Chương 23

Về đến nhà ông Tịnh ngạc nhiên khi không trông thấy Tịnh Phương. Suốt buổi lễ và sau đó là bữa tiệc linh đình, ông cũng không trông thấy cô con gái. Nhưng dù cho Tịnh Phương có phủ nhận cách nào thì ông cũng biết là nỗi đau trong lòng Tịnh Phương còn quá mới mẻ. Chứng kiến hạnh phúc của Thoại và Mỹ Chi sẽ càng làm cho cô đau lòng hơn nên sự vắng mặt của Tịnh Phương không làm cho ông ngạc nhiên. Và ông nghĩ, khi về đến nhà ông sẽ tìm cách an ủi con gái.
 
 
Ông Tịnh từ ngạc nhiên tới lo lắng khi căn nhà của ông hoàn toàn vắng lặng. Bà Mỹ Hương cũng đã nhận thấy được sự lo lắng của ông. Trong niềm vui đang dâng cao vì hạnh phúc của con gái đang đông đầy, bà tỏ ra chu đáo:
- Anh hỏi điện hỏi thăm những người bạn của con gái đi anh. Có lẽ là nó đang tới chơi nhà một người bạn nào đó thì sao!
Ông Tịnh nhăn mặt:
- Có đi chơi đâu thì bây giờ cũng phải về rồi chứ có đâu lại cứ đi mãi như thế.
Bà Mỹ Hương ngọt ngào:
- Có khi về nhà một mình cũng buồn nên con nó đi chơi một lát cũng đâu có sao mà anh lại cằn nhằn như thế...
- Chú Tịnh ơi!
Tiếng một người thanh niên gọi to ngoài cổng làm cắt ngang câu chuyện của hai người. Rồi anh chàng vừa gọi ông Tịnh đi thật nhanh vào nhà. Ông Tịnh ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì vậy Minh?
- Tịnh Phương về chưa hả chú?
Ông Tịnh hỏi ngay:
- Sao cháu lại hỏi thế? Cháu gặp em nó ở đâu à?
Minh ngập ngừng:
- Hồi nãy cháu gặp Tịnh Phương, có điều....
- Cháu gặp em nó ở đâu? Có chuyện gì sảy ra với nó hay sao?
Mịnh không trả lời ông Tịnh mà đưa mắt nhìn bà Mỹ Hương, ông Tịnh nóng nảy thúc giục:
- Cháu cứ nói đi, cháu đã gặp Tịnh Phương ở đâu?
- Là cháu gặp Tịnh Phương ở nhà hàng của chỗ tổ chức tiệc đính hôn Mỹ Chi khi nãy...
- Thì là Tịnh Phương đi dự tiệc chứ gì? Nhưng sao chú không thấy nó?
Minh lắc đầu:
- Không phải là chỗ đính hôn của Mỹ Chi đâu ạ, mà là nhà hàng trên sân thượng cơ. Và không phải cháu chỉ gặp một mình Tịnh Phương...
Minh cứ nói từng câu dông dài khiến ông Tịnh sốt ruột, ông thúc hối:
- Thế nó đi với ai? Mà cháu biết những gì thì nói ra nhanh xem nào, cứ cà kê mãi khiến chú điên lên bây giờ.
Minh ngập ngừng một chút rồi nói thẳng:
- Cháu thấy Tịnh Phương đi với một anh chàng nào lạ lắm, cháu chưa gặp bao giờ. Nhưng điều đáng nói là không hiểu sao Tịnh Phương lại say mèm, và anh ta đưa cô ấy xuống phòng nghỉ...
Ông Tịnh la lớn:
- Trời ơi, sao khi đó cháu không đưa Tịnh Phương về ngay cho chú lại để nó đi với người lạ. Mà không biết đó là ai nữa chứ?
Minh phân giải:
- Khi đó cháu đang ngồi với khách hàng nên không tiện đi theo, nhưng sau đó cháu đã hỏi những người phục vụ nên biết anh ta đưa Tịnh Phương vào phòng. Cháu vội về gọi chú đây nè.
Ông Tịnh bước nhanh ra cửa:
- Vậy thì cháu đưa chú tới đó mau lên, chú đang muốn điên lên đây nè.
Bà Mỹ Hương lúp xúp chạy theo ông Tịnh và Minh:
- Đợi tôi đi với!
Ông Tịnh khoát tay:
- Bà ở nhà, không cần phải đi theo làm gì!
Ra đến ngoài cửa, Minh nói với ông Tịnh:
- Xe cháu đang để sẵn đây, để cháu chở chú luôn cho nhanh.
Ông Tịnh gật đầu:
- Vậy cũng được chứ chú bây giờ không còn tâm trí nào mà chạy xe nữa đâu.
Trên đường đi ông Tịnh hỏi Minh:
- Cháu có chắc là thằng đó đưa Tịnh Phương và khách sạn đó không? Hay là nó đưa đi chỗ khác?
Minh quả quyết:
- Cháu nghe cậu ta với nhân viên nhà hàng nói chuyện với nhau rõ ràng mà. Vả lại cháu cũng đã từng thấy Tịnh Phương gặp cậu thanh niên này một lần rồi.
- Cháu gặp tụi nó ở đâu?
- Ở tiệm café ngoài chợ. Hôm đó không biết hai người giằng co nhau thế nào mà rơi một gói tiền nhiều lắm.
Ông Tịnh kinh ngạc:
- Tiền gì? Của ai?
Minh lắc đầu:
- Cháu cũng không biết, chỉ trông thấy thế thôi. Và ngay sau đó thì Tịnh Phương bỏ ra về ngay, dáng điệu cô ấy có vẻ vội vã lắm.
Ông Tịnh lại quay trở lại với nỗi lo lắng của mình:
- Bây giờ thì không biết tụi nó thuê phòng nào? Làm sao mà kiếm được đây?
Minh trấn an ông:
- Chú đừng lo, cháu quen với viên quản lý. Chắc là hỏi được đó.
Ông Tịnh than thở:
- Thật là khổ, từ trước tới giờ nó vẫn ngoan hiền, không biết tại sao lại sảy ra tai họa như thế này vậy nữa?
- Chú Tịnh này...
- Gì đó Minh?
- Cháu có một thắc mắc, không biết có nên hỏi không?
- Cháu cứ nói đi, chúng ta cũng đâu phải người xa lạ gì với nhau.
Nghe ông Tịnh nói thế, Minh mạnh dạn hỏi ngay:
- Từ trước tới nay cháu cứ nghĩ là gia đình ông Mẫn đã chọn Tịnh Phương cho Thoại chứ. Sao bây giờ lại khác đi như thế hở chú?
Không muốn để chuyện không vui lan rộng ra ngoài, ông Tịnh lắc đầu phủ nhận ý nghĩ của Minh:
- Làm gì có chuyện đó, chỉ là do hai đứa nó thân thiết với nhau nên mọi người mới nghĩ như thế thôi. Vả lại chúng nó sống bên nhau từ bé, tình cảm có khác gì anh em ruột thịt, làm sao có chuyện đó sảy ra được!
Minh gật gù:
- Có thế thì Thoại mới cưới Mỹ Chi chứ không lẽ nó lại vô tình như người ta nói hay sao. Tới đây rồi, chú đứng đây đợi cháu gửi xe đã nhé.
 
