111
Giờ đây, Garin đang tin tưởng điều hành công việc theo bản kế hoạch tìm thấy trong các ghi chép và nhật ký của Manxép. Các gàu múc đã qua lớp mắcma mạnh. Ở đáy giếng mỏ vang lên tiếng ầm ầm của đại dương ngầm dưới đất đang sôi sục. Thành giếng vốn đã được làm lạnh cứng tới một độ dày ba mươi mét và tạo thành một khối trụ hết sức vững chắc, vẫn rung lên và bị rung chuyển dữ đội đến nỗi phải tung mọi lực lượng vào việc làm lạnh cứng nhiều hơn nữa. Các máy nâng bắt đầu chuyển lên mặt đất sắt, kền và Ôlivin. Bắt đầu xảy ra những hiện tượng kỳ lạ. Khi đất đá trong lòng đất được chuyển theo những băng tải bằng thép và phao ra ngoài biển thì phát sáng. Hiện tượng đó mạnh lên suốt mấy ngày đêm. Cuối cùng, những khối lớn nào nước, nào đá, cát và một phần cầu phao nổ tung, bay vọt lên không trung. Tiếng nổ mãnh liệt đến nỗi như một trận cuồng phong quét sạch các lán gỗ của công nhân và một đợt sóng dữ dội ập lên đảo, suýt tràn ngập giếng mỏ. Người ta phải chuyển thứ nham thạch đó lên các sà lan và nhận chìm nó ở ngoài khơi xa, nơi đó lại tiếp tục phát sáng và phát nổ. Việc này được giải thích là do các hiện tượng chưa từng biết của sự phân rã nguyên tử của nguyên tố M. Một hiện tượng không kém phần lạ lùng khác xảy ra ở đáy giếng. Những dụng cụ đo từ tính mà mới đây thôi vẫn đứng ở vạch số không thì nay bỗng cho thấy một trường từ cực mạnh. Kim các dụng cụ đo vọt lên mức cao nhất. Garin hầu như không ra khỏi giếng mỏ. Chỉ đến bây giờ y mới bắt đầu hiểu toàn bộ sự điên rồ của công việc y đang làm. Niềm an ủi đối với y chỉ là những tin tức từ chiếc "Aridôna" gửi về. Vào một đêm, chiếc du thuyền ấy, sau khi đã lại bắt đầu ngang dọc trên mặt biển dưới cờ cướp biển, đã xông vào cảng Menbuốc[1], đốt cháy các kho chứa hàng để báo tin về sự hiện diện của mình và đòi năm triệu bảng Anh. Bộ máy phát tia còn quét sạch một đại lộ trên bờ biển nhằm đe dọa. Trong vài giờ, thành phố trở nên vắng ngắt, các ngân hàng đem tiền ra nộp. Khi rời khỏi cảng, chiếc "Aridôna" bị một tàu tuần biển Anh bắt gặp. Chiếc tàu Anh nổ súng. Chiếc "Aridôna" bị đạn pháo bắn thủng một lỗ phía trên đường mớn nước, liền phản công và tiêu diệt chiếc tàu Anh. Cuộc chiến đấu do Dôia chỉ huy từ đỉnh tháp có đặt bộ máy phát tia khủng khiếp. Tin tức này làm Garin vui hẳn lên. Trong thời gian qua, y bắt đầu có những ý nghĩ u ám. Nhỡ Manxép tính toán sai thì sao? Hệt như trong ngôi nhà hẻo lánh ở khu vực Pêtơrôgrátxcaia trước kia, bộ óc mệt mỏi của y tìm kiếm những khả năng thoát thân nếu công việc đào giếng mỏ bị thất bại. Ngày hai mươi lăm tháng tư, Garin quan sát thấy một hiện tượng khác thường. Từ phía trên, từ chiếc phễu thu khí, thủy ngân chảy ra. Đành phải ngừng hoạt động của các bộ máy phát