Về đến sứ quán ở Bắc Kinh thấy đông nhộn khác cái thoáng vắng hôm trước. Giữa vườn cây lê cây táo trơ trụi mùa đông, những đống cao lù lù như cây rơm phủ kín ni lông xanh, ni lông xám. Hỏi mới biết đấy là những núi đồ đạc mới đưa về, để trong nhà không có chỗ, phải chất ra giữa trời. Bắc Kinh đương mưa tuyết, mưa cả đêm. Những mảng băng đầu mùa bám ngoài ni lông, khi tuyết rơi nhiều, băng xụt xuống như bùn trắng nhão quanh chân các gò đống đồ đạc. Người về ở đông kín các phòng chiêu đãi sở, khắp cả nhà cơ quan làm việc. Xe lửa Matxcơva về Hà Nội bị cắt lưng chừng, giữa khi qua Cát Lâm trên Đông Bắc. Sứ quán phải thuê xe lên đón. Cán bộ và sinh viên đi công tác, về phép, về hết hạn, người và hành lý đưa cả về đây. Tạm ở, đợi bao giờ lại có đường có tàu thì chưa biết. Quang cảnh ngổn ngang như đồn bốt, như cái nhà đương xây cất vá víu. Ngoài cổng, chốt đóng mấy lần cửa. Trong nhà, cả khách và cơ quan được chia thành tổ, phòng khi bất trắc. Hàng ngày, cả cơ quan cũng như khách mỗi người mỗi việc gọn ghẽ đâu vào đấy chẳng khác quân sự hoá. Ba hôm, nhà bếp đi mua gạo một lần về cơm nước cả trăm con người. Phức tạp, phấp phỏng, nỗi buồn mất tiền của tôi hoà vào cái lo này, tan mất. Tự dưng tôi cũng cộng với đám khách chờ không biết khi nào có tàu hoả, có máy bay. Dần dà, hàng tuần qua rồi và đếm từng ngày nhớ lại, cứ thấy gian nan dài dài. Tôi quen Quyền Sinh ở chuyến ấy, Quyền Sinh giám đốc du lịch Sài Gòn, đi hội nghị quốc tế du lịch ở Beclin về. Bỗng được tin đột ngột đường bay Bắc Kinh- Hà Nội đã được nối lại. Chưa biết nối thử hay nối thật, chỉ chắc chắn ngày kia có chuyến Hà Nội đầu tiên. Cái may và vui nữa, tất cả khách đọng lại ở đây mấy lâu đã đăng ký và mua vé được về chuyến TU 134 này. Nhưng vẫn còn hồi hộp, quá lo rồi đâm quẩn quanh, từ nay tới ngày kia còn có bất thường nữa không. Biết thế nào, những cái rớp. Và thời gian trôi qua trong những trận mưa tuyết ngoài vườn lúc đậm lúc nhạt, mờ mừ. Lại một lo lắng khác. Nhiều người phải lo, hầu hết đều là khách đi tàu hoả, nhiều người công tác dài ngày, có khi đã đi học năm bảy năm, hành lý mang theo về cũng bề bộn, không phải như tôi hai mươi cân theo qui định đi máy bay. Thế là cả nhà bỗng hoá cái chợ. Đem cái gì, còn để lại xếp đống giữa vườn, ôi thôi, bao giờ mới lại lấy đi tiếp được. Đóng va li thử, mặc thử, rồi lại bỏ ra, xếp lại, lại mặc lại. Đống đồ lều ủ trong băng tuyết ngoài kia vẫn cao lừng lững. Nhưng cuối cùng cũng xong. Mỗi người bỗng phổng lên thành ông hộ pháp, may mà trời đã lạnh. Bởi vì quấn đồ đạc vào người và xách hai tay không phải cân, thôi thì lụa vải, cả bàn là, cả quạt tai voi tháo cánh, cả máy khâu không chân gấp vuông nhét bụng nhét lưng được tất. Tôi không nhìn mà cũng không muốn nhìn, chỉ thấy người lên được máy bay rồi ngồi ềnh xuống, nhưng rồi ai cũng đứng lên, đi đàng hoàng và xuống ga Nam Ninh ăn cơm hẳn hoi. Đến Nội Bài, máy bay vào đỗ ngay trước phòng làm thủ tục nhập cảnh. Không phải trèo leo lên xe xuống ngựa gì nữa, nhác trông ai cũng phì nộn mà ung dung, đĩnh đạc. Bởi vì đã về được tới nhà, sức bật vô biên! Nhớ mãi một cam go sau cùng ở Nam Ninh, bữa cơm sân bay, chẳng có gì đáng nhớ thế mà nhớ. Như mọi khi phiếu ăn cầm kèm vé. ở sứ quán, Quyền Sinh mải xếp đồ đạc, để rơi phiếu ăn lúc nào không biết. Mọi người đã vào phòng ăn. Quyền Sinh mất vé ngồi ngoài hiên, các túi xách lỉnh kỉnh xung quanh. Tôi hỏi, Quyền Sinh chép miệng: “Mất vé! Mà cũng sắp đến Hà Nội rồi". Tôi nói: “Cứ vào với tớ, không sao ăn bữa tạm biệt cũng hay". Tôi nói cứng, thật trong bụng nửa tin nửa không. Nhưng niềm tin mơ hồ mà mạnh hơn, bởi suốt chuyến đi, những người hải quan khám rồi lại không khám, cử chỉ nhỏ bé thân thương ấy, dẫu đương cơn sóng gió mà đối với nhau có trước có sau. Chúng tôi ngồi vào bàn. Người nhà bàn tới. Người ấy bước đến một mình, tôi mừng thầm. Tôi giơ vé ăn của tôi với cả mấy đồng nhân dân tệ vét túi nữa, lại đưa kèm chiếc vé máy bay không có phiếu ăn của Quyền Sinh. Người nhà bàn cười, xoè tay ra hiệu bảo chúng tôi ngồi. Rồi anh bưng khay đến hai chai bia Xin Tao. Lát sau, mỗi người một bát mì vằn thắn hảo hạng. Tôi nhớ thế, nhưng hôm vừa rồi mở sổ tay xem lại đoạn nhật ký chuyến đi Mông Cổ 1979, lại thấy ghi: ăn sân