Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 21
AN PHẬN

Phải vui lòng chịu đựng quả báo của con dù nó thế nào chăng nữa, và nhận lãnh sự đau khổ như một sự vinh diệu, bởi vì nó chứng tỏ các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu thấy con đáng giúp đỡ.
A. B.  Tôi xin  nhắc lại, tánh này là tánh an phận mà trước  kia dịch là "chịu đựng". Chịu đựng có thể là một đức tính tiêu cực hơn, nhưng những điều thuộc về bạn, không phải là chịu đựng những khó khăn không thể tránh được mà nhận lãnh chúng một cách an vui, tánh tình một mực không thay đổi và chấp nhận mọi sự khổ não với nụ cười. Về điểm đặc biệt này, danh từ an phận  tóm tắt tất cả những điểm mà các vị Ðại Giáo Chủ đều muốn chúng ta phải có. Nhiều người có thể chịu đựng được, nhưng họ chịu  đựng một  cách buồn bực. Phải an vui trước mọi sự thử thách, và mọi điều bận lòng. Có vài tác phẩm Ấn Ðộ nhấn mạnh nhiều về điều này: Hãy nhận lãnh mọi sự một cách vui vẻ.
Quả báo dồn dập tới cho những người vượt ra khỏi hàng ngũ  của mình  và tự  trình diện như một thí sinh trên Ðường Ðạo. Ðiều  này đã được nhấn mạnh nhiều lần. Trước hết là để báo cho thí  sinh biết những gì họ có thể mong mỏi, sau đó cho họ có can đảm, khi kinh nghiệm lý thuyết trở thành thực tế, bởi vì sự khác biệt giữa hai kinh nghiệm rất lớn.
Quả báo là định luật tự nhiên, những sự trừng phạt của nó có thể tránh được  một thời gian, hoặc trái lại, có thể ứng hiện ngay. Nói một cách khác, bạn có thể tự  đặt mình trong những điều kiện mà Quả Báo có thể giáng xuống bạn, hoặc bạn tạo  ra những  điều kiện giúp bạn tránh được nó trong một lúc. Cần phải lập lại nhiều lần  rằng những luật tự nhiên không phải là những án lịnh. Chúng  nó không truyền phán cho chúng ta phải làm một điều gì. Chúng ta hãy lấy một thí dụ mà mọi người đều biết là điện lực. Nó luôn luôn hoạt động chung quanh chúng ta, nhưng nếu chúng ta muốn nó tạo nên một hiệu quả ở một nơi nào đó vào một giờ nhất định, thì  chúng ta phải có một cái máy đặc biệt đặng giúp nó phát hiện. Cũng giống như thế, Quả Báo là một luật tự nhiên và cái máy giúp nó hoạt động được trong đời sống cá nhân, có thể được biểu hiện bằng sự có mặt của con người trên sân  khấu cõi đời, tức là sự sinh ra. Vài sự thay đổi xảy đến trong đời sống của một người có thể tăng cường và thúc giục sự tác động của Luật Nhân Quả đối với y. Chẳng hạn, khi bạn tự  hiến mình làm một thí sinh tiến hóa nhanh chóng, các Ðấng Cầm Cân Nhân Quả có thể  theo lời nguyện bằng lòng của bạn, sửa đổi bộ máy - và để năng lực làm bộ máy linh động phát triển dồi dào và sự  tự nó tiêu hao ở nơi bạn trong một thời gian ngắn ngủi. Chỉ có ý chí của bạn mới xác định được sự biến đổi của bộ máy ấy.
Nếu một người muốn tiến hóa nhanh chóng, và do đó phải trả quả xấu của mình mau hơn, là một ước muốn chân thành, một ý  định cương quyết, thì các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu chấp nhận lời ước nguyện của y. Các Ngài vận chuyển một số Quả Báo mà y đã tạo ra trong quá khứ và để nó đổ xuống y. Quả Báo ấy có sẵn. Con  người không gây ra nhân mới mà bắt đầu quét sạch những gì đã tích trữ trước kia.
Nếu bạn hiểu những gì đang xảy đến có thể làm cho bạn ngạc nhiên. Hãy xem những kiếp sống của Alcyone và bạn sẽ thấy chúng diễn ra bao chuyện hãi hùng. Trong một kiếp kia Alcyone bị ám sát. Trong một kiếp khác em bị hành quyết vì một tội ác mà em không can phạm, và còn biết bao nhiêu chuyện như thế nữa. Dưới hình thức của một ký sự, người ta khó tin được những điều này, nhưng nếu một trong những chuyện ấy xảy đến cho bạn trong kiếp này, bạn sẽ thấy chúng  nó rất ghê tởm. Bao nhiêu hoạn họa,  bao nhiêu khổ đau ấy chứng tỏ rằng bấy nhiêu nghiệp quả xấu đã bị xóa sạch.
