Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Đoạn kết

     ắng cuối tháng Sáu lùa qua cửa sổ phòng Chris. Nàng xếp một chiếc áo “blu” lên trên các thứ khác trong va-li rồi đậy nắp lại. Nàng đi nhanh ra cửa. “Tốt, vậy là xong hết”, nàng bảo Karl. Lúc người Thụy Sĩ bước đến khóa chiếc va-li, nàng đi ra hành lang, đến phòng Regan. “Ê, Rags, thế nào con?”
Đã sáu tuần qua kể từ cái chết của hai vị linh mục, kể từ cơn sốc ấy. Kể từ ngày Kinderman chấm dứt cuộc điều tra. Và vẫn chưa có một đáp số nào. Chỉ là sự ức đoán không nguôi và những lần thức giấc thường xuyên trong đêm, đầy nước mắt. Cái chết của cha Merrin là do hội chứng động mạch vành. Nhưng còn vụ Karras? “Cứ rối tinh rối mù”, Kinderman khò khè nói. Không phải do cô bé, ông quả quyết như vậy. Cô bé đã bị trói chặt bằng những sợi đai da và tấm trải. Rõ ràng, Karras đã bứt tung các cánh cửa chớp, nhảy qua cửa sổ để cố tình chết. Nhưng tại sao? Sợ chăng? Một toan tính trốn thoát điều gì đó quá kinh khủng chăng? Không? Kinderman đã nhanh chóng bác bỏ điều đó. Nếu ông ta muốn trốn, ông ta có thể thoát ra bằng ngõ cửa lớn. Mà Karras không hề là loại người chịu bỏ trốn trong bất cứ tình huống nào.
Nhưng thế thì tại sao lại có cú nhảy chí mạng đó?
Đối với Kinderman, câu giải đáp bắt đầu hình thành trong tuyên bố của Dyer khi vị linh mục này đề cập đến những xung đột tình cảm của Karras: Mặc cảm tội lỗi của ông đối với mẹ, đối với cái chết của bà, vấn đề đức tin của ông và lúc Kinderman điền thêm vào đó sự thiếu ngủ trong nhiều ngày liên tục, nỗi khắc khoải và cảm thấy mình có lỗi về cái chết đang treo lơ lửng của Regan, nỗi chấn động về cái chết của Merrin, nhà thám tử đành buồn rầu kết luận rằng tâm trí ông ta đã bị suy sụp, đã bị đổ vỡ tan tành trước gánh nặng của tội lỗi mà ông ta không còn có thể chịu nổi. Lại nữa, khi điều tra cái chết của Dennings, nhà thám tử được biết - qua tham khảo các tác phẩm viết về quỷ ám - rằng các nhà đuổi quỷ thường lại đâm ra hay bị quỷ ám vì những nguyên do có thể có trong vụ này: những mặc cảm tội lỗi quá mạnh mẽ đòi hỏi phải bị trừng phạt, thêm vào đó là quyền năng của sức tự kỷ ám thị. Karras đã chín muồi. Những tiếng động của cuộc tranh chiến, giọng nói thay đổi của vị linh mục mà cả Chris lẫn Sharon đều nghe thấy, tất cả những điều đó càng củng cố thêm cho giả thuyết của nhà thám tử.
Nhưng Dyer lại không chịu chấp nhận điều đó. Ông đều đặn trở lại ngôi nhà ấy trong thời gian Regan dưỡng bệnh để thảo luận cùng Chris. Ông hỏi đi hỏi lại mãi xem thử lúc này Regan đã đủ sức nhớ lại những gì đã xảy ra ở phòng ngủ của cô bé vào đêm đó chưa. Nhưng câu trả lời vẫn chỉ trước sau là một cái lắc đầu, hoặc một tiếng không, rốt cuộc vụ này đã kết thúc.
Chris thò đầu vào phòng Regan, thấy con gái ôm chặt hai con thú nhồi bông đang nhìn phụng phịu chiếc va-li của nó đã xếp đầy đồ đạc, nhưng còn để ngỏ.
“Thế mới là bé con của mẹ chứ”. Chris rời con, đi nhanh xuống thang gác. Lúc nàng đến chân thang, tiếng chuông cửa ngân vang. Nàng mở cửa.
“Chào Chris”. Đó là cha Dyer. “Chỉ tạt vào để tạm biệt bà thôi”.
“Ồ, tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi cũng vừa định gọi cho cha”.
Nàng bưóc lùi lại. “Mời cha vào”.
“Thôi, được rồi, Chris, tôi biết bà đang bận mà”.
Nàng cầm tay kéo ông vào trong. “Ồ, xin cứ vào! Tôi sắp đi uống một tách cà phê đây”.
“Vâng, nếu bà chắc chắn là...”
Dĩ nhiên nàng chắc chắn như vậy. Hai người vào bếp, ngồi xuống bàn, uống cà phê, nói chuyện pha trò, còn Sharon và vợ chồng Engstrom thì tất bật ngược xuôi.
