Chương 26

Trong khi đang họp ở Bruxell thương lượng với cơ quan thương mại của EU (Liên minh châu Âu) về cô-ta (quota) cho hàng dệt may của Việt Nam, Vũ được tin Bích Ngọc ở nhà bị tạm giam cùng với một số doanh nhân khác. Giữa mùa băng tuyết đi hết cơ quan này đến cơ quan khác của EU đóng tại Bỉ để đàm phán, mà trong lòng Vũ cứ như có lửa đốt. Là thành viên của đoàn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Vũ không thể bỏ dở cuộc đàm phán này, hơn nữa Vũ lại là người thông thạo nhất trong đoàn cả về ngôn ngữ cũng như luật lệ, khả năng đàm phán.
- Phải hai ngày nữa may ra mới xong việc ở đây. Anh cố nán lại được không? - Ông trưởng đoàn hỏi Vũ.
- Tôi cố, nhưng tôi lo quá, không hiểu chuyện gì đã xảy ra ở nhà.
- Anh đã nói chuyện được với chị Ngọc chưa?
- Chưa anh ạ, nhà tôi không được mang theo điện thoại cầm tay vào nơi tạm giam. Các em tôi gọi điện cho biết nguyên nhân chính là ngân hàng cổ phần Việt Phát phá sản, giám đốc và mấy người trong hội đồng quản trị bỏ trốn, nhiều con nợ lớn cũng bỏ trốn, gây xôn xao cả thành phố. Dân hoang mang đến ngân hàng đòi rút tiền cứ như đi biểu tình!..
- Thôi chết, ngân hàng làm ăn như thế có khác gì phản quốc!
- Công ty của vợ tôi là một trong những người vay lớn của ngân hàng này. Song tôi nghĩ không thể liệt công ty của nhà tôi vào loại vỡ nợ. Chính vì thế tôi càng không hiểu tại sao vợ tôi lại bị bắt!
- Đàm phán xong ở đây, anh về ngay giúp chị ấy, còn việc đàm phán song phương ở Paris và Berlin, chúng tôi tự lo lấy vậy.
- Xin cảm ơn anh, nhưng ngay sau việc này tôi lại phải đi Mỹ, thăm dò trước cho việc kiện cáo nhau về cá basa. Không biết nhà tôi một mình sẽ chèo chống ra sao.
- Còn anh Quân và chị Bảo Vân, tôi nghĩ hai người này không chịu khoanh tay ngồi yên đâu.
- Vâng, tôi hy vọng như thế. Nhưng chính vì tôi biết tất cả, nên tôi rất lo.
- Như thế là thế nào?
- Không thể có một sơ suất gì về phía công ty Ngọc Vân được anh ạ. Tình hình tài chính của chúng tôi có thể nói là lành mạnh, đây là nguyên tắc hàng đầu của chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng phải đề phòng từng ly từng tý. Điều này chắc anh không lạ đối với doanh nghiệp tư nhân. Như vậy gần như chắc chắn việc vợ tôi bị bắt là do một ý đồ nào đấy liên quan đến đổ vỡ của ngân hàng cổ phần Việt Phát. Âm mưu gì, ý đồ gì? - Ngồi đây tôi mù tịt!
- Lại một vụ ngân hàng cổ phần Việt Hoa mới chăng? Sự đổ vỡ nối tiếp của các AP-Bank, Ngân hàng Nam Đông, Saigon Exim-Bank..? Hình như tôi chưa thấy một ngân hàng cổ phần nào làm ăn đứng đắn cả! Thế là tại cái gì hả anh?
- Có lẽ tại nhiều thứ lắm! Luật lệ có tốt đến mấy cũng khó lại được! Có nước nào mà người kinh doanh không cần đến ngân hàng? Cái chính vẫn là sự yếu kém của thực thi pháp luật, của bản thân ngành ngân hàng, tệ nạn tham nhũng và không có sự công khai minh bạch trong đời sống kinh tế anh ạ. Kẽ hở cho những kẻ như Tăng Minh Phụng - Phạm Nhật Hồng(°) [(°) Một vụ trọng án kinh tế phức tạp trong những năm 1990.] chui lách là ở đấy…
- Anh nghĩ thế hả anh Vũ?
-??? - Vũ trợn ngược hai mắt, không hiểu câu hỏi của ông trưởng đoàn.
- Anh có nghĩ rằng đôi khi trong kẻ tử tù có một nửa là danh nhân không? Nhưng mà thôi, chuyển đề tài! - Ông trưởng đoàn không muốn nghĩ tiếp và quyết thay đổi dòng câu chuyện.
- Tôi không hiểu trong chuyện này anh định nói cái gì! - Vũ ngơ ngác.
- Đã bảo là chuyển! Chuyển!
- Thôi được. Chuyển!
- Như vậy đi Mỹ về cá basa anh sẽ cãi thế nào? Bộ Thương mại Mỹ đang vin vào những chuyện đại loại như anh vừa nói để lập luận kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường, còn bao cấp và độc quyền nhà nước... Na ná với những luận điệu họ viện ra để nâng thuế đánh vào nhập khẩu gỗ xây dựng Canada, vào đồ gỗ nội thất Trung Quốc.
- Bắt bẻ nhau thì thiếu gì cách hả anh. Ở đây còn có những nguyên nhân chính trị ngay trong nội bộ Mỹ, có nhiều phe nhóm lợi ích khác nhau lắm anh ạ, nhóm muốn làm ăn với ta, nhóm phá ta...
- Người mua bao giờ cũng là thượng đế, mà thượng đế Mỹ còn muốn làm cha các thượng đế khác. Làm ăn với thằng khoẻ, thằng khổng lồ là bán được nhiều hàng, nhưng lại có những cái mệt riêng của nó, có phải thế không?
- Cả cái thế giới này hình như ai cũng có lý do của mình để không thích Mỹ, nhưng ai cũng cần thị trường Mỹ anh ạ. Sự đời nó oái oăm thế. Mấy năm nay tôi đọc các luật, các hiệp định đến vỡ đầu, dắt nhau đi Mỹ mấy chuyến rồi, học mãi thế nào là lobby, gặp nhóm này họ chê bai nhóm kia để tranh mối, đến bây giờ vẫn cứ như là người lạc vào rừng. Chỉ cần sơ ý một tý là phạm luật như chơi, là rơi vào những điều tai tiếng (scandales) cho báo chí ở Mỹ làm rùm beng chống ta.
- Anh không nhờ được Việt kiều nào hỗ trợ hay tư vấn giúp?
Tôi có một vài người quen, nhưng tìm được người có thể giúp mình trong việc này thì chưa. Anh có thể hình dung như thế này: lobby cho những sản phẩm xuất khẩu khác nhau vào Mỹ là những việc làm khác nhau, liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau. Những gì tôi biết được, hình như chỉ có cộng đồng người Canada và cộng đồng người Hoa sống ở Mỹ là có nhiều điều kiện nhất hỗ trợ cho sản phẩm xuất xứ từ nước mình. Công ty Ngọc Vân phải chi cho các chuyến đi khảo sát của tôi khá nhiều tiền. Mỗi chuyến đi của tôi là mấy nghìn đô, nghĩa là một chuyến đi thừa sức nuôi con tôi học tại đấy một năm! Chưa kể công sức và chất xám mấy năm ròng của riêng tôi. Thú thực với anh, nhà tôi bây giờ lại bị tạm giam, tôi không còn đầu óc nào mà nghĩ đến chuyến đi Mỹ sắp tới nữa... Tôi cố xung trận với các anh ở đây vài hôm nữa rồi về thôi. Muốn bỏ cuộc lắm rồi! Mấy năm nay tôi đau dạ dày vì quá căng thẳng...
- Cố lên, anh Vũ. Vì đất nước này! Anh còn nghĩa vụ đảng viên nữa. Đúng là chúng ta vừa phải chiến đấu ở tiền phương, lại vừa phải chống đỡ những trận đánh tập hậu ở hậu phương!.. Cái mặt trận trong nước khó hơn nhiều!..
- Thú thực với anh, mỗi lần thấy một đơn vị kinh tế đổ vỡ, dù là trong hay ngoài quốc doanh, mỗi lần nghe xảy ra một vụ tham nhũng lớn, tôi phân vân lắm anh ạ. Nơi nào không có đảng viên, không có đảng bộ? Bộ nào, tỉnh nào, huyện nào, cơ quan xí nghiệp nào không có đảng bộ trong sạch vững mạnh? Nơi nào không có đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân? Thế mà tham nhũng tiêu cực và biết bao nhiêu sự việc phi pháp khác không hề bớt đi. Trấn được đợt này, ít lâu lại rộ đợt khác, cứ như là chém đầu Phạm Nhan vậy!
- Hay là chính sự chồng chéo trong cơ chế này mới tạo ra được nhiều cái đầu Phạm Nhan như thế?
- Vâng, tôi cũng nghĩ như anh. Luật cứ tiếp tục ra, nhưng tội phạm leo thang ngày càng lên các cấp cao hơn mới chết chứ!
- Những kẻ bị lộ chắc cũng mới chỉ là cái mỏm băng nổi lên của cả tảng băng thôi anh Vũ ạ, va đập vào đâu là tàn phá đấy...
- Qua đàm phán với EU lần này, tôi cảm nhận thấy các điều kiện hội nhập ngày càng khó hơn anh ạ. Bây giờ cạnh tranh với hàng may mặc của Campuchia đã mệt rồi. Sắp tới quota đối với Trung Quốc, Ấn-độ và các nước đang phát triển khác sẽ được bãi bỏ hết vì họ là thành viên WTO, còn trơ khấc lại mỗi mình nước ta! Làm ăn với Mỹ còn khó nữa.
