Mưa rào tầm tã suốt ba ngày ba đêm ở Tây Kinh. Trận mưa này như sợi thừng đay màu trắng, cứ từng sợi từng sợi, chi chít, dày đặc từ trên trời quăng xuống. Trong ba ngày, vào giữa trưa bầu trời đều u ám, từng khu cư trú bốn mặt đều là nhà và từng căn nhà gác của dân phố, chỗ nào nước cũng ngập đến cổ chân. nước từ đường và lỗ thoát nước chảy không xủê, liền tràn qua ngưỡng cửa chảy ra ngoài. Nhưng vòi nước máy thì lại không có nước. Có tin truyền đi, thì ra một đoạn đường ngoài cửa thành phía Tây bị sụt lở, đường ống bị gẫy. Liễu Nguyệt liền xách chậu ra ban công hứng nước mưa, chiếc chậu vừa thò ra đã đầy nước, nhưng lấy vào chỉ còn có một nửa, chẳng khác gì hứng nước ở thác nước. Trang Chi Điệp sốt ruột có nhiều việc cần làm, mà không sao ra khỏi cửa, ở lưng lại mọc liền bảy mụn nhọt không đau không ngứa. Ngưu Nguyệt Thanh cứ sợ mọc nhọt độc gì đó, nhưng Trang Chi Điệp bảo không sao, có thể do trời mưa khí ẩm gây ra, liền xoa vào một ít dầu cù là. Ngưu Nguyệt Thanh liền lo ngại mẹ đẻ và ngôi nhà mẹ đang ở bên Song Nhân Phủ, gọi điện thoại thì dây điện thoại bị đứt, chị bảo Liễu Nguyệt cùng đi với mình. Liễu Nguyệt dâu chịu để chị chủ đi dầm nước mưa rào rào như thế này, liền bảo để một mình cô đi. Ngày hôm ấy chiếc loa phóng thanh của bà Vi gác cổng câm mấy hôm nay đột nhiên rú lên, theo lệ thông thường, bà thổi phù phù ba cái, Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo: Mưa to thế này, lẽ nào còn có người đến thăm? Chưa dứt lời, giọng bà Vi xuyên qua trời mưa vang vọng trong sân: Trang Chi Điệp xuống tiếp khách! Trang Chi Điệp xuống tiếp khách! Mặt Ngưu Nguyệt Thanh tái đi, Trang Chi Điệp hỏi em làm sao thế? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Bây giờ hễ cứ có việc gấp, em lại hốt hoảng! Liễu Nguyệt nói: Cứ để em xuống xem ai, nếu không phải việc quan trọng em sẽ tiễn luôn, nếu là việc gấp em sẽ dẫn khách lên. Nói rồi mặc áo mưa, đi ủng vào chạy xuống. Trong cổng lớn, có một người đang đứng ướt như chuột lột, đó là ông già mua đồng nát. Liễu Nguyệt tỉnh bơ, nói với bà Vi: Người đâu, ai tìm Trang Chi Điệp hả bà? Bà Vi chúm mồm chỉ vào ông già. Liễu Nguyệt ngạc nhiên, bước đến hỏi: Ông tìm thầy Điệp ư? Ông già trả lời: Tôi tìm Trang Chi Điệp, tôi không tìm thầy Điệp. Liễu Nguyệt liền cười: Có việc gì ông cứ nói với cháu. Ông già nhìn Liễu Nguyệt bảo: Cô đã có lần cho tôi hai cái bánh bao. Liễu Nguyệt đáp: Ông nhớ kỹ thế, cháu không cần ông cám ơn. Ông già nói: Tôi không cảm ơn cô, còn chửi cô đấy, trong đêm hôm ấy, tôi ăn vào bụng chướng suốt đêm không ngủ được. Liễu Nguyệt nói: Nói như vậy là ông đội mưa đến đây c hửi cháu ư? Nói rồi bỏ mặc ông, tự đi ra phố. Ông già nói: Cô đi thì cứ đi, trên lưng thầy giáo cô vẫn còn mọc mụn. Liễu Nguyệt liền đứng lại, cảm thấy ngạc nhiên. Tại sao ông ấy biết trên lưng thầy Điệp mọc mụn nhỉ? Cô liền nói: Ôi, ông nói gì vậy? Ông già đáp: Bà già Ngưu ở Song Nhân Phủ nhờ tôi tiện đường nhắn giúp, bà bảo ông lão nhà bà về nhà mấy lần, không nấu được bữa cơm nào nên hồn, con gái con rể chẳng đứa nào đến, ông lão đã lấy roi đánh con rể. Liễu Nguyệt nói: Bà a có ông lão đâu, chết từ đời tám hoánh rồi cơ mà! Bà ấy lại mắc bệnh tâm thần rồi,bây giờ cháu đang định sang bên ấy đây. Ông ơi, ông còn định đi đâu nữa không? Ông già đáp: Tôi đi đâu ấy ư? Trời mưa to, đường phố không có người, tôi đến toà tỉnh trưởng thị trưởng, thì tôi là tỉnh trưởng, thị trưởng. Tôi ngồi trên bục chỉ huy giao thông thì tôi là cảnh sát. Tôi vào trong khách sạn thì tôi là người phát tài! Cô định đi Song Nhân Phủ, cô ngồi lên xe, thì trên đường đi tôi là lái xe, đến Song Nhân Phủ thì tôi là ông cô. Liễu Nguyệt nói: Ông nói nhiều thế thì cháu lên xe đấy, cháu xấu hổ lắm cơ, ai lại để ông già ngần này tuổi đầu kéo cháu. Ông già nói: Vậy thì cháu kéo ông, ông sẽ là quan ngồi xe con. Liễu Nguyệt bảo: Cháu đâu có kéo được xe? Thế là ông già kéo xe chạy gằn trên đường phố, ông bảo: Cháu có say xe không? Liễu Nguyệt đáp: Không, cháu không có say. Ông già nói: Vậy số cô là số ngồi xe đấy, không làm quan, thì cũng làm vợ quan. Liễu Nguyệt sung sướng cười ngặt nghẽo. Nhưng vừa cười một cái thì nước mưa dội vào mồm, vội kéo áo mưa sát hẳn người, nhìn ông già có mái tóc như cỏ tranh cứ từng vệt từng vệt dính hết vào mặt, quần áo thì ướt sũng, trông rất rõ cái lưng còng gầy guộc. Liễu Nguyệt không đành lòng, định đưa áo mưa cho ông già. Ông già nói: - Cô cháu này, mệnh cô rồi sẽ bạc đấy! Liễu Nguyệt hỏi: - Sao lại bạc hả ông? Ông già trả lời: - Vậy thì tại sao cháu định nhường áo mưa cho ông? Ông chạy mấy năm nay ở thành Tây Kinh, ai ai cũng coi ông là thằng điên, chỉ có những người ngủ ở trong cổng thành mới không gọi ông là thằng điên cháu ạ! Liễu Nguyệt im lặng, bỗng chốc trong lòng rối bời. Nước đọng trên các ngõ phố mỗi lúc một sâu, quả thật là một dòng sông. Các vỉ thoát nước của đường ống thải ngầm ở dọc đường đã mở hết để cố gắng thoát thật nhanh, song lại có miệng ống phun nước lên, nước đọng gần ngập đầu gối. Ông già vừa kéo xe đi theo một bên đường, vừa chỉ cho Liễu Nguyệt bức tường vây nào đã bị sập, cây cột điện nào hố chôn bị nước ngâm nhão ra, cột nghiêng đi kéo đứt dây điện. Liễu Nguyệt cũng nhìn thấy mấy chiếc xe ô tô bị lún trong hố ngầm, còn trên đường bằng có một xe tải và một xe mười hai