Khi những sự lo buồn  của bạn  gia tăng, thì chính là các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu đã ghi nhận nguyện ước của bạn, đó là một  điềm tốt vậy. Nếu  mọi việc  xảy đến  với bạn  đều tốt đẹp, chúng ta phải kết luận rằng  bạn  chưa làm cho các Ngài để ý đến. Ở đây cũng vậy sự thấy của nhà Huyền bí học trái ngược với ý tưởng của thế nhân. Những gì người đời cho là xấu xa, thì lại tốt đẹp theo quan  điểm Huyền bí học.
Khi những sự khổ đau và những sự mất mát đang đè nén bạn gia tăng với những lời trách móc và chỉ trích nghiêm khắc của  những người ở chung quanh, thì bạn là người trả được Quả Báo nhiều nhất. Vài tai họa tức khắc gợi lên lòng thiện cảm của kẻ khác và người đau khổ có thể nhận được một sự trợ giúp lớn lao. Ngược lại, có những hoạn họa khác gây ra sự phiền trách. Có thể  bạn đã làm hết sức bạn nhưng những sự đau khổ khốc liệt cứ tấn công bạn và hơn nữa người đời chống đối bạn, trách cứ bạn. Khi điều này xảy ra, con người trả được một phần lớn Quả Báo xưa. Yếu tố được gia thêm và khó chịu này giúp cho con người trả sạch quả và nhanh chóng.
Rất dễ mà thấy những sự kiện trên đây là một sự thật trên phương diện lý thuyết, khi chúng ta được trình bày bằng lời nói  hay là sách vở nhưng điều mà bạn phải làm là nhớ đến chúng nó cho đúng lúc. Thường thường người ta chấp nhận chúng để chờ  đem ra thực hành, nhưng sau đó lại chóng quên đi. Bạn hãy cố gắng làm cho chúng thâm nhập vào trí óc bạn, để bạn không thể quên chúng được. Như thế khi nghĩ đến chúng, bạn có thể  lấy sức mạnh của sự đau khổ, và bạn có khả năng giúp đỡ các huynh đệ của bạn trong cơn khốn khổ của họ. Sự hiểu biệt minh bạch này cần thiết cho bạn, nó có thể giúp bạn hiểu những người chung quanh một cách dễ dàng, khi bạn thấy những sự khổ não cứ thường xảy đến cho những người rất lương thiện, mà người ta thường nói  họ không có làm điều gì cho đáng tội trạng ấy - ít ra cũng trong  kiếp này,  họ được nhìn nhận  là người chỉ làm những việc tốt lành và hữu ích. Chúng ta có khuynh hướng so sánh mình với những người hữu phước hơn chúng ta. Ðôi khi điều rất tốt là chúng ta so sánh mình với những kẻ ít phước hơn chúng ta, để chúng ta có thể ý thức được tất cả những ân phước mà chúng ta đã thừa hưởng. Chúng ta quên những lý do tri ân của mình, vì chúng ta luôn luôn nghĩ đến những nỗi khổ đau, mất mát là phần số của chúng ta và đó chính là điều chúng ta không nên làm.
C. W. L.  Khi đã thật hiểu Luật Nhân Quả và tin tưởng ở nó, người ta không thể nào không an vui. Chúng ta nên nhớ rõ rằng Luật Nhân Quả là một định luật cũng như định luật hấp dẫn. Nó luôn luôn tác động. Dường như đôi khi người ta nói rằng Nhân  Quả động tác một cách ngẫu nhiên, trong lúc người ta hành động. Ðiều ấy không đúng. Chúng ta luôn luôn bị nó chi phối. Con người  tạo cơ hội cho Luật Nhân Quả tác động đến y, mỗi khi y làm, y nghĩ hay nói một cách nào đó. Luôn luôn chúng ta phải thanh toán với Nhân Quả, ấy là tổng số những hành vi tốt hoặc xấu của chúng ta. Vì chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn dã man, trong thời kỳ đó chúng ta chưa tự chủ, chúng ta đã làm đủ mọi việc đáng trách, nên có thể một số  Quả Báo xấu đang chờ đợi tất cả chúng ta, trừ khi chúng ta đã trả xong trong nhiều kiếp. Khi chúng ta chịu đựng những sự đau khổ, chúng ta nên nhận định rằng có lẽ chúng ta đang trả phần chót của Quả Báo xấu. Nếu chúng ta đọc những câu chuyện về các vị Thánh trứ danh, chúng ta sẽ thấy rằng các Ngài đã trải qua những sự đau khổ vô cùng. Những ai cố gắng giúp nhân  loại cũng đều bị đau khổ kinh khủng. Sự đau khổ đó thuộc về thành phần của việc rèn luyện để được Ðiểm Ðạo, nhưng sự công bằng vẫn  luôn luôn tuyệt đối, vì không thể có một sự bất công nào, dù là để luyện mình đi nữa.
