Năm nay, trong mỗi nhà cũng như toàn Taisét, người ta chuẩn bị đón ngày mồng một tháng Năm đặc biệt nhộn nhịp. Nhà ở, xưởng cơ khí, các trạm gác dọc đường sắt, xưởng sửa chữa toa xe được trang hoàng bằng những cành thông, cành liễu và những bông tuyết hoa. Một tháng rưỡi trước đây, công nhân đã giao ước lao động vượt mức, nhận mua công trái với số tiền nhiều gấp mấy lần lương tháng. Và người tham lam nhất trong xưởng là thợ nguội Tarax Gútdencô. Đùng một cái anh ta là người nhận mua nhiều hơn cả. Tarax Gútdencô tới Taisét ngay từ đầu chiến tranh. Anh ta có tám con và chị vợ đang có thai đứa thứ chín. Trưởng phòng tổ chức cán bộ phải bật cười khi Tarax tới gặp ông ở phòng làm việc, bảo anh ta là một người bố đông con, cần có việc làm gấp vì các con anh một ngày đòi ăn những ba lần. Ông trưởng phòng ngả người vào chiếc ghế tựa kiểu Viên, mở chiếc cửa sổ bé tí của văn phòng, gọi: - Maria Ivanốpna, mời chị vào đây có việc. Một người phụ nữ cao to, xinh đẹp, môi bôi son đỏ chói bước vào - Có chuyện gì thế, Anđrây Côngxtăngtinôvích? – cô ta vừa nhí nhảnh nói vừa sửa sửa làn váy trên cặp đùi đẫy đà của mình. - Ta có chỗ nào cần người làm trên các tuyến đường không nhỉ? – ông trưởng phòng oai vệ hỏi - Cần bố trí gấp việc làm cho anh Gútdencô đây, - rồi ông ta mỉm cười, mặt rạng rỡ - Anh ta bảo có tám đứa con tất cả, và chúng đòi ăn một ngày những ba lần… - Đúng thế! – Gútdencô chân thật xác nhận. Maria Ivanốpna không hiểu câu nói châm biếm của thủ trưởng và thông cảm một cách chân thành theo lối phụ nữ: - Kể cũng tội… Tám con! – cô ta không che giấu sự tò mò của mình, nhìn chằm chằm vào Gútdencô, thốt lên: - Thật quá sức tưởng tượng! Anh chàng Gútdencô gầy gò trở nên lúng túng, tìm cách chống chế lại: - Nhưng vợ tôi không thua một tí nào đâu, bà cô ạ, và rất quí bọn nhóc… Trong phòng mọi người im lặng, lúng túng: - Cô có thể đi ra, Maria Ivanốpna ạ, - vẫn không ngẩng đầu, ông trưởng phòng nói, - Còn anh, Gútdencô, chúng tôi sẽ tìm việc cho anh… Tarax Gútdencô cùng với gia đình đông đúng của mình đến ở một phòng trong túp lều dài nằm cạnh đường sắt. Anh ta làm công nhân kiểm tra đường ray chỉ một thời gian ngắn, có lẽ vì số lương tháng nghề này quá nhỏ đối với cái gia đình quá lớn của anh ta. Gútdencô quay sang xin làm xưởng cơ khí, thời gian đầu là lao công, vừa làm việc anh ta vừa tự học nghề nguội. Hàng ngày anh ta ở lì trong xưởng suốt 14-16 giờ liền. Mọi người về hết nhưng anh ta vẫn ngồi hàn chảo, hàn chậu, làm xẻng, làm cào.. Cặm cụi vất vả, nhưng anh ta không bao giờ kêu ca. Ở nhà ăn anh ta đòi lại bằng được và cẩn thận đếm lại từng xu tiền thối. - Nhỏ nhen quá, anh Tarax ạ! - mọi người đã nói thẳng vào mặt anh ta như vậy - Một xu thì anh mua được