- Càng nghĩ càng lo. Thế mà cứ đứng mãi bên rìa cái chợ thế giới này thì chết đầu nước anh ạ....Làm sao biến cái lo này thành cái lo của từng người dân trong nước được hả anh Vũ?..
- Việc đầu tiên là từng ông Bộ trưởng và từng ông đầu tỉnh, ông giám đốc, từng ông bí thư chi bộ và từng đảng viên phải biết lo nỗi lo này anh ạ.
- Tôi cũng hiểu thế, nhưng hình như chuyện này ở nước ta xa vời lắm, hiếm tìm được một ý chí quyết liệt, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống... Thú thực với anh tôi có cảm giác Trung Quốc xin vào WTO là do lãnh đạo của họ ý thức dứt khoát được một ý đồ chính trị, lấy ngoài ép trong đẩy mạnh bằng được cải cách. Họ quyết chiếm lĩnh thị trường cả thế giới. Còn ở ta thì hình như chỉ do tình thế bắt buộc, nên chỗ nào cũng một thái độ bất đắc dĩ!.. Anh cứ để ý mà xem, đâu cũng muốn kéo dài bảo hộ. Nhận xét như thế có quá lời không anh Vũ?
- Thú thực với anh, nhiều lúc quẫn quá tôi cứ lướng vướng trong đầu: Dân tộc này đã hy sinh chiến đấu mấy thế hệ mà vẫn chưa đủ thấm để hiểu nổi cái nhục nước nghèo hay sao?
- Mỗi người chúng ta,và đặc biệt là người cầm lái cho con tàu đất nước phải luôn biết tự trọng để trả lời câu hỏi này anh Vũ ạ.
-...
Đứng trên chiến tuyến xa đất nước vạn dặm, thay mặt cho đất nước giành giật từng xu thuế, cầu cạnh bán từng sản phẩm cho mặt hàng dệt may của đất nước, cuộc chiến trí tuệ căng thẳng là thế mà vẫn không xua tan được nỗi tê tái của hai người về những sự việc đang xảy ra ở hậu phương.
...Bích Ngọc là linh hồn, là ngọn cờ của công ty Ngọc Vân. Ba chìm bẩy nổi Bích Ngọc vẫn cùng các em mình giữ vững được cơ đồ... Nhưng lần này? Bây giờ là tạm giam... Rồi sẽ đi đến đâu nữa. Lại tái diễn một trận cuồng phong mới? Lại tái diễn kịch bản xoá sổ xí nghiệp 23-9, xoá sổ khu trồng bạch đàn Kiên Phong? Từ hai năm nay sức khoẻ của Ngọc giảm sút rõ rệt...
Vũ cảm thấy lửa đang táp vào mặt mình, vào nhà mình...
Khu tạm giam nằm tại một nơi hẻo lánh trong quận 9. Đấy là hai dãy nhà vừa mới xây, thoạt trông, gần giống như một doanh trại rộng, được bao quanh bằng hàng rào dây thép gai, có công an gác hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ. May cho Bích Ngọc, khu tạm giam mới này chưa xong nghiệm thu, còn nguyên mùi vôi vữa, nhờ vậy khá sạch sẽ so với các nơi tạm giam khác. Vì quá mới, nên số người bị tạm giam ở đây còn ít, cũng đỡ phức tạp.
Những người bị tạm giam ở đây được phân loại vào từng khu như: khu tội phạm hình sự, khu tội phạm kinh tế, khu các loại tội phạm xã hội.., có giờ cho phép người nhà đến thăm hàng ngày... Tuy nhiên sự phân loại cũng chỉ là tương đối, bởi vì số bị tạm giam liên quan đến tội phạm hình sự hay tệ nạn xã hội thường khá đông. Bích Ngọc bị tạm giam cùng một buồng với một phụ nữ bị bắt vì tội bán dâm, để tiện việc cho người quản lý. Khi mới vào trại, tai Ngọc rát lên về những lời xì xào, có khi người ta chủ ý nói rất to cho Ngọc nghe thấy:
- Trông gia giáo thế kia mà cũng làm nghề bán hoa à?
- Không biết đây là Tú Bà hay là nàng Kiều nhỉ? Nếu là nàng Kiều thì xuân xanh quá đứng bóng, là má mì thì lại sang trọng quá!..
-...
Cũng may buồng của Bích Ngọc lúc này chỉ có hai người, Ngọc lại được mang theo đầy đủ màn chiếu đồ dùng cá nhân, nên cũng sống tạm được. Ngọc không bận lòng về những điều bàn tán của những người chung quanh. Ngày đầu Bích Ngọc hầu như không chợp mắt, tính toán, sắp xếp trong đầu từng ly từng tí mọi tình huống, mọi việc phải làm. Quân và Bảo Vân suốt ngày thay nhau đi đi về về bàn bạc với chị để chuẩn bị đối phó với mọi bất trắc. Ngày tiếp theo Ngọc ngồi thiền và thở khí công, với mục đích duy nhất là bắt mình ngủ. Thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, đi lại một chút thay tập thể dục, ăn uống xong lại thiền, lại ngủ. Ngọc tự nhủ với mình: Sống chết cũng phải ngủ, ngủ bằng được để có sức chống lại vụ việc đê tiện này. Thật bõ công lao tập thiền... Có lúc Quân và Bảo Vân vào thăm, thấy chị mình đang ngủ rất say, không nỡ đánh thức, chỉ để lại các thứ đem đến và mấy chữ... Sang ngày thứ ba Ngọc ngủ một cách dễ dàng, không chật vật như hôm đầu.
Người gái điếm ở chung với Ngọc có lúc hỏi dò:
- Em thấy hình như chị mắc bịnh ngủ?
- Chị thèm ngủ lắm.
- Chị có thần kinh sắt! Ngủ say, không thở ngắn than dài như em. Ruột gan em cứ như lửa đốt vì ba bà cháu ở nhà.
- Có lẽ tại chị mệt quá.
- Cái nghề ăn đêm của chúng mình nó khổ vậy, có phải thế không chị?
...
Bích Ngọc đã bắt đầu thở đều đều trong giấc ngủ sâu...
Đến ngày thứ tư, cái thèm ngủ không còn nữa. Ngọc bình tĩnh suy xét lại mọi việc đã làm, tính tiếp các việc phải đối phó sắp tới, nhất là sau mỗi khi Quân và Bảo Vân vào thăm và kể cho Bích Ngọc nghe thêm những diễn biến mới. Việc mới nhất là công ty Ngọc Vân phải mở sổ cái cho ban kiểm tra tài chính của Sở đến làm việc tại chỗ, công việc kéo dài hai ngày liền...
Tuy vậy Bích Ngọc vẫn còn chút thời giờ tìm hiểu cô gái ở cùng phòng tạm giam với mình.
- Cả Thành phố này ai mà không biết công ty Ngọc Vân hả chị. Thế mà em cứ tưởng chị là...
- Tưởng là gì cũng được. Tôi đã tự nói về tôi cho cô nghe rồi. Bây giờ cô tự kể về mình đi.
- Em không ngờ, một bà tổng giám đốc một công ty to như chị mà lại rất thông cảm với em...
Khó mà lấy cái khổ của người này so với cái khổ của người khác, nhất là những người đã rơi vào hoàn cảnh mà Victor Hugo đã đặt cho họ cái tên chung: Những người cùng khổ. Nhưng họ có một cái chung bao trùm tất cả: Nỗi khổ của họ không sao nói hết được, dù họ là một cá nhân nào trong đội quân này.
Cô gái này cũng thế, sinh sống ở Củ Chi. Bia liệt sĩ của đài tưởng niệm khu căn cứ địa đạo Củ Chi có tên bố cố ta. Lẽ ra cô ta có một cuộc sống hạnh phúc như muôn vàn gia đình nông dân bình thường khác. Cô có hai con, một trai một gái, đứa lên sáu và đứa lên bốn. Mọi người bảo như thế là có nếp có tẻ, không còn gì bằng. Chồng là người cùng xã, cũng làm ruộng, khoẻ mạnh. Thời buổi bây giờ không có chuyện chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, vì đã có máy công nông, có bơm nước, có tổ lao động của hợp tác xã... Gia đình cô sống thanh bình, có bát ăn bát để, vì ngoài ruộng khoán còn nhờ vườn cây ăn quả của bố để lại. Cách đây hai năm, đùng một cái, không biết nghe ai xui ngon dỗ ngọt, chồng cô ta đem cầm hết nhà cửa vườn tược, lấy tiền đi đào vàng.
- Đất nước đi con đường đổi mới, gia đình mình đổi đời bằng đào vàng.
- Anh đem tính mạng của cả nhà đi cầm cố đấy!
- Đừng lo, giấy phép anh cầm trong tay rồi, lên Tây Nguyên. Xem đây này...
Đúng là giấy phép của tỉnh hẳn hoi, nhưng là giấy chui, có ngày tháng, ghi rõ tên lô đất, có số giấy phép, có chữ ký thoắng, nhưng không dấu, không đề rõ tên người ký...
Tất cả thành chuyện đã rồi. Vườn ruộng đang dưng thành vườn ruộng của người ta. Nhà cha mẹ để cho đang dưng thành nhà mình xin ở nhờ...
