Trong thành Cổ Loa. Một bãi rộng và đường đi. Phía xa, một ngôi đền. Có thể thấy thấp thoáng bàn thờ nỏ thần. Trống đồng treo trên giá. Tiếng trống đồng trầm hùng, tiếng chuông đồng ngân rền. Lễ mừng đánh thắng quan Triệu Đà xâm lược. Mấy người dân ra. NGƯỜI DÂN 1: -Chúng ta đến chậm rồi. NGƯỜI DÂN 2: -Lễ tế thần nỏ hay lễ mừng chiến thắng nhỉ? NGƯỜI DÂN 3: -Thì lễ mừng chiến thắng dâng trước thần nỏ chứ sao. NGƯỜI DÂN 2: -Triệu Đà chắc cạch đến già, chẳng dám xâm phạm đến ta nữa đâu. Họ Triệu nhà nó mất Đà rồi. NGƯỜI DÂN 1: -Anh nghĩ thế à? Triệu Đà là đứa gian hùng, bụng dạ thâm hiểm, phản trắc. Trước đây khi còn ở dưới trướng Nhâm Ngao, hắn đã có bụng lật chủ. Kịp khi Nhâm Ngao chết, hắn tự lập làm chúa. Sợ vua Tần hỏi tội, hắn muốn dựa vào ta. Tần suy, hắn lập nước Nam Việt, định giương cờ tranh bá đồ vương. Nhưng khi hắn tập hợp lực lượng vừa đủ mạnh thì Lưu Bang đã nuốt xong Trung nguyên. Hắn quay lại định thôn tính nước ta mở rộng cương vực, bành trướng thế lực để hùng cứ phương Nam đối chọi với nhà Hán tiến tới làm chúa tể thiên hạ. Hắn học đòi làm Tần Thủy hoàng nhưng lại kém thế và kém thớ hơn nên phải cố vượt tiền bối hắn về mặt xảo trá. Chẳng phải mới thua ta mấy keo mà hắn đã chùn đâu. NGƯỜI DÂN 2: -Hắn khiếp vía vì nỏ thần rồi. NGƯỜI DÂN 3: -Tôi nghe nói nỏ thần là do thần Kim Qui báo mộng bày cho tướng quân Cao Lỗ chế ra. Thần dặn phải cất nỏ thần vào nơi kín đáo, thâm nghiêm, và lựa những người sử dụng cho cẩn trọng. Xem vậy thì không phải nỏ thần cứ mặc nhiên mà linh nghiệm mãi. NGƯỜI DÂN1: -Dân Âu Lạc ta chẳng phải từ khi có nỏ thần mới biết đánh giặc. Trước đây, dân ta đã từng đánh rã năm mươi vạn quân Tần, bêu xác tướng giặc Đồ Thư. Nhưng hồi ấy dân ta dùng cách đánh lén, đánh lẻ, đánh tỉa làm cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên, bị tiêu hao, kiệt quệ dần. Ngày nay, quân ta công nhiên đối mặt thắng lợi với quân Triệu Đà. Nỏ thần “liên châu” xuất hiện vào lúc nước ta quân đã thành đội ngũ tinh nhuệ, chiến thuyền đã thành đoàn san sát, thành Cổ Loa được dựng lên kiên cố và bí hiểm... NGƯỜI DÂN 1: -Phải, quân Triệu sợ nỏ thần thật, nhưng Triệu Đà không chỉ lo về nỏ thần mà thôi. (Ngừng lại lắng nghe) Tiếng trống ở đền nỏ thần lúc nào nghe cũng xao xuyến thôi thúc lạ. NGƯỜI DÂN 2: -Nghe nói là vật báu truyền quốc từ thời Hùng vương đấy. NGƯỜI DÂN 1: -Nước ta không hiếm trống đồng. Nhưng đây là Trống Cái, tương truyền do chính đức Hùng vương đúc nên. (Tiếng trống đổ hồi) Thôi chết! Lễ xong rồi. NGƯỜI DÂN 2: -Không kịp dự lễ thì chúng ta dự hội vậy. Nghe nói có thi bắn nỏ, đấu vật, đua thuyền và nhiều trò nữa. Tha hồ xem. Sân khấu trống một lát sau khi những người dân ra hết. Thục Phán và Lạc hầu vào, đang nói dở câu chuyện. THỤC PHÁN: -Khanh có cho là Triệu Đà thật bụng cầu hoà không? LẠC HẦU: -Tâu đức vua, ông ta tỏ vẻ nước đàn anh muốn hoà hiếu và giúp nước ta cùng cường thịnh. THUC PHÁN: -A hà! Giúp nước ta cùng cường thịnh à! Khanh có biết chuyện kể dân gian này không? Một gã sống cạnh một nhà đang chí thú làm ăn có cơ khá lên. Hắn ta được một vị thần ban cho một điều ước duy nhất. Hắn ước gì, khanh có nghĩ ra không? Hắn ước cho nhà hàng xóm lụn bại. Đó! Ông láng giềng của ta là vậy đó. Y mà không nuốt được ta thì tìm mọi cách kiềm chế ta, phá ta. LẠC HẦU: -Muôn tâu, thần cũng ngờ lắm; nhưng sứ Triệu nói Triệu vương rất phiền lòng vì các quan biên cảnh bên ta không chịu tự kiềm chế khiến hai bên hiềm khích mãi. Nghe nói Triệu vương thường phán rằng hai nước nên liên kết không nên chia