bay Nam Ninh. Uống nốt chai vôtka Mông Cổ với Quyền Sinh”. Có lẽ chai bia thì mang về âu là nhớ lẫn lộn lúc đương vui. Người nhà bàn ấy cao hứng, quên cả thu vé ăn của tôi. Những cốc bia, cốc rượu đã trút đi bao nhiêu lo toan vặt vãnh, tủn mủn. Mamađu Triôp Điôp người Sênêgan. Điôp là giáo viên. Điôp viết kịch, làm thơ, làm công tác xã hội và ăn lương dạy học. Điôp thường đi dự Đại hội các nhà văn á Phi với tư cách uỷ viên chấp hành. ở cái cộng đồng bé nhỏ của thành phố Đaka, Điôp cũng là một nhân vật cứng cựa. Có khi Điôp đưa tôi một bài thơ tiếng Pháp đã đăng báo. Tôi đem về Hà Nội, nhưng chưa báo nào nhận dịch đăng. Điôp hơn bốn mươi tuổi, có thể là một người đàn ông đẹp theo mẫu châu lục ấy. Mỗi sáng, Điôp bôi dầu bóng nhẫy lên mặt. Tóc Điôp xoăn từng đám như những con ốc bươu bám quanh đầu. Trên khuôn mặt đen bóng, lòng trắng con mắt và hàm răng óng ánh, thế là anh ta làm dáng đấy- Điôp cưòì. Mỗi khi Điôp nói chuyện về Việt Nam cứ như lẫn cổ tích với bây giờ. Bởi vì, Điôp đã được nghe nhiều chuyện và đã tưởng tượng về Việt Nam từ thuở ấu thơ. Nước Sênêgan thuộc địa Pháp cũng như Việt Nam, cho nên biết bao chuyện của lính khố đỏ, lính chào mào ở xứ An Nam đâu đâu sang và lính “mặc váy” người Sênêgan đã đến Đông Dương, họ khoác những cái áo choàng trắng, các cụ ta gọi là Tây đen mặc váy. Điôp lấy làm lạ tôi biết lãnh tụ khởi nghĩa ở Marốc, ở Sênêgan tên là Apđen Krim, lại có tên mà lính khố đỏ An Nam gọi là giặc Mạc Đình Kim. Chú tôi làm ruộng xưa nay chỉ biết có cái chợ Nghệ rồi phải bắt lính khố đỏ sang Pháp rồi sang châu Phi đánh nhau với Mạc Đình Kim. Đi dẹp giặc nhưng ở lính mà không biết cầm súng, chỉ giữ chân cắt cỏ ngựa, vào vườn bới trộm khoai tây. Chú tôi bảo rằng nước Pháp đồng trắng nước trong, nước Sênêgan có khoai tây giàu hơn nước Pháp, cho nên nước Pháp phải đi cướp nước Sênêgan, nước An Nam ta. Điôp và tôi cười ha ha những chuyện ngày xửa ngày xưa của chúng tôi. Tôi kể với Điôp ở nước tôi ai cũng làm thơ, không biết chữ cũng làm thơ. Mỗi người khố đỏ đều làm những bài thơ kể đời lính từ khi bước xuống tàu thủy chạy sang Tây. Điôp càng lạ hơn. Nhưng rồi nghe tôi kể nhiều chuyện nữa thì Điôp reo lên: “Dân tộc Việt Nam văn hoá cao nhất thế giới". Không phải chỉ vì những chuyện thơ, mà nhiều chuyện khác đã khiến Điôp có ý nghĩ ấy. Tôi kể chuyện về chiến dịch biên giới phía bắc 1950, cả nghìn lính binh đoàn Tabo của Pháp bị bắt làm tù binh trong rùng núi Đông Khê, Thất Khê. Có nhiều lính da đen, thể nào cũng có người Sênêgan. Tôi kể: “Mày biết không, tao đã trông thấy một buổi chiều trời rét mưa phùn dưới chân núi cạnh đồn Đông Khê vừa bị bộ đội tiêu diệt, chủ tịch Hồ Chí Minh ra đứng bên đường nhìn đoàn tù binh đi qua. Người đã cởi áo sơ mi đương mặc quàng lên vai một tù binh da đen cởi trần đi trong mưa. Người tù binh được áo sơ mi chắc không bao giờ biết ông già cho áo là ai". Điôp nghe im lặng. Rồi Điôp thở dài: - Tao sẽ nói tên với mày về mấy người trong họ Mamađu của tao, một người bác, một anh họ và mấy người trong làng phái đi lính sang Đông Dương. Ghi vào sổ tay đi, rồi mày cũng có thể gặp, hay là họ đã chết rét cái năm ấy rồi. ở thủ đô Bon nước Tây Đức tôi cũng đã gặp những người Sênêgan, người Marôc sang làm culi, làm gác cửa khách sạn hay hỏi thăm tôi về ông nội, về chú bác đi lính Pháp đã mất tích bên Đông Dương năm xưa. Trên máy bay nhìn xuống phía đông Địa Trung Hải, sóng bủa lên ngang núi. Những mũi đá nhô ra như trăm nghìn đầu cá sấu khổng lồ đương húc ra doạ lại mép nước trắng xoá, như ôm lấy những cột đá phế tích Pompêi kỳ quan thế giới. Máy bay đỗ hai mươi phút ở Itămbơn. Sân bay xa thành phố, nhưng các nhà ga châu âu trang nhã, không ngợp bãi cỏ như những sân bay dã chiến giữa cỏ tranh như Luang Prabang, như Điện Biên Phủ. Tôi nhặt vài quyển sách bỏ túi: truyện trinh thám Sas và Thám tử Megrê chăng bẫy của G. Simơnông, khách vứt lại trên ghế. Vào quầy sách, trên giá bày bán tiểu thuyết Nỗi buồn của A. Môravia- nhà văn hiện đại ý tôi vẫn ưa đọc. Loại sách bỏ túi, giá một đô la rưỡi. Không có tiền lẻ cô hàng sang đổi ở quầy khác. Lát sau, quay về, vẫn chưa đổi được tờ năm đô la của tôi mà tiếng loa đã báo giờ máy bay cất cánh. Về Matxcơva, Marich bảo tôi: - Tôi chưa