Khoảng chín tháng sau, người chồng gửi từ Kontum về cho vợ 24 triệu đồng, vừa đủ trả lãi và chuộc lại nhà, chưa chuộc lại được vườn và ruộng. Còn dư lại được chút ít cho bốn mẹ con bà cháu cầm cự trong mấy tháng tiếp theo. Ba tháng sau nữa, cô ta nhận được thư của chồng dặn tìm xem trong làng ai bán đất thì ướm trước và đặt cọc ngay, chuẩn bị xây nhà mới...
Thư chồng cầm chưa nóng tay, công an sở tại đã về tận nhà điều tra. Chồng cô ta và hai chủ "bưởng"(°) [(°) Chủ một khu đất thuê được để đào vàng.] khác đã bị giết chết trong một vụ tranh chấp đẫm máu giữa các bưởng. Riêng vụ này xảy ra 6 án mạng, loạn cả một vùng rừng núi... Chất thải xi-a-nuya trong khi đãi vàng làm hỏng nguồn nước cả một vùng. Chuyện này lớn quá, các nhà chức trách địa phương không truy cứu trách nhiệm cho ai được, đành bỏ qua, cũng không báo cáo lên trên...
Đúng một năm sau khi tiêu tán hết cả gia sản vào việc chồng đi đào vàng, cô ta bị xô đẩy vào cuộc đời làm nghề mãi dâm để cứu mẹ và hai con...
- Tôi hoàn toàn hiểu được và thông cảm hoàn cảnh của cô.
- Em khổ lắm chị ơi... - Cô gái gục đầu vào vai Ngọc, nấc lên từng câu đứt quãng, nước mắt lã chã. - Bán thân, bán xác được đồng nào thì thằng ma-cô, thằng bảo kê, mụ chủ chứa giựt mất gần hết!
- Đừng kể nữa! - Ngọc kêu lên, ôm riết cô gái vào lòng, mình cũng khóc lúc nào mà không biết.
- Xin cảm ơn chị. Cuộc đời em coi như là chết rồi. Nhưng còn mẹ em và hai con em... - Người gái điếm nước mắt sướt mướt.
- Cô có quyết tâm thử sức mình một lần không?
- Vô phương, chị ạ! Hoàn toàn vô phương. Nếu em một thân một mình thì em chết quách cho xong. Chết bằng cách nào cũng được...
Bích Ngọc nắm lấy hai tay cô gái điếm:
- Nếu cô quyết tâm thử sức mình, tôi sẽ giúp. Mặc dù bây giờ ngồi đây, tôi chưa biết sẽ có thể giúp cô như thế nào.
Người gái điếm không nói không rằng, chỉ ôm lấy Bích Ngọc, nức nở.
- Đây là địa chỉ của tôi, khi nào ra khỏi trại thì tìm đến tôi, rồi chúng ta sẽ bàn. - Bích Ngọc đưa cho cô gái điếm tấm danh thiếp của mình.
Ngọc đã sống ở đây sang ngày thứ 6.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ sáng. Bay một mạch suốt đêm từ Paris, Vũ không ngủ được, người mệt bã. Chạm chân xuống đất, Vũ bảo người lái xe đưa mình đến thẳng nơi Ngọc bị tạm giam. Trên đường đi Vũ điện thoại chào bà nội và bố mẹ, mong mọi người thông cảm. Quân và Bảo Vân đã lo xong mọi thủ tục xin phép cho Vũ đi thăm Ngọc... Vũ đi một mình, vì hai người còn bấn lên trăm thứ việc trong cơn sóng gió.
Khi Vũ chạy đến ôm chầm lấy vợ, Vũ ngạc nhiên thấy Ngọc rất bình tĩnh, không một chút lo lắng sợ sệt. Chỉ riêng cảm nhận này đã trút cho Vũ gánh nặng lớn.
Thấy Vũ đến, người phụ nữ cùng phòng tạm giam với Bích Ngọc hỏi thăm mấy câu xã giao rồi bỏ đi ra ngoài cho hai người được tự do. Lúc này Vũ mới dám hôn vợ những cái hôn như hôm hai người lần đầu tiên tỏ tình với nhau... Ba chìm bảy nổi họ đã trải qua kể từ ngày ấy hình như chỉ làm cuồng nhiệt thêm những cái hôn hôm nay... Họ yêu nhau, nhưng cuộc sống lại quá khắt khe với họ, luôn luôn giằng xé họ đi mỗi người mỗi ngả trong trăm công nghìn việc, dìm sâu họ trong muôn vàn lo toan...
- Không ngờ chúng mình lại gặp nhau trong hoàn cảnh như thế này, có phải không anh?
Vũ trả lời vợ bằng những cái hôn.
- Anh gầy quá! Có nhớ em nhiều không?
- Nhớ lắm... Nhớ như thế này!.. - Lại những cái hôn da diết.
- Đau dạ dày có bớt chút nào không anh?
- Em có vẻ hơi béo ra.
- Không phải đâu, chỉ béo mắt thôi anh ạ. Vào đây em tìm cách ngủ bù. Họp hành nhiều thế, chứng đau dạ dày của anh thế nào?
- Phải chung sống với sự hành hạ của nó thôi em ạ, ngày và đêm...
- Tuần trước em căng thẳng quá! Trông mắt anh thâm quầng và trũng lại!
- Anh lo cho nội và ba má lại bị xúc động về việc em bị tạm giam thế này.
- Ba má vốn dĩ như thế, nhưng nội bình tĩnh lắm anh ạ. Không thấy nội bối rối gì cả. Nhưng lần đầu tiên em được nghe nội chửi độc!
- Thế là nội cũng bị xúc động mạnh đấy. Nội chửi thế nào?
- Bảo Vân đọc cho nội nghe xong bài báo của Thắng, nội bảo đưa tờ báo cho nội coi. Ngắm nghía bài báo một lúc rồi nội chửi: "Quân chó má, Cứ đợi đấy, mày sẽ bị trời chu đất diệt!” Thế là nội xé tờ báo quăng xuống đất. Nhưng nội yếu nhiều rồi, xé tờ báo không đứt.
- Đúng ra không nên để nội biết chuyện này. Sức khoẻ nội hồi này kém lắm.
- Em lo cho nội lắm. Bận gì thì bận, ngày nào em cũng tìm cách nói chuyện với nội vài ba câu. Lúc nào cũng cảm thấy cái ngày không được nói chuyện với nội nữa đang tới gần... Bị tạm giam ở đây, em đành chịu. Chúng nó ác quá, ba đứng ra xin bảo lãnh để em khỏi bị tạm giam cũng không được.
- Họ có giải thích tại sao không em?
- Họ nói có nhiều con nợ bỏ trốn, họ đang phải truy nã, họ không muốn đẻ số thêm nữa việc truy nã. Nhưng báo chí lại đưa tin công ty chúng ta vỡ nợ, đại gia Bích ngọc có biểu hiện bỏ trốn nên đã bị tạm giam. Cách đưa tin cứ như là một sự kiện động trời của Thành phố. Em có cảm tưởng mục đích của việc tạm giam là để có tin đăng báo.
- Biết thế nào được em, có khi từ tạm giam đến giam thật chỉ là một bước chân. Thằng Thắng muốn đánh bọn mình đến cùng đấy.
- Bác Tám Việt gọi điện thoại hỏi thăm công ty. Bảo Vân hỏi sao bác biết, bác nói đọc bài báo của Thắng và các tin nói em bị tạm giam. Chú Lê Hải, chú Nghĩa, chị Yến cũng gọi điện vào. Cánh ngoài Bắc lo cho chúng mình lắm.
- Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. - Vũ rất nóng ruột muốn biết mọi chuyện.
-...
Thực ra ngân hàng Việt Phát lâm vào tình trạng vỡ nợ từ hai năm nay. Nghĩa là lúc Thắng đưa Tuyến cò lên máy bay trốn về Mỹ, cán cân vãng lai của ngân hàng này lâu nay âm triền miên, từng tháng, từng quý, rồi cả năm... Những người làm sổ sách được tổng giám đốc ra lệnh múa may các con số để che mắt các nhà chức trách. Còn những người điều hành trực tiếp thì đem mọi thủ đoạn lấy khoản nọ đập khoản kia, sẵn sàng chấp nhận những khoản "cưa đôi” gần như bất kỳ giá nào cho mọi sự nhập nhằng, miễn là duy trì được bộ mặt của ngân hàng được ngày nào hay ngày ấy. Có ngày họ ký vay nóng của đám rửa tiền đến cả tỷ đồng, nhưng thực chất chỉ lĩnh được vài trăm triệu để có tiền mặt trấn an tinh thần những người đến rút tiền và duy trì sự hoạt động có vẻ là bình thường của ngân hàng. Sống bằng việc chấp nhận những khoản "cưa đôi” như thế hơn một năm ròng, người hiểu nghề có thể dễ dàng hình dung số nợ của ngân hàng Việt Phát lớn như thế nào... cho đến khi ba bốn tháng liền nhân viên ngân hàng này không có lương, người đến rút tiền biến thành các nhóm biểu tình trong Thành phố...
Nhiều người về hưu - công nhân viên chức có, cựu chiến binh có, số thương binh cũng không ít.., cứ như là trong một đêm mất trắng toàn bộ số tiền dành dụm dự trù cho cuộc sống cuối đời của mình. Nhiều người buôn bán, doanh nghiệp tư nhân các loại... bỗng nhiên phá sản theo...
