Nhưng đến ngày nghỉ hôm ấy, các cậu đã không vào rừng hái phúc bồn tử được; đang đêm người gác cổng xưởng cơ khí chạy lại, đập mạnh vào cửa sổ gọi to: - Thím Samsura, đánh thức cậu con trai thím dậy ngay. Có lệnh của đốc công phải chất tà vẹt lên đoàn tàu khôi phục. Để tôi còn chạy đi gọi người khác. Bảo con thím nhớ gọi các cậu trong đội của nó. Thím nghe rõ chứ? Hay lại ngủ rồi? - Bác cứ đi đi, tôi nghe rồi… - thím Samsura càu nhàu - Suốt hai tháng mới được một ngày nghỉ mà cũng chẳng để cho yên - Rồi thím thắp đèn, lại giường Giamin – Giamin, dậy con. Bác gác cổng xưởng vừa chạy lại đây bảo là phải bốc ngay tà vẹt lên tàu. Có đoàn tàu khôi phục nào đấy đang chờ, không thể để sáng mai được… Giamin ưỡn người ngồi dậy, ngơ ngác dụi mắt hỏi: - Không lẽ ngày nghỉ đã qua rồi? - Dậy con, dậy! Phải đi làm bây giờ. - Thế à? Sao mẹ không nói ngay? Khi Giamin ra đến bậc thềm, mẹ cậu gọi theo: - Con lại gọi các bạn con cùng đi. Nhớ đừng quên. Con bảo với bố mẹ các cậu ấy là bác gác cổng Kêkha truyền đạt lại lệnh của chính thủ trưởng như thế. Con hiểu chứ? - Vâng. - Ôi, biết bao giờ thì cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này mới chấm dứt? – Giamin nghe tiếng mẹ nói sau lưng - Đến ngủ cũng không cho bọn trẻ ngủ. Người ta đã cướp mất tuổi thơ của chúng… Đã có khoảng hai mươi người tập trung ở phân xưởng rèn. Những người thợ rèn đang làm việc lúc ấy cũng được điều động đi khuân tà vẹt. Chỉ có một lò là vẫn tiếp tục làm việc, đó là lò của thợ rèn Viđônốp, hay bác Misa, như người ta vẫn gọi. Bác là một người gày gò, gù lưng, hai má trễ xuống trên khuôn mặt màu sáp ong bao giờ cũng ảm đạm, đôi mày màu hung đỏ luôn nhíu lại. Nhưng Viđônốp là thợ rèn thượng hạng, có thể làm các công việc tinh vi nhất. Khi làm việc, gò má bác khẽ ửng đỏ, đôi mắt mờ, nhợt nhạt vì ngọn lửa rèn ánh lên một cách kì lạ, đôi môi mỏng uốn thành một nụ cười. Bác Misa thường động viên người thợ quai búa bằng những câu pha trò, bằng những tiếng búa âm vang và ngân rung của mình. Chắc hôm nay bác phải làm một công việc quan trọng nào đó, nếu không, trong khi đang thiếu người khuân tà vẹt thế này, người ta đã chẳng để bác và Anđơrây Xêliép, người thợ quai búa rất khoẻ mạnh của bác ngồi yên. Đã ba giờ sáng mà người phụ trách vẫn chưa thấy đến. Mọi người đi đi lại lại như bầy ruồi ngái ngủ, uể oải nói chuyện với nhau hay ngáp dài thành tiếng. Một số người cáu kỉnh lẩm bẩm: “Không chờ được đến sáng nay hay sao mà đêm hôm phải dựng người ta dậy thế này?” Cuối cùng, đốc công Xamôrucốp từ phân xưởng dụng cụ đi ra. Vừa vuốt vuốt bộ râu rậm ám khói, ông vừa nhìn những người công nhân quanh mình, lẩm bẩm điều gì đó trong miệng rồi bắt đầu nói một cách mệt mỏi, chậm chạp, mắt nhìn xuống nền đất của phân xưởng rèn: - Thế là người ta đã đánh thức các đồng chí dậy! Vâng… Các đồng chí tưởng mai sẽ được nghỉ một ngày, mà hoá ra lại phải thế này đây. Tôi biết các đồng chí đang trách tôi, và nghĩ là chắc đốc công Xamôrucốp muốn tâng công với cấp trên, nên hắn ta không thể chờ đến sáng… Các đồng chí nghĩ như thế là đúng… Tôi có thể chờ đến sáng…. - Rồi bác bỗng ngẩng chiếc đầu to rối bù của mình và bắt đầu nói sang sảng, hoàn toàn không giống lúc nãy – Nhưng thử hỏi chờ đến mai thì còn ai ở nhà? Ai? Người thì đi xách súng vào rừng đi săn, người đi hái quả, người đi cắt cỏ… Cứ kiểu ấy, ít ra cũng gần chục người không ở nhà rồi. Nghĩa là chúng ta sẽ phải gánh phần của họ, chừng nào họ chưa tới xưởng làm việc vào thứ hai. Rồi lại còn phải để Viđônốp và người thợ cùng làm với bác ta ở lại xưởng nữa. Thành ra tất cả chúng ta phải chia nhau mà gánh phần việc của họ… Trong khi đốc công đang say sưa nói thì các cậu trong đội của Giamin đến ngồi quanh bên chiếc lò rèn rực lửa và càu nhàu về việc vỡ kế hoạch ngày chủ nhật. Như một con vẹt, thằng Rỗ luôn muồm lặp đi lặp lại một câu: - Thủ trưởng thì ngủ khì ở nhà mà chúng mình, như những thằng ngốc cứ quẩn quanh ở đây… - Này Lênca, tao lấy kìm xoắn lưỡi