Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần III (F)

     ị giám đốc ngồi trên mép bàn. Lúc cuộn băng đã chạy hết, ông cau mày kinh ngạc. “Khá kỳ quặc. Cha lấy cái đó ở đâu vậy?”
Karras cho ngừng băng. “Ồ, đó là một tài liệu tôi đã thu thập được lúc tôi đang nghiên cứu một trường hợp nhị trùng bản ngã. Tôi đang viết một luận văn về đề tài đó”.
“Tôi hiểu”.
“Nào, cái đó nghĩa lý ra làm sao?”
Vị giám đốc tháo mục kính ra, khẽ nhá chiếc gọng kính bằng đồi mồi. “Không, đó không phải là bất cứ một ngôn ngữ nào mà tôi từng nghe biết. Tuy nhiên...” Ông cau mày. Rồi ngước nhìn Karras. “Muốn nghe lại cuộn băng chứ?”
Karras liền trả băng rồi cho chạy lại. “Bây giờ thì ông nghĩ sao?” ông hỏi.
“Chà, quả là nó có nhịp điệu của một ngôn ngữ”.
Karras cảm thấy dạt dào hy vọng. Ông trấn áp niềm cảm xúc đó xuống. “Vâng, tôi cũng nghĩ như thế”. Ông tán đồng.
“Nhưng chắc chắn là tôi không nhận ra nó cha ạ. Nó là một cổ ngữ hay tân ngữ? Hoặc giả cha có biết không?”
“Không, tôi không biết”.
“Ồ, nếu thế thì tại sao cha không để cuộn băng đó lại đây cho tôi, thưa cha? Tôi sẽ kiểm chứng lại nó với mấy cậu nhỏ trong viện này”.
“Ông vui lòng sang nó thành một bản sao được không Frank? Tôi muốn đích thân lưu giữ cuộn băng gốc”.
“Ồ, vâng, được chứ ạ”.
“Lâm thời, tôi còn vấn đề này nữa. Ông có thì giờ chứ?”
“Dĩ nhiên là có. Cứ nói đi. Có chuyện gì vậy?”
“Thế này nhé, nếu bây giờ tôi đưa cho ông những đoạn rời rạc, rõ ràng là do hai người phát âm, ông có thể nói cho tôi biết, bằng cách phân tích ngữ nghĩa, là có thể chỉ ra một người duy nhất đã diễn đạt được cả hai phong cách nói đó không?”
“Ồ, tôi nghĩ là có thể chứ”.
“Bằng cách nào?”
“Vâng, theo thiển ý, một tỷ lệ ‘đặc trưng tiêu biểu’ là một phương pháp hữu hiệu như bất cứ phương pháp nào. Trong những bản mẫu gồm một ngàn từ hoặc hơn, ta có thể kiểm chứng được tần số xuất hiện của các tự loại khác nhau”.
“Và điều đó có tính cách quyết định chung thẩm không, theo ông?”
“Ồ, có chứ. Khá quyết định. Cha thấy đó, lối trắc nghiệm ấy sẽ trừ hao bất cứ một thay đổi nào trong vốn ngữ vựng căn bản. Vấn đề không phải là các từ ngữ mà chính là cách diễn đạt các từ ngữ, phong cách. Chúng tôi gọi đó là ‘Mục lục của tính đa dạng’. Rất đỗi rối rắm cho người không chuyên môn, điều này đã hẳn, là chỗ chúng tôi muốn vậy”. Vị giám đốc mỉm cười gượng gạo. Rồi ông gật đầu về hướng mấy cuộn băng trên tay Karras. “Ông có hai người khác nhau trên mấy cuộn băng đó, phải thế không?”
“Không. Giọng nói và các từ ngữ đó phát xuất từ cửa miệng duy nhất một người mà thôi, Fank ạ. Như tôi đã nói, đó là một trường hợp nhị trùng bản ngã. Các từ ngữ và các giọng nói đó đối với tôi hoàn toàn khác hẳn, nhưng cả hai đều từ cửa miệng của duy nhất một người. Này, tôi cầu xin ông một đặc ân lớn...”
“Cha muốn chúng tôi trắc nghiệm chúng chứ gì? Rất hân hạnh thôi. Tôi sẽ giao công việc đó cho một giảng viên”.
“Không, Frank ạ, điểm lớn lao thật sự của đặc ân đó là ở chỗ này: Tôi muốn ông đích thân làm việc đó càng nhanh càng tốt. Việc này cực kỳ hệ trọng”.
Vị giám đốc đọc được vẻ khẩn trương trong đôi mắt người tu sĩ. Ông gật đầu. “Được thôi. Được thôi. Tôi sẽ đảm đương”.
Vị giám đốc mang ra những bản sao từ hai cuốn băng gốc trên, rồi Karras mang những cuốn băng gốc về khu cư xá Dòng Tên. Ông thấy có một mảnh giấy thông báo nhỏ để trong phòng. Các hồ sơ từ y viện đã đến.
Ông hối hả ra phòng tiếp tân ký nhận bưu kiện. Trở lại phòng, ông bắt đầu đọc ngay và nhanh chóng, ông tin rằng cuộc viếng thăm Viện Ngôn ngữ học của ông hóa ra uổng công.
... “... những dấu hiệu cho thấy về sụ ám ảnh tội lỗi cộng với chứng mộng du có kèm theo chứng loạn thần kinh ít-tê-ri...”
Lại có chỗ cho sự nghi ngờ rồi. Luôn luôn lúc nào cũng có chỗ như vậy. Cách giải thích. Những con dấu lạ nổi trên da Regan... Karras vùi khuôn mặt mệt mỏi của mình vào đôi tay. Dấu lạ trên da mà Chris mô tả quả thực đã được phúc trình trong hồ sơ của Regan. Người ta cũng đã ghi nhận rằng Regan có lớp da tăng phản ứng, và có thể tự mình tạo ra những cái kỳ bí bằng cách chỉ việc lấy ngón tay vạch chúng ra trên da đôi phút trước khi chúng xuất hiện. Dermatographia.
Chính cô bé đã làm điều đó. Karras trầm ngâm. Ông chắc chắn như vậy. Bởi vì ngay sau khi đôi tay của Regan bị vô hiệu hóa dưới các dây trói, các hiện tượng kỳ bí đó đã chấm dứt và không hề tái diễn nữa.
Giả ngụy. Ý thức hay là vô thức. Vẫn là giả ngụy.
Ông ngẩng đầu nhìn máy điện thoại. Frank. Gọi bảo ông ta hoãn lại chăng? Ông nhấc ống nói lên. Không có tiếng trả lời và ông đã nhắn bảo Frank gọi lại cho ông. Thế rồi, người mệt nhoài ông đứng lên, chậm chạp bước vào phòng tắm. Ông vỗ nước lạnh lên mặt. “.. Thầy đuổi quỷ cần phải thận trọng để không một biểu hiện nào của bệnh nhân bị bỏ sót...” Ông ngước lên nhìn mình trong gương. Ông có bỏ sót điều gì không? Điều gì? Cái mùi dưa bắp cải? Ông quay lại rút chiếc khăn lau khỏi giá treo và lau mặt. Tự kỷ ám thị, ông nhớ lại. Và người bị bệnh tâm thần, trong một số trường hợp nào đó; dường như có thể điều khiển cơ thể, một cách vô thức, phát ra nhiều mùi vị khác nhau.
Karras lau tay. Những tiếng động... động tác mở đóng của chiếc ngăn kéo. Thần kích chăng? Có thực vậy không? “Cha cũng tin chuyện đó sao?” Ông ngập ngừng lúc máng chiếc khăn trở lại, nhận ra rằng ông đã không suy nghĩ được sáng suốt. Quá mỏi mệt. Thế nhưng ông vẫn không dám phó mặc trường hợp của Regan cho sự phỏng đoán, cho sự phản bội tàn nhẫn của tâm trí.
Ông rời cư xá, đi đến thư viện đại học. Ông tra cứu cuốn “Chỉ Nam Khoa Học Tạp Chí” Po... Pol... Polte... Tìm thấy điều ông cần tìm, rồi ông ngồi xuống với tạp chí khoa học và đọc một bài viết về những cuộc điều tra các hiện tượng yêu quái của tác giả người Đức, bác sĩ tâm thần Hans Bender.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ông kết luận lúc đọc xong: các hiện tượng thần kích quả là có tồn tại, chúng đã được chứng minh tường tận bằng các tài liệu, đã được quay phim, được quan sát trong các bệnh viện tâm thần. Và tuyệt không có một trường hợp nào trong số những trường hợp được đề cập tới trong hai bài báo đó có liên quan gì đến việc quỷ ám cả. Hơn nữa, người ta lại còn giả thuyết là năng lực thần kinh được sản sinh một cách vô thức và thông thường - Karras thấy rõ là điều này thật hết sức có ý nghĩa - do lớp tuổi thanh thiếu niên trong những giai đoạn cực kỳ căng thẳng về nội tâm, cùng đường và phẫn nộ.