của câu văn kỳ lạ này: "Ðức Chúa Trời hành hạ người mà Ngài thương". Có vài người tự làm khổ cho mình nhiều mà không phải  tại quả báo cũ của họ; họ phẫn uất vì những hoàn cảnh thay vì phải sống một cách an nhiên, nhưng các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu  không  trách nhiệm về việc đó.
 
Dù quả báo của con có nặng nề đến đâu nữa, con cũng phải  cảm ơn  các Ðấng Chí Tôn không cho con trả nhiều hơn cái đó.
C. W. L.  Khuynh  hướng chung của hầu hết những người đau khổ là  phàn nàn  về thân phận mình và nghĩ  lại lúc mà những sự việc đều được tốt lành. Chọn lấy thái độ ngược lại, chúng ta có thể nói rằng: "Cũng có thể xảy đến cho tôi những điều còn tệ hại hơn nữa", hoặc: "Tôi rất vui mừng đã trả hết quả báo này; tôi có thể còn trả nhiều hơn  nữa; ít ra tôi muốn lợi dụng được điều đó".
Con hãy nhớ rằng ngày nào quả xấu của con chưa tiêu tan và con chưa được giải thoát, thì con chưa giúp ích cho Ðức  Thầy được bao nhiêu.
A. B.  Theo quan điểm của Ðức Thầy thì người ta trả được món nợ nghiệp quả đang đe dọa y là điều rất tốt, vì chúng ta đừng quên rằng Ðức Thầy bị trở ngại vì Quả Báo xấu của những kẻ khao khát phụng sự Ngài. Quả Báo này ngăn cản Ngài không cho Ngài dùng họ như điều Ngài sẽ làm nếu không bị trở ngại. Bà Blavatsky luôn luôn nói một cách thật chân thành về việc riêng của bà (Bà tuyệt đối chân thật). Bà nói về việc khủng hoảng do vợ chồng Coulomb gây ra như sau: "Hiện nay tôi không có làm gì cho đáng tội ấy; đó chính là món nợ cũ của tôi". Trả sạch Quả Báo này là điều tối quan trọng đối với bà. Sự bêu xấu và lăng  nhục mà bà chịu đựng trong  khi câu chuyện đang tiếp diễn là một  ân huệ lớn lao nhất cho bà. Bà xem xét  tình trạng một cách thản nhiên, đôi khi, bề ngoài bà cũng tỏ ra bối rối.
Tất cả những người chí nguyện phải nhờ tư tưởng này trợ giúp, để họ không nhìn vào họ, chỉ hướng về Ðức Thầy mà tự nhủ rằng: "Những sự thử thách mà tôi sẽ chịu đựng sẽ làm cho tôi có khả năng hơn nữa để phụng sự Ngài".
này: "Tôi càng được tự do, thì tôi càng có thể phụng sự Ðức Thầy nhiều hơn nữa". Khi  món quà đã cho, thì không được lấy nó lại. Ðây là ý niệm rất phổ thông trong những sách xưa Aán Ðộ, những chuyện tích của họ luôn  luôn lập lại điều đó: Món quà đã tặng, một lời nói đã thốt ra không thể nào lấy lại được. Có nhiều trường hợp món quà mà bạn đã tặng  lúc trước lại trở về với bạn, thì bạn phải đem tặng nó lại. Món quà ấy không còn thuộc về bạn nữa, giữ nó tức là trộm cắp. Vậy, khi mà món quà đem cho chính là bạn - thì đó là tặng phẩm cao cả và tốt đẹp hơn hết - bạn đừng bao giờ lấy lại. Người ta luôn luôn hiến mình cho Ðức Thầy bằng lời nói, nhưng vừa lấy ngón tay chận lên món quà để có thể kéo lại đàng sau một lần nữa, nếu Ðức Thầy chấp nhận lời nói của họ, như đôi khi Ngài đã làm, để chứng tỏ cho họ thấy rằng họ đã mơ mộng và họ đã hứa nhiều mà họ không giữ tròn lời hứa.