cái gì bây giờ nào? - Vấn đề không phải là một xu, mà là nguyên tắc – anh ta cau có trả lời. Dường như không tỏ ra bực bội, chỉ có cặp mắt sâu hoắm của anh ta lúc này hơi ướt. Anh im lặng quay đi và chăm chú đếm lại số tiền xu vừa được trả lại. Còn việc làm thì ít người theo kịp anh ta. Giờ nghỉ giải lao, anh ta uống vội vài ngụm chè với cà rốt phơi khô và quả tường vi rồi lại bắt tay vào việc ngay. Anh ta làm quần quật chẳng biết mệt là gì. - Này, cậu cũng phải nghỉ lấy hơi một tí chứ. Hãy trông vào người cậu mà xem, chỉ còn độc da với gân - mọi người ái ngại bảo anh ta – Như thế lương cậu cũng đã nhiều hơn mọi người rồi. Chẳng nhẽ cậu định làm giàu chắc? Gútdencô vẫn có vẻ như không nghe mọi người xung quanh đang nói về mình. Anh ta giữ chặt từng hào từng xu kiếm được. Nếu những người kiểm tra kết quả công việc mà tính sai tiền lương của anh ta thì anh ta liền lấy ra một quyển vở đóng bằng những mẩu giấy cũ và đi gặp những người làm sai. - Đây, anh ta đã phải giở đến sổ kế toán riêng của mình rồi. Chuyến này thì liệu hồn, cánh văn phòng chỉ có chết! - người ta đùa, sau lưng anh. Ở phòng kế toán, Gútdencô không làm ầm ĩ, mà chỉ khẽ nói: - Nhờ các đồng chí tính lại. Sổ ghi chép của tôi đây. Và xin kiểm tra thêm sổ của đội trưởng. Tôi không thể chờ được, - rồi anh ta bỏ đi. Người đúng bao giờ cũng là Gútdencô, người “bố anh hùng” như người ta vẫn gọi đùa anh. Gútdencô không tham gia một công tác xã hội nào, họp không phát biểu, không bạn bè với ai. Và anh ta có vẻ như bàng quan cả với những gì xảy ra ở mặt trận nữa. Gútdencô lơ đãng nghe các tin tức thời sự, tay sờ hết giũa lại sờ búa. - Thì hãy để cho chúng nghỉ một lát có được không? - Còn kịp chán! Thế mà những ngày trước mồng một tháng năm đã xảy ra cái điều hoàn toàn bất ngờ đối với mọi người. Đến kì nhận mua công trái. Người ta cổ động nhận mua càng nhiều càng tốt. Một số người thì vất vả lắm mới thuyết phục được họ mua, số khác thì nói: - Nên nhận mua bao nhiêu thì cứ ghi bấy nhiêu. Có gì mà sợ, một nghìn rúp đâu phải là nhiều? Còn số thứ ba thì tuyên bố một cách rất ngoại giao là: - Tôi ấy à? Thì cũng như mọi người thôi… Trung bình người ta nhận mua bằng hai tháng tiền lương. Thế mà đùng một cái, Gútdencô làm ai cũng phải ngạc nhiên. Anh ta là người cuối cùng đi đến bàn, hai chân cong lần bước, anh cẩn thận đọc bản danh sách, suy nghĩ một lát rồi viết luôn: “12.000 rúp”, các ngón tay bẩn dây ra cả mép tờ giấy. Anh ta ngắm nghía con số rồi thong thả cầm bút nắn nót kí một cách chậm chạp, đàng hoàng từng chữ. - Như thế là tiền lương mấy tháng đấy? - đồng chí Bí thư đảng uỷ hỏi - Bốn tháng lương của tôi, - Tarax cau có buông thõng một câu rồi đi tới chỗ bàn sắt làm việc. - Cậu làm thế nghĩa là