tia và giảm việc làm đông cứng ở đáy giếng mỏ. Các gầu múc đã đi qua lớp nham thạch Ôlivin và bây giờ đang múc thủy ngân nguyên chất. Theo bảng tuần hoàn Menđêlêép thì sau thủy ngân là kim loại tali. Còn vàng (nguyên tử lượng là 197,2 và số thứ tự là 79) thì nằm trên thủy ngân trong bảng đó. Vậy là không có vàng - tai họa khủng khiếp đó chỉ có hai người hiểu được, đó là Garin và kỹ sư Sêphe. Lão Manxép khốn kiếp kia đã tính lầm. Garin cúi đầu. Y chờ đợi mọi chuyện, nhưng không chờ đợi một kết thúc như vậy... Sêphe bối rối giơ tay ra, ngửa bàn tay lên bắt những giọt thủy ngân chảy từ phễu xuống. Đột nhiên y nắm lấy khuỷu tay Garin và lôi tới cầu thang chênh chếch. Khi cả hai đã lên trên, ngồi vào thang máy và bỏ mũ chụp bằng cao su ra thì Sêphe giậm giậm đôi giày nặng trịch. Khuôn mặt xương xẩu của y rạng rỡ niềm vui. - Đó là vàng chứ còn gì nữa! - y vừa cười vang vừa kêu lên, - Chúng ta thật ngốc nghếch... Vàng và thủy ngân sôi bên cạnh nhau. Và do đó, đây là vàng thủy ngân! Ông hãy nhìn xem! - Sêphe mở bàn tay ra, trên đó có những hạt nhỏ lấp lánh, - Trong thủy ngân có ánh vàng, có tới chín mươi phần trăm vàng nguyên chất!112
Vàng cứ từ dưới đất trào lên như dầu mỏ. Công việc đào sâu thêm giếng mỏ tạm đình lại. Những hệ thống gia cố tạm thời giếng mỏ được gỡ bỏ đi. Thay vào đó người ta hạ xuống suốt chiều sâu của giếng những hình trụ bằng thép mà bên trong là hệ thống ống làm mát. Từ giếng mỏ đến mạn Đông - Bắc, một đường ống dẫn thủy ngân được khẩn trương xây dựng. Ở cánh trái lâu đài là nơi tiếp giáp với chân ngọn tháp có đặt bộ máy phát tia lớn, người ta xây lò và lắp đặt những lò nổi bằng sứ để làm vàng bốc hơi. Garin dự tính là trong thời gian đầu sẽ đưa sản lượng vàng một ngày đêm lên tới 160 tấn, tức là lên tới một triệu đô la một ngày đêm. Chiếc "Aridôna" được lệnh trở về đảo. Dôla đánh điện chúc mừng và tuyên bố qua đài phát thanh cho toàn thế giới biết là sẽ ngừng những cuộc tiến công kẻ cướp trên Thái Bình Dương.113
Một ít lâu trước khi khai mạc cuộc hội nghị ở Oasinhtơn, có năm chiếc tàu xuyên đại dương đi vào cảng Xan Phranxixcô. Năm chiếc tàu này trương cờ Hà Lan và thả neo cạnh bờ biển, giữa hàng nghìn chiếc tàu buôn, tương tự, trong cái vịnh rộng đầy khói và chói chang nắng hè. Các thuyền trưởng lên bờ. Mọi việc đều đúng phép tắc. Các thủy thủ phơi quần áo lót và cọ rửa boong tàu. Các viên chức hải quan chỉ hơi ngạc nhiên về hàng hóa trên các con tàu treo cờ Hà Lan này. Nhưng họ được giải thích rằng những thỏi kim loại màu vàng được đúc thành từng khối năm cân này chính là vàng được chở đến để bán. Các viên chức hải quan cười giễu khi nghe thấy câu nói đùa ngộ nghĩnh như vậy. - Thế các ông bán vàng theo giá nào? - Bán theo giá