Trước mặt tôi là một phụ nữ đã đứng tuổi, đôi mắt sáng đầy vẻ cương quyết. Khuôn mặt phúc hậu hiền lành, luôn có nụ cười rất tươi và thân thiện, nhưng đằng sau tất cả những điều ấy ẩn chứa một cái gì đó, mà có lẽ không bao giờ biết được. Người phụ nữ này từng là nỗi kinh hoàng của ngụy quyền Sài Gòn và mạng lưới dầy đặc CIA Mỹ, một thời với biệt danh 10K. Một điệp viên tình báo cách mạng mà kẻ thù ráo riết săn lùng, nhưng không tài nào bắt được. Và chúng cũng không thể nào biết được cô là Nguyễn Thị Thu Trang. Thu Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, đông con, ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Là một gia đình trung nông, nhưng có truyền thống cách mạng rất sớm, như quê hương Trảng Bàng của cô. Vì thế mà cô vẫn đùa: “Hồi nhỏ được cả gia đình cưng chiều, yêu thương. Đi học phải có mẹ đi kèm mới chịu...” Như bao cô bé sinh ra trên mảnh đất anh hùng này, lòng căm thù giặc cứ ngấm vào trong máu thịt từ lúc nào chẳng rõ. Tuổi hồn nhiên thơ mộng của Thu Trang trôi nhanh như một cánh chim vụt qua khung cửa tuổi thơ... Cả gia đình không một ai biết cô bé cưng 15-16 tuổi đã gia nhập tổ chức cách mạng... Hàng ngày Thu Trang ôm cặp đến trường cùng bạn bè, nhưng đôi mắt cô luôn ngóng về phía cây cầu ấp Bình Trang, nơi bọn mật vụ ác ôn, chỉ điểm của giặc tra xét giấy tờ, nhìn mặt từng người dân qua lại. Năm 1968, sau những thất bại cay cú của Mỹ và tay sai, bọn giặc tìm mọi cách ngăn chặn phong trào cách mạng đang chuyển sang đấu tranh vũ trang kết hợp binh vận. Hàng ngày có hai tên mật thám đèo nhau trên xe 67 chạy qua lại theo quy luật nhất định... Tổ chức giao cho Thu Trang nhiệm vụ đầu tiên trong đời là bấm mìn diệt 2 tên ác ôn đó. Mìn được cài đặt bên vệ đường, cầu dây dẫn vào bụi cây cách đó khoảng 10m. Đến chiều hai tên ác ôn bắt đầu xuất hiện, vẫn ôm cặp học trò, từ trường, Trang xuất hiện gần vị trí bấm mìn. Người cô run bắn lên, có lẽ lần đầu tiên trong đời cô nghe tim đập thình thịch như trống trường giờ tan học. Thời gian nhảy theo nhịp tim khi hai tên tiến lại gần vị trí. Nhưng run quá, cô không dám thò bay bấm... Hai con chó săn đi qua rồi, cô nói sao với các anh, các chú đây? Hình ảnh những người thân quen trong gia đình hiện về như tra vấn cô, nhất là người mẹ kính yêu bị pháo địch bắn chết trong một đêm ở Hậu Nghĩa... Máu căm thù trong cô lại sôi lục lên. Đợi khi hai tên chó săn quay lại, Thu Trang mạnh dạn đưa tay vào chốt điện, một tiếng nổi long trời, lở đất của loại mìn DH10 vang lên với làn khói ngập đen trời chiều, bóng cô nữ sinh áo dài trắng thoăn thoắt như sóc chuyền cành lao nhanh về phía trường, rồi hòa lẫn trong muôn vàn bạn học tan trường... Sau thất bại cay cú giữa thanh thiên bạch nhật ấy, bọn mật thám, ác ôn liên tục lùng sục những người tình nghi. Theo lời kể lại, có một sỹ quan Mỹ nhìn thấy bóng dáng một chiếc áo dài trắng chạy vụt qua khi có tiếng nổ... Nữ sinh trường Minh Đức bị nghi ngờ tra xét. Một hôm thấy giám thị cho biết có mật vụ đứng trước cổng trường, cùng bọn chiêu hồi nhận dạng. Thu Trang vờ thản nhiên như không biết gì hết. Tan trường cô chạy xe ra cổng, thay vì rẽ trái về nhà như mọi khi, cô rẽ phải... Khi đến dốc, bỗng hai xe 67 chở bọn chó săn vây chặt, bắt cô lại, Trang nghĩ mình chưa sơ hở, chưa bị lộ nên cứ thản nhiên kêu oan, vô tội. Chẳng nói, chẳng rằng bọn chúng chở thẳng cô về bốt cảnh sát ở Hậu Nghĩa. Tên