được đến sân bay Itămbơn nước Thổ, nhưng đã nghe nổi tiếng mánh khoé các hàng quán ở đấy lấy cắp tiền khách. Ông là người khách khù khờ thứ bao nhiêu triệu rồi đấy. Đến lúc xuống sân bay cảng Saiit thì tôi ngồi suông. Không phải vì còn bực mình, ta đã đần độn nên bị hố thì còn bực bội nỗi gì, mà chỉ băn khoăn thương cái túi tiền eo hẹp đếm từng đồng của người đi xa. Lại mơ bao giờ đến sân bay Bắc Kinh, dẫu cho thời tiết chính trị thế nào và trong thắt lưng lép kẹp đến đâu cũng uống tự nhiên được cốc nước chè thơm nóng đậy nắp tử tế. Nhớ đời cái chuyến máy bay hãng Hà Lan đi Libăng, lại đi với Hoàng Trung Thông. Cô chiêu đãi viên đẩy đến cái xe lanh canh những chai cốc màu sắc đẹp mắt. Xe chờ các thứ uống không mất tiền, nhưng trên máy bay các hãng qui định khác nhau. Hoàng Trung Thông đã trông thấy chai Mácten. Hoàng Trung Thông trỏ chai rượu. Cô phục vụ nhấc chai, đặt ly trên thành xe. Nhưng cô chưa rót. Cô nói, Hoàng Trung Thông cũng võ vẽ tiếng Anh, nhưng có lẽ mùi Macten đã át cả, chỉ thấy anh gật gật. Cô hàng, tay vẫn nghiêng chai rượu, tay kia bật ngón làm hiệu đếm tiền và trong cặp môi hồng dịu của cô thánh thót rơi ra hai tiếng “đô la". Ông bạn rượu cực nhanh trí, quay mặt lại cắt nghĩa cho tôi: “Rượu thì bán, chỉ nước giải khát mới gratuit". Thông đã tán ra rất đầy đủ, mà tôi không nghe cô ấy nói. Từ lần ấy, đến trước quầy nước giải khát nào dưới đất hay trên trời tôi cũng xem ngắm kỹ. Nhưng ở sân bay cảng Saiit này thì không phải băn khoăn, không có xe được đẩy đến. Cuối phòng, quầy rượu lớn Tôi ngồi lặng yên như một người không thèm nhạt gì cả. Điôp bảo tôi giữ hộ cái cặp rồi biến đi. Không nhìn thấy nó ở quán rượu. Điôp cũng không phải tay rượu, mặc dầu trong các cuộc dạ hội anh hoa chân múa tay, múa may hăng đến lăn đùng ra trên sàn như người quá chén rồi lại đứng lên đánh trống. Điệu múa lăn thế, Điôp không say. Chao ôi, nhớ lại một chuyện ngẩn ngơ- một kỷ niệm khi mới cầm bút, tôi đã viết về cảng này, vâng, cảng Sait mơ hồ, tôi nào đã biết Sait ở xứ sở nào. Ngày ấy tôi vớ ở đâu được một quyển lịch năm Anmanach của nhà xuất bản Haxet. Tập lịch mấy trăm trang có đủ chuyện tò mò, ly kỳ và tranh vui, truyện vui, thơ và quảng cáo, các thứ đọc giải trí. Về sau, kiểu sách lịch này ở ta hàng năm cũng làm bắt chước, như Niên lịch thông thư của Nguyễn Văn Vĩnh. Và năm 1946, Tết âm lịch đầu tiên sau cách mạng, chúng tôi làm báo Cứu Quốc cũng cho in một quyển niên lịch tương tự thế, tên là Lịch Cứu Quốc. Định sẽ mỗi năm ra một quyển. Rồi kháng chiến... Tôi bấy giờ khoảng mười sáu mười bảy tuổi, đã thôi học, chưa đi đâu khỏi làng, chưa biết cái xe đạp, mới được ngồi cái tàu điện vào thành phố. Đọc quyển lịch năm của nhà Haxet, tôi tưởng tượng ra một câu chuyện hoang đường: có một chàng thanh niên kia thất vọng vì tình, lang thang xuống làm tàu biển rồi đi biệt xứ. Giữa đại dương mênh mông, anh gặp khách đi tàu là người đồng hương, anh đã kể câu chuyện tình đau khổ đã khiến anh phải cất bước giang hồ. Tôi chẳng còn nhớ cái lệ sử của nhân vật ấy, nhưng tôi vẫn nhớ trong truyện tôi đã tả tỷ mỉ những hải cảng mà con tàu đại dương đã ghé ăn hàng, đón khách. Cảng Madrat, cảng Sait, cảng Macxây... Những công viên, những tên phố, tiếng chuông nhà thờ, các cửa hàng, hiệu ăn... Chuyện như thật, mà toàn sự thật nhờ quảng cáo và bảng chỉ dẫn khách du lịch tôi đọc được trong quyển lịch năm của nhà Haxet, biết bao nơi mà đến bây giờ tôi cũng chưa khi nào được tới. Dưới truyện, tôi ghi: Trung Nha, mùa thu... và truyện ngắn ấy tôi đặt tên là Những chuyện khó hiểu – khó hiểu thật. Tôi gửi báo, cả một mặt trang phụ trương văn chương báo hàng ngày Đông Pháp đã đăng. Mấy năm sau tôi mới viết các truyện ngắn Nước lên, Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông và những truyện loài vật trong đó có Con dế mèn... Cảng Sait! Cảng Sait vào Hồng Hải đây. Tôi chẳng biết gì về nơi xa lạ này ngoài câu chuyện ngây ngô nửa thế kỷ trước. Trước mắt, nước thuỷ triều ban ngày rút xa xa, mặt bãi lổn nhổn đá sỏi xám quanh những gốc chà là dại rũ rượi. Một lá cờ Anh trên ống khói một tàu vào cảng. Sân bay gần cầu cảng, trên sườn tàu và thân máy bay, chữ ả rập rối loạn màu sơn xanh thẫm. Địa đầu châu á châu Phi với những tiềm năng