thành, - các thuyền phó trả lời. (Trên tất cả năm chiếc tàu đều diễn ra cuộc đối thoại hệt như vậy). - Cụ thể là bao nhiêu? - Hai đô la rưỡi một cân. - Các ông tính giá vàng của mình hơi thấp đấy. - Chúng tôi bán rẻ thôi, hàng nhiều lắm, - các viên thuyền phó vừa ngậm tẩu thuốc vừa trả lời. Các viên chức hải quan liền ghi vào sổ. "Hàng hóa là những thỏi kim loại màu vàng được gọi là vàng", rồi cười giễu, bỏ đi. Nhưng chẳng có gì đáng cười cả. Hai ngày sau, ở Xan Phranxixcô, trên các tờ báo buổi sáng, trong bản tin cáo thị, trên các tờ áp phích màu trắng chen màu vàng dán đầy trên các cột quảng cáo, và ngay trên các hè phố cũng thấy viết bằng phấn bản thông báo sau: "Kỹ sư Piốt Garin coi cuộc chiến tranh dành độc lập cho đảo Vàng đã chấm dứt và rất lấy làm ân hận về những thiệt hại mà đối thủ phải chịu đựng. Để mở đầu những quan hệ buôn bán hòa bình, kỹ sư Garin bày tỏ lòng kính trọng đối với dân chúng Mỹ và đem đến cho họ năm con tàu chất đầy vàng mười. Những thỏi vàng năm cân được đem bán với giá là hai đô la rưỡi một cân. Những ai muốn mua xin hãy đến các quầy thuốc lá, các quầy hóa chất, các cửa hàng sữa, các quán báo và các em bé đánh giày, v. v... Tôi cam đoan đó là vàng thật, và tôi có trong tay một số lượng vàng vô tận. Xin gửi các bạn lời chào kính trọng. Garin". Dĩ nhiên, không một ai tin những lời quảng cáo ngu ngốc đó. Đa số những người được ủy thác đều đem giấu những thỏi vàng đó đi. Nhưng cả thành phố bắt đầu nói đến Piốt Garin, tên cướp biển và tên khốn kiếp kỳ lạ này lại làm xáo động cuộc sống yên ổn của những người lương thiện. Các báo buổi tối đòi phải hành quyết Garin. Vào lúc sáu giờ tối, những đám người nhàn rỗi kéo ra cảng, tổ chức những cuộc họp chớp nhoáng và ra quyết nghị - đánh đắm đội tàu của Garin và treo cổ các thủy thủ trên cột đèn. Cảnh sát phải vất vả lắm mới kìm giữ được các đám đông. Trong lúc đó, các nhà chức trách ở cảng cũng tiến hành điều tra. Tất cả giấy tờ trên năm chiếc tàu đều hợp lệ, bởi vì chủ nhân là một công ty vận tải Hà Lan nổi tiếng. Song chính quyền đòi phải cấm việc buôn bán những thỏi kim loại màu vàng đã gây náo động trong nhân dân. Nhưng không một viên chức nào đứng vững nổi trước sự cám dỗ khi mỗi người được đút vào túi hai thỏi vàng. Người ta thử bằng răng, xem xét màu sắc, trọng lượng, và đều xác nhận đấy là vàng thật. Vấn đề bán đành để ngỏ, tạm thời lờ ỉm đi. Khắp ba mươi hai tòa soạn báo hàng ngày đều có những thủy thủ vác đến một bao đựng thứ thỏi kim loại bí ẩn kia. Họ chỉ nói: "Xin biếu các ông". Các biên tập viên phẫn nộ, kêu la một cách khủng khiếp. Thợ kim hoàn được triệu đến. Người ta đề nghị những biện pháp đẫm máu chống lại thái độ trắng trợn của Pie Hary. Nhưng các thỏi đó đã biến mất