chỗ ngồi đâm vào nhau nằm chết dí một chỗ. Chiếc xe tải áng chừng định vượt nhưng không qua được, đầu xe đâm vào nửa thân trước của chiếc xe mười hai chỗ ngồi. Hai xe đâm nhau tạo thành hình chữ thập. Ông già cười khà khà. Liễu Nguyệt hỏi: Ông cười gì vậy? Ông già đáp: Cháu xem cái xe tải kia định làm trò gì vậy? Trên đời vạn vật đều có linh tính, chiếc xe tải này nhìn thấy chiếc xe mười hai chỗ đã ngứa nghề, không kìm được cứ đòi hôn vào mồm cơ, không thì đâu có đâm vào nhau gây tai nạn. Ồ, cháu nhìn thấy cái kia đẹp thì cháu có thể nhìn. Tay cầm hòn than cháy đỏ, liệu hòn than có bỏng tay cháu không? Liễu Nguyệt nhìn lại lần nữa, càng nhìn càng thấy giống như vậy, cũng cười, cười xong thì thấy khó chịu trong lòng. Ông già kéo xe đi nghịch ngợm như con khỉ, lúc thì thò nhặt cái chậu nhựa rách trên mặt nước, lúc thì vớt một chiếc giày da lăn vào thùng xe, ông bảo giày da này còn mới, chắc là nước dồn vào nhà nào rồi trôi qua cửa đấy. Tiếc rằng chỉ có một chiếc, tại sao không trôi ra một cái tivi màu và một bó tiền nhân dân tệ nhỉ? Liễu Nguyệt lại cười, nghĩ b ụng, ông già này mình bảo ông ấy không điên, thì cũng cách điên không xa. Đột nhiên ông già rao một tiếng rõ to: Đồng nát nào,ai bán đồng nát nào! Liễu Nguyệt ngồi trên xe nói: Cháu ở trên xe của ông thì cháu là đông nát phải không? Ông già đáp: Không rao không hát thì cổ họng ông đau. Liễu Nguyệt bảo: Nếu cổ họng ông đau, sao ông không hát cho cháu nghe một đoạn ca dao hả ông? Lần đầu tiên ông già quay mặt lại, trong mưa rào rào, mặt ông cười nhăn nhó, nụ cười rất cảm động ngây thơ. Ông hỏi: Cháu cũng thích nghe à? Liễu Nguyệt đáp: Vâng thích nghe. Ông già liền kéo xe đi phăng phăng, chiếc bánh sắt không có đệm cao su lăn nhẹ nhàng trong nước hơn lăn trên đường cạn, làm cho nước bắn tung lên trắng xoá. Thế là Liễu Nguyệt đã được nghe một đoạn ca dao thú vị: Trung ương bay bổng lên trời Tỉnh thị không kém cũng ngồi máy bay Cấp huyện mui bạt đó đây Xã trấn xe máy đe6m ngày thong dong (mác ba mươi) Nông dân mác "Đông Phương Hồng" Thị dân xe đạp lòng vòng kính coong Ông già quay đầu lại hỏi: Cô cháu tên là gì vậy? Liễu Nguyệt đáp: Cháu là Liễu Nguyệt ạ Ông già đọc luôn: Trời mưa Liễu Nguyệt cưỡi rồng Liễu Nguyệt nói: Cháu không đồng ý ông dùng tên cháu trong ca dao đâu. Ông già vẫn tiếp tục nghêu ngao hát đi hát lại, người tránh mưa hai bên đường phố nghe thấy cũng học thuộc ngay. Liễu Nguyệt liền nghe thấy những người ấy cao giọng hát như sói gầm, câu cuối cùng vẫn là "trời mưa Liễu Nguyệt cưỡi rồng". Liễu Nguyệt tức quá, nhẩy ào khỏi xe, ngồi bệt trong nước. Nhưng ông già không nghe thấy, cũng không cảm giác thấy, cứ kéo xe chạy băng băng trong mưa. Liễu Nguyệt vừa đến bên Song Nhân Phủ thì khắp đường phố đang rối tinh rối mù cả lên, người già người trẻ nhốn nháo, gần như ai cũng lấy vải nhựa, áo mưa, giấy ny lông gói bọc đồ dùng và đồ điện, bê gói lớn gói bé chạy dưới mái nhà. Nhiều cảnh sát đang quát tháo tại đó. Một số người được xe chở đi, một số người lại cố sống cố chết không chịu lên xe, lại có một đám người hối hả chạy vào sân nhà bà già, bảo là gọi điện ngay, gọi điện gấp! Ý nghĩ đầu tiên của Liễu Nguyệt là bà già đã xảy ra chuyện gì. Bất chấp tất cả, cô căm đầu căm cổ chạy. Trong nhà quả nhiên đứng đầy người, còn bà già lại ngồi xếp bằng khoanh tay trên ghế mây ở cửa. Liễu Nguyệt ào tới ôm bà hỏi: Bà ơi, không sao chứ? Bà già đáp: Bà không sao. Cả ngày hôm qua ông cháu luôn luôn ở bên bà. Hôm nay ông lại đến, các người chẳng ai về, ông ấy điên tiết lên, bảo lấy roi đánh con rể. Ông đánh mạnh tay đấy, bà cứ lo ông ấy đánh đau thầy cháu. Liễu Nguyệt nói: Làm gì có chuyện ấy. Trên lưng thầy Điệp chỉ mọc mấy cái mụn thôi mà! Bà già bảo: đấy không phải roi đánh là gì? Lúc bà còn trẻ, trong cục quản lý nước có một anh đánh xe ngựa tên là Lưu Đại Du kiếm được tiền, trên không kính bố mẹ, dưới không lấy vợ, suốt ngày đánh xe về là lao vào nhà thổ, vào cục cảnh sát. Mùa hè năm ấy sét đánh, lưng anh ta sém đi một mảng, đấy là do bị sét đóng dấu ký duyệt. Thầy Điệp của cháu bị roi đánh, mà vẫn không đến, chắc còn chờ sét ký duyệt hay sao? Liễu Nguyệt đáp: Bà ơi, thầy Điệp nhiều việc lắm không dứt ra được mới sai cháu đội mưa sang đây. Bà già nói: Ông cháu bảo, thằng còn rể không đến đâu, quả nhiên nó không đến thật. Ông cháu chỉ bắt nạt được bà, đòi bà làm cho ông bánh rán lá hoa tiêu. Trời mưa như trút, ông ấy cứ bắt bà ra sân hái lá cây hoa tiêu, bức tường ấy đổ mất rồi, cháu bảo có lạ không cơ chứ, bức tường ấy không đổ về bên này, mà lại đổ sang bên kia, đã đè chết mẹ già lưng còng của nhà Thuận. Ông ấy nói thế nào nhỉ, ông ấy bảo, tại sao tường không đổ sang bên này, đó là vì một con ma đàn bà đang đẩy tường, đã nhìn thấy ông, ông tươi cười với người ta, con ma ấy đã đẩy tường sang phía bên kia. Cái lão già tai ác quá! Bà già vừa nói vừa thở hổn hển. Mấy người bên cạnh nghe câu được câu chăng, liền hỏi: Tường đổ là do người đẩy, chứ không phải bị ngâm nước mà đổ ư? Liễu Nguyệt đáp: Ma đẩy đấy, bà tôi lẫn cẫn không phân biệt được âm dương, tin thế nào được, nếu tin thì hỏi bà. Ông cụ chết đã mấy chục năm, thử hỏi bà ấy bây giờ ông ở đâu? Bà già bĩu môi mắng Liễu Nguyệt thường hay chống đối, như quân hằn quân thù với bà. Bà nói: Này ông ơi, ở bên ấy ông vẫn trăng hoa