Dịch giả: Trần Đình Hiến
Chương 1

"Tộc Khuyển Nhung tự nhận tổ tiên của họ là hai con chó trắng, tôtem của họ là chó."
(Phạm Văn Lan - Trung Quốc thông sử giản biên, tập I)
"Chu Mục Vương chinh phạt Khuyển Nhung, đem về bốn sói trắng, bốn hươu trắng."
(Hán thư - Hung Nô truyện)
Khi Trần Trận phục trong hố tuyết dùng ống nhòm đơn chộp được một con sói gộc vào trong ống kính, cậu thấy ánh mắt con sói Mông Cổ nhọn như mũi dùi thép. Khắp người cậu nổi da gà, áo sơ mi bị đội lên, gần như không dính vào da thịt. Có ông già Pilich ở bên, lần này Trần Trận không đến nỗi hồn vía lên mây, nhưng mồ hôi lạnh cứ túa ra từ lỗ chân lông, áo ướt đẫm. Tuy lên thảo nguyên đã hai năm, nhưng cậu vẫn sợ sói gộc và sói đàn. Trong núi sâu, xa lều trại, gặp đàn sói đông đến như thế, hơi thở của cậu cũng run. Trần Trận và ông già Pilich lúc này trong tay không súng, không mác, không thòng lọng bắt ngựa, thậm chí ngay cả chiếc bàn đạp bằng sắt cũng không. Hai người chỉ mỗi hai cây roi, lỡ ra bọn sói ngửi thấy hơi người, chắc chắn cả hai chầu trời sớm.
Trần Trận thở hổn hển, ngoảnh sang nhìn ông già. Ông đang quan sát vòng vây của bọn sói bằng chiếc ống nhòm đơn. Ông kìm giọng, nói khẽ: Cậu nhát như thỏ đế, chẳng khác lũ cừu tí nào! Người Hán các cậu sợ sói từ trong máu, nếu không, sao cứ vào đến thảo nguyên là bại trận? Thấy Trần Trận không nói gì, ông khẽ nạt: Lần này thì đừng có cuống lên, phải quan sát động tĩnh, bọn sói không rửng mỡ đùa nghịch cho vui đâu. Trần Trận gật đầu, cậu bốc một nắm tuyết nắm chặt, tuyết trong tay cậu đóng thành băng.
Dốc núi chênh chếch phía trước mặt, đàn dê vàng đông đúc trong khi tranh thủ bứt cỏ vẫn đề cao cảnh giác, nhưng hình như chúng chưa phát hiện ra âm mưu của sói. Một đầu của vòng cung bao vây ngày càng tới gần chỗ nấp của hai người. Trần Trận không dám cử động, cậu cảm thấy như bị đóng băng.
Đây là lần thứ hai Trần Trận gặp đàn sói lớn như thế trên thảo nguyên. Lúc này, nỗi kinh hoàng khi lần thứ nhất gặp đàn sói khiến toàn thân cậu run rẩy. Câu tin rằng, bất cứ người Hán nào gặp cảnh ngộ như cậu mà gan mật không bị tổn thương thì chớ kể.
Cách đây hai năm, khi Trần Trận từ Bắc Kinh về lao động ở mục trường vùng biên này đã là cuối tháng 11, đây đó tuyết trắng mênh mông. Chưa có lều cấp cho thanh niên trí thức, Trần Trận đến ở cùng gia đình ông già Pilich, đảm nhiệm công việc chăn cừu. Hơn tháng sau, một hôm cậu cùng ông già lên Ban Quản lý mục trường xa hơn tám mươi cây số nhận tài liệu học tập, nhân tiện mua sắm ít đồ nhật dụng. Lúc sắp ra về, ông già là uỷ viên Uỷ ban cách mạng mục trường phải ở lại họp đột xuất, nhưng tài liệu thì mục trưòng chỉ thị phải đem về ngay, không được để chậm. Trần Trận đành ra về một mình. Ông già đổi cho cậu con ngựa ô cao lớn của ông, nó vừa chạy nhanh vừa thuộc đường. Ông dặn đi dặn lại đừng đi đường tắt, cứ đường lớn mà đi, dọc đường hai ba mưoi dặm lại có một lều dân, sẽ không xảy ra chuyện gì.
Trần Trận lên yên, lập tức cảm thấy sức mạnh tràn trề của con ngựa Mông Cổ thượng thặng, liền nảy ra cái ý muốn phóng thật nhanh. Vừa lên đầu dốc, ngó thấy đỉnh Sacanôla, nơi trú ngụ của đại đội, cậu liền quên béng lời dặn của ông già, bỏ con đường vòng dài hai mươi cây số, chạy theo đường tắt về thẳng đại đội cho nhanh.
