Nguyên Đào thấy thái độ của Tiểu Thanh như vậy lại tưởng mình đã đoán trúng, liền cau mày lại hỏi tiếp:- Nhiếp huynh đã không thể đi cùng với tiểu đệ ngay, vậy tối hôm nay chúng ta chia tay đến bao giờ mới gặp lại nhau được?Tiểu Thanh vừa cười vừa đáp:- Điều này tùy ở như Diệp huynh, huynh định bao giờ và ở đâu dụ Thế Ngoại bát hùng đến thì Tiểu Tính tôi sẽ có mặt ở đó ngay.Nguyên Đào quay lại hỏi Thiếu Hoa:- Thân Đồ nhị thúc, địa điểm và thời gian nên quyết định như thế nào mới thích hợp?Thiếu Hoa liền cau mày lại nghĩ ngợi, Tiểu Thanh lại sực nghĩ ra được một kế, mỉm cười hỏi:- Thân Đồ lão tiền bối khỏi cần phải nghĩ ngợi nữa, cho phép tiểu bối xếp đặt nhé?Nguyên Đào gật đầu đáp:- Nhiếp huynh xếp đặt hộ đệ như vậy thật chu đáo lắm, vì chỉ có huynh mới biết được chuyến đi Vân Nam của huynh phải mất bao lâu ngày giờ. Thế còn địa điểm, chúng ta nên hẹn gặp lại nhau ở đâu thì tiện nhất?Vì không muốn để đối phương nghi ngờ, Tiểu Thanh mới không dám nói quả quyết ngay, nên nàng mỉm cười nói với hai người rằng:- Theo ý tiểu đệ thì ngày giờ nên định vào đầu năm mới và địa điểm thì không gì tốt bằng ở gần núi Kỳ Liên. Nhưng ngày giờ và địa điểm như vậy có tiện hay không thì phải xin Thân lão tiền bối với Diệp huynh quyết định cho thì hơn?Thiếu Hoa gật đầu đáp:- Kiến nghị ấy của Nhiếp lão đệ rất hay. Chúng ta nhất định đến tết Nguyên Tiêu sẽ gặp lại nhau trên Ngọc Trượng Phong của dãy núi Kỳ Liên nhé?Tất nhiên Nguyên Đào phải tán thành rồi, còn Tiểu Thanh thì mừng rỡ khôn tả. Vì nàng nhận thấy thời giờ định vào trước ngày tết thanh minh quần hiệp gặp quần hung ở trên Bạch Long Đôi như vậy, để cho Nguyên Đào kiếm Bát hung đấu trước, ít nhất bọn Bát hung cũng bị đánh bại một vài người. Như vậy quần hung sẽ bị giảm bớt nhuệ khí rất nhiều.Quyết định thời giờ và địa điểm gặp nhau xong, Nguyên Đào với Tiểu Thanh mới hỏi tuổi của nhau, nặn đất làm hương để kết bái làm anh em.Nguyên Đào lớn tuổi hơn làm anh, nhưng trong khi quỳ xuống vái lạy thề thốt, Tiểu Thanh cảm thấy trong lòng rất cảm khái.Do sự kết nghĩa ấy mà nàng nghĩ tới cuộc kết nghĩa kim lan của chủ nhân với Mộ Quang xưa kia. Bây giờ hai người đều đang đau khổ rầu rĩ biết bao còn lúc này nàng đang giả bộ kết nghĩa kim lan với Kim Đào, không biết sau này kết quả sẽ ra sao?Nguyên Đào thấy Tiểu Thanh trầm tư như vậy, liền cười và nói:- Chuyến đi Vân Nam này của hiền đệ chắc là quan trọng lắm, ngu huynh không dám giữ hiền đệ ở lại nữa. Đến tết Nguyên Tiêu chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Ngọc Trượng Phong ở trên núi Kỳ Liên nhé?Nói xong y chắp tay vái chào một lạy và quay người đi luôn, Tiểu Thanh đợi chờ y với Thiếu Hoa đi khỏi rồi, liền chôn cất di hài của Thần Quài xong đâu đấy nàng mới lên đường đi Vân Nam.Vừa đi Tiểu Thanh vừa nghĩ bụng:- “Sự đời nhiều khi rất ngẫu hợp, nếu không gặp Diệp Nguyên Đào thì ta làm sao biết được, ngoài Công Tôn Vi Ngã, lại còn có một người nữa mặt mũi giống hệt, võ công tương đương với y và tên là Công Tôn Độc Ngã như thế? Câu chuyện kì diệu nhất là hai người bị nước băng trôi đi, một bị giữ chặt ở trong rừng và một người thì bị sa lầy ở trong bãi đầy hồ ao lầy lội, nhất là hai nơi đều ở trong dãy núi Ai Lao cả”.- “Vì bị ngâm nước trong băng lâu quá, cả hai đều bị tê liệt như nhau, không sao đi lại được. Nhưng Công Tôn Độc Ngã đã có đệ tử truyền thụ võ công rồi, người đó lại là Diệp Nguyên Đào mà ta đã tình cờ gặp gỡ và còn kết nghĩa kim lan với nhau nữa. Y học hỏi vỏn vẹn có ba năm mà võ công đã luyện tới mức như vậy rồi. Còn sư phụ của y vì đã dồn hết công lực sang cho y nên đã kiệt lực mà chết”.