Chương 59

Không! Lương tâm không cho phép chúng ta thờ ơ trước những cảnh đời đen tối đó. Không thể để những anh em phế binh này và gia đình họ tiếp tục bị đày đọa trong tủi nhục. Giúp đỡ họ, tìm cách đưa họ ra khỏi tối tăm là bổn phận của lương tâm. Nếu chúng ta đã từng biết câu "lá lành đùm lá rách" thì những "lá rách" này cần phải đùm bọc, an ủi trước hết và nâng đỡ họ sớm tìm lại danh dự trong cuộc sống. Chúng ta không thể tiếp tục để "lá rách đùm lá rách" như họ thường mỉa mai. Chúng ta không thể tiếp tục sống một cách dửng dưng như những ngày đã qua, nhất là những Việt kiều về thăm đất nước.
Tôi xin trích dẫn một đoạn trong thư vừa nhận được từ một phế binh: "Cái khổ của anh em chúng tôi không phải là đói lạnh, vì bản năng sống còn của con người giống như của muôn thú rất là mãnh liệt. Cái chua cay, tủi nhục là vợ chúng tôi phải đi ở đợ cho "giai cấp mới" không ra gì, con chúng tôi thất học, phải đi bới rác phụ giúp gia đình. Thảm trạng của chúng tôi, chúng tôi đã kêu trời trên 20 năm nay, nào có ai thấu? Nước mắt chúng tôi càng trào khi nhìn những Việt kiều đốt pháo cả trăm đô-la, và tiêu xài cả ngàn đô-la cho một đêm tiệc. Dường như các thế hệ sau này và các Việt kiều không còn muốn thấy những thân hình què chân, cụt tay, đui mù trên phố phường, làm ô nhiễm tầm nhìn của họ...". 
Quí ân nhân kính mến,
Quí vị đã chia sẻ với chúng tôi chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước, quí vị đã dành dụm những số tiền nhỏ để làm lớn niềm vui của người bất hạnh. Quí vị đã từng đích thân về nước thăm hỏi và cứu trợ trực tiếp từng gia đình phế binh, quí vị đã nhìn tận mắt niềm vui chân thật của những con người mộc mạc, quí vị đã giúp họ những món quà quí báu. Đó là niềm vui và là niềm hãnh diện chung của người Việt Nam. Quí vị đã không quảng ngại khoảng cách, quí vị đã không hề thắc mắc về số tiền quí vị đã gởi chúng tôi khi ủng hộ chương trình. Những tấm lòng quảng đại đó không có ngôn từ và cách viết nào có thể diễn đạt đầy đủ. Tôi chỉ mượn lời của một cựu sĩ quan phế binh Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ sự biết ơn đó:
"...Được thư quà của ân nhân, không sao cầm được nước mắt, cổ họng nghẹn ngào. Tôi quì xuống cầu xin Thượng Đế hãy trả công vô cùng cho những ai đã làm ơn cho chúng con. Những kẻ mà ở nửa vòng trái đất, không hề quen biết con. Họ đã yêu tha nhân bằng tình thương của đấng Thượng Đế ban cho họ, họ đã chia sẻ cho con mồ hơi, công sức của họ. Xin Thượng Đế hãy nhận những đau khổ của con hôm nay và mai sau, để biến thành những hạnh phúc và may mắn trả lại cho những an nhân đó".
Anh sĩ quan này, trong suốt 10 năm bị "cải tạo", đã bị liệt hai chân vì bị cùm quá lâu. Khi được thả về, anh đã lê lết khắp các thành phố tìm vợ tìm con, đã bị bắt lại và bị kết án 5 năm tù về tội "tình nghi làm gián điệp". Đến nay anh đã được tự do và đang hành nghề bán vé số dạo. Chiếc xe lăn do quí ân nhận tặng đang là nguồn hạnh phúc anh đã tìm được sau những năm tháng khổ đau mất tin vợ con. Đây chỉ là một trường hợp trong muôn vàn trường hợp. Còn nhiều trường hợp khác bi thảm hơn nữa. Nếu nói về nỗi khổ của những anh em thương phế binh, có lẽ phải cần nhiều quyển sách mới có thể diễn tả đầy đủ. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến một chuyện mà thôi, đó là tìm cách xoa dịu những nỗi đau của những con người khốn khổ nhưng oai hùng này.
Hiện nay, dù ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chúng ta đều mang ơn các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là những anh em thương phế binh, họ là những chiến sĩ bảo vệ tự do và dân chủ cho miền Nam chẳng may bị mất một phần thân thể. Họ là những anh hùng cần được tuyên dương cho dù cuộc chiến đã tàn và bị các cấp chỉ huy hay đồng đội cũ bỏ rơi. Họ đã đối đầu với hiểm nguy trên chiến trường, đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù, gương can đảm này cần phải vinh quang. Bất hạnh cho họ là đã dẫm phải một trái mìn hay lãnh một mảnh đạn pháo vào thân thể, tuy không chết nhưng tàn tật suốt đời: cụt chân, cụt tay, mù, điếc, điên hay bại liệt toàn thân... Giúp họ tìm lại niềm vui trong cuộc sống là trách nhiệm của những người còn may mắn như chúng ta. Nếu không đủ khả năng tài chánh quí vị cũng có thể giúp bằng cách viết thư an ủi họ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp địa chỉ những người khát khao tình người, vì đối với họ mỗi lá thư thăm hỏi là một nguồn sinh lực mới giúp họ vượt lên mặc cảm bị bỏ rơi.