Đứng đợi Minh gửi xe mà lòng ông Tịnh nóng như lửa đốt. Vì thế vừa thấy anh trở lại là ông đã sải bước đi thật nhanh vào khách sạn khiến Minh phải chạy theo ông.
Hỏi được phòng mà Khoa đã thuê, Minh ngần ngừ hỏi ông Tịnh:
- Chú lên một mình nhé, cháu không muốn Tịnh Phương khó xử.
Thấy ý kiến của Minh có lý, ông Tịnh gật đầu ngay:
- Vậy thì chú cảm ơn cháu rất nhiều. Bây giờ thì cháu về trước đi!
- Rồi một lát nữa làm sao chú về?
Ông Tịnh khoa tay:
- Thiếu gì xe mà cháu phải lo như thế.
Minh gật đầu:
- Vậy thì cháu về trước.
Minh vừa bước đi được hai bước, ông Tịnh như sực nhớ ra một điều. Ông gọi giật anh lại:
- À, Minh này...
Minh ngừng bước, quay lại:
- Chú cần gì cháu nữa ạ?
Ông Tịnh lắc đầu, giọng ông ngập ngừng:
- Chú không cần gì, nhưng chú muốn nói với cháu việc này...
Minh sốt sắng:
- Chú cứ nói ạ!
- Chuyện là vầy, chú muốn nhờ cháu giữ kín giùm chuyện hôm nay.
Minh gật đầu ngay:
- Điều đó thì chú cứ yên tâm, cháu sẽ không để ai biết đâu.
- Vậy thì cảm ơn cháu, chú không cần gì nữa đâu.
- Vậy cháu về.
 