ác ôn khét tiếng hung ác vùng Hậu Nghĩa lúc bấy giờ là Bảy Của, một gã khát máu, gọi người dẫn Trang lên thẩm vấn. Những trận đòn phủ đầu, hằn học giáng xuống cô nữ sinh 17 tuổi như mưa, hòng áp đảo tinh thần và tra khảo cô khai ra tổ chức, thừa nhận đã đặt mìn... Một sỹ quan cảnh sát, đeo lon đại úy, có thể là người của ta cài cắm, nhanh nhẹn lấy cặp sách Thu Trang mang đi kiểm tra, rồi ông ta căn dặn bên tai cô: “Nhớ nói gì thì trước sau phải như thế, không thì chúng đòn đau...” Sau này nghĩ lại cô rất ân hận vì không biết sĩ quan ấy là ai? Số là trong cặp cô, ngoài sách vở ra, còn có cuốn nhật ký cô thường ghi sau ngày mẹ mất. Trong đó Trang ghi những chi tiết như: Mẹ ơi, con căm thù bọn giặc đã giết mẹ... Nếu lọt vào tay giặc thì chúng bắt đi tù đày... Khoảng hai tháng giam giữ không khai thác được gì hơn, bọn giặc đành phải thả cô bé. Tổ chức có kế hoạch đưa Trang về Sài Gòn học và hoạt động, vì tại Trảng Bàng coi như cô đã bị tình nghi. Nhờ qua một người quen biết có bà con, Thu Trang được tổ chức bố trí về Sài Gòn vừa học, vừa tiếp tục công việc của mình vào năm 1969. Cũng vào năm này, cha của Thu Trang khi đem xác anh em đi chôn cất, lựu đạn địch cài bên dưới đã nổ tung, ông hy sinh. Cô bé Thu Trang bắt đầu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cô chiến đấu với lòng căm thù được nhân đôi. Về Sài Gòn, Thu Trang mang cái tên mới Nguyễn Thu Kiều. Ngày hai buổi, nàng Kiều ung dung đi học, cô gái chân quê học làm dân thành thị không mấy khó khăn với nhan sắc của mình. Trận đánh đầu tiên của Thu Kiều tại Sài gòn ngay năm 1969. Hôm đó Thu Kiều cùng tổ trưởng biệt động Thành Nam đóng cặp trai gái đến khu cư xá Kỳ Sơn, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện rạp Trần Hưng Đạo bấy giờ, mìn được cài cẩn thận, súng đạn lên nòng. Khi đến giờ phát hiệu lệnh, những tiếng nổ vang trời cùng với tiếng kêu la thất thanh khiếp đảm của bọn sỹ quan Mỹ, một đòn giáng vào ngay sào huyệt Mỹ ngụy tại Sài Gòn, làm cho bọn CIA, tai mắt chính quyền Sài Gòn bạt vía kinh hồn. Những trận đánh, những tin tức tình báo từ 10K - Nguyễn Thu Kiều - cô cháu họ của bộ trưởng chiêu hồi Nguyễn Ngọc An được thường xuyên cập nhật đến các điểm báo mật của ta, đến kịp thời các cơ sở, và khu R. Từ lời khai và chỉ điểm, mật thám Sài Gòn và cơ quan tình báo Mỹ ráo riết săn tìm cô gái biệt danh 10K, chúng treo giải thưởng 1.000.000 đồng cho ai phát hiện hoặc bắt, giết chết viên tình báo Việt cộng có bí danh 10K. Vào thời điểm bấy giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên cái đầu của Thu Kiều được treo giải thưởng cao nhất. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Đến năm 1972, cơ sở hoạt động bị lộ. Đồng chí chỉ huy Hai Hồng bị địch phục kích bất ngờ hy sinh trên đường đi công tác. Trong cặp tài liệu của anh, còn có cả một danh sách các đồng chí tình báo nội thành đề nghi cấp trên khen thưởng, đặc biệt là Thu Trang - Bí danh 10K có nhiều trận đánh, nhiều thông tin xuất sắc, chính xác. Bọn giặc tưởng như đã sắp nuốt được Thu Trang vào bụng cho hả dạ bấy lâu săn lùng tìm kiếm... Cô bồi hồi nhớ lại lần may mắn thoát chết đầu tiên trong đời: “Không hiểu sao hôm đó, nhận được lệnh cấp trên là không được về Tây Ninh vì bọn chúng đang canh chực tại Trảng Bàng. Do cơ sở bị lộ, một tên chiêu hồi vốn là người của ta, chỉ điểm, nhưng Thu Trang không hề biết việc đó. Cô bồn chồn