ư? Ông ấy cãi nhau với bà, cãi hăng lắm. Bọn người kia ùa vào định gọi điện thoại, ông a bảo không quen ngửi hơi người, kêu nhức đầu mới bỏ đi. Những người ở bên đều cười, biết ngay là một bà già tâm thần. Gọi điện thoại lâu lắm, cuối cùng đã gọi được, nói với những người đứng đó: Chủ tịch thành phố sẽ dẫn một phái đoàn đến cứu nạn nhân ngay bây giờ. Chủ tịch thành phố còn bảo đem theo cả phóng viên đài truyền hình, phóng viên toà báo và nhà văn Trang Chi Điệp. Đám người hò reo ầm ĩ đổ xô ra cửa. Bà già nói: Mưa to thế này chủ tịch thành phố còn gọi cả thầy Điệp của cháu đến, bắt nó đi bơm nước à? Ông cháu đánh nó, nó cũng không đến, chủ tịch thành phố gọi một tiếng nó đến liền. Chủ tịch là quan, ông cháu không là quan hay sao? Ông cháu là một thủ lĩnh dưới trướng cụ Thành Hoàng mà! Liễu Nguyệt nói: Có lẽ chủ tịch thành phố bảo thầy Điệp đi theo để viết văn đấy bà ạ. Bà già bảo: Thế thì cháu ra xem xem, anh ấy đến, thì bảo về đây đốt cho ông cháu một ít giấy vàng. Liễu Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, thay bộ quần áo sạch sẽ, căng ô lên cũng đi ra phố xem. Góc tường bên trái sân quả nhiên đổ hẳn một bức, bức tường nối liền với nhà Thuận bên cạnh. Đằng sau bức tường có một nhà xí to, trong nhà xí đã rơi khá nhiều gạch đá, nước phân tràn ra ngoài, mà bên nhà xí thì có một đống gạch đá bới lên. Trước đây, Liễu Nguyệt chỉ biết mảnh đất này cũng là một khu đất trũng, chỉ có sân nhà Trang Chi Điệp đã tôn nền cao hẳn lên, nhưng có ngờ đâu qua tường sân có thể nhìn rõ nhà dân của cả khu đất trũng. Nhà ở trong khu đất này xây không theo quy luật nào cả, mọi ngôi nhà đều xây theo thế đất, cửa nhà ai cũng xây ngưỡng cửa gạch cao lên đề phòng nước ngõ ứ lên chảy vào trong nhà. Những ngõ hẹp lộn xộn kia đều nghiêng thoai thoải về một hướng, nước chảy cuối cùng đã dồn cả về trung tâm khu đất trũng hìnhthành một ao nước lớn. Trước đây có đặt một máy bơm hút nước trong ao dẫn ra đường ống ngầm ở ngoài khu đất trũng chảy đi. Bây giờ mưa tầm tã như trút nước suốt ba ngày ba đêm ròng rã, nước trong ao bơm không kịp, nước chảy ngược trở lại, ngập tới gần nửa số nhà dân. Liễu Nguyệt nhảy qua chỗ đổ của tường sân, mẹ anh Thuận vần chưa niệm đưa đi lò thiêu, còn đang đắp một tấm vải trải giường màu trắng đặt ở trong nhà. Tuy nước chưa vào trong nhà, song nước trong chiếc sân nhỏ đã ngấp nghé bậc hè. Chị Thuận và đứa con trai béo bệu đầu quấn khăn trắng đang đốt giấy tiền dưới bàn thờ đặt trước giường xác, khóc lóc thì đã từng khóc lóc rồi, bởi người đến giúp đỡ cứu nạn đông, nên không khóc nữa. Anh Thuận vừa đắp bờ đất ở cửa, vừa lấy chậu nước hất ra ngoài, vừa nói với người quen đến hỏi thăm: Trời mưa tôi cũng không ra phố bày bán thuốc lá, gục đầu xuống giường là ngủ, nỗi mệt mỏi của màu hè kéo đến, càng ngủ càng thấy thiếu, chợt bị một tiếng gầm làm tỉnh giấc. Nghĩ bụng, lại đổ cái gì thế nhỉ? Đi ra ngoài nhìn, thì bức tường nhà xí đã bị đổ. Mấy ngày nay nhà nào chẳng bị đổ một bức tường, hay sập một góc hiên, đổ thì đổ đi, bao giờ tạnh hãy hay. Tôi lại nằm ngủ tiếp. Song không ngủ được, chợt nghĩ sao không thấy mẹ đâu nhỉ, mẹ tôi ở trong gian nhà nhỏ đối diện, mẹ tôi lưng còng, song tai thính lắm, mọi động tịnh mẹ tôi đều đi ra, không gọi tôi thì gọi con tôi, giục nhà ai làm sao rồi, mau mau đi xem xem. Bức tường sân đổ tiếng kêu to như thế, tại sao không thấy mẹ ra gọi nhỉ? Tôi sai cháu đi xem bà có ở trong nhà không, cháu sang bảo không thấy bà đâu, tôi cứ tưởng mẹ ra ngõ xem nước, nên lại ngủ đi một lúc, thấy mót đại tiện, tôi dậy ra nhà xí, đứng ở đó chợt nhìn thấy một cái giày bó chân của mẹ trôi trong nhà xí. Tôi bắt đầu hoảng, cúi xuống bê mấy hòn đá xây đổ xuống, thì nhìn thấy một tay của mẹ giơ lên. Khi mẹ tôi đi đại tiện bị bức tường sập đổ đã vùi chết tại đó. Cái lão chủ tịch thành phố khỉ gió kia, suốt ngày bỏ tiền ra xây dựng nào là đường phố văn hoá, nào đường phố tranh chữ, sao không đem số tiền ấy xây nhà gác cho bọn mình nhỉ? Cứ cho nó mưa đi, mưa rõ to nữa đi, ngập cho bằng hết nhà cửa vùng này, dân chúng chết ráo cả, thì chủ tịch thành phố ông ta phải đến chứ? Người đứng cạnh vội vàng nói: Thôi đừng nói thế nữa, anh có xem tivi không đấy? Mấy ngày này, chủ tịch thành phố sợ co vòi, chạy khắp nơi tíu tít cứu nạn. Nghe đâu khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố đổ ba trăm gian nhà, có mười hai người chết. Vừa giờ đã gọi điện thoại chủ tịch thành phố sắp đến ngay bây giờ. Anh chớ có nói thế nữa. Chủ tịch thành phố thực lòng đến cứu nạn, chắc chắn sẽ hạ quyết tâm trích tiền trích hàng cho dân cư vùng này. Chủ tịch thành phố cũng là người ấy mà, anh nói chối tai quá, ông ấy sẽ tức giận, một khi đã tức giận, thì nên trích ra một triệu chi phí cứu tế, cũng có thể chỉ cho năm mươi vạn. Anh Thuận gật đầu, hai tay đỡ tượng đất trẻ con nam nữ của một người hàng xóm mua về, nước mắt rưng rưng bước vào trong nhà bày ở hai bên bàn thờ của mẹ, quì tại chỗ khóc rống lên như con trâu già. Liễu Nguyệt không đành lòng nhìn cảnh than khóc, cô vội vàng bước xuống bùn nước ra chỗ khác. Nghe thấy xa xa có tiếng xe, tiếng người, liền bước cao bước thấp đi theo phố hẹp, chiếc quần l.ai thành hai ống bùn đất, cô nhìn thấy có người vác máy quay phim đang quay. Một đám đông nhốn nháo, người thì khiêng ba máy bơm đi về