Karras dụi đôi mắt mệt mỏi. Ông vẫn còn cảm thấy mình cẩu thả, tắc trách. Ông ôn trở lại tất cả các triệu chứng, sờ mó vào từng triệu chứng như thể một cậu bé quay trở lại để sờ vào những thanh song gỗ trên hàng rào sơn trắng. Ông đã bỏ sót cái nào vậy? Ông thắc mắc. Cái nào nhỉ?
Câu trả lời, ông mệt mỏi kết luận, là không - có - cái - nào - cả.
Ông trả tờ tạp chí lại bàn giấy.
Ông đi bộ đến nhà MacNeil. Willie tiếp ông và đưa ông vào văn phòng. Cửa đóng. Willie gõ. “Có cha Karras”, chị báo danh.
“Vào đi”.
Karras bước vào và đóng cửa lại sau lưng ông. Chris đang đứng quay lưng lại ông, một tay nâng chân mày, khuỷu tay chống trên quầy rượu. “Chào cha”.
Giọng nàng là một tiếng thì thầm tuyệt vọng, khản đặc. Đầy vẻ quan tâm, ông đi lại phía nàng. “Bà khỏe không?” Ông khẽ hỏi.
“Vâng, tôi khỏe”.
Giọng nàng căng thẳng. Ông cau mày. Tay nàng che lấy mặt. Bàn tay run rẩy. “Công việc ra sao?”. Nàng hỏi ông.
“Vâng, tôi đã được hồ sơ của y viện gửi tới”. Ông chờ đợi. Nàng không nói gì. Ông tiếp. “Tôi tin là...” Ông ngập ngừng. “Vâng, ngay lúc này đây, ý kiến thành thật của tôi là cháu Regan có thể được giúp ích hữu hiệu nhất bằng liệu pháp tâm thần học chuyên sâu đặc biệt”.
Nàng lắc đầu thật chậm.
“Bố cô bé đâu?” ông hỏi nàng.
“Ở Âu châu”, nàng thì thầm.
“Bà có cho ông ấy biết mọi chuyện này không?”
Biết bao nhiêu lần nàng đã nghĩ đến việc kể lại cho anh ta nghe. Đã bị cám dỗ làm việc đó. Cuộc khủng hoảng này biết đâu chẳng đem họ trở lại với nhau, nhưng Howard và các linh mục... Vì cớ Regan, nàng đã quyết định không kể gì cho anh ta nghe hết.
“Không”, nàng khẽ đáp.
“Chà, tôi nghĩ giá ông ấy có mặt ở đây thì có thể giúp ích được”.
“Nghe đây, không điều gì có thể giúp ích được trừ phi một cái gì đó phải khuất mắt!” Chris chợt bùng nổ, ngước khuôn mặt đẩm lệ về phía vị linh mục. “Một cái gì đó phải khuất mắt”.
“Tôi tin rằng bà nên mời ông nhà đến”.
“Sao vậy?”
“Điều đó sẽ...”
“Mẹ kiếp, tôi nhờ cha đuổi một con quỷ ra, chứ không phải nhờ cha rước một con khác vào!” Nàng thét lên với Karras trong cơn cuồng loạn bất ngờ. Gương mặt nàng nhúm nhó lại trong nỗi thống khổ. “Cái gì bất ưng xảy ra với việc đuổi quỷ vậy?”
“Nào..”
“Tôi cần quái gì với tên Howard kia chứ?”
“Ta có thể thảo luận về điều ấy”.
“Hãy thảo luận điều ấy ngay bây giờ đi, mẹ kiếp! Lúc này thì Howard có ích lợi quái gì cơ chứ? Ích gì nào?”
“Rất có thể là sự rối loạn của Regan đã bắt nguồn từ một tội lỗi về...”
“Tội lỗi về cái gì?” Nàng hét tướng, mắt điên dại.
“Có thể là...”
“Về chuyện ly dị chăng? Lại toàn những chuyện tâm thần học cứt đái ấy nữa chăng?”
“Nào...”
“Nó phạm tội là vì nó đã giết Burke Dennings!”
Chris tru tréo lên với ông, hai tay nàng ấn chặt hai bên thái dương. “Nó đã giết anh ấy! Nó đã giết anh ấy và rồi người ta sẽ bỏ tù nó, người ta sắp bỏ tù nó đến nơi. Ôi, lạy Chúa, ôi...”
Karras đỡ lấy nàng lúc nàng sụm xuống, nức nở, rồi dìu nàng về phía trường kỷ. “Rồi sẽ ổn thỏa thôi”. Ông dịu dàng bảo nàng, “sẽ ổn thỏa thôi”.
“Không, họ sẽ bỏ... tù nó”, nàng sụt sùi. “Họ sẽ bỏ... bỏ... ôôi... ôi... Chúa ôi!”
“Sẽ ổn thỏa thôi...”
Ông khẽ đặt nàng nằm duỗi thoải mái trên trường kỷ. Ông ngồi xuống bên mép trường kỷ rồi ấp tay nàng trong đôi tay ông. Những ý nghĩ về Kinderman. Về Dennings. Cơn thổn thức của nàng. Tính chất vô thực. “Được rồi... ổn cả thôi... cứ bình tâm... ổn cả thôi...”
Chẳng mấy chốc, cơn thổn thức lắng dịu và ông đỡ nàng ngồi dậy. Ông mang đến cho nàng nước và một hộp khăn giấy ông tìm thấy trên kệ phía sau quầy rượu. Rồi ông ngồi xuống cạnh nàng.
“Ôi, tôi rất đỗi sung sướng”, nàng vừa nói vừa khịt và hỉ mũi. “Chúa ôi, tôi lấy làm sung sướng là đã thổ lộ điều đó ra”.
Karras lâm vào trạng thái chao đảo, nỗi chấn động vì nhận ra sự thật của ông cứ tăng tiến, trong khi người phụ nữ càng lúc càng bình tĩnh hơn. Bây giờ chỉ còn những tiếng khịt mũi khẽ khàng, những tiếng tức tưởi từng cơn trong cổ họng. Và bây giờ, gánh nặng đã nẩy trên lưng ông trở lại, nặng trĩu và ngột ngạt. Nội tâm ông tê cứng. Thôi! Đừng nói thêm nữa! “Bà muốn kể thêm cho tôi nghe không?” Ông khẽ hỏi nàng.
Chris gật đầu. Thở ra. Nàng lau một bên mắt và ngập ngừng nói, trong từng cơn co thắt, về Kinderman, về quyển sách, về sự tin chắc của nàng rằng Dennings đã có mặt trên phòng Regan, về sức mạnh phi thường của Regan, về bản ngã của Dennings mà Chris nghĩ là nàng đã trông thấy với cái đầu bị vặn tréo ra sau lưng.
Nàng chấm dứt. Lúc này nàng chờ đợi phản ứng của Karras. Trong một lúc, mãi mê suy nghĩ rốt ráo lại hết mọi điều, ông không nói gì. Rốt cuộc, ông khẽ nói, “Bà không biết rằng cô bé đã làm điều đó”.
“Nhưng cái đầu bị vặn tréo ra sau...” Chris nói.
“Bà đã tự hút đầu vào tường khá nặng đấy”, Karras trả lời. “Chính bà cũng bị sốc. Bà đã tưởng tượng ra điều ấy”.
“Nó đã bảo tôi rằng chính nó làm điều ấy”. Chris lãng đãng nói.
Một phút ngập ngừng. “Thế cháu có bảo là nó làm như thế nào không?” Karras hỏi nàng.
Chris lắc đầu. Ông quay lại nhìn nàng. “Không”. Nàng bảo. “Không”.
“Vậy thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả”, Karras bảo bà. “Không, nó chẳng mang lại một ý nghĩa nào hết, trừ phi cô bé thuật cho bà nghe những chi tiết mà ngoài kẻ sát nhân ra không một ai khác có thể biết được”.
Nàng lắc đầu, vẻ hoài nghi. “Tôi không biết”, nàng đáp. “Tôi không biết là điều mình đang làm đây có đúng hay không. Tôi nghĩ là con bé đã làm điều ấy và nó có thể giết một người khác nữa. Tôi không biết...” nàng ngập ngừng. “Thưa cha, tôi cần phải làm gì đây?” nàng tuyệt vọng hỏi ông.
Gánh nặng giờ đây đã được đúc bằng bêtông, được đem phơi khô, nó đã khuôn thành hình dạng mà nẩy trên lưng ông.
Ông tì một khuỷu tay trên đầu gối và nhắm mắt lại. “Vậy, giờ đây bà đã kể cho một người nghe rồi”, ông khẽ nói. “Bà đã làm điều bà cần phải làm. Bây giờ hãy quên nó đi. Cứ bỏ mặc hết, để một mình tôi lo toan tất cả”.
Ông cảm thấy tia mắt nàng nhìn ông và ông ngó nàng. “Bây giờ bà có cảm thấy khá hơn một chút nào không?”
Nàng gật đầu.
“Bà vui lòng làm giúp tôi một việc chứ?” ông hỏi nàng.
“Việc gì?”
“Hãy đi ra khỏi nhà, xem một phim gì đi”.