- “Công Tôn Vi Ngã muốn thâu La Tinh Thạch làm đồ đệ, không ngờ Tinh Thạch lại bỗng dưng mất tích, nên ý niệm của y chưa tuyệt mà cho tới ngày nay y vẫn còn sống ở trong rừng rậm trên núi Ai Lao”.Nghĩ tới Công Tôn Vi Ngã tôi nghiệp như vậy, Tiểu Thanh vừa đi đường vừa mua sẵn trước những thức ăn, quần áo và đồ sung cần thiết để tặng cho sư phụ vị lai của mình.Khi vào tới khu rừng rậm của núi Ai Lao, vì khu rừng ấy quá rộng lớn nên Tiểu Thanh tìm mãi cũng không thấy chỗ Công Tôn Vi Ngã đang bị giam lỏng.Tuy vậy nàng vẫn không nản chí chút nào, hễ gặp rừng là vào tìm kiếm.Trong những khu rừng già chưa có ai khai khẩn như vậy, tất phải có rất nhiều độc trùng, quái xà kỳ cầm dị thú. Thậm chí cả ruồi muỗi trong những khu rừng già ấy cũng khác ruồi muỗi thường rất nhiều, không những to gấp mấy lần mà lại còn có nọc độc rất kỳ lạ.Vì cây cối quá rậm rạp nên khu rừng nào cũng thế, dù là ban ngày cũng tối om như chiều hôm, lại thêm những cây lá mục nát, xác chết của trùng hổ, chim chóc hòa thành những chướng khí rất khó ngửi. Thật là một bước đi là một bước hiểm nghèo, dù Tiểu Thanh là người có võ công thượng thừa như vậy cũng phải trải qua rất nhiều gian truân nguy hiểm và khổ sở không thể tưởng tưởng được.Đi hết khu rừng này tới khu rừng nọ, lúc ấy nàng đi tới một khu rừng thật lớn.Khu rừng này vừa to vừa rậm rạp hơn những khu rừng trước nhiều. Nàng đã được trông thấy rất nhiều loại trùng độc và thú dữ kì lạ chưa từng được trông thấy bao giờ nên bây giờ đi tới khu rừng lớn này, nàng đoán chắc bên trong thể nào cũng có cầm thú và trùng độc kì lạ hơn những khu rừng trước, chưa biết chừng còn gặp những quái vật rất hung ác mà nàng chưa hề được trông thấy là khác.Nàng vừa đi vừa nghĩ, đi được một quãng đường khá xa nàng mới nhận thấy mình đã ước đoán sai, vì nàng không hề gặp một con rắn, một con chim, một con thú thường, thậm chí một con trùng độc nào xuất hiện cả.Càng đi, Tiểu Thanh càng thắc mắc vô cùng, và nàng đã bắt đầu thấy khát, liền ngồi xuống một gốc cây lấy bình nước ra uống. Uống xong nàng mới bắt đầu để ý nhìn chung quanh. Nàng thấy ở chỗ nàng đang ngồi, cây cối không rậm rạp cho lắm, lá phủ trên mặt đất rất đầy và thỉnh thoảng có mùi mục nát và hôi hám xông lên rất khó ngửi. Chỗ bên trái, cách chừng bảy, tám thước có một thứ cỏ nhỏ màu đen cao chừng hơn một thước mọc lên rất rậm. Nàng liền nghĩ bụng:- “Ta đi vào trong các khu rừng chỉ thấy cây và các lá rụng phủ đầy xuống đất thôi chứ chưa hề thấy qua một ngọn cỏ nào cả, ngay cả những ngọn cỏ màu đen kì lạ này cũng không thấy một khu rừng nào có hết. Tại sao Công Tôn Vi Ngã ở trong hoàn cảnh này mà sống được mười bảy, mười tám năm như thế”?Lúc ấy đang giữa trưa, nàng bỗng nghe có tiếng vo vo. Nhờ nơi đó thưa thớt, ánh nắng có thể chiếu xuống được nên nàng mới có thể trông thấy rõ cảnh vật của khu rừng này.Tiểu Thanh bèn đứng dậy, đi tìm xem tiếng kêu vo vo đó là tiếng kêu gì.Nàng bỗng thấy trong bụi cây ở trước mặt có một con ong đen khổng lồ, to bằng nắm tay của người đang bay tới. Loại ong đen này ở những khu rừng khác cũng có, nàng đã từng gặp một hay hai lần rồi và suýt nữa bị đốt phải, sau nàng phải dùng Phích Không chân lực mới đánh chết được nên nàng biết loại ong này lợi hại lắm, không kém gì Ngũ Độc Tán Hoa Phong của Hách Liên Anh oai trấn giang hồ.Loại ong này rất hiếu chiến, tuy nàng chưa bị nó đốt bao giờ nhưng đã mục kích nó đốt một con rắn mào gà, chỉ trong nháy mắt con rắn đã chết ngay tại chỗ.Tiểu Thanh biết loại ong này lợi hại thế nào nên khi vừa thấy nó xuất hiện đã giới bị luôn.Quả nhiên con ong đen to bằng nắm tay vừa xuất hiện là định tâm đốt Tiểu Thanh thật nên nó vừa trông thấy nàng là nhắm hướng xông tới. Tiểu Thanh liền vận nội gia chân khí lên, nghênh tụ vào ngón tay giữa bên phải để chờ con ong bay tới là tấn công luôn.Không ngờ con ong chưa bay tới chỗ nàng thì đã có chuyện quái lạ xảy ra.Con ong bay tới cách Tiểu Thanh chừng bảy tám thước bỗng bị một hấp lực rất mạnh làm cho bay tréo sang một bên, rớt vào bụi cỏ đen nho nhỏ kì lạ.Căn cứ vào điều kì quái vừa xảy ra, Tiểu Thanh đoán chắc trong bụi cỏ đen nho nhỏ kia