C. W. L.  Nếu một người kia đã trả sạch quả xấu của y rồi, thì y sẽ dùng trọn cả ngày giờ và sức lực của y để phụng sự công nghiệp của Ðức Thầy - như đã giải thích, Ðức Thầy bị trở ngại vì Quả Báo xấu của chúng ta. Khi chúng ta trả sạch quả mau chóng, chúng ta càng có khả năng phụng sự Ngài. Bà Blavatsky đã xác nhận điều này một cách quả quyết, lối năm 1884 bà bị Coulomb và những người khác ở Madras tấn công bà.  Phẫn nộ vì hành vi thù nghịch này, buồn phiền vì sự vong ân của họ đối với bà, bà băn khoăn, lo  lắng khi bà tự hỏi nếu những điều đó có ảnh hưởng đến Hội và gây ra tai hại cho Hội; nhưng bà lại nói rằng: "Ít ra chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, tất cả những sự xáo trộn này làm cho Ngài được một người tôi hữu ích hơn nữa".
Chúng ta có thể áp dụng những ý tưởng này trong những chuyện khó khăn của Hội cũng như những chuyện khó khăn của  chúng ta. Bạn hãy luôn luôn nghĩ đến việc phụng sự Ðức Thầy, khi Hội giải trừ xong những quả xấu của nó. Nó sẽ tiếp tục tiến bước khi cơn khủng hoảng đã qua, vì nó phải trả xong một phần quả xấu nào đó, mới được hữu ích hơn và thành một khí cụ tốt lành trong  tay những  vị Chủ Nhân thực sự của nó.
Hội giải trừ được một số Quả Báo này thì Hội có thể nhắm  đến những mục đích cao xa hơn. Theo lời nói của Bà Blavatsky, thứ Quả Báo này trục xuất chất chết, nghĩa là những người về phương diện chân lý đã đạt đến "mức bão hòa" họ không thể tiến tới được nữa. Trước đây, họ tỏ ra rất hữu  ích, nhưng hiện giờ họ là những chướng ngại cho sự  tiến hóa. Tuy nhiên những người khác trong chúng ta thường rất tiếc khi mất những người bạn này. Trong cuộc khủng hoảng mới đây, tôi thấy hình như tôi là một trung tâm của cơn bão tố đó và nhiều người hiểu lầm tình trạng cần được tha thứ,  nên tôi bạo gan bạch với Ðức Văn Minh Ðại Ðế rằng cuộc thử thách này rất nặng nề cho họ và cầu  khẩn xin Ngài tha thứ cho họ. Lẽ dĩ nhiên sự mạo muội của tôi làm cho Ngài nở  một nụ cười bao dung và Ngài hỏi tôi: "Con có bằng lòng chăng, nếu mấy người này bác bỏ Bà Besant"?
Tôi trả lời: "Vâng, bạch Ðại Ðế, chắc chắn con bằng lòng". Tôi cảm thấy chắc họ không làm như thế. Nhưng vài tháng sau  đó; họ lại chống với bà. Rồi cũng với nụ cười bao dung ấy, Ðức Văn Minh  Ðại Ðế, lại hỏi tôi rằng: "Con thấy đó. Trong kiếp này mặt trời của họ đã lặn rồi. Nhưng còn có những kiếp khác và ngày mai, mặt trời sẽ mọc như cũ".
Không có người nào là thiết yếu cả; bên Ấn Ðộ đã xảy ra một Chi Bộ tiến triển chung quanh một hội viên có uy tín, nhưng khi người ấy đến cư ngụ tại một đô thị khác, thì chi bộ ấy tan rã. Khi  Bà Blavatsky  từ  trần, nhiều người trong chúng ta hằng ngày quen nhận được một nguồn cảm hứng ở bà, cảm thấy ánh sáng đã xa lìa họ. Rồi một bậc  vĩ  nhân khác lại xuất hiện, đó là Bà Hội Trưởng
của chúng ta hiện nay. Nhưng tôi chắc chắn bà là người thứ nhất nói với chúng ta rằng một ngày kia đến lượt bà ra đi, chúng ta không cần  lo sợ cho Hội. Khi những khí cụ thay đổi thể  xác, dưới  con mắt của kẻ vô minh thì chúng dường như chết đi. Nhưng các Ðấng Chơn Sư  còn đó. Các Ngài không chết, và bao giờ  các Ngài  còn hiện diện, thì luôn luôn  sẽ có một người nào đó tiếp tục công nghiệp của các Ngài.