Trời mỗi lúc mỗi lạnh, đi được nửa đường thì có lẽ vì rét, mặt trời run rẩy lẩn xuống dưới đường chân trời. Hơi lạnh từ mặt tuyết dâng lên, vạt áo da cứng ngắc. Trần Trận co duỗi cánh tay, khuỷu tay và kích áo kêu sột soạt. Một lớp trắng như sương muối phủ kín mình con ngựa ô, chân lún trong tuyết dày, con ngựa chạy chậm dần. Đồi núi nhấp nhô, cái nọ tiếp cái kia, nhìn khắp không thấy một sợi khói bếp. Con ngựa vẫn chạy nước kiệu, nó chưa mệt, nước chạy ổn định, người cưỡi không bị lắc. Trần Trận buông lỏng dây cương, mặc cho con ngựa tự điều chỉnh tốc độ và hướng chạy. Cậu bỗng chột dạ mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Cậu sợ con ngựa lạc đường, sợ trời trở chứng, sợ bão tuyết, sợ chết cóng trong thảo nguyên, nhưng còn một nỗi sợ nữa mà cậu quên: Sợ sói.
Sắp tới một cái khe. Con ngựa ô dọc đường hoạt bát nhanh nhẹn, tai đảo bốn phía dò động tĩnh bỗng dừng phắt. Nó nhìn như đóng đinh về phía sau khe và bắt đầu khịt mũi, bước chân rối loạn. Đây là lần đầu Trần Trận một mình một ngựa chạy đường trường trên thảo nguyên, cậu không biết sự nguy hiểm đang rình rập phía trước. Con ngựa ô nở to cánh mũi, mắt trợn tròn, tự động đổi hướng. Nó định tránh đường, nhưng Trần Trận không hiểu con ngựa, cậu gò cương bắt nó chạy theo hướng cũ. Nước kiệu con ngựa càng rối, trở thành nửa chạy nửa lắc, vậy mà tiếng vó thì lại rất khoẻ, có thể chuyển sang nước đại bất cứ lúc nào. Trần Trận hiểu rằng mùa đông phải giữ sức cho ngựa nên gò cương không cho nó chạy vụt lên.
Con ngựa thấy hàng loạt cảnh báo mà không có tác dụng, bèn quay lại ngoạm ủng da trên chân cậu. Nhìn vào ánh mắt sợ hãi của con ngựa, Trần Trận chợt cảm thấy hình như có chuyện nguy hiểm. Nhưng lúc này thì đã muộn, con ngựa đã run rẩy bước vào cửa khe thăm thẳm hình phễu.
Khi nhìn thẳng vào bên trong khe, Trần Trận suýt ngã ngựa. Trong ánh hoàng hôn, một đàn sói Mông Cổ lông vàng rực, sát khí đằng đằng đang đứng trên một đồi tuyết cách khoảng bốn mươi mét. Tất cả đều nhìn thẳng hoặc nhìn nghiêng, tia mắt như những chùm lông nhím bay về phía cậu. Phía gần nhất là mấy con sói gộc, lớn như báo gấm, to gấp đôi, cao gấp rưỡi, dài bằng một thân rưỡi những con sói trong vườn thú Bắc Kinh. Lúc này những con đang ngồi đứng vụt cả dậy, đuôi duỗi thẳng như lưỡi lê tuốt khỏi vỏ, như cánh cung từ trên cao chĩa xuống, chuẩn bị một cuộc xung sát. Những con sói gộc vây quanh con sói chúa lông trắng, nhưng cổ, ức và dưới bụng thì lại màu xám tro sáng như bạch kim, đầy vẻ dữ dằn. Đàn sói không dưới bốn chục con. Sau này, khi Trần Trận kể lại chi tiết cách bài binh bố trận của bầy sói cho ông Pilich nghe, ông dùng ngón tay trỏ gạt mồ hôi trán rồi bảo, có đến tám phần là đàn sói đang họp, chúng đang phân công tập kích một đàn ngựa sau núi. May mà đàn sói khi ấy không đói. Sói đói thì lông không phát sáng.