Nàng lấy lưng bàn tay lau một bên mắt và mỉm cười. “Tôi ghét xem phim lắm”.
“Thế thì đi thăm một người bạn nào đó”.
Nàng chắp hai tay vào lòng và nhìn ông niềm nở. “Tôi đã có một người bạn ngay tại đây rồi”, rốt cuộc nàng nói.
Ông mỉm cười. “Hãy nghỉ ngơi đôi chút”, ông khuyên nàng.
“Vâng”.
Ông lại có một ý nghĩ khác. “Bà nghĩ là Dennings đã mang cuốn sách đó lên lầu? Hay là nó đã có ở đó?”
“Tôi nghĩ là nó đã nằm sẵn ở đó rồi”. Chris trả lời.
Ông cân nhắc điều này. Rồi ông đứng lên. “Vâng, được rồi, bà có cần xe không?”
“Không, cha cứ việc giữ dùng”.
“Thế thì tốt. Sẽ gặp lại bà sau”.
“Chào cha”.
“Chào”.
Ông bước ra con phố đã tưng bừng huyên náo. Khuấy động. Regan. Dennings. Không thể tin được! Không! Nhưng mà Chris đã gần như xác tín điều đó, phản ứng của nàng, cơn cuồng loạn của nàng! Và điều đó chính xác là thế này đây, sự tưởng tượng do cuồng loạn. Vậy là... Ông săn đuổi những điều xác quyết như săn đuổi những chiếc là trong cơn gió cắt da.
Lúc ông đi ngang qua dãy bậc cấp dài dặc cạnh ngôi nhà ấy, ông nghe thấy một âm thanh từ bên dưới vọng lên, cạnh dòng sông.. Ông dừng lại, nhìn xuống về phía kinh đào. Có tiếng khẩu cầm. Ai đó đang thổi bài “Thung lũng sông Hồng” bài hát ruột của Karras từ thời thơ ấu. Ông lắng nghe cho mãi đến khi tiếng động xe cộ nhận chìm mất tiếng kèn, cho đến khi nỗi hoài tưởng phiêu bồng của ông bị đập vỡ tan nát bởi một cõi thế giới của hiện tại và của niềm quặn thắt, một cõi thế giới đang kêu thét cầu cứu, đang rỉ máu trên những hơi khói toát ra. Ông thọc hai bàn tay vào túi. Suy nghĩ rất lung. Về Chris. Về Regan. Về Lucas đang phang những cú đá vào thi thể Tranquille. Ông cần phải làm một cái gì đó. Cái gì? Ông có thể hy vọng là ông khôn ngoan hơn các bác sĩ tại Barringer chăng? “Hãy đi đến các Trung tâm phụ trách các vấn đề tâm thần”. Phải, phải, ông biết đó là đáp số, niềm hy vọng. Ông nhớ lại trường hợp của Achille. Bị quỷ ám. Giống như Regan, anh ta cũng gọi mình là quỷ, sự rối loạn của anh ta cũng bắt rễ từ tội lỗi, sự thống hối về nỗi bội phản trong hôn nhân.. Nhà tâm lý học Janet đã thực hiện một phương chữa bằng cách dùng thôi miên ám thị cho anh ta thấy là vợ anh ta hiện diện tại đó, thế là vợ anh ta hiện ra, trước đôi mắt bị ảo giác của Achille và chị long trọng tha thứ cho anh. Karras gật đầu. Ám thị có thể có tác dụng tốt đối với Regan. Nhưng không bằng cách thôi miên. Người ta đã thử thôi miên tại Barringer rồi. Không. Sự ám thị có tính cách phản tác dụng đối với Regan, ông tin chắc, đó chính là nghi lễ đuổi quỷ. Cô bé đã biết rõ đuổi quỷ là thế nào rồi, đã biết tác dụng của việc đó. Phản ứng của cô bé trước nước thánh. Cô đã biết điều đó từ cuốn sách. Và trong pho sách đó, có những đoạn mô tả về các cuộc đuổi quỷ thành công. Nhưng làm cách nào xin được phép tắc của Văn phòng Bí thư giám mục? Làm cách nào nêu lên được vụ việc mà không đề cập đến Dennings? Karras không thể nói dối Đức Giám mục. Không thể ngụy tạo các sự kiện. Nhưng ta có thể để cho các sự kiện tự chúng nói lên được mà!
Những sự kiện nào?
Ông phác bàn tay ngang chân mày. Cần phải ngủ. Không sao ngủ được. Ông cảm thấy hai bên thái dương đập rần rật trong cơn nhức đầu như búa bổ.
Những sự kiện nào?
Mấy cuộn băng ở Viện Ngôn ngữ học, Frank sẽ tìm thấy gì đây? Có cái gì để ông ấy có thể tìm thấy không? Không. Nhưng nào ai biết được? Regan đã không phân biệt được nước thánh với nước máy. Hẳn rồi. Nhưng cứ giả thiết như cô bé đọc được trí ta, thế thì tại sao nó lại không biết được sự khác nhau giữa hai thứ nước đó. Ông đặt tay lên trán. Nhức đầu quá. Bối rối quá. Chúa ơi, này Karras tỉnh dậy đi! Có người đang hấp hối! Tỉnh dậy đi nào!
Trở về phòng riêng, ông điện thoại đến Viện Ngôn ngữ học. Không có Frank. Ông đặt ống nói xuống. Nước thánh. Nước máy. Một điều gì đó. Ông mở cuốn Nghi lễ đến mục “Những Huấn Thị Dành Cho Thầy Đuổi Quỷ”: “... những tà linh... những câu đáp phỉnh phờ... do đó có thể là bệnh nhân không hề bị quỷ ám chút nào...”
Karras trầm ngâm. Thế là sao? Mấy người đang nói cái quái quỷ gì thế này? “Tà linh” nào chứ?
Ông đóng sầm sách lại và trông thấy chồng hồ sơ bệnh lý. Ông đọc chúng, lướt tìm bất cứ mục gì có thể giúp ông trình bày với Đức Giám mục.
Hượm đã. Không có bệnh sử về chứng loạn thần kinh ít-tê-ri. Đó là một điểm có lý đấy chứ. Nhưng yếu quá. Có một điều gì khác nữa. Một điểm mâu thuẫn nào đó. Điểm nào thế? Ông tuyệt vọng nạo vét ký ức, cố moi móc những điều đã học được. Và quả là ông đã nhớ ra. Không nhiều. Nhưng mà có...
Ông nhấc điện thoại lên gọi Chris. Giọng nàng nghe bải hoải.
“Chào cha”.
“Bà đang ngủ à? Tôi xin lỗi”.
“Có gì đâu”.
“Chris, vị bác sĩ này ở đâu?” Karras lướt ngón tay xuống tập hồ sơ. “Bác sĩ Klein ấy?”
“Ở Rosslyn. Trong chung cư y khoa ấy”.
“Bà làm ơn gọi cho ông ấy và bảo rằng bác sĩ Karras sẽ ghé qua chỗ ông ấy, rằng tôi muốn xem qua điện não đồ của Regan một chút. Bảo với ông ta là bác sĩ Karras, Chris nhé. Bà hiểu chứ?”
“Hiểu”.
“Tôi sẽ nói chuyện với bà sau”.
Khi ông đã gác máy xong, Karras giật tung cổ áo, trút chiếc áo dòng và quần đen, nhanh chóng thay một quần kaki và một áo thun thể thao. Bên trên, ông mặc chiếc áo mưa đen của linh mục, cài nút đến tận cổ áo. Ông soi gương và cau mày. Linh mục và cảnh sát, ông nghĩ lúc cởi nhanh nút áo mưa: quần áo của họ có mùi dễ nhận ra, không thể giấu ai được. Karras trút nhanh đôi giày đang mang, xỏ vào một đôi độc nhất không phải màu đen, đôi giày đánh quần vợt màu trắng đã vẹt gót chân của ông.
Trong chiếc xe của Chris, ông lái nhanh đến Rosslyn. Lúc đợi đèn xanh ở phố M. để qua cầu, ông nhìn qua cửa xe trông thấy một điều đáng băn khoăn: Karl đang bước ra khỏi một chiếc xe màu đen trên đường Ba Mươi Lăm, trước tiệm rượu Dixie. Người lái chiếc xe ấy là Trung úy Kinderman.
Đèn đổi màu, Karras sang số, lao xe về phía trước nhanh như một phát đạn, rẽ lên cầu rồi nhìn vào gương chiếu hậu. Họ có trông thấy ông không? Ông không nghĩ như vậy. Nhưng hai người đó đang toa rập với nhau làm điều gì vậy? Hoàn toàn tình cờ thôi chăng? Có liên quan gì đến Regan không? Đến Regan và..?
Quên nó đi! Giờ nào việc ấy thôi chứ!
Ông đậu xe nơi chung cư y khoa rồi lên cầu thang đến dãy văn phòng của bác sĩ Klein. Vị bác sĩ đang bận, nhưng một cô điều dưỡng đã trao điện não đồ cho Karras và thoáng chốc, ông đã đứng trong một phòng nhỏ, nghiên cứu nó, dải băng giấy hẹp, dài thong thả lướt qua các ngón tay ông.