dầu lửa và kim cương, bề ngoài đều cằn cỗi, hoang dại, như cảng Sait đây. Điôp và tôi đi Adi Ababa. Máy bay tạt xuống Đông Phi, dưới kia đại dương ấn Độ lại mịt mờ. Điôp ngủ gật gưỡng. Tôi hỏi: - Lúc nãy mày đi đâu? Điôp choàng tỉnh, cười nhe hàng răng trắng nhả: - ở sân bay anh có để ý những đứa con gái đứng cửa phòng khách. Tôi cũng cười: - Tao không thích môi chúng nó bôi màu nghệ. Tôi lại hỏi: - Mất bao nhiêu? - Một đô. Chưa bằng một góc giá tiền thật cuốn Moravia của anhĐiôp diễu tôi. Tôi đã thấy ở sân bay Karachi, ở Cairô bọn gái điếm hóng khách “đi tàu nhanh, chúng nó da dẻ ngăm ngăm, môi màu hoa hiên, màu vàng nghệ”. ở Sait thì môi vàng sẫm, da đen nhãy, người đẹp theo gu từng vùng. Ađi Ababa, cả nửa thế kỷ loạn lạc. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, thành phố đã đẫm máu trong súng đạn xâm lược của phát xít ý. Vua Haliê Hatsiê lưu vong, khi trở về nước thì chết già chết đói giữa những thế lực chính trị và bộ tộc kình chống nhau. Chỉ mới tạm yên được ít lâu nay.. Tôi ở khách sạn Hintơn Ađi, đầu giường đặt một quyển Kinh Thánh ba thứ tiếng. Phòng ăn hiện đại lộng lẫy, người ta phải làm cho đượm vẻ man rợ bằng mái lá cọ, cột cây cổ thụ xù xì và ghế gỗ nguyên cả vỏ. Nhưng cái hoang sơ thật thì ở ngoài kia, trên tầng lầu nhìn ra cửa sổ trông ra thấy còn dữ dội hơn nhiều. Tít tắp xa trước mặt, chồng chất chập trùng những xóm bi đông, rợn lên xám ngắt như sóng đất. Nghe ánh ỏi tiếng trẻ con đá bóng hò hét ở đâu vang động. Những trái ngược này đã thấy ở Sait, ở Ađen, ở Dibuti hai bên Hồng hải mỗi lần đi qua. Quang cảnh đâu đâu cũng tương tự, bãi lầy lội khi nước triều xuống, tường nhà đoan cao như pháo đài và những lô cốt cả trăm năm còn đấy. Địa đầu các châu lục, nơi qua lại những mưu lược, những tội ác, khi đổ máu, khi phẳng lặng ngỡ là bình yên. Hầu như một phần gốc gác văn hoá văn minh của nhân loại phát tích trên nửa trái đất đã nảy sinh quanh nơi này, thế mà vạn triệu năm ở đây vẫn xác xơ, hiu quạnh, vẫn ngã ba, ngã năm những giàu sang và cái nghèo khó chen nhau. Con chim sẻ trong hốc lô cốt, những đàn hải âu lượn trên cửa biển, chúng nó có cộng đồng xã hội như con người, tiếng kêu tiếng hót có nghe được nhau không, cả nghìn đời có giống nhau không. Cũng như ở Ađi Ababa này sang Trung Cận Đông, vào châu Phi, ở đây hay ở Bâyrut, ở Batđa, những cao ốc Hintơn A, Hintơn B, những xóm liều, chỗ nào cũng người đông như ruồi quanh đống vỏ hộp đi nhặt về nạo lấy cái thừa thãi người ta vứt đi. Các thành phố Trung Phi mà A. Moravia tới chẳng khác Ađi Ababa ở Đông Phi, cái muôn thuở trong cái hỗn độn hôm nay. Đây là giữa thành phố Libơrơ. Cửa hàng, cửa hàng, cửa hàng. Nhà trọc trời cao ngất, lại vửa phải, lại bé nhỏ, kỳ quặc như những cái hòm đã mở toang hết các ngăn, lại những cái chỏm cao ba ngọn, những cái hộp bằng thuỷ tinh, bằng sắt, đôi chỗ nhô ra một hàng hiên giả vờ xiêu vẹo, như ở Nữu ước. Chúng tôi đương đi trong những công trình kiến trúc siêu hiện đại và siêu, siêu, siêu hiện đại thế nhưng mà chỉ bước thêm hai bước, ba bước là đã vào đến cửa rừng, rừng thật. Thành phố không rộng không thẳng như đường phố ở nước Mỹ, nhìn phía nào cũng thấy những cánh rừng bao quanh như đại dương mà các toà nhà là ốc đảo cô đơn, trong ấy chỉ có người châu âu tấp nập, nhốn nháo vớt mọi công việc và mua bán” (Đi chơi châu Phi- A. Moravia 1993) Tôi đến nước Tandania cũng dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh G. Nêru danh nhân ấn Độ được ủy ban á Phi của quốc tế làm mít tinh tưởng nhớ ở châu Phi. Không phải cuộc họp của giới văn học, nhưng gặp nhà văn của nhiều nước: nhà thơ Mukecgi của ấn Độ, Adimôp LiênXô, Atsadoula của Afganixtan, Mamađou Triôp Điôp của Sênêgan, Alex La Guma Nam Phi. Alex đi thay E. Sêbai tổng thư ký Hội Nhà văn á Phi. Sêbai cũng là bộ trưởng văn hoá Ai Cập. Tháng trước Sêbai bị bọn khủng bố chính trị bắn chết ở Cairô, ở Hà Nội tôi đọc tin đã biết. Các nhà văn làm chính trị ở các nước đương phát triển gặp lắm hiểm nghèo. Diện mạo châu Phi có những nét khác các lục địa- những vệt trắng dài đến ngút mắt, không biết sa mạc hay rừng cằn cỗi về vệt kẻ dài hoà vào chân mây. Qua Kênia, hiện lên vùng trời nước đảo Dandiba nổi như con đồi mồi khổng lồ, bên này dải đất