tiêu khỏi ba mươi hai tòa soạn. Trong đêm đó, các thỏi vàng được đem vứt lung tung ngay trên các hè phố. Đến chín giờ sáng, các hiệu cắt tóc và các quầy thuốc lá đều treo biển: "Ở đây bán vàng mười với hai đô la rưỡi một cân". Dân chúng kinh hoàng. Điều tệ hại nhất là không ai hiểu người ta bán vàng với giá hai đô la rưỡi một cân để làm gì. Nhưng không mua là dại. Trong thành phố bắt đầu diễn ra những cảnh xô đẩy và náo loạn. Hàng nghìn người đứng trước năm chiếc tàu ngoài biển và hét to: "Vàng, vàng, vàng..." Vàng được đem bán ngay trên các cầu tàu. Xe điện và xe điện ngầm ngừng chạy. Trong các văn phòng và các cơ quan chính phủ xảy ra tình trạng hỗn loạn, viên chức vứt bỏ công việc, chạy khắp các quầy thuốc lá hỏi mua vàng. Các kho và các cửa hàng đóng cửa, các viên quản lý chạy tứ tung, trộm cắp tha hồ hoành hành trong thành phố. Có tin đồn là dường như số vàng chở đến để đem bán chỉ có hạn và sẽ không có tàu nào chở đến nữa. Đến ngày thứ ba, khắp các hang cùng ngõ hẻm của nước Mỹ đều lên cơn sốt vàng. Các tuyến đường sắt chở sang phía Tây những kẻ mưu tìm hạnh phúc đầy xúc động, hoang mang, nghi ngờ và kích động. Phải đánh nhau mới lên được các toa. Ai cũng bối rối, ngơ ngác trong làn sóng ngu ngốc đó của con người. Từ Oasinhtơn gửi đến một cách muộn mằn mệnh lệnh của chính phủ: "Dùng lực lượng cảnh sát ngăn chặn dân chúng đến những con tàu chất đầy thứ kim loại gọi là vàng, bắt giữ các thuyền trưởng và thủy thủ, niêm phong các con tàu". Mệnh lệnh được thi hành. Những đám người phẫn nộ đổ đến mưu tìm hạnh phúc từ các nơi trong nước, những kẻ đã bỏ việc làm, nhiệm sở để tràn ngập vùng ven biển nóng nực của Xan Phranxixcô, nơi tất cả những thứ gì ăn được đều bị ngốn sạch, - những kẻ hung dữ đó chọc thủng các hàng rào cảnh sát, điên cuồng đánh lộn nhau bằng súng lục, bằng dao, bằng răng, và đã ném một số lớn cảnh sát xuống biển, giải phóng đoàn thủy thủ trên các con tàu của Garin, sau đó tổ chức việc xếp hàng có vũ trang để nhận vàng. Thêm ba con tàu nữa đến từ đảo Vàng, cần cẩu bốc dỡ ngay những hòm vàng lên bờ và chất thành từng đống. Cảnh đó chứa đựng một nỗi kinh hoàng không sao tả xiết. Những người đứng xếp hàng run lên khi nhìn những kho tàng lấp lánh ngay trên mặt đường. Vào lúc đó, đám nhân viên của Garin đã kết thúc việc lắp đặt những hệ thống loa phóng thanh ngoài phố tại những thành phố lớn. Vào ngày thứ bảy, khi dân chúng các thành phố đã hoàn tất công việc và đổ ra ngoài phố thì khắp nước Mỹ vang lên một giọng nói to, âm sắc lạ tai nhưng hết sức tự tin: "Hỡi dân chúng Mỹ! Người đang nói chuyện với các bạn là kỹ sư Garin, kẻ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị đem ra để hù dọa trẻ con. Hỡi dân chúng Mỹ, ta đã phạm nhiều