Trong một thoáng, Trần Trận mất sạch cảm giác. Cái dấu hiệu cuối cùng mà cậu nhận biết được là một tiếng động rủn người như hai đồng bạc trắng đập vào nhau, chắc chắn đó là tiếng va chạm của hồn vía cậu đập vào thiên linh cái khi thoát ra khỏi đầu. Cậu cảm thấy dễ đến mười mấy giây sinh mạng của cậu đã đứt đoạn, chỉ còn là cái xác không hồn. Cậu sở dĩ không ngã bởi vì con ngựa mà cậu cưỡi không phải con ngựa thường. Nó là một con ngựa săn nổi tiếng, trưởng thành qua hàng trăm trận chiến đấu với sói.
Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, con ngựa trở lại bình tĩnh đến ngạc nhiên. Nó làm ra vẻ không trông thấy đàn sói, hoặc ra cái điều ngẫu nhiên bắt gặp bầy sói đang tụ tập, tiếp tục chậm rãi bước tới như một khách qua đường. Nó tỏ ra gan lì, bước chân đĩnh đạc, không dụt dè, cũng không cướp đưòng mà chạy, mà như một diễn viên thượng thặng đội giàn cốc pha lê trên đầu, nó điều chỉnh nhịp đi sao cho uyển chuyển để người cưỡi trên lưng khỏi ngã xuống làm mồi cho sói.
Có lẽ do dũng khí và sự thông minh của con ngựa mà hồn vía Trần Trận lại trở về với cậu. Cũng có thể Trần Trận được trời rủ lòng thương, trả lại linh hồn và thổi váo đấylòng tin và nghị lực. Khi thể xác nhận lại hồn vía, cậu coi như từ cõi chết trở về, điềm tĩnh đến ngạc nhiên.
Trần Trận ngồi thẳng đuỗn trên yên. Cậu tự dưng bắt chước con ngựa làm ra vẻ phớt đời, không thèm nhìn lũ sói, chỉ vội vàng liếc xéo một cái và có cảm giác chúng ở ngay bên cạnh. Cậu biết tốc độ của sói thảo nguyên, chỉ vài giây là đã vọt tới trước mặt con mồi. Người ngựa ngày càng gần lũ sói phía bên. Trần Trận rất hiểu không được mảy may tỏ ra sợ sệt, phải như Khổng Minh bày không thành kế, làm như trong tay nắm hàng triệu quân, sau lưng có hàng vạn quân thiết kỵ. Chỉ có như vậy mới có thể bình tĩnh trước sói Mông Cổ - sát thủ hung hãn và đa nghi trên thảo nguyên.
Cậu cảm thấy con sói chúa vươn cổ nhìn phía sau lưng cậu. Đàn sói như một dàn rađa, nhất loạt vểnh tai về hướng nhìn của con sói chúa. Các sát thủ im lặng đợi sói chúa ta lệnh. Cặp người ngựa tay không tấc sắt này mà dám ngang nhiên diễu qua trước mặt, khiến sói chúa sinh nghi.
Hoàng hôn sẫm dần, người ngựa càng tới gần lũ sói. Giờ đây chỉ mấy chục bước chân nhưng là nguy hiểm nhất trong đời Trần Trận, và cũng là quãng đường dài nhất đối với cậu. Con ngựa lại tiến thêm mấy bước, Trần Trận bỗng cảm thấy có một con sói chạy lên đầu dốc sau lưng, cậu đoan chắc đó là con sói trinh sát theo lệnh sói chúa, xem phía sau có quân mai phục không? Cậu lại cảm thấy hồn xiêu phách lạc lần nữa.
Con ngựa hình như cũng bối rối. Cặp đùi Trần Trận và thân ngựa đều run, rồi thì do cộng hưởng, cái run nhanh chóng chuyển sang sợ hãi. Con ngựa vểnh tai về phía sau, sốt ruột nghe ngóng con sói do thám. Khi con sói phát hiện ra sự thật là không có gì, cũng là lúc cả người lẫn ngựa đã đến chỗ gần đàn sói nhất. Trần Trận tưởng như cậu đang chui vào một cái miệng sói khổng lồ, phía trên là những răng sắc nhọn, phía dưới cũng là những răng sắc nhọn, biết đâu khi vào đến giữa hai hàm răng, con sói sẽ bập miệng một phát. Con ngựa ô nhún thấp khuỷu chân sau chuẩn bị lấy đà xung trận. Nhưng do tải nặng, nó khó mà thoát hiểm.
Đột nhiên, Trần Trận kêu trời y hệt dân du mục những lúc nguy cấp: Trời ơi, trời cao đất dày ơi, xin Người hãy giúp con! Rồi cậu lại gọi ông già Pilich. Tiếng Mông Cổ, Pilich có nghĩa là khôn ngoan. Cậu hi vọng ông già sẽ nhét vào đầu cậu sự khôn ngoan của dân thảo nguyên Mông Cổ. Thảo nguyên im lặng, không một hồi âm. Cậu tuyệt vọng ngước nhìn trời, cậu muốn nhìn lần cuối màu trắng xanh của bầu trời băng giá.
