TẠI SAO BẮT TRẺ QUỲ?

“Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”- đó là câu ca trong dân gian nói về quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ - buổi đầu đời của mỗi một con người. Trong quá trình ấy, không, tuyệt nhiên không có tư thế quỳ.
Ấy vậy mà khi lớn lên, chính con người lại bắt con người... quỳ! Không thuộc bài: quỳ! Không nghe lời người lớn: quỳ! Quỳ trên nền gạch thôi chưa đủ, còn bắt quỳ lên gai mít, quỳ giữa trời nắng chang chang![1] (Gần đây, cá biệt có cô giáo còn áp dụng cả biện pháp... bịt miệng trẻ bằng băng keo nữa! – Thật khủng khiếp, thật man rợ!). Trưởng thành, con người lại dạy nhau “kinh nghiệm sống”: muốn tồn tại, muốn tiến thân, phải biết... quỳ - không phải quỳ theo nghĩa đen, mà là quỳ theo nghĩa bóng! Người ta gọi những người có được những địa vị không bằng thực tài của chính họ như thế, là những người biết đi bằng đầu gối. Không chỉ đi, họ còn biết uốn gối nữa! (Động thái này, thì các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cũng phải chào thua!).
Những người khảng khái, những người có tư chất – những người đích thực, thì trước bạo lực, thậm chí trước kẻ thù, cũng quyết không chùng gối! Nhà thơ Hữu Loan sinh thời đã từng viết: “Thế quỳ, thế đội, thế bò; gặp thời thế, thế mà chẳng thế!”. Trong trường hợp này, quỳ hay đội hay bò, đều là những hành vi giống nhau về mục tiêu, giống nhau về lối sống!
Trong các loài động vật, hình như chỉ có con voi, con trâu, con bò là phải quỳ trước khi đứng dậy - Chắc vì các con vật này to xác quá so với sức mang của đôi chân chúng? Con chó, tiếng thế, lại không có động tác ấy, ngay cả lúc chó đang nằm ngửa, khi đã đứng là đứng dậy liền!
Nhưng nói thế, hoàn toàn không có nghĩa cứ quỳ là xấu cả: phong tục nhiều nước, người ta có thói quen hơi khuỵu gối xuống một chút, khi gặp cấp trên, gặp người lớn tuổi. Đấy là một kiểu chào hỏi - một ứng xử hoàn toàn mang tính văn hóa! Trong lĩnh vực quân sự, có tư thế quỳ bắn - một trong những động tác bắn súng khi luyện tập, thi đấu thể thao cũng như trong chiến đấu. Quỳ bắn rõ ràng là một tư thế đẹp, dũng mãnh, tư thế của người anh hùng. Nhiều nước đã dựng tượng tư thế này của con người.
Thưa các nhà giáo dục! Vì tương lai tươi đẹp của thế hệ trẻ, xin các vị chỉ dạy cho trò của mình quỳ bắn trong những giờ luyện tập quân sự. Nhất quyết không bắt chúng quỳ - dù đó là quỳ theo nghĩa đen hay quỳ theo nghĩa bóng trong bất kì hoàn cảnh nào, với bất cứ lý do nào! Phải coi việc bắt học trò quỳ, cũng là một hành vi bạo hành giáo dục, bạo ngược con người!
Chú thích:
[1] Có một chuyện xảy ra từ thời học tiểu học, mà nay mỗi lần nhớ lại, chúng tôi – những ông lão đã ở tuổi thất thập, vẫn thấy xót xa: Một hôm, chẳng hiểu vì lý do gì, thầy giáo phạt bạn T quỳ ở bậc thềm trước cửa lớp. Hết giờ ra chơi, mọi người xếp hàng vào lớp, khi ngang qua chỗ T quỳ, không nhớ ai đầu têu, lần lượt mỗi đứa chúng tôi cốc lên đầu bạn ấy một cái. T phải chịu khoảng 50 cái cốc của bè bạn! Bây giờ T ở đâu? Còn sống hay đã chết? Không hiểu, những kỷ niệm đau đớn thời niên thiếu ấy, liệu có buông tha T trong suốt các chặng đường đời của bạn ấy? (Thư Trần Văn Thủy – tác giả phim tài liệu “Chuyện tử tế”).