TÔI GẶP HOÀN CẢNH THUẬN TIỆN VÀ ĐƯỢC THỜI CUỘC THÚC ĐẨY Năm 1953, thi sĩ Đông Hồ bảo tôi lên Sài Gòn sẽ không viết được nhiều như ở Long Xuyên và chẳng bao lâu sẽ cạn hứng. Lúc đó tôi không tin rằng sẽ cạn hứng nhưng cũng chỉ mong viết được vài ba chục cuốn nữa thì thôi; không ngờ luôn hai chục năm tôi còn viết mạnh hơn hồi ở Long Xuyên, chẳng những viết sách mà còn viết báo, khiến cho một bạn văn phải ngạc nhiên tại sao tôi ốm yếu, bệnh tật liên miên: loét bao tử, trĩ, viêm khí quản, mất ngủ, lao phổi mà viết được nhiều hơn cả Trương Vĩnh Ký nữa, vị học giả mà ai cũng biết trứ tác phong phú nhất trong một thế kỉ nay. Có người bảo tôi là cái “máy viết”, thậm chí một thanh niên ở Trung Việt còn ngờ tôi đã mướn người viết, tôi chỉ coi lại và kí tên! Tôi không “mướn người viết”, cũng chẳng mướn người giúp tôi trong công việc xuất bản, bán sách, sửa ấn cảo; chẳng nhờ vợ con giúp tôi trả lời thư từ độc giả, giữ sổ sách, sắp đặt tủ sách; mà lại còn sửa giùm bảo thảo cho vài người thân, đọc rồi đề tựa cho khoảng vài chục tác phẩm của các bạn văn nữa. Sở dĩ được vậy một phần là vì tôi biết tổ chức công việc và tiết kiệm thì giờ, làm việc mau; một phần nữa là nhờ tôi được nhiều thuận tiện hơn đa số các nhà văn khác. Gánh gia đình tôi rất nhẹ; tôi chỉ có một đứa con, năm 1957 qua Pháp học và mỗi tháng tôi chỉ phải gởi cho nó một số tiền; hai người vợ của tôi đều dạy học và trông nom việc nhà được; tôi không phải bận bịu gì về gia đình cả. Họ đều biết chiều chồng, dạy con cháu, thương người; các cháu – con cô em út tôi – rất quí mến hai bác gái chúng. Tôi được trời phú cho tính giản dị, rất ít nhu cầu, mà cũng không có một đam mê gì ngoài sách vở. Tôi lại may có một số độc giả “trung thành” khá đông, cho nên tác phẩm nào của tôi cũng không sợ ế, có một số cuốn khó đọc, “kén độc giả” như Đại cương triết học Trung Quốc, Cổ văn Trung Quốc, Một niềm tin… thì bù lại có rất nhiều cuốn bán rất chạy; mà những cuốn kén độc giả đó, các nhà xuất bản ngại không muốn mua thì tôi có đủ vốn để xuất bản lấy (luôn thu lại đủ vốn in trong vài năm), hoặc để hùn với một nhà xuất bản nào đó như Cảo Thơm: họ bỏ công, tôi góp một phần vốn và rốt cuộc không ai lỗ mà còn được lợi ít nhiều về mặt này hay mặt khác. Có một số độc giả tin mình, cuốn nào in ra cũng tiêu thụ được, đó là điều kiện quan trọng nhất để viết được nhiều. Sau cùng, thời cuộc nước nhà bắt buộc tôi phải viết, không nghỉ được. Đầu năm 1971, thi sĩ Bàng Bá Lân có lần hỏi tôi đã tính nghỉ viết chưa, tôi đáp trong một bức thư: “Mấy năm nay, tôi thấy sức suy, cứ mùa mưa thì cứ ba ngày đau mất một ngày, mùa lạnh cũng không chịu nổi. Anh dư biết nghề viết văn mệt hơn nghề công, tư chức nhiều lắm, óc thì không lúc nào nghỉ được, công việc cứ ám ảnh mình hoài, tới khi hoàn thành tác phẩm mới thôi. Mà chưa xong tác phẩm này đã chuẩn bị cho tác phẩm khác rồi. “Viết đều đều trên hai chục năm rồi, tôi muốn nghỉ lắm chứ, nhưng còn chiến tranh thì không thể nghỉ được… Có gì đâu mà anh ngạc nhiên? Còn chiến tranh thì làm sao vui được? Chẳng những việc nước không yên mà việc nhà của chúng ta cũng không yên, không thể quyết định một chút gì trong tương lai cả, ngay đến đời sống của mình cũng không có gì bảo đảm. Sở dĩ tôi phải cặm cụi viết một phần lớn là để tạm quên những ưu tư đó đi.[1] Khi quân Nhật đánh Lạng Sơn, nước mình bắt đầu chịu cái hoạ chiến tranh, con tôi mới được hai tuổi; nay con đầu lòng của nó đã năm tuổi; ba chục năm rồi, hơn một thế hệ rồi mà chiến tranh vẫn còn, mỗi ngày mỗi thêm ác liệt. Năm nào đêm giao thừa tôi cũng hi vọng qua năm sau tình hình sẽ sáng sủa hơn, mà năm nào tôi cũng thất vọng. Chỉ khi nào hoà bình vãn hồi rồi, tôi mới có thể nghỉ được. Mà bao giờ mới vãn hồi?”. Ai cũng biết câu: “Tái ông thất mã, an tri phi phúc?” của Trung Hoa và câu “À quelque chose malheur est bon”[2] của Pháp. Chiến tranh Việt-Pháp, Việt-Mĩ là cái hoạ lớn cho dân tộc ta, là một nỗi lo buồn, đau khổ cho mọi người, nhưng tôi lại nhờ nó mà viết được nhiều. Vì nếu không có nó thì mỗi năm tôi cũng đi thăm các thắng cảnh trong nước một hai tháng, tiếp xúc với nhiều bạn văn, về quê ở Phương Khê sống lại một thời gian tuổi thiếu niên, và chắc tôi sẽ viết ít hơn, chứ tội tình gì mà giam mình trong phòng viết liên tiếp hơn hai chục năm như vậy? Trong thư cho Bàng Bá Lân, tôi bảo khi hoà bình vãn hồi, tôi mới có thể nghỉ viết được. Bốn năm sau, hoà bình được vãn hồi, và tôi nghỉ viết gần một năm; nhưng rồi biết bao nhiêu điều khiến tôi phải suy nghĩ, lại phải viết nữa cho qua ngày, cho quên những chuyện xảy ra ở chung quanh. Hôm nay tôi lại tự hỏi như năm 1971: bao giờ mới thôi viết đây? LÀM VIỆC ĐỀU ĐỀU, BỀN BỈ CÓ HƯỚNG RÕ RỆT TẬP TRUNG NĂNG LỰC Tự biết có nhiều thuận tiện như trên, tôi tận dụng những thuận tiện đó. Độc giả còn tin mình, thì mình viết được bao nhiêu cứ viết, càng nhiều càng tốt, miễn là cuốn nào cũng phải có ích không cho giới này, tuổi này thì cho giới khác, tuổi khác. Nhà văn Pháp Jules Renard bảo: “Bậc thiên tài là những người cặm cụi làm việc 18 giờ một ngày”. Ý ông muốn nói: “Cứ cặm cụi làm việc thật nhiều thì sẽ thành thiên tài”. Lời của ông cũng giống như lời một nhà kinh doanh Mĩ: “Muốn thành công thì cần 5% hứng và 95% toát mồ hôi” (5% d’inspiration et 95% de transpiration). Rất ít người có thể làm việc 18 giờ một ngày năm này qua năm khác được. Chỉ cần làm việc đều đều mỗi ngày tám giờ thôi cũng đủ, nhưng phải liên tiếp trong vài ba chục năm. Điều quan trọng là phải có một hướng rõ rệt, một mục đích để nhắm và phải tập trung tất cả năng lực, thì giờ vào công trình của mình. Trong thế chiến thứ nhì, xăng, dầu lửa, đá lửa đều thiếu, bác Ba tôi ở Tân Thạnh nhồi bông gòn vào một ống tre, đưa ra chỗ có nắng, lấy một kính hiển vi (loupe) tập trung ánh sáng vào một điểm trên bông gòn, chỉ trong mười giây, bông cháy, bốc khói lên, châm thuốc hút được, lại có thể mồi lửa vào một mảnh giấy. Biết tập trung năng lực và thời giờ của mình thì kết quả có thể gấp hai gấp ba; vì vậy trong hai mươi hai năm liên tiếp; từ khi mở nhà xuất bản[3], tôi bỏ hết các hoạt động khác để chuyên tâm viết. Nhiều trường Đại học mời tôi dạy Ngữ Pháp Việt Nam, Triết học hoặc Văn học Trung Quốc, tôi đều từ chối. Một lần, thi sĩ Đông Hồ lúc đó đương dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn, sáng sớm từ Quỳnh Lâm thư thất trong Gia Định ra chơi tôi ở đường Kì Đồng, bảo tôi: - Tôi nghe nói người ta mời bác dạy Văn khoa. Tôi vội vã ra để cản bác. Đừng nhận lời. Mất thì giờ lắm. Tôi có thể dạy được, bác thì không nên. Thì giờ của bác quí hơn thì giờ của tôi nhiều. Tôi đáp: - Bác thật là tri kỉ của tôi. Vâng. Người ta có mời nhưng tôi đã từ chối rồi. Thấy mấy lần mời mà tôi đều từ chối hết, có người cho tôi là làm cao. Không phải vậy. Tôi thấy dùng thì giờ vào việc viết có lợi cho thanh niên hơn là dùng vào việc dạy học. Một vị phó viện trưởng một Đại học tư nọ ở gần nhà tôi hai lần nhờ người lại nhờ tôi dạy, bảo nếu tôi nhận lời thì đích thân ông ta sẽ lại tiếp xúc với tôi, tôi cũng từ chối; ông ta phật ý phê bình tôi ra sao đó, người ta kể lại cho tôi nghe, tôi gật đầu, mỉm cười. Chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ba lần mời tôi làm giám khảo trong một cuộc thi văn chương toàn quốc, tôi từ chối hết. Một lần tôi hơi ân hận khi người đến mời tôi, một học giả lớn tuổi hơn tôi, khá có tiếng tăm, rầu rầu nét mặt, bảo tôi: “Ông không nhận lời cho là một điều buồn cho uỷ ban tổ chức giải thưởng, mà cũng là một điều buồn cho chính tôi nữa”. Tôi đành làm mất lòng anh bạn đó để giữ vững nguyên tắc của tôi: không phí thì giờ vào các công việc khác. Làm giám khảo giải thưởng văn chương ít nhất phải đi hội họp bốn năm lần; phải đọc vài chục bản thảo, cũng mất một tháng, thời giờ để tôi viết được ba bốn chương sách. Chính phủ Thiệu còn mời tôi vào Uỷ ban dịch thuật, Uỷ ban điển chế văn tự của Bộ Văn Hoá, sau lại mời tôi vào Hội đồng Giáo dục toàn quốc, vài bạn thúc tôi nhận lời, tôi cũng từ chối: hội đồng đó chỉ có