Đột nhiên, lòi ông già như tiếng sấm ngang tai: Sói sợ nhất là súng, thòng lọng và đồ vật bằng sắt. Súng và thòng lọng, cậu không có. Đồ vật bằng sắt thì sao? Bàn chân cậu nóng ran, có đấy! Dưới chân cậu là hai bàn đạp to tướng. Cậu mừng đến nỗi chân run bắn.
Ông già Pilich đổi ngựa cho cậu nhưng không đổi yên. Thảo nào ngay từ đầu, ông đã lựa cho cậu một cặp bàn đạp to bự, hình như ông tính có lúc phải dùng đến chúng như hôm nay. Nhưng khi đó ông bảo, mới tập cưỡi ngựa, bàn đạp không to thì ngồi không vững, rủi bị hất ngã, rút chân cũng dễ, tránh được trọng thương hoặc chết vì ngựa đá. Cặp bàn đạp này miệng rộng gót tròn, so với cặp bàn đạp bình thường, to gấp đôi, nặng gấp ba.
Đàn sói đang đợi con sói trinh sát. người và ngựa đã mặt đối mặt với chúng. Trần Trận rút chân khỏi bàn đạp rồi cúi xuống mỗi tay cầm một chiếc. Sống chết là ở phút này đây. Cậu vận sức lên đôi tay, ngoảnh mặt về phía đàn sói quát lên một tiếng rồi giơ bàn đạp ra trước ngực đập vào nhau “keng”một tiếng!
Keng! Keng! Keng!
Tiếng “keng” trên thảo nguyên chát chúa như búa tạ đập đường ray, xoáy vào tai lũ sói khiễn chúng giật thót. Với loài sói, tiếng va đập của kim loại còn kinh khủng hơn tiếng sét trên trời, tiếng bẫy sập trên đồng cỏ. Trần Trận gõ tiếng thứ nhất, đàn sói run bắn. Gõ mạnh mấy tiếng nữa, đàn sói cụp tai, rụt cổ, lặng lẽ bỏ chạy theo sói chúa, thoắt cái đã mất dạng. Con sói trinh sát cũng bỏ luôn nhiệm vụ, chạy theo đàn.
Trần Trận quả thực không dám tin vào mắt cậu, đàn sói đông là thế mà bị hai chiếc bàn đạp đuổi toé khói. Phấn khởi quá, cậu đập liên hồi cặp bàn đạp, vừa khoát tay về phía sau như dân du mục, vừa quát lớn: Khơlơtâng! Khơlơtâng! (Mau lên, mau lên!) ở đây rất nhiều sói.
Có thể những con sói Mông Cổ nghe hiểu tiếng Mông Cổ, hiểu cái khoát tay của cánh thợ săn Mông Cổ. Chúng tưởng bị bao vây nên nhanh chóng rút lui, nhanh nhưng vẫn rất trật tự, chạy như gió nhưng vẫn giữ được đội hình muôn thuở: Sói khoẻ đi đầu, sói chúa phía trước, sói gộc đoạn hậu, không tán loạn như loài cầm thú khác. Trần Trận đứng ngây ra nhìn.
Đàn sói thoáng cái đã mất dạng, trong khe chỉ còn lại bụi tuyết.
Trời tối sẩm, Trần Trận chưa kịp nhìn lại bàn đạp thì con ngựa đã nhằm cụm lều mà nó quen thuộc, lao đi như mũi tên. Gió lạnh lùa vào ống tay áo, vào cổ, mồ hôi trong người Trần Trận gần như đóng băng.
Thoát khỏi miệng sói trở về, Trần Trận từ đó tin là có trời như dân du mục. Hơn nữa, cũng từ đó cậu đâm sợ, kính nể và say mê sói. Với Trần Trận, sói Mông Cổ không những đụng vào tâm linh cậu, mà còn từ tâm linh hiện ra những cơ thể sống. Làm sao trong mình con sói tiềm ẩn sức hấp dẫn mạnh mẽ nhường ấy! Cái vật nhìn không thấy, sờ không được, hư vô mà hiện hữu này, có lẽ nó là sự sùng bái vật trong tâm linh, còn gọi là tôtem. Trần Trận mang máng cảm thấy hình như cậu đã tiếp cận lĩnh vực tinh thần của dân tộc thảo nguyên, tuy cánh cửa mới mở hé, nhưng cậu đã nhìn đựoc vào bên trong với một tâm trạng hứng khởi.
