Riêng tôi thì trở về nhà sống với mẹ và với chị hai tại Chợ Lớn. Ở được hơn nửa năm trong tình gia đình đầm ấm, tôi vẫn thấy nỗi buồn xâm chiếm. Tôi xin phép gia đình cho vào an dưỡng tại Trung Tâm Hồi Lực vì chỉ ở nơi đây tôi mới thực sự tìm được chỗ đứng của mình. Tại đây, thật là bất ngờ. Tôi gặp lại Nam, người bạn học năm xưa, sau bao năm xa cách không đứa nào thư từ cho nhau, định mệnh đã dung rủi cho hai đứa tôi gặp lại nơi đây. Buổi sáng hôm ấy, trong Trại B Hồi Lực anh em trong trại truyền tai nhau sẽ tiếp nhận hai bệnh nhân mới từ miền Trung chuyển vào, đặc biệt có một anh mù mắt dẫn theo một đứa con nhỏ. Vừa từ phòng bác sĩ về nghe nói có bạn mới, tôi đẩy lần xe lăn vào dãy có giường ở giữa trại, nơi hai người bạn mới vừa được chuyển tới nằm để xem có quen hay không? Thật ra thì ở trại hồi lực này, ngoài chuyện chờ đợi thân nhân tới thăm và đàm tiếu với nhau, chúng tôi không có việc gì khác để tiêu khiển ngày giờ là chờ có thêm thương binh mới để đến hỏi thăm. Người thì chỉ vẻ cách sống trong trại, người thì hỏi thăm thương tật, nói chung chỉ vẻ đủ thứ chuyện để thấy ngày tháng đỡ nhàm chán. Một trong hai người mới tới ngồi trên giường, mặt quay vào phía trong. Tôi đẩy xe tới bên cạnh khẽ gọi: "Chào anh!". Người vừa mới tới quay về phía tôi, mặt ngước lên trời. Tôi giật mình kêu lên "Nam!". Trời ơi, đúng là thằng Nam, bạn học cũ của tôi ngày nào đây mà. Gương mặt của Nam sao dị hợm quá, một bên mặt bị nám đen, con mắt trủng sâu trong vết sẹo đen thâm xì, con mắt còn lại chớp chớp nhưng tinh thể đã bị đục thũng. Khuôn mặt tuy đã biến dạng nhưng tôi vẫn nhìn ra Nam, thằng bạn học cũ. Nam vẫn ngồi bất động. Tôi đẩy xe chồm người tới nắm lấy tay Nam, tiếng nấc mắc nghẹn ở trong họng. Nam cũng tò mò nắm lấy bàn tay tôi nhưng ngẩn ngơ không biết là ai. Tôi xưng tên thì Nam giật mình sờ soạn rờ vào đầu tôi, kéo tôi thật mạnh vào lòng. Hai đứa ôm nhau, thân hình Nam run run xúc động, còn tôi thì khóc nức nở như một trẻ thơ. Ôi, thằng bạn thân nhất thời xưa giờ đây còn tàn phế hơn tôi. Không những Nam bị mù hai mắt mà còn bị cụt mất một chân dưới gối. Sau giây phút xúc động, hai đứa tôi ngồi cạnh bên nhau nói chuyện thật lâu. Cuộc đời thật trớ trêu, cả hai đứa năm xưa chơi thân với nhau, giờ đây mỗi đứa mang một thương tật nặng nề, hình hài không còn nguyên vẹn. Anh em trong trại tôn trọng sự xúc động của chúng tôi nên đã tự động tản đi nơi khác. Thế là Nam cùng đứa con trai trở thành những người bạn thân tình trong gia đình mới của chúng tôi. Phía trước Trại B có một sân cỏ thật thoáng rộng. Những lúc trời chiều gió thoảng, anh em trong trại thường ra nơi đây tụm năm tụm ba ngồi hóng mát. Tôi cùng Nam thường ra ngồi trên đệm cỏ nói chuyện, thằng con nhỏ của Nam vần vô tư tung tăng chạy nhảy, hồn nhiên đi bắt cào cào rồi chạy đền khoe. Nam kể cho tôi nghe những năm tháng thăng trầm của đời lính chiến. Sau khi mãn khóa huấn luyện quân sự, Nam được chuyển ra đơn vị mới, Sư Đoàn 1 ở Huế. Đời lính có lúc lên lúc xuống nhưng rồi cũng qua đi. Sau nhiều chiến công rực rỡ, Nam được thăng chức trung đội trưởng. Những lần về bộ tư lệnh họp, Nam có dịp làm quen với một người con gái xứ Huế học trường Đồng Khánh. Hai người qua lại thân mật với nhau và sau hơn một năm đã cùng nhau lập gia đình. Hai vợ chồng sống những ngày tháng thật êm đềm, đứa con đầu lòng được sinh ra trong tình yêu thương nồng