đàng kia, người thì khênh những cuốn vải nhựa, có cả bác sĩ y tá và băng cáng. Liễu Nguyệt đã nhìn thấy Trang Chi Điệp. Liễu Nguyệt đi tới giật vạt áo của anh hỏi: Thầy Điệp cũng đến thật sao? Trang Chi Điệp đáp: Chủ tịch thành phố gọi điện bảo đến hiện trường xem xét, sao anh không đến cơ chứ? Bà không sao chứ? Liễu Nguyệt đáp: Không có chuyện gì, bà chỉ bảo anh đi đốt vàng cho ông, bà bảo hôm nay ông về. Trang Chi Điệp bảo: Anh làm sao bỏ đi được? Ở đây xong có thể còn phải đến khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố. Liễu Nguyệt liền quay về, nhưng đã quay lại, khẽ hỏi: Ông nào là chủ tịch thành phố hả thầy? Trang Chi Điệp liền chỉ vào một người cao to trong đám người đã đi vào đầu phố. Liễu Nguyệt bảo: Làm chủ tịch cũng vất vả thế ư? Trang Chi Điệp đáp: Em cứ tưởng thế, làm chủ tịch thành phố cũng chẳng dễ đâu. Liễu Nguyệt liền bĩu môi bảo: Mình chỉ thấy thằn ăn cắp bị đánh, nhưng chưa nhìn thấy thằng ănc cắp ăn thế nào! Trang Chi Điệp trừng mắt nhìn Liễu Nguyệt rồi chạy theo đám đông kia. Đêm hôm ấy tạnh mưa. Trang Chi Điệp không về nhà. Chương trình chuyên đề tivi, chủ tịch thành phố báo cáo trước nhân dân toàn thành phố về tình hình chống úng cứu người. Ông nói thành phố cũ kỹ quá rồi, xây dựng trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mới, đã nợ nhỉều tiền quá, sau khi đã cải tạo bốn khu vực thấp trũng, thì năm nay, Uỷ ban nhân dân thành phố còn phải quyết tâm đóng góp tiền của nhân lực để cải tạo khu đất thấp trũng thuộc vùng Song Nhân Phủ và đoạn phía bắc cửa Tây thành phố. Còn Trang Chi Điệp thì ở trong một khách sạn do ban tuyên truyền tổ chức, mấy nhà báo của toà báo cùng với Trang Chi Điệp viết phóng sự về đợt chống úng cứu tế này ngay trong đêm. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng về vụ chống úng cứu tế này đã viết một bài mấy vạn chữ gồm cả quy hoạch cải tạo vùng đất trũng trong năm nay và đăng toàn văn trên báo thành phố vào trưa ngày thứ ba. Khi rời khách sạn, Hoàng Đức Phúc thay mặt chủ tịch thành phố đến đặt tiệc thăm hỏi mọi người. Yến tiệc linh đình lắm, nhưng ai nấy mệt đừ, nên ăn không ngon, còn thừa đến một nửa. Hoàng Đức Phúc hỏi: Nhà văn Trang Chi Điệp có nuôi mèo không hả? lấy túi ny lông gói mấy con cá này đem về cũng là để khỏi lãng phí. Câu nói này làm cho Trang Chi Điệp nghĩ ngay tới vợ Uông Hy Miên, thế là anh cho mấy con cá vào túi bóng, ra khỏi khách sạn liền phóng thẳng đến nhà Uông Hy Miên ở phố Vườn hoa cúc. Uông Hy Miên mua một nhà gác nhỏ ở khu nhà cũ rồi sửa chữa lại. Trước nhà có một cây liễu to bóng râm trùm nửa sân. Lại trồng dây leo tường bốn chung quanh nhà, lá dây leo rậm rạp che kín, cả ngôi nhà gác giống như một đống cây xanh. Trang Chi Điệp bấm chuông ở khung cổng trước, lâu lắm không có người ra mở cửa, vừa đẩy cửa một cái, cánh cổng chỉ khép đã mở ra. Bước vào bên trong, vẫn không có ai ở sân, cũng không thấy có người giúp việc và bà già đi ra. Trên thềm đá to rộng đã mọc đầy rêu xanh,một chiêc lá rụng cuống lá mắc trong rêu, không biết thế nào lại bị gió thổi, cứ run rẩy phát ra tiếng kêu lao xao. Trang Chi Điệp cảm thấy sau trận mưa lớn đã làm cho ngôi nhà gác này không chỉ yên tĩnh, mà còn có phần lạnh lẽo vắng vẻ. Đang phânvân không thấy người đâu, thì một con mèo từ trong nhà lăng lẽ chạy ra và ngồi xuống trước mặt anh ba bước, đưa đôi mắt sáng quắc nhìn anh, sau đó vẫy đuôi lại đi ra sảnh. Trang Chi Điệp biết đây là con vật yêu quý của bà chủ, liền đi theo con mèo ở trong sảnh, lại leo cầu thang quay cạnh tường, leo lên được vài bậc, nó quay đầu nhìn lại anh, anh cũng theo nó lên cầu thang. Cứ thế lên đến gác hai nhìn vào căn phòng ở cửa cầu thang, anh thấy vợ Uông Hy Miên bị ốm ủê oải ngả người vào đầu giường và đang cười không thành tiếng với anh. Trang Chi Điệp vội vàng bỏ túi ny lông xuống đi vào hỏi: Em ốm à? Chị Miên đáp: Người khó chịu, em không đi xuống gác được, nhưng bước chân còn ở sân em đã nhận ra anh đã đến! Anh từ đâu đến thế? Tại sao biết em ốm? Trang Chi Điệp đáp: Anh có biết em ốm đâu? Bệnh gì vậy? Đã đi khám chưa? Chị Miên đáp: Sáng sớm hôm kia thức dậy cảm thấy đau ở lưng, bảo người giúp việc đến xem, nói là mọc mấy mụn nhọt, em cứ mặc kệ, nào ngờ đêm qua đau ghê quá, cả cái lưng cứng lại. Sớm nay người giúp việc đưa em đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo đã có mủ, họ mổ ra và rịt thuốc, không đau nữa, nhưng chẳng còn chút hơi sức nào. Trang Chi Điệp bảo: Cho anh xem nào, rút cuộc ra làm sao? Vợ Uông Hy Miên nói: Thôi anh ạ, cái lưng vốn nhẵn nhụi, đã mọc mụn lở loét, khó coi lắm! Nói rồi né người để Trang Chi Điệp ngồi xuống mép giường. Trang Chi Điệp hỏi: Hy Miên lại đi vắng à? Cũng không thấy bà cụ và người giúp việc đâu. Em đã ăn gì chưa? Chị Miên trả lời: Anh ấy vẫn ở Quảng Châu chưa về, có lẽ bà và người giúp việc ra bưu điện đánh điện tín. Anh tự rót nước uống hộ em nhé! Trang Chi Điệp bảo không khát nước. Anh nói: Chuyện này cũng lạ đấy. Trên lưng anh cũng lên nhọt, song không đau không ngứa, còn em thì lại ghê gớm vậy ư? Chị Miên tỏ ra hết sức ngạc nhiên, chị hỏi: Thế à? Làm gì có chuyện trùng hợp khéo thế? Có lẽ anh cố ý an ủi em cho vui thôi! Trang Chi Điệp liền cởi áo cho chị xem, quả nhiên chị Miên nhìn thấy trên lưng anh có bảy mụn nhọt giống hình cái chuôi sao bắc