tính cách tư vấn, không có quyền hành gì cả, mà đề nghị cải tổ giáo dục của tôi, tôi đã cho đăng trên tạp chí Bách Khoa từ 1962[4], tôi có gì đâu để nói thêm. Có họp bàn mấy tháng đi nữa thì cũng cũng chỉ phí thì giờ, không đi tới đâu vì không thể thực hiện được một cải cách nào quan trọng trong hoàn cảnh chiến tranh đương khốc liệt. KHÔNG ĐỂ PHÍ THÌ GIỜ Cũng vì không muốn mất thì giờ và muốn được độc lập, tôi không vào một hội nhà văn nào cả, cũng không dự các cuộc hội họp, diễn thuyết của các cơ quan Văn hoá. Nhiều người ghét tôi về điều đó, trách tôi sống cách biệt hẳn với anh em, sống ra ngoài xã hội, cho tôi là khinh người. Những bạn văn nào chỉ tiếp xúc với tôi vài lần cũng nhận thấy điều đó sai. Ngay toà soạn báo Bách Khoa cách nhà tôi không tới một cây số mà cả tháng tôi mới ghé một lần, lần nào cũng vui vẻ trò chuyện với anh em. Bạn nào có việc gì nhờ tôi, tôi giúp được thì sẵn lòng tận tâm giúp. Một số bạn ở xa gởi tác phẩm đầu tiên, nhờ tôi cho ý kiến và nếu có thể được thì đề tựa cho. Tôi thấy đáng giúp thì giúp và tôi đã giúp được nhiều người. Còn những nhà gởi tác phẩm tặng tôi thì bao giờ tôi cũng đọc hết, thành thực đưa ý kiến, rán kiếm một vài chỗ để khen, vì tôi cho đó là một cách nhã nhặn đáp lại lòng kính hay mến của người gởi. Không, tôi không khinh người. Tôi chỉ quí thì giờ và sức khoẻ của tôi, thế thôi. Và một vài nhà văn cũng nhận rằng tôi có lý mà không dự các cuộc hội họp có tính cách văn hóa vì những buổi đó chỉ để gặp mặt nhau chẳng giải quyết được gì, mất thì giờ lắm. Tôi lại bị bệnh loét bao tử, ăn phải kiêng cữ, phải đúng giờ ăn cũng như ngủ, và ăn xong phải ngả lưng nghỉ ngơi một giờ, nên càng ngại các buổi tiệc tùng. Các bạn văn đều hiểu như vậy và miễn thứ cho cả. Nhưng khi có một buổi tiệc long trọng như bạn bè làm lễ thành hôn cho con thì tôi cũng nhận lời tới dự, và các bạn thường có nhã ý cho xe hơi lại đón rồi đưa về nhà. Tôi nhớ trong hai chục năm ở Sài Gòn, chỉ dự độ bốn năm tiệc cưới như vậy. Riêng với thi sĩ Đông Hồ thì khác. Mỗi năm hai ông bà có lệ vào khoảng Tết Táo quân, mời độ bảy tám bạn văn họp cuối năm ở Yiễm Yiễm thư trang hoặc Quỳnh Lâm thư thất. Những buổi họp đó có tính cách rất thân mật, thanh nhã đã được nhà văn Ngu Í khéo tả trong tập Sống và Viết (Ngèi Xanh[5], 1966), nên năm nào tôi cũng cùng với Giản Chi, Đông Xuyên, Hư Chu tới dự và chủ nhân lần nào cũng tế nhị, cho làm món xôi vò rất ngon vì biết tôi đau bao tử, kiêng cơm tẻ. Họp từ chín giờ sáng tới hai giờ chiều, tôi thấy mệt nhưng vui. Được các bạn văn hiểu và mến như vậy, tôi cho là một vinh dự lớn hơn được giải thưởng văn chương toàn quốc của chính quyền mà tôi đã từ chối hai lần. Về việc từ chối này, ai trách tôi ra sao tôi cũng nhận, không dám cải. Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho[6]. Suốt đời tôi cầm viết, tôi chỉ mong giữ được lòng quí mến của một số bạn văn và lòng tin cậy của độc giả bốn phương. Và tôi được may mắn toại nguyện về điểm đó[7]. HI SINH VIỆC XUẤT BẢN, ĐỂ CÓ THÌ GIỜ VIẾT Vào khoảng 1961, khi đã mua được ngôi nhà và khoảnh vườn nhỏ ở đường Kì Đồng, tôi hạn chế cả công việc xuất bản để hết thì giờ vào việc trứ tác, thành thử có nhiều cuốn độc giả đòi hỏi mà tôi không in lại. Mấy năm sau nhà xuất bản Khai Trí, rồi nhà xuất bản Thanh Tân thấy vậy, xin tôi để cho họ tái bản. Tôi bằng lòng liền, để cho nhà Khai Trí trên mười cuốn, nhà Thanh Tân trên hai chục cuốn, vài nhà khác mỗi nhà vài cuốn. Ngay một số tác phẩm mới viết xong, tôi cũng không muốn tự xuất bản nữa và bán bản quyền cho các nhà Lá Bối, Cảo Thơm, Tao Đàn, Ca Dao, Trí Đăng… Năm 1974 nhà Lá Bối in trên chục tác phẩm của tôi, nhà Cảo Thơm cũng vào khoảng đó, còn các nhà khác mỗi nhà được bốn, năm cuốn. Có hồi trên thị trường có tới năm chục tác phẩm của tôi bày bán khiến ông Vương Hồng Sển vào tiệm sách nào “cũng chỉ có sách của anh”; lúc đó có mười hay mười một nhà xuất bản sách của tôi. Tôi sẽ nói qua về các nhà xuất bản đó trong một chương sau, ở đây tôi chỉ xin kể lại lời tôi nói với anh bạn Trần Thúc Linh, vào khoảng 1969-1970: “- Tôi tri túc theo đạo Nho, cho sống như vầy là quá đủ rồi (ông ấy gật đầu) không cần hơn, chứ nếu muốn thì tôi có thể tăng lợi tức gấp ba một cách rất lương thiện và dễ dàng. Ông Linh ngạc nhiên, hỏi: - Bằng cách nào? Tôi đáp: - Hiện tôi có trên năm mươi tác phẩm bán trên thị trường mà trong số đó chỉ có mươi cuốn là do tôi xuất bản, còn thì để cho các nhà xuất bản khác cả. Nếu tôi lấy về, tự xuất bản lấy (tôi có đủ vốn) thì mỗi ngày chỉ tốn thêm một hai giờ, là số lợi tức của tôi tăng lên gấp ba được”. Như trong cuốn Tương lai ở trong tay ta, tôi đã nói, đời tôi chỉ muốn làm một thư sinh, không muốn làm một nhà kinh doanh hay chính khách: “Tôi không có cao vọng lãnh một trách nhiệm gì lớn lao mà cái đời một thư sinh sống trong một gia đình êm ấm, bên cạnh sách và hoa cũng có cái thú, có lẽ còn thú hơn là được hoan hô nhiệt liệt trong những đám đông hàng vạn người”. Gần đây tôi được đọc câu này của Cô Hồng Minh, một học giả Trung Hoa đồng thời với Lương Khải Siêu: “Cứ làm một học giả, thân mình được rảnh mà có khi lại hữu dụng hơn”. Lương Khải Siêu hồi trẻ hăng hái làm chính trị, rồi về già làm một giáo sư, một học giả; Lâm Ngữ Đường hồi trẻ cũng muốn làm chính trị, nhưng chỉ nửa năm là chán, tự nhận “Không phải là hạng ăn thịt – thực nhục giả - nên không làm chính trị được” và từ đó bỏ luôn chính trị mà chuyên làm một học giả. Tôi không biết đời các nhà đó với đời của Quách Mạc Nhược, đời nhà nào sướng hơn và hữu dụng hơn. Nhiều bạn cho tôi là sống một cuộc đời khắc khổ, quanh năm chúi đầu vào sách vở. Có lẽ khắc khổ thật, nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn không thấy có cách nào khác để tiêu cho hết 24 giờ một ngày. Những lần về Long Xuyên, ra vườn nhổ cỏ, thay đất, bón phân cho mấy gốc cây, mươi chậu kiểng, tôi cũng thấy thích, nhưng vườn của chúng tôi hẹp quá, chỉ độ năm trăm thước vuông, đủ công việc cho tôi làm mỗi ngày độ một giờ; rồi thì vẫn phải đọc sách, mà sách cũng không thể có nhiều đọc suốt ngày, quanh năm, lại phải viết. Viết đối với tôi thành môn tiêu khiển rẻ tiền nhất. Nhưng tôi đôi khi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán.
[1] Trong ĐVVCT còn có đoạn này: “Năm Mậu Thân, tôi dịch Chiến tranh và Hoà bình của L. Tolstoi, nhờ vậy mà khỏi nghĩ đến những trận đánh đẫm máu ở khắp nước, những trận pháo kích ác liệt vào Sài Gòn”. (Goldfish). [2] Nghĩa là: Điều không may cũng có cái hay (theo từ điển Baamboo). (Goldfish).[3] Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê mở năm 1954. (Goldfish). [4] Coi loạt bài Cải tổ nền giáo dục ViệtNam trong 5 số Bách Khoa 128-132.[5] Nguyễn Hữu Ngư bút hiệu là Ngu Í muốn cải cách chữ quốc ngữ: Ngày viết là Ngèi. [6] Tôi không vơ đủa cả nắm mà khinh hết thảy các “ông lớn” trong chính quyền, và có vài ông là bạn thân của tôi. Nhưng ông nào tự cho chức bộ trưởng của mình là lớn lắm, sai nhân viên tới mời tôi lại bộ hoặc lại “tư dinh” nói chuyện riêng thì tôi hỏi sứ giả: “Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền của ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Có lần tôi không thèm trả lời thư riêng của một Bộ trưởng vì ông ta không kí tên mà để viên bí thư kí thay! [7] Trong ĐVVCT còn có đoạn sau: “Viết mấy hàng này tôi bùi ngùi điểm lại những bạn văn đó thì già nửa đã không còn ở trên đất Việt mà những bạn còn lại cũng không ai được vui. Thật là “vạn sự tan như mây khói”.”. (Goldfish).[8] Nhan đề trong lần xuất bản năm 1964; nhan đề trong lần xuất bản trước là La civilisation de 1960. (http://openlibrary.org/b/OL20006528M/civilisation-de-1975). (Goldfish).[9] Theo ông Lê Ngô Châu thì “thường thường sách nào ai tặng, ông Lê đều đọc qua và có ghi bút chì nhận xét của ông ở trang đầu hay trang cuối. Chỉ có cuốn Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần là không thấy có bút tích của ông, có thể là ông không đọc”. (theo Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Tác Phẩm, Nxb Văn học, năm 2007, tr. 427-428). (Goldfish).