cháy. Nam và vợ thuê một căn nhà nhỏ gần chợ Đông Ba, vợ Nam bán vải, cuộc sống tràn trề hạnh phúc. Đầu năm 1970, chiến cuộc gia tăng cường độ, khu vực giới tuyến được giao cho các binh chủng tinh nhuệ trấn giữ, Sư Đoàn 1 rút về tăng cường các tỉnh phía Nam Quân Khu 1. Trong một cuộc hành quân tại khu vực đồi núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, trung đoàn của Nam đụng mạnh với Lữ Đoàn 52 chủ lực của quân cộng sản từ miền Bắc xâm nhập vào vùng Ba Tơ - Minh Long. Không may trong một trận đánh cánh quân của Nam bị lọt vào ổ phục kích, đại đội của Nam bị thiệt hại nặng, hơn phân nửa binh sĩ bị thương hay bị thiệt mạng, trong đó có Nam. Khi tiến vào khu vực Minh Long, nghe tiếng pháo lệnh của địch quân phía trước, đại đội của Nam phân tán ra hai bên nằm rạp xuống đám cỏ tranh trong rừng quan sát. Chỉ trong tích tắc sau đạn pháo và đạn cối của địch quân ào ạt rót xuống cánh quân của Nam đang nằm. Anhnào lanh chân thì nhảy vào các hố đạn pháo vừa nổ ẩn nấp, những anh em khác thì đành chịu trận. Khói bụi bay mù mịt, không ai thấy gì cả, mùi thuốc súng và mùi tanh của máu bốc lên khó chịu. Tiếng la ơi ới. Pháo kích xong vừa xong, cộng quân liền tổ chức xung phong, chúng la hét vang trời. Chốt kháng cự nơi Nam trú ẩn bị trúng một quả B40, hai đồng đội bị chết liền tại chỗ. Nam chỉ thấy một vệt lửa chóa lên trước mắt rồi nằm im bất động. Khi tỉnh lại tại Quân Y Viện Qui Nhơn, Nam mới biết mình bị mù hai mắt và cụt một chân dưới gối. Những ngày đầu buồn bã vô hạn, ý định tự tử len lỏi vào đầu của Nam nhưng nghĩ đến vợ con, Nam hy vọng các bác sĩ sẽ chữa lành con mắt còn lại. Mỗi tuần vợ Nam đón xe từ Huế vào Qui Nhơn thăm anh một lần. Khi thì đi một mình, khi thì dẫn đứa con trai theo, Nam cũng cảm thấy đôi phần an ủi. Không lúc nào như lúc này, tình thương yêu của vợ con đối với Nam thật là cần thiết. Mỗi lần được vợ con đến thăm, Nam cứ muốn giữ lại bên mình vĩnh viễn. Nam chỉ tiếc là không còn nhìn được diện mạo của mình để biết mình bị thương phế đến mức nào, Nam chỉ biết mình bị mù cả hai và mất một chân. Hơn một tháng nằm điều trị, vết thương trên người của Nam đã bình phục, người ta làm chân giả cho Nam tập đi và còn được hướng dẫn cách đi của người mù. Cuối cùng bác sĩ cho Nam xuất viện trở về Huế. Nam trở về đời sống thường dân với những bước chân chập chững của người tàn phế. Sau một thời gian, Nam không hòa nhập với cuộc sống mới, Nam bị mặc cảm và thường hay gắt gỏng với vợ với con vì những chuyện không đâu. Thêm vào đó, vì chuyện sinh kế vợ của Nam thỉnh thoảng phải đi vắng nhà mua hàng ở Đà Nẵng, giao con lại cho Nam chăm sóc. Vợ của Nam làm sẵn thức ăn sẵn, dặn Nam tắm rửa và cho con ăn cho đúng giờ đúng lúc. Cuộc sống càng lúc càng khó khăn, vợ của Nam vắng mặt luôn làm Nam ghen tức, hay nổi giận bất tử và có lúc đã vung vài cử chỉ thô bạo với vợ. Quan hệ vợ chồng từ đó trở nên lạnh nhạt, hai người không còn ngủ chung giường và không ai nói với ai lời nào. Giận vợ và bất mãn với chính mình, Nam không đi đâu hết, cứ ngồi lì ở nhà và cũng không muốn tiếp một ai, bạn bè họa hoằn lắm cũng chỉ một hai người đến thăm. Cảm thấy không thể hội nhập vào cuộc sống bình thường và không khí trong nhà khó thở, Nam xin vào trại hồi lực để tìm quên với những người bạn cùng cảnh ngộ. Một buổi chiều kia, vợ Nam dẫn con vào Trung Tâm Hồi Lực 2 thăm Nam như thường lệ. Hôm đó Nam linh