mày ra đấy! – bác Misa giận dữ bảo hắn Còn đốc công Xamôrucốp thì ngồi xuống đe, nói tiếp: - Các đồng chí sẽ bảo là làm suốt mùa hè mà không được nghỉ một ngày nào! Vâng, tôi biết, tôi biết! Cả cán bộ lãnh đạo tuyến cũng biết. Thế các đồng chí tưởng ở ngoài mặt trận cũng có ngày nghỉ à? Tôi hỏi các đồng chí: ngoài mặt trận cũng có ngày nghỉ à? – Ông nhìn mọi người, hạ giọng nói tiếp: - Có, có điều là nghỉ dưới mộ hay như Xtêpan Xôlôcốp mà thôi… Khi hai chân bị cưa đến tận rốn. - Bác nói điều này với chúng tôi làm gì, Piốt Pêtrôvích? - Một người nào đấy lên tiếng – Chúng tôi không phải là người và không hiểu hay sao? Kể ra để sáng mai thì cũng đỡ vất vả hơn thật… Xamôrucốp bỏ chiếc mũ lưỡi trai bằng da mà bao giờ bác cũng đội, cho vào chiếc túi áo mưa rộng thùng thình của mình: - Tất nhiên, cán bộ lãnh đạo tuyến của ta tốt lắm – bác chậm rãi nói tiếp: - Nếu biết tôi đã dựng các đồng chí dậy vào giữa đêm thế này thì có thể cắm ngòi nổ vào người tôi đấy… Có tiếng cười nổi lên: - Nhưng ngòi mà không có thuốc súng thì bác cũng chẳng tan xác được đâu, Piốt Pêtrôvích ạ. - Chỉ có bỏng nặng thôi… - Không sao, Piốt Pêtrôvích chỉ hơi hoảng thôi… - Thì hẵng cứ cho là thế - đốc công đáp lại những lời pha trò - Được, giả sử tôi chờ đến sáng mai mới gọi các đồng chí dậy, lúc ấy sẽ thế nào? – Bác tiếp tục thanh minh - Chờ các đồng chí tập trung đầy đủ, kéo nhau tới chỗ làm việc, dọn toa xe chuẩn bị chỗ làm… thì sớm ra đến 10-11 giờ mới bắt đầu làm việc được. Mà theo điện trên thì đúng 17 giờ 00 chuyến tàu đầu tiên đã phải sẵn sàng xuất phát rồi. Cho nên các đồng chí cũng tự hiểu tại sao tôi phải gọi dậy từ bây giờ? - Có gì mà hiểu với chẳng hiểu! - Thế thì tốt! Còn bây giờ, tinh thần đã nhẹ nhõm, ta bắt đầu đi thôi! Vừa nói chuyện ồn ào, công nhân vừa bắt đầu ra khỏi phân xưởng rèn. Bầu trời đêm như được nới rộng ra. Phương Đông đã rạng sáng, bắt đầu ngả sang màu xám sáng. Sao nhạt dần. Theo đoàn người cùng đi xa là tiếng búa nhỏ của bác Misa đập giòn giã xuống đe. Đáp lại những tiếng ấy là tiếng búa tạ ầm ầm và mạnh hơn. Càng đến gần xưởng tà vẹt, mùi dầu crêôdốt càng bốc lên nồng nặc. Cạnh cổng ra vào là một bà lão mặc áo khoác ngắn, vẻ ngái ngủ, cây súng trường cổ lỗ sĩ kẹp giữa gối. Vẫn ngồi yên trên ghế, bà lão hỏi: - Cả đoàn cả lũ kéo nhau đi đâu mà sớm thế này? - Đi công việc, bà ạ… - Đi đâu, đi đâu? – bà lão gác cổng đứng dậy, banh cổ áo ấm, đặt lòng bàn tay nhăn nheo lên vành tai - Ngủ quên rồi, bà già ơi, lại còn hỏi “đi đâu, đi đâu” – Lênca nói như gầm gừ - Tao cho mày biết tay, đồ nhóc, bảo tao ngủ quên à? – bà lão hùng hổ bước ra chặn đường nó - Giấy tờ đâu? Khéo pha trò đấy, con ạ. Tao nhẵn mặt thằng như mày rồi! Cứ trông cái mõm của mày cũng đủ biết xấu tốt thế nào! Lênca định xông bừa lên phía trước nhưng bà lão đã đưa nòng súng gạt ra một bên rồi nghiêm khắc nói: - Đứng yên! Không được làm phiền người khác. Chờ Ivan Chikhônôvích tới sẽ nói chuyện với mày. Cái tên Ivan Chikhônôvích của một người bí mật nào đó đã được bà lão nhắc đến với sự kính trọng đặc biệt, đến nỗi xung quanh bỗng trở nên yên lặng trong chốc lát. - Phải thế chứ - hài lòng vì thấy mình đã gây được ấn tượng cần thiết, bà lão nói, lần này đã dịu giọng Công nhân thậm chí còn thấy làm thích thú về cái cảnh vừa xảy ra. Còn Lênca thì ngồi xuống chiếc ghế trong bục gác, nhếch mép nói: - Mình thì chẳng việc gì phải vội cả. Mình có thể ngồi suốt ngày ở đây cũng chẳng sao… Một người trong đám công nhân lại gần, ra bộ nói khó với bà lão: - Này mẹ ạ, không thể để cậu này ở đây được. Cậu ấy rất cần cho công việc. Mẹ biết không, cậu ấy mà không được làm việc thì sẽ chết mất. Mẹ xem mặt cậu ấy buồn chưa kìa? - Thật thế à? – bà lão ngạc nhiên – Thế mà tôi trông mặt hắn có vẻ gian xảo lắm, tuy có đẹp thật. Lúc này Côlia, Gôga và Giamin đi lại: - Thế nào, sao lại ngồi đây? – Côlia hỏi - Các cậu thấy đấy, mình bị bảo vệ giữ lại đây cho đến khi chính Chikhôn Ivanôvích đến - Thằng Rỗ cười hì