thế nào cũng có quái vật gì đó có sức hút rất mạnh. Và căn cứ kinh nghiệm mấy ngày xuyên qua rất nhiều khu rừng rậm, Tiểu Thanh còn đoán chắc quái vật núp trong kia thể nào cũng là mãng xà, thạch sùng khổng lồ hay độc long... Bất cứ quái vật gì đã có sức hút rất mạnh và khắc chế nổi ong đen như vậy thì phải lợi hại hơn ong đen nhiều và cũng khó đối phó lắm chứ không phải chơi.Tiểu Thanh đang còn đang đề phòng và phỏng đoán bỗng nghe tiếng nhai tóp tép trong bụi cỏ ấy. Trong khu rừng già chưa có ai khai khẩn này thì chỉ nghe tiếng hổ gầm, vượn hú, gió thổi chứ chưa bao giờ có tiếng nhai tóp tép như vậy cả.Nghe thấy tiếng kêu ấy, Tiểu Thanh lại càng chắc rằng con ong đã bị quái vật nhai và nuốt chửng rồi. Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, Tiểu Thanh định kiếm cách dụ quái vật ấy xuất hiện để xem là con vật gì, hình dáng ra sao?Nàng đã quyết định như vậy liền đưa mắt nhìn chung quanh tìm lối rút lui trước, rồi mới ngầm tụ chân khí, nhắm bụi cỏ đen nho nhỏ ấy tấn công luôn một chưởng. Tuy cách xa bảy, tám thước nhưng nàng tin rằng chưởng lực của mình cũng đủ đánh bật bụi cỏ lên và quái vật sẽ phải xuất hiện.Ngờ đâu chưởng lực của nàng tấn công trúng đích rồi mà bụi cỏ đen ấy vẫn không nhúc nhích chút nào. Nàng rất kinh ngạc, lại tấn công thêm một chưởng nữa, chưởng này không những phát xuất với mười hai thành công lực mà còn là thức “Thiên Sơn lạc mộc” (cây rụng trên núi Thiên Sơn) trong Cuồng Phong cửu thức, một môn tuyệt học của Vô Danh thần ni năm xưa đã oai trấn võ lâm, oai lực mạnh không thể tưởng tượng được. Khi ở Tung Sơn, Tiểu Thanh đã sử một lần và cả Hách Liên Anh lẫn Âm Tố Mai đều phải kiêng nể. Nàng đã giở thế võ ấy ra thì đừng nói là bụi cỏ mà dù là một bụi dây gang cũng phải đứt ra từng khúc một.Ngờ đâu bụi cỏ ấy vẫn đứng yên không hề suy suyển chút nào, nàng hoảng sợ vô cùng, vì dù bụi cỏ đen là dị vật hãn thế có thể kháng cự nổi cương phong chân lực nhưng còn những lá rụng ở quanh đó, tại sao cũng không có một cái nào bay lên hết? Tuy hoảng sợ nhưng Tiểu Thanh vẫn định đánh liều tiến tới gần để xem bụi cỏ đó là vật gì?Nàng chưa kịp bước chân tới thì bỗng có sự việc quái dị khác xảy ra tiếp, bụi cỏ đen đó bỗng dâng lên trên cao hơn năm, sáu trượng. Thì ra đó không phải là cây cỏ chi hết, mà là đầu tóc với bộ râu bùi rối của một người nằm trong đống lá rụng.Bây giờ người ấy bỗng ngồi dậy thì tất nhiên râu và tóc cũng phải dâng lên cao theo.Mặt mũi của người đó bị râu tóc che lấy nên không sao trông rõ, chỉ thấy hai gò má cao, lẹp kép có da không có thịt, hai mắt lõm vào. Bộ râu của người đó dài hơn hai thước, tóc tất nhiên phải dài gấp ba gấp bốn, nhưng dù là râu hay tóc cũng đều đen nhánh, không có một chút điểm hoa râm nào cả. Người ấy ngồi dậy rồi, nửa thân dưới vẫn chôn ở trong đống lá rụng.Chỉ trông thấy hình dáng kì cục của người đó, Tiểu Thanh cũng đoán biết đó hẳn phải là Trường Tiếu Thiên Vương Hạn Địa Vô Hoàn Quỷ Kiến Sầu Thiên Âm Thần Ma Công Tôn Vi Ngã nên nàng vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ. Nhưng nàng phải làm thế nào để đối phương không biết mình đặc biệt đến tìm kiếm vì vậy nàng giả bộ kinh ngạc thất thanh hỏi:- Lão bá bá, có phải con ong đen vừa rồi bị lão bá bá nuốt mất phải không?Tiểu Thanh đã định tâm tìm kiếm và đoán biết Công Tôn Vi Ngã một mình ở trong rừng rậm này mười mấy năm như thế trong lòng hẳn sinh buồn bực, nhất là vấn đề trường kì cô độc sẽ gây thiếu thốn hẳn nhân tình hòa thiện nên vừa mở mồm nàng đã gọi đối phương là lão bá bá, một tiếng kêu gọi rất thân thiện, và cũng được những người lớn tuổi ưa thích nhất.Quả nhiên ba chữ “lão bá bá” đã làm Công Tôn Vi Ngã phải lộ nụ cười đã bao năm nay chưa hề có, rồi gật đầu đáp:- Con ong ấy là Ô Vương Phong, ăn ngon lắm.Tiểu Thanh kêu ối chà một tiếng, cau mày lại đỡ lời:- Lão bá bá ăn nó rồi ư, theo cháu biết thì loại