đẩu. Ngay tức khắc chị cũng đỡ người bần thần tại chỗ. Khi Trang Chi Điệp quay lại cài cúc áo, chị mới hỏi: Chi Điệp này, anh vẫn đeo đồng tiền chứ? Trang Chi Điệp trả lời: Anh vẫn đeo. Chị Miên đột nhiên cụp mi mắt xuống, nước mắt chảy ròng ròng. Trong lòng Trang Chi Điệp bỗng dưng cộm lên, không biết nói gì hơn. Anh nhìn thấy một bàn chân nhỏ nhắn của chị Miên thò ra ở góc chiếc chăn mỏng thêu hoa, bàn chân ấy để nghiêng nghiêng, trăng trắng mềm mại, anh thò tay kéo chăn cho chị, song bàn tay vẫn run run để tại chỗ. Chị Miên liền lau nước mắt, lại cười nhăn nhó một cái không thành tiếng. Chị hỏi: Anh có đem đến cho em cái gì không? Trang Chi Điệp vội nhấc tay ra bảo: Anh từ khách sạn đến đây, có mấy con cá không ăn hết, anh đem về cho con mèo. Chị Miên khen: Anh tốt quá, vẫn còn nhớ con mèo của em ư? Hai hôm nay, đúng là nó không được ăn cá. Cá thừa cũng tốt, anh mau mau đem cho nó ăn giải cơn thèm. Trang Chi Điệp mở túi bóng, song không có đĩa đựng cá cho mèo ăn, chợt nhớ tới tờ báo đăng bài phóng sự đang để trong túi, liền lấy một tờ rải xuống nền nhà, để cá lên, con mèo vui vẻ kêu lên một tiếng meo meo. Trang Chi Điệp tiếp chuyện vợ Uông Hy Miên một lúc lâu, vẫn chưa thấy mẹ và người giúp việc về anh liền chia tay ra về. Chị Miên không thể ra tiễn được, ôm con mèo bảo: Mi nên nhận người này là ai nhé! Con mèo đã vui vẻ kêu lên một tiếng "meo", chị Miên lại bảo: Mi thay ta tiễn anh ấy ra về. Con mèo nhảy khỏi lòng đi xuống gác, nhưng Trang Chi Điệp đã bế con mèo nói: Khỏi cần tiễn, hãy ở lại chăm nom bà chủ chu đáo nhé! Mắt nhìn vợ Uông Hy Miên nhưng miệng thì hôn lên đầu con mèo, hôn một cái rất kêu. Về đến nhà, Trang Chi Điệp đã kiệt sức. Ngưu Nguyệt Thanh đón chồng như đón xa giá nhà vua, chị mừng quýnh, vừa xem bài phóng sự trên báo, vừa bảo chồng vào buồng ngủ. Anh đã đi nằm, chợt nhớ ra một việc, chị đi vào bảo: Bạch Ngọc Châu vừa gọi điện đến lần thứ hai, bảo là không được chậm trễ nữa, muộn nhất cũng phải đến nhà Tư Mã Cung vào tối nay. Bây giờ anh cứ ngủ một giấc ngon lành, tối sẽ đi. Trang Chi Điệp đi nằm nhưng chưa ngủ, trong đầu còn đang suy nghĩ cuộc sống tẻ lạnh của vợ Uông Hy Miên, cay đắng thay cho chị ấy. Nhưng rồi lại chuyển sang suy nghĩ, mình và người đàn bà này tuy trong trắng, song lại có một sợi dây tình cảm không thể nói rõ thắt buộc, ngay đến mọc mụn ở lưng cũng gần như cùng một thời gian cùng một vị trí. Xét đến cùng, thì có duyên phận gì? Nghĩ như vậy tình cảm đã trở nên hưng phấn, liền mặc áo xuống giường, vừa hỏi Ngưu Nguyệt Thanh cảm thấy thế nào khi đọc bài phóng sự, vừa sai Liễu Nguyệt đun nước nóng, bảo gọi Mạnh Vân Phòng và Triệu Kinh Ngũ đến uống trà. Anh liền lấy ở túi áo ra một cái hộp trông rất đẹp, nói: Em thử xem đây là trà gì, "Quân sơn Mao tiêm", chủ tịch thành phố biếu đấy! Nói rồi pha vào trong cốc cho mình trước. Khi Ngưu Nguyệt Thanh lại nhìn, thì một nửa búp chè đã chìm trong cốc, một nửa còn nổi lên, đều là những búp non thon dài chưa nở song tất cả đều thẳng đứng, chẳng khác nào một cánh rừng thu gọn. Khi từng búp từng búp đã chìm xuống, thì trên mặt cốc đã bốc lên từng làn hơi mù xanh xanh trong màu trắng xoá, một mùi thơm dìu dịu thoang thoảng cả căn buồng. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Em chưa thấy loại chè ngon thế này bao giờ. Trang Chi Điệp nói: Em đi gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng, Triệu Kinh Ngũ cả hai vợ chồng Chu Mẫn nữa, cùng đến nếm thử cho vui. Liễu Nguyệt bảo: Em đã đọc một quyển sách kể rằng khi Hoắc Khứ Bệnh đánh nhau ở hành lang Hà Tây, Hoàng đế có thưởng ông một vò rượu, ông đổ rượu xuống một con suối để binh sĩ toàn quân đến uống, nơi đó về sau gọi là suối rượu. Chủ tịch thành phố biếu anh một gói trà, anh gọi người này người kia đến uống, thật chẳng bằng thả trà vài tháp nước của công ty nước máy để cả thành phố được biết ân tình của chủ tịch thành phố. Trang Chi Điệp bảo: Em cười anh được yêu chiều mà giật mình phải không? Liễu Nguyệt đáp: Vậy thì anh đừng coi thường em. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Gọi người đến uống trà thì cứ gọi bọn họ đến, đừng có gọi Đường Uyển Nhi làm gì, đàn bà thì có biết thưởng thức cái quái gì? Bảo em đến thưởng thức trà ngon, ngửi thì thơm uống vào thì chỉ thấy chát và đắng. Trang Chi Điệp bảo: Em là người Quan Trung, uống trà chỉ để khỏi khát, cũng có thể nước ở Quan Trung có chất chua mặn, bỏ một ít trà vào là để át mùi nước thôi, mà ở phương Nam nước tốt, uống trà lại coi trọng thưởng thức mùi vị, Đường Uyển Nhi là người Đồng Quan, quê quán lại ở Thỉêm Nam, cô ấy biết thưởng thức đấy. Lần trước anh ở nhà A Xán, trà nhà cô ấy mua ở vườn chè Dương khâm Giang Tô, vị ngon lắm, uống vào ăn luôn cả bã chè, trước khi ra về còn bốc một dúm bỏ vào mồm nhai, mấy ngày vẫn còn mùi thơm trong miệng. Liễu Nguyệt nói: Sao anh kém thế, ăn cả bã chè ư? Trang Chi Điệp nói: Em là người Thỉêm Bắc, càng không hiểu rõ chuyện này. Em đọc nhiều sách đấy, em thử nói, tại sao trong sách cổ thường viết "ăn chè". Đó là người cổ xưa giã vụn chè ra hoà vào cháo ăn, hoặc là rắc vào cơm ăn. Thường ngày em chỉ là "thổi bò", nói bốc! Liễu Nguyệt đáp: Vâng, chúng em đều là trâu bò bốc khoác, chỉ có những người tài giỏi như anh mới ăn chè, nhưng em thấy A Xán biết ăn chè như vậy, mà sao lại làm cái chuyện ấy cơ chứ? Trang Chi Điệp hỏi: Em cũng biết A Xán à? Cô ấy làm chuyện gì vậy? Liễu Nguyệt đáp: Chiều hôm qua chị ta đến, em rất lo người trong khu tập thể này biết chị ta là A Xán, sẽ đánh giá gia đình mình thế nào! Trang Chi Điệp hỏi Ngưu Nguyệt Thanh: Hôm qua A Xán đến đây à? Cô ấy đến có việc gì? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Cái con Liễu Nguyệt này hôi mồm, cũng ăn phải bả Mạnh Vân Phòng mất rồi, điều đáng nói thì nói, điều không đáng nói cũng cứ nói! A Xán có đến đây. Anh nói với em A Xán xinh lắm, xinh lắm, là người đàn bà khoang mắt xanh thế ư? Cô ấy bảo em gái bị điên, bệnh viện bảo không chữa được, đề nghị đưa vào bệnh viện tâm thần, cô ấy bảo anh đi thăm em gái cô ấy, hôm nay cô ấy đưa đi. Trang Chi Điệp liền hỏi: Cô ấy còn nói gì nữa? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Còn nói gì được nữa? Cô ấy đã kể lại chuyện giữa cô ấy với chủ nhiệm Vương. Cô ấy cũng gớm thật, còn gói cả miếng lưỡi của ông họ Vương kia trong giấy đem theo, gần như sắp khô thối rồi! Cô ấy bảo đã ly hôn với chồng. Trang Chi Điệp liền hỏi: Ly hôn rồi ư? Ly hôn gì cái cô A Xán này? Sao em không đi thăm em gái cô ấy? Em an ủi cô ấy thế nào? Tại sao không giữ cô ấy ở nhà mình lâu hơn? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Em đã đuổi cô ta đi. Trang Chi Điệp hỏi: Cái gì? Em đuổi cô ấy đi ư? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: hiện giờ ở bên ngoài ai chả biết trong thành Tây Kinh có một người đàn bà đã cắn đứt lưỡi đàn ông. Cái lão chủ nhiệm Vương kia là con sói gái, đã bị cắn lưỡi, thì tránh sao khỏi hai người ôm hôn nhau, đã ôm hôn được nhau, thì ai biết còn có làm gì nữa? Nghe đâu còn có tin, báo là hai chị em tranh nhau một ông chủ nhiệm họ Vương, cô em tranh không nổi cô chị, đã hoá điên. Khi cô chị thông dâm với chủ nhiệm Vương, đã đòi người ta trả giá cao, người ta không cho, tức lên mới cắn mất lưỡi. Hạng đàn bà ấy, ngay đến chồng cũng nôn mửa mà căt đứt luôn. Cô ấy bảo anh đi thăm em gái cô ấy, anh có đi không? Nhà mình đông khách đến, giữ cô ấy ở lâu, gặp phải người lắm chuyện đi ra ngoài rêu rao, thì than danh nhà mình sẽ hay ho lắm đấy? Trang Chi Điệp đanh mặt lại, thở hổn hển nói: Đừng nói nữa. Em luôn luôn nổi tiếng có tấm lòng từ thiện. Lần này em làm tốt đấy. Em đuổi cô ấy đi bằng cán chổi chứ? Tại sao em không dùng dao bầu hả? Cô ấy là người hư hỏng, không giết cô ấy đi thì làm sao tỏ rõ sự cao sang của em được? Thấy chồng nói một thôi một hồi như thế, Ngưu Nguyệt Thanh uất lên bảo: Em đuổi cô ấy đi, thì anh còn giận em như thế phải không? Em cao sang hay không cao sang là ở chỗ làm những việc mất mặt anh chứ gì? Em làm thế là vì ai nào? Em có phải là con đàn bà độc ác không? Bao nhiêu năm nay, những người ăn mày đến cổng có người nào em không cho ăn uống. Trong nhà không có, thì em cũng ra phố mua cho họ cái bánh bao. Nhưng trong mắt em không chấp nhận loại đàn bà không đứng đắn này! Trong nhà này em không cho phép hạng người a bước vào làm bẩn nền nhà! Trang Chi Điệp cười gằn một tiếng, đi vào phòng sách cầm bức tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên đi ra, lại ho sù sụ, liền nhổ đờm xuống nền nhà và nói: Bẩn hết rồi, ai cũng bẩn cả, chỉ có em là sạch sẽ, thì em cứ sạch sẽ đi! Nói xong kéo cửa đi liền, ngay đến đóng cửa cũng không. Ở trong phòng khách, Ngưu Nguyệt Thanh nói: Liễu Nguyệt này, em thấy cả rồi đó, trong con mắt anh ấy chị chẳng là gì nữa! Chị càng cố tình đón ý cho vừa lòng anh ấy, thì anh ấy càng chán ngán chị, theo em thì xét cho cùng đó là nguyên nhân nào? Đâu đâu anh ấy cũng nghĩ vì người khác, chỉ sợ tổn thương người này, oan uổng người kia, song hoàn toàn không quan tâm đến chị. Em bảo làm vợ vị danh nhân này khó khăn như thế ư? Nói rồi chị cứ hu hu khóc nức nở Trang Chi Điệp xuống gác, cưỡi xe máy "Mộc lan" phóng như điên trên đường phố. Sau trận mưa, bùn nước còn đọng trong ngõ nhỏ và trước các cửa hàng ở giữa phố lớn, người xe giẫm đạp nhiều đã khô từ lâu, tung lên một lớp bụi đất. Anh không thể tưởng tượng nổi hôm qua nước bùn còn ngập ngụa đường phố. A Xán làm thế nào tìm được đến nhà anh, một lòng một dạ mong được gặp anh, bảo anh đi thăm A Lan đáng thương, lại kể cho Ngưu Nguyệt Thanh nỗi khổ của mình, nhưng Ngưu Nguyệt Thanh đã xua đuổi cô ấy, cô ấy đi xuống nhà gác với trái tim tan nát như thế nào? Cô ấy đã khóc như thế nào về nói lại với cô em gái điên? Đầu anh hỗn loạn, anh hận Ngưu Nguyệt Thanh, hận thằng cha họ Vương mất dậy, hận chủ tịch uỷ ban thành phố, trưởng ban tuyên truyền và Hoàng Đức Phúc đã giữ anh ở lại viết bài. Chiếc "Mộc lan" cứ phóng thẳng đến đường Thượng Kiệm, anh mới chợt nhớ ra A Xán đã ly hôn với chồng, liệu còn ở căn nhà chật hẹp đó không? Hôm nay đưa em gái đến bệnh viện tâm thần, có lẽ vẫn còn ở bệnh viện chưa về đâu. Trang Chi Điệp quay xe lại phóng về phía bệnh viện tâm thần ở phía Nam thành phố. Quả nhiên, trên con đường mòn lầy lội mọc đầy cỏ dại ở hai bên nối từ ngoại ô đến bệnh viện, may mắn sao Trang Chi Điệp đã gặp A Xán đang trên đường về. Lúc đầu Trang Chi Điệp không chú ý, chỉ nhìn thấy ở bên đường có một người cứ cắm đầu cắm cổ đi. Khi nhìn chiếc "Mộc lan" chạy qua, nước bùn bắn té vào người ấy, anh quay đầu lại xin lỗi, mới phát hiện ra A Xán. Anh gọi lên một