Hai năm sau đó, Trần Trận chưa lần nào gặp một đàn sói lớn như thế. Ban ngày chăn cừu, cậu chỉ trông thấy từ xa một hai con, mà dù có đi xa vài chục, thậm chí hàng trăm cây số, cũng chỉ gặp nhiều nhất là hai ba con, bốn năm con sói. Nhưng cậu thường thấy bò dê cừu bị sói ăn thịt, ít là một hai con, nhiều là hai ba con cừu, ba bốn con ngựa, nhiều thì xác nằm ngổn ngang. Đến thăm các gia đình có thể thấy tấm da sau khi ăn thịt sói. Nó được treo lên ở đầu sào, bay phất phới như lá cờ phướn.
°
Ông gìa Pilich nằm yên trong hố tuyết, nheo mắt nhìn chăm chú đàn dê trên sườn dốc và đàn sói ngày càng tiến lại gần, bảo Trần Trận: Ráng đợi chút nữa, học săn bắt, trước hết phải học tính kiên nhẫn của sói.
Có ông già bên cạnh, Trần Trận vững tâm hơn. Cậu gạt băng đọng trên lông mi, chớp chớp mắt nhìn ông già, giơ ống nhòm quan sát đàn dê vàng trên sườn dốc chênh chếch trước mặt và vòng vây của bầy sói. Bầy sói chưa hành động.
Từ sau lần con ngựa ô chạm trán với bầy sói, cậu hiểu con người trên thảo nguyên thực tế luôn bị sói bao vây rất gần. Ban ngày chăn cừu, ra khỏi lều không xa là đã trông thấy hàng loạt dấu chân còn mới, trên dốc dưới bãi dấu chân càng nhiều hơn, có cả những bãi phân sói màu xám nhạt. Đêm đêm cậu gần như trông thấy bóng sói vật vờ như trong cõi u linh, nhất là trong những đêm đông rét buốt, những cặp mắt sáng xanh như đom đóm chỉ cách đàn cừu vài chục mét, ít là hai ba cặp, năm sáu cặp, nhiều là mười mấy cặp, nhiều nhất là cái lần cậu dùng đèn pin của con trai ông già, đếm được hai mươi lăm cặp. Du mục nguyên thuỷ cũng như du kích hành quân, càng gọn nhẹ càng tốt. Chuồng cừu mùa đông chỉ là xe cũ, rào lưu động và những tấm thảm lớn quây thành một vòng bán nguyệt, chỉ chắn gió, không ngăn được sói. Khoảng trống rất lớn ở phía nam hoàn toàn dựa vào đàn chó và đám phụ nữ gác đêm. Đôi khi sói lọt vào trong chuồng, sói và chó cắn nhau văng vào vách lều, đụng phải người ngủ sát bên trong. Trần Trận từng hai lần bị đánh thức kiểu ấy, nếu không có bức vách, con sói rơi trúng người cậu. Du mục nguyên thuỷ, người và sói thảo nguyên chỉ cách nhau hai lớp thảm. Có điều cho đến bây giờ, Trần Trận chưa có dịp nào quần nhau với sói. Những con sói Mông Cổ thiện chiến xuất quỷ nhập thần hơn du kích đồng bằng Hoa Bắc. Những đêm bị sói quấy nhiẽu, Trần Trận buộc phải tỉnh ngủ, cậu dặn Caxưmai trực đêm thấy sói vào chuồng nhớ đánh thức, cậu sẽ giúp một tay. Ông già Pilich thường vê vê bọ râu dê mà cười mỉm, ông bảo ông chưa thấy người Hán nào hăng hái như cậu. Hình như ông già rất bằng lòng về chàng thanh niên trí thức Bắc Kinh đầy nhiệt huyết này.
Rồi thì Trần Trận cũng được chứng kiến một cuộc ác chiến giữa người và sói dưới ánh đèn pin trong một đêm giông bão cuối năm.
"Trần Tận (Trận)! Trần Tận (Trận)!"