[10] Trong ĐVVCT còn có đoạn này: “Năm đó nhà tôi qua Pháp, tôi phải dạy thay mấy tháng, nên tôi làm việc quá sức”. (Goldfish).[11] Trong ĐVVCT còn có câu: “Tôi gọi như vậy là bút pháp thự nhiên”. (Goldfish).[12] Tập du kí Đế Thiên Đế Thích, tôi viết từ 1943; năm 1968. hai mươi lăm năm sau mới xuất bản, nhà văn Võ Phiến đọc rồi, bảo văn tôi trong hai mươi lăm năm đó không có gì thay đổi. [13] Bản Việt dịch của cụ NHL có nhan đề là Một quan niệm về Sống đẹp, thường được gọi tắt là Sống đẹp. (Goldfish).[14] Tiểu sử danh nhân này được in trong cuốn Gương kiên nhẫn. (Goldfish). [15] Đoạn trích dẫn này có đôi chỗ khác biệt với bài của Đỗ Hồng Ngọc in lại trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm (Nxb Trẻ, 2003, tr. 61). (Goldfish).[16] Trong ĐVVCT còn có câu này: “Dịch xong mỗi chương cũng nên tóm tắt truyện trong chương để sau tra lại cho dễ”. (Goldfish).[17] Nhan đề bài báo là Dịch văn ngoại quốc. (Goldfish).[18] Tức bài Tiếng gọi thanh niên, còn có tên là Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước sáng tác từ hồi còn là sinh viên Y Khoa với tên ban đầu là La Marche des Étudiants (Sinh viên hành khúc). (Goldfish)[19] Có lẽ còn vì cách lên dây nữa.[20] Trong bài Lại thêm một tư liệu về người dịch “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị đăng trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 18.3.2007, tác giả Thế Anh chỉ ra rằng người dịch là Phan Huy Thực chứ không phải là Phan Huy Vịnh. (Goldfish).[21] Tức bộ Chiến tranh và Hoà bình. (Goldfish).
°
CHƯƠNG XXVI
GIỜ LÀM VIỆC MỖI NGÀY Tôi làm việc đều đều mỗi ngày, có giờ nhất định như một công chức, chỉ khác công chức là không có ngày nghỉ nhất định, không có chủ nhật, không có cả ngày lễ, ngày tết. Buồn thì ngày Nguyên đán âm lịch tôi cũng viết. Lúc nào tôi muốn nghỉ hoặc cần phải nghỉ thì nghỉ, thường thường, mỗi khi viết xong một cuốn vài trăm trang tôi nghỉ độ nửa tháng, và cứ vài tháng tôi lại về Long Xuyên nửa tháng, nói là để tĩnh dưỡng nhưng chỉ là để đổi không khí vì vẫn mang theo tài liệu để viết tiếp. Mệt nhất là công việc khảo cứu về văn học, triết học Trung Hoa, còn việc dịch các tiểu thuyết hay của phương Tây như Chiến tranh và Hoà bình của Léon Tolstoi, Kiếp người của Somerset Maugham thì không mệt mấy, tôi thấy thú, coi như một việc để tiêu khiển. Hồi dịch cuốn Kiếp người tôi đem bản tiếng Anh về Long Xuyên để hẳn ở dưới đó, mỗi lần về tôi lấy ra dịch ba bốn chục trang. Tôi tự đặt cho tôi một kỉ luật, trừ khi đau ốm, còn thì ngày nào cũng dậy từ sáu giờ hay sáu giờ rưỡi, điểm tâm lúc bảy giờ, rồi nằm đọc sách, chín giờ là lại ngồi vào bàn viết để viết luôn tới mười hai giờ, giờ bữa trưa. Ăn cơm trưa xong, tôi nằm nghỉ khoảng một giờ, nhắm mắt lại, chợp được độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi thức dậy nằm ở giường đọc sách đến ba giờ. Chiều lại viết từ ba giờ đến năm giờ rưỡi, sáu giờ, tắm xong ăn bữa tối lúc bảy giờ. Cả buổi tối tới mười giờ, tôi chỉ nằm đọc sách, báo. Hồi chưa lên Sài Gòn, tôi còn dạy học ở Long Xuyên, tôi có thể viết cả buổi tối; nhưng sau khi bị loét bao tử và lao phổi, tôi mất ngủ, thường phải uống thuốc an thần thứ nhẹ, nên buổi tối tôi không viết, cũng không đọc những sách cần suy nghĩ nhiều, không tiếp khách mà cũng không đi xem hát, cho rằng không gì quí bằng giấc ngủ. Tôi ngủ mỗi đêm được độ bảy giờ, thẳng một giấc. Bây giờ (1980), mỗi đêm chỉ ngủ được năm giờ và phải thức giấc một lần. Như vậy mỗi ngày tôi viết nhiều nhất khoảng năm sáu giờ, đọc sách báo, cũng năm sáu giờ, rốt cuộc chỉ làm việc được mười giờ, nhưng còn phải trừ mỗi ngày độ một giờ vào công việc xuất bản (sửa ấn cảo, giao thiệp với nhà in, nhà sách, viết thư cho bạn và độc giả…). Mỗi năm viết cả sách lẫn báo, trung bình được ngàn trang trở lại, mỗi ngày trung bình ba trang. Nhiều bạn hỏi tôi làm sao có thể viết trong khoảng ba chục năm được 120 nhan đề (100 xuất bản, 20 còn là bản thảo). Tôi đáp: “120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang; chia ba chục năm, mỗi năm chỉ khoảng 900 trang, mỗi ngày trung bình chỉ được 3 trang mà!”. Tôi rán ngày nào cũng viết được ít nhất là một trang, nếu không thì tôi có cảm giác như ở không. Tuy nói là mỗi ngày làm việc vào khoảng 10 giờ, nhưng sự thực thì trí óc không lúc nào thảnh thơi. Gần như tuần nào cũng phải làm việc cả 7 ngày, mỗi ngày 12 giờ; vì khi đã có một đề tài để viết – mà tôi bao giờ cũng có vài ba đề tài trong đầu – thì cái tiềm thức luôn luôn làm việc, cả trong bữa ăn, giấc ngủ, cả trong lúc đi chơi, tiếp khách hay đọc sách báo để tiêu khiển. Những lúc đó tôi đâu có ý kiếm tài liệu để viết, nhưng gặp một câu, một lời hay thấy một việc gì, một cảnh nào có liên quan xa gần đến đề tài thì tự nhiên tiềm thức của tôi hoạt động mà tôi không hay và bắt tôi suy nghĩ tới, ghi lấy, biết bao đêm thức giấc, sực nảy ra một ý gì, tôi phải vén mùng, sờ soạng mặt tủ nhỏ ở đầu giường lấy cây bút chì – và một cuốn sách đương đọc; rồi – không bật đèn, sợ làm mất giấc ngủ của vợ con – viết nguệch ngoạc ít chữ bất kì trang nào, thường là trang đầu hay trang cuối, có khi là trang bìa, để ghi lại ý đó kẻo quên mất; sau cùng gấp trang đó lại để đánh dấu, sáng dậy sẽ chép lại. KIẾM TÀI LIỆU – ĐỌC SÁCH BÁO Làm nhà biên khảo thì việc đầu tiên là phải kiếm tài liệu. Viết về nhiều môn như tôi thì cần phải đọc nhiều sách, báo. Tôi vốn có óc tò mò, cho nên loại sách nào tôi cũng muốn đọc cho biết, chỉ trừ loại “chưởng” của Kim Dung. Một bạn trẻ tặng tôi bộ Cô gái đồ long, mong rằng tôi sẽ nhờ bộ đó mà thần kinh dịu xuống, bớt đau bao tử; tôi rán đọc năm, sáu chục trang, rồi phải bỏ, không thể thích nổi. Tôi rất ngại đến thư viện để đọc sách, kiếm tài liệu, vả lại thư viện rất ít tài liệu mới; cho nên hầu hết các sách tôi dùng để biên khảo, tôi đều phải mua ở ngoại quốc. Tôi gởi một số tiền dự trữ (provision) độ 200 quan mới cho nhà Rayonnement du livre français ở Paris. Họ gởi đều đều cho tôi tập Livres du mois, thư mục gần đầy đủ các sách Pháp xuất bản mỗi tháng, sắp thành từng loại: ngôn ngữ học, sử học, xã hội học, chính trị, kinh tế, tiểu thuyết, thơ, kịch v.v…, thấy cuốn nào muốn đọc, tôi bảo họ gởi cho; họ sẵn sàng kiếm cả những sách cũ và những sách ngoại quốc cho tôi nữa. Mỗi năm họ gởi cho tôi khoảng năm sáu chục cuốn. Ngoài ra tôi mượn sách, nhất là báo định kì của Pháp: Esprit, Express, Paris Mach, Historia, Science et Vie… của vài bạn văn, nhất là của toà soạn tạp chí Bách Khoa. Sách Trung Hoa thì tôi hỏi thẳng một tiệm sách ở Hương Cảng hoặc nhờ ông Tạ Trọng Hiệp kiếm giùm. Lựa sách ngoại quốc theo cách dò trong thư mục, chỉ thấy tên sách, tên tác giả, chứ không biết nội dung thì có một số dùng không được; cho nên tôi phải nhờ nhà Rayonnement du livre français giới thiệu cho. Riêng sách về cổ học Trung Hoa, tôi yêu cầu tiệm sách Hương Cảng tìm cho những bản tốt nhất, chú giải kĩ nhất của một học giả có tiếng và do một nhà xuất bản có tiếng in ra, dùng những bản đó dù giá tiền đắt gấp hai, gấp ba vẫn có lợi hơn là dùng những bản tầm thường, không tin được, chỉ làm mất thì giờ của mình. Khi đã có một chủ đích, định tìm hiểu hoặc viết về vấn đề nào tôi bắt đầu gom hết các tài liệu (sách, báo) mà tôi có thể kiếm được về vấn đề đó, có khi liên tiếp trong nhiều năm. Như về Kinh dịch, tôi gom từ năm 1960 đến 1975, được khoảng 15 – 16 cuốn của Trung Hoa, Việt, Pháp, Anh, Đức (dịch ra tiếng Pháp). Mỗi cuốn, khi mới tới, tôi đọc qua một lượt, xem giá trị ra sao, giúp tôi được gì, đánh dấu những chương quan trọng, rồi để riêng vào một chỗ; năm 1978 – 1979, khi định viết, tôi mới đọc kĩ lại một lượt, so sánh các thuyết, các bản dịch… để định cái hướng nghiên cứu, cách làm việc. Một cuốn mỏng, gồm toàn những “chuyện sống” (histoires vécues, tức những chuyện thực xảy ra) ghi một tình cảm đẹp, gợi một ý cao thượng, mà tôi đã để ra non hai chục năm để gom góp lần lần trong các sách, báo Pháp. Trong việc đó không tốn thì giờ gì cả; thấy truyện nào đáng lựa, tôi đánh dấu, rồi sắp vào một chỗ riêng, khi đã được vài ba chục truyện, thành một cuốn dày vài trăm trang, tôi đem ra dịch một hai tháng là xong. Trước năm 1963, tôi không bao giờ có ý viết về kinh tế, và cho môn kinh tế học dạy trong các trường luật là không sát thực tế, chỉ gây thêm hoang mang cho tôi thôi; nhất là những thuyết về tiền tệ, giá cả, về thặng dư giá trị không làm cho tôi tin được. Chẳng hạn, người ta bảo rằng thặng dư giá trị của một sản phẩm do sức lao động của thợ thuyền cả, phải chia hết cho họ, tư sản không có công gì trong đó, mà ngay những người quản lí xí nghiệp cũng không có công vì họ không sản xuất; nếu không chia hết cho thợ thuyền thì là bóc lột họ. Nhưng cùng một xí nghiệp mà người này quản lí thì lỗ, người khác quản lí lại lời thì giải thích ra sao? Ai tạo nên thặng dư giá trị? Lại như trường hợp sáu nhân viên điều khiển một nhà máy lọc dầu tối tân, vốn cả trăm triệu đô la. Thặng dư giá trị rất lớn thì số thặng dư đó phải chia hết cho sáu nhân viên đó ư? Chỉ họ mới có công ư? Hay còn là công của các nhà khoa học đã tìm ra cách lọc dầu, các kĩ thuật gia đã cải thiện phương pháp lọc dầu, các kĩ sư đã chế tạo ra máy lọc dầu, tổ chức công việc trong xưởng, của người bỏ vốn ra mua máy móc, của nhân viên coi về quảng cáo, thương mãi, tìm thị trường v.v… Rồi một hôm (năm 1962-63) ngẫu nhiên tôi đọc một cuốn rất mỏng (trong loại Que sais-je?) của Jean Fourastié, cuốn La civilisation de 1975[8], tôi bắt đầu để ý tới ông, tìm thêm những tác phẩm khác của ông để đọc, càng đọc càng ham, tới những cuốn Le grande espoir du 20è siècle, Machinisme et bien être, Pourqoi nous travaillons, thì những thành kiến trước kia về môn kinh tế tiêu tan hết. Từ đó gặp cuốn nào của Fourastié tôi cũng mua, rồi lại tìm đọc thêm mươi cuốn của mấy nhà khác về kinh tế, xã hội, nhất là về vấn đề kém phát triển trên thế giới, do đó tôi nảy ra ý viết cuốn Một niềm tin, Thế giới trong tương lai, Việt Nam trong hiện tại. Cuốn đó do ngẫu nhiên mà viết, chứ hoàn toàn không có trong chương trình hoạt động của tôi. Sự ngẫu nhiên đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp một nhà văn, tôi sẽ trở lại điểm đó trong một chương sau. Có lần một độc giả trẻ tuổi hỏi tôi nghĩ sao về lời Erskine Caldwell trả lời một nhà báo như sau: “Có những người đọc, có những người viết, có những người vừa đọc vừa viết. Tôi chỉ viết cho những người khác đọc thôi, chứ không đọc sách của ai cả”. Tôi đáp : - Tiểu thuyết gia của Mĩ đó là một anh chàng ngông. Ông ta có một bút pháp khá độc đáo, nhưng tôi biết những người có tài hơn ông nhiều, viết nhiều gấp mấy ông mà đọc sách rất nhiều, như Tolstoi, Proust, Anatole France. Viết văn thì phải theo dõi văn trào và thời sự trong nước, trên thế giới; cho nên dù bận việc tôi cũng rán đọc một số nhật báo, tạp chí và những tác phẩm Việt quan trọng xuất bản trong năm, để kịp thời góp ý kiến với đồng bào về những việc xảy ra, và để cuối năm tổng kết tình hình xuất bản. Những báo, tạp chí, sách đó, một số do tôi mua, một số do bạn văn tặng, một số mượn của toà soạn Bách Khoa. Vì vậy mà thi sĩ Quách Tấn bảo nội việc tôi đọc sách cũng đã khó có người bì kịp, chứ đừng nói đến chuyện đọc rồi còn viết. Nhưng tôi tự xét, so với một số nhà văn Pháp thì số sách tôi đọc kém họ xa. Họ có những tủ sách năm ngàn, mười ngàn cuốn, tủ sách của tôi chưa được ba ngàn cuốn. Ngay ở Sài Gòn cũng có vài học giả có một tủ sách phong phú hơn tôi nhiều. Đọc sách thì bao giờ tôi cũng có một cây bút chì và một cục gôm bên cạnh. Trong nhà có hai chỗ tôi thường nằm để đọc sách, tại hai chỗ đó bao giờ tôi cũng để sẵn hai vật đó. Hễ thấy có đoạn nào đáng đọc lại, có ý gì đáng ghi thì tôi làm dấu bằng bút chì ngay ở ngoài liền; rồi ghi số trang, tóm tắt đại ý ở trang đầu bỏ trắng của sách[9]. LẬP BỐ CỤC Sau khi đọc và ghi tất cả tài liệu kiếm được về một vấn đề, tôi bỏ ra một thời gian để suy nghĩ về vấn đề đó – thời gian này có thể là một tuần hay nửa tháng – rồi mới lập một bố cục sơ sài cho tác phẩm định viết. Tôi chia làm mấy phần, mấy chương, tạm đặt nhan đề cho mỗi phần, mỗi chương. Tôi nói tạm vì sau khi viết xong cả tác phẩm, tôi mới đặt lại nhan đề cho sát với nội dung. Rồi tôi bắt đầu từ chương I. Tôi ghi lại vắn tắt trên những tờ giấy rời tất cả những ý và tài liệu tôi định đặt vào chương đó. Thường phải vài trang giấy lớn mới ghi được đủ. Ghi đủ rồi, tôi đánh dấu ý nào, tài liệu nào cho vào đoạn đầu, đoạn hai, đoạn ba v.v… Đó là công việc chia thành đoạn. Trong mỗi đoạn, tôi sắp lại ý nào trước, ý nào sau; tôi rất coi trọng công việc này vì tôi muốn các ý nối tiếp nhau một cách tự nhiên. Công việc lập bố cục cho từng chương đó, luôn luôn tôi phải làm hai hay ba lần. Hồi mới viết, từ khoảng 1955 trở về trước, tôi lập bố cục cho từng chương, lập xong chỉ theo bố cục mà viết, rất ít khi phải sửa đổi, thêm bớt. Về sau tôi thấy không cần phải chặt chẽ quá như vậy: chỉ có một bố cục đại khái thôi, rồi trong khi viết, có thể ý nọ gợi ý kia, nảy ra ý mới, hoặc thấy nên đảo một vài ý trong bố cục, nhất là có thể bỏ một ý nào đó đi, thêm vào một ý khác; tóm lại là có thể xáo trộn bố cục ít nhiều, như vậy có lợi là ý đột ngột hơn, văn tươi tắn hơn, viết thú hơn, chứ không có hại gì cả; và tôi giữ lối viết đó cho tới ngày nay. VIẾT Khi đã bắt đầu viết, tôi không thể nhởn nha được, ít nhất phải viết cho hết chương, chứ không bao giờ bỏ dở để làm một công việc khác. Nếu có công việc khác gấp thì tôi cũng phải diễn tất cả các ý trong chương, dù là vội vàng, rồi sau sẽ sửa lại. Thường thường một cuốn độ hai trăm trang mà dễ viết – loại Học làm người chẳng hạn – thì tôi viết một hai tháng là xong; rồi tôi nghỉ một tuần hay nửa tháng trước khi bắt tay qua cuốn sau. Thời gian nghỉ đó là thời gian tôi tha hồ đọc sách báo vừa để tiêu khiển, vừa để kiếm tài liệu. Gặp những cuốn khó viết, loại văn học, triết học Trung Quốc, phải chín mười tháng, một năm mới xong, tôi chia làm từng chặng, từng đợt hai ba tháng một. Văn Chiến Quốc sách rất cổ, rất khó hiểu mà tôi lại không kiếm ra được một bản chú giải nào vừa ý, nên phải so sánh ba bốn bản, dùng cả bản bạch thoại, lại phải tra hai bộ từ điển Trung Hoa, có khi mất cả một ngày mới dịch được một trang. Trong khi dịch bộ đó, tôi đau bao tử liên miên, phải vừa xoa bụng vừa viết, đau quá thì nằm nghỉ một chút rồi ngồi lên viết tiếp.[10] Bộ đó tôi phải dựa vào ba chặng, nghỉ nửa tháng. Cuốn Văn học Trung Quốc hiện đại cũng tốn sức tôi rất nhiều, năm 1953, tôi đã viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc để tìm hiểu tự học; in bộ đó rồi, tôi tự hẹn sẽ tìm hiểu kĩ hơn về Văn học hiện đại của Trung Quốc để bổ túc, và từ khoảng 1960, tôi nhờ vài người bạn thân kiếm cho một số sách báo ngoại quốc viết về văn học Trung Quốc từ cuối Thanh đến nay, nhưng chỉ có mỗi một ông bạn, ông Tạ Trọng Hiệp ở Paris kiếm cho được cuốn History of Modern Chinese fiction của C.T Hsia. Rốt cuộc trong năm sáu năm, tôi chỉ thu thập được sáu, bảy cuốn, một số của cộng sản, một số của Mĩ và Pháp, tuyệt nhiên không có cuốn nào của vùng Quốc gia Đài Loan cả. Thành thử tài liệu về thơ và kịch hiện đại, tôi gần như không có gì, nên không thể giới thiệu hai loại đó cũng tương đối kĩ như giới thiệu loại tiểu thuyết được. Khuyết điểm đó rất nặng; nhưng tôi cũng miễn cưỡng soạn cho xong. Miễn cưỡng chứ không phải cẩu thả; trái lại là khác, mỗi chương, nhất là trong cuốn II, tôi tốn nhiều công, viết xong thấy rất mệt, có cảm giác như leo một ngọn núi. Và trước sau tôi cũng phải nghỉ hai ba lần sau mỗi chặng đường. Độc giả làm sao biết được nỗi khó khăn đó của tôi. Viết xong cuốn nào tôi sửa lại liền. Khi sắp in, có thể là năm sáu tháng sau hoặc mười năm sau tôi mới sửa lại một lần nữa. Nhiều nhà văn phải đợi có hứng rồi mới viết được. Họ gợi hứng bằng nhiều cách: uống cà phê, trà đậm, hút thuốc hết điếu này đến điếu khác; có người nghe một bản nhạc hoặc đọc vài trang trong một cuốn mà họ thích, rồi mới bắt đầu