đứng ngồi không yên, chấp hành mệnh lệnh cấp trên qua mật hiệu. Nhưng tự nhiên cô nhớ nhà một cách không tả được, cũng khá lâu rồi từ khi mang tên Thu Kiều cô không về thăm nhà... Mặc dù tổ chức đã báo động như vậy nhưng Thu Trang vẫn âm thầm về thăm nhà. Chính điều này đã giúp cô một cách ngẫu nhiên thoát khỏi cuộc vây ráp bắt bớ của bọn địch khi đồng chí Hai Hồng hy sinh. Bọn địch vây bắt cả nhà, nơi Thu Kiều đang ở nhờ. Tháng 7-1973, cô được cử đi dự Đại hội Thanh niên toàn miền tổ chức tại Sa Mát - Thiên Ngôn, Tây Ninh, tại đây cô đã gặp và quen với Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Phùng, người mà bây giờ là chồng cô. Cuối năm 1973, Thu Trang được cử đi dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn miền. Sau đó cô về công tác tại Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1974, Thu Trang là một nữ duy nhất trong đoàn cán bộ chiến sỹ thi đua, anh hùng được Trung ương cục miền Nam cử ra thăm miền Bắc. Tháng 4/1975, Thu Trang cùng chị Võ Thị Thắng được cử sang Cu Ba anh em. Tại đây, hai chị được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là thanh niên Cu Ba hoan nghênh nồng nhiệt. Những buổi gặp gỡ trò chuyện với đồng chí Chủ tịch Phiden Catrô là những ấn tượng không bao giờ quên đối với hai cô gái anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng. Hôm kỷ niệm lễ Quốc tế lao động 1-5, Chủ tịch Phiden kết tay cùng mọi người đi diễu hành. Chị Thắng và Thu Trang là hai cô gái Việt Nam đi bên cạnh Chủ tịch với nụ cười rạng rỡ. Cô kể lại với tôi: “Đó là những ngày tháng đẹp nhất trong đời, khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, nhân dân Cu Ba như vỡ òa ra đường hò reo, vui mừng không tả xiết. Bạn bố trí cho xe cắm cờ Việt Nam diễu hành khắp nơi. Đoàn xe diễu hành qua lễ đài, chị Võ Thị Thắng và tôi đứng trên xe vẫy tay chào đón mọi người, tiếng reo hò vang dậy như sấm...”. Năm 1976, Thu Trang được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và là đại biểu trẻ nhất dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Năm 1983, thượng tá tình báo - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thu Trang xin chuyển ra khỏi quân đội. Cô tâm sự: “Muốn làm một cái gì đó, cũng cống hiến cho nhân dân, Tổ quốc, miễn sao giữ gìn được đức tính quý báu của chiến sĩ cách mạng...”. Năm 1995, Thu Trang trở thành Phó giám đốc Công ty liên doanh Mê Linh Point (Công ty TNHH Trung tâm Mê Linh). Ngoài những kỳ tích về chiến công, cô còn là một tấm gương về tinh thần vượt khó đi lên, hiếu học và về nghị lực của một phụ nữ phi thường. Năm 1990, cô tốt nghiệp Đại học Kinh tế, năm 1994 lấy thêm bằng đại học nâng cao chương trình do nước ngoài tổ chức tại Việt Nam... Hiện nay cô đang sống cùng gia đình tại cư xá Bắc Hải, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Hai cô con gái: Kiều Loan sinh năm 1978, hiện đang là sinh viên năm thứ 4 - Trường Đại học Kinh tế, cô út là Kiều Lê sinh năm 1981, là học sinh cấp III trường Bùi Thị Xuân. Trở lại câu chuyện với nghề tình báo, cô cười hỏi tôi: “Do đâu mà nhà báo biết tôi?”. Hẳn mọi người còn nhớ, những năm gần đây, cuốn tiểu thuyết tình báo có tên: “Biệt thự có giàn hoa tím”... Nhân vật Thu Trang trong bài viết này là cô gái trong căn biệt thự có giàn hoa tím. Là chính căn nhà trong cư xá Bắc Hải bây giờ...(1) ================== (1) Trần Hiếu - Tiền phong số cuối tháng 6/99.