hì. - Ivan Chikhônôvích, - bà lão chữa lại, rồi giận dữ nói thêm – Thôi, xéo đi, kẻo tao lấy báng súng nện cho bây giờ. Hay đấy, mọi người thì làm việc mà hắn thì ngồi ở chỗ ấm chờ Ivan Chikhônôvích. Không được! Còn mình, đã già mà vẫn ngốc, cứ tin là hắn thích làm việc thật. Lênca miễn cưỡng đứng dậy, đi theo các bạn. Hắn nói: - Thế có bực không… Định đã thế cứ ngồi đây cho khoái thì mấy thằng này lại đến. Thiếu mình thì có sao đâu… - Cậu không nghe đốc công bảo gì à? – Giamin ngắt lời hắn – Trong kế hoạch người nào cũng có phần việc của mìn. Cậu tưởng là tà vẹt tự nhảy lên toa chắc? - Tớ cần quái gì cái kế hoạch của cậu. Tớ là thợ nguội, không phải phu khuân vác, - thằng Rỗ càu nhàu – Bây giờ tớ mà không làm thì cũng chẳng ai làm gì được tớ… - Thì thử xem! – Các cậu đi lại những đống tà vẹt. Cạnh đấy một đoàn tàu không đã đợi sẵn. Mùi trứng thối lẫn mùi dầu hoả xông vào mũi, vào cuống họng nồng nặc, khó chịu. Xung quanh có tiếng người ho. Đốc công Xamôrucốp chia toa không cho các đội trưởng, điểm người, hoá ra, một công nhân phải phụ trách một toa mà vẫn còn thừa năm toa trục kép ở cuối đoàn tàu. Cuối cùng, mọi người quyết định cùng bốc chung mấy toa này. Bỗng một người lạ mặt mặc đồng phục đường sắt có một ngôi sao đỏ trên đường viền ve áo xuất hiện. Anh ta lại gần đốc công, tự giới thiệu: - Tôi là Côriakin, trưởng đoàn tàu khôi phục. Các đồng chí phải hiểu cho là không có tà vẹt, chúng tôi không xuất phát được. Mà Mátxcơva thì yêu cầu phải khôi phục gấp các tuyến đường gần mặt trận. Tôi rất mong các đồng chí cố gắng. Các đồng chí biết đấy, tiền tuyến đang chờ chúng ta… Giọng Côriakin đều đều và nhỏ nhẹ. Chỉ có đôi má hơi ửng đỏ và ánh mắt là để lộ vẻ xúc động. - Cố gắng! Anh không thấy là ai phải vác tà vẹt kia à? - một người nào đấy trong số các đội trưởng lúng túng nói, hất đầu về phía bọn thiếu niên. - Chúng tôi sẽ cố gắng, đồng chí Côriakin ạ, - Xamôrucốp nói - Quả là người chúng tôi thiếu thật, anh trông thì biết. Chúng tôi đứng vững được cũng là nhờ các cậu ấy. Tất nhiên, bắt các cậu ấy vác tà vẹt bây giờ kể cũng hơi sớm, nhưng biết làm thế nào được, thời chiến cơ mà! Khi đồng chí trưởng tàu khôi phục đi khuất sau các đống tà vẹt, Xamôrucốp ra lệnh mọi người bắt đầu làm việc. Những người đang hút thuốc rít vội mấy hơi cuối cùng, lấy ngón tay bóp tắt những điếu thuốc tự quấn, rồi người thì cho vào túi đựng thuốc, người thì cẩn thận cho vào túi áo trong hay vào những chiếc hộp thuốc làm từ thời trước chiến tranh. Mọi người vội tản đi tới chỗ làm việc của mình, không ồn ào, lộn xộn. Cạnh mỗi toa có những chiếc móc tà vẹt to tướng, lớn dễ gấp mười lần những chiếc thường, dùng để cặp đống tà vẹt trơn như cá sộp. Đội của Giamin quyết định cả bốn người cùng bốc một toa, vì làm thế nhanh hơn, dễ đặt các thanh tà vẹt khó tính vào chỗ hơn. Một cậu dựng đứng các thanh tà vẹt, hai cậu khác đi đến, vác lên vai và mang đến toa. Cậu thứ tư sẽ dùng kẹp sửa và dồn chúng nằm sát nhau. Trong toa, công việc có vẻ nhẹ hơn nhưng cần nhanh nhẹn và mắt phải biết ước lượng. Nếu có chiếc nào nằm chênh vênh mà không sửa kịp thời thì sau cả đống sẽ cồng kềnh, lộn xộn, phải dỡ ra xếp lại hết. Giamin và Lênca khiêng mười chiếc đầu tiên. Côlia ở trong toa, Gôga dựng các thanh tà vẹt. Lúc đầu các cậu như nghẹt thở vì mùi crêôdốt, vất vả lắm mới giữ nổi những khúc gỗ vuông cạnh, óng ánh đen, không hiểu sao cứ như cắn chặt vào vai, nhưng rồi các cậu cũng quen dần, làm nhanh hơn, các thanh tà vẹt như tự nhảy lên vai, gọn và chắc chắn đến mức có thể khiêng đi hàng cây số được. Cứ khoảng 100m lại có một chiếc đèn mờ không đủ sáng để làm việc. Cạnh các đống tà vẹt còn có chút ánh sáng chứ ở gần toa và trong toa thì hoàn toàn tối om, phải vừa làm vừa sờ sẫm. - Các cậu phải đốt lửa lên thôi – Lên ca bỗng đề nghị khi Giamin suýt vấp phải chiếc cầu gỗ để lên toa. - Cậu điên hay sao mà nói thế? Không biết đang làm việc ở đâu à? – Gôga bác lại - Lấp sau những đống tà vẹt thế này