ong đấy độc lắm.Công Tôn Vi Ngã lắc đầu, vừa cười vừa đáp:- Lão phu đã ăn quen những độc vật đó rồi, nên càng độc bao nhiêu càng ăn ngon bấy nhiêu.Tiểu Thanh tiến tới gần, mỉm cười hỏi:- Có phải lão bá bá cũng giống như cháu, lên đây du ngoạn sơn thủy đấy không? Sao râu và tóc của lão bá bá lại dày và rậm như vậy? Nằm ngủ trong đám lá rụng này rất dễ trúng phải chướng khí lắm đấy.Công Tôn Vi Ngã trợn tròn xoe đôi mắt, tia ra hai luồng ánh sang chói lọi, ngắm nhìn Tiểu Thanh từ đầu đến chân rồi mỉm cười đáp:- Lão phu không phải du sơn ngoạn thủy đâu, mà đã ở trong khu rừng rậm này, cứ ngồi yên không cử động như vậy đã mười tám năm nay rồi.Tiểu Thanh kêu ồ một tiếng và nói tiếp:- Thảo nào râu tóc của lão bá lại dài và bù rối như thế... Thì ra lão bá đã ở đây mười tám năm trời...Nói tới đây, nàng cố ý nhìn xuống nửa dưới vùi trong đống lá rụng của Công Tôn Vi Ngã mà cau mày lại hỏi tiếp:- Có phải hai chân của lão bá bị cụt đấy không? Hay là bị phong thấp? bằng không sao lại ở trong khu rừng rậm này lâu như vậy? Khi đói lão bá ăn gì? Và khi khát lão bá uống gì?Mười tám năm trời Công Tôn Vi Ngã chỉ gặp có một người là Ngải Thiên Trạch nhưng chưa có ai quan tâm hỏi han như vậy nên khi nghe Tiểu Thanh hỏi mấy câu như thế, trong lòng y cảm thấy rầu rĩ khôn tả và hai hàng lệ ứa ra khóe mắt.Tiểu Thanh kêu ủa một tiếng, lại hỏi:- Tại sao lão bá lại khóc như thế?Giơ chiếc tay phải gầy gò không khác gì chân chim lên, Công Tôn Vi Ngã gạt hai hàng lệ rồi gượng cười hỏi Tiểu Thanh:- Chú em này tên họ là gì thế?Vì không cần giấu diếm, lại muốn Công Tôn Vi Ngã khỏi nghi ngờ, Tiểu Thanh lắc đầu đáp ngay:- Lão bá đừng gọi cháu là chú em, chính cháu là một cô bé đấy. Cháu họ Nhiếp, tên Tiểu Thanh, vì muốn tiện đi lại giang hồ nên cháu mới phải cải nam trang thế này.Công Tôn Vi Ngã thấy nàng tự nhận là phận gái, lại ngắm nhìn nàng một hồi, rồi thở dài nói:- Nhiếp cô nương, hạ bàn của lão phu là bị phong thấp nên mới bị giam hãm trong khu rừng này lâu như thế, còn nói đến vấn đề đói khát...Y vừa nói tới đó, Tiểu Thanh bỗng nhún chân một cái nhảy về phía sau luôn.Công Tôn Vi Ngã cuống cả lên, vội kêu gọi:- Nhiếp cô nương đừng có đi vội, ở đây nói chuyện với lão nửa ngày rồi hãy đi sau.Thì ra Tiểu Thanh nhảy lại chỗ gốc cây nàng vừa ngồi lấy cái túi da của minh, rồi từ từ đi đến bên cạnh Công Tôn Vi Ngã vừa cười vừa nói:- Lão bá bá, cháu chưa đi đâu. Cháu thấy lão bá khổ sở một cách quá tội nghiệp như vậy nên mới đi lấy thức ăn thức uống cho lão bá đấy chứ.Công Tôn Vi Ngã bỗng trợn tròn xoe đôi mắt, đôi ngươi tia ra hai luồng ánh sang xanh nhìn thẳng vào mặt Tiểu Thanh quát hỏi:- Nhiếp Tiểu Thanh... ngươi... bảo ta... tội nghiệp ư?Bộ dạng giận dữ của Công Tôn Vi Ngã quả thật khủng khiếp nhưng Tiểu Thanh đã dự liệu từ trước nên rất ung dung gật đầu đáp:- Phải, lão bá tội nghiệp lắm! Tại sao cháu không dám nói chứ? Lão bá trông người chẳng ra người, ma chẳng ra ma, một thân một mình bị bệnh nên bị giam giữ trong khu rừng rậm này. Muốn ăn uống không có rượu, cơm nước, muốn nói chuyện không có thân bằng, cố hữu... Thậm chí cả rắn rết chim chóc cũng sợ bị bá bá nuốt chửng mà không dám lại gần, một thân một mình cô đơn buồn bực. Cháu không hiểu tại sao lão bá có thể sống những mười tám năm như thế. Lão bá mà không tội nghiệp thì thử hỏi trên thế gian này còn có ai tội nghiệp hơn nữa không?Bộ mặt đang giận dữ từ từ dịu lại khi nghe Tiểu Thanh nói như thế. Chờ nàng nói xong, Công Tôn Vi Ngã đã lộ vẻ rầu rĩ và trông thật tội nghiệp, rồi khẽ thở dài một tiếng, lại ứa hai hàng lệ ra ngay.Tiểu Thanh mở túi da lấy một hồ lô rượu ra đưa cho Công Tôn Vi Ngã vừa cười vừa khuyên rằng:- Lão bá bá đừng có khóc nữa, cháu biếu lão bá bá một hồ lô rượu ngon để lão bá bá uống.Nghe tới đó Công Tôn Vi Ngã vội gạt lệ ngay, hai mắt liền nhìn thẳng vào hồ lô rượu trên tay của Tiểu Thanh, hình