Trần Trận bị tiếng gọi giật giọng của Caxưmai và tiếng chó sủa điên cuồng đánh thức. Đêm đã khuya. Cậu xỏ vội đôi ủng và chiếc áo khoác ngoài, cầm đèn pin và roi ngựa bước ra khỏi lều, hai chân run bắn. Trong quầng sáng đèn pin có tuyết bay lất phất, cậu trong thấy Caxưmai đang túm chặt cái đuôi rất dài một con sói gộc. Con sói có chiều dài suýt soát một thân người trưởng thành. Caxưmai định lôi nó ra khỏi đàn cừu dày đặc. Con sói muốn quay lại cắn ngưòi, nhưng đàn cừu vì sợ gió, sợ lạnh nên đỏ xô về phía bức tường chắn gió, ken chặt đến nỗi nửa thân trước của con sói bị kẹt cứng không cựa quậy được, chi còn mỗi cách cắn văng mạng những con cừu hai bên và hai chân trước bám đất chơi trò kéo co với Caxưmai để thoát ra khỏi đàn cừu, quay lại cắn trả. Trần Trận loạng choạng chạy về phía Caxưmai, nhất thời chưa biết xử lý ra sao. Hai con chó to lớn sau lưng Caxưmai cũng bị đàn cừu che chắn, không thể tiếp cận con sói, chỉ quáng quàng bên ngoài mà sủa uy hiếp con sói. Năm sáu con chó nhà ông Pilich và toàn bộ chó của những nhà lân cận đang quần nhau với bầy sói tại phía đông chuồng cừu. Tiến sủa, tiếng rú, tiếng gào kinh thiên động địa. Trần Trận rát muốn giúp Caxưmai một tay, nhng cậu run quá, không nhích nổi nửa bước. Cậu vốn rất muốn chạm tay vào con sói, giờ đây ý tưởng đó tan như bọt xà phòng. Nhưng Caxưmai thì cứ tưởng cậu định đến giúp, vội hét: Đừng lại gần kẻo bị sói cắn! Đuổi đàn cừu để lấy chỗ cho chó vào!
Caxưmai ngả ngưòi về phía sau, ra sức kéo đuôi con sói đến nỗi mồ hôi đầy mặt. Cô dùng cả hai tay bẻ gập đuôi khiến nó đau quá, há miệng đỏ lòm hớp gió lạnh, hận nỗi không thể quay lại cắn chết tươi con người phía sau cho hả giận. Trườn lên không ăn thua, con sói bò giật lùi thật nhanh, quay được người lại cắn Caxưmai. “Soạt”, vạt áo dài của cô bị rách toạc. Cặp mắt lá răm của cô gái Mông Cổ loé sáng như mắt con báo hoa, cô vẫn túm chặt đuôi sói, nhảy lùi một bước để kéo thẳng nó như cũ, rối ra sức lôi con sói về phía mấy con chó.
Trần Trận hoa mắt, cậu giơ cao đèn pin để Caxưmai nhìn rõ con sói, còn tay cầm gậy thì vụt lia lịa, bất kể vào đầu hay vào tai nó. Đàn cừu nhốn nháo, vì sợ con sói trong bóng tối nên tranh nhau chạy tới chỗ quầng sáng. Trần Trận đâm ra bất lực, không xua được đàn cừu theo ý muốn. Cậu nhận ra Caxưmai đang yếu thế, con sói đã dướn lên một bước.
"A má! A má!" - Có tiếng trẻ kêu thất thanh.
Bayan, đứa con trai lên chín của Caxưmai xông ra khỏi lều, trông thấy mẹ với con sói, nó kêu lạc cả giọng. Như chơi trò nhảy cừu, nó nhảy tưng tưng trên lưng những con cừu đến chỗ mẹ, cùng mẹ tóm đuôi con sói. Caxưmai hét to: Tóm cẳng nó! Bayan chuyển một tay tóm cẳng con sói rồi ra sức kéo. Sức dướn của con sói bị giảm nhiều, hai mẹ con đã ghìm được nó tại chỗ. Tiếng chó vẫn sủa râm ran phía đông. Đàn sói rõ ràng giương đông kích tây. Bộ phận chủ lực khống chế đàn chó, yểm hộ cho những con xông vào chuồng cừu. Mạn giữa và phía tây hoàn toàn do hai mẹ con Caxưmai cố thủ, không cho con sói gộc dồn một số cừu ra ngoài bằng cách chọc thủng tấm thảm chắn.