thì ai nhìn thấy mà sợ - thằng Rỗ vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, lôi chiếc bật lửa từ túi ra - Tớ không muốn gãy cổ, nó còn phải đỡ đầu tớ nữa chứ! - Côlia, Giamin ơi! – Gôga gọi to, đi lại gần Lênca - Cậu muốn đốt cháy tất cả hay sao? Ở đây cả thuốc lá cũng không được hút nữa là. Không thấy, các bác công nhân phải lại gần các thùng nước mới dám hút đấy à? - Ai thì không được nhưng tớ thì được, - thằng Rỗ bướng bỉnh nói, bật lửa châm các vụn gỗ rồi quì xuống thổi. Ngọn lửa nhấp nháy mấy cái rồi bùng cháy, soi sáng chung quanh. - Cậu làm gì thế này? - Có tiếng Giamin nói trên đầu hắn. Cậu đạp chiếc giày được khâu bằng lốp ô tô cũ lên ngọn lửa. - Còn cậu thì làm gì thế? Nói gì thì nói, nhưng cám không được đặt chân lên đấy! Cậu tưởng là đội trưởng thì có quyền làm gì cũng được à? - Đúng, có quyền! Mấy bác công nhân mà thấy thì thế nào họ cũng đấm cho vào mõm. Phải nhớ lấy điều đó… Trời hửng sáng, mặt trời đã nhô lên sau dãy núi xa xa, các cậu nhìn mặt tưởng như mới gặp lần đầu, mặt cậu nào cũng loang lổ những vết dầu crêôdốt. Cả bọn chỉ tay vào nhau, cười to: - Gì mà phải cười rống lên thế? - Thằng Rỗ nói - Người đã nhọ nhem như quỉ sứ, lại còn lấy thế làm sung sướng. Đồ quê kệch… - Ai là đồ quê kệch? – Côlia nhảy từ trong toa ra - Tiếc là mày đang vác nặng, không tao cho mấy cú. - Thì đấy! – thằng Rỗ càu nhàu hất chiếc tà vẹt xuống đất – Mày vác đi, tao vào làm thay mày. Làm như tao không biết, một thằng dựng đứng tà vẹt, thằng khác vờ vĩnh trong toa… - Được, cậu vào thay Côlia đi – Giamin ngắt lời nói - Cậu chỉ được cái lắm lời. Còn thanh tà vẹt này, Lên ca, cậu phải mang vào trong toa.. Thằng Rỗ còn định nói gì, nhưng sau chỉ hằn học lườm các cậu rồi lặng lẽ cúi xuống. Hắn định dựng đứng thanh tà vẹt lên nhưng nó vẫn cứ bám chặt lấy mặt đất. Hắn thử đầu này rồi lại thử đầu kia, nhưng không thể làm gì được cả. - Giúp cậu ấy một tay, Côlia, kẻo lại cố quá lòi ruột ra phải vào viện bây giờ. - Kể ra danh dự cũng lớn đấy! – nhưng rồi Côlia cũng giúp hắn – Mà thanh tà vẹt cũng nặng thật đấy, - cậu nói vẻ thông cảm – Có lẽ bằng gỗ tùng lá rụng… Bác đốc công đi lại, nhìn vào trong toa xem các cậu làm việc ra sao. - Tốt lắm, các cậu, không thua người lớn tí nào! Nhưng cẩn thận, cũng đừng cố quá đấy. Cứ làm đều, chắc, không cần vội – Xamôrucốp khuyên. Khi chất được nửa toa thứ hai, các cậu ít nói hẳn đi. Các cậu đã thấm mệt. Bỗng Giamin nhận thấy không hiểu sao toa các cậu bây giờ xếp có vẻ như chóng đầy hơn. Cậu nói với Côlia. Côlia đáp: - Có lẽ chúng mình đã quen, làm chóng hơn… - Cậu chạy sang toa cạnh xem họ làm thế nào? – Giamin nói Côlia chạy đi, một lúc sau quay lại. Vừa khoát tay vừa kêu to một điều gì đấy. - Thế nào, họ có làm nhanh hơn chúng ta không? – Giamin hỏi - Nhanh hơn à? Còn lâu! Họ xếp mới chưa đầy nửa toa – Côlia sung sướng báo tin - Không thể thế được! - Hoá ra mình nói dối à? Cậu chạy lại mà xem… Giamin đứng suy nghĩ một lúc rồi đi sang toa cạnh. Trở lại cậu nói: - Không, có lẽ toa của ta thế nào ấy… Ta xem lại một lần nữa đi, có thể xếp không đúng cách chăng? - Kìa, sao bắt người ta chờ mãi thế? – có tiếng thằng Rỗ từ trong toa vọng ra – Khuân đi chứ, không được đứng thế, Xôlôcốp. Bây giờ thì cậu biết vác tà vẹt nặng thế nào rồi nhé! Tao biết chúng mày láu cá lắm… Côlia và Giamin bước lên toa. Côlia đứng lên hàng tà vẹt đầu tiên, nhìn vào phía trong, gần chân tường: - Gì thế? Cậu để quên cái gì à? Xuống đi, mình sẽ tìm ngay được bây giờ. Mình biết rõ từng thanh tà vẹt một - thằng Rỗ nói lúng túng nhưng vẫn còn cái vẻ trâng tráo của nó. - Này, tao sẽ cho mày biết tay, đồ giả dối khốn khiếp, - Côlia nhảy từ đống tà vẹt xuống, xông lại định đánh hắn – Giamin, cậu xem hắn làm gì này! Trong ấy còn có thể xếp gọn hơn chục thanh tà vẹt nữa. Hắn chừa cả những cái hang rộng. - Thế này thì có lẽ phải cho mày vài quả đấm vào mõm hả? Như thế chẳng có ích mấy… Trước là rắn độc thế nào, bây giờ vẫn như vậy… Dỡ ra, xếp lại