tính như có một chuyện gì xảy ra mà chưa đoán ra được. Vợ Nam ít nói hơn, không ở lâu như mọi khi và bảo đứa con ở chơi với cha để ra ngoài mua thuốc hút. Dạo sau này vợ Nam bắt đầu hút thuốc lá. Thấy lâu rồi mà vợ chưa trở lại, Nam dẫn con ra ngoài cổng hỏi thăm thì người lính gác cho biết thấy vợ của Nam vừa ra khỏi cổng liền đón chuyến xe đò vừa chạy tới. "Như vậy là vợ tôi đã bỏ cha con tôi rồi", Nam bần thần than thở với người lính gác và thầm trách người bạn đời. Nam dẫn con trở về phòng, ngôi yên thật lâu không nói lời nào. Thằng con chạy nhảy chung quanh một hồi rồi kêu đói, Nam tìm cho nó mấy miếng bánh bích qui cho nó ăn đỡ. Nam vẫn ngồi lặng thinh bất động hàng giờ trên giường, suy nghĩ cách nào nuôi con. Đứa trẻ ăn xong, chạy tới chạy lui khóc lóc tìm mẹ, sau cùng mệt quá nó ngủ vùi trong vòng tay của cha. Từ đó hai cha con sống chung với nhau trong căn phòng nhỏ bé của trại hồi lực. Ban giám đốc trại hay biết chuyện này cũng làm ngơ để cho đứa bé ở lại với người cha tàn tật và còn cho tăng thêm phần ăn. Mỗi khi có phái đoàn nào đến thăm, đứa con của Nam được mọi người chiếu cố tặng cho nhiều bánh kẹo và áo quần mới. Hoàn cảnh của Nam được nhiều người thương cảm, anh em trong trại mỗi khi có thân nhân vào thăm đều dành một ít bánh quà tặng lại cho cha con. Nam không còn tinh thần để trò chuyện với anh em trong trại như trước nữa. Mỗi khi chiều về, đứa con chạy về phòng ngủ, Nam ngồi lặng hằng giờ vuốt lưng cho con ngủ mà nước mắt cứ chảy dài trên gương mặt xấu xí. Cảm thấy không khí tại đây buồn bã, thương cho thằng con sớm bơ vơ vì không có mẹ cận kề chăm sóc, Nam xin chuyển về Trung Tâm 3 Hồi Lực ở Sài Gòn và tình cờ gặp lại tôi. Năm 1972, chị Kiều Mỹ Duyên, phóng viên nhật báo Hòa Bình do một linh mục làm chủ nhiệm, đã viết nhiều bài phóng sự về cuộc đời của anh em thương bệnh binh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa rất hay, trong đó có câu chuyện đầy thương tâm của Nam, để vận động sự giúp đỡ. Nam được chính phủ cấp cho một căn nhà trong Làng phế binh Thủ Đức, cạnh Nghĩa Trang Quân Đội. Hai cha con, nhờ tiền cấp dưỡng, tạm sống qua ngày. Tôi thì vẫn ở lại với anh em trong trung tâm vì vẫn còn độc thân. Năm 1975, trời tháng tư trở nên nóng bức, không có gió. Ngày thì rực lửa, đêm thì khó chịu. Tin tức chiến cuộc ngày càng lo âu. Phan Thiết bị thất thủ, ông tướng này bị bắt, ông tá kia bị quản thúc. Quân cộng sản đã vào đến Long Khánh và Lái Thiêu nhưng bị chặng lại vì sự chống trả mãnh liệt của các Sư Đoàn 5, 18 và 25 bộ binh quyết giữ ải địa đầu của Sài Gòn. Nhưng rồi họ cũng tiến quân vào đến Biên Hòa, thủ đô Sài Gòn chỉ còn trong gang tấc, một sớm một chiều sẽ lọt vào tay quân cộng sản mà thôi. Tôi được một số bạn bè cho biết tình hình không còn sáng sũa chút nào, nhưng tất cả đều phó mặc cho số phận. Ý tưởng chính phủ Mỹ không bỏ rơi miền Nam vẫn còn được nhiều người hy vọng. Một số người khác còn nhắc đến những điều khoản vừa mới ký kết trong Hiệp Định Paris hồi đầu năm 1973, v.v... Nhưng chế độ miền Nam đã bị lung lay nhưng không ai biết. Vài ba thằng bạn được gia đình tới rước về vội vã đến từ giã tôi. Mấy người hàng xóm gần quân y viện cũng lo thu xếp đồ đạc, giao nhà giao cửa cho người khác trông nom rồi dẫn cả gia đình ra phi trường chờ được di tản sang Mỹ. Nhiều người khác còn lưỡng lự giữa đi hay ở vì còn bận cha, vướng mẹ già, con dại không ai