Klein hối hả lướt vào, hai mắt ông lướt nhanh qua y phục của Karras với vẻ ngạc nhiên. “Bác sĩ Karras?”
“Phải. Rất hân hạnh”.
Hai người bắt tay.
“Tôi là Klein. Cô gái ra sao?”
“Có tiến triển”.
“Rất vui được nghe điều đó”. Karras nhìn lại dải điện não đồ và Klein cũng xem xét nó với ông, lướt ngón tay mình trên các dạng sóng não. “Đó, ông thấy không? Dải sóng rất đều. Không hề có bất cứ dao động nào”.
“Vâng, tôi thấy”, Karras cau mày. “Rất kỳ lạ”.
“Kỳ lạ à?”
“Cứ giả thiết là ta đang đối phó với chứng loạn thần ít-tê-ri”.
“Tôi chưa hiểu”.
“Tôi cho rằng điều này không mấy người biết”. Karras thì thầm, vừa kéo dải băng giấy từ từ, đều đặn qua đôi tay, “nhưng có một người Bỉ tên là Iteka đã khám phá ra rằng chứng loạn thần ít-tê-ri dường như có gây ra một vài dao động hơi kỳ quặc trong điện não đồ, một dạng rất tế vi, nhưng luôn luôn là một dạng giống hệt nhau. Ở đây, tôi đã chú tâm tìm kiếm dạng sóng đó, nhưng không tìm ra”.
Klein làu bàu vô thưởng vô phạt. “Thế là sao?”
Karras nhìn ông ta. “Cô bé chắc chắn là đang bị rối loạn khi ông ghi điện đồ này, đúng thế không?”
“Vâng, cô bé quả có thế thật. Tôi phải công nhận như vậy. Đúng vậy”.
“Thế thì, sự việc cô ta chịu đựng cuộc thử nghiệm một cách hoàn hảo như vậy há không phải là kỳ lạ sao? Ngay cả những đối tượng trong trạng thái tâm lý bình thường cũng có thể gây tác dụng đến các sóng não trong phạm vi bình thường, mà Regan lúc ấy thì tâm trí đang bị rối loạn. Hình như chắc phải có một dao động nào đó. Nếu...”
“Thưa bác sĩ, bà Simmons đang sốt ruột lắm”, một cô điều dưỡng ngắt lời, khẽ mở cánh cửa.
“Vâng, tôi đến ngay”, Klein thở dài. Lúc người điều dưỡng đã tất bật bỏ đi, ông bước một bước về phía hành lang rồi quay trở lại, tay đặt trên mép cửa. “Nói về chứng loạn thần ít-tê-ri thì...” Ông bình luận khô khan. “Thôi, xin lỗi, tôi phải chạy ngay đây”.
Ông đóng cánh cửa phía sau mình. Karras nghe tiếng chân ông xuôi xuống hành lang, nghe tiếng mở một cánh cửa, nghe thấy, “Sao, hôm nay bà cảm thấy thế nào đây, thưa bà...”
Đóng cánh cửa lại, Karras trở lại nghiên cứu bức điện đồ, hoàn tất, xong xếp nó lại và buộc dây ràng cẩn thận. Ông trả bức điện đồ cho người điều dưỡng ở phòng tiếp tân. Có một cái gì đó. Đó là cái ông có thể sử dụng để trình bày với Đức Giám mục như một lời biện luận Regan không phải mắc chứng loạn thần ít-tê-ri, do đó, có thể quan niệm được là cô bé đã bị quỷ ám. Tuy nhiên, điện não đồ vẫn còn đặt ra một điều bí ẩn khác: Tại sao lại không có dao động sóng? Tại sao lại không có chút nào vậy?

*

Ông lái xe về phía nhà Chris, nhưng lúc dừng xe vì đèn đỏ ở góc Phố Prospect và đường Ba Mươi Lăm, ông bỗng lạnh toát người: án ngữ giữa Karras và Khu Cư xá Dòng Tên chính là Kinderman, ông ta đang ngồi một mình sau tay lái, khuỷu tay thò ra ngoài cửa xe, mắt nhìn thẳng ra trước.
Karras vội rẽ phải trước lúc Kinderman kịp nhìn ra ông trong chiếc Jaguar của Chris. Ông nhanh chóng tìm một khoảng trống, đậu và khóa xe lại. Kế đó, ông bọc quanh góc phố như thể đi về phía cư xá. Có phải ông ta đang quan sát ngôi nhà không? Ông lo ngại. Bóng ma Dennings lại hiện lên ám ảnh ông. Có thể Kinderman đã nghĩ là Regan đã...?
Bình tĩnh nào. Cứ từ từ. Bình tĩnh nào.
Ông bước đến bên chiếc xe nọ, nghiêng đầu qua cửa xe bên phía hành khách. “Chào Trung úy”. Nhà thám tử quay phắt lại, lộ vẻ ngạc nhiên. Rồi rạng rỡ hẳn. “Cha Karras”. Lỡ bộ rồi! Karras nghĩ. Ông nhân ra đôi tay mình đang có cảm giác ẩm ướt và lạnh giá. Phải tỉnh bơ đi mới được! Đừng để ông ta biết là mi lo lắng! Phải phớt tỉnh! “Ông không biết là ông sẽ lãnh một vé phạt sao? Vào ngày làm việc, cấm đậu xe từ bốn đến sáu giờ”.
“Khỏi lo chuyện đó”, Kinderman khò khè. “Tôi đang nói chuyện với một linh mục. Anh cớm nào ở đây cũng đều là tín đồ Công giáo hay làm ra vẻ theo đạo cả mà”.
“Dạo này ông thế nào?”
“Nói thật thì, thưa cha Karras, cũng chỉ tàm tạm thôi”.
“Không thể phàn nàn điều gì. Ông đã giải quyết vụ đó chưa?”
“Vụ nào?”
“Nhà đạo diễn ấy”.
“À, vụ ấy”. Ông ta phác một cử chỉ phỉ phui. “Đừng hỏi. Này, đêm nay cha đang làm việc gì thế? Cha có bận không? Tôi có thể vào cửa rạp Crest. Hôm nay chiếu phim Othello”.
“Những ai đóng?”
“Molly Pico vai Desdemona, còn Othello do Leo Fuchs đóng. Cha hài lòng chứ? Đây là vé mời, thưa cha Marlon - Đặc biệt! Còn đây là William F. Shakespeare! Còn ai đóng ai không thì có quan hệ quái gì đâu! Nào, cha đi xem chứ?”
“Tôi e rằng mình đành phải bỏ qua dịp mai này. Tôi bị tuyết phủ kín mít rồi đây”.
“Tôi thấy rồi. Trông cha đến khiếp, xin tha lỗi cho lời nhận xét của tôi. Cha thức khuya nhỉ?”
“Tôi thì lúc nào trông cũng đến khiếp cả”.
“Có điều bây giờ trông có khiếp hơn thường lệ. Nào? Nghĩ quách một đêm đi! Ta vui chơi giải trí tí chút!”
Karras quyết định thử thách, quyết định thử “nắn gân” xem sao. “Ông có chắc là đang chiếu phim đó không?” Ông hỏi. Đôi mắt ông đăm đăm dò xét vào đôi mắt Kinderman. “Tôi dám cá là người ta đang chiếu một phim của Chris MacNeil tại rạp Crest ấy”.
Nhà thám tử bị hẩng một nhịp rồi vội nói ngay. “Không đâu, tôi dám chắc mà. Othello. Đúng là phim Othello mà”.
“À này, nguyên do nào ông lại đến khu này nhỉ?”
“Thì cha! Tôi đến đây chỉ là để mời cha đi xem phim đó thôi!”
“Phải chứ, lái xe đến lại dễ hơn bốc điện thoại lên gọi nhỉ”, Karras nói khẽ.
Nhà thám tử nhướng đôi mày lên với một vẻ ngây thơ vô tội không mấy thuyết phục. “Thì điện thoại của cha bị bận!” Ông thì thầm, giọng khản đặc, duỗi thẳng một bàn tay ra giữa lưng trời.
Vị linh mục đăm đăm nhìn ông, không một nét biểu lộ nào.
“Có cái gì không ổn vậy?” Kinderman hỏi sau một lúc yên lặng.
Một cách nghiêm trọng, Karras vói tay vào trong xe, vạch mí mắt Kinderman lên. Ông xem xét tròng mắt. “Tôi không biết nữa. Trông ông đến khiếp. Rất có thể ông bị nhiễm chứng thích cường điệu hay là ngoa ngôn đây”.
“Tôi chẳng biết cái từ ấy có ý nghĩa gì cả”. Kinderman trả lời lúc Karras rút tay về. “Có gì nghiêm trọng không?”
“Không đến nỗi trí mạng”.
“Vậy là chứng gì vậy? Cái trò lấp lững này làm tôi phát điên lên đây!”
“Cứ tra cứu khắc biết”, Karras bảo.
