Chương 13

Mười ngày sau tôi hồi tỉnh lại. Như một đứa bé mới sanh tôi không nhớ gì cả. Nhìn thấy ánh sáng lờ mờ trong khoảng tối, tôi cựa mình ngồi dậy nhưng sao ê ẩm, đau nhức cả người. Nghe tiếng động, một cô y tá mặc bộ đồ trắng bước tới.
- Anh tỉnh rồi à?
Tôi lắc đầu không trả lời, môi miệng khô quá. Một lát lâu sau đó tôi mới định thần và hỏi:
- Đây là đâu vậy?
- Phòng Hồi Sinh của Tổng Y Viện Cộng Hòa.
- Tại sao tôi ở đây?
- Anh bị thương nhẹ, vài hôm nữa vết thương sẽ lành, anh được đi về.
- Làm ơn cho tôi xin ly nước. Khát quá - tôi thều thào trong cổ họng, cơn khát thật khó chịu.
Cô y tá lấy miếng bông gòn thấm nước để vào miệng tôi. Tôi bực quá la lên:
- Tôi xin một ly kia mà - tôi cự nự.
- Anh không nên uống nước nhiều - cô y tá hiền từ nhìn tôi. Vết thương của anh chưa lành hẳn. Uống nước nhiều máu sẽ chảy ra thêm. Để tôi chích cho anh mũi thuốc khỏe rồi cho anh uống nước sau.
Thực ra thì cô y tá đã chích cho tôi một mũi morphine, mắt tôi lờ đờ rồi ngủ luôn một giấc cho đến sáng hôm sau. Khi thức dậy tôi nhìn thấy hai tay tôi bị cột vào thành giường và cô y tá đẩy xe tới rửa vết thương. Lúc bấy giờ tôi mới biết mình bị cụt hai chân. Trời đất như quay cuồng, tôi bị hụt hẩng. Mắt tôi hoa lên, những vòng tròn trắng xóa quay nhanh đến chóng mặt. Tôi muốn khóc nhưng không còn nước mắt. Tôi muốn la nhưng tắt tiếng nói. Tôi im lặng nhìn người ta băng bó vết thương, thân thể đau đớn nhưng lòng dửng dưng. Đầu óc tôi trở nên trống rỗng. Thật ra tôi không biết phải nghĩ cái gì. Tất cả đều trở nên xa lạ. Đến 9 giờ sáng, bác sĩ đến khám bệnh nói:
- Cho anh ra trại. Anh khỏe lại rồi. Thoải mái nghe.
Khi ra trại, bệnh viện cho tôi một chiếc xe lăn. Tôi được đưa vào trại điều dưỡng của tổng y viện. Buồn quá, đêm đêm tôi lăn xe ra sân cỏ ngồi đếm sao trời, hồi tưởng lại chuyện đã qua. Càng về khuya, tiếng ve sầu càng thảm não. Tôi nhớ lại một bài hát của Phạm Đình Chương có hai câu thơ: "Anh đi chiến dịch xa vời, nòng súng nhân đạo cứu người lầm than". Ôi, mỉa mai thay, vì nòng súng nhân đạo đó tôi lâm vào hoàn cảnh này. Gió cứ thổi, lá cứ rụng. Trời đang vào thu. Đời tôi như thân cây u ám kia. Từng niềm vui, từng mạch sống rơi rụng xuống đời, để rồi không còn gì nữa. Cuộc sống của tôi bị chặt đứt,còn làm được gì với thân hình què cụt này. Tiếng gà đâu đó gáy báo hiệu trời sáng, tôi lăn xe về phòng uống thuốc an thần để tìm giấc ngủ.

*

Ngày qua ngày, tôi quen dần với nếp sống trong viện. Chung quanh tôi không thiếu gì những bạn đồng cảnh ngộ. Mỗi tuần đều có phái đoàn đến viếng thăm và tặng quà cho thương bệnh binh. Một hôm nọ, có phái đoàn của các bà Cao Văn Viên, Nguyễn Ngọc Lễ và ca sĩ Thẩm Thúy Hằng hướng dẫn các nữ sinh trường trung học Gia Long đến thăm và tặng quà cho anh em. Quà thường là bánh kẹo, sách báo và quí nhất là thuốc lá, đôi khi mỗi anh em còn nhận một lá thư an ủi và ngưỡng mộ của một nữ sinh vô danh gởi.
Đang nằm thoải mái trên giường bóc gỡ tờ giấy bao bọc gói quà mới nhận, trên miệng phì phèo điếu thuốc thơm Président, một cô nữ sinh cùng đi với phái đoàn buổi sáng trở lại phòng tôi. Lúc đó khoảng 11 giờ trưa. Nhìn thấy ba chữ "Nguyễn Thị Hiền" thêu trên áo dài trắng, tôi bạo dạn hỏi:
- Ủa, trưa rồi mà phái đoàn của cô Hiền chưa về sao?