Ông già Pilich cũng ra chỗ đàn cừu. Ông vừa dồn cừu, vừa gọi: Balưa! Balưa! Balưa tiếng Mông Cổ có nghĩa là “hổ”. Đó là con chó săn sói, giống chó Tạng, to lớn nhất đàn, cực kỳ hung hãn, thân tuy không dài bằng, nhưng cao và ức nở hơn sói nhiều. Nghe tiếng gọi của chủ, Balưa lập tức rút khỏi cuộc chiến, chạy tới bên chủ, hơi thở toàn mùi máu. Ông già vội đón chiếc đèn pin từ tay Trần Trận soi về phía con sói. Balưa lắc đầu một cái thật mạnh, buồn như vệ sĩ bị mất chức, điên cuồng nhào tới chỗ con sói, đạp cả lên đầu lũ cừu. Ông già bào Trần Trận: Dồn cừu về phía sói! Lèn chặt sói lại, không cho nó chạy thoát! Nói rồi ông nắm tay Trần Trận, hai người dồn cừu về phía con sói và mẹ con Caxưmai.
Con Balưa hung dữ miệng phì khói, cuối cùng vào tới chỗ Caxưmai, nhưng con sói bị kẹt giữa đàn cừu không một kẽ hở. Những con chó săn khôn ngoan của Mông Cổ đều không cắn vào những chỗ có thể làm hỏng bộ da sói. Con Balưa tìm không ra chỗ thích hợp để cắn, nó cuống quít rên ư ử. Thấy con Balưa,Caxưmai liền né sang bên, tì đuôi sói vào gối rồi dùng sức mạnh toàn thân mà bẻ, “rắc” một tiếng, xuơng đuôi con sói bị gãy. Con sói đau quá tru thảm thiết, bốn chân bám trụ lơi ra, mẹ con Caxưmai nhân đà giật mạnh nó ra khỏi đàn cừu. Con sói toàn thân run rẩy, ngoái lại nhìn vết thương. Balưa thừa cơ nhảy tới ngoạm trúng cổ họng con sói, rồi mặc cho nó quẫy đạp, con Balưa dùng hai chân trước chặn ức, hàm răng sắc nhọn bập trúng họng, máu sói vọt ra hai bên mép chó. Con sói giãy giụa trong vài phút rồi ngã vật, thân mềm nhũn. Caxưmai chùi máu trên mặt, thở ra một hơi. Trần Trận nhìn sắc mặt đỏ au tưởng chị dùng son làm bằng huyết sói, đẹp man rợ như phụ nữ thời tiền sử.
Mùi máu sói lan ra không khí, đàn chó im bặt, lũ sói bỏ chạy, thoáng cái đã mất hút trong đêm. Chỉ lát sau, từ những trảng cỏ phía tây bắc vọng lại tiếng hú dài thê thảm tiễn đưa viên tướng của chúng vừa trận vong.
Mình là đồ vô tích sự, dát như cừu! Trần Trận thẹn thùng tự trách. Mình không bằng những con chó thảo nguyên, không bằng phụ nữ thảo nguyên. Đứa trẻ lên chín mình cũng không bằng. Caxưmai cười, lắc đầu bảo: Không đúng, nếu không có chú đến giúp thì nó bắt mất cừu rồi. Ông già Pilich cũng cười: Học trò người Hán như cậu mà biết dồn cừu, biết soi đèn pin, tôi mới thấy là một.
Rốt cuộc Trần Trận cũng sờ được vào cái xác còn nóng của con sói. Cậu hối hận vì hồi nãy không kéo đuôi con sói cùng với Caxưmai, bỏ lỡ dịp ngàn năm có một tay không bắt sói. Sói Ơlôn quả thực to vật vã, lông lá đầy mình như hắc tinh tinh, chết rồi mà vẫn oai phong, chỉ như say rượu nằm dưới đất, có thể vọt dậy bất cứ lúc nào. Trần Trận sờ cái đầu to đùng của con sói, lấy hết can đảm ngồi xuống, giang ngón cái và ngón giữa đo chiều dài từ chóp mũi dến chót đuôi. Chín gang tay, vị chi là một mét tám, cao hơn cậu mấy phân. Trần Trận hít hà ngạc nhiên quá đỗi.
Ông già Pilich dùng đèn pin soi đàn cừu. Có ba bốn con đã bị sói cắn cụt khu đuôi béo mẫm, mỡ và máu trộn lẫn, chảy từng vệt. Ông già bảo, đổi bốn năm cái đuôi cừu lấy một con sói không lỗ vốn. Ông cùng Trần Trận kéo con sói về lều, đề phòng lũ chó hàng xóm cắn xé bộ da cho đỡ tức. Trần Trận cảm thấy chân sói to hơn nhiều so với chân chó. Cậu xoè bàn tay ướm thử, trừ các ngón tay, bàn chân sói vừa bằng bàn tay người lớn. Thảo hèn sói chạy rất ổn định trên tuyết hoặc trên đá sỏi. Ông già bảo: Ngày mai tôi dạy cậu lột da sói làm xà cạp chân.