trọng tội nhưng tất cả những việc làm đó đều giúp ta đạt đến một mục đích: đó là hạnh phúc của nhân loại. Ta đã chiếm cứ một mảnh đất, một hòn đảo nhỏ bé để tại đó thực hiện đến cùng một công việc lớn lao chưa từng có. Ta quyết định xâm nhập vào lòng đất, vào các lớp vàng chưa một ai động đến. Tại độ sâu tám cây số, giếng mỏ đã đi vào một lớp vàng vô tận sôi sùng sục. Hỡi dân chúng Mỹ! Mỗi người đều có quyền buôn bán những gì người đó có. Ta đề nghị các người mua thứ hàng hóa của ta, đó là vàng. Ta chỉ lấy lãi 10 xu một đô la, với giá là hai đô la rưỡi một cân vàng. Như vậy là rất ít ỏi. nhưng tại sao ta lại bị cấm đem bán thứ hàng hóa của ta? Đâu là quyền tự do buôn bán của các người. Chính phủ các người đã chà đạp lên những cơ sở thiêng liêng của tự do và tiến bộ. Ta sẵn sàng bồi thường chiến phí. Ta sẽ trả lại cho các quốc gia, các công ty và tư nhân tất cả số tiền mà chiếc "Aridôna" đã tịch thu trên các con tàu và trong các nhà băng trong thời gian chiến tranh. Ta chỉ yêu cầu một điều thôi là hãy để ta được tự do buôn bán vàng. Chính phủ các người cấm ta làm việc đó và ra lệnh bắt giữ tàu của ta. Ta nguyện sẽ bảo vệ toàn bộ dân chúng Mỹ". Ngay đêm đó, các loa phóng thanh đều bị dỡ bỏ. Chính phủ kêu gọi đến lý trí của nhân dân: "... dù những điều mà kỹ sư Garin, tên kẻ cướp khét tiếng xuất thân từ Nga Xô, vừa nói qua loa phóng thanh có là đúng chăng nữa thì vẫn cần lấp đi các giếng mỏ trên đảo Vàng, vẫn cần loại trừ khả năng có nguồn trữ lượng vàng vô tận. Cái thước đo lao động, hạnh phúc và cuộc sống sẽ ra sao nếu vàng sẽ được múc lên như đất sét? Nhân loại nhất định sẽ trở về những thời kỳ mông muội, trở về chế độ buôn bán vật đổi vật, trở về tình trạng dã man và hỗn loạn. Kỹ sư Garin là một tên khiêu khích bất trị, là tay sai của quỷ sứ. Mục tiêu của y là làm mất giá đồng đôla. Nhưng nhất định y sẽ không đạt được mục đích đó..." Chính phủ cố vẽ ra một bức tranh thảm hại nếu hủy bỏ hệ thống kim bản vị. Nhưng những kẻ biết lý lẽ thật ít ỏi, khắp nước Mỹ đã phát điên. Sinh hoạt trong các thành phố khác cũng đình trệ như ở Xan Phranxixcô. Các đoàn tàu hỏa và hàng triệu ô tô để sang phía Tây. Càng gần đến bờ biển Thái Bình Dương thì thực phẩm càng đắt đỏ. Không có phương tiện chuyên chở thực phẩm. Những kẻ tìm kiếm hạnh phúc bị đói lả, tiến công các cửa hàng ăn uống. Ở Xan Phranxixcô người chết đói nằm la liệt trên đường phố. Tại các ga lớn và trên các giao điểm đường sắt, ngổn ngang những xác chết khi các đoàn tàu bị tiến công. Trên các con đường, trên các đường hẻm qua núi, qua rừng, chạy ngược lại về phía Tây, nườm nượp những toán người cõng các bị vàng trên lưng. Những kẻ chậm chân lập tức bị dân chúng địa phương và các toán cướp giết chết. Bắt