“Này, đừng có phách tướng quá thế nhé. Thỉnh thoảng cha cũng phải trả lại cho César chút đỉnh chứ! Tôi là pháp luật. Tôi có thể ra lệnh trục xuất cha, cha biết chứ?”
“Vì tội gì?”
“Một bác sĩ tâm thần không được phép làm người ta lo lắng. Thêm vào đó, nói cho ngay, đám dân ngoại bang sẽ khoái vụ đó lắm. Dù gì đi nữa, cha là nỗi bực mình đối với họ, thưa cha. Ồ không, nói trắng ra, cha làm họ bối rối. Họ sẽ khoái chí biết bao thấy cha bị tống khứ đi khuất mắt! Có ai cần đến điều đó nào? Cần đến một ông cha bận áo thun, đi giày đánh quần vợt nào?”
Khẽ mỉm cười, Karras gật đầu. “Tôi phải đi đây. Hãy bảo trọng”.
Ông gõ một tay trên khung cửa xe hai lần để từ biệt, sau đó, ông quay lưng, chậm rãi bước về phía cổng vào cư xá.
“Hãy đi thăm một nhà phân tâm học đi!” Nhà thám tử gọi với theo ông, giọng khàn khàn. Thế rồi cái vẻ niềm nở của ông nhường chỗ cho nỗi lo âu. Qua khung kính cửa, ông ngước nhìn ngôi nhà, rồi rồ máy xe lái ngược lên phố. Chạy ngang qua Karras, ông nhấn còi và vẫy tay.
Karras vẫy trả, nhìn Kinderman quặt xe quanh góc đại lộ Ba Mươi Sáu. Sau đó, ông đứng bất động trên hè phố mất một lúc, khẽ xoa mày với bàn tay run rẩy. Có thể nào cô bé đã làm điều đó thực sao? Có thể nào Regan đã giết Burke Dennings một cách khủng khiếp đến thế sao? Bằng đôi mắt sảng sốt, ông nhìn lên cửa phòng Regan. Chúa ôi, trong ngôi nhà ấy có chuyện gì vậy? Còn bao lâu nữa thì đến lúc Kinderman đòi gặp mặt Regan? Đến lúc ông ta có dịp nhìn thấy bản ngã của Dennings? Đến lúc Regan bị đưa vào dưỡng trí viện?
Hoặc chết?
Ông cần phải tập hợp nội vụ để trình lên phòng Bí thư Giám mục.
Ông rảo bước qua đường, chéo góc với nhà Chris. Ông bấm chuông cửa. Willie đón ông vào.
“Bà chủ đang chợp mắt một chút”, chị ta bảo.
Karras gật đầu. “Tốt, tốt lắm”. Ông lách qua người phụ nữ bước lên thang gác đến phòng Regan. Ông đang tìm kiếm một điều mà nó hẳn phải thôi thúc, ray rức lòng ông rất đổi.
Ông bước vào, trông thấy Karl ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, hai tay khoanh lại, nhìn Regan. Anh ta yên lặng và luôn luôn hiện diện như một súc gỗ săn rắn, đen sẫm.
Karras bước xuống cạnh giường, nhìn xuống. Đôi tròng mắt trắng dã như lớp sương mù màu sữa. Những tiếng lầm thầm. Những lời thần chú tứ một thế giới nào khác. Karras liếc nhìn Karl. Rồi thong thả, ông cúi xuống, bắt đầu cởi những sợi dây trói cho Regan.
“Thưa cha, đừng!”
Karl xông đến bên giường giằng mạnh tay vị linh mục lại. “Nguy hiểm lắm, thưa cha! Mạnh lắm! Hãy để yên dây trói!”
Trong đôi mắt anh ta, có một nỗi sợ sệt và Karras nhận chân là thật, và giờ đây ông biết rằng sức mạnh của Regan không phải là lý thuyết, mà là một sự thật. Có thể lắm là cô bé đã làm điều ấy. Có thể là cô ta đã vặn tréo cổ Dennings ra sau. Chúa ơi, Karras! Nhanh lên! Phải tìm cho được bằng cớ! Suy nghĩ đi! Gấp lên không thôi...
Với sụ khám phá đau nhói như một vết đâm và niềm hy vọng sục sôi, Karras quay phắt đầu lại, nhìn xuống giường. Con quỷ cười toe toét, đầy vẻ nhạo báng, với Karl. “Tanzt Three Tochter gern?”
Tiếng Đức! Nó vừa hỏi con gái Karl có thích khiêu vũ không! Tim đập bồi hồi, Karras quay lại, trông thấy đôi má người gia nhân ửng đỏ, toàn thân anh ta run rẩy, đôi mắt anh ta tóe lửa phẫn nộ. “Karl, tốt hơn anh nên ra ngoài đi”, Karras khuyên anh ta.
Người đàn ông Thụy Sĩ lắc đầu, hai tay anh ta nắm chặc thành hai quả đấm có những đốt khớp ngón tay trắng bệch. “Không, tôi ở lại đây”.
“Anh làm ơn đi đi!” Vị linh mục Dòng Tên quả quyết. Tia nhìn ông xoắn lấy đôi mắt Karl, không chút xiêu lòng.
Sau một hồi kháng cự gan góc, Karl chịu thua và quầy quả rời khỏi phòng.
Karras quay lại. Con quỷ đang quan sát ông. Trông nó rất phởn. “Ra mi đã quay lại”, nó ồm ồm nói. “Ta ngạc nhiên đấy. Ta cứ ngỡ là bị ngượng vì vụ nước thánh mi sẽ nản lòng không hề quay lại nữa đấy. Nhưng rồi ta quên khuấy rằng là một tu sĩ đâu có hề biết xấu hổ”.
Karras thở hời hợt và cố ép mình kềm chế các nỗi mong ngóng hăm hở, cố bắt mình suy nghĩ cho thật sáng suốt. Ông biết rằng việc trắc nghiệm ngôn ngữ trong chứng quỷ ám đòi hỏi một cuộc đàm thoại thông minh coi đó như một bằng chứng chỉ rõ rằng bất luận điều gì được nói ra đều không thể truy nguyên về những hồi ức ngôn ngữ đã bị chôn vùi trong quên lãng. Bình tĩnh! Thong thả nào! Còn nhớ cô gái đó không? Một cô tớ gái vị thành niên. Bị quỷ ám. Trong cơn điên loan, cô lắp bắp một thứ tiếng rốt cuộc người ta nhận ra là tiếng Syrie, Karras cố bắt mình nghĩ đến nỗi chấn động mà sự kiện ấy đã gây ra, nghĩ đến việc thế nào rốt ráo người ta mới hay rằng cô tớ gái đó đã có lần giúp việc trong một nhà trọ, ở đó có một khách trọ là sinh viên thần học. Vào hôm trước ngày thi, chàng sinh viên này thường bách bộ trong phòng và đi lên đi xuống cầu thang, vừa đi vừa đọc lớn các bài học Syrie của mình. Và cô tớ gái đã nghe lỏm được cái bài học đó. Bình tĩnh nào. Đừng có nôn nóng quá.
“Sprechen Sie deutsch?” Karras trân trọng hỏi.
“Lại thêm trò chơi mới nữa chăng?”
“Sprechen Sie deutsch?” Ông lập lại, mạch ông vẫn đập mạnh với niềm hy vọng xa vời ấy.
“Naturlich”, con quỷ liếc liếc mắt đểu cáng nhìn ông. “Mirabile dictu, mi có đồng ý không?”
Quả tim vị linh mục nhảy rộn ràng. Chẳng những tiếng Đức, mà còn La Tinh nữa! Mà lại nói có nội dung đàng hoàng!
“Quod nomen mihi est?” ông hỏi nhanh. Tên ta là gì?
“Karras”.
Lúc này vị linh mục hỏi rấn tới, sôi nổi.
“Ubi sum?” Ta ở đâu?
“In cubiculo”. Trong một căn phòng.
“Et ubi est cubiculum?” Và căn phòng đó ở đâu?
“In domo”. Trong một ngôi nhà.
“Ubi est Burke Dennings?” Burke Dennings đâu rồi?
“Mortuus”. Hắn chết rồi.
“Quomodo mortuus est?” Ông ta chết như thế nào?
“Inventus est capite reverso”. Hắn được tìm thấy với cái đầu bị vặn tréo ra sau.
“Quis occidit eum?” Ai giết ông ta?
“Regan”.
“Quomodo ea occidit illum? Dic mihi exacte!” Cô ấy giết ông ta như thế nào? Nói chi tiết ta nghe!
“Này, lúc này bao nhiêu đó cũng đủ hấp dẫn rồi đấy”, con quỷ nói, cười toe tóet. “Đủ rồi, hoàn toàn đủ rồi. Mặc dù, đã hẳn diễn tiến trong đầu mi là như thế này, ta thiển nghĩ, đó là khi mi đặt các câu hỏi bằng tiếng La tinh, chính mi cũng đã hình thành các câu trả lời sẵn bằng tiếng La tinh trong trí rồi”. Nó cười. “Hoàn toàn vô thức, dĩ nhiên là vậy. Phải, có cái gì chúng ta làm mà lại không có cõi vô thức dính vào? Mi hiểu tao đang nhằm tới điều gì chứ hả Karras? Tao không hề nói được tiếng La tinh chút nào. Ta đọc từ trí mi ra đấy thôi. Ta chỉ việc gắp những câu trả lời ra từ đầu mi đấy thôi!”
Karras cảm nhận ngay một nỗi thất vọng lúc niềm tin quyết của ông đã sụp đổ, ông cảm thấy bị trêu ngươi và cùng quẩn vì nỗi hoài nghi ray rứt nay đã gieo vào đầu ông.
Con quỷ cười khúc khích. “Phải, tao biết điều đó sẽ xảy đến với mi, Karras à”. Nó ồm oàm nói với ông. “Vì thế cho nên tao khoái mi. Vì thế cho nên tao rất yêu chiều mọi kẻ biết điều”. Đầu nó ngả ngớn ra sau trong một tràng cười khằng khặc.
Trí não vị linh mục làm việc rất nhanh, rất kịch liệt, nghĩ ra những câu hỏi không phải chỉ có một câu trả lời, mà là khá nhiều lời đáp. Nhưng có lẽ rồi ta cũng nghĩ đến hết các câu trả lời đó thôi! Ông nhận ra. Được rồi, thế thì hãy hỏi một câu mà chính mi cũng chưa biết câu trả lời đi! Có thể về sau ông sẽ kiểm chứng lại câu trả lời xem có đúng hay không.
Ông đợi cho con người kia ngớt đi, rồi hỏi: “Quam profundus est imus Oceanus Indicus?” Chỗ sâu nhất của Ấn Độ Dương là bao nhiêu?
Đôi mắt quỷ lấp lánh. “La plume Dennings.. ma tante”, nó cò cử.
“Responde Latine”.
“Bonjour! Bonne nuit!”
“Quam”.
Karras ngưng ngang lúc đôi mắt kia trợn hẳn vào tròng, và bản ngã hay nói huyên thuyên tái xuất hiện.
Nóng nảy và cực lòng, Karras đòi hỏi. “Hãy để cho ta nói chuyện trở lại với con quỷ kia đi!” Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng thở từ một bờ bãi khác.
“Quis es tu?” Ông đốp ngay, giọng khản đặc. Giọng nói sờn ra.
Vẫn là tiếng thở.
“Hãy để ta nói với Burke Dennings!”
Một tiếng nấc. Tiếng thở. Tiếng nấc nữa. Tiếng thở.
“Hãy để ta nói với Burke Dennings!”
Tiếng nấc, đều đặn và xoắn mạnh, tiếp tục. Karras lắc đầu. Rồi ông đến một chiếc ghế, ngồi xuống bên mé. Cúi gầm. Căng thẳng. Đau đớn. Và chờ đợi...
Thời gian trôi qua. Karras thiêm thiếp ngủ. Rồi giật phắt đầu lên. Tỉnh thức nào! Đôi mắt chơm chớp, nặng trĩu, ông nhìn Regan. Không còn tiếng nấc. Yên lặng.
Ngủ chăng?
Ông đến bên giường, nhìn xuống. Đôi mắt đó nhắm. Hơi thở nặng nhọc. Ông với tay xuống bắt mạch, rồi cúi người quan sát thật kỹ đôi môi cô bé. Môi khô se, nứt nẻ. Ông đứng thẳng người lên và chờ đợi. Rồi rốt cuộc, ông rời phòng. Ông xuống bếp tìm Sharon, thấy cô gái ngồi ở bàn ăn xúp và một miếng xăng uých. “Để tôi sửa soạn cho cha một món gì ăn nhé, thưa cha?” Cô gái hỏi ông. “Chắc là cha đói lắm rồi”.
“Không, cám ơn, tôi không đói đâu”, Ông đáp. Ngồi xuống, ông vói tay qua nhón lấy một cây bút chì và một tập giấy bên cạnh bàn máy chữ của Sharon. “Cô bé vừa bị nấc”, ông bảo cô. “Ừ, nhà đã có thuốc Compazine như đã kê trong toa chưa?”
“Vâng, chúng tôi đã có sẵn ít nhiều”.
Ông viết trên tập giấy. “Thế thì tối nay cho cô bé nửa viên tọa dược hai mươi lăm miligam”.
“Vâng”.
“Cô bé đã bắt đầu bị mất nước”, ông nói tiếp, “do đó, đầu tiên phải làm trong buổi sáng nay là gọi hiệu cung cấp y khoa bảo chở đến các món này ngay”.
Ông đẩy tập giấy ngang bàn, đến chỗ Sharon. “Lâm thời, cô bé đang ngủ nên cô có thể bắt đầu truyền dịch Sustagen cho cháu được rồi”.
“Vâng”. Sharon gật đầu. “Tôi sẽ lo việc đó”. Vừa múc xúp ăn, cô vừa xoay ngược tập giấy lại để nhìn bảng liệt kê.
Karras nhìn cô gái. Rồi ông cau mày tập trung. “Cô là gia sư của cô bé?”
“Vâng, đúng thế”.
“Cô có dạy cho cô bé chút La tinh nào không?”
Cô gái bối rối. “Không, tôi không hề”.
“Chút đỉnh tiếng Đức?”
“Chỉ có tiếng Pháp thôi ạ”.
“Trình độ nào? Cỡ La plume de ma tante chăng”.
“Khá nhiều”.
“Nhưng không có tiếng Đức hoặc La tinh”.
“Ồ, không”.
“Nhưng vợ chồng Engstrom, thỉnh thoảng họ vẫn nói tiếng Đức chứ?”
“Thì, đã hẳn”.
“Cạnh bên Regan chứ?”
Cô gái nhún vai. “Tôi ngỡ vậy”. Cô gái đứng lên mang khai ra bồn rửa mặt. “Thực ra thì tôi khá tin chắc là như vậy”.
“Cô có bao giờ học tiếng La tinh chưa?” Karras hỏi cô gái.
“Không, tôi chưa hề”.
“Nhưng cô nhận ra được âm tổng quát của nó chứ?”
“Ồ, hẳn vậy”. Cô gái rửa tô xúp rồi úp nó lên giá.
“Có bao giờ cô bé nói tiếng Latinh trước mặt cô không?”
“Regan?”
“Từ khi cô bé bị đau ốm”.
“Không, chưa hề”.
“Bất cứ một ngôn ngữ nào?” Karras thăm dò.
Cô gái tắt vòi nước, nghĩ ngợi: “Chà, có lẽ là tôi tưởng tượng ra vậy thôi, chắc vậy, nhưng mà...”
“Cái gì cơ?”
“Chà, tôi nghĩ...” Cô gái cau mày. “Chà, tôi dám thề là tôi đã nghe thấy con bé nói tiếng Nga cơ đấy”.
Karras nhìn sững. “Cô có nói tiếng Nga không?” Ông hỏi cô gái, cổ họng khô se.
Cô gái nhún vai. “Ồ, thì chút đỉnh vậy thôi”. Cô bắt đầu gấp khăn lại, “tôi chỉ học qua lúc ở đại học, thế thôi”.
Karras chùng hẳn người lại. Cô bé quả đã “thuỗn” tiếng La tinh từ trong trí ta. Nhìn đăm đăm với vẻ ảm đạm, ông gục đôi chân mày lên bàn tay, rơi vào cõi nghi ngờ, vào những nỗi ray rức của kiến thức và lý trí: Thần giao cách cảm thường gặp hơn trong những trạng thái cực kỳ căng thẳng, luôn luôn nói bằng một thứ ngôn ngữ mà có ai đó trong phòng đã biết: “... nghĩ giống y những điều ta nghĩ..”: “Bonjour...”: “La plume de ma tante...”: “Bonne nuit...” với những tư tưởng cỡ như những tư tưởng đó, ông thong thả nhìn máu đã biến trở lại thành rượu nho.
Làm gì đây? Ngủ một chút đi. Rồi quay lại nữa... thử nữa... thử nữa.
Ông đứng dậy, lờ mờ nhìn Sharon. Cô gái đang dựa lưng vào bồn rửa, hai tay khoanh lại, nhìn ông trầm ngâm. “Tôi tạt về qua nhà đây”, ông bảo cô gái. “Khi nào, Regan thức, tôi muốn cô gọi tôi”.
“Vâng, tôi sẽ gọi cha”.
“Còn vụ Compazine”, ông nhắc cô gái, “cô không quên chứ?”
Cô gái lắc đầu. “Không đâu, tôi sẽ đi lo việc ấy ngay bây giờ đây”, cô bảo.
Ông gật đầu. Hai tay thủ trong hai túi quần sau, ông nhìn xuống, cố nghĩ xem ông có quên điều gì chưa dặn Sharon không. Luôn luôn có một điều gì đó cần phải làm. Luôn luôn có một điều gì đó bị bỏ sót khi mà mọi cái đã được làm xong.