Tuy chưa biết nhau, nhưng chúng ta đã mến nhau và đang gặp nhau tại một điểm hẹn: xoa dịu nỗi đau của người khốn khó và thắp sáng tương lai đất nước. Chúng ta đang góp phần xây dựng hạnh phúc chung của dân tộc bằng hơi nóng tình người. Chúng ta phải hãnh diện và ngẩn cao đầu cùng với loài người. Tôi xin thay mặt một số anh em phế binh gởi đến quí vị đã tham gia chương trình cứu trợ lời cảm ơn chân thành, và cũng xin quí vị miễn thứ cho những người bị cụt chân, cụt tay và đui mù không thể viết thư cảm ơn và thăm hỏi, vì một lá thư gởi ra ngoại quốc trị giá bằng 4 ký gạo hay nhiều ngày ăn xin. Khi nhận một chiếc xe lăn hay một cặp nạng, người phế binh chỉ biết cảm ơn Trời Phật đã chiếu cố tới họ, vì bản thân họ chẳng có gì có thể đền đáp ơn cao cả đó của quí vị, kể cả tiền để gởi một lá thư, nhất là gia đình những anh em phế binh sống trong vùng thôn quê bị cơn bão Linda vừa qua tàn phá những mái nhà lá vốn đã xiêu vẹo.
Quí ân nhân kính mến,
Quí vị cùng chúng tôi đã đem lại một phần an ủi đến với các phế binh tại quê nhà. Chúng ta đã mang hết thiện chí và nhiệt tâm thực hiện một nguyện ước là giúp đỡ thương phế binh cụt hai chân. Chương trình đã gặp sự hưởng ứng nhiệt tình của quí vị ân nhân, chúng tôi bước thêm một bước nữa là giúp đỡ những thương binh bị cụt một chân và đui mù hai mắt và mất cả tứ chi, và sau cùng là giúp những đồng bào thiểu số mắc bệnh cùi hủi và trẻ em mồ côi tàn tật. Nói về thành quả, chúng ta đã có những thành quả tốt: hơn hai triệu quan Pháp cho năm ngàn hồ sơ (đó là thành quả của sáu hội đoàn: Hội Huynh Đệ Chi Binh và Tổng Hội Cựu Sĩ Quan Thủ Đức - Nam Định ở San José (Mỹ) hai hội ở Canada, một hội ở ĨÚc và Hội Cứu Trợ Người Tàn Phế Vì Chiến Tranh do tôi thành lập). Nhưng không vì vậy mà chúng ta tự cho phép mình được an nhiên.
Quí vị đã đến với chúng tôi từ lúc khởi đầu, chúng ta đã cùng đi một đoạn đường khá dài, nhân dịp này tôi khẩn khoảng xin quí ân nhân hãy tiếp tay đi với chúng tôi cho hết đoạn đường còn lại.
Hiện nay còn rất nhiều hồ sơ chưa được giải quyết, và hồ sơ nào cũng cấp bách. Nhiều hồ sơ gia đình tổ phụ, quả phụ, cô nhi tử sĩ hay thương binh nhẹ đang chờ được ánh sáng tình thương rọi chiếu. Cho đến nay họ chưa được sự chiếu cố qui mô nào, mặc dù sự đau đớn và khổ cực không kém các thương phế binh. Quí vị hãy vận động vòng đai thân hữu, rộng lượng đỡ đầu nhận thêm vài hồ sơ nữa tùy theo khả năng: 30 USD cho một phế binh cụt một chân, 60 USD cho một phế binh cụt hai chân.
Những số tiền vừa nói có thể là nhỏ đối với một số Việt kiều tại hải ngoại nhưng đó là những món quà lớn cho những người đang thiếu thốn trong nước. Chúng ta cố gắng dành dụm tiền tiêu xài giải trí, cúng bái nhà chùa và nhà thờ (các hình tượng thờ đâu có biết đói), vận động vòng đai thân hữu tham gia chương trình. Hồ sơ của từng phế binh sẽ được gởi thẳng đến quí vị bằng đường bưu điện nếu được yêu cầu. Khi nhận hồ sơ, quí vị có thể liên lạc hoặc gởi thẳng cho người phế binh cần được giúp đỡ. Cầu xin Đức Phật Thích Ca cùng Chúa Giê Su phù hộ gia đình quí vị.
Trước khi ngừng bút, tôi xin đưa một đề nghị cùng với quí vị là chúng ta thử suy nghĩ và trao đổi chọn ngày 1 tháng 6 mỗi năm làm Ngày Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa vì người cộng sản có ngày thương binh của họ. Sở dĩ tôi đề chọn ngày này vì nó dễ nhớ và là dịp trước khi nghỉ hè, những ai về nước thăm gia đình có thể mang tiền về tặng và thăm hỏi các phế binh trong nước. Tại hải ngoại, vào dịp này, các hội đoàn hay cá nhân quí vị ân nhân có thể tổ chức các buổi sinh hoạt gây quỹ một cách dễ dàng vì không trùng hợp với các dịp lễ lạc khác. Rất mong được đón nhận những ý kiến khác.
Thay lời cuối, tôi xin nhường lời cho đại diện phế binh Việt Nam Cộng Hòa cám ơn quí vị.