Chris nói về Merrin: nàng đã kinh ngạc biết bao khi chứng kiến các bậc quyền quý và các yếu nhân nước ngoài có mặt tại tang lễ của ông. Sau đó hai người cùng yên lặng trong lúc Dyer nhìn đăm đăm vào tách cà phê, nhìn vào nỗi buồn thảm. Chris đọc được ý nghĩ ông. “Con bé vẫn chưa thể nhớ gì được”, nàng khẽ nói. “Tôi rất tiếc”.
Vẫn cúi gầm, vị linh mục gật đầu. Chris nhìn chiếc khai đựng thức ăn sáng của nàng. Quá đổi bứt rứt và khích động, nàng vẫn chưa ăn. Bông hoa hồng vẫn còn trên đó. Nàng nhặt cành hoa lên, xoắn tới lui cọng hoa một cách tư lự. “Và ông ấy cũng chưa hề biết con bé nữa”, nàng thì thầm vẻ lơ đãng. Rồi nàng giữ yên cành hoa hồng và đảo mắt nhìn Dyer. Trông thấy ông ta nhìn đăm đăm. “Theo bà thì chuyện gì đã thực sự xảy ra?” Ông khẽ hỏi. “Với tư cách là một người vô thần, bà có nghĩ là cháu bé đã thực sự bị quỷ ám không?”
Nàng trầm ngâm, nhìn xuống, vẫn đùa nghịch với cành bông hồng. “Chà, cứ như cha nói... thì, nếu xét về vấn đề Chúa, tôi đúng là một người vô thần, một kẻ vô tín. Tôi vẫn là thế. Nhưng nếu nói đến vấn đề ma quỷ - chà, thì lại là một chuyện khác. Tôi có thể chấp nhận được. Tôi tin, đúng như vậy, tôi tin. Và không phải chỉ nguyên vì sự việc đã xảy ra cho Regan thôi đâu, mà là tôi muốn nói chung tất cả”. Nàng nhún vai. “Còn Chúa ấy à, anh cần phải hình dung ra là nếu có một Chúa, thì mỗi đêm ông ấy phải cần đến một triệu năm để ngủ kỹ, nếu không thì ông ta dễ đâm ra bẳn tính, khó ở lắm. Cha hiểu ý tôi chứ? Ông ấy không hề nói. Còn quỷ thì chẳng bao giờ ngưng quảng cáo, phô trương, cha ạ. Quỷ nó làm cơ man là quảng cáo”.
Trong một lúc, Dyer cứ nhìn nàng, sau đó ông khẽ nói, “Nhưng nếu tất cả mọi điều ác trên thế gian này khiến bà nghĩ rằng có thể có quỷ, thế thí bà lý giải ra sao về tất cả những điều thiện trên cõi đời này?”
Ý tưởng ấy khiến nàng nheo mắt lúc nàng chịu đựng tia nhìn của vị linh mục. Rồi nàng cụp mắt xuống. “Vâng... vâng”, nàng khẽ thì thào. “Đó là một vấn đề”. Nỗi buồn thảm và cơn sốc về cái chết của Karras đã lắng vào tâm thái nàng như một màn sương mù u uất. Dù vậy, xuyên qua đó, nàng trông thấy một điểm sáng lốm đốm, và cố tập trung vào điểm sáng ấy, nàng nhớ lại Dyer lúc ông ta đưa nàng ra xe ở nghĩa trang, sau tang lễ của Karras. “Cha ghé nhà chốc lát được không?” nàng đã mời ông. “Chà, tôi rất muốn, nhưng tôi không thể bỏ qua bữa tiệc được”, ông đáp. Nàng có vẻ bối rối. “Khi một tu sĩ Dòng Tên chết”, ông cắt nghĩa cho nàng, “chúng tôi luôn luôn mở tiệc. Đối với ông ta, đó là sự bắt đầu, cho nên chúng tôi ăn mừng”.
Chris có một ý nghĩ khác. “Cha bảo là cha Karras có vấn đề với đức tin của ông ấy”.
Dyer gật đầu.
“Tôi không tin điều ấy được”, nàng nói. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một đức tin lớn dường ấy trong đời tôi”.
“Tắc xi đến rồi, thưa bà”.
Chris tỉnh giấc mộng ngay. “Cám ơn Karl, được rồi”. Nàng và Dyer đứng lên. “Không, cha cứ ở lại, thưa cha. Tôi sẽ xuống ngay. Tôi chỉ lên lầu để đón Rags”.
Ông lơ đãng gật đầu, nhìn nàng bước đi. Ông đang nghĩ đến những lời cuối cùng thật khó hiểu của Karras, những tiếng la hét người ta nghe được từ nhà dưới trước lúc ông ta chết. Có một điều gì đó ẩn nấp. Điều gì vậy? Ông không biết. Những hồi ức của Chris lẫn Sharon đều mơ hồ. Nhưng lúc đó một lần nữa, ông lại nghĩ đến vẻ hoan hỉ bí nhiệm trên đôi mắt Karras. Còn một điều gì khác nữa cơ, ông chợt nhớ: một tia sáng dữ dội của... niềm đắc thắng? Ông không dám chắc, có điều ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn một cách kỳ lạ. Sao lại nhẹ nhõm hơn? Ông tự hỏi.