“Thưa cha, việc gì đang xảy ra vậy?” Ông nghe cô gái nghiêm giọng hỏi. “Việc gì vậy? Việc gì đang thực sự xảy ra cho Rags?”
Ông ngước lên đôi mắt đã quá đỗi bị ám ảnh và héo hắt. “Thực sự tôi cũng không biết nữa”, ông nói trống rỗng.
Ông quay lưng bước ra khỏi bếp.
Lúc ông bước ra hành lang lối vào, Karras nghe có tiếng chân gấp gáp bước đến sau lưng ông.
“Cha Karras!”
Ông quay lại. Trông thấy Karl cầm chiếc áo len của ông.
“Xin lỗi cha”. Người gia nhân nói lúc trao áo cho ông. “Tôi đã nghĩ phải làm xong cho cha sớm hơi nhiều kia. Nhưng tôi quên mất”.
Những vết nôn mửa đã biến mất và chiếc áo bốc mùi thơm dịu dàng. “Anh thật hết sức chu đáo, Karl ạ”, vị linh mục khẽ nói. “Cám ơn anh”.
“Cám ơn cha, thưa cha Karras”.
Giọng anh ta nghe run run, đôi mắt anh đong đầy lệ.
“Cảm tạ cha đã giúp đỡ cô Regan”. Karl nói dứt câu. Rồi anh ta quay đầu chỗ khác, cả thẹn, rồi vội vàng rời khỏi lối vào.
Karras nhìn, nhớ lại anh ta trong xe của Kinderman. Lại thêm một chuyện kỳ bí. Rối tung rối mù. Mệt mỏi, ông mở cửa. Trời đã vào đêm. Thất vọng, ông bước ra khỏi trũng tối tăm để đi vào vùng tăm tối.
Ông băng qua đường về cư xá, lần mò về với giấc ngủ, nhưng ngay lúc bước vào phòng, ông nhìn xuống trông thấy một mảnh giấy nhỏ hồng trên sàn nhà. Ông nhặt mẩu giấy lên. Frank nhắn tới đây. Về vụ những cuộn băng. Có ghi số điện thoại tư thất. “Xin gọi đến...”
Ông nhấc điện thoại lên, xin số. Chờ đợi, đôi tay ông run rẩy vì một niềm hy vọng mỏng manh.
“A lô?” Giọng một cậu bé trai. Lanh lảnh.
“Làm ơn cho tôi được tiếp chuyện với bố cháu”.
“Vâng ạ, xin đợi một chút”. Có tiếng điện thoại buông lách cách. Rồi lại nhanh chóng được bốc lên. Vẫn cậu bé. “Ai ở đầu dây đấy ạ?”
“Cha Karras”.
“Cha Karras ạ?”
Tim đập rộn ràng, Karras nói, vẫn giọng đều đều. “Karras. Cha Karras”.
Điện thoại lại bỏ xuống một lần nữa.
Karras ấn mấy ngón tay lên chân mày.
Tiếng điện thoại.
“Cha Karras?”
“Vâng, chào Frank. Tôi đang cố nói chuyện với ông cho bằng được đây”.
“Ồ, xin lỗi. Tôi mãi bận với mấy cuộn băng của cha tại nhà”.
“Đã xong chưa ạ?”
“Vâng, đã xong. À này, có điều nội dung hơi kỳ quặc đấy”.
“Tôi biết”. Karras cố san bằng nét căng thẳng trong giọng nói ông. “Câu chuyện như thế nào, Frank? Ông đã tìm ra chưa?”
“Chà, cái tỷ lệ ‘đặc trưng tiêu biểu’ này, trước hết...”
“Vâng?”
“Chà, tôi chưa có đủ một mẫu tuyệt đối chính xác, cha hiểu đấy, nhưng tôi có thể nói là nói khá chính xác, hay ít ra cũng chính xác hết mức mà ta có thể đạt được đối với những vấn đề như thế này. Vâng, vâng, bằng mọi giá, tôi xin nói rằng hai giọng nói khác nhau trên những cuốn băng ấy có thể là của những cá nhân riêng biệt?”
“Có thể à?”
“Chà, tôi chẳng muốn ra tòa để thề thốt điều ấy đâu, nhưng trên thực tế, tôi phải nói là chỗ khác biệt quả thực là khá tế vi”.
“Tế vi...” Karras thẩn thờ lập lại. Chà, ra trò chơi là đây đây!
“Còn vụ nói huyên thuyên thì sao?” Ông hỏi không chút hy vọng. “Đó có phải là một loại ngôn ngữ nào không?”
Frank cười khúc khích.
“Có gì buồn cười chăng?” Vị linh mục hỏi, dáng ảm đạm.
“Đây có phải đúng là một thứ trắc nghiệm tâm lý bí mật nào đó không, thưa cha?”
“Tôi không biết ông muốn nói gì, Frank ạ”.
“Chà, tôi đoán là cha đã pha tạp lẫn mọi thứ trong mấy cuộn băng đó. Nó...”
“Frank, đó có phải là một thứ ngôn ngữ hay không?” Karras cắt ngang.
“Ồ, tôi phải nói đó chính là một ngôn ngữ, đúng vậy”.
Karras cứng hẳn người. “Ông đùa chăng?”
“Không, tôi không hề đùa”.
“Ngôn ngữ gì?” Ông hỏi, không tin được.
“Anh ngữ”.
Trong một lúc. Karras ngậm câm, và lúc ông cất lời, nghe trong giọng ông có mòi sắc cạnh. “Này Frank, hình như đường dây điện thoại của ta hôm nay nghe tồi quá, hoặc giả ông muốn đem tôi ra làm trò đùa gì đây chăng?”
“Cha có máy ghi âm ở đó không?” Frank hỏi.
Chiếc máy đang ở trên bàn làm việc của ông. “Vâng, có”.
“Máy có nút quay ngược băng không?”
“Chi vậy?”
“Mà máy có nút ấy không?”
“Chi vậy?”
“Mà máy có nút ấy không?”
“Đợi một lát”. Bực bội, Karras bỏ điện thoại xuống, nhấc nắp máy ghi âm ra kiểm soát lại. “Vâng, máy có nút ấy, Frank ạ, nhưng mà mọi chuyện này là nghĩa lý gì?”
“Cha hãy lắp băng vào máy và cho quay ngược lại”.
“Cái gì?”
“Cha có nuôi quỷ phá nhà đấy”, Frank cười lớn. “Cứ quay băng đi rồi mai tôi sẽ nói chuyện cha nghe. Chúc cha ngủ ngon”.
“Chúc ông ngủ ngon, Frank”.
“Chúc nhiều điều thú vị”.
Karras gác máy. Ông có vẻ bối rối. Ông lục cuộn băng “nói huyên thuyên” ra rồi lắp vào máy. Thoạt tiên, ông cho băng chạy tới trước, lắng nghe. Lắc đầu. Không lầm lẫn gì nữa. Đó là những câu nói huyên thuyên, vô nghĩa.
Ông để băng chạy đến hết rồi chạy ngược lại. Ông nghe thấy tiếng ông nói, lộn ngược. Rồi tiếng Regan - hay ai đó - nói bằng Anh ngữ!
... Marin marin Karras be us let us...
Ông nghe kỹ trọn cuốn băng, rồi trả băng lại, nghe suốt một lần nữa. Rồi một lần nữa... Lúc đó ông nhận ra được rằng thứ tự tiếng nói bị đảo ngược cả..
Ông cho băng ngừng, trả băng ngược lại. Với bút chì và giấy, ông ngồi xuống bàn làm việc, bắt đầu cho băng chạy lại từ đầu, rồi ông sao chép các từ. Ông làm việc thật cần mẫn và lâu dài với các đợt tắt, mở máy gần như liên tục. Rốt cuộc, khi đã làm xong, ông sao một bản nữa trên tờ giấy thứ hai, lần này đảo ngược thứ tự các từ. Sau đó, ông dựa ngửa, đọc bản sao thứ hai đó:
... “nguy hiểm. Chưa đâu. (Không giải mã được) sẽ chết. Ít thời gian. Bây giờ cái (không giải mã được). Để cho con nhỏ đó chết. Không, không, cưng! Thân thể nó thật đáng yêu! Ta cảm thấy. Có một (không giải mã được). Thà (không giải mã được) còn hơn là cõi trống không. Ta sợ tên tu sĩ. Hãy cho chúng ta thời gian. Sợ tên tu sĩ! Hắn thì (không giải mã được). Không, không phải tên này: cái tên (không giải mã được), cái tên mà (không giải mã được). Á, máu, cảm thấy máu (hát?) thế nào”.
Tới chỗ này, có giọng Karras hỏi, “Ngươi là ai?” và tiếng trả lời: “Ta không là ai. Ta không là ai”. Lại tiếng Karras “Phải tên ngươi đó không?” và tiếp theo:
... “Ta không có tên. Ta không là ai. Nhiều. Để chúng tao yên. Để chúng tao ấm áp trong cơ thể này. Đừng (không giải mã được) ra khỏi cơ thể này để rơi vào cõi hư vô, vào cõi (không giải mã được). Để mặc chúng tao. Mặc chúng tao. Để chúng tao yên. Mặc chúng tao. Để chúng tao yên. (Marin? Martin?)...”