Tanika viền một khơảng tuyết trắng phau giữa trong xanh không gợn mây. Đột ngột như cái đầu bạc khổng lồ của một ông già ngồi tư lự giữ thinh không, đấy là niềm tự hào của châu Phi, đỉnh núi cao hạng nhất thế giới, núi Kilimangiarô. Quanh núi viền những vùng rừng xanh li ti mà thoạt nhìn, nắng và băng nghìn năm đọng đỉnh núi loá trắng không nhận ra được. Châu Phi có hai con sông lớn, Nin Xanh bắt nguồn từ hồ Victoria nước Su đăng, Nin Trắng thì ngọn nước từ các thung lũng chân núi Kilimangiarô này. Khách sạn Kilimangiarô trên bờ biển trông vào chỏm núi Kilimangiarô hùng vĩ. Nhưng đấy lâ ở chân trời xa thẳm, còn xung quanh thành phố- lại như A. Moravia đã ký hoạ những nhà và đường ở nước Cônggô, những ngăn kéo hộp xi măng chồng lên giữa rừng, giữa cát trắng, giữa những xóm bi-đông mà sự sống thoi thóp đôi lúc inh ỏi vọt lên tiếng hò hét của đám trẻ chơi đá bóng. May thay, cái sân thượng nhà mười tầng đã cho tôi hoang tưởng tôi đương chơ vơ ở một ốc đảo sa mạc trông ra thấy đỉnh Kilimangiarô đột lên ngang trời châu Phi, dưới chân tuôn ra ngọn nguồn sông Nin Trắng chảy về Ai Cập. E. Hêminuây đã viết truyện Kilimangiarô. Con người cầm bút viết nhiều đi nhiều này cũng có thể vào hộ khẩu châu Phi. Cuộc đời và sáng tác của ông gắn bó nhiều với những vùng đất quanh Kilimangiarô. Năm 1954, Hêminuây đi săn ở rừng nước Kênia, trong sáu tháng hai lần rơi máy bay lên thẳng mà không chết. Sau đó ông về Kêtinga dựng lều bạt lên làm trại viết giữa ốc đảo và ở đấy suốt năm. Năm 1999 này, kỷ niệm 100 năm sinh E. Hêminuây. Cuốn tiểu thuyết tự truyện sau cùng của E. Hêminuây 850 trang sẽ được xuất bản. Ông viết tác phẩm này rải rác từng mảng, ở nhiều nơi. Phần cuối xong ở bang Idhahô nước Mỹ. Rồi cũng ở đấy, E. Hêminuây đã bắn hai phát súng vào miệng, tự sát. Mấy năm qua, có vài phần trong sáng tác đã được ra mắt bạn đọc, nhưng đây là lần in đầy đủ nhất. Các tác phẩm của E. Hêminuây đều pha trộn tự thuật, hổi ký và sáng tác. Nhà văn cố ý không phân biệt rạch ròi các thể loại này khi cầm bút. Ông đã từng nói: “Những tác phậm hay đều có một điểm chung, ở đấy sự thật còn hơn cả thực tế". Có lẽ cũng là châm ngôn viết của ông. ở tác phẩm sau cùng, có một nhân vật đáng yêu. Cô Đơba mười tám tuổi người bộ lạc Vakamba. Có thể xem nhân vật ấy là người yêu, là vợ tác giả, là người thật và người trong mộng, Đơba đã cùng ông đi khắp các cuộc săn bắn và ở rừng. Đến bây giờ báo chí, các nhà nghiên cứu văn học vẫn tranh luận cô Dơba có thật hay không. Nhưng với bút pháp thể hiện như E. Hêminuây đã từng nói, bí ẩn ấy thiết tưởng không bao giờ tìm ra được. Hêminuây quyến luyến nhất với vùng Tanganika và Kênia có ngọn Kilimangiarô. Hêminuây sáng tạo tung hoành nhưng lại yêu kỷ niệm cụ thể ở trang viết ông đã lấy tên núi mà đặt cho truyện. Khi về Cu Ba, nhà ông ở ngoại ô La Havana, trên đồi Phinga Vigia, ở đấy trông xuống bãi biển. 1952, Hêminuây viết truyện ông già và biển cả tại đây, trên cái bến hoang vắng này, cái bến và nghị lực những con người được miêu tả trong sáng tác tuyệt vời này đã đưa ông vào giải thưởng văn học Nôben. Tôi đã có lần đến thăm nhà Hêminuây trên đồi Phinsa Vigia. Người ta kể ông hay lên cái chòi cuối vườn, nhìn ra bể, tưởng như Hêminuây đã ngồi viết trong chòi, đôi lúc ngẩng mặt lên trước trời nước mênh mang. Kalimangiarô, câu chuyện một người bị tai nạn máy baý nằm đợi chết trên lưng núi. Người hấp hối chiêm bao chập chờn thấy mình bay qua đỉnh núi với người yêu. Sự sáng tạo đã buộc sự từng trải của người cầm bút vào vùng đất vùng núi đã có những kỷ niệm sống chết. Ta hiểu thêm những miếng nước đầu nguồn hư ảo và hiển nhiên ở mỗi chữ của ông. Trên sân thượng này nhìn lên ngọn Kilimangiarô trọc lốc phủ băng trắng trong nắng chang chang, tôi có cái tò mò ngẩn ngơ thử đoán xem nhà văn cho cái máy bay lên thẳng bị rơi trên ngọn nước đã được ông đặt ở quãng nào. Đoán mơ màng thôi, chứ từ đây vào chân núi những một trăm ba mươi cây số. Tôi đương nhìn về núi Kilimangiarô từ thành phố Đaét Salam thì được đọc báo có những tin kỳ lạ. Một người Việt Nam, một phụ nữ Việt Nam vừa lập kỷ lục trèo lên Kilimangiarô. Hãng tin RFI đã phát đi: 9 giờ 30 sáng 7 tháng mười một, một phụ nữ úc gốc Việt, cô Nguyễn Thu Hương đã leo tới mỏm