 
Khi con hiến thân cho Ngài, thì con xin nhồi quả cho con. Làm sao trong một, hai kiếp con trả sạch nghiệp quả của con; không vậy, thì cả trăm kiếp nữa con mới trả hết. Nhưng muốn lợi dụng cách trả quả ấy thì  con phải bằng lòng nhận lãnh một cách vui vẻ.
A. B.  Cách thức trả quả cũ gây ra một nhân mới. Ðừng bao giờ  quên những  điều đó. Nếu bạn biết lợi dụng cái gì dường như Quả xấu, thì bạn sẽ vận dụng những mãnh lực mới để làm việc thiện. Trái lại, nếu bạn không sẵn sàng nhận lãnh Quả xấu  ấy, bạn  trả quả một cách miễn cưỡng, thì sẽ xảy ra một hậu quả trái ngược. Bạn hãy nhớ lại lời Ðấng Christ trong một bài thuyết pháp trên  núi: "Con hãy tức khắc hòa hợp với kẻ nghịch của con, trong khi con cùng đi với hắn" [82]. Ðiều rất hay là nên theo lời khuyên này, khi nghịch cảnh hiện đến. Những sự phiền não, những sự mất mát của bạn, bề ngoại như là một kẻ thù nghịch của bạn, bạn hãy đón tiếp chúng một cách can đảm, bạn hãy hòa hợp với chúng một cách mau chóng và như  thế bạn không còn dính dấp đến chúng nữa. Chúng ta có thể giải trừ Quả Báo xấu của chúng ta mau chóng hơn, nếu trong khi gặt quả cũ, chúng ta không gieo nhân mới nữa.
C. W. L.  Người ta thường nói đến việc hiến mình cho Ðức Thầy, rồi người ta lại lo sợ rằng Ngài đòi hỏi quá nhiều. Ðó là  tâm trạng của Ananias và Sapphire. Hai người bất hạnh này có quyền giữ lại một phần tài sản của mình, nếu họ muốn. Nhưng họ lầm lỗi, chính vì họ quả quyết rằng họ đã cho ra tất cả. Chúng ta đang trải qua giai đoạn có đặc tính này: "Tôi có thể cho cái này; tôi có thể làm việc kia cho Ngài, nhưng tôi không thể hiến mình mà không để dành lại phần nào cho tôi". Khi hiến thân cho Ðức Thầy, chúng ta phải tự hiến với tấm lòng cao thượng như dâng tặng một phẩm vật nào khác. Và cũng không được đặt một điều  kiện nào về cách  sử dụng phẩm vật của chúng ta dâng, mà cũng không muốn lấy lại  phần nào. Mỗi người phải tin chắc việc này. Ðức Thầy không đòi hỏi quá nhiều. Nếu chúng ta hiến mình cho Ngài, thì chúng ta đừng ngạc nhiên và bất bình khi sự đau khổ thình lình xảy đến cho  chúng ta. Ðó là dấu  hiệu món quà đã được chấp nhận một phần nào rồi. Thế nhân đã lầm khi cho những dấu hiệu của sự tiến bộ mau chóng là những sự đau đớn, khổ não. Lắm khi thay vì tỏ lòng thiện cảm với chúng ta, nhiều người lại quở trách chúng ta, nhưng thường thường đó là Quả Báo tốt hơn hết của chúng ta vậy.... Bị  ngộ nhận, thấy điều tốt của chúng ta cải trang ra sự xấu, như lời Ruysbroek đã nói, đó là những điều hình như luôn luôn chờ đợi chúng ta, khi chúng ta đi gần đến mục đích chót. Trong lịch sử, đó là kinh nghiệm của tất cả những vị Ðại Giáo Chủ của khoa Huyền Bí Học hay Thần Bí Học. Vui lòng chịu đựng, điều đó sẽ gây ra quả lành và khai mở được ở nơi chúng ta nhiều đức tánh cao quí như là nhẫn nại, bền chí, chịu đựng, đại lượng và quyết định. Như  thế  từ nghiệp xấu xưa, chúng ta có thể rút lấy cái tốt đẹp.
Còn một điểm khác nữa: con hãy diệt mọi ý muốn chiếm hữu. Có thể quả báo sẽ làm cho con mất những vật mà con quí chuộng hơn hết, cũng có lẽ những người mà con thương yêu nhất. Dù như thế, con cũng phải sẵn sàng vui lòng chia lìa bất cứ là vật nào, và bất  cứ người nào.