Bước vào thang máy ông Thịnh thấy mình như đang đứng trong một cái hộp kín bưng làm cho ông thấy bức bối, ngột ngạt. Vì thế, ngay khi thang máy mở ra, ông lao nhanh ra ngoài. Đến đúng căn phòng cần tìm, ông Tịnh đứng sững lại trước căn phòng đóng kín. Trong một giây lát, ông không biết mình đang làm gì!
 
Cố gắng trấn tĩnh lại, ông Tịnh hít vào một hơi thật sâu và đưa tay lên gõ vào cánh cửa ba tiếng. Bên trong vẫn im lìm khiến ruột gan ông càng thêm sôi sục. Ông Tịnh gõ lên cửa lần nữa, lần này ông gõ mạnh hơn. Nhưng trả lời ông vẫn là sự im lặng.
Không còn chịu đựng nổi nữa, ông Tịnh xoay mạnh quả nắm cánh cửa. Ông chỉ định tạo ra tiếng động để người ở trong phòng biết mà ra mở cửa. Không ngờ cánh cửa không khoá, nên khi ông Tịnh vừa vặn nhẹ quả nắm thì cánh cửa đã bật ra ngay.
Không chậm trễ một giây, ông Tịnh lao ngay vào phòng. Và ông đứng chết sững khi trước mắt ông, Tịnh Phương đang cùng với một thanh niên nằm ngủ say sưa dưới ánh đèn chói chang.
 
Không biết toàn thân ông Tịnh tê liệt hết mọi cảm giác trong bao lâu, ngay khi ông vừa lấy lại được nhận thức của mình thì miệng ông phát ra một tiếng gầm thật to. Cái tiếng gầm đau đớn, phận nỗ của ông Tịnh to đến nỗi Khoa, đang ngủ mà cũng giât bắn người đứng lên. Và Tịnh Phương dù đang trong cơn say cũng giật mình thức giấc.
 
Vừa mở mắt ra, Khoa đã hết hồn khi đập vào mắt anh là một người đàn ông đang trừng trừng nhìn thẳng vào mắt anh. Ánh mắt của ông Tịnh như những tia lửa muốn thiêu cháy Khoa, như thiêu cháy đi nỗi nhục nhã mà ông đang chứng kiến.
 
Bật người ngồi dậy thật nhanh, Khoa hỏi ngay:
- Ông là ai? Vào đây làm gì?
Ông Tịnh lại gầm lên:
- Câu đó phải là tôi hỏi mới đúng. Cậu là ai? Tại sao lại đưa con gái tôi vào đây?
Khoa thoảng thốt:
- Bác là cha của Tịnh Phương à?
Ngay khi đó Tịnh Phương cũng vừa nhận ra ông Tịnh, cô ngạc nhiên kêu lên:
- Ba, có chuyện gì vậy ba?
Vừa nói, cô vừa chồm người để nhảy xuống khỏi giường làm cho chiếc mền khi nãy Khoa quấn quanh người cô rơi xuống đất. Mãi tới lúc này Tịnh Phương mới hoảng hốt vì nhận ra tình trạng oái ăm của mình.
Chụp vội cái mền quấn trở lại vào người, cô hét lên với Khoa:
- Tại sao tôi lại ở đây? Anh đã làm gì tôi?
 
Khoa đã bước xuống đất, anh nhanh chóng đi vào phòng tắm và mặc dù cái áo của anh vẫn còn ướt, anh vẫn mặc nó vào người. Nhìn ông Tịnh rồi lại nhìn Tịnh Phương, anh từ tốn trả lời thắc mắc của cô mà cũng là thắc mắc của ông Tịnh:
- Hồi chiều cô say quá nên tôi phải đưa cô vào đây để cô nghỉ một lát cho hết say rồi mới đưa về.
- Nhưng tại sao tôi lại thế này? Và anh cũng như thế?
Hiểu là Tịnh Phương muốn hỏi tới việc anh và cô cùng không có áo trên người, Khoa chậm rãi giải thích:
- Cô ói ra đầy hết, để như thế làm sao được nên tôi đành phải giặt cả áo của tôi và của cô. Áo của cô còn đang phơi trong phòng tắm kia kìa.
 