viết. André Maurois có hồi đọc Tolstoi, Tourguéniev để lấy hứng. Tôi thì dù không có hứng cũng cứ đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài trang, nửa trang rồi hứng tự nhiên tới. Khi đã mải mê viết thì tôi không để ý tới những tiếng động ở chung quanh, quên hết mọi sự; tuy nhiên tôi vẫn thích làm việc ở một chỗ tĩnh mịch, và luôn một hơi hai ba giờ liền mà không bị quấy rầy. BÚT PHÁP CỦA TÔI: TỰ NHIÊN THÀNH THỰC Có một số rất ít nhà văn tự tạo cho mình một bút pháp (style) đặc biệt không giống một nhà văn nào khác, ở Pháp ta có thể kể La Bruyère (thế kỷ XVII), văn cô động, linh động, dùng những câu rất ngắn, gần như châm ngôn; Marcel Proust trái lại, dùng những câu rất dài xen nhiều mệnh đề phụ để phân tích tỉ mỉ tâm lí con người, mô tả mọi nét đặc biệt của một cảnh vật. Ở nước ta, khoảng năm 1930, có Hoàng Tích Chu, tạo một lối văn viết báo gồm những câu cụt ngủn, trái với lối viết nặng nề của Phạm Quỳnh. Gần đây có Hư Chu và Mai Thảo. Hư Chu chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa, thường dùng chữ cổ, những câu ngắn, có những vế nhỏ đối nhau, và rất chú trọng đến nhạc, đọc lên ta thấy cứ một vế, hoặc một câu bổng thì lại tới một vế, một câu trầm, giọng văn cứ đều đều lên xuống. Ví dụ: “Nguỵ lại nghèo lắm. Cơm không đủ hai bữa, áo chỉ độc một manh. Nhà cửa thì vách đất giường tre; cả gia sản duy chỉ có một bụng chữ thánh hiền là đặng giá. Người vợ Nguỵ vì không chịu được nỗi cơ hàn đã phải bỏ chồng mà đi mất. Những là chê chồng chẳng đẹp tốt bằng người, huống chi còn lấy sự hỏng thi của Nguỵ làm điều xấu hổ. Nhưng chàng cũng không buồn. Đêm ngày vẫn khổ công học tập, sinh nhai về nghề vẽ tranh, viết trướng kiếm ăn”. (Nam Hải truyền kỳ, tr. 161). Mai Thảo đặc biệt hơn, bỏ cả ngữ pháp để có một lối viết mà người ta cho là “làm duyên, làm dáng”: “Chỉ một câu hò mái đẩy ai oán đã dư thừa làm hứng cho Phạm Duy nhạc và Lưu Trọng Lư thơ” (Căn nhà vùng nước mặn, tr. 127). Nhạc và thơ ở đây dùng làm động từ. “Yêu chùa Hương /cách một con suối, /ngăn một triền núi/ cao một mênh mông, / thấp một thăm thẳm/”. (Căn nhà vùng nước mặn, tr. 141). Hai tiếng một sau dùng rất cầu kì, không có nghĩa gì cả, chỉ để thành hai vế, mỗi vế 4 tiếng như hai vế trên. Một số nhà văn khác chịu ảnh hưởng rất đậm của một bực thầy, và theo đúng bút pháp của thầy, như nữ sĩ Mộng Tuyết với thi sĩ Đông Hồ; nữ sĩ Nguyễn Thị Vịnh với tiểu thuyết gia Nhất Linh. Hạng này nhiều hơn hạng trên. Nhiều nhất là hạng thứ ba: có một bút pháp tự nhiên. Tôi thuộc vào hạng này. Tôi nhận thấy trong số các bạn văn của tôi người nào to lớn bệ vệ thì văn cũng nặng nề; người nào nhanh nhẹn, nóng nảy thì văn cũng nhẹ nhàng, sắc bén; người nào hóm hỉnh thì văn tươi, người nào kiểu cách thì văn bóng bảy mà đa xảo… Tóm lại, cá tính ra sao thì bút pháp như vậy.[11] Cá tính nào cũng có điểm dễ thương, không bao giờ hoàn toàn xấu thì bút pháp cũng có thể có ưu điểm, miễn là thành thực. Trong bài Bút pháp và cá tính (Giữ thơm quê mẹ - số 7, năm 1965, sau in vô cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa –Tao Đàn – 1967), tôi đã viết: “Chính cá tính quyết định bút pháp. Mà cá tính thì do bẩm sinh và tuỳ thể chất một phần lớn, một phần nữa thì chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự tôi luyện. Cho nên tôi có thể nói rằng bút pháp của ta đã định trước từ khi ta chưa tập viết, chưa biết viết: nó là vóc người, là dáng đi, là nhịp điệu của hơi thở, là sự tuần hoàn trong huyết quản, là sự tác động của các hạch nội tiết. Tất nhiên càng sống thì tư tưởng có thể càng tiến, kỹ thuật có thể càng già, nhân sinh quan có thể thay đổi, nhưng giọng văn, lối viết thì không thay đổi mấy, vẫn nhận ra được. Thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương chẳng hạn, ngày nay vẫn giữ được những nét riêng của mỗi nhà thơ từ thời trước; mà những nét riêng trong thơ ấy chính là những nét riêng trong tính tình, thể chất của mỗi nhà…[12]. Đứng về phương diện khoa học, không có cá tính nào là xấu, mà đứng về phương diện nghệ thuật cũng không có bút pháp nào là bản nhiên dở. Uỷ mị có cái đẹp của nó, hùng hồn có cái hay của nó; đẽo gọt là một nghệ thuật mà tự nhiên cũng là một nghệ thuật; (…) tất cả vấn đề là diễn được đúng những cái mà chúng ta muốn diễn và gây được trong lòng độc giả những cảm xúc như chính ta cảm xúc. Hiểu được như vậy rồi thì (…) ta sẽ can đảm nhận cá tính của ta, dùng bút pháp nó đã lựa, định cho ta, (…) đừng ngại sẽ không bằng nhà này hay nhà khác (…), cần thiết là phải dám là ta, phải thành thực với ta đã. Có thành thực mới cảm được người. Có thành thực mới đáng cầm cây viết (…)”. Thành thực có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: không cảm xúc thì đừng viết. Những bài văn mà tôi đắc ý và được bạn văn cùng độc giả thích, hầu hết là những bài tôi rất thành thật với tôi, nghĩ sao viết vậy, cảm xúc ra sao thì viết ra như vậy, như những hồi kí, tạp bút: Làm con nên nhớ, Cháu bà nội, tội bà ngoại, Con đường hoà bình, Hoa đào năm trước (Lá Bối in trong loại Bông hồng cài áo), Cụ Phan và lòng dân (Trình bày – 1967), Ý nghĩa cái chết của giáo sư Trần Vinh Anh. (Bách Khoa – số 254, ngày 1.8.67)… Nghĩa thứ nhì là khi viết, phải quên hết danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kĩ thuật làm văn, mà chỉ theo cá tính của mình thôi. Phải như anh em họ Viên trong phái Công An đời Minh, “để cho miệng và tay tự nhiên”, hơn nữa phải như Hoàng Sơn Cốc đời Bắc Tống, “để cho chương cú ngẫu nhiên thành như đường do sâu đục trong khúc cây” thì văn mới thực là cảm mạnh và thú vị; đôi khi còn nên, như Jules Renard đã khuyên, cứ phóng bút mà viết, đừng trao giồi, để cho văn được uyển chuyển, mềm mại. Văn của Tô Đông Pha được người đời khen là “hành vân lưu thuỷ”, chính là do ông phóng bút mà viết. Viết như vậy thì là một việc tự nhiên như thở, nhẹ nhàng, dễ dàng; tuỳ cảm xúc mà văn lúc thì bình tĩnh, lúc thì bồng bột, lúc vui, lúc buồn, lúc phẫn nộ, lúc mỉa mai…; lúc nhanh lúc chậm, lúc tiến lúc thoái; giọng thay đổi có khi đột ngột, lôi cuốn được độc giả. Viết được đoạn đầu rồi thì cứ cho ngọn bút theo cái đà tư tưởng, cảm xúc của ta mà phần trước lôi kéo phần sau cho tới khi diễn hết những điều ta muốn nói rồi thì ngừng, đừng thêm gì cả. SỰ BÌNH DỊ Tôi như mọi người, hồi trẻ hơi mắc tật khoa trương khi tập viết – những bài tuỳ bút, tiểu luận theo lối cổ văn Trung Quốc -; những bài đó hầu hết tôi chỉ giữ làm kỉ niệm chứ không cho in. Lần lần tuổi càng lớn, tôi càng trọng sự bình dị hơn, khi sửa bài văn thường bôi bỏ nhiều hơn là thêm vô. Nhất là những hư từ ở cuối câu, những tĩnh từ (adjectif) đặt sau một danh từ, nếu không thật cần thiết thì gạt bỏ, không hề tiếc. Nhưng tôi không theo Renan được, ông bỏ ra một năm để sửa bộ Vie de Jésus cho văn hết bóng bảy mà thật giản phác. Có thể vì cá tính của tôi khác ông, mà cũng có thể vì những đề tài tôi viết không có tính cách cổ kính như tác phẩm bất hủ đó của ông. Tôi trọng sự bình dị mà cũng trọng cá tính của tôi nữa. Có lần viết xong một tác phẩm, tôi đưa cho một anh bạn thân coi lại giùm để góp ý kiến về nội dung và hình thức. Anh bạn đó đối với tôi rất chân thành mà viết văn rất kĩ: uống cà phê đặc và hút thuốc để thức đến một hai giờ khuya đẽo gọt vài câu văn là cái thú thường ngày của anh. Lần đó anh bôi cả đoạn văn kí sự của tôi rồi chịu khó viết lại giùm: đảo lên đảo xuống, tỉa bớt cho cô lại, thêm bớt cho có nhạc hơn. Tôi khen anh sửa khéo, nhưng tới khi in, tôi vẫn giữ đoạn văn của tôi vì tôi nghĩ nó tự nhiên hơn, diễn đúng ý của tôi, cảm xúc của tôi hơn, nhất là vì nó có giọng của tôi, mang cá tính của tôi. Nó là tôi. Lâm Ngữ Đường trong cuốn The importance of living[13] có những nhận xét sâu sắc về đức bình dị trong văn. Ông viết: “… Sự bình dị là điều khó đạt được nhất (…) trong văn chương (…). Muốn được bình dị thì trước hết phải tiêu hoá nổi tư tưởng và óc cũng phải già giặn: khi chúng ta về già, tư tưởng của chúng ta sáng sủa hơn; ta bỏ ra một bên những phương diện