A. B.  Bây giờ chúng ta đi đến một điểm khó khăn hơn trước vô cùng, còn khó hơn việc chịu đựng quả xưa. Phải diệt trừ mọi ý muốn chiếm hữu, trước  hết là đối với những vật, sau đó là những người. Sự  diệt trừ  sau cùng này là một việc tế nhị hơn. Bạn có thể  từ bỏ ý muốn chiếm hữu đối với những người bạn thương yêu hơn hết không? Ðôi khi người ta tưởng rằng bạn đã thực hiện được  điều này, những cơ hội đến thử thách bạn và thường cho thấy họ đã lầm. Bạn  có thể  để  cho  một  sự sống lìa khỏi sự sống của quí bạn không? Sự sống đó còn quí hơn sự sống của bạn nữa. Bạn có thể gọi sự chia lìa này là sự  thử thách cuối cùng  và khó  khăn nhất về sự sùng tín chân thật của bạn đối với Ðức Thầy về điểm này. Tất cả người chí nguyện phải tự  kinh nghiệm lấy mình; trước khi sự thử thách thật sự do hoàn cảnh đưa đến, sự tập luyện trước có thể làm giảm sức mạnh của biến cố. Bạn chớ có diệt tình thương của bạn đối với kẻ khác, đó là phương thức đặc biệt của những Mãnh Lực hắc ám [83]. Bạn có thể tập tránh tiếp xúc với một người nào đó trong một thời gian mà vẫn tiếp tục thương yêu y như trước, bạn  làm một công việc gì bắt buộc phải xa kẻ đã làm ra sự tươi đẹp của đời sống bạn. Nếu bạn có thể làm như thế một cách hăng hái và vui vẻ, thì bạn đã chuẩn bị xong để đáp lại lời kêu gọi khi nó đến với bạn, lời kêu gọi bỏ tất cả để theo Ðức Thầy.
Bạn hãy nhớ ý tưởng này đã được bao lần nhấn mạnh trong những câu chuyện  được lập lại, và truyền đến  chúng ta về những  gì đã xảy ra lúc Ðức Di Lạc ở tại Palestine. Tất cả những người được kêu gọi đều không tỏ ra xứng đáng nắm lấy cơ hội. Tuy  nhiên có vài người được chọn lựa. Những người bỏ tất cả và theo Ngài thì trở thành những nhà truyền giáo sau khi Ngài bỏ xác. Còn  những người khác thì chẳng bao giờ được nghe Ngài nói nữa. Bạn hãy nhớ người thanh niên giàu có kia ra đi trong lòng vô cùng buồn bã, dù rằng người ta chỉ đòi hỏi chàng việc từ bỏ tài sản mà thôi.  Có vài người tin rằng nếu ở vào địa vị người thanh niên kia thì họ sẽ tức khắc đáp lại lời kêu gọi. Nhưng tôi không chắc rằng nhiều người có thể bỏ tài sản to tát của họ để đi theo một vị giáo sĩ ta bà, vì Ðấng Christ đã hiện ra dưới hình thức của một nhà truyền giáo rày đây, mai đó với vài người vô giáo dục. Sự thử lòng của vị đệ tử là cái đó: từ bỏ tất cả những vật mà bạn quí chuộng nhất cũng như những người mà bạn thương yêu hơn hết và theo Ðức Thầy.
C. W. L.  Trên  phương diện cá nhân, chúng ta phải hiểu rằng không có cái gì thuộc về chúng ta cả, những gì mà chúng ta có đây là vật ủy thác cho chúng ta để hỗ trợ cho sự tiến hóa. Một người  giàu có uy  thế, là vì những sự lợi ích này giúp cho y có cơ  hội để làm việc nhiều hơn trước cho nhân loại. Không có gì là của riêng của chúng ta, để chúng ta sử dụng chúng một cách ích kỷ. Chúng ta ở vào địa vị một vị giám đốc hoặc một nhân viên được tín nhiệm trong sự chi dụng tiền bạc của hãng và phải hết sức thận trọng như của riêng của mình. Thái độ của người giàu có và người có uy quyền phải như thế.
Chính Chơn Sư đã sống như những người đại diện cho nhân loại một cách tốt đẹp phi thường. Các Ngài tự xem mình như những vị quản lý những quyền năng vô lượng, vô biên mà các Ngài đang có. Ðó là lý do tại sao Ðức Thầy không gây ra Nghiệp Quả nào, dù  tốt hay xấu, có thể buộc trói Ngài vào tình trạng của con người. Các Ngài hoạt động, các  Ngài thực hiện đến một mức độ cao siêu, nhưng không tạo ra một Nghiệp Quả nào trói buộc các Ngài, vì các Ngài làm việc một cách vô tư, không một mảy may ham muốn riêng cho mình. Các Ngài làm việc giống như một quân nhân chiến đấu giữa chiến trường không để ý đến một kẻ địch nào ngã gục dưới tay y và nghĩ rằng y chiến đấu cho chính nghĩa, cũng như một bộ phận  của guồng máy vĩ đại.