tiếng: A Xán! Chiếc xe đỗ ngauy lại bên đường ngoài ba mét. A Xán ngẩng đầu lên nhìn anh, thẫn thờ ra một lúc đột nhiên lao tới khóc hu hu, xà vào lòng anh. Nước bùn trên người chị bám cả sang người anh. Nước mắt nước mũi chị đã làm ướt vạt áo anh. Anh nói: A Xán, A Xán! Anh đi vắng, anh đi vắng thật mà, vừa nãy mới được biết em đã đến tìm anh. Anh đưa tay lau nước mắt cho A Xán, A Xán lùi lại mới bước, thôi khóc, song móc chiếc gương ra soi mái tóc rối bung và búi lại tử tế, lau lau mặt rồi hỏi: Anh đã biết chuyện của em rồi chứ? Trang Chi Điệp đáp: Biết rồi! A Xán lại khóc. Trang Chi Điệp quay đầu xe máy, bảo chị ngồi yên, đi thăm A Lan. Nhưng A Xán bảo không cần nữa, nơi ấy không phải chỗ ngồi lâu cho người bình thường, chị ngồi một lúc gần như cũng sắp bị tâm thần, hơn nữa A Lan mới vào, bác sĩ cũng không cho ra gặp. Trang Chi Điệp im lặng ngước nhìn trời cao, trong lòng đau đớn không sao nói ra được, lại cho quay đầu xe rồi bảo: - A Xán ơi, anh dẫn em đến một chỗ ta nói chuyện nhé A Xán hỏi: Anh không chê em hả? Trang Chi Điệp trả lời: Chê em thì anh đã không đến. A Xán liền ngồi lên gác ba xe máy, chiếc "Mộc lan" nổ máy rồi chị mới nói: Anh không đến, hôm nay em lại đến nhà anh. Vợ anh có chửi em, mắng em thì em cũng phải gặp được anh! Anh định đưa em đến đâu? Anh phải đưa em đến một chỗ không có ai, em chỉ cần hai người ở bên nhau, em sẽ có chuyện nói với anh! Bây giờ đến lượt Trang Chi Điệp khóc, nước mắt giàn giụa, gió phả vào mặt vù vù, đã thổi khô nước mắt cũ, song những giọt nước mắt mới cứ tiếp tục tuôn ra. Anh không quay đầu lại, cũng không đưa tay gạt nước mắt. Anh cảm thấy trên mặt anh đã có những khe lõm do nước mắt xối chảy tạo ra, sâu như cái khe lõm do dây gầu cọ sát tạo ra ở bệ giếng. Hai người đã đến Nhà Cầu khuyết. Trang Chi Điệp hỏi tỉ mỉ quá trình sự việc, liền trách không nên báo thù chủ nhiệm Vương bằng phương thức như vậy sau khi Lan bị điên. A Xán bảo anh, chị vốn không nghĩ đến việc làm như vậy, lúc đầu chị đi tìm uỷ ban khu chủ quản các văn phòng đường phố, nhưng chính quyền khu vực lại bảo, bây giờ là thời đại gì rồi, về mặt tổ chức còn quy các chuyện loại này vào chủ trương đường lối hay sao? Huống hồ việc này không có ai đứng ra làm chứng cớ, chỉ nghe một bên nx như vậy thì bên kia sẽ nói như thế nào, tổ chức nên kết luận sao đây? Chính quyền khu còn nói, ông chủ nhiệm Vương này là chủ nhiệm văn phòng đường phố tháo vát trong khu vực, có năng lực làm việc, càng nổi bật hơn là việc ông đã phát trỉên nhiều xí nghiệp tập thể và cá thể kinh doanh, chính vì có hiệu quả tốt, ông ấy mới hăng hái tích cực xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho khu vực này. Bây giờ rất nhiều người đến kiện lãnh đạo, không kiện tham ô hối lộ thì kiện quan hệ trai gái. Trước đây đã kiểm tra mấy vụ, cuối cùng thì sao nào, biết xử lý ai nhỉ? Muốn cái cách mở cửa, thì quan niệm về đạo đức, quan niệm về giá trị trước kia đều đã thay đổi. Nhiều việc trước kia cho là tuyệt đối không cho phép làm, thì bây giờ lại được khẳng định, hoặc không coi là gì hết. Trong này cũng có nhiều chuyện vu váo để rút bài học này, là lãnh đạo cấp trên phải khéo nắm tình hình toàn diện, việc cần uốn nắn xử lý, đương nhiên sẽ uốn nắn xử lý, việc cần bảo vệ cũng phải bảo vệ. Chính quyền khu vực thậm chí còn nói, về chuyện giữa A Lan và chủ nhiệm Vương, rút cuộc là thế nào, tổ chức có thể tìm hiểu, nhưng điều đáng để hoài nghì là A Lan liệu có phải là người tình là bồ bịch gì của chủ nhiệm Vương không? Bây giờ đang mốt bồ bịch và người tình mà, bởi vì A Lan cũng chẳng còn bé bỏng, đã là người nên biết suy nghĩ rồi, việc này lại xảy ra ở phòng làm việc của chủ nhiệm Vương, không phải ở buồng riêng của A Lan! A Xáng nghe chính quyền khu vực nói vậy, đã nản lòng, mờ mịt, cảm thấy kiện cáo lên trên không còn hy vọng nữa, nên đã tự đi xử lý trong trạng thái căm phẫn. Nhưng trả thù thằng đểu giả này bằng cách nào? Chị là đàn bà, là đàn bà cũng phải dùng cách đáng thương của đàn bà. Trang Chi Điệp nghĩ đến nỗi buồn khổ trong vụ kiện mà mình đang bị cuốn vào, lấy trái tim so sánh với trái tim, đã thở than cho A Xán một cách sâu sắc, nhưng anh vẫn trách A Xán không kịp thời đến tìm anh. Anh nói: Sự việc đã xảy ra như vậy, mình nên nghĩ lại xem bước tới đây nên làm thế nào thì hơn. Thằng cha họ Vương kia, tuy sẽ mất một phần tín nhiệm, song chưa chắc đã ảnh hưởng đến việc tiếp tục làm quan của hắn ta, không ở văn phòng này được nữa, thì có thể điều đến một văn phòng đường phố khác, vẫn là một chủ nhiệm. Nghe nói hiện giờ hắn ta ngược lại đang gieo rắc phao tin nhảm nhí, nói xấu em và A Lan, làm cho hai chị em phải chịu oan uổng, em nên kiện lên thành phố. Đây là một tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên anh đem đến, khi cần sẽ biếu người hữu quan, anh cũng sẽ đi tìm chủ tịch thành phố, xét đến cùng, chủ tịch thành phố cũng còn nghe lời anh. Thôi anh ạ, em chẳng còn hơi sức nữa đâu. Là một người đàn bà bình thường, em không đủ sức bảo vệ em gái trong cái thành phố này, nhưng em đã dốc toàn bộ sức lực của mình. Bây giờ rơi vào bước con đàn bà hư hỏng, nhất là bị vợ anh xem thường tại nhà anh, em càng hết tự tin. Em mệt rồi, quả thật mệt lắm rồi. Em còn làm thế nào nữa, cho dù làm cho thằng cha Vương kia bị bãi chức, bị giam