Khi cuỗm xong được những gì còn lại và bỏ trốn ra nước ngoài, những người điều hành chủ chốt của ngân hàng để lại mảnh giấy cáo lỗi và tự ý thông báo ngân hàng Việt Phát đã phá sản. Một số con nợ lớn đồng loã cũng bỏ trốn theo để vỗ nợ. Có tên đã chạy sang Nga, sang Đức trước cả mấy tháng nay rồi. Phải chờ mãi đến khi cái tờ giấy cáo lỗi nói trên bị giới báo chí phanh phui ra, các nhà chức trách mới biết. Nhưng câu chuyện trở thành vụ nổ lớn khi tiến sĩ tổng giám đốc Đoàn Danh Thắng nhúng tay vào, bằng bài báo náo động trời đất.
Dân tình làm sao biết được những thủ đoạn của Việt Phát. Dân tình oán thoán các nhà chức trách.
Dân tình phẫn nộ. Cả Thành phố xao xuyến...
- Câu chuyện bùng nổ sau bài báo của Thắng anh ạ. Hắn viết cứ như là chính hắn là người phát hiện ra vụ lừa đảo của ngân hàng Việt Phát!
Bích Ngọc mở túi vải con đựng một ít tiền nong và ít giấy tờ khác, lấy ra một tờ báo đưa cho Vũ:
- Anh đọc bài này đi.
Trong khi nhìn Vũ đọc báo, Bích Ngọc xót xa thấy Vũ xanh mướt, mặt tọp hẳn so với hôm đi...
Đọc xong bài báo "Một khi chuyên chính vô sản bị buông lỏng", tác giả là tiến sĩ tổng giám đốc Đoàn Danh Thắng, Vũ nói:
- Anh đem tờ báo này về cho vào lưu trữ ở nhà.
- Tuỳ anh, em đã lưu một bản ở nhà rồi, cả mấy tờ báo đăng tin em bị tạm giam nữa.
- Nếu anh nhớ không nhầm, chính anh gặp thằng Thắng đưa Tuyến cò về nước, từ phòng VIP tiễn lên tận máy bay hẳn hoi. Anh đã nói chuyện với Thắng một lúc. Hôm đó là chuyến anh đi Mỹ lần đầu tiên về việc Mỹ doạ kiện ta vụ cá basa. Chuyện cách đây khoảng hai năm rồi. Nhưng bài báo này lại đổ tiệt cho Tuyến cò là chủ mưu làm Việt Phát phá sản, với sự tiếp tay của những người điều hành. Em hiểu thế nào?
- Lần ấy trên máy bay anh có bắt chuyện được với Tuyến cò không?
- Rất tiếc là không, vì không quen nhau, lại ngồi cách xa nhau nữa.
- Tuyến cò hồi đó có thể cuỗm được một số tiền của những người nào đấy, em không loại trừ. Anh còn nhớ việc Thắng dẫn Tuyến cò đến trụ sở công ty chúng mình, thò ra cái bản thảo thư vay tiền của Thủ tướng để gạ chúng mình tham gia phi vụ này không?
- Nhớ. Chúng mình không ngu như nó nghĩ. Nhưng chuyện này đã quá hai năm rồi.
- Bây giờ Việt Phát vỡ nợ tới hơn một nghìn tỷ đồng anh ạ, toàn những vụ việc sau khi Tuyến cò đã trở về Mỹ. Thật khó mà tin có bàn tay Tuyến cò trong vụ đổ bể này, trừ phi nó có tài điều khiển Việt Phát từ xa!
- Trong bài báo này có câu - Vũ đọc to cho vợ nghe: “...Phải bắt bằng hết những con nợ lớn, đòi bằng được mọi tài sản trả lại cho nhân dân. Đấy là nhiệm vụ chuyên chính hàng đầu Nhà nước phải làm ngay trong vụ việc này!" Anh đọc thế em nghe có rợn tóc gáy không?..
- Em đã đọc đi đọc lại mấy lần.
- Tình hình nợ nần của công ty Ngọc Vân hiện nay thế nào hả em?
- Nợ còn nhiều. Làm ăn thì chẳng bao giờ hết nợ. Đến nay vẫn chưa thanh toán hết các khoản nợ phát sinh từ vụ Kiên Phong và việc giải thể xí nghiệp 23-9 Thới Trạch anh ạ. Kéo cày trả nợ ba năm chưa xong, như các cụ ngày xưa vẫn nói... Nhưng cái chính là nhà máy sản xuất linh kiện xe máy và xe hơi 23-9 Nam Lái Thiêu bây giờ đang mở rộng quy mô sản xuất cho mặt hàng mới. Vốn ném vào đấy bao nhiêu cũng không vừa. Không làm thế không địch lại được hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Song tất cả những khoản lớn này không liên quan đến Việt Phát. Thực ra nếu được vay tại các ngân hàng thương mại quốc doanh thì em cũng không bao giờ muốn đụng tay đến Việt Phát vay một xu! Cực chẳng đã thôi! Thắng dò la ở đâu được mọi khoản vay nợ của Ngọc Vân rồi tương hết lên báo.
- Tổng nợ của Ngọc Vân đối với riêng Việt Phát có nhiều không em?
- Gần 15 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi tính đến hết năm nay, nghĩa là còn 4 tuần nữa. Chủ yếu đưa vào kinh doanh cá basa bên An Giang. Mặt hàng này đang chạy, nên em không lo. Các kỳ trả lãi em đều thanh toán đúng hạn không sai lấy một ngày.
- Bao giờ phải trả hết cả gốc lẫn lãi?
- Theo hợp đồng thì còn 6 tháng nữa, cụ thể là đến ngày 29 tháng sáu sang năm mới phải trả hết toàn bộ gốc và lãi.
- Nếu thế chuyện này mất dạy quá! Chúng mình có vỗ nợ hay phá sản đâu mà lại bị tạm giam?
- Tụi em ở nhà đã làm đơn khiếu nại, đồng thời đã thuê luật sư đi kiện rồi. Đúng là bọn này mượn bão bẻ măng.
- Lại vẫn cái chuyện thằng Thắng muốn đánh chúng mình. Vì sao nó thù chúng mình dai thế nhỉ? Em đoán thế nào?
Bích Ngọc bóc xong quả quýt, đưa cho chồng:
- Anh ăn đi, quýt ngọt, không chua đâu mà sợ. Em nghi rằng câu chuyện còn nghiêm trọng hơn thế.
- Đánh chúng ta, bắt bớ một số nhà kinh doanh khác, làm rùm beng vấn đề... Thắng tung hoả mù chăng?... Có lẽ em có lý.
- Nhân chuyện Việt Phát đổ, em nghi Thắng muốn rửa tay chạy tội.
- Có bằng chứng gì không?
- Bằng chứng chúng mình làm sao có được. May ra công an kinh tế có thể có. Nhưng em chú ý đến một câu Thắng viết trong bài báo. - Bích Ngọc cầm lấy tờ báo trong tay Vũ, chỉ vào chỗ đã thuộc rồi đọc to: -... “...Từ lâu tôi đã lên tiếng cảnh báo những hoạt động đầy nghi vấn của Việt kiều Hoàng Văn Tuyến, tức Tuyến cò. Tiếc thay lời cảnh báo rơi vào các tai điếc...”. Anh xem, câu này dứt khoát phải có dụng ý gì. Trong trang sau đăng các hồ sơ về vụ phá sản này, em thấy có bản chụp bức thư của Trung tâm Bình Tiến tố cáo Tuyến cò quỵt nợ, ngày tháng của bức thư cách đây cũng gần hai năm rồi... Cả Thành phố này ai mà không biết những phi vụ mờ ám của Tuyến cò cùng làm với Thắng? Anh cứ nhớ lại những lời đồn đại về Tuyến cò cách đây vài năm mà xem, nhớ lại nhận xét của chú Năm Thịnh nhà mình về thằng cha bạc bịp này. Rất đểu là thằng Thắng đưa lên báo một danh sách dài những con nợ lớn của Việt Phát, trong đó có công ty của chúng ta, trộn nháo nhào những người làm ăn đứng đắn, những kẻ lừa đảo, những kẻ đã bỏ trốn ra nước ngoài. Dàn dựng rất có bài bản...
- Nếu thế câu chuyện chỉ còn tuỳ thuộc vào sự nghiêm minh của pháp luật thôi.
- Anh ơi năm sáu năm trước đây Năm Cam bị bắt rồi mà còn được thả. Người ta đồn rằng từ trại cải tạo hình như Năm Cam được chuyển sang diện tạm giam rồi được thả hẳn, mãi gần đây mới bị bắt lại. Như thế anh vẫn tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật chứ?
Vũ suy nghĩ một lúc:
- Phải chờ xem. Nhưng hy vọng việc bắt lại Năm Cam có nghĩa là pháp luật kỳ này sẽ ra tay quyết liệt.
- Em xem báo chí tường thuật việc bắt lại băng nhóm Năm Cam cứ như là đang đọc các truyện bố trí đặc công đi bắt giặc thời chiến trong vùng địch hậu có chết không chứ! Chứng tỏ bọn này đã lũng đoạn trật tự và an ninh xã hội đến mức quá xá.
- Cũng có nghĩa là bộ máy quản lý hỏng đến mức quá xá!
- Câu chuyện là thế đấy.
- Anh tạm hoãn đi Mỹ, để ở nhà cùng với các em lo xong việc này nhé?
- Không được anh ạ, Một là anh không được thất hứa với Hiệp hội Thuỷ sản, vì công ty của chúng ta là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội này, anh lại là người đàm phán chủ lực của Hiệp hội. Bộ Thuỷ sản cũng có thư yêu cầu công ty Ngọc Vân hỗ trợ tích cực. Hai là để tự cứu mình, anh phải làm tốt chuyến đi đàm phán này.