không quan trọng mà có lẽ sai lầm của vấn đề đó nữa, ý tưởng ta hình thành một cách rõ ràng hơn và những chuỗi tư tưởng lần lần tự hiện lên thành những lời văn gọn gàng, giản dị (…). Ta không thấy phải gắng sức nữa mà sự thực hoá ra sáng sủa và do đó hoá ra bình dị. Sự tự nhiên của tư tưởng và bút pháp đó mà các thi sĩ và các phê bình gia Trung Hoa rất tôn trọng, được coi là một sự già giặn tiệm tiến. Khi chúng ta nói đến sự già giặn tiệm tiến trong văn xuôi của Tô Đông Pha là chúng ta muốn bảo rằng họ Tô đã lần lần tiến lại sự tự nhiên, tiến gần tới một bút pháp thoát li được cái thói phù hoa, thói dởm, cái thói khoe tài, thói dàn cảnh của tuổi trẻ”. Theo tôi văn bình dị khó nhất ở điểm phải có ý cao, tình đẹp nếu không thì hoá ra nhạt nhẽo, vô vị. Phải từng trải cho nhiều, đau khổ cho lắm như Tư Mã Thiên, Hàn Dũ, Dostoievski – “cùng nhi hậu công” -; phải coi được nhiều kì quan của vũ trụ như Lí Bạch, Jack London; phải học thật rộng như Tô Thức, Vương Dương Minh, Tagore; phải suy nghĩ cho thật chín như Thích Ca ở dưới gốc Bồ Đề, như Ki Tô ở trong núi; lại phải được trời phú bẩm cho một tâm hồn thanh cao, một trí óc sáng suốt; tóm lại phải vào hạng siêu nhân lại tốn công tu luyện – Jack London thiếu công đó – mới đạt được cái nghệ thuật siêu đẳng là bình dị, tự nhiên, biết thế nào là không thừa, không thiếu, không non nớt mà cũng không phóng đại. Khó như vậy nên từ xưa tới nay những nhà văn bình dị mà bất hủ mới rất hiếm: Lí Bạch được độ mươi bài thơ và bài cổ văn, Đỗ Phủ ít hơn. Tô Đông Pha được mươi bài cổ văn, dăm bài thơ, Nguyễn Du được vài chục câu trong Kiều, chục câu trong Văn tế thập loại chúng sinh, dăm bài thơ chữ Hán… còn những nhà khác chỉ được vài ba bài. Những nhà lưu danh nhất trong lịch sử nhân loại lại chính là những nhà có những tư tưởng cao siêu nhất, tình cảm cao thượng nhất như Thích Ca, Khổng tử, Lão tử, Ki Tô, mà những nhà đó không hề làm văn bao giờ. Platon không sánh được mấy nhà kể trên, nhưng nhờ được chứng kiến cái chết của thầy học là Socrate – một triết gia tâm hồn rất cao thượng – mà cũng lưu lại được một trang bất hủ tôi đã dẫn trong bộ Hương sắc trong vườn văn, chương XIII. Đọc trang đó, chúng ta thấy Platon không sắp đặt gì cả, việc xảy tới đâu chép tới đấy; lập đi lập lại những tiếng và, rồi, người, có vẻ lôi thôi nữa; và chúng ta nghĩ bụng: “Ai mà viết chẳng được như vậy”. Phải, chúng ta đều viết được như vậy miễn là được chứng kiến cái chết cao cả và cảm động của Socrate. Cái “đẹp” ở đây là cái đẹp tự nhiên, không cần tô điểm, mà làm cho tâm hồn ta cao thượng. Khi một hành vi, một thái độ đã tột bực cao đẹp thì càng tô chuốt càng hỏng, nên Platon không dùng một hình ảnh nào cả. Phải có điều kiện như vậy thì văn bình dị và tự nhiên mới khỏi vô vị. KHÔNG QUÊN ĐỘC GIẢ - YÊU ĐỀ TÀI Tôi viết nhiều loại sách cho nhiều hạng độc giả; từ người già tới thanh niên và cả trẻ em nữa; cho nên khi viết tôi phải nghĩ đến hạng độc giả của mỗi loại sách, viết sao cho họ hiểu được, nếu cần thì phải chú thích. Cũng là viết về Văn học Trung Quốc, mà bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc thuộc loại phổ thông, cho nên trình bày như một sách giáo khoa khác hẳn bộ Chiến Quốc sách và Sử kí thuộc loại biên khảo viết cho những độc giả đã hiểu biết ít nhiều về Trung Hoa. Soạn sách tôi chỉ nhắm mục đích: tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng, chỉ cần được một số độc giả trung thành với tôi thôi. Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết: Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu đủ cho tôi rồi. Khi viết tiểu sử danh nhân, tôi lựa những người có tâm hồn đẹp, có công với nhân loại, tôi gom góp càng nhiều tài liệu về họ càng tốt (tôi bỏ nhiều năm kiếm tài liệu về Helen Keller[14]) tìm hiểu những đau khổ, gắng sức, thành bại của họ rồi rung động, say mê kể lại cuộc đời của họ để làm gương cho đời; tóm lại tôi thực tâm yêu quí những vị mà tôi viết, nhờ vậy loại Gương danh nhân của tôi (gồm khoảng chục cuốn) được độc giả hoan nghênh, khen là hấp dẫn, cảm động hơn những cuốn người khác viết. Phải chính mình thích cái gì mình viết thì độc giả mới thích nó được: Đó là qui tắc mà cũng là bí quyết của tôi. Tôi biết có những đề tài viết ra bán rất chạy, nhưng tôi nhất định không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người chinh phục thế giới như Thành Cát Tư Hản) hoặc vì tôi thấy có hại cho độc giả (chẳng hạn tư tưởng của nhóm Hiện sinh ở Âu mà tôi cho là không hợp với dân tộc mình, xã hội mình lúc này). Trái lại có những đề tài tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết, như cuốn Một niềm tin, chỉ in 2.000 bản mà bán sáu bảy năm vẫn còn. Tôi không cầu danh hay lợi; có một số bạn hiểu mình, một số độc giả mến mình, lúc nào cũng có dư một số tiền là đủ rồi, không cần giàu. Và bao giờ tôi cũng cho rằng cái vinh dự nhất của người cầm bút là được độc giả tin cậy, chứ không phải nhận chức này hay chức khác, hoặc những tờ ban khen có dấu son đỏ choét của chính quyền. CHÁNH TẢ - DÙNG CHỮ Tôi rất chú trọng đến chánh tả và sự dùng chữ cho đúng. Chỗ ngồi viết, sau lưng tôi kê một cái tủ mà hai ngăn chứa toàn tự điển non hai chục bộ, lớn nhỏ: Việt, Pháp, Anh, Hán tự điển, văn liệu, điển tích, đồng âm, đồng nghĩa…; tôi chỉ cần quay lại, với tay là lấy được liền. Cuốn tôi hay dùng hơn cả là cuốn Việt ngữ chánh tả của Lê Ngọc Trụ (Thanh Tân - 1960), nhất là cuốn Việt ngữ chính tả đối chiếu tự vị giản yếu của Phạm Trọng Kiên và Nguyễn Văn Tòng (Thế giới – 1950). Trước khi có cuốn sau tôi cũng làm một cuốn sổ tay chép những tiếng tôi chưa thuộc chánh tả, sắp theo ba mục: tiếng bắt đầu bằng CH, TR; tiếng bắt đầu bằng D, GI, R; và tiếng bắt đầu bằng S, X. Kiếm mua được cuốn của Phạm Trọng Kiên và Nguyễn Văn Tòng rồi, tôi bỏ sổ tay của tôi mà dùng cuốn đó. Chỉ dày 100 trang khỗ 11 x 15 phân, giá có 12 đ, mà nó giúp tôi được rất nhiều, cơ hồ không ngày nào mà tôi không tra nó; chỉ khi nào tra mà không thấy (chẳng hạn tiếng “nước ròng”, “lúa sạ”, “xối nước”, “dẽ đất”) tôi mới phải dùng cuốn của Lê Ngọc Trụ. Nhưng cuốn đó thiếu nhiều, lại soạn riêng cho người Bắc nên có lần tôi đề nghị với một nhà xuất bản in một cuốn cũng giản yếu và đối chiếu như vậy nhưng khá đầy đủ, soạn chung cho người Bắc và Nam: người Bắc thường viết sai phụ âm đầu, người Nam hay lầm các vần và hai dấu hỏi, ngã. Những công việc nho nhỏ, tầm thường như vậy mà lại hữu ích vô cùng, tiết kiệm cho người dùng được nhiều thì giờ. Hồi mới xuất bản được vài cuốn, mỗi lần sách phát hành rồi, đọc lại còn thấy sót lỗi của thợ sắp chữ hoặc lỗi của chính tôi, tôi bực mình lắm. Nhưng chỉ vài ba năm sau tôi đâm chai ra, cho rằng nhận lỗi là phải còn ân hận, thắc mắc về lỗi của mình thì chỉ hại cho tâm hồn mình, công việc của mình thôi, và tôi tự an ủi bằng câu này của người Hồi giáo: “Chỉ có Allah – Thượng Đế - mới hoàn toàn”. Tôi nhớ một nhà xuất bản phương Tây quyết tâm in cuốn Thánh Kinh (Bible) không có một lỗi nào. Cứ sắp chữ xong một số trang, họ vỗ một bản dán ở trước cửa, yêu cầu tất cả nhân viên đọc, hễ thấy lỗi thì chỉ cho để sửa lại, rồi mới in. Vậy mà khi in xong, đóng bìa rồi, một người mới tìm ra được một lỗi nặng ở ngay đầu sách: chữ Bible đã sắp chữ lầm ra Bilbe. Một người Ả Rập dệt xong một tấm thảm, soát lại từng đường dệt một, không thấy một lỗi nào, cho như vậy là xúc phạm Allah vì chỉ có Allah mới hoàn toàn, liền tháo một mối dệt, sửa lại cho thành một lỗi nhỏ. Hai chuyện đó có thể chỉ là những giai thoại không có thực, nhưng cả hai đều có ý nghĩa, và khuyên ta cứ làm hết sức mình, đừng cầu toàn ở mình và trách bị ở người. Tôi còn nghĩ rằng Thượng Đế cũng không hoàn toàn nữa: cái thế giới mà Thượng Đế tạo ra này có biết bao điều khó hiểu, vô lí, mâu thuẫn, đâu phải là hoàn toàn. Khi học được cái khôn của người Ả Rập rồi, tôi bình thản hơn, khi thấy lỗi nào trong tác phẩm đã in của tôi thì tôi sửa ngay trên một bản chính để tôi dùng riêng rồi quên nó đi. Ngày nay, nếu có thì giờ đọc lại trăm tác phẩm của tôi thì thế nào trong mỗi cuốn cũng thấy được ít nhất là vài ba lỗi nặng, không kể những lỗi sai chánh tả hay in lầm. Nhưng tôi sẽ không phí thì giờ sửa chữa, vì có sửa ba bốn lần nữa thì hết được lỗi nặng mà vẫn còn những chỗ không vừa ý, lại ngứa tay muốn sửa nữa. Để thì giờ làm công việc khác, lợi hơn nhiều.°