đi, đồ khốn khiếp! Cho đến cái cuối cùng mới thôi! – Giamin tái mặt tới gần Lênca, nói – Mày định đánh lừa ai, hả? Tà vẹt này là để chở ra mặt trận, đồ vô lương tâm! Mày không nghe người kia yêu cầu chúng ta thế nào và nói gì về việc Mátxcơva đang chờ à? Thế mà mày đình chừa trống nửa toa… - Cậu định tuyên truyền hắn hay sao? Hắn có biết chữ đâu! – Côlia nổi nóng - Để mình cho hắn một trận, cho hắn phải vác cái mặt tím bầm mà đi. Dùng lời mà nói với hắn có ăn thua gì đâu! - Côlia, không được! – Giamin đứng ra chặn cậu Thằng Rỗ nép người vào tường. Chắc hắn vừa nhớ tới mùa đông qua, nhớ toa tàu, lò sưởi nóng và những quả đấm chắc nịch của Côlia. - Mình định làm thế nào cho tốt hơn mà các cậu lại… - Lênca lẩm bẩm - Dỡ xuống! – Giamin ra lệnh và gọi Gôga lại - Các cậu làm gì ở đây thế? – Gôga vừa bước lên tấm gỗ bắc vào toa, hỏi. - Thằng Rỗ lại giở chứng. Phải xếp lại cả đống tà vẹt. - Bắt hắn làm một mình! Tớ mà là đội trưởng thì tớ đã giã cho hắn một trận từ lâu. Phải bắt hắn làm khoán mới được, cho hắn biết miếng bánh hắn ăn giá bao nhiêu… Buông lỏng với hắn không được đâu… Nếu làm hết phần việc thì được lĩnh cả phiếu bánh mì, còn không làm được bao nhiêu, lĩnh bấy nhiêu. - Gì mà hăng thế? - Đội trưởng ngắt lời cậu ta – Không nên lấy bánh mì mà doạ người khác. Làm việc thì tránh thế nào được khi thế này, khi thế nọ. Cậu không nhớ là thời gian đầu bọn mình cũng chỉ làm được 20-30% định mức đấy à? Nếu người ta cũng chỉ đưa cho mình chừng ấy phần trăm bánh mì thì hỏi có sức bây giờ mà làm việc nữa không? - Mình không doạ, mà là giáo dụ-ục hắn – Gôga kéo dài giọng – Cái thằng này bao giờ cũng khôn vặt, giở trò hại chúng mình, mà cậu lại còn bênh hắn… Được Gôga cổ vũ, Côlia lại xông tới thằng Rỗ, giơ nắm đấm. - Thôi để nó yên, các cậu, như thế cậu ấy cũng đã biết thân rồi. Bắt tay vào làm đi! – Giamin dùng kẹp cặp thanh tà vẹt trên cùng, kéo về phía mình. Các cậu lặng lẽ làm việc, chỉ đồng thanh xuýt xoa kêu lên mỗi khi có thanh tà vẹt nào dó nặng đổ sầm xuống. Mặt trời đã nung nóng mái sắt che toa, khiến các cậu làm việc như trong một chiếc lò sưởi nóng bỏng. Chật chội. Mùi dầu crêôdốt bị sấy nóng, bốc lên, xông vào cuống họng. Khi các cậu dỡ xong đống tà vẹt mà Lênca đã xếp một cách giả dối và đang bắt đầu cẩn thận xếp lại từng cái một thì đốc công Xamôrucốp đến. Ông nhìn vào toa, ngạc nhiên hỏi: - Sao các cậu lại tụ nhau một chỗ thế này? Nếu định nghỉ thì ra ngoài trời mà nghỉ. - Chúng cháu gặp phải mấy thanh tà vẹt cong không chịu nằm gọn với nhau đành phải dỡ ra xếp lại, - Giamin ngảnh đi chỗ khác, không nhìn mặt đốc công, đáp. - Thế thì làm việc đi. Các cậu để người khác vượt rồi đấy. Nhanh lên một tí. Chiều đã có đầu máy đến kéo. - Rồi ông lại biến mất sau toa xe, các vụn gỗ dưới chân kêu lạo xạo. - Thấy chưa, Lênca, chỉ vì cậu mà cả đội mình có thể làm không kịp đấy – Côlia nói qua kẽ răng – Làm nhanh lên và cất cái mặt phụng phịu ấy đi… - Mình có phụng phịu đâu… Vẫn làm hết sức đấy chứ. Cậu nhìn xem… - Lênca nhấc lên vai một thanh tà vẹt rồi loay hoay không biết đặt vào đâu. - Ai bảo để lên vai làm gì? Có thể lấy cái kẹp mà kéo kia mà? – Côlia lại bực bội nói - Cậu thì nặng mà bọn mình thì thêm vướng. Khuân đầy toa xong các cậu đã nằm xoài trên mặt đất, chân duỗi thẳng, tay giang ngang, mắt nhắm lại. Chỉ bây giờ các cậu mới nhận thấy chân và các ngón tay của mình run run. Khó mà tưởng tượng nổi bây giờ có ai có thể nhấc các cậu khỏi mặt đất đầy mùi cỏ và dầu hoả đã được mặt trời sưởi ấm này. Cái mệt và buồn ngủ đè lên người các cậu không tài nào cưỡng nổi. Thậm chí, không tin được là mặt đất đầy mảnh gỗ nhọn lại có thể mịn màng, êm ả, còn không khí lại trong lành dễ chịu đến thế. Cỏ xung quanh thấm dầu crêôdốt, nhưng lác đác vài nơi, ở chân các đống tà vẹt, cạnh đường ray, một vài bông hoa ngưu bàng tim tím khẽ lung lay trước gió, những cây cúc vươn những nụ hoa trắng, nhỏ với những chiếc lá dài, yết ớt, về hướng mặt trời. Cạnh các toa