Ông cứ đọc lại mãi đoạn văn đó, bị ám ảnh bởi giọng văn, bởi cái cảm giác có hơn một con người đang nói, mãi cho đến cuối cùng, chính sự lập đi lập lại đó đã làm cùn nhụt, những từ ấy trở thành tầm thường. Ông bỏ bản sao ấy xuống và chà xát mặt mày, chà xát đôi mắt và cả những ý nghĩ của ông. Không phải là một thứ tiếng lạ. Khả năng biết lộn ngược lưu loát khó có thể coi là phi phàm hay ngay cả bất thường gì. Nhưng mà nói lộn ngược: điều chỉnh và thay đổi ngữ âm trong cách thế sao cho khi nói ngược lại thì sẽ có ý nghĩa, một thành tích như thế há không phải đã vượt qua cả một trí tuệ bị tăng kích thích đó sao? Trạng thái vô thức được gia tốc như Jung đã bàn đến. Không phải. Một cái gì đó cơ...
Ông nhớ rồi. Ông ra kệ sách tìm một cuốn: “Tâm Lý Học Và Bệnh Lý Học. Những Hiện Tượng Được Gọi Là Thần Bí” của tác giả Jung. Có điều gì đó tương tự ở đây, ông nghĩ. Điều gì vậy? Ông tìm ra rồi: đoạn mô tả một cuộc thí nghiệm về trạng thái viết tự động, trong đó phần vô thức của người được thực nghiệm dường như đã có thể trả lời được các câu hỏi và những phép đảo chữ cái của ông ta.
Phép đảo chữ cái!
Ông dựng đứng cuốn sách mở ngỏ ấy lên bàn, nghiêng người đọc đoạn mô tả một phần của cuộc thực nghiệm:
Ngày thứ 3
Ngươi là ai? Clelia.
Ngươi là phụ nữ à? Phải.
Ngươi có sống trên trái đất không? Không
Ngươi sẽ sống lại chứ? Phải
Khi nào? Sáu năm nữa.
Tại sao ngươi trò chuyện với ta? E if Clelia El
Người được thực nghiệm giải thích câu trả lời này như một phép đảo chữ cái cho câu “Chris Clelia feel” (Ta Clelia cảm thấy)
Ngày thứ 4
Ta có phải là người trả lời các câu hỏi không? Phải.
Có Clelia đó không? Không.
Vậy thì ai ở đó? Không ai cả.
Clelia có hiện hữu chút nào không? Không.
Thế thì hôm nay ta đã nói chuyện với ai vậy? Với chẳng ai cả.
Karras ngừng đọc, lắc đầu. Đây chẳng phải là một thành tích phi phàm gì, chỉ là khả năng vô hạn của tâm trí đấy thôi.
Ông với lấy một điếu thuốc, ngồi xuống và châm lửa. “Ta không là ai cả. Nhiều”. Kỳ quái thật. Thế thì nó đến từ đâu, ông thắc mắc, cái nội dung ngôn từ của cô bé?
“Với chẳng ai cả”.
Có phải nó đến từ cùng một chỗ với Clelia không? Các bản ngã lộ diện này?
“Marin... Marin...” “Á, máu...” “Hắn bị bệnh”.
Đầu óc bị ám ảnh, ông liếc bộ sách “Satan” rồi ảm đạm lật đến câu đề từ: “Chớ để con rồng làm kẻ thủ lĩnh ta...”
Ông phà khói và nhắm mắt lại. Ông ho. Cổ họng ông cảm thấy đau buốt và sưng tấy. Ông dí tắt điếu thuốc, nước mắt ràn rụa vì khói. Mệt nhoài. Các xương cốt ông cứ như những ống nước bằng sắt. Ông đứng dậy, treo tấm biển “Đừng Quấy Rầy” trên cửa, rồi ông tắt đèn phòng, buông mành cửa sổ, đá văng giày ra và nằm sụp xuống giường.
Những mảnh vụn vỡ. Regan. Dennings. Kinderman. Làm gì đây? Ông cần phải giúp đỡ. Bằng cách nào? Cố thuyết phục Đức Giám mục với chút xíu chứng cớ trong tay thế sao? Ông không nghĩ vậy. Ông chẳng thể nào biện bạch cho vụ việc này một cách đầy đủ sức thuyết phục được.
Ông nghĩ đến chuyện cởi quần áo, chui vào chăn. Quá mệt mỏi. Cái gánh nặng này. Ông muốn được rảnh tay.
“... Hãy để chúng tao yên..”
Hãy để tôi yên, ông trả lời cho cái manh mún đó. Ông trôi vào giấc ngủ tối đen, bất động của loài đá hoa cương.

*

Tiếng chuông điện thoại đánh thức ông dậy. Lảo đảo, ông lần mò tìm núm bật đèn. Mấy giờ rồi vậy? Hơn ba giờ sáng vài phút. Ông loạng quạng với tay tìm điện thoại. Có tiếng trả lời. Sharon đó. Cô gái hỏi ông có vui lòng đến ngay nhà được không. Ông sẽ đến. Ông gác máy, cảm thấy bị sa bẫy trở lại, bị ngột ngạt và lúng túng như cũ.
Ông vào phòng tắm vã nước lạnh lên mặt, lau khô rồi bắt đầu rời phòng, nhưng đến cửa, ông quay lại, trở vào lấy chiếc áo len. Ông chui đầu vào áo rồi bước ra ngoài phố.
Không khí loãng và tĩnh mịch trong bóng đêm. Vài con mèo hoang đang moi thùng rác hoảng hốt bỏ chạy lúc ông băng qua đường đến ngôi nhà kia.
Sharon đón ông ở cửa. Cô gái mặc áo len, quấn thêm một chiếc mền. Trông cô hoảng sợ. Bối rối. “Xin lỗi cha”, cô thì thầm lúc ông đã bước vào nhà. “Nhưng tôi nghĩ là cha cần trông thấy điều này”.
“Điều gì vậy?”
“Rồi cha sẽ thấy. Bây giờ ta phải khẽ khàng. Tôi không muốn đánh thức Chris. Chị ấy cũng chẳng nên chứng kiến điều này”. Cô gái ra hiệu cho ông bước tới.
Ông theo sau cô, rón rén lên cầu thang đến phòng Regan. Lúc bước vào, vị linh mục cảm thấy lạnh buốt xương. Căn phòng như ướp nước đá. Ông cau mày kinh ngạc nhìn Sharon, và cô gái nghiêm trang gật đầu với ông. “Vâng, lò sưởi vẫn mở thường xuyên”, cô thì thào. Rồi cô quay lại nhìn chăm chăm Regan, nhìn đôi tròng trắng của cô bé ngời lên kỳ dị dưới ánh đèn. Hình như cô bé đang trong cơn hôn mê. Hơi thở nặng nề. Bất động. Chiếc ống truyền dịch theo đường lỗ mũi-dạ dày vẫn ở yên vị trí, chất Sustagen vẫn chảy rỉ rả vào cơ thể nó.
Sharon khẽ khàng đến bên giường, Karras theo sau, vẫn còn choáng váng vì lạnh. Lúc hai người đứng bên giường, ông trông thấy những giọt mồ hôi rỉ trên trán Regan! Ông liếc xuống trông thấy đôi tay cô bé bị buộc chặt dưới những sợi dây da.
Sharon. Cô gái nghiêng người, khẽ vạch cổ áo pi-ja-ma của Regan ra. Một niềm thương xót vô bờ xoắn lấy Karras lúc ông nhìn thấy khuôn ngực héo hon phơi rõ từng chiếc xương sườn của cô bé, trên khuôn ngực đó người ta có thể đếm được từng tuần, từng ngày còn lại của cuộc đời nó.
Ông cảm thấy cặp mắt lạc thần của Sharon chiếu lấy ông. “Tôi không biết là nó đã chấm dứt hay chưa”, cô gái thì thầm. “Nhưng cứ quan sát, cứ nhìn chăm lên ngực con bé”.
Cô gái quay lại và nhìn xuống. Vị linh mục Dòng Tên dõi theo tia nhìn của cô. Yên lặng. Tiếng thở. Quan sát. Sự lạnh giá. Thế rồi đôi mày vị linh mục nhíu lại lúc ông trông thấy một cái gì đó hiện lên trên làn da: một vết đỏ phảng phất; nhưng sắc nét, giống như tuồng chữ viết tay. Ông nhìn kỹ hơn.
“Đó, nó xuất hiện rồi đó”, Sharon thì thầm.
Bất chợt, hai tay Karras nổi da gà, không phải vì cái lạnh băng giá của căn phòng, nhưng vì cái điều ông đang trông thấy xuất hiện trên khuôn ngực Regan, vì nét viết chạm nổi hằn lên thành từng chữ cái rõ ràng, đỏ như máu, trên da. Hai từ:
“Cứu con”
“Tuồng chữ của con bé đó”, Sharon thì thầm.