DỊCH LOẠI PHỔ THÔNG KIẾN THỨC Số trang tôi dịch cũng ngang với số trang tôi viết, và những sách dịch của tôi có thể chia đại khái làm hai loại: loại Học làm người, loại Văn học, Triết học. Xét chung về loại Học làm người và phổ thông kiến thức, giáo dục v.v… thấy đề tài nào nhiều người (ngoại quốc và Việt) viết rồi thì tôi kiếm càng nhiều càng tốt những sách người ta đã viết, đọc cho biết, so sánh, châm chước ý mỗi nhà, thêm những nhận xét của tôi, rồi viết lại một cuốn cho thanh niên của mình. Thí dụ cuốn Luyện lý trí. Tôi đọc trên mười cuốn Pháp, Việt về vấn đề đó, nhưng tôi không theo một tác giả nào cả vì không thấy một cuốn nào vừa ý; và tôi đã viết lại, nhấn mạnh vào điểm phải có tinh thần phán đoán, đừng vội tin những điều thiên hạ tin, lại phải nghi ngờ cả lời dạy của cổ nhân nữa. Có thể nói rằng tôi đã thành công: tác phẩm của tôi tuy mượn tài liệu trong nhiều tác phẩm mà không giống một tác phẩm nào. Nó hợp với xã hội Việt Nam hơn, có ích cho thanh niên mình hơn; nó thực là của tôi. Ngay khi mới xuất bản, một nhân viên trong một cơ quan nào đó, du học ở Mĩ đã mấy năm, đọc nó, thích và lại làm quen với tôi. Có trường hợp tôi không cần phải khảo cứu, cứ rút những kinh nghiệm trong đời sống của tôi để viết, như cuốn Tương lai trong tay ta mà độc giả rất hoan nghênh vì lời khuyên thiết thực, giọng chân thành và cảm động. Nó cũng hoàn toàn là của tôi, trình bày nhân sinh quan của tôi. Có thể kể vào loại này những cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Tự học một nhu cầu của thời đại v.v… trong đó tôi đưa những kinh nghiệm riêng của tôi, chứ không như một số tác giả chỉ thu thập những ý kiến của phương Tây rồi viết lại. Một độc giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nhận thấy điểm đó, viết trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi (Bách Khoa số 426 – 20.4.75): “Tôi biết có những tác giả còn “sản xuất” mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt. Ở ông Nguyễn Hiến Lê thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người của ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì chính nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được”[15]. Và cũng nhờ vậy mà loại “Học làm người” của tôi được độc giả tin cậy nhất. Sau cùng, có những tác phẩm đặc biệt của một danh sĩ như André Maurois (Thư ngỏ tuổi đôi mươi, Thư gởi người đàn bà không quen biết), B. Russel (Chinh phục hạnh phúc), Lâm Ngữ Đường (Sống đẹp), Sống hai mươi bốn giờ một ngày của A.Bennett; hay một tác giả không phải là danh sĩ, nhưng chứa nhiều ý rất mới như cuốn Xây dựng hạnh phúc của L.A. Huxley, vợ nhà văn Aldous Huxley; hoặc viết rất hấp dẫn, đào sâu một vấn đề như Đắc nhân tâm, Quảng gánh lo của Dale Carnegie… thì tôi phải dịch, vì tự xét viết không thế nào bằng tác giả được. Dịch loại này, trừ các tác phẩm của danh sĩ, tôi thường dịch thoát, có thể cắt bớt, có thể sửa đổi vài chỗ cho hợp với người mình. DỊCH TRIẾT HỌC, VĂN HỌC Loại triết học, văn học thì luôn luôn tôi dịch sát (đức tín), và phải xuôi (đức thuận), sáng sủa, nếu cần thì chú thích. Tôi dịch nhiều nhất là sách triết Trung Hoa, công việc tương đối dễ, không phải tạo danh từ mới để diễn những ý niệm mới như dịch sách triết phương Tây. Cần nhất là hiểu kĩ ý trong sách và muốn vậy phải có những bản chú thích tốt. Dịch sách văn học khó hơn dịch sách triết học vì chẳng những dịch sát ý mà còn phải giữ cả thể văn, có khi cả phép hành văn của tác giả nữa. Tôi rất ngại việc dịch thơ Trung Hoa, nhất là thơ luật, phải dịch ra thơ luật mà tôi không làm thơ bao giờ. Trong bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc, chỉ có một số ít bài do tôi dịch, mà toàn là những bài dễ, còn hầu hết đều do một ông bác tôi dịch cho và kí tên là Vô danh. Nhưng thơ cổ phong loại “từ” (một thể thơ), và loại thơ mới của Trung Hoa thì tôi có thể dịch được vì không bị trói buộc vào niêm luật. Trái lại, cổ văn Trung Quốc thì tôi tự dịch lấy hết, diễn được đúng ý và cả thể (biền ngẫu, phú) của nguyên tác, nhiều độc giả cho là thành công. Dịch tiểu thuyết phương Tây, tôi nghĩ rằng muốn thành công thì phải lựa một tác phẩm hay, mà bút pháp tác giả không trái với bút pháp của tôi, bình dị, tự nhiên như Léon Tolstoi, Somerset Maugham…, có vậy thì dịch mới thú, mà rồi độc giả đọc mới thấy thích. Tôi sợ nhất là việc dịch Marcel Proust: có lần tôi chỉ dịch một trang của ông mất cả một buổi, sửa đi sửa lại mấy lần vẫn không vừa ý. Tôi chắc bất kì người Việt nào dịch văn hào đó cũng thấy khó nhọc như tôi. Dịch tiểu thuyết Âu Mĩ khó hơn dịch tiểu thuyết Trung Hoa. Mỗi ngôn ngữ có một lối phô diễn tư tưởng, không thể áp dụng bừa bải lối của người vào ngôn ngữ của mình được. Giữa Việt ngữ và Hoa ngữ, sự cách biệt không là bao vì cả hai đều thuộc loại ngôn ngữ cách thể (langue isolante – hồi xưa gọi là đơn âm) và hai dân tộc đồng văn với nhau; nhưng giữa Việt ngữ và Pháp ngữ hoặc Anh ngữ có một bức tường, không phải chỉ phủ nhận bức tường đó là làm cho nó biến đi được. Không những vậy, tâm hồn của người Âu cũng khác mình, lối suy nghĩ nhìn đời của họ cũng vậy; họ lại có những dụng ngữ, ý niệm mà chúng ta không có (chẳng hạn những tiếng gentlement, honnêtre homme, bourgeois, chúng ta không thể dịch cho thật đúng được); ngược lại chúng ta cũng có những dụng ngữ, ý niệm mà họ không có (như tiếng quân tử, sĩ phu, âm dương…). Vì vậy, dịch sách Pháp, Anh chúng ta thường phải dịch thoát, đảo lên đảo xuống, thay đổi tổ chức của câu, có khi ta bắt buộc phải tìm hiểu ý của tác giả rồi quên nguyên tác đi, diễn lại ra sao cho hợp với tinh thần tiếng Việt, để những đồng bào không biết ngoại ngữ hiểu được như ta, hiểu mà không thấy bỡ ngỡ, chướng tai; dịch các sách triết, khoa học như vậy thì không có hại, dịch văn thơ mà phải theo lối đó thì cái hay trong nguyên tác mười phần mất đến sáu bảy, như trường hợp dịch Chateaubriant, A. France, hai nhà này là những nghệ sĩ, văn du dương như thơ. Cách xưng hô, nói năng của họ khác mình, Pháp có những tiếng je, vous, il, mình phải khéo chuyển ra tiếng Việt cho hợp với mỗi hạng người. Vợ chồng họ thường gọi nhau chéri(e) cả trước mặt người lạ; chúng ta không thể dịch sát nghĩa ra là anh yêu dấu hoặc em cưng được, chỉ có thể dịch ra là “mình” hoặc “em” được thôi, trừ khi hai vợ chồng ở trong phòng riêng tỏ vẻ âu yếm với nhau. Rồi những câu tục ngữ của họ nữa, dịch sát thì cũng được, nhưng như vậy thì không khéo mà phải chú thích, phải rán tìm một tục ngữ Việt tương đương để chuyển. Chẳng hạn trong bộ Chiến tranh và Hoà bình, Léon Tolstoi cho một nhân vật trong truyện bảo một thiếu nữ: “Sao em không ở nhà mà quay xa”; một bản tiếng Pháp chuyển ra thành: “Sao em không yên ổn trồng rau, chúng đánh đau thì chịu”; tôi tìm được câu tục ngữ tương đương mà gọn: “trêu có, cò mổ mắt”. Nhưng mười lần, may lắm là tìm ta được hai ba lần như vậy. Ông Vi Huyền Đắc không dịch câu: “Nous nous connaissions depuis l’âge des chausesettes” là “Chúng tôi biết nhau từ khi còn đi vớ ngắn” (vì trẻ em Việt rất ít khi đi vớ), cũng không dịch là “chúng tôi biết nhau từ khi còn để chỏm” (vì trẻ em Pháp không để chỏm); mà dịch là “chúng tôi biết nhau từ khi hỉ mũi chưa sạch”, cũng đã là khéo chuyển lắm, độc giả chỉ thấy xuôi tai thôi chứ ít ai nhận được công phu của người dịch. Có khi mình có những điển như Tây Thi, Từ Hải, Tú Bà, Sở Khanh, diễn đúng điển của họ, mà không thể dùng được vì không thể cho một người Anh hay một người Pháp bảo: “Hắn là một tên Sở Khanh”, nghe chướng lắm; đành cứ phải để là Don Juan rồi chú thích ở cuối trang. DỊCH MỘT TIỂU THUYẾT DÀI Tôi rút ra được kinh nghiệm này khi dịch những tiểu thuyết dài 700- 800 trang trở lên của