- Anh cứ phải làm mãi cái việc ăn cơm nhà vác ngà voi thế này hả em? Riêng cái đoạn túm được mấy chuyên gia Mỹ và Pháp về làm việc cho nuôi cá basa ở An Giang hai năm qua đã làm anh hết hơi rồi!
- Em biết là anh tức thì nói thế thôi. Nhờ cái việc ăn cơm nhà vác ngà voi cho ngành dệt và cho Hiệp hội Thuỷ sản công ty Ngọc Vân mới được hai hiệp hội này bảo vệ và mới tồn tại được đến hôm nay đấy anh ạ. Thế mà em vẫn còn phải bị tạm giam như thế này.
- Nghĩa là cái thằng lịch sử đã trao cho anh sứ mệnh này, không trốn được, có phải không?
- Nếu vu oan giá hoạ cho cái thằng lịch sử mà anh đỡ tức thì cũng được.
- Ở nhà một mình, em và vợ chồng Quân có lo được mọi chuyện không?
- Hôm nào anh phải đi?
- Theo lịch là thứ năm tới. Nghĩa là anh còn ở nhà được bốn hôm nữa. Ngồi đây nói chuyện bất tiện quá, để anh thử hỏi xem có được phép ra ngoài cho thoải mái không.
Vũ và Ngọc kéo nhau đến người trực ban của trại. Sau một hồi thương lượng khẩn khoản với lý do Vũ vừa đi châu Âu về, có những việc của công ty cần bàn gấp, trực ban đồng ý để cho Bích Ngọc được ra ngoài một giờ, với điều kiện Vũ phải để lại hộ chiếu của mình. Vũ cảm ơn bằng cái lót tay người trực ban hai tờ giấy bạc năm mươi nghìn.
Bước ra khỏi khu tạm giam có mấy bước chân Bích Ngọc đã thốt lên:
- Đúng là nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại! Em cứ tưởng là mình lúc này đang đi trên miền đất xa lạ nào!
Vợ chồng Vũ ngó nghiêng một lúc rồi chọn cho mình cái quán giải khát gần nhất:
- Lần đầu tiên trong đời hai ta được ngồi uống nước âm thầm trong quán với nhau thế này, có phải không em?
- Vâng. Em hy vọng sẽ làm được một việc gì đó bất ngờ trước khi anh đi Mỹ, nhưng em chưa nói vội. - Bích Ngọc nói luôn vào công việc.
- Anh chờ.
- Bây giờ anh phải giúp em làm một việc rất khó. Em đếm từng giờ đợi anh về.
- Em nói đi.
- Ngay chiều nay anh đi An Giang hộ em, nhờ phân hội cá basa bên ấy chuẩn bị cho em vay nóng 15 tỷ. Công ty mình xuất xong hai chuyến cá basa trong hai tháng tới sẽ thanh toán lại ngay. Anh đích thân đi mới được, nên em nán chờ anh về mới nói với anh việc này.
- Anh sẽ cố.
- Tiền phải sẵn sàng, khi nào cần là có ngay, nếu không thì hỏng việc anh ạ.
- Anh hiểu.
- Chúng ta đã giúp họ nhiều, em hy vọng bây giờ họ sẽ giúp chúng ta. Nói rõ đầu đuôi việc em bị tạm giam cho họ nghe. Cùng hội cùng thuyền với nhau, em hy vọng họ không bỏ rơi chúng ta lúc này.
- Em chuẩn bị cho tình huống xấu nhất?
- Phải như vậy anh ạ. Anh hứa đi ngay chiều nay chứ? Lẽ ra em phải bắt anh nghỉ ở nhà một hai tuần cho lại sức... - Bích Ngọc ôm xiết lấy chồng, chỉ muốn khóc.
- Đừng lo cho anh...
Vợ chồng Vũ không để ý đến mấy người chung quanh đang ngơ ngác nhìn họ...
Cuối cùng thì hai vợ chồng Vũ vẫn có chút thời giờ tâm sự với nhau về cuộc sống gia đình. Đã mấy lần Ngọc giục Vũ về nhà nghỉ lấy sức, để chiều nay còn phải đi An Giang. Nhưng thấy đồng hồ còn giờ, Vũ cứ luấn quấn mãi không nỡ ra về.
- Em ạ, nếu không vào trại tạm giam thế này, có lẽ vợ chồng mình kẻ trên trời, người dưới đất, không có thời giờ tâm sự với nhau lấy một phút!
- Nhiều lúc em nhớ anh vô cùng, đành cắn răng chịu. Đôi khi em tự an ủi một cách nực cười, nhưng biết sao bây giờ...
- Em tự an ủi thế nào?
- Em nghĩ dù sao chúng mình rất may là còn có Đức. Vợ chồng Quân còn khổ hơn chúng ta, bận tối tăm mặt mũi đến nỗi tịt cả đẻ!
- Ngọc ơi là Ngọc! - Cả hai cùng bật cười.
- Đức bây giờ là con chung của bốn anh chị em chúng mình, nên vợ chồng Quân cũng đỡ buồn.
- Mọi việc dạy dỗ Đức hầu như anh đành khoán trắng cho em và vợ chồng Quân. Phương pháp sư phạm của Quân khá lắm, thầy giáo số một và toàn diện của Đức đấy em ạ.
- Em cũng nghĩ thế. Có một tin rất vui, em chắc anh biết rồi: Đại học New Jersy có fax về báo cho chúng ta là họ đã nhận Đức nhập học. Con thi Toefl(°) [(°) Test of English as foreign Language: Thi kiểm tra ngoại ngữ Anh.] và thi nhập học với điểm khá cao. Xét xong các hồ sơ và làm một số tests(°°) [(°°) Những bài kiểm tra học lực.], họ đồng ý cho con vào thẳng học kỳ 3, nghĩa là tiết kiệm được một năm!
- Anh biết, Đức gọi điện thoại khoe với anh lúc anh vừa mới đến Bruxell. Con cho biết các tests con làm tốt, gây ấn tượng với các thầy chấm bài. Nhà trường hứa giảm ngay 3/4 học phí cho hai học kỳ đầu tiên, nếu kết quả học tốt có thể được miễn hoàn toàn học phí cho các học kỳ tiếp theo.
- Trước hết đấy là công lao của Quân về tiếng Anh và về toán.
- Con đã tính toán là mỗi năm chỉ xin bố mẹ nhiều nhất là năm nghìn đô, nếu thiếu con sẽ kiếm thêm việc làm ngay trong trường để bù vào. Nhưng hình như con chưa biết em bị tạm giam.
- Cả nhà không ai muốn để Đức biết chuyện này. Anh cũng nên thu xếp đi Mỹ sớm để kết hợp gặp con, cố khuyên con ý chí tự lập.
- Chúng mình quá hiếm thời giờ riêng cho nhau, có phải thế không em?
- Em cứ nhớ mãi hôm trao chiếc gậy thần cho chúng mình, nội dặn thế hệ bố mẹ chúng mình đã xả thân cứu nước, đến lượt thế hệ chúng mình phải lập nghiệp xây dựng đất nước. Nội giao cho cháu chắt của nội nhiệm vụ nặng nề quá!
- Anh thực không hiểu vì sao nội có thể hun đúc cho chúng ta một ý chí như vậy!
- Tại nội yêu nước hay là tại máu làm giàu bẩm sinh của nội hả anh Vũ? Chẳng lẽ nói với đồng chí Vũ là tại dòng dõi của nội thì nghe nó phi chính trị quá!.. - Ngọc vừa hỏi vừa cười.
- Em đố anh đấy à?
- Không, em hỏi thực đấy.
- Là em, em tự trả lời thế nào? Anh cũng hỏi nghiêm túc đấy. - Vũ không muốn thua vợ mình.
- Em trả lời: Tại vì nội là nội của chúng ta!
- Thế thì anh chịu, không bắt bẻ vào đâu được! Nhiều lúc anh cứ tưởng nội là nhà tiên tri của chúng mình. Từ những ngày làm sữa chua bỏ cho các nhà hàng...
- Em nghĩ nếu không có sự dạy bảo của nội, có lẽ bốn anh chị em chúng mình đã lao vào đường mòn. Đại thể là nhờ ba má dựa vào thân quen tìm một chỗ nào đó trong biên chế, tháng tháng ba cọc ba đồng, tuần tự vi tiến...
- Đúng là nội đã chuẩn bị hành trang cho chúng ta bước vào con đường này.
- Cứ nghĩ đến nội là em hết nao núng.
- Thú thực có lúc anh đau dạ dày mệt quá gục xuống bàn, lòng tự hỏi: Mình cố gắng đến kiệt sức thế này vì lẽ gì? Chúng mình đâu có đói? Chúng mình đâu có thiếu thốn? Ai được hưởng những thành quả của chúng mình?.. Làm ăn mà nhiều lúc cứ như là đi ăn xin, kẻ làm người phá
- Em tặng anh danh hiệu "nhà tư bản đỏ”, được không anh? Vì anh là đảng viên?
- Nếu thế em phải sang tên công ty cho anh!
- Em cho anh tất đấy!
- Anh chẳng là nhà gì cả Bích Ngọc ạ. Anh yêu nước mình và muốn thử ý chí tự do của mình. Trước đây anh xin vào Đảng vì những hoài bão anh mơ ước. Bây giờ anh nghĩ khác.
- Bây giờ anh như thế nào?
