Tôi đang ở nhà dì Dụ. Một hôm thầy tôi sang. Lần này khác hẳn mọi lần. Thầy may từ bao giờ, cái quần soóc, áo sơ-mi màu cánh gián cộc tay, áo cho vào trong quần, có cả thắt lưng da. Thầy đeo cái kiếm dài quết đất, tuốt trần sáng lóa. Thầy bảo chú: "Tôi đi đầu, vác cờ tràn từ làng Dạm sang, cờ đang cắm ở cổng nhà ông Phó Bản. Chú sửa soạn đi ngay, hai xã phối hợp biểu tình. Tỉnh cướp chính quyền rồi". Súng vẫn nổ ầm ầm. Thầy tôi như một võ tướng. Dĩ nhiên từ trước đến giờ chả võ tướng nào mặc thế. Thầy làm Chánh Tư Pháp. Oai ghê. To lắm. Tôi bảo thầy: "Cho con về nhà đi". Thầy tôi bảo: "Còn đói lắm, con ạ. Nay mai khấm khá, thầy đón con về".
Những người cầm đầu toàn là người nghèo như thầy.
Cờ đỏ bờ đê, đỏ cả cây đa đình, đỏ cả ngọn tre. Một ngọn cờ cao vút ở núi Bàn cờ Tiên, đâu đâu cũng thấy. Gió căng ra thẳng nếp.
Tôi vượt núi về thăm làng.
Cả làng hát, suốt đêm suốt ngày: "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc"; "Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng". "Giờ đây anh em chúng ta cùng ra xếp hàng chào cờ cứu nước". Cô Cai Cương mặc áo bà ba, thắt lưng nhung đỏ ngang người, cầm cờ đứng đầu đàn bà con gái, vừa giậm chân ở sân đình, vừa hát. Tay cô vung lên lấy nhịp. Người già trẻ lại. Người trẻ hóa trẻ con, cứ nhảy lên.
Sân nhà tôi đầy gạo. Dân làng đến chật sân. Thầy tôi gọi tên từng nhà, mẹ tôi đong gạo cho từng nhà. Gạo lẫn ngô xay: Gạo cứu tế. à, ra thầy tôi lại làm thêm cả chức trưởng ban kinh tế - tài chính. Vì thầy nhiều chữ mà lị.
Lá cờ lạ lắm, màu đỏ, có sao vàng, khác tất cả cờ từ trước đến nay. Mặt ai cũng hồng lên vì màu cờ tỏa vào. Lòng mọi người đang tối, hình như bây giờ cũng đỏ cả lên.
°
*
Khi người ta cực thì hai ba cái cực dồn về. Khi người ta sướng cũng vậy. Hai ba cái sướng một lúc. Đã được đi học lại được ăn no. Đã được ăn no lại được mặc đẹp. Chửa bao giờ tôi được mặc đẹp thế này: Thầy bảo anh Thư may cho cái áo cộc nâu có cổ bẻ, màu cánh gián. Thầy bảo đấy là áo sơ-mi. Thầy tìm mua đâu được tấm vải bạt dầy bịch, may cho tôi cái quần cộc, có hai túi. Thầy bảo đấy là quần soóc. Một đôi dép cao-su trắng, nhãn hiệu con hổ. Tôi đưa lên mũi ngửi thơm phức, sau đấy tôi gói ghém cất đi cả.
Có anh cán bộ Việt Minh ở tỉnh về. Tên anh là Minh - Lê Quốc Minh, anh mới mười tám mà thật là tài cán. Anh nói, miệng dẻo, lý sự thu hút, ai cũng thích nghe. Anh mặc quần âu, sơ-mi dài tay. Người anh dong dỏng cao. Anh vào nhà tôi bàn bao nhiêu chuyện với thầy tôi. Có khi đêm khuya vẫn rì rầm. Tôi chỉ nghe rõ tiếng thầy tôi: "Phải, phải lắm! Ừ, chí lý, chí lý!".