Cũng thế đó, các Ngài làm việc như một phần tử của Ðại Ðoàn Thể, như những nhân viên của Quần Tiên Hội và của nhân loại. Và tất cả những công nghiệp tốt đẹp của các Ngài đều hồi hướng cho loài người, và giúp  nhân  loại tiến lên.
Trước hết phải bỏ ý muốn chiếm hữu đối với vật, kế đó là người, điều  này còn khó khăn hơn nữa. Chúng ta có thể mất họ vì tử thần đã đem họ đi, như  người ta thường nói hoặc có thể họ phải xa chúng ta để phụng sự nhân loại. Ðiều này đúng trong cả ngàn trường hợp lúc Ðại Thế Chiến, người vợ hiến chồng, người mẹ hiến  con trai mình cho cuộc chiến đấu vì lẽ phải. Làm sao chúng ta lại do dự trong sự  làm việc để phụng sự Ðức Thầy như hàng ngàn người khác đã làm để phụng sự tổ quốc họ. Khó mà dễ xa lìa chúng ta một người mà sự sống còn quí hơn sự sống của chúng ta. Tuy nhiên, có nhiều người đã bằng lòng thực hiện việc ấy, kẻ thì ở trong tình cảnh bi ai, người thì ở trong tình trạng khiến cho sự hy sinh có tính cách thánh thiện và tốt đẹp.
Những người đi theo con đường tà đạo đã hủy diệt tình thương và do đó họ tránh được tất cả những sự đau khổ này. Nhưng những ai tha thiết muốn được gia nhập vào Quần Tiên Hội thì phải làm cho tình thương không ngớt phấn khởi, phải hủy diệt hoàn toàn  lòng ích kỷ pha lẫn bên trong. Bạn hãy nhớ đến thanh gươm đâm thủng trái tim của Ðức Mẹ, Thánh Mẫu Ðồng Trinh Maria, mà Ngài có thể tránh thanh gươm đó bằng cách dứt bỏ trong lòng  Ngài mọi kỷ niệm về người con trai của Ngài và quên phứt đi. Trong nhiều trường hợp, lời của Ðấng Christ đã được áp dụng như sau: "Ðừng tưởng rằng Ta đến đây để đem sự hòa bình cho thế gian. Ta đến chẳng phải đem sự hòa bình mà để đem một thanh gươm" [84]. Ngài muốn nói rằng giáo lý mới mẻ của Ngài ở nơi này hoặc ở nơi khác, chỉ được một người trong  gia đình kia chấp nhận, còn những người khác thì chỉ trích và gây ra chia rẽ, hoặc là người  ấy phải lìa bỏ mái nhà của mình và bạn bè để hoàn thành công việc đặc biệt. Cũng giống như thế, có nhiều trường hợp trong một  gia đình chỉ có một người hiểu biết được giáo lý Thông Thiên Học, lại bị mấy người khác chống đối, bởi đó sinh ra sự đau khổ và chia rẽ. Ngày nay, thường có người rời bỏ gia đình để đi làm giàu ở cuối chân quả địa cầu mà không bị ai phiền trách, nhưng nếu có người  làm như vậy để giúp ích nhân loại, y sẽ bị phản đối ngay. Tinh thần hiện đại vẫn trì trệ như thế.
Bạn hãy nhớ tất cả những chướng ngại do vua Tịnh Phạn  gây ra khi Thái Tử Tất Ðạt Ða muốn hiến mình cho đạo đức. Nhà vua đã tiêu hao tiền muôn bạc vạn và một phần lớn đời Ngài, hy vọng con trai Ngài tránh khỏi định mệnh cao cả đang chờ đợi trong tương lai. Ngài hy vọng làm cho Thái Tử  thành một vị Hoàng Ðế lớn nhất ở Ấn  Ðộ chứ  không phải một vị Ðại Giáo Chủ mà thế gian chưa hề biết, theo lời tiên tri của các chiêm tinh gia. Nhà vua biết rằng nếu con trai Ngài thành một vị giáo chủ, thì phải chấp nhận sự nghèo khổ và xả thân vong kỷ; Ngài không hiểu rằng chính hai điều này đã đưa con Ngài lên cao hơn tất cả những  vị vua chúa trên thế gian. Không phải tên của một vị Ðại Hoàng Ðế được lưu lại lâu nhất trong ký ức con người, mà chính là tên của một vị Giáo Chủ. Vua Tịnh Phạn  mong mỏi con trai Ngài có một quyền lực lớn lao vô cùng và thanh  danh có một không hai trong lịch sử. Hai điều này đã được chuẩn y, nhưng không hề đúng như sự mong muốn và dự tính của Ngài. Uy lực của Ðức Phật vượt cao hơn tất cả uy lực của bất cứ vị vua nào trên thế gian và danh tiếng của Ngài lừng lẫy khắp thế giới.