- Thực tế hơn, lì lợm hơn.
- Anh không định xin ra khỏi Đảng chứ? - Nét mặt Bích Ngọc đầy lo âu.
- Bây giờ thì chưa!
- Không hay là chưa?
- Em hiểu thế nào cũng được.
Bích Ngọc ôm riết lấy chồng mình, một lúc sau mới nói:
- Nhà nước của anh đã đưa anh ra khỏi biên chế. Rồi sẽ có ngày Đảng của anh khai trừ nốt anh nếu anh còn là anh.
- Em nghĩ đến mức vầy à?
- Em còn đủ tỉnh táo để biết điều hơn lẽ thiệt. Song em vẫn có quá nhiều lý do phải tự hỏi mình: Nếu cái thiện nhưng bất cập và cái ác cứ lặp đi lặp lại hoài, cuối cùng cái thiện trong xã hội này sẽ còn lại bao nhiêu?
- Em lo lắng cho các đơn vị kinh doanh của chúng ta?
- Còn hơn thế anh ạ. Ba lần bị đánh phá tan hoang chứ không phải một lần! Em xót xa cho mình và cho đất nước! Đảng viên như anh muốn gọi đấy là phản ứng giai cấp cho đúng quan điểm lập trường của Đảng anh thì cứ việc!
- Ôi Ngọc! - Vũ ôm riết lấy vợ mình. -...Anh hiểu, anh hiểu. Bình tĩnh lại đi em! Bình tĩnh lại đi!.. Nói như em thì bọn Đoàn Danh Thắng đại diện cho giai cấp nào mà đánh chúng ta như vậy? Kim Hồng vợ Thắng bây giờ là đại gia về đất đai ngang ngửa với “Thắng bình vôi", Chín Tạ thì hai ba biệt thự rồi còn bao nhiêu đất đai khác nữa, Bạch Liên là trùm buôn lậu.., bọn chúng thuộc giai cấp nào?
- Bọn chúng đều là đảng viên của Đảng anh đấy! Nói thực cho em biết đi, vì sao đến nước này mà anh vẫn còn trung thành với Đảng của mình?
Vũ giật nảy người, không thể ngờ được vợ mình đã bị dằn vặt tới mức như vậy. Cân nhắc một lúc, Vũ mới trả lời được:
- Em còn nhớ em đã hỏi anh câu này bao nhiêu lần rồi không?
- Em không quên lần nào cả anh ạ.
Vũ chần chừ:
- Em vẫn chưa tin câu trả lời của anh?
- Hôm nay khác anh ạ. Em muốn biết câu trả lời của anh khi em bị tạm giam như thế này.
- Trời ơi, Ngọc...
- Em xin anh đấy!
- Anh... Anh chỉ muốn chứng minh rằng trong Đảng của anh không phải chỉ có Đoàn Danh Thắng, mà còn có Huỳnh Thái Vũ nữa.
- Anh phải luôn luôn so mình với thằng Thắng à? - Bích Ngọc nói lại ngay, có phần gay gắt.
- Không! Không bao giờ!
- Thế anh chứng minh như vậy để làm gì?
- Quan trọng hơn nhiều là để chứng minh với nhân dân là Đảng còn có những đảng viên khác, Đảng phải đi tiếp con đường đổi mới!
- Có làm được không anh? - Giọng của Bích Ngọc có phần dịu lại.
- Đảng phải lột xác ra khỏi quá khứ vinh quang của mình để đi tiếp con đường phụng sự dân tộc em ạ! Bắt buộc phải như thế.
- Em hiểu, nhưng anh có gan được như nội của chúng ta không?
- Anh sẽ cố... Chắc chắn anh không đơn độc...
- Nghĩa là trước sau anh vẫn cố bảo vệ Đảng của anh đến cùng?
- Anh chấp nhận tất cả.
- Vì anh không có sự lựa chọn nào khác?
Vũ ngắc ngứ. Vì đã bao nhiêu lần Vũ phải đánh vật với sự lựa chọn của mình, có những lúc hưu chiến, song trong thâm tâm Vũ thừa nhận hình như đến giờ vẫn chưa phân thắng bại.
- Anh nói đi chứ! - Bích Ngọc giục.
- Vì danh dự họ Huỳnh!.. Nghĩ kỹ hơn, có lẽ là vì danh dự của dân tộc ta, em ạ. Và...
- Còn vì gì nữa?
- Và... vì anh là anh!.. Vì anh không muốn đánh mất chính mình!..
- Ôi, thế thì em càng lo!
Câu chuyện chìm sâu vào tâm tư của bao điều day dứt. Vũ ôm chặt lấy hai bàn tay vợ trong lòng bàn tay mình.
-...Nói ra được như thế, em can đảm hơn anh nghĩ nhiều lắm Ngọc ạ!
- Em đã trải qua những giây phút ngã lòng anh ạ. Nhiều lúc em muốn đá tung tất cả những gì chúng mình đã làm nên cho hả giận. Nhất là cái hôm trên đường vào nằm tại trại tạm giam này... Uất ức vô cùng, mung lung vô cùng anh ạ. Nhà thơ Phùng Quán cố vịn câu thơ mà đứng dậy. Còn em? Em vịn vào cái gì? Lung mung lắm anh ạ. Chỉ còn cây gậy thần của nội! Em chỉ không muốn nội phải tủi hổ vì chúng ta! Đêm hôm đầu tại trai tạm giam này em nghĩ đi nghĩ lại mãi câu nói của nội tại cuộc họp mặt với công nhân hôm làm lễ khai tử xí nghiệp 23-9!
- Có lẽ tất cả bốn anh em ta không ai tưởng tượng được nội của chúng ta như thế trong cái ngày đen tối ấy có phải không em?
- Đúng thế, anh ạ. Những đêm ở đây em nhắc đi nhắc lại cho mình không biết bao nhiêu lần câu nói của nội: "...Các bác, các cháu ạ, chẳng ai tự dưng đem búa đập vỡ nồi cơm của mình... Nhưng đã đến nông nỗi này thì cùng nhau cắn răng lại! Hãy cắn răng lại ráng chịu!..."
- Hôm khai trương xí nghiệp này, chính nội đã thề với công nhân: Sống cùng sống, chết cùng chết với xí nghiệp! Em nhớ chứ?
- Em nhớ. Hôm đập xí nghiệp, nội thề: Chừng nào còn đi trên hai chân của mình, thì họ Huỳnh này cam kết không bỏ rơi một ai gắn bó với xí nghiệp của chúng ta...
- Hôm ấy bao nhiêu người đã khóc vì câu nói ấy của nội em ạ... Anh không thể tưởng tượng nổi... Dày dạn như ông Tư Cương cũng rơm rớm nước mắt... Lúc này mới đo được lòng người trong xí nghiệp mình...
- Nhiều lúc em cứ nghĩ đấy là nội ra lệnh cho chúng ta anh ạ!..
- Đúng là hôm ấy nội ra lệnh cho chúng mình thật. Anh cũng nghĩ thế.
- Anh Vũ ạ, ngay bây giờ trong tay chúng ta vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác. Dẹp hết mọi công việc kinh doanh đi chúng ta cũng không chết đói đâu mà lo. Nếu cần, thu hết vốn liếng đi mua mấy cái nhà cho thuê. Tiền cho thuê nhà đủ để cả nhà mình ăn tiêu nhảy múa thoả thích năm này qua năm khác, càng không phải vào trại tạm giam như thế này...
- Anh hiểu! Tất cả chỉ vì anh chị em chúng ta không thể làm cho nội của chúng ta thất hứa, chúng ta không thể bỏ rơi cuộc sống của hàng nghìn người khác? Có phải thế không em?
- Dứt khoát là như thế! Nhưng một khi tình thế bắt buộc, em sẽ lựa chọn như vậy đấy. Lúc ấy anh cũng sẽ không cản được em đâu!.. - Bích Ngọc vân vê cổ áo của chồng, âu yếm vuốt ve khuôn mặt xanh xao của chồng rồi nói tiếp -...Nhân nói chuyện này, cái Thi bạn em tuần trước khoe vừa bán cái nhà của bố được nhà nước hoá giá. Nó được bố chia cho hai nghìn cây vàng. Nó bảo em: Vợ chồng con cái tao bây giờ ngồi hưởng lộc các cụ để lại thôi, không ngu đần trâu bò như vợ chồng anh chị em nhà mày!
- Trời ơi, nhà của tướng Văn Lâm mà như thế, nhà của nội chúng mình sẽ là bao nhiêu? Một vạn cây? Hai vạn cây chắc?..
- Đất nước mình vẫn bèo bọt thân phận nước nghèo, nhưng đất đai thì đắt hơn vàng mà anh!
- Lẽ ra làm giàu một đồng thì được xã hội tôn vinh một đồng,.. làm giàu hai đồng thì được xã hội tôn vinh hai đồng... Được như thế thì ai cũng dám mạo hiểm, bớt được tham nhũng, bớt được đầu cơ vào đất đai, kinh tế cả nước này chẳng mấy lúc sẽ quật lên nhanh chóng...
- Đằng này cái gì cũng phải giấu giấu diếm diếm như mèo giấu cứt có phải thế không anh?! Em xin lỗi...
- Đừng bực dọc nữa Ngọc! Tham gia đàm phán với EU(°) [(°) Liên minh châu Âu.] anh càng thấy mỗi sản phẩm người sản xuất của EU đưa ra thị trường thế giới đều có nhà nước hậu thuẫn đằng sau. Đổi lại, mỗi đồng bạc kiếm ra phải khai xuất xứ và chịu thuế... Vì thế công khai minh bạch là bắt buộc, em ạ. Anh cứ ước ao đến bao giờ nước mình làm được như vậy!
