PHẦN BA
Phần 3 - 5

Minh về Việt Nam lần thứ hai mang theo một số tiền lớn để xây dựng một nhà máy chế biến thủy sản. Nhà máy đặt tại Rạch Giá. Mọi thủ tục do ông bạn già ở dưới ấy lo. Ông Phát đứng tên giám đốc. Minh muốn nhờ Thư phụ giúp.
- Em quản lý giùm anh vấn đề tiền bạc, sổ sách. Ngay khi mọi thủ tục xong, anh sẽ cho nhập thiết bị về và xúc tiến sản xuất liền.
- Em muốn rõ ràng chuyện này.
- O.K. Nhà máy không có phó giám đốc, em kế toán trưởng có quyền thay mặt giám đốc giải quyết công việc khi ba đi vắng. Lương khởi điểm ba trăm đô một tháng. Công vụ tính riêng. Tư vụ về thăm mẹ mỗi tháng có trợ cấp đặc biệt.
- Khoản sau em không nhận.
- Cho anh làm nghĩa vụ với mẹ.
- Anh chưa có nghĩa vụ ấy.
Cho dù không có yếu tố Việt kiều trong việc đầu tư xây dựng nhà máy này, nhưng cũng phải mất một năm mới xong phần thủ tục. Khi bắt đầu thi công, Minh thường xuyên về hơn. Mỗi lần đi Rạch Giá, Minh đều đưa Thư đi cùng. Mọi người nhìn Thư như con dâu ông Phát.
Chỉ khi thực sự bắt tay vào việc, Thư mới đánh giá được hết mọi khó khăn. Thư nghĩ nếu không có hai ông già thì cho dù tiền Minh bỏ ra bao nhiêu cũng sẽ thất bại, có một thứ nguyên tắc trong quan hệ làm ăn vừa có đạo lý vừa phi nghĩa gọi là làm luật. Những thứ linh tinh ấy Thư tính ra hết một phần tư vốn xây dựng cơ bản.
Ông già Rạch Giá cực kỳ ngạc nhiên khi Minh yêu cầu chỉ thu mua những con tôm thứ phẩm, loại không thể xuất khẩu được với giá rẻ mạt. Tất cả được ướp đông đi đường vòng thông qua một công ty Singapore để vào Mỹ. Những con tôm này biến thành chả giò mang thương hiệu Việt Nam có mặt trên hệ thống siêu thị toàn liên bang. Một thứ fast food làm ghen tị tất cả dân châu Á. Đây chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch làm ăn của Minh và ông Phát. Ước mơ của họ là lập một đội tàu biển đánh bắt xa bờ dưới sự điều động của ông già Rạch Giá mà Minh vẫn gọi thân mật là bác Năm.
Minh nói:
- Cái khó khăn không phải là nguồn vốn mà ở sự nghi kỵ.
Thư hỏi:
- Nó là cảm giác à?
- Không. Nó bàng bạc khắp nơi. Anh vẫn ngửi thấy nó trong không khí, ngoại trừ trong căn nhà của bác Năm. Ông ấy có một niềm tin khác.
Thêm một năm nữa kể từ khi nhà máy chế biến thủy sản hoạt động. Minh bàn chuyện mua tàu:
- Bác Năm đứng tên giùm con và điều hành luôn. Chúng ta ở đây có bốn thành viên. Lợi tức mỗi người một phần.
Thư cảm thấy mình bị ràng buộc như thành viên của một gia đình.
Trước khi tàu hạ thủy, ông Năm làm lễ cúng, tuy thế cũng chẳng ngăn được những dư luận không hay. Tất cả những thứ mà ông Năm cho là chuyện ruồi ấy, thực sự không làm ông quan tâm. Chuyện đời ganh tị là bình thường. Nhưng ông Năm không nghĩ được rằng, người ta đã mượn cớ ông mua tàu để qui kết ông có những ý đồ riêng nhằm xúc ông ra khỏi vị trí lãnh đạo đội tàu quốc doanh. Ông đã phạm một lỗi lầm sơ đẳng. Không cho ông làm thì ông nghỉ, ông luôn cảm thấy thanh thản vì sự trong sạch của mình. Khốn nỗi, trong sạch cũng là một khiếm khuyết của cuộc sống. Người ta không muốn ông trở thành kẻ cản trở. Và người ta cho ông biến đi bằng một cú sát thủ hiểm độc nhất. Ông bị điều tra như một kẻ phản bội với những câu hỏi bí hiểm: “ Ông có liên lạc với tàu nước ngoài không?”. “Thực chất mối quan hệ của ông với tên Minh?”.
Người ta quên ông đã từng chở súng đạn trên biển Đông bằng những con thuyền hai đáy đi cứu nước. Bị xúc phạm, ông tức uất hộc máu chết ngay trên bàn người xét hỏi ông. Nguyên nhân cái chết được giữ bí mật. Ông Phát chỉ cảm thấy có điều gì oan trái trong cái chết của ông Năm và ông ta biết rằng điều khôn ngoan nhất là bỏ của chạy lấy người. Ông viết thư cho Minh nói thôi đừng về nữa.
Ngày đưa xác ông Năm ra nghĩa địa, ông Phát đã khóc. Ông cảm thấy mình có phần can dự vào cái chết này. Tình cảm và lòng tốt là những thứ xa xỉ. Ông tự dằn vặt mình về một sai phạm có tính nguyên tắc trong lẽ sống ở đời. Ông trở nên đăm chiêu và muốn buông thả mọi sự.
Cô bán lưới trong Chợ Lớn được Thư thông báo về cái chết của ông Năm đã theo Thư xuống Rạch Giá thăm mộ ông. Nghĩa tử là nghĩa tận, nước mắt của hai cô gái tưới xuống mộ ông làm cho xác của ông tan ra chảy vào mạch nước ngầm luân lưu trong lòng đất.