Một sớm, anh đưa tôi một bài tóm tắt lịch sử mở nước, dựng nước Việt Nam. Lạ thế! Sử Việt Nam thì dài, mà sao anh tóm gọn trong hai tờ giấy "manh" viết hai mặt.
Anh bảo: "Em học thuộc lòng bài này đi, rồi anh sẽ giải thích sau".
Tôi đọc qua, thú vị thật! Văn của anh hay đấy! "Nước ta có bốn nghìn năm lịch sử. Vụt lớn như Phù Đồng... Dậy sóng Bạch Đằng... Chi Lăng, Đống Đa đẫm máu giặc... Anh hùng áo vải Quang Trung chiến bào ám khói... Ngọn cờ búa liềm như ngọn lửa... Cách mạng Tháng Tám mùa Thu, v.v. và v.v.".
Có một ngày mà tôi thuộc. Ba hôm sau anh đến. Anh bảo tôi đứng dưới hàng na, đọc thử. Tôi đọc hùng hồn, có lúc quát lên, có lúc dịu xuống, ứa nước mắt. Anh gật đầu lia lịa.
Tôi vẫn không hiểu ý định của anh?
Anh đứng lên, cầm bài sử, đọc. Anh quay phải, quay trái, giơ tay lên, đập tay xuống...
- Em thuộc lòng rất tốt rồi. Hay lắm. Nhưng vẫn là cái giọng đọc bài trước mặt thầy giáo. Phải đọc như nói chuyện, đọc như anh đọc. Cái can hệ ghê gớm nữa là tay, là mặt cũng phải động... Thôi, em tập đi. Anh về...
°
*
Chùa Hàm Long trên lưng chừng núi, mọc đầy cờ đỏ. Cờ thành rừng. Người từ các xã trong toàn tổng Sơn Nam kéo về chùa như nước lũ. Hôm nay mít tinh toàn tổng chào mừng cả nước cướp được chính quyền. Giáo, mác dựng tua tủa. Đặc biệt là gậy rất nhiều. Những chiếc gậy tre đực chắc nịch. Thầy đoán đúng! "Cứ luyện võ đi rồi có ngày dụng võ". Chính những chiếc gậy kia đã xông vào thành Bắc Ninh. Mấy thằng Nhật chống lại đã bị những đòn "bổ thượng" vỡ đầu. Có anh đã dùng đốc gậy, đứng "đinh tấn", đâm trúng bụng thằng Nhật. Bây giờ còn có kiếm, mã tấu... thế này thì giặc nào chịu nổi! Buổi mít tinh lần lượt bao nhiêu người đứng trên cao diễn thuyết. Đến gần cuối buổi, anh Minh giới thiệu tôi lên "nói chuyện". Anh bế phốc tôi lên "bục cao". Anh rỉ tai: " Bình tĩnh, dõng dạc vào!".
Hình như cả tổng ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi. Tôi sắp bị cháy ra than! Rừng người, rừng gậy, gươm giáo lảo đảo. Tiếng vỗ tay, cười nói ồn ào. Tôi đứng lặng người một lúc rồi đưa mắt nhìn anh Minh đang đứng dưới. Anh nháy mắt ra hiệu "nói đi", "bấy lâu im lặng rồi bây giờ mở miệng đi". "Bấy lâu im lặng bây giờ được quyền mở miệng rồi cơ mà!"...
- Kính thưa các cụ, các ông, các bà. Kính thưa các đồng chí cán bộ. Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí...
Không ngờ, tôi vừa "mở miệng", tất cả đều lặng như tờ...
Bài sử ran ran đập vào vách núi Dạm. Nó vọng trở lại. Nó được nhắc hai lần. Tiếng đồn râm ran toàn tổng:
- Đứa trẻ hơn mười tuổi mà tiếng to thế!
- Tiếng nó to thật!!!