như có vẻ không tin, với giọng run run hỏi:- Nhiếp cô nương... tôi đối xử với cô nương hung dữ như thế... sao cô nương... sao cô nương còn cho tôi uống rượu như vậy?Tiểu Thanh mỉm cười đáp:- Cháu biết lão bá đã lâu năm không được uống rượu, thế nào cũng thèm rượu lắm. Rượu này là Mao Đài Tửu ở Quý Châu, ngon lắm đấy.Nói xong nàng đưa hồ lô rượu cho Công Tôn Vi Ngã.Hai tay run lẩy bẩy đỡ lấy hồ lô rượu, Công Tôn Vi Ngã vừa mở nút, vừa nhìn Tiểu Thanh lộ vẻ rất cám ơn, giọng run run đáp:- Nhiếp cô nương tử tế quá... lão phu... lão phu phải làm thế nào để báo ơn cô nương mới được.Tiểu Thanh cười đỡ lời:- Lão bá bá cứ thủng thẳng uống, trong túi da của cháu còn hai hồ lô to, một đựng rượu Mao Đài, một đựng rượu Đại Khúc, còn nhiều những thịt quay gà sấy, các thứ rau muối... cam đoan ngon lành hơn con ong hồi nãy nhiều.Công Tôn Vi Ngã vừa nghe đã thèm nhỏ dãi rồi, uống luôn mấy hớp rượu rồi van lơn Tiểu Thanh:- Nhiếp cô nương có nhiều thức ăn ngon như thế thì mau đem ra cho lão phu ăn với.Tiểu Thanh mỉm cười:- Lão bá bá chớ nên ăn quá no như thế, mười mấy năm trời không ăn những thức ăn nấu nướng, nay nhất đán ăn nhiều quá thì thế nào dạ dày cũng bị đau. Cho nên cháu sẽ đưa từng thứ một cho lão bá bá ăn dần.Nàng vừa nói vừa móc trong túi ra một cái hũ đựng rau muối với một cái lược sừng cán dài.Công Tôn Vi Ngã đã lâu năm chưa được ăn đồ nhậu nên vừa thấy rau muối đã bốc một nắm bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Vừa ăn y vừa nhìn cái lược trong tay Tiểu Thanh, ngạc nhiên hỏi:- Nhiếp cô nương lấy cái lược ra chi vậy? chẳng lẽ định cho lão phu ăn cái đó?Thấy vị kì nhân cái thế này tham ăn tham uống một cách tội nghiệp, Tiểu Thanh vừa mỉm cười vừa đáp:- Vì thấy râu và tóc của lão bá bù rối quá, nên cháu mới lấy lược chải chuốt cho lão bá đấy.Uống một hớp rượu thật lớn, Công Tôn Vi Ngã mừng rỡ đến chảy nước mắt, thở dài và lắc đầu nói tiếp:- Thật không ngờ lão phu lại có phước thế này. Ở trong rừng rậm của núi Ai Lao lại được một cô nương hảo tâm mời lão phu ăn ngon, uống rượu mà còn chải tóc cho lão quái vật trông như yêu ma này nữa.Rất cẩn thận đi từ từ đến gần chải tóc cho Công Tôn Vi Ngã, Tiểu Thanh mỉm cười nói tiếp:- Lão bá bá, rau muối này ngon thật nhưng nó mặn lắm, không nên ăn quá nhiều. Để cháu vừa chải tóc cho lão bá vừa kể chuyện cho lão bá nghe.Công Tôn Vi Ngã bỗng lẩm bẩm tự nói:- Lạ thật, lạ thật!Tiểu Thanh vội hỏi:- Cái gì mà lão bá kêu lạ như vậy?Công Tôn Vi Ngã đáp:- Ở trong rừng già mấy chục năm nay không ai lui tới, sao cô nương trông thấy lão phu nửa yêu nửa quỷ này mà không ngạc nhiên chút nào nhỉ? Cho tới giờ vẫn không thèm hỏi họ tên và lai lịch của lão phu.Tiểu Thanh vừa cười vừa đáp:- Ở trong hoàn cảnh này mà lão bá có thể sống được mười tám năm không chết thì tất nhiên phải là tuyệt thế kì nhân. Cháu biết những vị kì nhân như lão bá phần nhiều hay giữ bí mật thân phận và lai lịch của mình. Cũng như Bạch Cư Dị nói “Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”. Lão bá bá họ Trương, họ Lý, hay họ Gia Cát cũng có liên quan gì đến cháu đâu. Cháu ở đây cùng lắm cũng chỉ một hai hôm tiếp chuyện với lão bá rồi phải lên đường đi ngay, người Đông kẻ Tây biết thêm được một chút bí mật của võ lâm thì sau này lại càng mang thêm phiền não trong giang hồ. Cho nên cháu không hỏi lai lịch của lão bá bá mà chỉ gọi lão bá bá thôi là nguyên do như thế. Mà gọi như vậy thì lại càng thân mật hơn có phải không?Công Tôn Vi Ngã nghe đến đó bỗng kêu ối chà một tiếng rồi vội hỏi:- Nhiếp cô nương chỉ ở lại đây một hai ngày là vội đi ngay ư?Tiểu Thanh mỉm cười đáp:- Cháu không có lý do gì ở lại đây lâu được, trừ phi cháu có thể chữa khỏi bệnh tệ liệt của lão bá bá. Tuy Tiểu Thanh thông thạo cả văn lẫn võ, nhưng riêng có nghề y thì nàng chưa học hỏi bao giờ.Công Tôn Vi Ngã hớn hở cười nói tiếp:- Nhiếp cô nương, tuy cô nương không