cao nhất đỉnh Kilimangiarô. Cùng đi với cô có kỹ sư hàng hải Geri. Hành trình liền sáu ngày đêm. Những người dân tộc Maxai khiêng vác đồ đạc và dẫn đường hai nhà leo núi lên theo phía thung lũng Maxam. ở đây cũng người làm nên kỳ tích mà không bao giờ được kể đến, những người Maxai cũng như người Xecba bên dãy núi Himalaya châu á cả đời chuyên nghề mang vác, dẫn đường các nhà du lịch leo núi lập kỷ lục đến chóp núi mà không khi nào được cắm cờ chụp ảnh phát đi thế giới. Tin điện miêu tả lúc ấy đỉnh Kilimangiarô trời nắng, có mây trắng bay qua trong tuyết rơi. Lác đác, cây thạch anh, cây lôbêli trồi ra trong tảng băng. Một đàn gà gô trắng. Những con gà gô chưa biết sợ người, đã được đứng chụp ảnh chung với cô Nguyễn Thu Hương và bạn đồng hành. Đêm giã từ Tandania trong rừng dứa dưới bãi biển, có cuộc vui nhộn của làng chài tiễn khách. Không biết làng chài hay làm nghề đánh chão. Hàng ngày, không thấy lưới thấy thuyền, chỉ từng đám đàn ông, đàn bà xúm xít tước xơ thân dừa ra đánh thành những cuộn chão chồng cao hơn đầu người. Chão dừa neo buộc thuyền bè đi biển không bị hà ăn, mòn xác xơ cũng không đứt. Trong đêm, các làng chão ven bãi sôi nổi trống và người rập rờn nhảy. Từng đám mấy chục cô gái đứng thành hàng. Những khuôn mặt đen nhoáng đương múa lưỡi, những cái đầu lưỡi trong miệng thò ra uốn éo múa lên nhấp nhoáng quấn quít đỏ như ánh lửa. Tiếng trống rồn rập, những chàng trai cởi trần lăn trên cát như làn sóng. Không phải một Điôp múa lăn mọi khi, mà cả trăm Điôp đương cuồn cuộn. Năm trước, ở Tân Đêli ngắm thần Lửa thần Nước nghệ sĩ đứng múa bụng cả giờ trên sân khấu đã thấy hãi công phu điêu luyện, bây giờ ngốt lên nghệ thuật bốc lứa cá trăm con người, hầu như mọi đàn ông đàn bà trong làng đều biết chơi đánh lưỡi, lăn mình. Tiếng trống dồn dập, thoắt biến thoắt hiện, lại thấy nhô ra một trăm chàng Điôp cởi trần ôm tang trống, đánh trống bằng những cùi tay, những bàn tay. Dãy trống kê vòng quanh người người lăn lượn, mặt trống cùi tay và những ngọn lưỡi rừng rực lên giữa bãi cát, lửa củi, lửa người. Các nhà nghiên cứu sự phát triển của xã hội loài người đã công bố một số liệu phân tích: châu Phi đương đuổi và đuổi kịp mọi mặt châu á. Những dị dạng, những kỳ lạ, không gì khuất phục được sức mạnh từ ngọn núi Kilimangiarô đến những con người đồng bằng sông Nin lên có lẽ là đây. Tôi lại có dịp với Mamađu Triô Điôp đến bang Tây Băng Gan rồi lên nghỉ trên cao nguyên Đacgiơlinh biên giới nước Nêpan chân núi Hymalaya. Cùng đi có nhà thơ Tây Băng Gan Kecmugi. Kecmugi đã hai lần đến Việt Nam. Tôi đã đưa Kecmugi thăm Hoà Bình lên một làng Dao ở Tu Lý gần Toàn Sơn. Anh ăn thịt gà, chấm nậm bìa- nước ở lòng bò vắt ra, như mọi người trong làng. Trong khi, một lần khác cũng đến núi ấy, nhà văn Xevun ở nước cộng hoà Trung á và Marich thì không dám đụng đến các món dân dã này. Tôi và Điôp ở buồng cửa trông sang nhau. Tôi vừa đọc một tờ báo đăng tin một nước, không nhớ Camơrun hay Marôc, không phải Sênêgan, ông tổng thống mới được bầu có tên trùng với Điôp. Tôi kể, thì Điôp nói: “Họ Mamađu nhà tôi ở nhiều nước, nhất là ở Trung Phi và cũng lạ lắm, nhiều người làm tổng thống, cũng nhiều người điên. “- Mày đương làm quan to hay mày đương điên? - Tôi a, có lẽ tôi đương cả hai. - Cả hai là Liên Xô hay Mỹ? Điôp cười, không nói. Cũng không phải không có lý Mặt trận nào thì Liên xô Và Mỹ cũng đều có người của họ. Có thể thế này có thể thế kia. Phải tính chứ, mỗi lần Điôp đến sứ quán Liên Xô ở Đacca nhận giấy mời và vé máy bay đi nước ngoài. Không là bình thường. Vlat ở Hội nhà văn Liên Xô làm đối ngoại về châu Phi đã kể tôi nghe những mưu mẹo tranh thủ lắt léo đầu làm việc này đuôi lại sang kết quả khác, không ngay thẳng bao giờ. Buổi sáng, vào phòng tắm, Điôp hun tóc rồi mới rửa mặt. Điốp đánh từng que diêm, nhìn vào gương hơ cho tóc quăn lên. Tay xoe khéo đã có cỡ thoảng mùi khét, nhưng không hẳn tóc cháy. Rồi tóc Điôp cuộn thành búi, thành cục tới đỉnh đầu. Làm đẹp những hôm long trọng, đầu Điốp xoắn ốc kỹ lưỡng và hai hàm răng trắng rợn. Điốp cho tôi một mẩu rễ cây, như rễ cây duối, để cọ răng. Dễ cây swek này tôi đã thấy bán ở chợ Casablanca, như cau khô đánh răng. Đám rễ ấy Điốp bỏ trong cặp, đem tử nhà đi. Lúc thong thả một mình và trước khi đi ngủ, Điốp cầm một mảnh rễ cọ răng. Điốp cắt nghĩa cho tôi hiểu vẻ đẹp trai gái.