đầu cuộc săn đuổi những kẻ chở vàng, thậm chí họ bị cả máy bay tiến công. Rốt cuộc, chính phủ phải thi hành những biện pháp gắt gao. Hạ nghị viện thông qua các đạo luật tổng động viên những người từ mười bảy đến bốn lăm tuổi, ai trốn tránh sẽ bị đưa ra tòa án binh. Trong các khu phố nghèo ở Niu Yoóc, hàng trăm người đã bị bắn chết. Binh lính xuất hiện tại các nhà ga, nào bắt bớ, nào bắn chỉ thiên, nào bắn vào dân chúng. Nhưng các đoàn tàu vẫn đầy ắp. Các công ty đường sắt tư nhân thấy tốt hơn là cứ phớt lờ mệnh lệnh của chính phủ. Thêm năm chiếc tàu nữa của Garin đến Xan Phranxixcô và chiếc "Aridôna" - "mối đe dọa của biển cả" - bỏ neo ngay ngoài khơi với đầy vẻ lộng lẫy, khắp vịnh đều nhìn thấy. Hai bộ máy phóng tia khủng khiếp của nó bảo vệ các con tàu bốc dỡ hàng. Ngày khai mạc hội nghị Oasinhtơn đã đến trong hoàn cảnh như vậy. Một tháng trước đây, nước Mỹ sở hữu một nửa số vàng của toàn thế giới. Giờ đây, dù nói gì thì nói, vốn vàng của nước Mỹ bị đánh giá rẻ đi đúng hai trăm năm mươi lần. Dù vất vả, dù bị những tổn thất ghê gớm hay đổ mất nhiều máu chăng nữa - những việc đó vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nhỡ cái gã điên rồ khốn kiếp Garin lại nảy ra ý định bán vàng với giá hai đô la một cân thì sao? Các vị thượng nghị sĩ và dân biểu cao niên đi đi lại lại ngoài hành lang với cặp mắt trắng nhợt vì kinh hoàng. Các ông vua công nghiệp và tài chính Mỹ hoang mang khiếp đảm. "Đúng là một thảm họa của thế giới, một thảm họa còn tồi tệ hơn việc va phải sao chổi". "Cái gã kỹ sư Garin này là ai nhỉ? - người ta hỏi - Thực ra thì y cần cái gì nhỉ? Làm khánh kiệt đất nước này chăng? Ngu xuẩn? Khó hiểu... Y muốn đạt được mục đích gì? Muốn trở thành nhà độc tài chắc? Xin cứ việc, nếu y là người giàu có nhất thế giới. Suy đến cùng thì chúng ta cũng đã chán ngấy cái chế độ dân chủ này rồi... Đâu đâu trong nước cũng xảy ra tình trạng hỗn loạn, cướp bóc, lộn xộn, cứ để một tên độc tài có bàn tay sắt điều hành đất nước còn tốt hơn." Khi biết tin là đích thân Garin sẽ đến dự phiên họp, dân chúng kéo đến hội nghị đông đến nỗi nhiều người đánh đu trên hàng cột và các ô cửa sổ. Đoàn chủ tịch xuất hiện, ngồi vào ghế, nhưng im lặng, chờ đợi. Cuối cùng, chủ tọa hội nghị bắt đầu nói, nhưng mọi người trong phòng đều quay về phía cửa ra vào màu trắng có nạm vàng. Cửa mở toang. Một người đàn ông bước vào. Y nhỏ nhắn, mặt tái nhợt khác thường, bộ râu dê đen sì, cặp mắt màu sẫm thâm quầng, mặc chiếc vettông bình thường màu xám, đeo cà vạt kiểu con bướm màu đỏ, đi đôi giày nâu, đế cao, bàn tay trái cầm đôi găng mới. Y đứng lại, hít một hơi thật sâu. Y thoáng gật đầu rồi nhanh nhẹn bước lên diễn đàn. Y vươn thẳng người. Râu y vểnh lên. Y gạt bình nước