cầm, thì liệu có bù l.ai những mất mát của em và A Lan không? Dù sao thì em cũng đã trút được cơn tức giận. Em chủ động cắt đứt quan hệ vợ chồng với Mục Gia Nhân, anh ta là con người không có tài cán giỏi giang bao nhiêu, có một điểm tốt là anh ấy thật thà. Sống với nhau, từ lâu em cũng không nhiệt tình say sưa mấy. Bây giờ xảy ra chuyện này, em cũng không để ảnh hưởng đến anh ta. Bây giờ đi đến đâu em cũng nói anh ta đưa ra chuyện ly hôn, mục đích của em là để anh ấy tỏ rõ chí khí là một trang nam nhi, một người đàn ông trước mặt mọi người. Hôm nay được gặp anh, điều này em không dám nghĩ đến, nhưng anh đã đến tìm em, có thiên thần phù hộ lại gặp anh trên đường, em cảm ơn anh biết chừng nào về điều đó! Bây giờ em chỉ có một yêu cầu, em cầu xin anh đừng chê cười em. Nếu anh còn lbằng lòng, em muốn cởi trần truồng ngủ với anh một giấc, ngủ một giấc thản nhiên không lo sợ. Anh có thể để em đẻ cho anh một đứa con không? Trang Chi Điệp ôm chặt A Xán. Hai cặp mắt nhìn nhau, hai cặp mắt đều nước mắt lưng tròng. Hai người cùng ôm nhau, ai cũng ôm thật chặt, nước mắt và nước bọt cùng nuốt vào khi hôn nhau, trong cổ họng phát ra những tiếng ừng ực. Lúc này A Xán gỡ ra cười bảo: Chúng mình không ai khóc nữa nhé, đừng khóc nữa, ta hãy vui vẻ sung sướng sống bên nhau. Anh chờ em một chút, em sẽ làm đẹp một lần nữa cho anh. Nói xong, A Xán đi vào buồng tắm, mở vòi nước tắm rửa, đánh răng, chải đầu, sau đó ngồi trước gương lấy bút kẻ lông mày ở trong túi xách ra, cẩn thận vẽ lông mày và xoa son phấn. Trang Chi Điệp bước đến xem. A Xán không đồng ý, chị đóng cửa thật chặt. Chờ lâu lắm, A Xán mới bước ra, trần truồng như nhộng, nét mặt ngời ngời, tuyệt vời kiều diễm. Trang Chi Điệp bước tới định ôm chị. Chị bảo: Để em múa cho anh xem, em được xếp thứ ba trong hội diễn văn nghệ nghiệp dư của đơn vị. Nói rồi, chị vung tay nhấc chân bắt đầu nhảy múa, hết sức cố gắng phô diễn từng bộ phận của cơ thể. Sau đó đột nhiên sà tới như một con bướm (tác giả cắt đi chín trăm chín mươi lăm chữ). Trong thời gian rất lâu, rất lâu, hai người ai cũng đốt cháy lên một niềm đam mê khác của con người. Họ quên hết mọi đau khổ và buồn phiền, thể nghiệm những ngôn ngữ miêu tả trong tất cả các loại sách cổ đỉên, đồng thời nói ra những ngôn ngữ ấy. Sau đó mặc kệ mọi tiếng động, trong cảm giác, thì đây không phải ở trên giường, không phải ở nhà gác, mà là một quả bom nguyên tử đã tung họ lên tận trời cao và nổ tan tành trên tầng mây, là ở trên đỉnh Hoa Sơn chót vót lúc mặt trời mọc, nhìn ánh sáng Phật xuất hiện trong biển mây mênh mang của khe sâu thăm thẳm mà rún người nhảy thẳng xuống, cứ nhảy thẳng xuống. Mọi động tác của người nước ngoài đã từng nhìn thấy trong băng hình, tất cả mọi động tác của người thời cổ đã từng đọc trong "Kinh tố nữ", thậm chí còn học những động tác lang sói hổ báo, của chó lợn trâu dê đều được làm thử, đều được áp dụng, lại còn tự sáng chế ra hình thức mới khác hẳn, hai người dường như cùng một lúc lên tới đỉnh cao, lên tới cao trào. A Xán hỏi: Anh bảo đứa con này nên là đứa trẻ như thế nào? Trang Chi Điệp đáp: Chắc chắn xinh đẹp như em. A Xán nói: Em muốn nó giống anh cơ! Hai người lại ôm choàng nhau, (tác giả cắt đi hai trăm mười một chữ) Khi họ sắp sửa chia tay, thì màn đêm đã buông xuống. A Xán bảo: Em cám ơn anh lần cuối cùng. Trang Chi Điệp hỏi: Lần cuối cùng ư? A Xán trả lời: Vâng, lần cuối cùng, em không bao giờ đến tìm anh. Anh cũng đừng nghĩ từ nay về sau em sống thế nào nữa. Anh đồng ý với em, hoàn toàn quên em đi! Em không thể để ai biết anh quen biết em, em phải giữ cho anh trong trắng! Trang Chi Điệp nói: Không thể được, anh sẽ đi tìm em. Hoàn cảnh em như thế, anh mặc kệ, anh phải đi tìm em. A Xán cười đáp: Anh nhìn ngoài cửa sổ kia kìa, trời đã tối thế rồi! Trang Chi Điệp ngoái cổ nhìn, ngoài cửa sổ quả thật đã tối đen như mực, ở nơi xa xăm, một ngôi sao đang lấp lánh. Anh hỏi: Ngôi sao kia ở mãi tận bên núi Chung Nam em nhỉ? Anh quay đầu lại, thì trên mặt A Xán đã có một vệt máu. Trong tay chị đang cầm cái cặp tóc trên đầu, chiếc cặp tóc nhuộm hồng màu đỏ. Trang Chi Điệp ngạc nhiên, tới mức đổ xô đến nhìn vết thương kia, nhưng A Xán đã chộp luôn lọ mực trên bàn đổ ra tay, rồi úp lên nửa mặt, nửa khuôn mặt còn lại vẫn đang cười. Chị bảo: Vết thương đã khỏi, có lẽ có sẹo, nếu không có sẹo thì mực này sẽ thấm vào bên trong không bao giờ phai nữa. Em đã từng xinh đẹp, em phải xấu xí đi thôi. Anh khỏi cần đến tìm em nữa, cho dù anh có đến, em cũng không gặp đâu, em sẽ phớt tỉnh anh! Trang Chi Điệp ngồi thừ trên nền nhà, mắt trợn tròn nhìn A Xán ra mở cửa. Cửa đã mở, một chân đã bước ra khỏi ngưỡng cửa. Trang Chi Điệp nhổm dậy định kéo lại, song A Xán đã ấn anh ngồi xuống và nói: Anh cứ ngồi yên, anh sẽ nhìn em đi thôi. Nếu anh còn định viết thư cho ông tổng biên tập Chung Duy Hiền thì xin anh thông cảm, em không chuyển cho anh đâu. Em sẽ gửi thư cho chị cả em bảo chị ấy, anh cứ trực tiếp gởi cho chị ấy theo địa chỉ cũ là được. em mang con của anh đi đây, đứa con này là của anh, một ngày nào đó anh sẽ nhìn thấy con anh. Anh khóc ư? Lẽ nào anh không để em ra đi một cách vui vẻ hả anh? Nói rồi, A Xán quay người đi, chị bước xuống từng bậc cầu thang lại kêu lên một tiếng cạch. Trang Chi Điệp nghe thấy có tất cả bảy mươi tám tiếng cạch.