Tới bây giờ thì Tịnh Phương mới nhớ lại được những gì đã sảy ra. Nhưng với tình trạng hiện tại của mình, cô không thể tin những lời giải thích của Khoa. Vả lại, Tịnh Phương vẫn còn nhớ những gì mà Mỹ Chi nói về Khoa hôm cô ta nhờ cô đến gặp Khoa, vì thế cô không có một ý nghĩ nào tốt đẹp về anh ta cả. Như thế thì những gì anh ta vừa nói có đáng tin hay không hay đó chỉ là những lời chối tội mà thôi?
 
Tịnh Phương im lặng để kiểm tra lại mình, nhưng toàn than cô đang mang một cảm giác rã rời khiến cô không thể nào xác định được tình trạng thật của mình. Vì thế cô hoang mang nhìn Khoa như muốn tìm xem trong anh có bao nhiêu phần trăm sự thành thật!
 
Không còn biết làm gì nữa, nỗi hoang mang cộng với sự lo sợ đã làm Tịnh Phương bật khóc. Trong căn phòng yên lặng này, tiếng khóc của cô tuy nhỏ nhưng vang lên rất rõ trong tai cả ba người đang có mặt.
 
Ông Tịnh đã thả người xuống chiếc ghế gần đó, ông như không còn sức để chịu đựng được sự thật này. Con gái ông đã hư đốn đến mức này rồi sao? Đứa con gái mà ông vẫn thương yêu, đứa con gái mà ông vẫn tự hào nay lại đem về cho ông nỗi nhục nhã như thế này ư?
Bất giác, ông bật ra tiếng than như xé lòng:
- Con giết ba rồi Phương ơi? Bây giờ ba còn dám nhìn mặt ai nữa?
 
Câu nói của ông Tịnh càng làm cho Tịnh Phương thấy được điều đáng sợ sẽ xảy ra với cô và cha cô. Nếu như có một người nào đó biết cô ở trong phòng khách sạn với một người đàn ông như thế này thì dù cô có oan ức tới mấy cũng không thể nào gột được tai tiếng. Rồi đây, cha cô sẽ như thế nào khi phải chịu tiếng cười chê của mọi người ở nơi mà từ trước tới giờ ông luôn được tôn kính?
 
Càng nghĩ, Tịnh Phương càng sợ. Và tiếng khóc của cô càng lớn hơn. Bởi vì ngoài tiếng khóc để làm bày tỏ nỗi đau của mình, cô thực sự không biết phải làm gì, phải nói gì bây giờ!
 
Khoa như người đứng giữa một cơn mộng dữ. Anh thấy mình không có lỗi, nhưng đồng thời anh lại thấy thảm cảnh hiện giờ của cha con Tịnh Phương lại chính là do anh gây ra.
 
Không kịp suy nghĩ gì hơn, Khoa đến trước mặt ông Tịnh. Anh nói chậm và rõ ràng:
- Thưa bác, cháu xin cam kết với bác và Tịnh Phương là cháu chưa hề làm bất cứ điều gì tổn hại đến cô ấy. Nhưng vì chuyện đã đến nước này rồi, cháu xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai lầm của mình.
Ông Tịnh thiểu não:
- Cậu sẽ làm gì để sửa chữa lại sai lầm mà cậu đã làm hôm nay? Chẳng lẽ cậu lại đi rao cho bàn dân thiên hạ biết là cậu và con gái tôi hoàn toàn trong sạch ư? Ai mà tin được điều đó đối với cha con tôi?
Khoa lắc đầu:
- Cháu không phải là trẻ con mà đi làm điều đó, nhưng cháu xin phép cho cháu cưới Tịnh Phương. Khi chúng cháu đã thành vợ chồng rồi thì không ai có thể nói điều gì để làm cho chúng ta khó xử được nữa.
Đang khóc nhưng Tịnh Phương vẫn nghe thật rõ ràng câu nói của Khoa, cô bật kêu lên:
- Không, không thể như thế được.
Dường như đã đoán được phản ứng của Tịnh Phương nên Khoa không hề ngạc nhiên trước tiếng kêu của cô và thái độ của anh vẫn điềm đạm:
- Sao lại không được, anh chưa có vợ và em thì chưa có chồng. Vậy thì tại sao chúng ta lại không kết hôn được?
- Nhưng mà anh...
 