thông thạo y lý, không chữa được bệnh tê liệt của lão phu, nhưng vẫn có thể chữa khỏi được tâm bệnh còn quan trọng hơn bệnh tê liệt của lão phu nhiều.Tiểu Thanh biết kế muốn bắt cố ý thả của mình đã có công hiệu, đối phương đang mắc lỡm và ăn câu của mình dần nhưng nàng vẫn làm bộ ra vẻ kinh ngạc hỏi tiếp:- Lão bá bá còn có tâm bệnh nữa hay sao?Công Tôn Vi Ngã gật đầu, thở dài đáp:- Tâm bệnh của lão phu nặng lắm.Tiểu Thanh nũng nịu cười và vội đỡ lời:- Lão bá bá hãy khoan kể cho cháu nghe tâm bệnh ấy, để cháu hãy chữa bệnh thèm ăn thèm uống của lão bá bá trước.Nói xong nàng cài cái lược vào tóc của Công Tôn Vi Ngã và quay trở lại chỗ túi da, lấy một hồ lô rượu Đại Khúc của Lư Châu với nửa con gà quay.Mười tám năm nay, Công Tôn Vi Ngã không nhịn đói thì phải đợi chờ rắn rết cầm thú chạy qua bắt lấy ăn cả lông lẫn máu, ăn sống nuốt tươi để cho đỡ đói khát, nên bây giờ y trông thấy Tiểu Thanh cầm nửa con gà quay đã thèm rỏ dãi và hai mắt cứ nhìn chòng chọc vào con gà ấy.Tiểu Thanh xé một miếng lườn gà đưa vào mồm Công Tôn Vi Ngã, tủm tỉm cười nói:- Lão bá bá thử nếm xem gà quay này có ngon không? Gà này là cháu nhờ người ta quay hộ, trước khi quay phải treo gà lên phơi gió cho thật khô, không còn một tí nước nào trong thịt gà rồi mới bỏ vào chảo quay. Vì vậy không những ăn rất ngon miệng mà còn để được dăm bữa nửa tháng không bị hư nữa.Ăn xong miếng lườn gà, Công Tôn Vi Ngã khen ngon luôn miệng, và không một chút khách sáo nào y giằng lấy con gà trên tay Tiểu Thanh ăn lấy ăn để, cả xương cũng ăn nốt, thật là sạch sành sanh, không để lại một tí gì.Tiểu Thanh lắc đầu, không sao nhịn được bật cười nói:- Lão bá bá ăn uống kiểu này trông khó coi quá. Ai lại ăn hết nửa con gà mà cả xương của nó cũng ăn hết sạch như vậy.Công Tôn Vi Ngã xoa bụng mấy cái cười ha hả đáp:- Đừng nói nửa con gà, bây giờ cô nương có bắt một con trăn đến đây lão phu cũng có thể ăn hết sạch, cả xương lẫn da của nó cũng không còn sót lại một tí nào hết.Tiểu Thanh cau mày lại nói tiếp:- Lão bá bá, trước kia là vì bất đắc dĩ chứ bây giờ đã có rượu uống, có thức ăn để ăn rồi, thì ăn làm sao được những loài rắn rết trông thấy cũng phải buồn nôn như thế chứ.Công Tôn Vi Ngã thở dài một tiếng, ứa nước mắt ra nhìn Tiểu Thanh một hồi rồi lắc đầu đáp:- Nhiếp cô nương, ở trong rừng rậm này tuy bây giờ lão phu có rượu uống, có thức ăn để ăn thật, nhưng khi cô nương đi khỏi, lão phu vẫn phải ăn những loài côn trùng rắn rết ấy, bằng không lấy cái gì để mà nuôi sống?Tiểu Thanh cau mày lại u oán nói tiếp:- Hình như cháu rất hợp duyên với lão bá thì phải, nên cháu không nỡ lòng nào bỏ đi ngay.Công Tôn Vi Ngã nghe nói cả mừng vội đỡ lời:- Có thực cô nương không khinh khi, không ghét bỏ lão phu đấy không? Lão phu đã sớm biết cô nương thế nào cũng có thể chữa khỏi được tâm bệnh của lão phu mà.Tiểu Thanh gật đầu nói tiếp:- Bây giờ cháu hỏi lão bá bá có tâm bệnh gì thế?Công Tôn Vi Ngã thở dài đáp:- Người chết phải để lại danh, cọp chết thì để lại da. Võ học của lão phu có thể nói là vô địch thiên hạ, chẳng lẽ lại để cho nó chết theo mình hay sao? Ít nhất cũng phải để lại một chút dấu vết gì chứ?Thấy đối phương đã nói vào chính đề câu chuyện mà mình muốn rồi, nhưng Tiểu Thanh vẫn phải thi hành tiếp kế “Muốn bắt phải cố ý thả trước” nên nàng làm như không coi đó là chuyện quan trọng, liền cười khì và đáp:- Lão bá bá nói rất đúng, võ công của lão bá bá cao siêu lắm.Công Tôn Vi Ngã vừa cười vừa hỏi lại:- Sao cô nương lại biết công phu của lão phu cao siêu?Tiểu Thanh vừa dung tay chải tóc vừa nũng nịu cười đáp:- Lão bá bá có thể nuốt sống con Ô Vương Phong độc như thế, đủ thấy nội công “Ngũ Hành công lực” đã luyện tới trên mười hai thành rồi.Công Tôn Vi Ngã vừa cười vừa định nói thì Tiểu Thanh đã nói tiếp:- Nhất là vừa rồi hai lần cháu ra chưởng tấn công nhưng chẳng những không đánh rụng được một sợi râu