ngược từ phía cuối lên đầu hàng quân, vừa đi vừa hít mạnh. Anh dừng lại trước mặt tôi, nở một nụ cười hiền lành: - May mà đất đã át hết mùi thịt vượn. Không thì... Ngoạn nhìn mọi người khắp lượt, gằn giọng ra lệnh: - Trung đội chuẩn bị hành quân. Đúng giờ X tập kết cách hàng rào thứ nhất của cứ điểm 671 năm chục mét. Giờ Y bắt đầu tổ chức tiền nhập. Nổ súng vào giờ Z. Rõ chưa? Thay vì phải đứng nghiêm và hô: “Rõ!” theo quân lệnh, chúng tôi lại hích hích vào hông nhau, cùng một lúc nhìn xuống và phá lên cười... Trận tập kích vào cứ điểm 671 diễn ra hoàn toàn trái ngược với kế hoạch tác chiến của đơn vị tôi. Ngay từ những phút đầu tiên, chúng tôi đã làm chủ được trận địa. Nhưng trớ trêu thay, đó là một trận địa không có địch. Trước đó, chúng đã gian ngoan bí mật rút ra phục kích ở những công sự ngoại vi. Chờ cho chúng tôi tung hết số thủ pháo và quét AK tảo trừ vào các ụ súng, các nhà ngủ dã chiến, chúng mới cho gọi pháo bầy bắn hàng mấy trăm quả đạn vào khu trung tâm rồi tổ chức phản kích, xiết chặt vòng vây, quyết đánh bật chúng tôi khỏi trận địa. Do tính chất của trận đánh, nhận ra sự chênh lệch quá lớn về quân số và vũ khí giữa ta và địch, Ngoạn đành cắn răng ra lệnh cho đơn vị vừa chống trả vừa rút lui. Anh dẫm phải một trái mìn và hi sinh tại hàng rào bùng nhùng thứ hai. Ngày mùng tám, trinh sát ta báo tin địch ở cứ điểm 671 đã cho một tốp lính đi tua quanh các hàng rào dây thép gai. Nhưng không rõ vì lí do gì mà chúng không chịu dời xác Ngoạn đi chỗ khác. Có thể vì chúng sợ vấp phải mìn gài trong hàng rào dây thép gai? Hay chúng đoán thế nào chúng tôi cũng quay trở lại lấy xác đồng đội nên đã ngầm giăng bẫy đón sẵn? Đêm mùng mười, tôi và Giới nhận được lệnh bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa được Ngoạn về với đơn vị. Trong đêm tối, sau khi gỡ được bốn quả mìn chân voi, chúng tôi đã bí mật trườn tới được chỗ Ngoạn hi sinh. Hầu như không biết tới mùi hôi rợn tóc gáy ọc vào mũi, Giới khẽ khàng đặt cái xác đã ri rỉ nước vàng lên lưng tôi. Giới trườn phía trước, tôi nắm chặt lấy chân anh cùng nhích dần từng phân ra khỏi cõi chết. Mỗi lần địch bắn pháo sáng hoặc la hét, nổ súng bừa bãi vào các hàng rào xung quanh, tôi lại phải nghiêng người đặt Ngoạn xuống cỏ. Tôi không muốn anh trúng đạn của quân thù một lần nữa! Lạ thay, như có một phép màu vừa xảy ra, mùi hôi từ thân thể người đại đội trưởng cứ mỗi lúc một vơi dần đi. Tới hàng rào cuối cùng thì cái mùi khó chịu ấy đã phần nào được thay thế bằng vị ngai ngái của cây cỏ và đất đai. Tảng sáng, hai chúng tôi cáng Ngoạn về tới cửa rừng. Lúc đặt cái cáng xuống đất, tôi đưa mắt nhìn Ngoạn và Giới. Trời ơi, cả người sống và người đã khuất đều lấm lem như vừa chui lên từ bùn đất vậy! Chính điều này đã làm tôi không kìm được lòng và bật khóc thành tiếng... Thấy Quánh cứ lặng người đi bên thi thể Ngoạn, tôi bèn ngồi xuống bên cạnh anh và trình bày ý định của mình. Nghe giọng nói hơi nghẹn lại vì xúc động của tôi, Quánh gật đầu, bảo: - Cậu cứ làm thử xem! May ra... Tôi chạy nhanh ra bờ suối và trở lại với một nắm đất đỏ mịn như đất dùng để nặn đồ gốm trên tay. Lặp lại trình tự từng việc theo câu chuyện mà bố đã kể, tôi chia nắm đất làm đôi, nhẹ nhàng cúi xuống đặt lên hai mí mắt Ngoạn, miệng lầm rầm đọc một câu hát ru của người làng gốm: Vuông bên này nâng chân kẻ dẫm Tròn bên kia dẫn lối người đi...Chim trời đậu nhánh chanh quê Bàn xoay thương đất tay vê nhớ người...Dứt lời hát, tôi nghiêng mình nhìn Ngoạn lần cuối rồi quay ra, nhường chỗ cho anh em trong đơn vị lần lượt tới vĩnh biệt đại đội trưởng. Do phải đi làm nhiệm vụ theo dõi quy luật hoạt động của bọn địch ở cứ điểm 671 gấp, tôi không được cùng anh em làng gốm tắm rửa và quàn thi thể cho Ngoạn. Nhưng về sau, nghe Giới kể lại, tôi mới hay rằng: nhờ có hai nắm đất thiêng kia, đôi mắt trân trối của đại đội trưởng Ngoạn đã từ từ khép lại... Hình như linh hồn anh đã đến được với giấc mơ mà anh em chúng tôi thường khao khát - giấc mơ trở lại quê nhà, tự tay nhóm lên những lò gốm rừng rực lửa đỏ...