- Nhìn thấy nhau, là khuôn mặt đen bóng, hàm răng trắng và đôi mắt loáng như gương. Đấy là những màu nổi nhất, nhận ra nhau trước nhất từ xa trên mặt người thanh niên châu Phi. Tranh dân gian châu Phi khi nào vẽ người cũng có hai mắt to choán nửa mặt, con ngươi và lòng trắng mắt mới tình tứ sao- Điôp bình luận thế. ở Đácgiơlinh tôi cũng gặp lại Ôta. Nhà văn Nhật này viết tiểu thuyết, nhưng tôi biết Ôta bởi Ôta năm ấy ở Tôkiô là thành viên một tổ chức phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. Ôta đến Việt Nam có công việc khác nhưng vì Ôta là nhà văn nổi tiếng nên Ôta cũng là khách của chúng tôi. Còn công tác của Ôta đến Hà Nội thì thật xa lạ với bút mực. Tổ chức nhân dân Nhật chống Mỹ xâm lược Việt Nam của Ôta hoạt động sâu rộng, được sự ủng hộ của các giới và có tác động trong binh lính Mỹ. Lính Mỹ đánh nhau ở Việt Nam được thưởng phép thường về nghỉ ở Băng Cốc, ở Hồng Kông, ở Nhật. Tổ chức của Ôta bắt mối được với nhiều lính Mỹ đã chán nản không muốn trở lại chiến trường. Những đứa này tìm cách ở lại Nhật, mỗi ngày một đông. Tổ chức của Ôta giúp họ trốn, đã bi mật nuôi giữ nhiều người. Ôta sang Việt Nam có ý hỏi ta có việc gì cần đến bọn Mỹ đào ngũ này, như viết tài liệu, phát thanh... Đấy là những việc Ôta giao thiệp với những cơ quan khác, và rồi Ôta có được việc không, tôi không biết. Nhưng Ôta là khách, tôi đã trò chuyện văn chương với Ôta và gặp Ôta đến tận hôm tiễn. Ôta uống nhiều, khen Lúa Mới ngon đậm hơn rưọu sakê. Tôi có cảm tưởng là người Nhật lặng lẽ và nghiêm túc trong mọi công việc. Như các nhà văn Nhật thường gặp ở hội nghị, kể cả Kauabata nhà văn có tiếng. Họ ít nói, đi thành bọn và vào phòng ăn hay mang theo thức ăn mua sẵn ở Nhật. Họ đã biếu tôi những hộp dưa cải muối, lạc muối. Những thói quen và sinh hoạt giản dị này tôi đã quen biết từ những năm kháng chiến ở Tuyên Quang, cơ quan tôi có Nguyễn An Nghệ Shoisi Aki. Khi Nhật hàng Đồng Minh, anh sinh viên kinh tế Aki đã chạy ra với Việt Minh ở Nghệ An rồi Aki được đưa ra Việt Bắc ở với chúng tôi. Nhưng Ôta thì khác. Ôta mơ màng lảo đảo ra tận sân bay. Hôm sang Nội Bài suýt lỡ chuyến bay. Sân bay dã chiến cánh đồng Nội Bài, máy bay Mỹ hàng ngày đến bom bắn. Cả đài chỉ huy bay đã bị bom huỷ- ngày nay hãy còn đứng sừng sững cái cột loang lở trơ trọi như một chứng tích thời chiến. Có lẽ vì sân bay Gia Lâm đã hư hại nặng, cho nên ở Nội Bài cứ sáng sớm và chập tối chớp nhoáng những chuyến bay dân sự. Nhà đợi bay chỉ mấy mảnh tôn, vách gỗ dán. Mỗi hôm, khi vàng mặt trời, những chiếc TU 154 cả ngày ẩn ở đâu được xe tải kéo ra đậu trước nhà đợi, khách lật đật lên rồi máy bay lao vút lên vòm trời xâm xẩm, trông lại thành phố đã sáng đèn. Ôta lẩn thẩn ra ruộng một lúc, không biết ngồi nôn hay đi vệ sinh. Chúng tôi phải ra dắt, chỉ là Ôta quanh quẩn ngoài bãi cỏ không nhớ lối vào. Ôta nằm trên cái ghế dài trong nhà đợi. Ôta ngủ luôn. Ai cũng lo, chốc nữa có lẽ phải cõng anh ra máy bay. Rắc rối quá, khi đó chưa có cái xe bậc lên xuống, mà chỉ có thang sắt ngoặp vào bụng tàu bay cho khách bíu bước lên. Nhưng, như là linh tính, tiếng động cơ máy bay nổ ngoài sân thì Ôta ngồi dậy. Một bà khách Pháp đương ngồi rũ ra, mắt nhắm, bây giờ cũng ngẩng mặt. Hành khách ra sân bay thời ấy, phụ nữ cũng uống rượu- tôi đã trông thấy các bà đầm Rumani mặt đỏ tưng bừng. Máy bay Mỹ sắp ném bom sân bay, cả lên trên trời kia cũng có thể gặp nó, cái rượu cũng làm cho ta lẫn lộn nhãng đi đôi chút. Một người Tây, một người Nhật loạng choạng bước ra. Anh lái xe và tôi xốc vai Ôta, đủn Ôta bám vào thang sắt, Ôta như bò lên, những cô chiêu đãi viên người Nga ra kéo vào khoang từng vị khách. Trời vừa chạng vạng tối. Lần này, gặp Ôta ở Đacgiơlinh, Ôta tiều tụy hẳn. Vẻ người nhầu nát vì rượu, thân hình to lớn mà hốc hác nhợt nhạt. Được mấy hôm, rồi cả ba nhà văn Nhật về Canquitta trước. Không biết họ có việc phải về hay bởi Ôta yếu không chịu được cái lạnh núi cao. ở Đacgiơlinh, ô tô hai mươi cây số trên núi trong rừng ra mới gặp sân bay. Tôi đi tiễn Ôta tận nơi. Ôta quàng vào vai tôi cái đài Natiônan nhỏ hơn bàn tay và khổng nói gì. Đến lúc ra máy bay, Ôta