về phía mép bàn, (Trong phòng chỉ nghe thấy tiếng nước sóng sánh, - yên tĩnh như vậy đó) Bằng một giọng cao, âm sắc rất chướng tai, y lên tiếng: - Thưa quý vị... Tôi là Garin... Tôi đã đem vàng đến cho thế giới. Cả phòng rung chuyển trong tiếng hoan hô. Mọi người nhất tề đứng dậy và đồng thanh hét lớn. - Ngài Garin muôn năm!... Nhà độc tài muôn năm. Bên ngoài, một đám đông hàng triệu người vừa giậm chân theo nhịp vừa hò hét: - Vàng!... Vàng!... Vàng!....114
Chiếc "Aridôna" vừa trở lại đảo Vàng. Gianxen báo cáo với Dôia về tình hình hội nghị Oasinhton. Dôia vẫn nằm trên giường, giữa một đống gối viền đăng ten. Phòng ngủ mờ mờ tối sực nức mùi hoa từ ngoài vườn tràn vào. Một cô gái đang sửa móng bàn tay phải của ả. Ả cầm trong tay trái một chiếc gương nhỏ và vừa nói chuyện vừa bực bội ngắm nghía mình trong gương. - Nhưng ông Gianxen ạ, Garin phát điên rồi, - ả bảo Gianxen, - sao lại làm vàng mất giá nhỉ?... Anh ấy muốn trở thành nhà độc tài của lũ khố rách áo ôm chắc? Gianxen liếc nhìn vẻ lộng lẫy của căn phòng ngủ vừa trần thiết xong rồi đáp: - Thưa bà, khi tạm biệt tôi, ông Garin bảo tôi nói với bà là bà chớ lo lắng. Ông ấy không đi chệch một bước nào so với kế hoạch đã dự định. Nhờ đánh đổ được vàng, ông ấy đã chiến thắng. Tuần sau, thượng nghị viện sẽ suy tôn ông ấy là nhà độc tài. Khi đó ông ấy sẽ nâng giá vàng lên. - Bằng cách nào, tôi không hiểu đấy. - Ông ấy sẽ ban bố đạo luật cấm nhập vàng và bán vàng. Sau một tháng, vàng sẽ tăng đến giá cũ. Số vàng bán ra không nhiều lắm đâu. Những lời đồn đại nhiều hơn. - Thế giếng mỏ? - Giếng mỏ sẽ bị phá hủy. Dôia cau mày, châm thuốc hút. - Tôi chẳng hiểu gì hết. - Số lượng vàng phải được hạn chế, nếu không nó sẽ mất hết giá trị. Dĩ nhiên, trước khi phá hủy giếng mỏ, sẽ phải khai thác một số lượng vàng như thế nào để ông Garin có được trong tay hơn một nửa số vàng trên thế giới. - Tuyệt lắm... nhưng họ sẽ bỏ bao nhiêu tiền cho triều đình của ta, cho những kế hoạch huyễn hoặc của ta. Ta cần nhiều, cần nhiều lắm đấy. - Ông Garin đề nghị bà lập bản quyết toán đi. Rồi bà sẽ được cấp bao nhiêu tùy ý... Rồi Gianxen nói bằng một giọng van vỉ: - Thưa bà Lamôlơ, suốt cả tháng qua tôi không được gặp bà. Lúc này bà vẫn còn được thoải mái. Ta hãy ra biển đi. Chiếc "Aridôma" đã sửa sang lại rồi. Tôi muốn được cùng bà đứng trên cầu chỉ huy, dưới các vì sao. - Tôi không biết, Gianxen ạ, tôi không biết, - Dôia đáp - Đôi khi tôi bắt đầu cảm thấy rằng người ta chỉ hạnh phúc khi săn đuổi hạnh phúc. Và khi hồi tưởng lại nữa... Nhưng đó là vào những giây phút mệt mỏi... Rồi sẽ đến lúc tôi trở về với ông, ông Gianxen ạ... Tôi biết là ông sẽ nhẫn nại chờ tôi... nhưng nếu tôi không trở về thì niềm mơ ước và nỗi nhớ tôi chẳng lẽ lại không phải là hạnh phúc ư?... Gianxen, ông Gianxen yêu quí, tôi biết làm gì bây giờ?... Tôi phải bay vào chốn tưởng tượng huy hoàng của tôi cho tới khi tim tôi ngừng đập...115