khác, mọi người cũng đã kẻ ngồi, người nằm, quá mệt mỏi vì công việc. Họ chậm rãi nói chuyện với nhau. Giamin không nghe rõ những gì họ nói với nhau nhưng đoán là vẫn như mọi khi, người lớn đang nói về tình hình chiến sự, rồi sau thế nào cũng nhắc đến những người đã hi sinh hay những người trở về tàn tật, bàn nhau giúp họ cắt cỏ, lấy củi, vì mùa thu đã đến gần. Giamin thấy một vài cậu đã thiếp đi. Một con muỗi vo vo bay đến rồi lao xuống đốt vào tay Gôga. Nhưng gặp phải lòng bàn tay chai sạn không lấy gì làm mềm lắm, con muỗi đập cánh, vuốt vuốt hai chân trước tìm chỗ hiểm để châm nọc. Cuối cùng, nó tìm được chỗ mềm, cong đít định cắm chiếc vòi xuống da. Không nhịn được thêm, Giamin đập đánh đét một cái. Một vệt máu đỏ hằn trên tay người ngủ. Gôga ầm ừ mấy tiếng gì đấy trong mơ, lấy tay gãi gãi chỗ con muỗi vừa đậu, rồi trở mình ngủ tiếp. Đốc công lại đến. Ông không nói gì, chỉ mở cửa toa đánh kẹt một cái, chăm chú nhìn những thanh tà vẹt to, chắc, trông giống như những con cá lớn bị chặt đầu và đuôi, rồi lại đóng sập cửa. - Vẫn làm việc tốt đấy chứ? – ông hỏi, rồi không đợi trả lời, nói tiếp: - mà cậu, đội trưởng, không nên để các cậu ấy nằm thế, sau chỉ mệt thêm. Làm gì cũng vậy, phải quen mới được, - rồi ông bỏ sang toa khác, hai tay chắp sau lưng, đầu hơi cúi về phía trước. Giamin cầm một chiếc que xuống đất bên cạnh đặt một hòn sỏi nhỏ, “khi nào bóng chiếc que đổ tới hòn sỏi, mình sẽ đánh thức các cậu ấy dậy”. - cậu nghĩ bụng rồi ngả lưng xuống đất. Trên trời, những đám mây nhẹ, thưa thớt đang lững lờ bay. Nhìn như dán mắt vào chúng, Giamin cảm thấy mình cũng đang bay, cả mặt đất đỡ những toa tàu đầy hàng, cả xưởng tà vẹt khổng lồ với ống khói cao ngút cũng đang bay. “Mình đang bay! Hoan hô! – suýt nữa thì cậu kêu lên – nghĩa là mình không ở một chỗ, mặc dù đang nằm. Mặt đất như một con tàu đang chở mình đi giữa các vì sao…”. Ý nghĩ này làm cậu hết sức thích thú, nhưng đồng thời không hiểu sao cũng làm cậu cảm thấy buồn nữa. Giamin nhắm mắt, rồi lại mở mắt. Cậu tin chắc là cậu có bay thật, thậm chí còn hơi chóng mặt nữa… Điều khám phá mới mẻ này làm cậu xúc động, hồi hộp. Cậu lập tức đánh thức các bạn dậy và hỏi chúng có thấy đang bay như mình không. Côlia miễn cưỡng mở mắt, vừa ngáp vừa đáp: - Thì đã sao? Mây bay, mình bay… - Còn mình thì có vẻ như bay, có vẻ như không – Gôga thờ ơ đáp - Tưởng gì lạ lắm! Bay hay không cũng thế - thằng Rỗ càu nhàu rồi nằm sấp. - Đúng là mình bay thật, các cậu ạ! – Côlia bỗng kêu lên – Có điều phải nhìn thật chăm chú mới thấy. Nghĩa là tất cả đều bay. Nghĩa là ước mơ của cậu (Giamin sợ, chưa bao giờ kể với ai, ngay tự thú với mình cũng còn thấy ngại ngùng) sẽ trở thành sự thật… Rồi liền lúc ấy cậu đã nghe Lênca ngáy. Hắn gối đầu lên tay, ngủ ngon lành, không nhớ gì tới việc vì hắn làm dối mà cả đội phải vất vả xếp lại cả một đống tà vẹt gần 50 chiếc. Giamin lay sườn Lênca - Dậy, đồ lười, ngủ như thể một mình cậu vừa xếp xong tất cả mọi toa. - Thế các cậu khác? - hắn càu nhàu – Mình phải làm hơn người khác, hả? À! - Người ta đã dậy cả rồi Các cậu vất vả bước những bước đầu tiên. Cúi xuống nhấc tà vẹt lên khỏi mặt đất, các cậu thấy các cơ bắp đau nhức như có một người vô hình nào đấy lấy gậy nện lúc thì xuống đôi vai rát bỏng, lúc thì vào tay các cậu… - Đồ chết tiệt! - thằng Rỗ bông kêu to rồi hất thanh tà vẹt vừa đặt lên vai xuống đất. - Cậu tưởng ở đây là thiên đường, muốn làm gì thì làm, không thì thôi à? – Côlia lại gần hắn - Cậu xem cậu đã làm gì… Bọn mình thì nhấc lên, còn cậu lại vứt xuống. Hay chỉ mình cậu đau vai thôi? - Thôi, Côlia – Giamin ngăn bạn - Cậu ấy mệt, không chịu nổi… - Thế mình, mình không mệt à? Gôga cũng không à? – Côlia nhăn mặt nói như sắp oà lên khóc. Giamin quay mặt sang chỗ khác, nói: - Tất cả đều mệt, nhưng cậu ấy mệt hơn cả. Cậu ấy chưa quen làm những việc như thế này. Đến cắt cỏ cậu ấy cũng không biết, cả đến xẻ gố, bổ củi cậu ấy làm cũng chẳng nên thân… - Đúng thế, chỗ mình làm gì