- Nghĩa là anh ước ao quốc doanh chết hết có phải không?
- Sao em độc mồm thế? - Vũ cười và thụi cho Bích Ngọc một quả tống yêu vào má.
- Đành là quốc doanh hay không quốc doanh khối anh chết. Nhưng công khai minh bạch như thế quốc doanh chết đầu nước!
- Em ạ, đất nước mình không thể nói là nghèo, dân mình không thể nói là ngu lười, nhưng sao nước mình vẫn nghèo lâu thế, lạc hậu lâu thế! Đối mặt với nước ngoài mới thấy rõ hơn cái nhục nước nghèo của mình! Mấy anh bạn trong EU đàm phán với anh khi giải lao nói vui: "...Đừng xin quy chế nước chậm phát triển làm gì! Đúng ra với tiềm năng và sức năng động như thế, phải xếp Việt Nam các anh vào loại nước không chịu phát triển!" Anh nghe mà tê tái cả người...
- Làm sao người dân nước mình sớm có được những thế hệ rửa được cái nhục nước nghèo này anh hả!
- Phơi phới được mấy năm đến 1995, từ cuối 1996 đến giờ chậm hẳn lại...
- Cứ hai bước tiến một bước lùi, trong khi đó thiên hạ vắt chân lên cổ chạy! Em chỉ lo kéo dài mãi thế này ta sẽ ngày một tụt hậu xa hơn.
- Cứ mỗi lần anh đi xa về là một lần xót xa...
- Tạp chí Kinh tế Viễn Đông(°) [(°) (Far Eastern Economic Review)] đã gọi Việt Nam là thành viên của NATO?(°°) [(°°) Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.] rồi đấy anh ạ.
- Thế là thế nào?
Vũ bật cười:
- Họ giỏi hài hước.
- Em nghĩ lúc này dân tộc mình cần được một Chí phèo mới của Nam Cao đấm toạc mặt, đá nát mông để thức tỉnh lòng tự trọng.
- Ôi Ngọc! Nhưng sao lại là Chí Phèo?..
- Chí Phèo không có gì để mất, cả đến mạng sống của mình Chí Phèo cũng chẳng thiết.., nên mới dám làm cái việc tày đình này.
- Rồi sao nữa?
- Rồi sao nữa à? Để em nghĩ một chút... Bị đấm, bị đá, dân tộc mình thức dậy, nhìn thấy Chí Phèo trước mặt... - Bích Ngọc vừa nói, vừa làm điệu bộ khua tay đấm, đá: -...Bàng hoàng từ trong giấc ngủ bước ra, chắc dân tộc mình sẽ chỉ tay vào mặt Chí Phèo rồi quát lên: Ai đây? Ngươi là ai mà lại dám đá ta, đấm vào mặt ta?.. Anh ạ, một khi đã chỉ tay hỏi được Chí Phèo là ai, dân tộc mình chắc cũng sẽ ý thức được chính mình là ai, sẽ biết được nước mình đang đứng ở đâu trong cái thế giới này!.. Anh có nghĩ thế không?
- Ôi Ngọc ơi là Ngọc...
- Ý nghĩ vừa kể cho anh không phải hoàn toàn là em nghĩ ra đâu. Em mượn một ý vô cùng quan trọng của triết gia Trần Đức Thảo về sự hình thành tư duy để diễn đạt cái tất yếu mà nước ta phải giác ngộ đấy... Bắt đầu từ sự hình thành ngôn ngữ và ý thức anh ạ! Đây chính là vấn đề nhận thức mà chúng mình đang bàn.
- Em đọc Trần Đức Thảo bao giờ thế?
- Vừa qua tạp chí Triết Học có số đặc biệt nhân ngày giỗ nhà triết học hiện đại duy nhất của nước ta.
- Thế bây giờ em giả vờ vừa mới tỉnh ngủ và chỉ tay vào anh và hỏi Anh là ai? đi!
- Không, không đánh lừa em được đâu. Bích Ngọc của anh đang thức...
Tình yêu và trí tuệ của hai người dần dần kéo họ ra khỏi bao điều dằn vặt nhức nhối, câu chuyện giữa hai vợ chồng Vũ lan man sang biết bao nhiêu chuyện khác trong giờ phút tại ngoại rất ngắn ngủi này...
Trước khi chia tay, Vũ trao đổi thêm với vợ những việc cần bàn trong cuộc họp với tổ think tank sau khi Vũ đi An Giang về. Tổ này gồm các thành viên lãnh đạo của ba công ty dịch vụ tư vấn chiến lược kinh doanh do bốn anh em Vũ là những người sáng lập ra từ vài năm nay...
Từ nơi Bích Ngọc bị tạm giam, Vũ về nhà chào bà và bố mẹ được mấy câu lại bảo lái xe đưa đến khu công nghiệp Sáng Tạo ở phía Bắc Thành phố để gặp Quân ngay, nghĩa là không kịp uống cốc sữa mẹ pha cho.
- Con vẫn chưa cảm thấy đói, mẹ cứ đậy lại, lát nữa về con sẽ uống!
Bà Ngân chưa kịp nói thêm câu nào, Vũ đã tót ra ngoài sân hối hả giục lái xe.
Vũ muốn nắm thêm tình hình trước khi đi An Giang.
Cũng may hồi này trật tự giao thông trong thành phố khá hơn trước chút ít, lại không phải giờ cao điểm, nên chưa đầy một giờ sau Vũ và Quân đã ngồi nói chuyện với nhau về những việc đang phải tính từng giờ từng phút.
- Chị Ngọc bảo anh đi An Giang ngay giật nóng một hai chục tỷ để quật lại thằng Thắng. Anh lo nếu không có tiền mang về thì sao?
- Chị Ngọc đã bàn với em và quyết định dứt khoát chỉ giao việc này cho anh, vì anh có uy tín lớn với bên An Giang.
- Đành là thế, nếu việc không thành?
- Em đã tính rồi, trong trường hợp này em sẽ thế chấp xí nghiệp này để vay ngân hàng. Nếu cũng không được nữa thì đành thế chấp cho tư nhân để vay nóng của nhau với lãi suất chợ đen vậy! Xí nghiệp này đang ăn nên làm ra, có nhiều người gạ mua hoặc xin góp vốn, nên có thể thế chấp ngon lành anh Vũ ạ. Vài giờ đồng hồ là xong ngay. Quốc doanh không làm được chuyện này, nhưng tụi em làm được!
- Quân, người ta chỉ đem cái ô tô hay cùng lắm là giấy tờ sở hữu nhà đất đến hiệu cầm đồ, chứ không ai làm như thế đối với cả một xí nghiệp với 500 công nhân như thế này! Đừng quên đây là miếng cơm manh áo của 500 con người và gia đình của họ!
- Anh ơi, đã đến nước này thì mọi phương tiện chúng ta có trong tay đều phải tính hết. Anh không nghĩ đến khả năng tụi thằng Thắng kéo dài tạm giam để có đủ thời gian đổi trắng thay đen xoá sổ chúng ta hay sao? Tạm giam như thế còn nguy hiểm hơn là giam thật!
- Anh rất lo điều này. Nhưng phải tính mọi nước.
- Tụi thằng Thắng chỉ bí có một điều là áp lực của những người gửi tiền ở ngân hàng Việt Phát lớn quá, không sớm giải quyết được, chuyện kinh tế dễ phát sinh thành chuyện chính trị trong thành phố. Đã lẻ tẻ xuất hiện một vài cuộc biểu tình đòi ngân hàng Việt Phát trả tiền... Chỗ bí này là lối thoát cho chúng ta anh Vũ ạ!
Vũ chau mày, lắc đầu, nhưng cuối cùng vẫn phải nói:
- Thôi được, đúng là các em đã bàn hết mọi nhẽ rồi. Em cứ chuẩn bị phương án cho xí nghiệp này đi làm con nuôi một thời gian đi. Ướm dần các bố mẹ nuôi của nó đi, không thể bỏ lỡ từng giờ từng phút! Nhưng em không được sang nhượng mảy may quyền lãnh đạo và quyền điều hành tuyệt đối của chúng mình đối với xí nghiệp này!
Chưa để cho Vũ nói xong, Quân đã đứng dậy mở két hồ sơ, đưa ra cho Vũ một tập các bản fax:
- Anh yên tâm!.. Anh xem, đây là các fax trả lời các offers của em về chuyện vay nóng. Gọi xí nghiệp này đang đắt giá như tôm tươi cũng không có gì là quá đáng anh ạ!
Xem được mấy cái fax trả lời, Vũ trả lại Quân cả mớ fax:
- Em quảng cáo giỏi, hay là tán tỉnh giỏi các đại gia? Các điều kiện của họ nhìn chung chấp nhận được.
- Cả hai, anh ạ. Xí nghiệp trang thiết bị nội thất Tiên Phong này là xí nghiệp duy nhất của khu công nghiệp Sáng Tạo công bố trên báo chí định kỳ 6 tháng và một năm bảng cán cân thanh toán cho bàn dân thiên hạ biết anh ạ. Nói cho đúng hơn có lẽ Tiên Phong là xí nghiệp duy nhất của Thành phố làm việc này, có chứng chỉ của kiểm toán hẳn hoi. Nhìn vào bảng cán cân thanh toán là nhiều người đã mê rồi!