của lão bá bá mà cả những chiếc lá rụng xung quanh người lão bá bá cũng không việc gì. Đủ thấy lão bá bá đã luyện được thân pháp tới mức không sao hủy hoại được, và còn thần hóa đến cả những vật xung quanh mình nữa.Công Tôn Vi Ngã càng nghe càng yêu mến Tiểu Thanh, liền mỉm cười đỡ lời:- Nhiếp cô nương có đôi mắt sành lắm, vừa rồi hai thế chưởng của cô nương rất lợi hại, nhất là thế chưởng sau lại càng mạnh thêm, đủ thấy cô nương cũng có tương đương hỏa hầu rồi.Tiểu Thanh vừa cười vừa đáp:- Chút công lực tầm thường của cháu đối phó với những nhân vật tầm thường trong võ lâm thì còn có thể đối địch được một vài thế, chứ còn với lão bá bá thì thật không khác gì con đom đóm so với ngọn nến rất to.Công Tôn Vi Ngã liền ám thị cho Tiểu Thanh mà thở dài nói tiếp:- Nhiếp cô nương đã biết lão phu có công phu lợi hại vô địch như vậy thì tất nhiên phải biết không bao giờ lão phu lại để cho nó mai một đâu.Tiểu Thanh đảo ngược đôi ngươi một vòng, cười nũng nịu đỡ lời:- Cháu nhận thấy lão bá bá chẳng cần phải lo âu đến chuyện đó làm chi.Công Tôn Vi Ngã vội hỏi:- Nhiếp cô nương nói như thế có nghĩa là gì?Tiểu Thanh vừa cười vừa đáp:- Lão bá bá sống ở trong tình trạng khó khăn và buồn tẻ này mà còn được mười tám năm. Huống chi bây giờ cháu đã quen biết lão bá rồi, từ giờ trở đi cháu sẽ thường tới đây thăm lão bá bá và chuẩn bị đầy đủ thức ăn thức uống thì lão bá bá cũng sống thêm được ít nhất là ba mươi sáu năm nữa.Công Tôn Vi Ngã lắc đầu nói:- Nhiếp cô nương nói sai rồi!Tiểu Thanh vội hỏi lại:- Sao lão bá bá lại bảo là cháu nói sai?Công Tôn Vi Ngã gượng cười đáp:- Lão phu nhận thấy hình như là chỉ cần ở lại trong khu rừng này thế nào cũng bị chết chứ không sai.Tiểu Thanh không hiểu vội hỏi:- Sao lão bá bá lại nói như thế? Chỉ trừ nửa thân dưới bị phong thấp không thể cử động được thôi, còn nửa người lão bá bá vẫn ăn uống nói năng được như thường thì có khi nào lại chết sớm như thế?Rầu rĩ thở dài Công Tôn Vi Ngã nói:- Nhiếp cô nương không biết đấy thôi, bây giờ lão phu đang sống trong hoàn cảnh nửa sống nửa chết, có lẽ chỉ có thể sống thêm nửa hay một năm nữa, và chưa biết chừng chỉ trong chốc lát sẽ tắt thở ngay. Nhiếp cô nương phải nên biết rằng hoàn cảnh của lão phu hiện đang sống ở đây bất cứ người nào cũng không chịu đựng nổi!Tiểu Thanh nghe Công Tôn Vi Ngã nói như vậy thì đúng như chủ nhân của mình đã đoán, sở dĩ ông ta sống được như thế là chỉ nhờ một nghị lực kì lạ chống chọi. Hễ nghị lực ấy tiêu tan thì vị kì nhân nhất thời rất tội nghiệp này sẽ bị chết khô héo như một ngọn đèn dầu cạn vậy.Công Tôn Vi Ngã thấy Tiểu Thanh không nói năng gì vội hỏi:- Sao Nhiếp cô nương lại không nói năng gì thế?Tiểu Thanh lên tiếng đáp:- Lão bá bá, nếu cháu có võ công như lão bá bá thì cháu không tin thắng không nổi con ma bệnh, và thể nào cũng nghĩ ra cách chữa khỏi căn bệnh phong thấp của mình.Công Tôn Vi Ngã gật đầu đỡ lời:- Lão phu cũng có ý nghĩ như cô nương, muốn dùng “Khảm Ly chân khí” để đả thông mạch đã làm cho nửa người dưới bị tê liệt bấy lâu nay.Tiểu Thanh liền lớn tiếng hỏi:- Lão bá bá đã có tài năng như vậy thì sao lại không làm như thế?Công Tôn Vi Ngã đáp:- Vì làm như vậy nếu may mắn chữa khỏi được thì lão phu có thể trông lại ánh mặt trời, tái xuất giang hồ, còn như thất bại là phải chết thảm ngay.Tiểu Thanh mỉm cười hỏi tiếp:- Lão bá bá sống như thế này thì còn thú vị gì, sao lão bá bá không thử một phen, chả lẽ lão bá bá còn sợ chết hay sao?Công Tôn Vi Ngã rầu rĩ, thở dài đáp:- Nhiếp cô nương, không phải lão phu sợ chết đâu. Chẳng qua lão phu không muốn đem tuyệt học của mình xuống dưới âm phủ cho nên muốn kiếm một người đồ đệ trước, rồi mới liều than đấu với bệnh ma một phen.Tiểu Thanh nói:- Tiếc thay địa thế của khu rừng rậm này bất lợi, ít có người lui tới. Chứ nếu là nơi linh sơn thắng cảnh khác thì đã có không biết bao nhiêu người muốn được làm môn