Cô nữ sinh giật mình, trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Nhưng liền sau đó cô cúi xuống nhìn bản tên thêu trên áo dài trắng, e thẹn nói:
- Cái anh này tò mò quá. Phái đoàn đã về rồi, còn Hiền thì trở lại thăm anh lần nữa. Anh tên gì?
- Tên tôi dán trên đầu giường đó. Còn bí danh của tôi thì cô y tá chưa ghi.
- Bí danh của anh là gì?
- Hàn Mạc Tử! - tôi khôi hài nói.
- Vậy ai là Mộng Cầm của anh vậy? - Hiền nhanh nhẩu đối lại.
- Trời ơi, thời buổi này cụt què như tôi ai mà thèm làm Mộng Cầm.
- Biết đâu đó, nhiều khi anh đã có rồi mà anh không biết hay không muốn hiểu. Ở đời này có cái gì là tuyệt đối đâu. Khi có những người liều mình xả thân cho tổ quốc, cho dân chúng được bình yên thì những người đó phải được kính trọng. Chính vì muốn được sống trong cảnh tự do no ấm đó mà gia đình của Hiền đã di cư vào Nam. Còn chuyện Mộng Cầm thì Hiền chỉ nói đùa cho vui thôi, ai cũng có thể là Mộng Cầm hết nếu muốn.
Tôi chưng hửng, cô bé này coi vậy mà sâu sắc quá. Hiền nhìn tôi nói tiếp:
- Hiền nói chung chung tâm trạng của người phụ nữ vậy thôi, khi đặt đúng chỗ tình yêu đó không có giới hạn.
Im lặng. Tự nhiên lưỡi tôi cứng lại, đôi môi khép kín, nụ cười tắt hẳn. Mắt tôi hoa lên, hơi thở dồn dập. Tôi cúi đầu, mặc cảm. Tôi còn gì để đời kính trọng, một thân hình tàn phế. Đời chiến binh tàn tạ trong quân y viện còn gì để cho đời chú ý, trong mười hai con giáp tôi chẳng giống con nào. Tôi muốn tìm một câu trả lời thật cay cú để cho đỡ tức nhưng hàm răng trở nên nặng cứng, đôi môi se lại.
Để đánh tan không khí nặng nề đó, Hiền nói:
- Sao anh lặng thinh vậy? Hay là anh kể chuyện chiến trường cho Hiền nghe với.
Được gãi đúng chỗ ngứa, tôi lấy lại bình tĩnh kể lại những kỷ niệm chiến trường. Đến 4 giờ chiều, Hiền từ giã ra về, tôi vui vẻ lăn xe ra tiễn chân đến tận cổng quân y viện. Bóng Hiền vừa khuất, tôi trở về với nỗi cô đơn thường nhật. Tôi gạt mọi giả thuyết ra khỏi trí óc, tôi không được phép nuôi dưỡng ảo vọng. Hiền đến thăm tôi vì muốn an ủi một thương bệnh binh, chỉ thế thôi. Có lẽ Hiền cũng đã từng làm như vậy đối với nhiều bạn đồng cảnh ngộ khác. Thôi quên đi, tôi dặn lòng mình. Và tôi cố gắng sống bình thường như mọi ngày trước đó. Mặc dù vậy hình ảnh, tiếng nói của cô nữ sinh Gia Long kia thỉnh thoảng vẫn hiện ra trong tâm tưởng tôi mỗi khi được ngồi một mình. Tôi có ý trông mong nhưng không nuôi hy vọng.
Chủ nhật tuần sau, Hiền đến thăm tôi và còn mang theo một gà men cơm cùng thức ăn. Thật là bất ngờ và cũng chưa bao giờ tôi được ăn một bữa ăn ngon như thế. Lòng tôi ấm lại lạ lùng, tôi có cảm tưởng như đang chạy nhảy như người bình thường. Ngoài sân tiếng chim nghe sao hay quá và tôi thấy mọi người đều tươi cười.
- Anh cứ ăn tự nhiên. Kể từ nay, anh đừng ăn cơm nhà thương ngày chủ nhật nữa, Hiền sẽ mang cơm cho anh.
- Cảm ơn Hiền có lòng tốt đối với tôi. Nhưng đường sá xa xôi quá mà Hiền đi như vậy rất tốn kém. Vả lại Hiền đâu có làm ra tiền và còn phải lo việc học hành nữa chứ.
- Tiền bạc anh đừng có lo. Mỗi tuần bố mẹ đều cho tiền túi, Hiền không mua sắm gì nên để dành nhiều lắm. Vả lại nhà Hiền ở bên kia cầu Chữ Y không xa bệnh viện là bao, Hiền đi bằng xe đạp đến thăm anh cho đỡ buồn vậy mà.