- Chuyện như thế này là chuyện hàng ngày trên thương trường thế giới, thế mà ở nước ta cứ như là một sự kiện giật gân, có phải không Quân?!
- Đúng thế anh ạ, sau chuyện này em sẽ cho niêm yết xí nghiệp này trên thị trường chứng khoán để bành trướng mạnh nữa... Nhưng anh có biết các đại gia mê cái gì nhất của xí nghiệp này không?
- Tỷ lệ lợi nhuận ổn định à?
- Em làm cuộc thăm dò rồi. Họ mê nhất là ở đây chúng mình chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng ký trước 6 tháng hoặc một năm với các siêu thị lớn bên châu Âu. Mấy đại gia xin mua sản phẩm của xí nghiệp để cung cấp cho một số siêu thị trong Thành phố, nhưng em không có hàng, và cũng không muốn bán. Vả lại làm theo các orders của các nước EU đã không xuể rồi! Công bằng mà nói mấy ông nhà báo cũng giúp xí nghiệp này nổi đình đám.
- Báo chí họ thích cái gì nhất trong xí nghiệp này?
- Báo chí ca ngợi nhiều điều anh ạ. Nhưng có lẽ việc xí nghiệp này đi nhập gỗ tà vẹt phế thải của đường sắt bị loại bên châu Âu về luộc tẩm và chế biến lại để đóng đồ gỗ giả cổ loại xịn rồi lại xuất trở lại châu Âu làm nhiều người đọc thích thú nhất. Ngay báo chí của EU cũng ca ngợi, họ đặt cho đồ gỗ của bọn em cái tên là sản phẩm thân thiện với môi trường! Anh xem có oách không?
- Đúng rồi sản phẩm nào bớt đụng chạm đến môi trường là họ rất khuyến khích.
- Anh Vũ ạ, việc xí nghiệp này mua kính xây dựng của Đáp Cầu, của Biên Hoà... về chế biến lại thành kính an toàn chịu lực để làm đồ nội thất theo design của các siêu thị bên châu Âu cũng làm nhiều người mê lắm, lại không cần quota mới sướng chứ! Em phục anh phát hiện ra kẽ lách này.
- Khi anh chọn sản phẩm cho xí nghiệp này, anh bắt buộc phải nghĩ thế Quân ạ, vì cả 3 công ty dệt may của Ngọc và Bảo Vân đều thuộc sản phảm cần quota. Thế là quá bấp bênh đối với chúng ta rồi! Anh chưa biết bao giờ mới vào được WTO để thoát khỏi cái cùm quota! Xí nghiệp này so với xí nghiệp 23-9 thì như thế nào?
- Đầu tư ít hơn, nhưng hiệu quả cao hơn nhiều anh ạ.
- Triển vọng đồ gỗ giả cổ có tốt không?
- Em vừa mới ký hợp đồng với Đức nhập gỗ tà vẹt phế thải cho hai năm tới, phù hợp với tiến độ cải tạo đường sắt của họ ở bên ấy. Nếu vào Nga, vào một số nước Đông Âu khác, nguồn nguyên liệu này phong phú lắm anh ạ!
- Nếu nước mình có thị trường chứng khoán cho ra hồn thì hay biết mấy Quân nhỉ!
- Ôi, nếu... nếu... Được ba bốn chứ nếu như vậy, em đảm bảo với anh em sẽ đưa được đồ gỗ giả cổ và đồ nội thất của xí nghiệp này sang Mỹ ngon lành. Em đã thăm dò khả năng mở một xí nghiệp như thế này ngay ở Nga. Nguồn nguyên liệu ở đấy vô tận và giá công nhân rẻ kinh khủng so với Tây Âu anh ạ, chỉ tiếc là tình hình chính trị - xã hội bên đó chưa hay lắm, nhóm Năm Cam ở nước ta không là cái đinh gì so với các mafia bên ấy!
- Thôi, tán gẫu với em như thế đủ rồi. Em gọi điện thoại về nói với má anh không ăn cơm nhà trưa nay để nhà khỏi mong. Anh đi An Giang ngay bây giờ! Suy nghĩ thêm về những vấn đề cần đưa ra bàn với tổ think tank...
Hai anh em chưa kịp mời nhau uống nước.
Công việc của Vũ ở An Giang diễn ra chóng vánh, không đầy một tiếng đồng hồ. Cái chính là Vũ gặp may.
Hiệp hội cá basa đưa Vũ đến bàn trực tiếp với công ty chế biến Việt Hưng, một trong top ten xuất khẩu filet cá basa của Việt Nam. Gần một năm nay Việt Hưng đi đi về về xin chính quyền địa phương cho thuê thêm 3 hecta đất để hiện đại hoá xí nghiệp chế biến theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến nhất mà các thượng đế ở châu Âu và ở Mỹ đòi hỏi, nhưng mọi cố gắng đều đổ xuống sông xuống biển hết. Việt Hưng quyết định di dời nhà máy sang tỉnh bên. Điều này có nghĩa An Giang sẽ mất hơn một nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp và nhiều cái lợi lớn khác nữa. Câu chuyện này gần đây đến tai bí thư tỉnh uỷ. Ngay lập tức bí thư ra lệnh cho địa phương phải tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu của Việt Hưng. Lệnh đã được thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy Việt Hưng dôi ra một khoản dự trữ lớn và chấp thuận cho công ty Ngọc Vân vay nóng 20 tỷ đồng. Nhưng người có thẩm quyền của Việt Hưng ký hợp đồng cho vay lúc này đang ở Vũng Tàu. Thế là đàm phán xong Vũ đi thẳng từ An Giang xuống Vũng Tàu. Quá đói, lại đến cơn đau dạ dày, dọc đường Vũ bảo lái xe mua cho cái bánh mì kẹp chả và chai nước thay cho bữa trưa, vừa đi vừa ăn để tiết kiệm thời gian.
Cuối cùng mọi việc đều toại nguyện. Vũ thở phào nhẹ nhõm và quên mất cả cơn đau đang lâm râm trong bụng.
- Còn đủ tỉnh táo về ngay Sài Gòn đêm nay chứ? - Vũ hỏi người lái xe của mình.
- Anh yên tâm. Bây giờ là bốn giờ, đi ngay là tốt nhất anh ạ!
Ngồi trên xe điện thoại xong cho Bích Ngọc, lúc này Vũ mới có đầu óc thảnh thơi chuyện trò với người lái xe của mình. Từ lúc đón Vũ ở sân bay 6 giờ sáng nay cho đến lúc xe rời Vũng Tàu trở về Thành phố, lái xe có cảm tưởng Vũ là người câm, bây giờ Vũ trở lại là con người hoạt bát và dễ bắt chuyện như mọi khi.
Đường thông xe, câu chuyện trong xe rôm rả, Vũ hy vọng kịp về ăn cơm tối với bà nội trước khi bà đi ngủ. Vài năm trở lại đây, do tuổi tác, bà Sáu Nhơn thường tám chín giờ tối đã đi ngủ rồi...
Đến địa phận Tam Phước trên quốc lộ 51, xe phải đi chậm dần. Khi mắt đã nhìn thấy được trạm thu lệ phí giao thông T1, xe đứng chết ngắc.
Tắc đường!
Mười phút, hai mươi phút.., xe vẫn đứng yên không nhúc nhích, người xúm lại quanh ba-ri-e (barrière) ngày càng đông.
- Anh chịu khó ngồi chờ, để em chạy lên xem có chuyện gì mà tắc khốn khổ thế này! - Chưa để Vũ kịp trả lời, người lái xe đã bật cửa vọt ra ngoài.
Lúc này Vũ chỉ lo đến sáng mai mới được nói chuyện với nội của mình...
Một lát sau người lái xe quay lại:
- Không biết phải chờ bao lâu nữa anh ạ. Công an đang làm biên bản. Trung tá công an Hoàng Mai say rượu nổi điên. Lão này là trưởng phòng cảnh sát hình sự. Chẳng biết lời qua tiếng lại thế nào, lão ta dẫn năm, sáu người vác dùi cui và tiểu liên AK đánh trọng thương trưởng trạm thu phí! Lão ta còn rút súng lục bắn trưởng trạm, nhưng may quá ông này kịp gạt được súng văng đi!
- Tại sao tự dưng đánh trưởng trạm? Lại còn rút súng bắn người ta?..
- Nghe kể thì chuyện không đáng gì anh ạ, cần ba-de (barrière) tự động bị hỏng, ông trưởng trạm đề nghị xe của lão ta lùi lại đi sang lạch bên, thế là lão ta chửi tục, rút súng bắn, rồi hè quân xuống đánh trưởng trạm túi bụi!
- Thế này thì còn trời đất nào nữa! - Vũ rên lên trong xe.
Ngay ngày hôm sau, ban kiểm tra kinh tế của Thành phố cho người đến trại tạm giam thương thuyết với Bích Ngọc, nhưng bị từ chối.
- Xin đề nghị ông thông cảm với tôi, ngồi trong trại tạm giam như thế này, tôi nghĩ đây không phải là chỗ tôi bàn công việc với nhà chức trách. - Bích Ngọc cố tìm lời lẽ cho mềm mỏng.
- Bà nhất quyết đòi huỷ bỏ lệnh tạm giam rồi mới nói chuyện?
- Xin tuỳ ông hiểu, tôi không thể bàn việc gì với nhà chức trách với tư cách là người đang ngồi ở cái trại này.
Chưa đầy hai giờ sau, lệnh tạm giam Bích Ngọc bị huỷ bỏ.