Anh, Pháp, Nga. Muốn cho bản dịch được nhất trí, và đỡ mất thì giờ, nên chép lên một tờ giấy riêng tên những đồ dùng của họ mà mình không có, như cái samovar, cái traîneau… tìm một lối dịch, rồi ghi ngay ở bên cạnh, chẳng hạn: ấm lò, xe trượt tuyết… để sau gặp lại kiếm được ngay, khỏi phải dịch lại. Những tiếng có nhiều nghĩa, như tiếng animé, tuỳ chỗ phải dịch là có hồn, có sinh lực, náo nhiệt, khởi sắc, hung hăng, hoạt động, hoạt bát, nhiệt tâm, linh động, hồng hào, hăng hái, kịch liệt… cũng nên ghi tất cả những nghĩa đó trên một tờ giấy riêng để sau dễ lựa nghĩa nào hợp với đoạn văn phải dịch. Nhất là phải lập một bảng ghi tên các nhân vật chính và phụ trong truyện với địa vị xã hội, nghề nghiệp, tuổi tác, tình bạn bè hoặc họ hàng giữa những nhân vật này với nhân vật khác; định cho nó một cách xưng hô với nhau hồi trẻ ra sao, về già ra sao… để khỏi mắc lỗi mâu thuẫn trong cách xưng hô. Vì không lập bảng ngay từ đầu bộ Chiến tranh và Hoà bình mà tôi đã tốn rất nhiều thì giờ, có khi dịch cả ngàn trang rồi phải lật lại những trang trước để tìm xem nhân vật này gọi một nhân vật khác là gì: anh hay cậu, chị hay cô, bác hay chú…[16] Văn dịch của chúng ta ngày nay so với vài ba chục năm về trước đã tiến bộ, bớt lai căng, nhưng vẫn còn một số dịch giả cả ở Nam lẫn ở Bắc làm việc cẩu thả, dịch đúng từng chữ, không chịu tìm cách chuyển qua tiếng Việt, thành thử lời đã sượng, ý lại rất tối. Năm 1968 trong tạp chí Bách Khoa số 281[17], tôi đã nêu vấn đề đó đưa ra nhiều thí dụ. Muốn mau trừ cái tệ đó tôi nghĩ các nhà xuất bản và nhà báo phải từ chối tất cả các bản dịch có giọng lai căng, không xuôi tai, chỉ có cách đó mới bắt người dịch phải tìm ra những cách phô diễn mới mà thích hợp với Việt ngữ. Công việc này rất có lợi cho Việt ngữ, phải tốn sức trong một thời gian dài, có thể vài ba chục năm. DỊCH MỘT TÁC PHẨM NHƯ DIỄN MỘT BẢN NHẠC Đã hơn mười năm rồi, một buổi tối mùa Xuân tôi được nghe một dàn nhạc từ Mĩ qua hoà tấu ở Sở Thú cho giới trí thức, văn nhân, học giả Sài Gòn thưởng thức. Họ bắt đầu bằng bản Quốc thiều Việt Nam[18]. Tôi thấy rất du dương, từ bỗng xuống trầm rất dịu dàng; như có tiếng gió thổi nhẹ trong cành lá trên đầu chúng tôi vậy - thính giả ngồi giữa trời. Dĩ nhiên họ tấu rất đúng Quốc thiều của ta nhưng nó không làm cho máu ta sôi lên như biết bao nhiêu lần trước tôi đã nghe các nhạc công của mình tấu. Tôi có băng cổ nhạc Nam Bình, lâu lâu tôi cho chạy để nghe bài Vọng cố hương và bài Lan và Điệp. Cũng là bản vọng cổ, cũng do ba nhạc công hoà (Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ), chỉ khác bài Vọng cố hương là dùng đàn tranh, đàn guitare, đàn kìm; còn bài Lan và Điệp dùng đàn tranh, đàn guitare và đàn sến[19], vậy mà bài Lan và Điệp ai oán, lâm li hơn bài Vọng cố hương nhiều. Tôi lại nhớ năm 1935, khi còn làm Sở Thuỷ lợi, đi đo mực nước miền Tây, có một người giúp việc cho tôi tên Tám quê ở làng Tân Thạnh, quận Chợ Mới, chơi đàn kìm rất hay, đặc biệt nhất là bài Vọng cổ, anh có một lối nhấn rất lạ, không giống ai, khiến bản Vọng cổ dưới ngón tay anh có giọng lâm li mà vẫn hùng, tôi nghe thích hơn bản Văn Thiên Tường. Vậy nhạc trưởng và cả nhạc công nữa, nếu có tài thì đều có công sáng tác khi trình diễn một bản nhạc. Cũng là bản nhạc đó, những nốt nhạc đó, mà không một nghệ sĩ nào trình diễn giống nghệ sĩ nào, tài đã khác nhau mà cảm xúc, lối diễn cũng khác nhau, vẫn có cái gì riêng – của mỗi người, dễ dàng nhận ra được. Tôi không biết gì về nhạc, hiểu như vậy không biết có đúng không, và tôi nghĩ rằng văn thơ cũng như nhạc, dịch một bài văn một bài thơ, cũng như diễn một bản nhạc, cũng là làm công việc sáng tạo mặc dù dịch rất sát không thêm bớt. Dịch giả - nếu có tài – cũng là một nghệ sĩ, và mỗi bản dịch cũng là một nghệ phẩm. Không bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch, cũng để lộ tâm tư của người dịch, cái không khí thời đại của người dịch. Muốn thấy rõ điều đó, chúng ta chỉ cần so sánh nguyên tác bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị với bản dịch của Phan Huy Vịnh[20] (nhà xuất bản Nam Việt – 1952). Mới câu đầu; chúng ta đã thấy hai bản có cái gì khác nhau, mặc dù cũng bảy chữ và bản dịch rất sát nguyên bản: “Tầm dương giang đầu dạ tống khách” Không buồn, không vắng vẻ, mông lung bằng: Bến tầm dương canh khuya đưa khách. Tôi có cảm tưởng như vậy, có lẽ dạ, dịch ra là canh khuya, Dạ (đêm) không gợi ý bằng canh khuya. Tài năng của họ Phan, tinh thần của tiếng Việt là ở chỗ đó. Bốn năm trước, một bạn văn ở Trung Việt cho tôi hay một độc giả của tôi nói với ông: “Đọc bản dịch Guerre et Paix của Pháp tôi thấy hùng, mà đọc bản dịch của ông Lê[21] tôi thấy buồn và đẹp”. Tôi chưa hề nhận thấy như vậy, mà tôi cũng không có cơ hội xin độc giả chỉ cho tôi một vài đoạn trong bản của tôi và bản tiếng Pháp ông ấy đã đọc để tôi so sánh. Nếu lời ông ấy đúng thì thật là ngoài ý muốn của tôi - vì khi dịch tôi không bao giờ mong dịch đẹp hơn, buồn hơn bản tiếng Pháp cả. Nhưng điều đó có thể hiểu được: tiếng Việt có thể không hùng bằng tiếng Pháp, mà du dương hơn tiếng Pháp nhờ những âm bằng trắc, bổng trầm. Một độc giả khác cũng ở Trung bảo đọc bản tiếng Pháp cuốn Il est un pont sur la Drina của nhà Plon, chỉ được vài chục trang chán quá phải bỏ; mà đọc bản dịch Chiếc cầu trên sông Drina (Trí Đăng – 1972) thì say mê từ đầu tới cuối. Điều này rất dễ hiểu: người Việt dù thông thạo tiếng Pháp, đọc tiếng Việt vẫn thích hơn đọc tiếng Pháp nếu hai bản có giá trị ngang nhau vì chúng ta dễ cảm được những tế nhị, những âm hưởng, tiết điệu trong tiếng Việt hơn của tiếng Pháp. Mà đọc sách Trung Hoa thì cũng vậy, mặc dù ngôn ngữ, văn thơ Hoa, Việt có nhiều điểm giống nhau. Vì thế mà các nhà Nho của ta thích bản Tì Bà Hành của Phan Huy Vịnh hơn, thuộc bản đó hơn nguyên bản của Bạch Cư Dị. Đọc câu thứ hai của bài đó: “Phong diệp địch hoa, thu sắt sắt” và câu dịch: Quạnh hơi thu, lau lách dìu hiu thì câu của họ Phan làm tôi rung động hơn nhiều, nhờ những chữ: lau lách dìu hiu, cả chữ quạnh, chữ hơi nữa vì ta thấy lau lách buồn hơn địch hoa; hơi thu, đìu hiu gợi cảm hơn thu sắt sắt. Nhưng một người Trung Hoa đọc câu của Bạch chắc cũng thích hơn câu của Phan vì phong diệp (lá phong), sắt sắt (tiếng gió vi vút) gợi cho họ một cảnh thu thê thảm hơn. Mà cảnh thu ở Trung Hoa thê thảm hơn ở Việt Nam thật. Mỗi tác phẩm bất hủ của một dân tộc nào nếu khéo dịch cũng thành một tác phẩm bất hủ của một dân tộc khác, thành một bảo vật trong kho tàng chung của nhân loại. Bản Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị và bản dịch của Phan Huy Vịnh thật là hai kiệt tác diễn được cả tâm sự của Bạch lẫn của Phan làm rung động tâm hồn hai dân tộc Hoa và Việt. Chúng ta phải khuyến khích việc dịch, luyện văn dịch, và rán dịch nhiều văn thơ của ngoại quốc để làm giàu văn hóa của mình. Nười Pháp khen Baudelaire dịch Histoires extraordinaires (Truyện Quái đản) của Edgar Poe là rất sát và rất hay, quí nó không kém những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của họ. Trong một số tác phẩm, tôi đã bàn về nhiều vấn đề trong chương nầy: - Vấn đề nguyên tác – (Nghề viết văn - Phần II, chương III). - Bút pháp và cá tính – (Vài vấn đề xây dựng văn hóa – tr.8). - Văn chương và dân tộc tính – (nt – tr.16). - Tìm ý – (Nghề viết văn – Phần II, chương IV). - Viết – (Nghề viết văn – Phần II, chương V). - Bí quyết luyện văn – (Luyện văn III, tr.148). - Dịch là một cách luyện văn – (Luyện văn III, tr.149). - Dịch văn ngoại quốc (Bách Khoa số 281 năm 1968). - Sự thuần khiết trong ngôn ngữ (Bách Khoa số 282 năm 1968).[1] Trong ĐVVCT còn có đoạn này: “Năm Mậu Thân, tôi dịch Chiến tranh và Hoà bình của L. Tolstoi, nhờ vậy mà khỏi nghĩ đến những trận đánh đẫm máu ở khắp nước, những trận pháo kích ác liệt vào Sài Gòn”. (Goldfish). [2] Nghĩa là: Điều không may cũng có cái hay (theo từ điển Baamboo). (Goldfish).[3] Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê mở năm 1954. (Goldfish). [4] Coi loạt bài Cải tổ nền giáo dục Việt