Ðấng Christ đã nói: "Hãy bỏ tất cả và theo Ta". Khi những bằng hữu Thiên Chúa Giáo của chúng ta đọc những lời này trong Thánh Kinh Tin Lành, thì họ tin chắc chắn họ sẽ vâng lời ngay. Ðiều này không chắc lắm. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị của  những người trong thời ấy. Bạn hãy nhớ người thanh niên rất giàu có đến tìm Chúa. Tài sản của y chắc chắn ràng buộc y với những  nhiệm vụ  mà y không thể dứt bỏ. Tất cả dư luận, tất cả nghi thức xã hội, tất cả uy lực chính thống của thời ấy đều liên kết nhau đặng chống lại Chúa. Ngài chỉ là một Giáo Chủ đáng thương, đi ta bà, không biết một nơi để tựa đầu nghỉ cho khoẻ. Trước những nghịch  cảnh đó, chúng ta có muốn theo Ngài chăng? Chúng ta có thật chắc chắn là chúng ta sẽ bỏ tất cả đặng theo Ngài, người mà những vị đại mục sư và tất cả những nhà chính thống giáo đều cho là cuồng tín? Chúng ta có tự hỏi rằng rốt cuộc, chúng ta sẽ bỏ mồi bắt bóng chăng? Ðiều này không chắc lắm. Có thể ngày nay sự việc cũng diễn ra như thế, nhưng có những người trong chúng ta đã bỏ những vật sở hữu khác để theo Ðức Thầy mà họ không hề luyến tiếc chút nào.
Thường  thường Chơn  Sư cần truyền thần lực cho kẻ khác  qua trung gian của đệ tử Ngài. Nếu trò ngã lòng, rủn chí thì  Thầy không thể làm chi được. Vậy tính an phận phải được xem như là một giới luật.
C. W. L.  Từ đầu chí cuối, quyển sách này có lập luận làm nền tảng cho tất cả những qui tắc: đó là Phụng Sự Ðức Thầy. Chúng  ta có thể nương cậy vào nhiều lý do  khác để chống lại sự ngã lòng - chẳng  hạn nó có hại cho bản thân chúng ta và tạo cho kẻ khác một cảm giác khó chịu. Nhưng ta gặp một điểm nổi bật ở đây là Ðức Thầy không thể dùng chúng ta làm một con kinh để  truyền  thần  lực, nếu chúng ta tự buông trôi trước sự ngã lòng.
A. B.  Ðây là lý do cho thấy tính an phận phải là giới luật, vì  một lần  nữa ý tưởng phấn khởi ấy lại được trình bày cho chúng ta biết rằng  Ðức Thầy cần sự giúp đỡ của bạn, bạn có thể trở nên  hữu ích cho Ngài! Thần lực của Ngài hoàn toàn vui tươi, vì nó phát sinh từ thần lực của Ðức Thượng Ðế, làm sao nó theo được một vận hà bị sự ngã lòng làm tắt nghẽn.
Dường như kỳ lạ cho rằng Ðức Thầy không thể làm được điều nầy hay điều khác, nhưng đó là sự thật. Thỉnh thoảng người ta  nghe Ngài nói; "Ta không thành công". Khi các Ngài làm việc ở cõi trần, thì quyền năng của các Ngài bị giới hạn do những điều kiện đặc biệt của cõi vật chất. Thường thường các Ngài không thể ảnh hưởng đến một người ở cõi trần, nếu không nhờ trung gian của một người khác. Do đó các Ngài cần sự giúp đỡ mà bạn có thể hiến cho các Ngài. Không có sự giúp đỡ ấy, vài công việc không thể thực hiện được và bởi đó, sau nầy phải dẹp bỏ những chướng ngại, mà  đáng lẽ  chúng không  bao  giờ  xuất hiện được.