- Tôi còn phải nằm lại đây lâu lắm, chờ người ta giải phẫu gấp những mảnh đạn còn dính trong người. Thỉnh thoảng Hiền đến thăm là tôi vui rồi.
- À, còn gia đình anh ở đâu mà Hiền không thấy đến thăm anh.
- Cũng ở gần đây thôi, nhưng tôi không muốn báo tin cho gia đình hay chuyện không may này.
Sáu tháng trôi qua, Hiền đến thăm tôi đều đặn mỗi chủ nhật. Trong thời gian đó, người ta đã làm cho tôi hai khúc chân giả và tập cho tôi đi bằng hai nạng chống. Hiền có giúp tôi đi lại ngoài sân sau khi ăn uống. Chúng tôi trở nên thân thiết. Một vài anh em trong viện nhìn tôi ao ước, chuyện của tôi và Hiền là đề tài để anh em trong viện bàn tán. Tôi rất hãnh diện và chỉ biết hãnh diện. Từ đó tôi không còn tự nhiên khi tham gia những cuộc vui với anh em như trước nữa, tâm hồn tôi đang bay bổng tận nơi đâu ấy.
Nhưng niềm vui vừa chớm đã sớm vụt tan, cuộc đời trong lúc khốn cùng nhất cũng không được yên. Lần này bố mẹ Hiền xuất hiện, tôi không trách cứ ai cả mà chì buồn cho thân phận. Ai có con gái mà không muốn nó tìm được người bạn đường xứng đáng. Một sáng chủ nhật, hai ông bà theo dõi con gái khi dẫn xe đạp ra khỏi nhà. Cả hai gọi xích lô bám sát theo sau mà Hiền không hay biết. Đến quán cơm gần quân y viện, Hiền dừng xe lại, vào mua cơm cùng thức ăn bỏ vào gà men, rồi đạp thẳng vào Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm tôi. Bố mẹ của Hiền liền theo vào nhưng chỉ đứng núp ngoài cửa lén nhìn vào. Khám phá ra sự tình hai ông bà lẵng lặng ra về. Sáng hôm sau, hai ông bà trở lại và đến thẳng phòng tôi. Lúc đó tôi đã vào xe lăn ngồi, định ra sân cỏ ngồi hít gió trời thì hai ông bà bước vào. Cả hai đứng nhìn tôi chăm chăm, tôi đang bỡ ngỡ chưa biết là ai thì bố của Hiền lên tiếng trước:
- Chúng tôi là bố mẹ của Hiền, hôm nay đến đây để nói chuyện với cậu.
Tôi ngồi lặng người, không biết hôm qua Hiền đi về có gặp chuyện gì không may không. Đang còn thắc mắc lý do hiện diện của hai ông bà thì bố của Hiền nói tiếp:
- Ngày hôm qua chúng tôi kín đáo đi theo con gái chúng tôi và biết nó đã vào đây thăm cậu. Từ lâu rồi chúng tôi để ý cứ đến chủ nhật là nó vắng mặt cả ngày, hỏi mãi nó cứ nói quanh co. Cho đến hôm qua chúng tôi mới biết rõ ngọn ngành. Lẽ ra chúng tôi đã vào gặp cậu và con gái chúng tôi ngay lúc đó, nhưng vì phép lịch sự không làm kinh động nơi này nên chúng tôi đã tế nhị ra về. Hôm nay chúng tôi đến đây gặp cậu để yêu cầu cậu thông cảm và xa lánh con gái chúng tôi. Nó còn nhỏ lắm, hãy để yên cho nó học hành.
- Thưa bác, Hiền đến đây thăm cháu chỉ vì lòng nhân đạo thôi chứ không vì lý do gì khác - tôi ngạc nhiên đáp lại. Giữa cháu và Hiền đâu có chuyện gì xảy ra.
- Cậu thì nói như vậy chứ ngày hôm qua khi con gái chúng tôi về đến nhà, chúng tôi gạn hỏi thì nó thú nhận rằng nó đã thương cậu và xin chúng tôi rộng lòng thương cảm.
Nghe câu này, tôi như bị sét đánh ngang tai. Tôi ngẩn ngơ, bàng hoàng, tâm thần bấn loạn. Sau một hồi im lặng, tôi run run nói:
- Thưa hai bác, một ngày gần đây cháu sẽ xuất viện. Cháu xin hứa với hai bác là khi rời khỏi nơi đây suốt đời cháu sẽ không bao giờ gặp lại Hiền nữa. Vả lại cháu là người biết tự trọng, với tấm thân tàn phế này cháu cũng biết là không xứng đáng với Hiền đâu. Xin hai bác cứ an tâm.