nước mắt đẫm trên má ôm tôi rồi giơ tay: Hà Nội! Hà Nội! Từ bấy tới nay không gặp lại. Chẳng biết có còn sống không. Chỉ có Điôp vẫn như thường, răng trắng nhởn nhơ. Điôp không rượu, chỉ ăn khoẻ. Ngày nào cũng đi chùa. Điôp bảo ở Sênêgan không có chùa, hỏi ở Việt Nam có chùa, phải không? Người Tây Tạng chạy sang Đacgiơlinh đã nhiều năm, họ ở trong chùa đông đúc. Đacgiơlinh giáp giới Tây Tạng với Nêpan và ở sườn núi. Điôp lạ mắt, cái gì cũng muốn biết. Có hôm, Điôp bảo tôi: “Chúng ta nên leo một chuyến lên Hymalaya, xem trên ấy có gì mà người ta thích lên chết ở trên ấy". Điôp vào những ngõ hẻm có người Xecba trú ngụ. Người Xecba bé nhỏ, nhanh thoăn thoắt, chuyên đi vác đồ đạc và dẫn đường cho khách du lịch và người leo núi Hymalaya. Điôp thường chỉ quen bốn phía sa mạc phẳng đến chân trời, thấy những khác thường ngày thì háo hức. Tôi đã thuộc tính Điôp, nhiều cái lạ không trả lời được. Điôp hỏi: - Những người Sênêgan về bảo bên Đông Dương nhiều nước lắm, phải không? - Nhiều lắm, nước suối, nước sông, nước giếng, nước mưa... - Trời ơi, ở Đacca, cả năm chưa chắc đã được trận mưa. Khi có mưa, cả châu Phi chạy ra nhảy múa trong mưa. - Huế, Đà Lạt biết chứ? - Biết trên bản đồ. - Những nơi này có khi mưa cả tháng, mấy tháng. - Ôi chao, tôi có thể đến Huế, đến Đà Lạt được không? - Được chứ, Eptuchenkô vừa đến Hà Nội. Bây giờ đương ở Cu Ba hay ở Mỹ đấy. - Thằng ăn mày Điôp ví sao được với Eptuchenkô!ở Đacgiơlinh đi, nhớ Điôp, một nhà văn chưa có tác phẩm mà tôi gần gũi nhiều trong các chuyến đi, con người như một pho tượng hồn nhiên và đau khổ. Cái gì, ở đâu cũng khác Sênêgan. Điôp là người như thế nào? Không biết anh thế nào, nhưng tôi tưởng như tôi có thể biết. Một tiểu trí thức, tầng lớp gần dưới đáy đông đảo nhất châu Phi. Anh không muốn ra đồng kéo cày với con ngựa, nhưng anh là ai đứng đây thì anh cững không tự biết, hay là biết mà như không. Người có đôi chút chữ nghĩa như anh thì đi lính dễ có cơ hội đổi thay nhất, sẽ lả tướng tá, là tổng thống lúc nào không biết chừng. Nhưng anh ghét vào lính và anh buồn nỗi thấy ở đâu cũng hơn Sênêgan. ở Sênêgan không có hội nhà văn, anh cũng chưa biết anh sẽ là nhà thơ, nhà viết kịch hay nhà gì, bốn mươi hai tuổi rồi mà tất cả còn ở trước mặt. Anh ra nước ngoài bởi được mời, mỗi lần về có khi vui hơn, có khi buồn hơn, lo hơn và lại ngày ngày bước vào cái lớp tiểu học chữ Pháp của anh. Tôi đi Cu Ba dự hội nghị phong trào đoàn kết á Phi Mỹ la tinh. Vẫn như chuyến trước đã đến Cu Ba, ở Matxcơva sang Buđapet xuống Tuyni rồi Sênêgan, bỏ châu âu lại đằng sau lưng, chỉ thấy xanh thẫm. Angiê, Tuyni bên biển, thành phố trắng nhạt trong bóng tường đá và vòm lá chà là. Xa xa, những đồn điền bậc thang trên đồi ô liu. Như vẫn ở khách sạn En Riadh, tiếng sòng ỳ oàm vào những hang hốc cửa sổ suốt đêm. Đến Sênêgan, máy bay đỗ lâu hơn một tiếng ở Đacca trước khi bay dài trong một đêm khác thường qua Đại Tây dương. ở Matxcơva tôi đã gửi điện cho Điôp ra đón gặp một chút chơi. Sân bay trong ánh điện, những cây chà là, chùm hoa chín vàng xuộm, chà là họ nhà hoa cau, hoa dừa. Ngoài trời tối đen, tiếng sóng rào rào như mép biển ngay kia. Điôp ra sân bay với vợ và một con nhỏ. Tôi hỏi vợ làm gì. Điôp nói vợ ở nhà. Tôi hình dung những người đàn bà đội những cành bạch đàn khô, tay dắt con cừu chiều đi ngoài rừng vào trong phố. Lúc này Điôp giống người chăn cừu về, đương vui, sắp lăn ra múa như lên cơn. Tôi tặng Điôp một chiếc đĩa Bát Tràng treo, trong lòng đĩa vẽ in chú bé cưỡi trâu, tóc để trái đào. Nhưng Điôp thích nhất, hớn hở nhất tôi đem đã cho Điôp một số báo Văn Nghệ đã dịch in một bài thơ của Mamađu Triôp Điôp. Điôp lật đi lật lại trang báo rồi đưa lên môi hôn... chữ Mamađu... Điôp... và kêu lên: Tên tôi... Tên tôi... Mamađou... Điôp... chữ Việt Nam, chữ Việt Nam, tôi đọc được ngay... chữ Việt... Hà Nội... Điôp bảo vợ: - Tôi sẽ đi Việt Nam. Con tôi sẽ cưỡi con trâu như thằng bé này. Vợ Điôp bảo tôi: - Điôp đã kể nhiều lần, ở Hà Nội đã in thơ của anh ấy, rồi sẽ in kịch, diễn kịch nữa. Điôp có tiền bản quyền, sang sống ở Việt Nam. Điôp đi ngay chuyến này với anh, có được không? Ba chúng tôi cùng cười. Chỉ có chú bé ngơ ngẩn nhìn ánh đèn ngoải xa lóng lánh. Chốc mà đã ra mười mấy năm rồi.