Tịnh Phương ngập ngừng không nói hết câu vì cô sực nhớ lời hứa của mình với Mỹ Chi. Không thể để cho người nào khác biết mối quan hệ của anh ta với chị Chi cơ mà. Huống gì đây lại là cha cô, ông mà biết thì nhất định gia đình ông Mẫn cũng sẽ biết.
 
Ông Tịnh nhìn Khoa:
- Làm sao tôi có thể tin tưởng được cậu để giao con gái tôi vào tay cậu được? Tôi nào có biết cậu là ai đâu? Gia thế cậu thế nào? Tính tình cậu ra sao? Tôi hoàn toàn không biết gì hết? Nếu như tôi làm theo điều cậu nói thì chẳng phải là tôi đã đem con gái tôi ra đánh đố với cuộc đời hay sao?
Khoa vẫn không tỏ thái độ buồn phiền trước những nghi ngờ mà ông Tịnh dành cho mình. Trái lại, anh còn gật đầu:
- Cháu hiểu những điều bác nghĩ, nhưng cháu xin thưa với bác là trong đời cháu, cháu chưa làm điều gì sai trái hoặc là làm hại đến một ai. Có thể là từ hôm qua trở về trước, cuộc sống của cháu không được nghiêm chỉnh. Nhưng đó là những ngày tháng tự do của cháu. Còn bây giờ, khi cháu thưa với bác là cháu xin chịu trách nhiệm về việc mình làm thì cháu hứa là sẽ không bao giờ để cho bác hay Tịnh Phương phải buồn cháu.
Lý lẽ của Khoa đã thuyết phục được ông Tịnh, nhưng ông vẫn còn phân vân:
- Nhưng tôi làm sao biết được cậu sẽ lo cho con gái tôi như thế nào?
- Ngay ngày mai cháu sẽ đưa ba mẹ cháu tới nhà bác để thưa chuyện với bác. Hôn lễ của chúng cháu sẽ được tiến hành ngay.
Lại thêm một lần nữa ông Tịnh xuôi theo ý của Khoa, vì ông nhận thấy cậu thanh niên này có vẻ chân thật. Tuy nhiên ông vẫn kỹ lưỡng hỏi lại:
- Nhưng cậu có thật lòng muốn cưới con gái tôi hay không? Cậu có yêu nó không?
Khoa thẳng thắn trả lời:
- Thưa bác, do một sự tình cờ mà cháu quen Tịnh Phương. Thời gian chúng cháu quen biết nhau chưa lâu nên nếu bảo là yêu nhau thì chưa thể. Nhưng cháu tin rằng rồi đây chúng cháu sẽ sống rất hạnh phúc.
- Làm sao cậu dám khẳng định vào điều đó? Lỡ như cưới nhau rồi mà hai đứa không hợp tính nhau thì khi đó phải làm sao đây?
Khoa tự tin:
- Cháu nhận thấy Tịnh Phương là một cô gái tốt, như thế cô ấy nhất định là một người vợ tốt. Và cháu cũng không phụ lòng mong mỏi của bác đâu. Tuy là cháu có thể thua kém nhiều người, nhưng như thế không có nghĩa là cháu quá tệ hại đâu, thưa bác. Cháu tin rằng, cháu sẽ yêu Tịnh Phương, và cô ấy rồi sẽ có tình yêu với cháu. Vì ngay bây giờ, khi cháu xin được cưới cô ấy, cháu thấy lòng mình hoàn toàn tự nguyện chứ không có gì là gượng ép cả.
Cuối cùng thì ông Tịnh đã không còn lý do để phản đối Khoa được nữa rồi. Ông đành phải gật đầu:
- Thôi được, ngày mai cậu đưa gia đình cậu đến đây. Và tôi sẽ có cách để tìm hiểu về cậu.
Quay sang Tịnh Phương đã thay áo chỉnh tề, ông Tịnh bảo con gái:
- Chúng ta về.
 
Tịnh Phương im lặng nối gót theo cha, cô không phản đối vì trong lòng cô hoàn toàn trống rỗng. Không một ý tưởng nào hiện lên trong đầu cô. Và với nỗi chán nản tột cùng đó, cô thấy dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không làm cho cô kinh động nữa. Thôi thì cứ mặc cho duyên phận đưa đẩy mà thôi.