Tại ngôi nhà nhỏ màu trắng trên bờ một vùng biển hẻo lánh của đảo Vàng, suốt đêm diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Senga đọc lời hiệu triệu do anh vừa vội vã soạn thảo: "Hỡi nhân dân lao động toàn thế giới! Các bạn đều đã biết quy mô và hậu quả của cơn kinh hoàng đang bao trùm nước Mỹ sau khi những con tầu chất đầy vàng của Garin cập bến San Phranxixcô. Chủ nghĩa tư bản bắt đầu lung lay, vàng bị mất giá, tất cả các loại tiền đều rối loạn, bọn tư bản chẳng có gì để trả công cho những kẻ làm thuê cho chúng: cảnh sát, các đội quân càn quét, bọn khiêu khích... Bóng dáng của cuộc cách mạng vô sản đã hiện lên rõ rệt. Nhưng kỹ sư Garin, kẻ đã nện một đòn choáng váng vào chủ nghĩa tư bản, không hề muốn rằng hậu quả những hành động phiêu lưu của y lại là cách mạng. Garin đang đi tới nắm chính quyền. Trên đường đi của y, y đang bẻ gãy sự kháng cự của bọn tư bản là những kẻ hiểu chưa thật rõ rằng Garin là thứ vũ khí mới trong cuộc đấu tranh với cách mạng vô sản... Chẳng mấy nữa, Garin sẽ thỏa thuận được với bọn trùm tư bản. Chúng sẽ suy tôn y là nhà độc tài và lãnh tụ. Y sẽ giữ cho y một số vàng trên thế giới rồi sẽ ra lệnh lấp giếng mỏ trên đảo Vàng để hạn chế số lượng vàng. Y sẽ cùng bọn trùm tư bản bóc lột toàn thể nhân loại và biến mọi người thành nô lệ. Hỡi anh chị em lao động trên toàn thế giới! Giờ chiến đấu quyết định đã điểm. ủy ban cách mạng của đảo Vàng tuyên bố như vậy. ủy ban tuyên bố rằng đảo Vàng cùng giếng mỏ và tất cả các bộ máy phát tia đều chuyển vào tay những người khởi nghĩa khắp thế giới. Từ nay, những nguồn vàng vô tận sẽ nằm trong tay nhân dân lao động. Garin cùng bè lũ của y sẽ chống cự điên cuồng. Chúng ta chuyển sang tiến công càng nhanh thì thắng lợi càng bảo đảm". Không phải mọi ủy viên ủy ban cách mạng đều tán thành lời hiệu triệu này. Một số người do dự, chưa hoàn toàn tin tưởng. Nhưng Senga nói với họ: - Cách mạng là chiến lược cao nhất. Mà chiến lược là khoa học để chiến thắng. Chiến thắng chỉ thuộc vào những ai táo bạo; những ai nắm được chủ động. Thắng lợi của chúng ta là chắc chắn vì toàn thể nhân dân lao động khắp thế giới đều muốn chiến thắng, và chúng ta là đội tiên phong của họ. Những người Bônsêvích nói như vậy. Mà những người Bônsêvích thì không biết đến thất bại. Nghe thấy những lời lẽ ấy, một anh thanh niên cao lớn, mắt xanh, từ nãy đến giờ vẫn im lặng, nay rút chiếc tẩu ra khỏi miệng. - Đủ rồi, - anh nói bằng một giọng trầm đặc. - Bàn cãi mãi thế là đủ rồi! Bắt tay vào việc đi, các bạn!...[1] Một hải cảng ở Úc - N. D.