Caxưmai bê từ trong lều ra nửa chậu thịt vụn lẫn xưong khao Balư và lũ chó. Trần Trận cũng ra theo, luôn tay vuốt ve cái đầu to bự và tấm lưng cánh phản của con Balư. Con chó vừa nhai xương rau ráu vừa vẫy đuôi tỏ vẻ biết ơn. Trần Trận không nén được, hỏi Caxưmai: Lúc nãy chị có sợ không? Cô cười: Sợ chứ, tôi sợ sói bắt mất cừu, mất công điểm. Tôi là Tổ trưởng sản xuất, để mất cừu thì xấu hổ chết! Caxưmai võ vỗ đầu con chó, luôn miệng khen: Balư sai (giỏi lắm)! Balư sai (giỏi lắm)! Con Balư nhả miếng xương, ngẩng lên đón bàn tay của cô chủ rồi rúc mõm vào ống tay áo cô, đuôi phe phẩy. Trần Trận thấy rõ con Balư nhận ra tình cảm của cô chủ đối với nó trong lúc đói lòng giữa đêm đông. Caxưmai bảo: Cậu Trận này, sau Tết, tôi sẽ cho cậu một con cún rất đẹp, chăn nuôi đúng kỹ thuật không khó, cậu nuôi tốt, nó sẽ như con Balư. Trần Trận rối rít cảm ơn.
Vào trong lều rồi, Trần Trận vẫn chưa hết sợ, nói: Hồi nãy cháu sợ quá. Ông già nói: Khi ấy tôi cũng thấy thế khi cầm tay cậu. Mà sao cậu run ghê thế? Ra trận mà tay run thế thì làm sao cầm chắc tay dao? Muốn trụ lại trên thảo nguyên, phải tài giỏi hơn sói. Từ nay tôi sẽ thường xuyên đưa cậu đi săn sói mới được. Xưa kia Thành Cát Tư Hãn tuyển quân, bao giờ cũng tuyển những thợ săn giỏi.
Trần Trận gật đầu liền mấy cái, nói: Cháu tin là như thế. Chị Caxưmai mà lên ngựa ra trận, tài giỏi hơn Hoa Mộc Lan nhiều. Hoa Mộc Lan là một nữ tướng rất nổi tiếng đời Hán.
Ông già nói: Hoa… Hoa Mộ La (Mộc Lan) của người Hán rất hiếm, còn Caxưmai của Mông Cổ thì rất nhiều, nhà nào cũng có. Ông già cất tiếng cười khà, y hệt tiếng cười của con sói chúa.
Từ ấy Trần Trận ngày càng muốn tiếp cận, quan sát, nghiên cứu lũ sói. Cậu lờ mờ cảm thấy rằng, thảo nguyên và người thảo nguyên có mối quan hệ bí ẩn. Có lẽ phải hiểu rõ sói thảo nguyên thì mới hiểu được thảo nguyên và người thảo nguyên, mà sói thảo nguyên là khâu bí ẩn nhất. Trần Trận rất muốn có thêm những cảm xúc chân thực của cậu về sói, thậm chí cậu rất muốn tự mình bắt được sói con đem về nuôi. Khi nảy ra ý nghĩ này, bản thân cậu cũng giật mình. Nhưng mùa xuân càng tới gần, ý nghĩ này càng mãnh liệt.
Tuy vậy, cậu vẫn vô cùng cảm kích về tấm lòng của ông già.
Trần Trận cảm thấy ông già hích tay cậu rồi chỉ lên sườn dốc. Cậu vội chĩa ống nhòm về phía ấy, đàn dê vàng vẫn đang hối hả gặm cỏ. Nhưng cậu trông thấy một con sói lớn tách khỏi vòng vây, nhằm hướng núi phía tây chạy đi. Cậu chột dạ, khẽ hỏi ông già: Chẳng lẽ đàn sói bỏ cuộc, hoài công mình phục cả buổi ở đây!
Ông già bảo: Đàn sói không dễ bỏ qua một dịp may. Hẳn là sói chúa thấy đàn dê quá đông, nên sai lính về điều thêm quân. Dịp may như thế này năm sáu năm chưa chắc đã gặp một lần. Xem ra đàn sói muốn vớ bẫm, khoắng một mẻ lớn. Hôm nay không uổng công khi dẫn cậu đến đây. Cậu thấy chưa, đi săn là phải kiên trì.