cũng bằng máy… Còn liềm thì chưa bao giờ mình cầm lên tay… - Lênca lúng búng nói. - Đấy, thấy không. Làm gì chưa quen cũng mệt. Sau một vài lần sẽ thấy đỡ hơn. Lại tiếp tục làm việc. Để tiết kiệm sức, các cậu thong thả bước từng bước đều đặn như những người thợ khuân vác cẩn thận và kinh nghiệm. Khi xếp xong toa thứ hai, trời đã xẩm tối. Đốc công đi lại mấy lần, giục: - Nhanh lên, các cậu ơi, nhanh lên tí nữa! Kẻo không các cậu phải về sau cùng đấy. Các toa khác người ta sắp xong rồi. Các cậu nghe ở đâu ông cũng nói như thế, nhưng vẫn cố làm nhanh để không phải xong cuối cùng. Khi mọi người ra về, trời đã tối hẳn. Một người nào đấy trong đám công nhân lớn tuổi nói buông một câu với người khác, cũng mệt mỏi như bác ta và đang không buồn động lưỡi: - Mấy cậu kia thế mà giỏi, làm chẳng thua gì cánh mình. - Thật thế, không chê vào đâu được! Cả thằng Lênca cũng làm ra trò… Lênca nghe hai người nói chuyện với nhau, lên tiếng: - Được điếu thuốc quấn mà hút, đội trưởng nhỉ, - dù biết trong đội không cậu nào hút thuốc. Sự việc xảy ra đúng như nó dự định, - ngay lúc đó một người trong đám công nhân lớn tuổi bảo cậu: - Này sếu vườn, lại đây! Hôm nay cậu làm việc khá lắm. Thằng Rỗ đi lại: - Nghĩa là cậu sống theo nguyên tắc: muốn bon chen của người khác chứ gì? Lấy đi, lấy đi… thêm tí nữa… Này, cầm lấy, chốc nữa hút. - Thôi, đủ rồi ạ, chừng này cả đội hút vẫn còn thừa, - Lênca nói, vẫn không tin là tại sao những người này, lúc sáng keo kiệt với cậu thế, bây giờ lại một lúc cho cả một nhúm thuốc lớn. Và nói chuyện với cậu như người ngang hàng. Công nhân thật là khó hiểu. Giamin chưa kịp vào nhà thì mẹ cậu đã chạy ùa ra đón bằng những tiếng kêu sung sướng lúc thì khóc, lúc thì cười, trong bóng tối mẹ giơ cho cậu xem một chiếc phong bì ba góc. - Này, xem đây, đọc đi, đọc đi… Thư của anh mày đấy… Còn sống… Chỉ bị thương thôi. Ở đâu thì không thấy nói. Anh mày còn nhắc đến mấy con hổ gì nữa. Cô láng giềng đã đọc cho mẹ nghe rồi. Con đọc mẹ nghe nữa đi… Giamin chậm rãi đọc bức thư của anh hai lần. Cậu giải thích cho mẹ biết “con hổ” là tên một loại xe tăng mà bọn Đức hết lời khoe khoang, và anh cậu đã dùng đại bác bắn cháy hai “con hổ” như thế, và đang được đề nghị tặng thưởng. Còn “cung sông” là một nơi ở ngoại vi thành phố Cuốcxcơ, nơi hai tháng liền đã xảy ra những trận đánh lớn, ác liệt. Ở đấy bọn Đức bị quân ta cho nếm đòn có lẽ còn đau hơn ở Xtalingrát nữa. - Sướng quá, con nhỉ! – thím Samsura nói, tay vẫn giữ chặt bức thư. Rồi như chợt tỉnh, thím nói - Ồ, sao mẹ lại hoàn toàn quên khuấy con thế này! Mừng quá hoá ra quên cả… Mà người con bốc mùi dầu hoả hay mùi gì nữa mẹ không hiểu. Bọn con làm việc ở xưởng tà vẹt à? - Vâng. Trong lúc Giamin cởi bộ quần áo dính đầy dầu crêôdốt ra, mẹ cậu đặt chảo khoai tây, sữa và một miếng bánh mì nhỏ lên bàn. Khi cậu cởi áo sơ mi để lau rửa người phía trên, mẹ cậu kêu lên: - Ôi, vai con làm sao thế này? Ngã ở đâu à? Da bong hết. - Con vác tà vẹt, do chưa quen đấy mẹ ạ… Những người chuyên làm việc ở đấy có đệm lót vai, còn bọn con thì cứ thế… - cậu con trai đáp rồi an ủi mẹ - Không sao, mẹ ạ, rồi sẽ khỏi… Chính mẹ thường nói, quí hồ xương cốt nó không gẫy thôi, chứ thịt da thì sẽ mọc lại… Sáng hôm sau, phải khó nhọc lắm thím Samsura mới đánh thức được Giamin dậy. Cậu luôn miệng nói: “Bây giờ, con dậy bây giờ” nhưng lại quay sang ngủ tiếp. Mẹ cậu phải kéo cậu sang chiếc phản, nhúng tay vào nước, vuốt mặt cậu - Con dậy đây, dậy đây mà – Giamin uể oải mấp máy môi, ngồi dậy mặc quần áo Toàn thân cậu đau nhức khó chịu. Cậu thấy như chân không còn là của mình nữa, đạp xuống đất cứ như chân giả. Vất vả lắm mới mặc xong quần áo, ăn vội mấy miếng, cậu xách chiếc túi đựng thức ăn ra đi. - Mẹ làm cho con cái này đây – bà mẹ chìa cho con trai miếng đệm lót vai làm bằng ống tay áo ấm cũ – Có lẽ đỡ đau hơn. Giamin muốn ôm chầm lấy mẹ, nói với mẹ lời cám ơn, nhưng rồi kìm lại: như tất cả các thiếu niên mới lớn lên, cậu cố đối xử với mẹ làm sao cho có vẻ chững chạc. Thím Samsura đã hiểu được trạng thái này của con trai: đôi mắt cậu để lộ niềm vui và lòng biết ơn, cái mà cậu thẹn thùng không muốn nói. Thím vỗ vào lưng con dịu dàng nói: - Đi đi, con… Các bạn đang huýt sáo gọi con đấy. Ngày bốc vác tà vẹt thứ hai bắt đầu. Côlia cũng có một chiếc đệm lót vai, khâu bằng hai ống tay áo len. Không ai làm cho Gôga và Lênca miếng đệm lót. Người nào vác tà vẹt thì người ấy dùng đệm lót. Công nhân xưởng cơ khí phải vác tà vẹt suốt tuần. Sau đoàn tàu khôi phục, người ta còn kéo đến đoàn tàu không nữa. Các toa xe sạm đen, lỗ chỗ vết đạn. Bánh và các bộ phận giảm xóc đầy các vết xước hoen gỉ. Ở một số toa, cửa vênh vẹo, chống vào nhau, phải lấy búa tạ đánh hồi lâu mới mở ra được. Mà người ta nói đoàn tàu này cần phải ra mặt trận còn gấp hơn đoàn tàu trước. Lần này có thêm công nhân xưởng sửa chữa đầu máy và xưởng sửa chữa toa xe đến khuân vác nữa. Trong số họ, không có ai là thiếu niên. Một người đàn ông má phính, đỏ, dáng nhanh nhẹn, trên ve áo có hai ngôi sao, lăng xăng chạy đi chạy lại dọc đoàn tàu, luôn miệng nói như quát. Bộ comlê vải len màu xám của ông ta cứ thấp thoáng hết chỗ này đến chỗ nọ. Ông ta tới đâu là công việc ở đó dừng lại, vì mọi người phải nghe ông ta giải thích về việc mặt trận phải chờ tà vẹt ra sao, và còn cả việc phải vác tà vẹt thế nào nữa. Ở đâu ông ta cũng nhấn mạnh đến địa vị công tác của mình: - Với tư cách là đại diện cục, tôi nói với các anh như thế… Ông lấy làm ngạc nhiên và phẫn nộ khi nhìn thấy đội công nhân thanh niên của xưởng cơ khí. Sau ngày làm việc hôm trước, các cậu trông rất mệt mỏi. - Mấy cậu này là ai thế này? – ông ta bực bội hỏi Xamôrucốp đang đi theo – Làm được trò trống gì mà ở đây? - rồi hất đầu về phía bọn thiếu niên – Tôi được chính cục trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ đôn đốc việc bốc xếp tà vẹt, mà anh thì huy động những người thế này à? - Giọng ông ta vang lên the thé, bàn tay mũm mĩm luôn chém vào không khí - Thật chẳng khác gì một vườn trẻ, anh hiểu chứ? Anh định đánh lừa ai đấy? - Đồng chí bình tĩnh… Bây giờ tôi sẽ giải thích tất cả để đồng chí rõ, - bác đốc công định thanh minh. - Không cần giải thích, tự tôi cũng thấy tất cả! Xamôrucốp muốn cho ông ta biết là ở xưởng của bác chỉ còn lại mấy người ốm yếu. Viđônốp và anh thợ phụ của bác ta, và hơn một nửa công nhân của bác bị điều đi công tác đột xuất trên tuyến đờng cho kịp trước khi mùa rét tới. - Rút mấy cậu nhóc này đi. Chúng chẳng làm được tích sự gì, chỉ quấy rầy người khác, - không chịu nghe đốc công nói, ông đại diện cục ra lệnh. - Sao lại thế? – Xamôrucốp hỏi - Xong! Không ý kiến gì nữa. Bây giờ là thời chiến. Đã đến lúc anh phải hiểu điều đó. Đấy là lệnh của tôi. Còn chúng mày, bọn nhóc, đi về! - Từ lâu chúng tôi không còn là nhóc nữa… - Giamin bước lên phía trước, nói. - Cái gì? Mày đang nói với ai như thế? Đồ vắt mũi chưa sạch! - Chính ông là vắt mũi chưa sạch thì có, - thằng Rỗ lên tiếng. - Mày nói gì? Muốn ra toà à? - Này, đừng doạ chúng tôi, chúng tôi không nhát lắm đâu! - thằng Rỗ lại hằn học nói - Oai nhỉ, ra bộ thủ trưởng lắm! Loại ấy cánh mình xơi tái thôi! – các cậu thi nhau nói Ông đại diện bẽ mặt. Khuôn mặt tròn trĩnh của ông ta đỏ bừng. Ông béo phệ thấy trước mặt mình là những cậu bé quần áo lem luốc đang giận dữ nhìn ông, bèn vung tay đe doạ. Công nhân nghe tiếng ồn ào chạy lại, biết rõ chuyện, phá lên cười. Ông kia có lẽ đã nhận thấy mình sai, bèn nói: - Thôi được, cứ để chúng làm việc, nhưng tôi bảo trước là có việc gì xảy ra, dù nhỏ, dù lớn, cậu phải giơ đầu ra mà chịu trách nhiệm. - Không phải cậu mà là bác phải chịu trách nhiệm, - một cậu trong bọn chữa lại - Thế mà cũng đòi là tri thức! Như bộ không nghe thấy gì, ông đại diện cục nói thêm: - Ta sẽ bàn tiếp ở đảng uỷ! - rồi xúng xính trong chiếc quần rộng, ông ta hấp tấp hướng đôi chân ngắn cũn của mình về phía cổng. Xamôrucốp định đi theo, nhưng rồi khoát tay, quay lại chỗ các cậu.