đồ của lão bá bá rồi.Công Tôn Vi Ngã nói:- Cách đây không lâu có một người bạn cũ đi qua gặp lão phu và hứa sẽ giới thiệu cho một thiếu niên có căn bản rất tốt để làm đồ đệ của lão phu.Tiểu Thanh hỏi:- Thế sao bây giờ lão bá bá vẫn còn cô đơn một mình ở trong khu rừng rậm này, sống cô đơn lẻ loi khổ sở như vậy?Công Tôn Vi Ngã trả lời:- Lão phu cũng không hiểu vì sao cho đến giờ vẫn chưa thấy người bạn đó đem thiếu niên kia tới.Lúc đó Tiểu Thanh đã chải đầu cho Công Tôn Vi Ngã xong, và còn kết một búi tóc đạo sĩ nữa. Nàng thủng thẳng đỡ lời:- Nguyên nhân giản dị lắm, vì thiếu niên ấy vô phước.Công Tôn Vi Ngã nghe thấy nàng nói như thế thì rất kinh ngạc và mừng rỡ, vội lên tiếng hỏi:- Vẫn biết làm đồ đệ của lão phu thì có thể học hỏi được một số môn võ công tuyệt thế, nhưng phải trường kì ở trong khu rừng rậm này thì rất khổ sở, chưa chắc đã có mấy ai chịu nổi.Tiểu Thanh vừa cười vừa đỡ lời:- Cổ nhân đã dạy “có chịu được cái khổ trên cái khổ thì mới hòng trở nên người trên người”, và còn có câu “muốn học được tuyệt nghệ vô song thì phải chịu đựng đủ mùi cay đắng”. Cũng như một ngôi lầu bảy tầng, có phải là ông trời sinh ra đã có ngay đâu, đó là do người ta đã tốn công rất nhiều mới gây dựng lên được.Công Tôn Vi Ngã nghe Tiểu Thanh nói vậy liền nghiêm nét mặt lại hỏi:- Nhiếp cô nương có muốn làm người trên người, và có chịu đựng nổi cái khổ trong cái khổ không?Tiểu Thanh kêu ối chà một tiếng, nhìn Công Tôn Vi Ngã kinh ngạc và hỏi lại:- Sao bỗng dưng lão bá bá lại hỏi cháu như thế, chẳng lẽ lão bá bá muốn thâu cháu làm đồ đệ hay sao?Công Tôn Vi Ngã lộ vẻ rất thành khẩn, nhìn Tiểu Thanh gật đầu đáp:- Nhiếp cô nương đoán đúng đấy, không biết lão phu có phước đức đó không nữa.Tiểu Thanh nũng nịu hỏi tiếp:- Lão bá bá nói quá lời, sự thực là phải xem cháu có phước đức đó không mới phải. Sao lão bá bá lại nói trái ngược như thế?Công Tôn Vi Ngã thở dài đáp:- Nếu tâm nguyện ôm ấp mười tám năm nay mà được thực hiện thì đó chả là phước đức của lão phu sao? Nhiếp cô nương đừng có suy nghĩ gì nữa.Tiểu Thanh vừa cười vừa đỡ lời:- Việc này đối với cháu là một hồng phúc từ trên trời bay xuống, có khi nào cháu lại không dám tiếp nhận thịnh tình này của lão bá bá...Rất hớn hở, Công Tôn Vi Ngã vội xen lời hỏi:- Nhiếp cô nương đã nhận lời rồi phải không?Tiểu Thanh thủng thẳng đáp:- Cháu nhận thấy còn có hai vấn đề.Công Tôn Vi Ngã vội hỏi:- Vấn đề gì thế? Cô nương cứ nói ra để chúng ra nghiên cứu xem.Tiểu Thanh nói:- Vấn đề thứ nhất, lão bá bá là một vị kì nhân trên đời, phải có một người đồ đệ với căn cốt hơn người mới xứng...Không đợi Tiểu Thanh nói xong, Công Tôn Vi Ngã đã vội xua tay đỡ lời:- Điểm này không thành vấn đề, đừng nói là trong khu rừng rậm không có một bóng người nào lai vãng, mà ngay đến xưa kia lão xông pha trên giang hồ cũng chưa từng gặp một người nào lại có căn cốt tuyệt đẹp như cô nương vậy.Tiểu Thanh nói tiếp:- Điểm thứ hai, cháu không thể ở lại đây lâu được, chậm nhất là giữa tháng Giêng và tháng Hai sang năm thể nào cũng phải đi Ngọc Môn quan phó ước.Công Tôn Vi Ngã vừa cười vừa đáp:- Điều này cũng không thành vấn đề, lão phu sẽ có cách biến cô nương tốc thành tuyệt nghệ vào trước ngày đó để cô nương đi gặp gỡ người bạn khiến người đó phải kinh ngạc không thể tưởng tượng được.Tiểu Thanh cười nũng nịu nói tiếp:- Cái gì lão bá bá cũng bảo không thành vấn đề, xem như vậy lão bá bá nhất định muốn thâu nhận cháu làm đồ đệ rồi phải không?Mặt lộ vẻ đắc chí, Công Tôn Vi Ngã mỉm cười đáp:- Lão phu ghét nhất những tục lệ thường, khỏi cần phải vái lạy chi hết. Từ nay trở đi lão phu gọi cô nương là Thanh nhi, và cô nương gọi lão phu là sư phụ hay bá bá cũng không sao, tùy ý cô nương muốn gọi thế nào cũng được.Vội đổi giọng, Tiểu Thanh liền nói:- Sư phụ! Bây giờ thì đồ nhi phải biết rõ tên tuổi của sư phụ, chẳng hay danh hiệu và tên tuổi của sư phụ là gì?