thế nào? - mọi người hỏi anh ta. - Thế nào à? Người ta đã đuổi bọn Đức đến tận biên giới rồi, còn tôi là người dưng hay sao? – Tarax lúng túng trong miệng rồi giận dữ gõ chiếc búa xuống mặt bàn, ý muốn bảo câu chuyện đến đây chấm dứt, không nên hỏi thêm gì nữa. Hai ngày sau, thủ trưởng tuyến đường sắt kí lệnh tặng Gútdencô một bộ đồng phục công nhân đường sắt, còn vợ anh ta thì, với tư cách là một bà mẹ đông con được cấp phiếu lĩnh năm bánh xà phòng, chín mét vải, ba gói chè và một cân đường. Ếphơrôxinhia, vợ Gútdencô, đến cửa hàng, chìa tấm phiếu có in dấu đỏ ra. Người bán hàng xem kĩ tấm phiếu rồi yêu cầu cho xem chứng minh thư. Chị kia lục lọi hồi lâu các giấy tờ cần thiết trong chiếc bọc giấu trong ngực. Hai đứa bé con của chị đứng nhón chân cố nhìn vào trong quầy hàng, nơi có mùi bánh bốc ra thơm ngậy. - Này bà chị ơi, - chị bán hàng nghiêm khắc nhìn Ếphơrôxinhia – Trong chứng minh thư chị là Páplưskô, sao phiếu lại ghi Gútdencô? Có phải chị bắt được phiếu này không? - Không, phiếu này là của tôi, và chứng minh thư cũng là của tôi, hợp lệ cả… - Không biết. Tôi sẽ không xuất gì hết, chừng nào chưa làm rõ chuyện này - người bán hàng ngắt lời, cầm tấm phiếu đi sang phòng khác. Từ đấy có thể nghe tiếng chị ta gọi địên tới ban cung cấp công nhân. Một chốc sau, Gútdencô được gọi gấp lên phòng cán bộ. - Anh đã bán phiếu cho ai? – ông trưởng phòng đỏ mặt hỏi - Người ta cho anh, anh biết đấy, là vì nhà anh đông con, nhân ngày lễ, thế mà, ai ngờ anh lại lợi dụng đem bán! - Tôi không bán cho ai cả. Bây giờ tôi sẽ nói hết mọi chuyện – Gútdencô vò nhàu chiếc mũ lưỡi trai trong tay rồi bắt đầu ngượng ngùng nói - Ếphơrôxinhia là vợ tôi, vợ thực sự. Chồng cô ta chết trong một trận ném bom, gia đình của tôi cũng vậy, chỉ còn lại độc thằng con… Và thế là chúng tôi sống với nhau. Cô ta là một người tốt… Chẳng còn lúc nào mà tới phòng đăng kí hôn nhân thay họ của cô ta nữa. Với lại, cũng chẳng cần thiết. Cứ để bọn trẻ mang tên bố chúng. Anh ta là người tốt. Bọn chúng lớn lên sẽ tự biết tất cả. Còn bây giờ tôi tạm thay anh ta làm bố chúng vậy… - Hoá ra bẩy đứa là con người khác? – ông trưởng phòng vẻ không hiểu, đứng dậy bước ra khỏi bàn, ngạc nhiên nhìn Gútdencô. - Sao lại là con người khác? Bây giờ chúng là con tôi tất cả… Trẻ con bao giờ chẳng cần có bố. - À, ra thế… Thời buổi này mà tự gánh vào mình một gánh nặng như vậy! - Bọn chúng còn nhỏ, cũng là người… Tin này làm tất cả Taisét phải sửng sốt. Khi xếp hàng mua bánh mì, bên giếng nước, người ta trao đổi với nhau về anh chàng Gútdencô, một người lạ lùng, tốt bụng, hào phóng mà tham lam… Chuyện này được nhắc đến không kém phần sôi nổi so với chuyện cái chết vô lí của cụ Xuđacốp, ông nội Gôga mấy năm trước đây.