Nói xong câu đó tôi nhìn thấy gương mặt của hai ông bà lộ vẻ mừng rỡ. Sau đó hai ông bà hỏi thăm tôi về ngày giờ và lý do bị thương tật, gia đình tôi phản ứng như thế nào rồi vui vẻ từ giả ra về.
Chủ nhật tuần sau, cũng là chủ nhật cuối cùng, Hiền đến phòng tôi như thường lệ, nét mặt đượm buồn, bước chân nặng nề, dáng đi chậm chạp. Hiền gượng gạo mở nắp gà men mời tôi ăn. Tôi ngốn nghiếng ăn hết cả cơm và thức ăn không nói lời nào. Thấy tôi ăn gần xong, Hiền vội nói:
- Lần này anh ăn hết gà men cơm như vậy tức là anh sắp bình phục rồi đó, Hiền mừng lắm.
- Tôi cố ăn cho hết để rồi...
Tôi giả bộ như đang nuốt cơm để ngưng nói tiếp, dò xét. Sau cùng tôi quyết định hỏi thêm:
- Hiền ơi, hai đứa mình đã quen biết nhau hơn nửa năm rồi. Ngoài tình bạn ra, Hiền có nghĩ gì khác hơn không?
Hiền cúi đầu, nét mặt trở nên buồn bã, mắt nhìn xa xăm. Một lúc sau, thay vì trả lời Hiền vân vê tà áo, đọc hai câu thơ:
- "Y dài lối rẽ chia ba, sóng nước trào dâng rất đậm đà".
Tôi lúng túng không biết trả lời sao cho hợp ý câu thơ. Ý của Hiền muốn nói trong vế đầu là khi đến thăm tôi Hiền phải đi qua cầu Chữ Y, cầu Chữ Yrất dài và có ba ngã rẽ. Còn vế sau "sóng nước trào dâng rất đậm đà" thì tôi bí. Thật ra tôi cũng đoán là tình cảm của Hiền dành cho tôi rào rạc giống như sóng nước nhưng vì đã hứa với bố mẹ của Hiền, tôi phải giữ lời. Tôi làm bộ như không hiểu:
- Tôi không biết làm thơ. Vậy tôi đối lại bằng hai câu thơ mà tôi đã học lóm được không?
- Anh cứ đối lại đi, nhưng phải phù hợp với ý của Hiền.
- "Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình mất vui khi đã vẹn câu thề".
Nghe xong Hiền vội vã từ giã ra về, những giọt nước mắt chảy dài trên má.
Tôi gọi Hiền lại và xin mượn cái gà men, tôi giả vờ nói khi tối đến tôi hay đói bụng và sẽ nhờ anh em ra ngoài mua thức ăn giùm. Thật ra cái gà men này đối với tôi có một giá trị khác. Nó đã đến với tôi hơn nửa năm trời. Tôi giấu Hiền là ba hôm nữa là tôi sẽ xuất viện, tôi muốn đem cái gà men đó theo tôi suốt đời. Đối với tôi nó không những là một vật dụng thiết thân mà còn là một kỷ vật "thủy chung". Những khi buồn bã tôi sẽ mang nó ra nhìn, tôi muốn nó sẽ là người bạn đồng hành tri kỷ nhất suốt cuộc đời còn lại của tôi.
Ba ngày sau, một ngày thứ tư, tôi ra Hội Đồng Miễn Dịch để được cấp giấy chứng thương rồi sau đó đến Bộ Cựu Chiến Binh làm thủ tục ra trại an dưỡng Vũng Tàu. Trở về trại thu xếp đồ đạc và từ giã anh em. Ra khỏi cửa, tôi quyến luyến quay đầu nhìn lại lần cuối căn phòng đầy kỷ niệm đẹp.
Tôi được xe quân y viện đưa ra thẳng trại an dưỡng Vũng Tàu. Tại đây, mỗi buổi chiều tôi thường lăn xe ra bãi biển ngắm nhìn mây nước quên đi những tháng ngày buồn. Cảnh vật thật đẹp và bình yên. Xa xa là những cánh buồm thấp thoáng giữa biển trời bao la, tôi chỉ là một chấm nhỏ giữa thiên nhiên rộng lớn. Tôi thích nhìn những con dã tràng xe cát. Cuộc đời của chúng thật là phù du, tổ ấm vừa xây xong sóng biển liền phủ lấp. Cuộc đời của tôi không khác gì chúng, một hy vọng vừa lóe lên liền bị thực tại dập tắt. Nhiều du khách tò mò hỏi sao tôi cứ mãi nhìn những con vật đó, tôi làm bộ ú ớ ra dấu bảo họ để tôi yên. Người ta tưởng tôi điên. Thật ra tôi quá chán đời, không muốn trò chuyện với ai.