Ông bước ra hành lang tiền sảnh. Hai tay thủ túi, ông tựa ô cửa đứng nhìn Karl đang giúp xếp gọn hành lý trong xe tắc xi. Trời ẩm ướt và oi ả. Ông đưa tay quệt chân mày rồi quay lại lúc có tiếng bước chân xuống thang gác. Chris và Regan, tay trong tay. Họ tiến đến phía ông. Chris hôn má ông. Rồi nàng giữ tay mình trên đó, vừa thăm dò đôi mắt ông một cách âu yếm.
“Ổn cả thôi”, ông nói. Rồi ông nhún vai. “Tôi có cảm giác là ổn thỏa cả”.
Nàng gật đầu. “Đến Los Angeles tôi sẽ gọi cho cha. Hãy bảo trọng”.
Dyer nhìn xuống Regan. Cô bé cau mày ngó ông lúc bất chợt nhớ lại một mối lo âu đã bị quên lãng. Bất giác, cô bé vươn đôi tay lên đón ông. Ông cúi xuống và cô bé hôn ông. Sau đó, cô bé cứ đứng một lúc, nhìn ông chăm chăm một cách kỳ dị, không, không phải nhìn ông: mà là nhìn tấm khăn choàng La Mã khoanh tròn quanh vai ông.
Chris nhìn chỗ khác. “Nào”, nàng khàn giọng nói, cầm lấy tay Regan. “Khéo trễ đấy, cưng. Ta đi thôi”.
Dyer nhìn hai mẹ con ra đi. Ông vẫy chào đáp lễ Chris. Trông thấy nàng gửi ông một nụ hôn gió, rồi nàng vội theo chân Regan, chen lên xe. Lúc Karl leo lên ngồi phía trước cạnh tài xế, Chris lại đưa tay qua cửa sổ vẫy chào lần nữa. Chiếc tắc xi lao đi. Dyer bước ra hè phố. Nhìn theo. Chẳng mấy chốc, chiếc tắc xi rẽ vào một góc phố và mất dạng.
Từ phía bên kia đường, ông nghe có tiếng thắng xe rít lên. Ông nhìn. Một chiếc xe cảnh sát. Kinderman trờ ra. Nhà thám tử thong thả đánh vòng quanh xe rồi đi lạch bạch về phía Dyer. Ông vẫy tay. “Tôi đến để từ giã”.
“Ông vừa vặn trễ”.
Kinderman dừng lại tại chỗ, tiu nghỉu. “Họ đi rồi sao?”
Dyer gật đầu.
Kinderman nhìn xuống đường và lắc đầu. Rồi ông ngước nhìn Dyer. “Cô bé ra sao?”
“Trông có vẻ khả quan”.
“Chà, thế thì tốt. Rất tốt. Chỉ có điều đó mới là điều quan trọng thôi”. Ông nhìn chỗ khác. “Thôi, phải trở về với công việc vậy”, ông khò khè. “Trở về làm việc. Thôi, tạm biệt cha”. Ông quay gót, vừa dấn một bước về phía xe tuần cảnh thì dừng chân, quay lại nhìn trân trân Dyer, vẻ trầm tư. “Cha đi xem phim chứ, cha Dyer? Cha thích điện ảnh không?”
“Ồ, thích quá đi chứ”.
“Tôi có thể vào cửa”. Ông lưỡng lự một lúc. “Quả thực là tôi đã có sẵn thẻ vào rạp Crest tối mai đây. Cha muốn đi xem không?”
Dyer thọc tay vào túi. “Chiếu phim gì?”
“Đỉnh gió hú”.
“Ai đóng?”
“Heatheliff, Jackie Gleason đóng, còn vai Catherine Earnshaw, Lucille Ball đóng. Cha khoái chứ?”
“Tôi xem rồi”, Dyer tĩnh bơ đáp.
Kinderman nhìn đăm đăm một lúc, mặt mũi ỉu xìu. Ông quay nhìn chỗ khác. “Lại thêm một ông nữa”, ông thì thầm. Rồi ông bước đến vệ đường, khoác tay Dyer và thong thả tiễn vị linh mục đi xuống con phố. “Tôi chợt nhớ lại một câu trong phim Casablanca”, ông thân tình nói. “Lúc kết phim, Humphrey Begart nói với Claude Rains như thế này: Louis, tôi nghĩ đây là khởi đầu của một tình bạn tốt đẹp”.
“Ông biết đấy, trông ông cũng hơi giống Begart”.
“Cha quả có nhận xét”.
Trong lãng quên, họ đang cố gắng để nhớ lại.
Dịch xong tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 4  năm 1989

HẾT

Xem Tiếp: ----