rẽ. THỤC PHÁN: -Nói lạ! Ai gây sự? Ai luôn luôn quấy rối, lúc ngấm ngầm, lúc công khai? LAC HẦU: -Ông ta cũng hay phán: Ta là dòng dõi trung nguyên, chân chính quân tử, làm gì cũng quang minh chính đại, không giở mưu ma chước quỉ. Nên kiên trì hữu nghị, hợp tác mọi mặt, lo cho ổn định dài lâu và nghĩ tới mai sau. THUC PHÁN: -Hừm! bốn “nên”. Nghe tử tế gớm! LẠC HẦU: -Dạ, họ nói nhiều giọng lắm, ta khó mà bì kịp. Nhưng dẫu sao đây cũng là một dịp yên hàn. THUC PHÁN: -Thôi được! Để ta suy nghĩ và bàn với các khanh sau. (Định đi, lại quay lại) À này! Khanh thấy con trai Cao Lỗ thế nào? LẠC HẦU: (ngạc nhiên, dè dặt): Muôn tâu... cũng khôi ngô, chỉ phải cái hơi xốc nổi. THỤC PHÁN: -Độ tuổi hai mươi mà được thế cũng khá lắm rồi. Ta định chọn làm phò mã, ý khanh ra sao? LẠC HẦU (hơi biến sắc mặt): -Dạ,... công chúa cũng hãy còn nhỏ tuổi. THỤC PHÁN (cười): -Cũng chẳng nhỏ nữa đâu. Khanh về nhé. (Đi khuất về phía cung vua). LẠC HẦU (nhìn theo, mắt tối sầm lại): -Ôi! Nhà vua! Nhà vua! Sao thiên vị làm vậy? Trong việc phò tá nhà vua kế nghiệp vua Hùng, ta công lao kém gì Cao Lỗ? Không có ta nội ứng thì đã dễ mà Hùng Vương trao ngôi cho nhà vua! Con trai ta chững chạc là vậy, ăn đứt con trai Cao Lỗ. Ôi! Mộng lớn của cha con ta! Lạc hầu định đi thì Cao Lỗ vào. LẠC HẦU (vái): -Kính chào Cao tướng quân. CAO LỖ (vội đáp lễ): -Ấy chết! Ngài là Lạc hầu ngôi cao thân cận đức vua sao lại khiêm cung quá thế, khiến kẻ mọn này xiết bao bối rối. LẠC HẦU: -Tôi cúi mình trước vị tướng lừng danh đã xây nên thành Cổ Loa hùng vĩ này, đã mấy lần đánh tan quân Triệu xâm lấn bờ cõi Âu Lạc. CAO LỖ: -Xây lên thành, phá được giặc, trên là nhờ đức lớn nhà vua, dưới là nhờ công các quan, các tướng, sau nữa là sức của muôn dân. Cao Lỗ tôi chỉ biết hết lòng góp tài hèn, sức mọn mà thôi. LẠC HẦU: -Có thành này, có nỏ thần, có tướng quân, thần dân Âu Lạc có thể an tâm ăn ngon, ngủ sướng. CAO LỖ: -Tôi e những kẻ ôm tham vọng lớn ở phương bắc kia không chịu để yên cho ta làm ăn, nói gì đến ăn ngon ngủ sướng. LẠC HẦU: -Tướng quân không muốn hoà với Triệu à? CAO LỖ: -Nước ta có gây sự với họ đâu. Thế mà dân ta cứ khổ mãi với hết quân Tần lại đến quân Triệu.Trước mắt và lâu dài về sau còn bao việc phải lo toan: khai phá đầm lầy, rừng rậm, chống lũ, chống hạn, sao nước ta lại không muốn yên hưởng thái bình? Sống với một anh láng giềng xảo quyệt bụng dạ khôn lường thật khó. LẠC HẦU: -Triệu vương chịu cho con trưởng sang làm con tin kia mà. Nếu không nhận hoà thì họ có cớ để động binh mãi. Trăm họ cứ phải chịu điêu linh. Chi bằng ta cứ giao hiếu, một mặt cứ phòng bị chu đáo, có phải hơn không? (Nói riêng) Hòa hiếu thì những kẻ nắm binh quyền ít có dịp mà vênh mặt lên. CAO LỖ: -Lời bàn của quan Lạc hầu quả là có ý trông rộng nhìn xa. Nhưng có lẽ không nhận con tin mà hơn. (Ngừng một chút, đắn đo, rồi chuyển hướng câu chuyện) Thôi việc đó chờ đức vua bàn định. Tôi muốn ngài cho ý kiến về việc cử người lên ải bắc. LẠC HẦU: -Tướng quân định cử những ai? CAO LỖ: -Ngài thấy tướng Đống con trưởng Nồi hầu có được không? LẠC HẦU: -Đống thì khá đấy, nhưng chưa bằng lệnh công tử. Được cả hai cùng lên trấn ngự thì biên cương phía bắc sẽ vững như có trường thành. CAO LỖ: -Con trai tôi cũng còn trẻ người non dạ lắm. E rằng đức vua phân tâm. LẠC HẦU: -Tướng quân cứ vào thỉnh mệnh đi. Nếu cần, tôi xin góp lời tâu lên. CAO LỖ: -Bây giờ tôi phải đến gặp Nồi hầu. Kính ngài lại nhà. (Ra). LẠC HẦU (nhìn theo, mắt nheo lại, gật đầu luôn mấy cái): -Cao Cung phải đi xa mới được! Đó là lòng trời.