nuôi dưỡng. Hàng ngày, những chuyện này xảy ra trước mắt và nơi trang nhất báo chí đăng những tin tức và hình ảnh dòng người di tản trong hỗn loạn làm cho anh em trong trại càng thêm hoang mang. Còn ba ngày nữa là hết tháng 4. Vào hồi giữa khuya, tiếng còi báo động của nhà máy xi-măng Hà Tiên phát ra liên hồi. Trong làng phế binh nơi Nam ở, mọi nhà đều thức dậy, nhốn nháo. Có nhà mở hé cửa ra nhìn ra đêm tối, có nhà bật đèn sáng trưng để xem động tỉnh thế nào. Tiếng còi báo hiệu trận đánh Sài Gòn bắt đầu. Từ trong đêm tối quân cộng sản dùng xe tăng và xe tải tiến sát vào các vùng ven đô. Tiếng đại pháo và tiếng súng nhỏ nổ lách tách suốt dọc xa lộ Biên Hòa và sông Sài Gòn. Một số anh em chạy ra ngoài lắng nghe và bình luận tiếng súng của hai bên, anh em phân biệt tiếng súng AK và M16, tiếng đạn phóng hỏa tiễn M72 và B40 để biết địch quân đang tiến tới đâu và phe ta đã kháng cự như thế nào. Từ xa vang rền tiếng nổ máy rầm rầm của các loại xe tăng, xe vận tải, cộng thêm tiếng "đề ba" đại pháo của hai bên, tiếp theo sau là những tiếng nổ ầm ầm, nhiều đốm sáng đỏ rực chiếu lên ở một góc trời. Phi trường Tân Sơn Nhứt và Bộ Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam đang bị pháo kích. Trên trời những tia lửa do trực thăng bắn rốc kết xẹt lên lia lịa, thêm vào đó là tiếng đạn đại liên như bò rống từ trực thăng bắn xuống những vùng địch đóng. Bầu trời cứ chiếu sáng liên hồi những đốm lửa rực đỏ. Chiến tranh đang về đến Sài Gòn, có lẽ lần này là lần quyết định. Tại Trung Tâm Hồi Lực 3, chúng tôi cũng rất hoang mang. Các dãy nhà đều tắt đèn. Nằm trên giường, tôi lắng tai nghe tiếng "đề ba" của pháo từ các tiểu khu Gò Vấp, Thủ Đức bắn yểm trợ các đơn vị bạn. Tiếng đạn đại pháo bay rít trong đêm tối nổ ầm ầm dọc theo sông Rạch Cát, Rạch Chiếc và xa lộ Biên Hòa. Lòng tôi lo lắng, tôi thao thức luôn đến sáng. Sáng sớm hôm đó, một vài người trong làng phế binh Thủ Đức chạy vào trại cho biết mọi người trong làng đều xôn xao, nhiều người đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng ra đi nếu xảy ra trận chiến cận kề. Dân trong làng có những kẻ hiếu kỳ lấy xe đạp, xe Honda chạy vòng qua ngã chợ Thủ Đức để coi và quan sát tình hình như thế nào. Những tin tức sốt dẻo từ những người này mang lại càng cho dân làng thêm lo lắng. Đường xa lộ từ ngã tư Bình Thới hướng Sài Gòn đã bị cô lập, cấm đi từ rạng sáng. Một vài cây cầu bị giựt sập, nhiều đường khác bị tắt nghẽn vì bị xe tăng M40 và thiết giáp M113 cản đường. Chỉ tiếc là những người chạy vào trại báo tin không ai biết hiện giờ cha con của Nam ở nơi đâu và đang làm gì. Nỗi bàng hoàng và thất vọng càng lớn khi sáng ngày 30-4-1975 nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Thu mình trên chiếc xe lăn, tôi ngồi bên cửa sổ ở hàng hiên, suy nghĩ miên man từ chuyện này sang chuyện nọ. Tôi không còn nước mắt để khóc cho quê hương và cho chính tôi. Mọi chuyện rồi cũng có ngày kết thúc, nhưng lần này chúng kết thúc trong bi thương. Anh em phế binh chỉ buồn cho thân phận không may của mình. Thôi, đã mất tất cả rồi. Quốc gia này còn mất sá gì thân phận hèn mọn của mình, tôi gượng gạo mỉm cười khi bất chợt gặp một vài người thân quen. Anh em trong trại không ai buồn nói với ai lời nào, mỗi người đều có những ưu tư riêng. Phải sống như thế nào đây trong những ngày sắp tới? Đó là câu hỏi mà mọi anh em chúng tôi đều đặt ra cho chính mình.