Tính ngày, tính tháng, chỉ còn vài bữa nữa là cuộc lương duyên của Trần Huyền Trân với quốc vương Chế Mân được tròn một năm. Khi công chúa bước chân vào vùng đất hai châu, và được quốc vương làm lễ tấn phong hoàng hậu với cái tên Champa mà nhà vua đặt cho: Paramecvari, thì đúng vào dịp tuần trăng tỏ. Tức vào khoảng trung tuần tháng năm. Cho tới nay, hoàng hậu với đoàn tùy tùng của Đại Việt cũng vừa ăn xong cái têt Đoan ngọ. Nhân ngày tết Đoan ngọ, ai nấy lại hồi nhớ về Thăng Long. Hòa thượng kể cho mọi người nghe về chuyện đức vua Anh tôn là người con chí hiếu, người biết đổi lỗi có một không hai trong các đấng minh quân...Làm dâu xứ này tới gần một năm, mà Huyền Trân vẫn chưa quen dùng Chàm lịch. Nàng vẫn cứ phải đối chiếu với lịch ta để tính ngày tính tháng. Để kỷ niệm một năm ngày hôn lễ của đức vua, các quan đã dâng biểu xin cho dân chúng kinh kỳ lại được mở hội hoa đăng. Nhà vua gạt phắt:- Năm ngoái, ta cho mở hội, là để mừng thiện chí của triều đình Đại Việt với vương quốc của ta, mà hoàng hậu Paramecvari là sứ giả. Còn năm nay, là việc riêng của ga đình ta. Các khanh nên lo tròn phận sự, lo chăn dân cho tốt, ấy là tấm lòng các khanh quí mến ta. Ta nói trước, mọi sự chi tiêu, tiệc yến, mọi sự sắm sanh tế lễ, từ nay các khanh không được tùy tiện làm theo lệ cũ. Ta sắp ban hành lệ mới, tất cả đều phải kiệm ước, thì mới mong giảm tô thuế cho dân được.Nhà vua đã bàn với hoàng hậu, sắp tới ngày vui đó, đích thân nhà vua sẽ đi săn lấy một con nai tơ, giết thêm vài con dê trong đàn dê của vườn ngự, để làm tiệc mời các quan.Huyền Trân không hào hứng lắm về bữa tiệc mà nhà vua đang sắp đặt. Vì nàng thấy trong lòng có gì bồn chồn. Nàng cứ nghĩ về nơi Yên Tử xa xôi, ở đó phụ hoàng tuổi già, sức yếu không biết thế nào mà lường được. Đang lúc trong lòng bất ổn, thì vào lúc chập choạng tối, một con gà mái trắng nhảy lên cành mẫu đơn cao nhất, quay đầu vào nhà cất tiếng gáy te te. Bích Huệ đã quăng cho nó một cây gậy đứt dời cổ, rồi đem chôn ngay tức khắc. Dù đã giết ngay được con gà gáy gở, Huyền Trân vẫn không bớt băn khoăn, lo lắng.Sáng ra, nhà vua vào tầu ngựa, thì con ngựa bạch của đức vua vẫn cưỡi, hí lên một hồi vang dội. Nghe tiếng hí của nó mới buồn thảm làm sao. Đức vua dắt nó ra khỏi tầu, nhất định nó không chịu ra. Nhà vua gọi tên giám mã làm việc đóng yên cương và chuẩn bị cho ngài vào rừng cùng với bầy chó. Nhưng tên giám mã không cách nào đưa được con ngựa ra khỏi tầu. Nó đá túi bụi, húc lung tung khiến tên giám mã không dám tới gần. Nhà vua ra lệnh cho đóng yên cương vào con ngựa bạch của hoàng hậu. Đến lượt con này, lại diễn ra y hệt con kia. Nó cũng hí lên một hồi dài buồn bã và chống đối quyết liệt, nhất định không chịu ra khỏi tầu ngựa.Mãi tới khi mặt trời lên cao, nhà vua mới dắt theo hai tên hầu cận và một con chó, đi săn ở một cánh rừng ngay cạnh lâu đài của nhà vua.Thường những cuộc săn ở các cánh rừng gần nhà, đức vua chỉ đi tới non chiều thì về. Nhưng khi mặt trời ngả bóng chỉ thấy con chó tớn tác chạy về, và trước đấy thì hai con ngựa bạch lại hí lên những hồi dài thảm thiết. Rồi chúng thúc tầu ngựa, lồng lộn đòi ra.Khi hoàng hậu Paramecvari rung lên hồi chuông báo động. Đội thiết kỵ trong đám cận vệ tâm phúc của nhà vua bèn xông thẳng vào rừng. Vừa lúc hai con ngựa bạch đã phá được tầu ngựa, chúng lao nhanh đi như một ánh chớp. Chính hai con ngựa bạch đã bay thẳng một lèo tới nơi đức vua nằm rũ dưới gốc cây đại thụ. Còn hai tên hầu cận cũng bị chết gục bên một khe suối. Cả đức vua, cả hai tên hầu cận bị chết, nét mặt đều xanh xám như người bị trúng độc.Tin dữ bay về triều đình. Hoàng hậu Tapasi ngơ ngác. Hoàng hậu Paramecvari ngất lịm ngay trên tay Bích Huệ, Thúy Quỳnh.Nhà sư Du Già cũng lập cập đến báo tin dữ cho hòa thượng Minh Thái.Hòa thượng Minh Thái bèn giơ cây thiền trượng huơ lên trời viết ba chữ “Thiên vô mục“ ( Trời không có mắt) ném cây gậy xuống chân, ông nói với hòa thượng Du Già:- Chúng nó giết quốc vương Chế Mân, có nghĩa là nước Chiêm Thành tự sát...........Viết xong tại Giảng VõNgày 19 tháng 5 năm Đinh mão (1987)